27 tháng 12, 2014

Những cái "nhất"



                                              Nhàn đàm của Chử Anh Đào

          Thời gian gần đây, trong đời sống xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể, thậm chí ngay cả phương diện quốc gia Việt Nam ta “khoe” có nhiều cái nhất: học giỏi nhất toàn khóa, nơi du lịch đáng đến nhất, cầu to nhất, hang động núi lửa dài nhất, dân sống hạnh phúc nhất…. Thiển nghĩ đấy là những điều đáng mừng, nhất là các cá nhân có tài năng thực sự, làm việc cống hiến cho gia đình, cho dân cho nước; các công trình cơ sở hạ tầng, thiết bị kĩ thuật phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng; các danh lam thắng cảnh được phát hiện thu hút du lịch…Vươn tới những cái nhất là khát vọng tự nhiên của con người. Nó khẳng định cá nhân trước cộng đồng; khẳng định sự vượt trội của cộng đồng, quốc gia này với cộng đồng, quốc gia khác. Nó đồng nghĩa với sự tiến bộ, phát triển. Nếu không xuất hiện những cái nhất sẽ là nhàm chán, thế giới chỉ một màu nhạt nhòa, luyễnh loãng.
          Điều đáng bàn ở đây là có những cái “nhất” rất đáng xấu hổ, nghĩ tới đã “tôi chào đất nước tôi, buồn quá”: tai nạn giao thông, ô nhiễm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, mất an toàn bay…Cũng nên nhìn thẳng vào sự thật để kiên quyết khắc phục và sửa chữa để không còn… “nhất” nữa. Riêng những khoản này thì càng đứng sau càng tốt!
          Thứ đến là những cái “nhất” không đúng với thực chất của sự vật, hiện tượng. Những cái “nhất” phải mua bằng tiền mới có, để trước hết huyễn hoặc bản thân, để lòe thiên hạ, để thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia…Chỉ riêng ở phương diện giáo dục, quanh các trường đại học, cao đẳng, ngang nhiên mọc lên các “chợ luận văn” với giá cả thỏa thuận cho từng cấp học: tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Chưa kể muôn nghìn lối đi đêm, đi ngang về tắt, không có bằng phổ thông trung học mà lại có bằng đại học. Ở ta có ông bằng cấp, danh hiệu đầy mình. Hội nghị nào, ban tổ chức giới thiệu mà sót một món thì coi như “cậu đánh máy” ấy sẽ tiêu đời. Thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á. Những học hàm học vị này cũng nhiều nhất trong bộ máy chính phủ toàn thế giới. Còn số lượng công trình nghiên cứu thì buồn thay là ngược lại. Dân gian rất thông minh khi kể chuyện tiếu lâm. Đứa con trai hỏi mẹ nó rằng bác bên cạnh nhà ta làm gì? Người mẹ trả lời bác ấy là học giả. Đứa con: “Thảo nào con chẳng thấy bác ấy đọc sách bao giờ.”
          Những cái “nhất” giả  gây hệ lụy không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng trong thời gian nó ngự trị. Những cái “nhất” thủ dâm kéo lùi lịch sử!
                                                                             C.A.Đ



2 nhận xét:

  1. Chào anh Đào! lâu rồi mới lại gặp nhau. Tôi có nghe một người thầy đáng kính kể chuyện này: Có một lần nhà lí luận trứ danh của nước Pháp, Jang-pon-sac (tôi nói tiếng bồi vì không biết tiếng Tây) sang thăm Ba Lan. Người Ba Lan rải thảm đỏ đón ông như đón một nguyên thủ quốc gia. Khi ông bước vào phòng tiếp đón tất cả đứng dậy trong tiếng hô vang: Chúng tôi - nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào ngài Jang-pon-sac, người đã nêu lên mệnh đề nổi tiếng "Hãy gọi sự vật đúng tên của nó!" Nếu dân trí nước mình cao hơn một tí để thấu câu này thì có lẽ mấy ông "học giả" chẳng có đất đứng đâu! Lại có một chuyện nữa: Chỗ tôi có ông giáo sư nọ (có lẽ cũng thuộc hàng "học giả" như anh nói trên) khai trong lí lịch của mình có đến cả chục ngoại ngữ. Khi sang Thái ở khách sạn bị quên khoá ông ta phải xuống phòng lễ tân nhờ giúp đỡ. Vốn ngoại ngữ không biết bỏ đi đâu hết mà cứ làm ám hiệu trước cô nhân viên bằng cách khum khum bàn tay bên trái lại rồi dùng ngón tay trỏ phải chọc chọc vào lòng bàn tay trái làm cô này không hiểu nghĩ sao mà đỏ bừng mặt mày. Một anh trong đoàn cười, cậu làm vậy nó đang ngạc nhiên đấy: Cái ông người Việt này sao khoẻ thế, mới sang đên nơi đã đòi ...ngay. Mà cái tiếng Anh, tiếng Thái đâu sao không dùng. À...tớ hiểu rồi! Người ta chỉ có một ngoại ngữ nên còn đậu lại được. Trong đầu cậu nhiều thứ tiếng quá nên nó chen nhau ra hết. Chuyện có thật đấy - Học giả nhiều quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất mà như thế, trong bài viết của Chử Anh Đào, chỉ có thể là nhất lộn ngược của VN so với thế giới. Nhất thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới