15 tháng 12, 2014

Bức thư từ Trường Đại học Vinh

                               Nghệ An, ngày 15 tháng 12 năm 2014
Kính gửi anh Hà Tùng Sơn!

Hôm nay, lên Nhà truyền thống của Trường Đại học Vinh, chụp bảng ghi họ tên các Liệt sĩ nguyên là cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh đã được bổ sung họ tên của Liệt sĩ Trần Dôn, nguyên sinh viên khoa Văn khóa 10 đã hy sinh tại Long An, đang nằm trong một ngôi mộ chung cùng đồng đội. Gửi anh để biết kẻo anh băn khoăn, day dứt như bao nỗi niềm của những cựu chiến binh về những đồng đội đã hy sinh, như một nén tâm nhang gửi viếng hương hồn Liệt sĩ Trần Dôn cùng các anh hùng Liệt sĩ khác nhân những ngày đất nước đang chuẩn bị  một lễ tri ân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).
Những ngày này, không biết ở trong anh như thế nào, nhưng ở Vinh thì đầy ắp không khí ngày 22 tháng 12. Ngay trước cổng Trường Đại học Vinh, Bảo tàng Quân khu 4 đã rực rỡ cờ và biểu ngữ; quốc lộ 1A chạy trước cổng trường vẫn có những chuyến xe căng biểu ngữ “Cựu chiến binh…. đi viếng mộ Đại tướng”. Trên mạng, lịch tháng, lịch tuần của cơ quan, đơn vị nào vào cuối tuần sau đều có ghi tổ chức lễ kỷ niệm, gặp mặt, tọa đàm, giao lưu nhân ngày 22 tháng 12.
Viết thư cho anh hôm nay lại nhớ đến những cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh (Trường Văn hóa 12/9) lên đường nhập ngũ trước năm 1975 (trong đó có  Hà Tùng Sơn và nhiều bạn bè của anh). Lên đường rất tự nhiên, như chuẩn bị lên lớp học ở bìa rừng, đi chặt luồng về lợp lán học, đi trồng sắn tăng gia sản xuất,… vậy! Mỗi người được Hiệu trưởng Lê Hoài Nam ký một tấm phiếu nhỏ, ghi rõ đang học năm thứ mấy, để khi trở về tiếp tục học tập… Rất nhiều trong số đó đã trở lại trường, đã tiếp tục học tập, đã lại tung cánh muôn phương vào nam ra bắc, ra nước ngoài, nhưng cũng đã có nhiều cán bộ, sinh viên mãi mãi không trở về Trường cùng với tấm phiếu ngày ra đi, không trở về nhà, đã nằm lại một nghĩa trang nào đó, một khu rừng, một đáy sông, một vách đá nào đó, hay như anh nói, một nấm mộ chung nào đó…“Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo, có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về, dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây tre…”.
Trong số những người trở về, có nhiều người làm việc và sinh sống tại Vinh, đã trưởng thành và đợt này, họ tổ chức những cuộc hội ngộ, gặp mặt để tri ân, nhớ lại những ngày ấy, những người ấy… Nhà truyền thống của Trường Đại học Vinh, cuốn lịch sử 55 xây dựng và phát triển của nhà trường đã ghi tên 85 Liệt sĩ nhưng chắc chắn rằng chưa hết. Đã kể với anh, trước năm 2010, ông Nguyện Thiện Nhân, lúc ấy là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với nhiều quan chức chức của tỉnh Nghệ An và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên dâng hương ở Nhà truyền thống, suy tư nhìn vào danh sách các Liệt sĩ, đã nói (đại ý): nhiệm vụ của nhà trường không chỉ ghi tên vào đây mà phải xem quê quán, cha mẹ, thân nhân của các Liệt sĩ ở đâu, các Liệt sĩ đang nằm ở đâu và có thể hỗ trợ việc tìm kiếm phần mộ nếu các Liệt sĩ ấy chưa được quy tập về nghĩa trang… Vẫn biết vậy, nhưng cuộc sống với bao nhiêu vấn đề của một đơn vị hành chính sự nghiệp trong thế cạnh tranh, đổi mới, phát triển,… rồi vẫn chưa làm được như ý nguyện!.. Nhưng cũng có người đã ước, nếu như mỗi năm có gần một nghìn sinh viên tình nguyện (trong số hơn hai mươi nghìn sinh viên đang học tại Trường) của Trường vào mỗi dịp hè đến vùng núi, vùng sâu, sang cả nước Lào,… để hoạt động tình nguyện, thì hãy dành một phần, dành một lần để đi tìm các ĐỊA CHỈ ĐỎ ấy của Trường Vinh thì cũng đã đáp ứng được phần nào những ý nguyện tâm linh nói trên!
Em nhớ, vào ngày 26/4/2010, chuẩn bị ngày Rằm tháng 3, cũng gần đến ngày 30/4, tại Đài Sen của Nhà truyền thống, Nhà trường đã làm lễ thắp hương cho các Liệt sỹ nguyên là cán bộ, sinh viên của Trường hy sinh trong chiến tranh. Những người được giao nhiệm vụ soạn lễ đã mua mấy chục bộ vàng mã (quần áo, mũ, giày dép, tiền vàng,.. ), hoa lay dơn, hoa cúc màu trắng,.. và các lễ vật theo phong tục ở Nghệ Tĩnh... Bài văn khấn của thầy Hiệu trưởng có thêm một nội dung như sau:
Cung thỉnh các vong linh Liệt sỹ nguyên là cán bộ, sinh viên Trường đại học đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nhân ngày rằm tháng 3, chuẩn bị kỷ niệm 35 năm chiến thắng 30/4, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Vinh kính cẩn nghiêng mình tri ân công lao của các Anh, các Chị, gác bút nghiên theo tiếng gọi của đất nước, hy sinh tuổi thanh xuân và sự nghiệp bản thân cho sự tồn vong của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Lúc tuổi mười chín, đôi mươi, các Anh Chị lên đường khi nhà trường mới hơn 10 tuổi, bây giờ Trường đại học Vinh đã hơn 50 năm nhưng các Anh Chị vẫn “mãi mãi tuổi hai mươi”. Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, các Anh Chị đã được về với quê mẹ, hay ở một nghĩa trang  nào đó, hay đang còn nằm lại trong một vùng đất vô danh, thì vong linh của các Anh Chị hãy  về đây để đón nhận sự thành tâm tôn kính và chia sẻ chút lễ vật thành tâm của cán bộ, sinh viên Trường đại học Vinh hôm nay, để mãi mãi siêu thoát về cõi vĩnh hằng, để mãi mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam, để mãi mãi làm đỏ thắm trang sử của Trường đại học Vinh, để phù hộ độ trì cho các thế hệ cán bộ, sinh viên Trường đại học Vinh phấn đấu thực hiện được lý tưởng mà các Anh Chị đã hy sinh máu xương để giữ gìn, bảo vệ. Thế hệ hôm nay sẽ nguyện thực hiện lời căn dặn của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khi đến viếng vong linh của các Anh Chị ở nơi đây là cố gắng tìm được địa chỉ, nơi yên nghỉ và ngày “vị quốc vong thân” đi về cõi vĩnh hằng của các Anh Chị! Thành tâm cung bái!”
Anh Hà Tùng Sơn kính mến!  
Dịp kỷ niệm 22 tháng 12 năm nay, TS. Mai Văn Tư, đã tham gia quân đội khi đang là sinh viên khoa Toán (khóa 15, sau đó về học lại khóa 18, nay là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh), đã xúc cảm làm một bài thơ để kỷ niệm 40 năm ngày một đợt nhập ngũ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh (18/3/1975 – 18/3/2015) với tiêu đề “Ân tình người lính”:
Bốn mươi năm ấy nặng ân tình
Nồng thắm lòng dân với chiến binh,
Vượt suối băng rừng xây trận địa
Đào hào đắp lũy giữ thành Vinh.
Bao lần dành thuốc chia vui bạn
Mấy độ nhường chăn chịu  khổ mình,
Hội ngộ trào dâng bao kỷ niệm
Tâm hồn người lính đẹp lung linh.
Bài thơ đó được nhiều người hưởng ứng họa lại. Trong đó, có một điều kỳ lạ là có nhiều bài đã hướng cảm xúc về những người lính – sinh viên đã hy sinh. Đây là bài họa “Đài tưởng niệm” của nhà giáo Hoàng Minh Đạo (nguyên Phó Trưởng khoa Văn, giảng dạy bộ môn văn học dân gian cùng với giáo sư Hoàng Tiến Tựu):
Nhớ người đã khuất tấm chân tình
Thắp nén tâm nhang viếng cựu binh
Thể xác quẩn quanh nơi đất Quảng
Hương hồn vương vấn chốn trường Vinh.
Ra đi ngày ấy cùng đồng đội
Về lại giờ đây với chúng mình
Liệt sĩ ghi danh đài tưởng niệm
Tòa sen thấp thoáng bóng anh linh
Đây là phác thảo bài họa “Đài Sen Tưởng Niệm” của một cán bộ trường Vinh, cũng lấy ý tưởng khi đứng trước Tấm bảng ghi tên các Liệt sĩ (nguyên là cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh) hiện được đặt trang trọng ở Nhà truyền thống và trên Đài Sen Tưởng Niệm:
Ghi công liệt sĩ nặng ân tình
Nghiên bút đành dừng bởi nghiệp binh,
Thể xác mông lung nơi chiến địa
Vong linh phảng phất đó Trường Vinh.
Bắc Hồ Nam Việt, từng khóc bạn
Đông Hải Tây Non, tự nhủ  mình,
Hương khói mãi thơm Đài Tưởng Niệm
Hồn thiêng luôn thắm Đấng Anh Linh.
Sẽ còn có rất nhiều bài còn gửi đến cho TS. Mai Văn Tư (email: maivantu110@gmail.com). Khi nào có dịp, em sẽ gửi cho anh! …
Chúc anh Hà Tùng Sơn và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an, tâm thân thường lạc, vạn sự cát tường, muôn việc như ý!
                                                             Em: Nguyễn Văn Tứ
(Em gửi kèm 2 ảnh chụp Bảng ghi họ tên các Liệt sĩ, trong đó có Liệt sĩ Trần Dôn)




Liệt sĩ Trần Dôn (1951-1972), nguyên sinh viên khóa 10 khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh (ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình LS. Trần Dôn). 


                    
                        

4 nhận xét:

  1. Thế là ổn rồi Sơn nhé! Có lẽ tớ cũng chẳng cần làm gì thêm nữa, đúng không? Thật vui và cũng thật ngạc nhiên là lần này Tứ đã nhiệt tình thật sự sau vụ thằng Ngôn trước đây nó đã làm tớ ngán hết nỗi...Tiếc là xa quá không thì đợt này tớ sẽ đánh xe đến đón bạn đi gặp Lê Quang Phương rồi về Hậu Lộc thắp hương cho Ngôn luôn. Mở Mail nhé, có thư đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải công nhận là Tứ nhiệt tình và chu đáo. Tớ đã nt cảm ơn đến Tứ rồi.
      Tớ cũng đã mở mail rồi, có thấy gì đâu. Ngoài địa chỉ YH, Ngọc gửi vô địa chỉ này cho tiện:
      btvtungson@gmail.com

      Xóa
    2. OK. Tớ đọc được thư Ngọc rồi. He he. "Chuyện đời vớ vẩn" mà bạn.

      Xóa
  2. Tứ ơi, nếu có the bạn chứng minh hộ mình truong hop Đỗ Xuân Ngôn truóc đây mình đã gủi hồ sơ cũng đã có tên trong danh sach LS ở truong vói nhé (chụp lại nhu Tràn Dôn ấy)

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới