23 tháng 8, 2016

Di tích lịch sử Thanh Hóa đôi điều mạn phép

Trung tuần tháng Tám 2016, từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm đồng đội cũ ở Thọ Xuân Thanh Hóa, tôi được bạn đưa đi thăm viếng một loạt các di tích lịch sử nổi tiếng của vùng đất này. Đó là Khu di tích Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai và Đền thờ Lê Hoàn. Khỏi phải nói nhiều về giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn và quí giá của những khu di tích lịch sử ấy bởi ai đã từng một lần đặt chân đến, kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm trước điện thờ của những người anh hùng dân tộc đã viết nên những trang sử hào hùng của đất nước ta đều lấy làm tự hào và xúc động.
Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, từ xưa đến nay đều lắm nhân tài. Bởi thế người viết bài này không dám nói là góp ý mà chỉ dám mạn phép nói đôi điều suy nghĩ sau khi đã được thăm viếng từ Di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Lai đến Đền thờ Lê Hoàn. Đứng ở góc độ của bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các khu di tích cũng như khai thác thành những điểm tham quan, du lịch mang đậm giá trị tâm linh và nhân văn, thiết nghĩ cả ba khu di tích trên cần có sự chỉnh đốn lại cho hợp lí hơn.
Ở khu di tích Lam Kinh
Có lẽ với tên gọi “Khu di tích” thì có phần quá khiêm tốn (nghe nói trước đây còn gọi là khu phế tích). Lam Kinh là một cố đô bề thế và hoành tráng của triều đại nhà Hậu Lê do Hoàng đế Lê Lợi – Lê Thái Tổ sáng lập và dựng nghiệp. Khu di tích cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng đặc biệt này rộng đến 200 ha với cấu trúc đầy đủ của một kinh thành phong kiến thời trung cổ (thế kỉ thứ XV). Kinh thành Lam Kinh có đầy đủ cổng Ngọ môn, có sân rồng và chính điện với thềm rồng và Thái miếu… Vậy tại sao không gọi là Hoàng thành Lam Kinh cho xứng tầm? Về mặt ý nghĩa và đặc điểm lịch sử thì Hàng thành Lam Kinh cũng không khác gì Hoàng thành Thăng Long hoặc Hoàng Thành triều Nguyễn ở Huế. Đó là chưa nói ở Hoàng thành Lam Kinh còn được che phủ bởi những rừng cây cổ thụ, tự nhiên mà trong đời sống đô thị hóa ngày nay, du khách muôn nơi tìm đến đều phải khát thèm và ngưỡng mộ. Vì thế nên gọi ngay khu di tích Lam Kinh là Hoàng thành Lam Kinh, không chỉ ngoài đời sống mà cả trong sách vở, văn bản hành chính cho xứng tầm.
Trong Hoàng thành Lam Kinh đang tồn tại những câu chuyện có thật rất thiêng liêng như cây ổi biết cười trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ, cây Lim hiến thân trên nền chính điện và cây Đa Thị như một thiên tình sử cảm động. Sự tích về ba cây thiêng trên sẽ hút hồn du khách khi đặt chân đến Hoàng Thành vậy sao Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh không đặt những tấm bảng ghi lại nội dung sự tích những nơi có cây thiêng để giúp du khách có những giây phút lắng lòng bồi hồi xúc động và cảm thấy thiêng liêng khi trở về với chốn cội nguồn lịch sử này.
Một khiếm khuyết đáng kể nữa là ở Hoàng thành Lam Kinh rộng đến hàng trăm ha, các lăng miếu, nhà bia... nằm cách nhau khá xa với nhiều rất lối đi, lối rẽ nhưng hầu như không có tấm bảng sơ đồ tổng thể ở ngoài cổng cũng như các lối đi không có biển chỉ đường khiến du khách lúng túng khi thăm viếng.    

Cây ổi cười bên Lăng Lê Thái ổ Lê Lợi. 

Năm 2013, cây Đa Thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó

Trong các công trình được phục dựng, chúng tôi thấy đã khá hoàn chỉnh và hợp lí. Tuy nhiên ở nơi này còn thiếu một pho tượng đài của Lê Thái Tổ - Lê Lợi. Đó phải là một pho tượng hùng vĩ bằng đá hoặc bằng đồng cao hàng chục mét đặt giữa sân chính điện, ngay khi bước qua cầu Bạch hay còn gọi là Tiên Loan Kiều là du khách đã được ngửng đầu kính cẩn chiêm bái bức tượng của nhà vua vĩ đại. Đó cũng sẽ là nơi du khách khi đến thăm viếng Hoàng thành đặt hương dâng hoa lên Vua Lê Thái Tổ.

Ở nơi sân Chính điện này còn thiếu một pho tượng đài hùng vĩ cao hàng chục mét của Lê Tái Tổ - Lê Lợi.

Có một điều rất chướng tai gai mắt với du khách là ngay từ mấy trụ cổng đá ngoài cùng của Hoàng thành Lam Kinh, không biết ai đã cho treo căng ngang một cái băng rôn với khẩu hiệu “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản góp phần phát triển du lịch bền vững” bên cạnh là logo của ngành du lịch Việt Nam. Thật là một sự tuyên truyền thô thiển và kệch cỡm. Thiếu gì chỗ để treo cái khẩu hiệu bình thường nếu không nói là tầm thường ấy mà phải giăng ngang nó giữa chốn linh thiêng của một triều đại lịch sử oai hùng ngay ngoài trụ cổng uy nghi và thâm nghiêm xây bằng đá tảng rất cổ kính. Chính cái băng rôn treo một cách thô thiển ấy đã làm mất đi giá trị lớn lao của di sản lịch sử do cha ông ta để lại. Tháo ngay cái băng rôn ấy xuống là việc cần làm ngay của ngành văn hóa và du lịch Thanh Hóa.

Cái băng rôn với khẩu hiệu “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản góp phần phát triển du lịch bền vững” bên cạnh là logo của ngành du lịch Việt Nam. Thật là một sự tuyên truyền thô thiển và kệch cỡm (ảnh chụp ngày 16/8/2016). 

(Còn tiếp...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới