15 tháng 1, 2013

Những ngôi sao sáng mãi

Bài viết của 
NS Trần Mùi                                                       
  
Quả thật, từ lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một chương trình làm cho trái tim tôi thổn thức và xúc động đến như vậy..Cũng là những bài hát truyền thống ấy nhưng ở vào một không gian, thời gian nào đó… thì sự xúc động ấy có,  nhưng ở một cấp độ nào đó… và người trong cuộc lại nhớ tới một quá khứ - trong đó mình là một chứng nhân…
Nhưng với chương trình “Những ngôi sao sáng mãi” và “Mãi mãi khúc quân hành” của Nhà hát Ca Múa Nhạc VN biểu diễn trong buổi Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” hôm 22.12.2012 tại Hà Nội thì chương trình này được đẩy lên ở một cấp độ cao hơn trong tâm hồn và suy nghĩ của những người tham dự hôm ấy : Sự thổn thức, nhớ nhung, sen lẫn bi thương về một quá khứ lửa khói anh hùng ngày nào.
Cả nhà hát im lặng, trong sự im lặng ấy tôi biết rằng, tận đáy sâu của tâm hồn mỗi người đều dâng dâng một niềm xúc cảm dạt dào, mãnh liệt ví như những đọt sóng cuồn cuộn dâng tràn trong buổi tối hôm ấy với nhiều nỗi :
Nhớ,
Thương,
Tự hào và ấn tượng..

“Những ngôi sao sáng mãi” của đêm diễn đầu tiên nằm trong chuỗi 4 đêm chương trình nghệ thuật chào đón Danh hiệu được diễn ra tại Nhà hát Âu Cơ.
Với chủ đề như trên, mọi người có thể hiểu đây là chương trình nhằm tôn vinh những nghệ sĩ các thời kỳ của Nhà hát.
Chủ đề xuyên suốt cùng với phần biểu diễn đan xen của lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay.

Đêm ấy, chúng ta bắt gặp lại những khuôn mặt thân quen, những ngôi sao sáng của một thời thế hệ nghệ sĩ. Họ đươc giới thiệu và được tôn vinh rất trân trọng. Những bó hoa tươi thắm của mùa đông Hà Nội càng mặn mà màu sắc hơn, trên ngực mỗi người lấp lánh phiên bản Huy chương “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” do Nhạc sĩ Quang Vinh Giám đốc Nhà hát trao tặng lại càng có ý nghĩa hơn trong tiếng nhạc hào hùng của bài hát “Tổ Quốc Việt Nam”…
Nghệ sĩ ca Phương Thảo là người được MC phỏng vấn đầu tiên. Chị nói về tốp ca nữ của Đoàn Ca Múa nhân dân TW ngày ấy, chị giải thích tại sao tốp ca này lại có biệt danh là tốp ca nữ “Tên lửa”…
Đã lâu lắm rồi, có lẽ 40 năm rồi… Hôm nay tôi mới gặp lại các chị.
Ôi, Kim Quy, Vũ Dậu, Phương Thảo cho đến Thanh Huyền rồi Quỳnh Giao, Bích Liên tới Minh Nguyệt…ngày nào trẻ trung xinh đẹp thế mà hôm nay các chị đã là Ông là Bà của những thế hệ con, cháu….
Các chị vẫn trong sáng hồn nhiên hát như ngày nào “Bài ca may áo”. Ca sĩ Thanh Huyền chất giọng vẫn đậm đà sâu lắng với bài “Mẹ yêu con”.
“Trường Sơn nhớ Bác” được những chàng trai tốp ca nam của thời Đoàn Ca Múa NDTW với “Hò kéo pháo” “Bài ca người săn máy bay” đã làm rung động trên sân khấu Nhà hát Lớn thì hôm nay, trong bộ quân phục màu xanh của cỏ cây, mái đầu ai ai cũng bạc trắng họ lại say sưa hát những bài hát dấu ấn của ngày ấy.
Nghệ sĩ Vũ Dậu hát “Anh ở đầu sông em cuối sông” một bài hát đã làm nên tên tuổi của chị. Chúng ta lại gặp Mạnh Hà với đoạn Clip được quay khi anh hát tại trận địa cao xạ pháo thì tối nay với một Mạnh Hà chững chạc, vững vàng hơn khi hát “Hát mừng các cụ dân quân”. Trước khi hát, anh nói : “ Tôi xin phép đổi tên bài hát là hát mừng các cụ Cựu Nghệ sĩ” trong tiếng cười thú vị của mọi người.. Quang Thọ “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. Quang Huy “Đất nước”. Lệ Quyên từ nước ngoài trở về, chị không hát mà lại ngâm bài thơ “Quê hương”. Kiều Hưng cũng từ nước ngoài trở về, sức khỏe của anh có phần kém đi nhiều bởi mới đây anh bị tai biến nhưng vẫn cố gắng ra sân khấu hát “Bài ca trên núi”, song ca với Thu Hiền “Người đi xây hồ Kẻ gỗ” những luyến láy, lấy hơi của anh vẫn mềm mại, chuẩn xác, âu cũng là một điều ngạc nhiên xúc động với người dự đêm đó.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nói tới các cựu nghệ sĩ muá, bởi đội múa của Đoàn thuở ấy là một thế mạnh với nhiều nghệ sĩ trẻ, đẹp có tay nghề cao…Như Chu Thúy Quỳnh, Bích, Oanh, Lệ Hằng, Vân Quyên, Nguyệt Nga, Mỹ Vân, Nguyệt Ánh, Đàm Minh, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Cao Minh, Viết Việt, Quan Vi Đạt…
Cảm động bao nhiêu khi nhìn thấy nghệ sĩ múa Anh Nghiêm một trong những con chim đầu đàn của đội múa khi ra sân khấu để mọi người tôn vinh, anh vẫn mặc sẵn cái quần rộng thùng thình của “Tuần đuốc” để cho kịp khi biểu diễn. Hình ảnh ấy đã làm tôi xúc động bời lòng yêu nghề, nhớ nghề, sự tận tụy của anh mà lớp trẻ phải noi gương.
Trong lời nói, đôi lúc ngưng lại vì xúc động. Nghệ sĩ múa Thúy Quỳnh nhớ lại những kỷ niệm đầy tự hào của những tháng năm gian khổ cho đến ngày hôm nay. Vinh quang cùng sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đã đến, gặp lại những nghệ sĩ đã từng gắn bó với chị hôm nay… Chị lại nhớ tới Mạnh Hùng, nghệ sĩ múa là đồng nghiệp và cũng là người chồng thủy chung của mình.
Giờ phút vinh quang này không có anh cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã ra đi. Nhưng tôi nghĩ : Các anh, là những con chim đầu đàn của Nhà hát này có thể vui và mãn nguyện bởi sự đóng góp của mình đã đơm hoa kết trái cùng sự đi lên của thế hệ nối tiếp…Hôm nay đây, trong giờ phút vinh quang này, mọi người vẫn luôn nhớ và ghi ơn các anh, các chị. Như thắp lên những nén nhang thơm kính dâng lên những nghệ sĩ tiền bối trong niềm nhớ thương và kính trọng nhất.
“Những ngôi sao sáng mãi” còn đan xen với phần biểu diễn của lớp nghệ sĩ trưởng thành sau này như phần độc tấu Sáo, Bầu, Nhị của các nghệ sĩ  Mạnh Hùng, Trần Chính, Xuân Hoạch, Quốc Hùng, Thanh Sơn, Ngọc Xuyên, Xuân Anh, Tiến Đức, Đức Liên, Đinh Linh, Văn Ngư, Xuân Chung, Thanh Chung, Cựu NS Ngọc Hướng, Xuân Bình, Thái Bảo, Hoàng Thịnh, Trường Giang… người xem cảm nhận về sự kết nối giữa các thế hệ nghệ sĩ đến nhuần nhuyễn và hợp lý (không chỉ là nghệ thuật đơn thuần)… của đạo diễn và biên tập chương trình.
Những cựu nghệ sĩ của ban nhạc, sáng tác, chỉ huy tuy không hay ít hiện diện trên sân khấu, nhưng lại là những nghệ sĩ vô cùng quan trọng quyết định về phần âm nhạc có thể nói đó là linh hồn của đêm diễn.
Các Nghệ sĩ Violon Lưu Tuấn, Đỗ Nhự cũng như sự có mặt các nghệ sĩ nhạc như Trịnh Lễ, Đình Toàn, Bùi Phú, Hữu Xuân, Xuân Tứ, Hồng Quang, Phạm Kiếm, Thế Viên, Trần Mùi, Trần Quý, Trọng Bằng, Thế Vinh…quây quần tay bắt mặt mừng trong ngày hội ngộ…
Tiếng hát cao vút và trong trẻo của em bé gái xuất hiện tay trong tay người lình già cùng với các thế hệ nghệ sĩ củng hát vang : “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ, ta ca vang triền miên qua tháng ngày, lượn bao trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa. Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta, Vẫn hát khúc quân hành ca” kết thúc đêm biểu diễn đầy ý nghĩa. Thế hệ anh hùng nối tiếp thế hệ của ngày hôm nay…vang vọng trong đêm cuối năm của mùa đông Hà Nội 2012 đã đem tới cho mọi người những cảm xúc dâng trào khó tả…
“Những ngôi sao sáng mãi” đêm 20.12.2012 còn thiếu vắng nhiều nghệ sĩ (đã mất, đau ốm hay ở xa không có điều kiện dự) nhưng mọi người vẫn nhắc và nhớ tới họ. Trong khuôn khổ bài viết này, chưa nêu tên đầy đủ hết các anh các chị có mặt ngày hôm đó bởi sự xa cách giữa chúng ta đã quá lâu, thời gian đã làm thay đổi trong từng người và sự chộn rộn đông đúc của ngày gặp gỡ không cho phép mọi người có cơ hội tiếp cận nhau…
Qua chương trình “Những ngôi sao sáng mãi” “Hát tiếp khúc quân hành”.
Chúng ta ghi nhận rằng : Thế hệ lãnh đạo hiện nay của Nhà hát Ca Múa Nhạc VN đã có những suy nghĩ, hành động vô cùng tốt đẹp và  đáng trân trọng..
Đó là sự Thủy chung, Tình nghĩa “Uống nước Nhớ nguồn” “Ăn quả Nhớ kẻ trồng cây” mà Ông cha ta đã dạy.
Đó là sự tôn vinh, kính trọng với các thế hệ nghệ sĩ của các thời kỳ và cũng là lẵng hoa dâng lên với những người đã khuất.
Và điều quan trọng hơn : Đó là niềm tự hào bởi quá khứ lẫy lừng của những thế hệ đi trước cùng thế hệ hôm nay cùng vun đắp để Nhà hát Ca Múa Nhạc VN đơm hoa kết trái…

  Tp.HCM, tháng Giêng năm 2013    
 NS Trần Mùi

“Hát mãi khúc quân hành”
một chương trình nghệ thuật nhiều cảm xúc 

Những câu hát cứ được nhắc đi nhắc lại : “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca”…được xướng lên từ các thế hệ nghệ sĩ khi kết thúc đêm biểu diễn nghệ thuật đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang” vẫn còn âm vang trong đầu của tôi cho tới tận hôm nay…
“Hát mãi khúc quân hành” như một câu chuyện kể bằng những hình ảnh kết hợp với phần trình diễn của các nghệ sĩ được tái hiện một cách sống động. Âm nhạc được chọn một cách kỹ càng kết hợp nhuần nhị những hình ảnh của video clip tư liệu với âm thanh cùng hiệu ứng của ánh sáng tạo nên sự sống động, hấp dẫn trên sân khấu.
Đạo diễn và Biên tập của chương trình đã lật lại những sự kiện từng giai đoạn trong 61 năm trôi qua nhưng chỉ cô đọng lại khoảng một giờ đồng hồ, đủ cho mọi người có thể cảm nhận  được về quá khứ tự hào này…

Chuyện kể rằng : Ngày ấy bên bờ sông Lô hiền hòa có một Đoàn Văn công…

Bài hát “Trường ca sông Lô” cùng dàn nghệ sĩ múa với những cành lá Cọ minh họa đã cho người xem trở lại với dòng sông Lô với “Rừng cọ đồi Chè” của miền Trung du Bắc bộ nơi khai sinh ra Đoàn Văn công TW thưở ấy rồi tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Pháp với “Hò kéo pháo” tới niềm vui của quân dân miền Tây Bắc trong điệu múa Sạp mừng “Chiến thắng Điện Biên”…và “Tiến về Hà Nội” với “Người Hà Nội” bước tiếp sang một trang sử mới đau thương nhưng bất khuất anh hùng của 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
Hình ảnh của từng chiếc máy bay B52 lừng lững cất cánh rời đường băng và bom rơi xuống Hà Nội trút tang tóc xuống người dân lành thủ đô khiến tôi – người đã từng nhiều lần bị B52 tại chiến trường miền Nam ngày nào phải dật thót người…một cảm giác nặng trĩu, con tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực bởi hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng hiện đại.
Tôi có cảm giác như mình đang sống trở lại thời kỳ bom đạn ấy…với “Cây gậy Trường Sơn” “Cô gái mở đường” cho đến bài “Chào em cô gái Lam Hồng” và kết thúc “Giải phóng miền Nam”…nhắc nhở về một thời tuổi trẻ vô tư, trong sáng đầy nhiệt huyết với miền Nam ruột thịt, với gian khổ ác liệt của chiến tranh mà trong lòng đang dâng lên nhiều nỗi niềm khó tả… trong buổi tối thưởng thức nghệ thuật hôm nay…
Nhà hát Ca Múa Nhạc VN đã dàn dựng một chương trình nghệ thuật công phu, nhiệt huyết và thật có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay… cũng là để nhắc nhở với thế hệ của ngày hôm nay : Đừng bao giờ quên lãng quá khứ, một quá khứ mà biết bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, nếu không nói : Chúng ta đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mới có được như ngày hôm nay.
Hãy nâng niu bảo vệ và gìn giữ, âu cũng là sự biết ơn với những thế hệ đi trước.
  Tp.HCM, tháng Giêng năm 2013    
 NS Trần Mùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới