4 tháng 12, 2014

Bức thư của Nguyễn Văn Tứ



Nguyễn Văn Tứ:   Kính gửi anh Hà Tùng Sơn!

                                  Nhà truyền thống của Trường Đại học Vinh được xây dựng từ năm 2008, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm thành lập Trường. Ngoài ba tầng trưng bày hiện vật, trên cùng có một phòng (gọi là Đài Sen, được thiết kế như một búp sen) để đặt bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ tiền bối đã góp công xây dựng Nhà trường....

             Em đã tìm được một cuốn sách "Nó và tôi - Một thời hoa lửa" và đã gửi bằng bưu điện cho anh sáng nay!....

            Chiều nay, em hỏi anh phụ trách nhà truyền thống và được biết, tên LS Trần Dôn đã đưa vào phần mềm chạy máy tính trong Phòng truyền thống, nhưng anh ấy bảo là rất tiếc, không có được tấm chân dung của liệt sĩ! 

                                 Trong Phòng Tưởng niệm ĐH Vinh



             
Em có một người anh trai hy sinh tại Quảng Trị từ năm 1972. Từ năm 1985, em đã đi tìm kiếm phần mộ nhưng vẫn chưa được!... Trong quá trình tìm kiếm đó, em được nhiều cựu chiến binh quan tâm giúp đỡ! Họ luôn có một niềm khắc khoải như nhân vật trữ tình trong "Cõng bạn về quê", như tâm niệm của anh về một liệt sĩ sinh viên chưa có tên trong Nhà truyền thống.... Năm 2009, em được một đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) do anh Trần Đức Rẻn (ở TP. Hồ Chí Minh) cho phép đi tìm phần mộ cùng với nhà ngoại cảm!.... Đây là bức thư em viết gửi sau chuyến đi ấy....

                                                        
Vinh, ngày 26 tháng 7 năm 2009


Kính gửi: Anh Trần Đức Rẻn

                và các anh cựu chiến binh Trung đoàn 101



Xin nhận từ em và gia đình một lời cảm tạ chân thành, vẫn biết là, đối với các anh, những việc làm ấy không phải để nhận lời cảm tạ hay một sự biết ơn. Dẫu rằng, trong một  hoàn cảnh cụ thể nào đó, sự ứng xử thiếu tế nhị của một ai đó đã đánh rơi mất những lời cảm ơn cần thiết!

Từ một nguyện vọng rất chính đáng của gia đình (cũng như bao nhiêu thân nhân gia đình liệt sỹ khác), em đã được trực tiếp hoặc gián tiếp gặp gỡ với nhiều Cựu chiến binh của Trung đoàn 101, trước hết là những cuộc điện thoại...

Em gọi đó là những cuộc điện thoại thiện tâm... Những chia sẻ về sự mất mát, những an ủi động viên khích lệ, những suy nghĩ tìm kiếm lục nhớ trong ký ức về một vùng chiến địa đã đi qua gần bốn mươi năm và cả những lời kể nghẹn ngào nước mắt, những trăn trở về thế thái nhân tình... Tất cả như tình cảm  của một gia đình, của những người thân... Từ những cuộc gọi đến một chuyến đi đã làm cho người trong cuộc như em có nhiều suy nghĩ!

Đến Triệu Thành và Quảng Trị hôm nay, nhìn những con đường nhựa mới làm bóng loáng, em nghĩ ngay đến ý của một câu hát mà người ta đã từng ca lên “những con đường được xây trên xương máu của các liệt sỹ...”. Chứng kiến những ngày tìm kiếm, em biết rằng câu hát đó bây giờ đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng: dưới những con đường hiện đại, trong những khu vườn cây cối um tùm, ngay cả trong những ngôi nhà kiểu mới được người dân xây dựng,.., đang còn đó những hài cốt của các liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị.....

Vong linh liệt sỹ đã phát hiện ra một người có vết sẹo đen trên bàn chân phải là người vô tâm đã không đưa mảnh cốt tàn sót lại của mình vào nghĩa trang.... Nhưng trong cái xã hội này, có ai biết rằng còn có nhiều kẻ không biết trận mạc là gì đã cố tình biến một vết sẹo nhỏ trong cuộc sống đời thường để thành hồ sơ này, hồ sơ nọ, trở thành thương binh và nghiễm nhiên hưởng “tiền xương máu của những người mất mát trong chiên tranh”....

Hai liệt sỹ, ba liệt sỹ, năm liệt sỹ và nhiều liệt sỹ hy sinh trong một căn hầm. Xương và máu của các anh hòa quyện vào nhau, lẫn lộn với nhau khiến cho người quy tập nhiều lúc bốc nhầm vào nhiều ngôi mộ... Điều ấy không thể chấp nhận nhưng còn có thể thể tình... Nhưng với những kẻ vì nghèo đói và thiếu tự trọng kết hợp với lòng dạ của súc vật, đã cố tình chia thi hài của một liệt sỹ thành 2 hoặc 3 để có nhiều số lượng đặng hưởng thêm tiền cất bốc, những kẻ ấy phải muôn đời trừng trị... Người ta đã giấu để xã hội khỏi phải bùng lên cơn phẫn nộ, rằng có những kẻ đã lấy xương động vật để giả làm hài cốt liệt sỹ cốt lĩnh tiền: những kẻ ấy phải trăm lần xử bắn.... Sự khốc liệt và sự thật của chiến tranh còn nhiều điều chưa thể nói ra, mặc dù mọi người đều biết!

Chính sự tàn khốc của chiến tranh khiến người ta hoài nghi với những gì đã được đọc, được xem trong sách vở. Đến với mảnh đất An Tiêm, Nại Cửu, Chợ Sại,... Triệu Thành, Triệu đông, Triệu Long,... và Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn này, nghe được nhiều câu chuyện về cuộc chiến, về một người dân khi dọn vườn đã nhẩm tính đến con số “hai trăm” rùng rợn, sẽ rất nhiều người hoài nghi với hình ảnh người chiến sỹ ra trận “ngắt một đóa hoa rừng cài trên mũ ta đi”...

Người ta đã di chuyển nghĩa trang nhiều nơi, để nơi sau đẹp hơn nơi cũ, nhưng người ta đã không có ý thức lưu giữ hồ sơ di chuyển khiến việc tìm kiếm khó khăn hơn. Hay là người ta sẽ để nhiều ngôi mộ “liệt sỹ chưa biết tên” ở trong nghĩa trang để khoe với các thế hệ con cháu rằng: cha ông ta đã anh dũng, mất mát  đến dường nào...


Người ta đã cố chấp vì những sự nhầm lẫn xuất phát từ những thiện tâm... Người ta không làm được nhưng cũng ngăn cấm những người làm được việc... Chiến tranh đã qua bao nhiêu năm, ngày ấy những sinh viên mười chín, đôi mươi đang ở trên ghế nhà trường còn non nớt, ra trận chỉ mang trong mình những câu thơ của những nhà thơ cách mạng, những lời thuyết trình của vài tháng huấn luyện, chưa có một hình dung nào về chiến trận ngoài sự tưởng tượng qua tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của nước Nga xa xôi... Sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của họ khiến cho người chỉ huy nào đó đã từng thốt lên “xin đổi năm chục chiến sỹ tân binh để lấy một một chiến sỹ đã qua trận mạc”. Họ vào trận không cần một minh chứng, họ đã hy sinh nhưng không phải ai cũng để lại chiếc ví có tấm ảnh của người mẹ già mặc áo dài hay một tấm hình ghi học sinh trường Bưởi, dù mỗi người đã chuẩn bị một lọ penicillin... Thế mà khi người ta đã phát hiện ra, đã được đồng đội và người dân bốc từng nắm xương tàn trong đất, bỏ vào chiếc tiểu sành, đã phủ cùng lúc hai lá quốc kỳ, mà người ta cũng đòi hỏi giấy này, giấy nọ...

Một mục tiêu trong một trận giao tranh, người ta đã thay thế phiên hiệu một đại đội mấy lần trong một ngày để cố giành cho được... Nhưng khi đi tìm các liệt sỹ đã hy sinh, họ chỉ làm một lần không được và thế là kết thúc. Để rồi có biết bao nhiêu đồng đội, đêm nằm không ngủ, thổn thức vì những ký ức tàn khốc chiến tranh, để bỏ công việc, bỏ tiền bạc, cùng người thân đi tìm đồng đội... Khi phát hiện đồng đội còn nằm dưới đất, họ đã không nỡ bỏ đi và đã nán lại cố gắng làm tròn bổn phận với người đã khuất.

Họ làm việc âm thầm, họ không muốn nổi tiếng, không muốn lên báo chí truyền hình về cái việc họ đang làm... Tất cả xuất phát từ chữ tâm với đồng đội, từ quy luật của cuộc sống thánh thiện của những con người chân chính... Người có khả năng kỳ lạ, người đổ mô hôi đào bới mấy thước đất để tìm một chút thi hài của liệt sỹ còn sót lại, cũng xuất phát từ chữ tâm, không câu nệ tiền tài vật chất. Anh an ủi: “Em ơi, nếu em vô tư, nếu em không phân vân về việc đi tìm phần mộ của anh trai thì em đâu đến vất vả thế này!”. Có ai đó đã từng “thôi em nằm lại trên đất lành Duy Xuyên” nhưng rồi cả cuộc đời cũng đi tìm kiếm để đưa thi hài người đã khuất về nơi thờ tự. Máu chảy ruột mềm, tình ruột thịt có một sự thôi thúc từ nhiều nguyên do. Nhưng một đồng đội chỉ gặp nhau trong một lần hành quân, biết nhau trong một trận đánh, thế mà gần bốn mươi năm sau, họ chẳng vô tư khi vẫn còn nhiều đồng đội nằm nơi nào đó dưới đáy sông Thạch Hãn, trong lòng đất Quảng Trị và của nước Việt Nam. Thưa Anh, nếu cứ vô tư  thì một doanh nhân có thể đến một sân gôn nào đó, đến một nhà nghỉ nào đó của Vũng Tàu hay Đà Lạt, hoặc là một chuyến xuất ngoại cùng với gia đình,... chứ không phải vất vả ngược xuôi tổ chức một đoàn đi tìm kiếm... Một cặp vợ chồng có thể đến một bãi biển Cửa Lò, đến khu cáp treo Cà Ná... để nghỉ ngơi sau một năm dạy học mà không phải lặn lội trong các khu vườn để tìm đồng đội... Một cựu chiến binh làm việc ở Hải quan không phải chậm trễ mấy ngày xin nghỉ để nán lại đưa thi hài đồng đội nằm dưới một ngôi nhà ra Nghĩa trang liệt sỹ... Một phóng viên mấy chục năm cầm bút đã được nghỉ hưu, không phải vất vả nắng nôi để ghi chép những thông tin về người đã khuất... Một cặp vợ chồng ở Quảng Trị đang mang bệnh trọng cũng không phải vất vả sớm hôm để lo việc tâm linh cho các liệt sỹ...Những người mẹ, người cha già nua đang ngày đêm mong ngóng tin con ngày ra trận đã qua đi mấy chục năm mà chưa thấy con trở về và cũng không biết con mình đang nằm ở một nơi nào đó! Mẹ đã hát ru trong nước mắt:“Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời, Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi”!

Nếu không được giáo dục, dạy bảo thì sẽ có những đứa trẻ vào nghĩa trang liệt sỹ không phải để đi tìm để trả lại tên cho những ngôi mộ vô danh, hay ít ra cũng để thắp hương, để nghiêng mình tưởng nhớ các vong linh biết tên và chưa biết tên đã hy sinh vì cuộc sống hôm nay, mà đơn giản chỉ nhăm nhăm vào những lễ vật mà người ta đang đặt trên mộ. Vài ba chục năm sau, thế hệ ấy vẫn sẽ nhìn vào những nấm mộ “Liệt sỹ chưa biết tên” để rồi vô cảm tự an ủi  rằng “thân cát bụi lại trở về cát bụi”!

Một lần nữa, xin cảm tạ các anh, các chị! Dẫu việc tìm kiếm vẫn còn dài và công việc lại khó khăn hơn, nhưng với những tấm lòng thiện tâm của các anh chị, em hy vọng ý nguyện của Thân Sinh em, của gia đình em sẽ được thực hiện!

                                  Kính thư!

                                             NVT 

                        Em trai của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tưởng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới