28 tháng 12, 2014

Về lại Long Khánh



Thật ngẫu nhiên mà chỉ mới thứ 7 tuần trước tôi ra Trảng Bom đến NTLS cuả huyện này thắp hương cho người đội Hoàng Huy Tụng, thì chủ nhật hôm nay lại đi tiếp về hướng đó để ra chơi thăm bạn bè là học trò cũ của bà vợ ở thị xã Long Khánh. Cả 2 địa danh huyện Trảng Bom và TX Long Khánh đều cùng trong một tỉnh Đồng Nai, đều cùng là vùng đất của chiến trường xưa 39 năm về trước của F341 của tôi. Tính ra, trước 30 tháng 4 năm 75, tôi đã ở đất Long Khánh này đến cả tháng. Chuyện đánh đấm chết chóc nói nhiều thế đủ rồi, nay không nói nữa.
Tôi chỉ muốn nói rằng, trước 30 tháng 4 năm 75, thì Long Khánh là một tỉnh độc lập với tỉnh Đồng Nai bây giờ, trong đó Xuân Lộc là  một huyện thuộc tỉnh Long Khánh. Sau ngày giải phóng với bao biến đổi tầm cỡ tang thương ngẫu lục của chính quyền mới, thì cả Long Khánh cùng Xuân Lộc được nhập vô với tỉnh Đồng Nai. Trong đó Long Khánh được nâng cấp thành thị xã, còn Xuân Lộc tách ra khỏi Long Khánh để thành một huyện khá lớn.
Hôm nay tôi đã đi qua tòa nhà trước đây gọi là Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh. Một tòa nhà 2 tầng lợp ngói giản dị của cái gọi là chính quyền Mĩ -Ngụy to không bằng một trụ sở cấp xã ngày nay và chỉ bằng 1/10 cơ ngơi tư dinh của tay tham nhũng cỡ bự tổng Truyền ở Bến Tre đang làm dậy sóng dư luận.
Di tích lịch sử Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh trước 30-4-1975, không bằng 1/2 trụ sở xã ngày nay và chỉ  nhỉnh hơn cái nhà văn hóa làng Thọ Lộc ở quê tôi một chút (ảnh: từ Internet) 

Tuy chỉ là một ngôi nhà chính quyền rất nhỏ như thế nhưng 39 năm về trước, nó từng làm đủ chức năng của cái gọi là cả một hệ thống chính trị ngày nay. Trong đó ít nhất bao gồm cả một tỉnh ủy, một UBND tỉnh, một bộ chỉ huy quân sự tỉnh... và rất nhiều các tổ chức hội đoàn khác... chỉ do một viên trung tá làm tỉnh trưởng. Trong đó ngày trước chắc chắn cũng không có một tiến sĩ, thạc sỹ nào. Một bộ máy rất gọn nhẹ như thế dư sức để dân nuôi nó bằng tiền thuế (chứ không phải là nói như ông Dương Trung Quốc về một bộ máy cồng kềnh không dân nào nuôi nổi như ngày nay) .
Tòa nhà hành chánh tỉnh Long Khánh ấy nay được thị xã Long Khánh bảo tồn y nguyên và trở thành một di tích lịch sử của thị xã. Tôi vẫn chưa quên câu chuyện chiến tranh của cách đây 39 năm. Từ Long Khánh, Xuân Lộc, trở vào cho đến Trảng Bom, Hố Nai...hầu hết cư dân đều theo đạo thiên chúa và di cư từ miền Bắc vào từ 1954. Vì thế ở những nơi này nhà thờ to và nhiều đến mức đếm không hết, nó cứ san sát nhau.  Khi quân ta tiến tiến vào Long Khánh, quân địch đa số rút chạy vào Trảng Bom, số còn lại cố thủ trên các tháp chuông nhà thờ và dùng súng máy bắn xuống quân ta đang chạy dọc các đường phố, làm chết rất nhiều chiến sĩ.  Khi bộ đội ta bắt được một tên thượng sĩ làm xã trưởng nói giọng Bắc rất chuẩn với khẩu AR15 đã hết đạn trên tay nòng còn khét lẹt mùi thuốc súng. Hỏi hắn sao mày không bỏ chạy mà lại bắn bọn tao hăng thế. Hắn trả lời: Tôi không bắn sao được khi 20 năm trước, bọn tôi đã bỏ lại cho các ông cả một miền Bắc để chạy vào đây sinh sống, cớ sao các ông còn vào đây xâm lược. Hắn nói chưa dứt câu, cả một lọat đạn  AK từ trên tay một chiến sĩ ta nổ vang đã làm hắn gục xuống như một cây chuối. Cũng  như sau đó chục ngày, khi vào đến Sài Gòn, có một ông trung niên nhìn vẻ rất sang trọng đã hỏi tôi: Thằng Mĩ nó tốt thế sao các anh lại đuổi nó đi. Các anh không biết là nhiều nước trên thế giới đang mong được làm đồng minh với Mĩ mà vẫn chưa được đấy. Lúc ấy tôi nghe mà sôi máu nhưng bây giờ ngẫm lại thấy cha nội đó nói có lí.
 Sau cả chục ngày chiến đấu ác liệt ở Xuân Lộc, Long Khánh, những người lính bộ binh của F341 đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc tòa hành chánh của ngụy quyền Long Khánh này. Đó là một trong những nốt son chói lọi của sư đoàn tôi, F341 ngày ấy.
Hôm nay tôi đã đi trên con đường rất đẹp của TX Long Khánh mang tên 21-4, là ngày tỉnh Long Khánh được giải phóng. Trên xe có nhiều người đang cười nói vô tư, chỉ mình tôi âm thầm xúc động.

 Chợ Long Khánh. To nhưng vắng người vì không còn là một cái chợ truyền thống


                                  Viện Kiểm sát ND thị xã  Long Khánh



       Thị xã Long Khánh gắn liền với những rừng cao su nổi tiếng của miền Đông



Trên đường về, lại đi qua NTLS Trảng Bom, nhớ Hoàng Huy Tụng, tôi bấm vội một kiểu. Ngay sau cánh cổng lớn này là mộ Hoàng Huy Tụng


 

3 nhận xét:

  1. Gia có N.T.N cùng di nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được thế thì còn gì bằng. Nhưng theo mình thì cũng không có gì làm khó lắm để biến điều đó thành hiện thực.

      Xóa
    2. Ừ, cũng dễ mà cũng...khó vì dự định nhiều quá!

      Xóa

Bạn có nhận xét mới