16 tháng 8, 2016

Viếng Hoàng thành Lam Kinh

7h sáng nay tôi từ biệt Hà Nội lên chuyến xe giường nằm chạy từ Giáp Bát về thẳng cổng nhà Lê Quang Phương ở Thọ Xuân. Mới10h30 đã đến. Chỉ hết có 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi không nghĩ là nhanh đến thế.  Nhờ có đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đấy.
Tôi mang ba lô bước vào căn nhà quen thuộc của Phương ở ngã ba Tây Hồ (Tôi đã đến nhà Phương một lần hồi tháng 4 năm 2015). Ra đón tôi là những ban học thời đại học và cũng là những đồng đội từ thời C20 F341: Đinh La (Như) Xuyên từ Nga Sơn vô, Lê Đăng Sơn và Lê Ngọc Sáng từ TP Thanh Hóa lên, riêng chủ nhà Lê Quang Phương ra sau cùng với đôi đũa bếp trên tay (do vợ đi nuôi cháu ngoài Hà Nội đã mấy tháng nay nên hắn phải thân chinh đi chợ nấu ăn thết đãi bạn bè). Hồi ở C20, cả mấy thằng lính sinh viên chúng tôi đều cùng ở một tiểu đội gọi là A10, thân thiết với nhau không thiếu một trò ma qủi nào là không có.
Chào hỏi bằng những cái đấm lưng, bá vai bá cổ xong, tôi chỉ kịp quẳng cái ba lô xuống là ngồi luôn vô chiếu. Phương thế mà giỏi. Vợ đi vắng nhưng hắn vẫn làm cả một mâm với 5-6 món nhậu tươm tất (trừ nồi cơm sống nhăn và nhão nhoét).
Tôi rút trong ba lô ra chai Chivas 18 của Uông Ngọc Dậu cho từ Hà Nội tối qua với lời nhắn: Cho em gửi lời chào đến bạn bè anh ở Thanh Hóa và gửi luôn chai rượu này để anh và bạn bè trưa mai thêm phần vui vẻ. Có một chai rượu ngon kèm theo hai thẩu loại 10 lít ngâm hoa phù dung núi và một két bia Thanh Hóa của Phương chuẩn bị sẵn nên cả bọn đúng là có một bữa uống lên bờ xuống ruộng.


Trái sang: Lê Ngọc Sáng, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn và Đinh Như Xuyên

Trái sang: Lê Ngọc Sáng, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn và chủ nhà Lê Quang Phương

Tôi cũng chẳng biết mình lăn ra ngủ từ lúc nào nhưng tỉnh dậy thì thấy Lê Sơn, Xuyên và Sáng đã về hết từ đời nào. Còn lại tôi và Phương hai thằng đi xe máy lên khu di tích lịch sử Lam Kinh cách nhà Phương 12 km để thăm viếng lăng mộ vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi và các đời vua khác của triều đại nhà Hậu Lê ở thế kỉ thứ XV. Dọc đường trời mưa như trút nhưng lạ thay khi vừa đến cổng khu Lam Kinh thì trời tạnh ráo hẳn. Có vẻ như các bậc tiền nhân đời nhà Lê cũng thương tình hai thằng con dân nước Việt có chút lòng thành là tôi và Phương mà khiến trời ngớt mưa chăng.
Lê Quang Phương cho tôi biết Hoàng thành Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu. Cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu... nguy nga tráng lệ. Đây đúng là một Hoàng thành, sao lại chỉ gọi đơn giản là khu di tích lịch sử làm giảm giá trị hẳn đi nhỉ. So sánh với điện thờ vua Quang Trung ở Tây Sơn, Bình Định thì tôi thấy khu Hoàng thành Lam kinh thật hơn rất nhiều và linh thiêng cũng hơn rất nhiều. 
Toàn bộ Hoàng thành Lam Kinh rộng khoảng 200 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua Hậu Lê và cả những khu rừng tự nhiên xanh tốt.
Tôi ra Bắc lần này với quyết  tâm về Thanh Hóa lên lại Hoàng thành Lam Kinh không chỉ để được thắp hương vái lạy các vua nhà Lê mà còn để thăm lại kí ức tuổi thơ tôi hồi Tết Mậu Thân năm 1968, khi còn học lớp 8 ở Trường cấp 3 Thọ Xuân 1 đã cùng thầy trò toàn trường lên đây ở lại 3 ngày để trồng cây phủ kín màu xanh cho khu kinh thành cổ này.
Cây tôi trồng ngày ấy không nhớ là cây gì và nay có còn lại cây nào không nhưng toàn bộ khu Hoàng thành Lam Kinh ngày nay thì lọt thỏm trong xanh ngát những cây lim cổ thụ và rừng cây tự nhiên thâm u cổ kính.
Hai thằng tôi mua sắm đồ lễ gồm bánh gai và chè lam cung kính dâng lên điện thờ và lăng Lê Thái Tổ cùng các đời vua nhà Hậu Lê. Khi hóa vàng nhìn khói hương nghi ngút tôi chợt nhớ ra hôm nay cũng đúng vào dịp rằm tháng Bảy, mình về Lam Kinh thắp hương khấn vái vua Lê. Thiệt là có thêm phần ý nghĩa.
Đi viếng và thắp hương cho hết các điện thờ và lăng mộ khu Lam Kinh cũng phải hơn một tiếng. Trong trời chiều âm u của tiết rằm tháng Bảy, trong cái cổ kính của kinh thành xưa, khi đứng trước văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi biên soạn, tôi chợt rùng mình. Nhìn cả khu rừng và lăng mộ trong chiều tối, chỉ có mỗi hai thằng tôi thơ thẩn đi hết điện thờ này sang nhà bia khác. Và chúng tôi chợt nhớ câu:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan mà cảm thấy lòng trào lên xúc động.
Tôi đã khấn to thành tiếng trước nấm mộ xây hình vuông rất to của Lê Thái Tổ - Lê Lợi, cầu mong cho đức vua cùng quần thần ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu và phù hộ cho đất nước Việt Nam đời đời hưng thịnh, con dân nước Việt được đời đời an hưởng thái bình.
Lê Quang Phương nghe xong khấn bổ sung thêm: Và tiêu diệt sạch sành sanh bọn lãnh đạo tham nhũng. Tính thằng này thế, rất cực đoan, cái gì cũng phải thật triệt để mới chịu.
Từ biệt Hoàng thành Lam Kinh, chúng tôi chạy xe lên đường Hồ Chí Minh tìm đến nhà hàng rất lớn có tên Lam Kinh ăn cơm với món canh cá lăng bắt từ sông Chu lên. Rất ngon.
Ăn xong chúng tôi quay lại Hoàng thành tìm đến một khách sạn có tên Lam Kinh gần với khu kinh thành nhất lấy phòng ngủ lại. Thực ra thì chỉ đi 12 cấy số là đã về nhà Phương ngủ nhưng mục đích của chúng tôi là ngủ lại trước kinh thành này để được sống và hít thở thêm không khí từ thời cổ xưa để lại với những vị vua yêu nước của một triều đại oai hùng từng đánh thắng quân giặc nhà Minh - Trung Quốc xâm lược ở thế kỉ thứ XV. Một triều đại có rất nhiều người tài mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi.
Vậy là tôi đã có thêm sự mãn nguyện với chuyến du lịch suốt 10 ngày này.


Hai thằng tôi vừa đến cổng Hoàng thành thì trời tạnh hẳn mưa

Tôi cung kính dâng hương vái lạy trước điện thờ  vua Lê Thái Tổ  - Lê Lợi


Lê Quang Phương khấn Đức Lê Thái Tổ

Cầu Bạch dẫn vào chính điện

Chiều tà trước chính điện

Lê Quang Phương trước chính điện

Cây đa thị trong khu chính điện 

...Là một cây cổ thụ rất thiêng gắn liền với một sự tích về tình yêu

Mộ vua Lê Lợi

Tôi kính cẩn thắp hương dâng lên ban thờ trước lăng Lê Thái Tổ

Tôi đã khấn to thành tiếng trước nấm mộ xây hình vuông rất to của Lê Thái Tổ - Lê Lợi, cầu mong cho đức vua cùng quần thần ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu và phù hộ cho đất nước Việt Nam đời đời hưng thịnh, con dân nước Việt được đời đời an hưởng thái bình.

Lê Quang Phương khấn bổ sung thêm: Và tiêu diệt sạch sành sanh bọn lãnh đạo tham nhũng.

Dâng đồ lễ và cúng xong ...

Chúng tôi hóa vàng

Rồi xin lộc và ra về...

Trên con đường mòn trong rừng giữa chốn u tịch khi mặt trời đã lặn. Khung cảnh này chống chỉ định với những ai sợ ma, sợ bóng sợ gió

Về khách sạn Lam Kinh nghỉ lại tôi ngồi gõ những dòng này còn LQP chụp hình tôi 
      

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới