7 tháng 12, 2014

Lâm “Thày Cúng”, Dũng “Ba Que”



Nguyễn Văn Tứ: Vinh, ngày 7/12/2014

Kính gửi anh Hà Tùng Sơn!

Em vừa nhận được một bài viết của anh Nguyễn Như Thìn (tác giả “Nó và tôi – Một thời hoa lửa” và một số tập truyện hồi ức chiến trangh khác) được anh viết vào dịp 27/7/2014. Không biết anh Nguyễn Như Thìn đã công bố ở đâu chưa, nhưng có lẽ việc được đọc những ký ức về một thời “máu và hoa” của những cựu chiến binh như anh Hà Tùng Sơn, anh Nguyễn Như Thìn, anh Lê Xuân Tường (tác giả’Người cha của trung đoàn” viết về đại tá Bùi Đức Ngoan),… là cần thiết cho thế hệ sau. “Lâm thày cúng, Dũng ba que”, “Chiêu hồn nạp mộ”, “Nó và tôi – một thời hoa lửa”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”,… đều là những câu chuyện cần thiết cho con người của hôm nay. Em gửi cho anh để anh có thể đọc!

Đọc “Chiêu hồn nạp mộ” em lại nhớ câu chuyện của vợ anh Vũ Trường Thành (cựu chiến binh E101 ở Hải Phòng, hiện là giáo viên trung học cơ sở ở Hải Phòng) kể là hầu như tuần nào đêm nằm ngủ anh Thành cũng mơ xung phong, cũng hét lên “thằng A chết rồi, thằng B bị rồi…”; và nếu như một hè nào đó, không được vợ đưa vào thăm viếng chiến trường Thành Cổ là cả năm ấy anh Thành bần thần, không làm việc được! Những ám ảnh của một cuộc chiến tranh mất mát quá nhiều theo đuổi cả một thế hệ… Từ năm 1985, em cũng đã đi tìm mộ liệt sĩ, cũng đã đến cô Hằng của “Nhắn tìm đồng đội”, cũng đã liên hệ đến chương trình “Trở về từ ký ức”, đến một nữ sĩ quan ở quân khu 4 có tiếng trong việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ ở Lào, và cũng đến các nhà ngoại cảm ở Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, các Trung tâm tìm mộ liệt sĩ ở Nghệ An và Hà Tĩnh,… cũng đã ghi chép cả một chồng hồ sơ, tài liệu dày đến nửa mét, …. Có người bảo em, tại sao lại tin vào nhà ngoại cảm, vào việc gọi hồn… Có lẽ đó cũng là điều dĩ nhiên của người trong cuộc: họ tìm tất cả những cách có thể để đưa phần mộ của người thân về đất Mẹ! Anh biết đấy, các Trung tâm tìm kiếm phần mộ liệt sỹ có ở nhiều nơi, ở Nghệ Tĩnh có các trung tâm như Nam Cát (Nam Đàn, Nghệ An), Thạch Lưu (Thạch Hà, Hà Tĩnh),... được nhiều người nói đến. Nhiều người đã đi tìm kiếm và có kết quả, trong đó có nhiều người mà em biết được địa chỉ chính xác. Hàng ngày, đi trên quốc lộ 1A, gặp rất nhiều xe ô tô loại 7 hoặc 12 chỗ biển số các tỉnh phía bắc có dán băng rôn “Xe đưa đón liệt sĩ” từ các nơi chạy trên đường.... Những câu chuyện ly kỳ xung quanh việc tìm phần mộ của các Trung tâm tìm mộ liệt sĩ mà không giải thích được, những câu chuyện về việc tìm phần mộ của Trần Phú, của Lý Tự Trọng bằng con đường ngoại cảm... Và cũng có những thông tin ngược nhau trên báo chí, trên mạng internet, trong các câu chuyện nghe trực tiếp,... Các gia đình huy động từ 7 đến 10 người là con cháu, thân nhân liệt sĩ đến lập bàn thờ, ngồi niệm vong linh liệt sĩ tại trung tâm trong cái nắng gắt của mùa hè hoặc ngày đông mưa rét, trong khói hương nghi ngút, ăn uống hàng quán, bỏ dở cả công việc đồng áng, việc nhà, việc cơ quan, việc sinh kế hàng ngày... Có khi ngồi một tuần, hai tuần, có gia đình ngồi niệm một tháng... Kiêng dè tuyệt đối, người ta sống trong một thế giới hầu như hoàn toàn khác... Rồi có người được vong linh liệt sĩ ứng vào cho biết chỗ này, chỗ kia, tỉnh này, tỉnh kia... Rồi xe đi, xe về chở bao nhiêu người vượt hàng trăm cây số tìm kiếm, đào bới... Rồi có những người được vong liệt sĩ ứng vào bị giảm yếu sức khỏe hoặc bị “tâm thần” như một số bệnh viện đã nói,... Rồi cũng âm dương cách biệt, không biết đã chính xác chưa.... Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu khó khăn, trở ngại đến với các gia đình đi tìm kiếm phần mộ liệt sĩ tại các trung tâm gọi hồn... Thế mà người dân vẫn làm, thế mà các trung tâm vẫn đông... Thế mới biết nhu cầu, nguyện vọng tâm linh trong việc tìm kiếm phần mộ liệt sỹ, ước nguyện “đưa anh về Đất Mẹ” là bức bách, lớn lao đến chừng nào... Có thể có những cách đánh giá khác nhau về nhà ngoại cảm, nhưng rõ ràng, họ đã một phần nào đáp ứng được yêu cầu (đúng và chưa đúng) của rất nhiều gia đình hiện nay…

Một lần, em về quê, cũng là lúc một người hàng xóm năm nay đã gần 70 tuổi tổ chức cất bốc đưa về nghĩa trang thi hài người bố đi dân công mặt trận Bình – Trị - Thiên thời chống Pháp bị hy sinh được chôn cất bên cạnh một con đường ở Quảng Bình: tất cả các chi tiết của liệt sĩ hy sinh từ năm 1952 (đã 60 năm) được một người cháu chưa đầy 18 tuổi kể vanh vách. Tôi thầm hỏi: tại sao người cháu ấy khi đi học môn Lịch sử Việt Nam thì hầu như không nhớ được nhiều, chưa bao giờ ra khỏi huyện, nhưng hiện giờ trong trạng thái mơ màng, làm sao lại biết được rất chi tiết về người ông nội, về đoàn dân công, về một địa danh ở phía trong Đèo Ngang,... cách đây sáu mươi năm mà chưa bao giờ được kể....Mọi người khâm phục khả năng của nhà ngoại cảm, cảm phục thế hệ cháu chắt của người liệt sĩ ấy, vẫn đau đáu hơn sáu mươi năm ý nguyện tìm kiếm phần mộ của người đã khuất... Hôm ấy, người chị gái tóc bạc phơ của em đã nhiều lần cùng em đi tìm mộ của anh trai tôi cũng chứng kiến khung cảnh ấy và ánh mắt già nua nhìn tôi như muốn nói: “Người ta là nông dân mà còn tìm được phần mộ của cha, của ông mất cách đây sáu mươi năm!... Cán bộ cán biếc chi như cậu mà không tìm được mộ Ông Qua!”.... Lúc ấy, em chẳng biết nói gì với người Chị Cả! Cả cuộc đời hy sinh cho chồng con, cháu chắt, chăm sóc lo liệu cho gia đình riêng, lại là người gần như cáng đáng toàn bộ cả cuộc sống tinh thần và vật chất của Cha Mẹ em. Nỗi niềm đối với người em trai liệt sĩ không bao giờ nguôi ở người chị tuổi tám mươi: lần nào đi tìm kiếm cũng đòi đi theo, lần nào đi thắp hương ở Quảng Trị cũng đòi đi, công cha buổi mẹ giỗ tết ở nhà Cha Mẹ bao giờ cũng có một lễ riêng dành để thắp hương cho liệt sĩ... Em không dám cho người chị tám mươi tuổi của liệt sĩ biết được về sự thật của chiến tranh, sự thật của 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, không cho chị em biết rằng, có những liệt sỹ hy sinh năm 1988 tại đảo đá Gạc Ma mà hiện nay cũng không thể và không bao giờ tìm được phần mộ, để cho chị em tin rằng đến một lúc nào đó sẽ tìm được phần mộ.....

Bài thơ “Cõng bạn về quê” thật xúc động! Và xin vong linh của liệt sĩ trong bài thơ xá tội: ít ra thì cũng là một kết thúc có hậu, Anh đã được đồng đội đưa trở về quê Mẹ, về với những kỷ niệm yêu đương một thời tuổi trẻ, dù trở về trong một chiếc balô của đồng đội! Anh Nguyễn Như Thìn có một anh trai hy sinh không biết ở tỉnh nào, bây giờ anh và gia đình coi nửa nước phía Nam là nơi yên nghỉ của anh trai! Anh Lê Xuân Tường (tác giả bài viết về đại tá Bùi Đức Ngoan) đã nhắn tin cho em như sau: tác giả “Cõng bạn về quê” tên thật là Nguyễn Quốc Duẩn, quê Quảng Bình, là y tá của đại đội cùng với anh Tường (C3/D1/E101/F325/QĐ2); sau chiến tranh về học Trường Đại học Pháp lý, ra trường về hành nghề tại Quảng Bình; nhưng nghiệp thơ phú đã lấn át nghiệp thầy cãi, giờ công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình; còn LS Nguyễn Hữu Nhơn là bạn học cùng lớp y tá với tác giả; học xong lớp y tá, Nguyễn Hữu Nhơn về E18/F325 chiến đấu và hy sinh tại cánh Tây Quảng Trị, còn tác giả Nguyễn Quốc Duẩn về cánh Đông Quảng Trị…. 

Từ trái sang: Nguyễn Trung Ngọc, Lê Khắc Chân Như (Văn khóa 12 ĐHSP Vinh), Phan Thị Nga và Nguyễn Quốc Duẩn tức Lê Duần, tác giả bài thơ Cõng bạn về quê . Duần nguyên là chánh án tòa lao động QB. Hiện về hưu ở Đồng Hới, bạn học cùng lớp cấp3 Đồng Hới với Hà Tùng Sơn (ảnh chụp hồi tháng 8 năm 2014 tại cuộc họp lớp cấp 3 Đồng Hới khóa 1968-1971)

Trở lại bài viết của anh Nguyễn Như Thìn! Sau khi đọc xong bài viết của anh Thìn, em có nhắn lại với anh Thìn như sau:

“Kính gửi anh Nguyễn Như Thìn! Cảm ơn anh đã gửi bài viết của anh! Sáng nay, em mới kịp đọc…. Em thường xuyên tìm đọc các bài viết về 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị để hy vọng tìm kiếm một thông tin nào đó, nhưng lại chưa đọc bài này của anh! Đây cũng là một sự nối tiếp cảm xúc thánh thiện của những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị mà em đã được trong các bài viết của anh và của nhiều người khác!

Chiến tranh đã qua đi! Người ta không những nhắc lại những mất mát lớn lao của một dân tộc, một thế hệ trong cuộc chiến, mà còn phải làm cho vợi đi nỗi đau của những mất mát đó đối với những người đã khuất, những người đang sống! Một cựu chiến binh trở về đời sống thường nhật vẫn không quên hàng năm đưa thành quả lao động của mình đặt trong 81 mâm cơm để chia sẻ với người đã khuất, một cựu chiến binh ở Trường Đại học Bách khoa “cứ mỗi sáng đầu giờ làm việc lại đặt một bông hoa bên đài tưởng niệm Sinh Viên Chiến Sĩ trong khuôn viên của trường”. Linh cảm của người chiến sĩ về việc tránh bom đạn càng chứng minh ranh giới sự sống và cái chết của người chiến sĩ ở Quảng Trị năm ấy mong manh biết chừng nào. Quanh năm, mùa hè, ngày tết, ngày lễ, họ đến đó tìm kiếm, đến thắp hương, châm một điếu thuốc, rót một ly nước, đứng tần ngần, trầm ngâm, rưng rưng nước mắt trước cả một vùng quê bình yên hiện nay đã từng là chiến địa tàn khốc, trong một nghĩa trang vô vàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, để tri ân, tưởng nhớ họ, để “những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chốn linh thiêng, cho họ bớt quạnh quẽ”. Họ đã chiến đấu, đã cận kề cái chết, đã chiến thắng, đã may mắn hơn trở về với cuộc sống đời thực với những vết thương, chất độc da cam ngấm vào người họ và các thế hệ sau của họ, và họ luôn nhớ những gì đã xảy ra để làm nên cuộc chiến thắng lợi ấy, mặc dù nỗi nhớ ấy rất khắc khoải, đau buồn! Và không chỉ có vậy, mong ước của những người lính là “muốn cho thế hệ sau biết cha, anh của chúng đã đổ xương máu để thống nhất đất nước ra sao và trách nhiệm của chúng phải giữ gìn tổ quốc thế nào?”.

Cảm ơn anh Nguyễn Như Thìn! Em chưa cảm nhận hết bài viết của anh, nhưng chỉ qua một vài trang viết về những biệt danh của vài đồng đội của anh, em đã biết thêm được những khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm, thấy được ân tình cao cả của những cựu chiến binh đối với đồng đội đã khuất, nghe được lời nhắn nhủ vang vọng của thế hệ ấy đối với các thế hệ sau, và chưa được gặp tác giả nhưng thấy quen quá, thân thiết quá, chân thành và gần gũi quá….!

Xin chuyển lời chúc sức khỏe của em tới anh Lâm, anh Dũng và những con người người từ cuộc sống thực đã bước vào câu chuyện kể của anh một cách tự nhiên, ấn tượng và đầy xúc động! Mong anh luôn được mạnh khỏe, bình an để tiếp tục kể lại những câu chuyện cảm động về nó và tôi, một thời hoa lửa!”

………………………..



Anh Hà Tùng Sơn kính mến! Em gửi nguyên văn bài viết của anh Nguyễn Như Thìn!




Lâm “Thày Cúng”, Dũng “ Ba Que”
                              Tác giả: Nguyễn Như Thìn


          Lính chiến chúng tôi đa phần đều có biệt danh. Mỗi biệt danh thường gắn với đặc điểm hình thức hay một giai thoại vui, buồn nào đó của mỗi người. Tiểu đội tôi mười lính thì  tám người có biệt danh. Nào là Bình “ Méo”vì cái miệng hơi lệch, Tân “Vịt” lạch bạch lại không biết bơi, Định “ Xịt” nói ngọng,  Khánh “Voi”, to con, Minh “Già” mặt khó đăm đăm, Hải “Sún”  răng xỉn vv…Ngay cả tôi, vốn là tác giả của nhiều biệt danh trên cũng không tránh khỏi bị gán thêm  đuôi cho cái tên cha mẹ đã khai sinh.

Hồi ở chốt An Tiêm, Chợ Sải hướng đông ven Thành cổ Quảng Trị, ác liệt, căng thẳng, mệt mỏi, hàng tháng trời tôi chẳng thiết gì vệ sinh cá nhân, thành thử  cái áo tôi mặc từ màu xanh Tô Châu chuyển sang màu vàng của đất, anh em gọi tôi là “Công An” từ đó. Nhưng biệt danh đôi khi cũng luân chuyển như : “ Sự  luân chuyển tính cách của nhân vật  trong hoàn cảnh điển hình”, ở môn lý luận văn học mà tôi được học sau này, khi trở lại trường đại học. Có nghĩa là, cũng có lúc biệt danh  được thay đổi.

 Sau trận Cửa Việt, chúng tôi đi thu dọn chiến trường. Ngang qua một hố bom cũ nông choèn, tôi thấy lưng của một con tôm hùm. Mùa này biển động, thỉnh thoảng nước tràn bờ, rút đi để lại khá nhiều cua cá. Vội vàng vớ lấy cái xẻng Liên Xô, tôi chém luôn một nhát. Anh em hồi hộp theo dõi tôi xắn quần lội xuống  mò.  Nhấc lên, té ra là một chiếc đế giầy của lính Việt Nam Cộng Hòa. Vừa bực vừa xấu hổ, anh em trong tiểu đội được một phen cười ngả nghiêng. Từ đấy họ gọi tôi là Thìn “Tôm”. Vì khiêng súng  12,7 ly nhiều, dáng tôi  còng còng nên cái tên ấy xem chừng càng thêm hợp. Bằng chứng là nó theo tôi đến tận khi ra quân.

  Giữa tháng 7 vừa rồi, tôi cùng anh em trung đoàn 95 trở lại chiến trường Quảng Trị tri ân các liệt sĩ. Tôi mới ngộ ra rằng, biệt danh của lính tráng không phải là món hàng  độc quyền riêng  trung  đoàn 101 của tôi. Nhan nhản những cái tên hết sức kỳ quái: Thái “Bọ”, Tuấn “Giò chả”, Lâm “Thày cúng”, Dũng “Ba Que”vv…cứ đập vào tai  hàng ngày, trên suốt cả  chặng đường.

Có biệt danh dễ hiểu lý do và nguồn gốc sinh ra. Chẳng hạn như Thái “Bọ”, vì anh là dân Quảng Bình, tiếng địa phương,  gọi bọ là bố. Tết năm kia, Thái “Bọ” lọ mọ cùng Nguyễn Dũng vào Thành Cổ Quảng Trị, đón năm mới. Hay như Tuấn “Giò Chả” , từ ngày ra quân, Tuấn lấy nghề giò chả mưu sinh. Nhân đợt vào  Quảng Trị năm 2011, chương trình có tên “ Thành Cổ Quảng Trị, trái tim  bạn và tôi”, Tuấn “Giò chả” mang một tạ sản phẩm của nhà làm được vào Thành Cổ, cùng anh em đặt 81 mâm cơm cúng đồng đội. Mấy năm nay, cứ vào dịp tháng bảy, anh lại từ Hà Nội  lặn lội đến di tích trường Bồ Đề tại thị xã Quảng Trị, sắp một mâm cơm thắp hương  cho 36 đồng đội C3, D4 của anh hy sinh trận ngày 10/8/1972. Mâm cơm ấy không thiếu món giò chả tự tay anh làm.

   Nhưng còn nhiều biệt danh rất khó hiểu, chẳng hạn như: Lâm “Thày cúng”, Dũng “Ba Que”. Tốt nhất là nên hỏi Minh “Sứt” ngươì đã đặt ra những biệt danh ấy. Song, rất tiếc , Minh “Sứt” vừa “hy sinh” năm ngoái mất rồi.

  Nhân một buổi trà dư, tửu hậu, tôi hỏi thẳng Lâm “Thày Cúng” cái tên khiến tôi lăn tăn mãi đến giờ. Lâm chưa kịp trả lời, Dũng “Ba Que” lên tiếng:

- Để tao giải thích cho!

Chuyện là thế này, anh em mình nằm trong chốt ăn pháo kích của địch như cơm bữa. Cứ mỗi lần nghe tiếng rít gió của trái phá sắp tiếp đất, ruột gan cứ thắt lại. Hãi nhất là pháo khoan, chỉ nghe ục một cái, hầm đảo như đu võng. Vô phúc mà dính một quả thì… mà  pháo nào cũng vậy thôi… hầm làm sơ sài mấy mà chịu nổi. Lâm “Thày Cúng”, rúc vào một góc hầm lẩm bẩm: “Lạy trời, lậy phật, đạn rơi đâu thì rơi đừng rơi vào hầm con…lậy giời lạy phật…!”

Hắn khấn vậy khá hiệu nghiệm, đạn nổ quanh mà vẫn chừa hầm của hắn ra.

Một lần, cả tiểu đội dọn cơm chuẩn bị ăn, Lâm “Thày Cúng” bê luôn xoong cơm đi chỗ khác cách đấy hơn chục thước tuyên bố hôm nay ăn ở đây. Cả bọn rất bực đành lục tục theo hắn. Dăm phút sau, một quả trái phá nã đúng chỗ vừa di dời. Cả tiểu đội xanh mắt. Từ đấy hắn phán như thánh sống.

Nghe Dũng kể xong, Lâm “Thày Cúng” bảo:

- Sai bét!

Dũng “Ba Que” cãi lại:

- Vừa hôm nọ mày chả kể cho lão Đinh Thế Huynh như thế là gì?

Lâm “Thày Cúng” nói: “Thực ra là thế này…”

Tóm lại cũng quanh quẩn chuyện tâm linh,  khấn bái mà thôi. Anh mang biệt danh ấy quả là chí lý.

Tay nghề cúng bái của anh được “mê tín”, đến tận giờ. Cứ mỗi dịp vào Quảng Trị hương khói cho đồng đội, không thể thiếu một tay Lâm “Thày Cúng”.

Vậy đã rõ, thế còn Dũng “Ba Que”?

Tôi quen Dũng “Ba Que” gần hai năm nay. Trước đấy, tuy chưa gặp mặt đã  nghe nhiều về anh. Rằng có một lính sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cứ mỗi sáng đầu giờ làm việc lại đặt một bông hoa bên đài tưởng niệm Sinh Viên Chiến Sĩ trong khuôn viên của trường.

Rằng vì lý do nào đó, đến  giờ anh vẫn chưa lập gia đình riêng. Dường như, bao tâm trí và tiền bạc anh đều dồn vào việc đi tìm hài cốt của các đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường.

Đến tận cuối năm 2012 tôi mới có dịp gặp anh tại hội trường trường ĐHBK. Người cựu binh của đại đội 18 thông tin, trung đoàn 95, sư đoàn 325 ấy có mái đầu trắng, đôi mắt lúc nào cũng như đang dõi về chốn xa xăm, bộ ria bàng bạc rất phong trần. Ăn mặc giản dị. Nói năng thì bộc trực rất khó lọt tai.

Nghe nói anh đã góp phần đưa gần trăm bộ hài cốt về với gia đình liệt sĩ. Thật đáng nể. Tướng Lê Khả Phiêu có mặt lúc đó cũng phải có đôi  lời ngợi khen. Anh đã làm vợi đi  nỗi đau cho các thân nhân của những đồng đội xấu số trong cuộc chiến tàn  khốc.

Nhiều lần, anh đón năm mới tại Thành Cổ Quảng Trị. Trong thời khắc giao mùa của đất trời, anh thắp hương cho những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chốn linh thiêng, cho họ bớt quạnh quẽ. Ngoài kia, nhà nhà đang xum vầy đón tết tưng bừng.

Nhiều lần, chàng “Hiệp sĩ” tóc bạc này, một mình từ Hà Nội vào chiến trường xưa, cóp nhặt từng thông tin nhỏ nhoi cuả đồng đội đã ngã xuống. Không một ai trong sư đoàn của tôi lại quen nhiều “công dân” Quảng Trị như anh. Từ quan chức đương  nhiệm, mãn nhiệm, hàng tỉnh đến cấp phường, xã. Từ người quản trang đến nhân viên bảo tàng vv…Họ coi anh như người nhà, nhắc đến tên anh, mắt họ sáng ngời, nói chuyện về anh mãi không dứt.

Tìm được thông tin liệt sĩ rồi, chắp nối với gia đình họ cũng chẳng dễ dàng gì. Nguyễn Văn Quang em của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình C6, D5  kể:

Cứ đến đêm em lại thấy một số điện thoại lạ gọi đến. Em sợ không dám cầm máy. Nhưng cái số điện thoại lạ ấy vẫn kiên nhẫn  gọi về hàng đêm, cho tới lúc em mạnh dạn trả lời. Người đầu máy lạ mắng luôn: “Mày là tướng tá gì mà sao không nghe máy. Tao cho mày biết tin tức thằng anh mày đang nằm ở Quảng Trị đây”. Hóa ra anh Dũng  gọi. Nhân đây, em xin lỗi anh ạ…

Sau lần giáp mặt ở trường ĐHBK ấy, tôi sớm quen và thân anh. Anh rất quý tôi bởi cách tôi tri ân đồng đội qua từng trang viết. Tuy khác anh về hình thức nhưng  chí hướng thì đồng lòng.

Nguyễn Dũng có một ước muốn dẫn một đoàn cựu chiến binh và thân nhân của các liệt sĩ trở lại chiến trường xưa. Nhiều người vì nhiều lý do, trong đó có cả khó khăn tiền bạc, chưa một lần được đến đúng nơi mà cha, anh họ đã từng anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đồng cảm với mong muốn của anh, cựu chiến binh Đặng Thế Minh, một doanh nhân thành đạt, người đứng đầu Công ty cổ phần y tế quốc tế Việt Minh đã tài trợ cho chuyến đi.

Dũng bảo, tôi  sẽ cho cả mấy sinh viên, đoàn viên ưu tú của trường Bách Khoa đi cùng. Tôi muốn cho thế hệ sau biết cha, anh của chúng đã đổ xương máu để thống nhất đất nước ra sao và trách nhiệm của chúng phải giữ gìn tổ quốc thế nào?

Chuyến đi ấy đã thành công ngoài mong đợi.

Đấy, chân dung thằng bạn tôi là như thế, vậy mà chẳng hiểu sao nó lại  bị gán cho biệt danh là “Ba Que” xỏ lá có oan không?  Đáng phải gọi là Dũng  “Tử Tế” mới xứng đáng.

Đem thắc mắc hỏi mấy chiến sĩ đi cùng, họ cười ồ nói:

Thế ông không biết Nguyễn  Dũng  còn được gọi là Dũng “Tử Tế” à.

Có vậy chứ, nhưng tôi vẫn thắc mắc vì sao từ “Tử Tế” lại biến thành “Ba Que”.

Anh em bảo, các đồng đội may mắn sống sót trở về, đa phần là tử tế. Kẻ ít, người nhiều, chung tay làm vợi đi nỗi đau mất mát của các gia đình liệt sĩ. Song cũng không thiếu kẻ “ba que”, với những kẻ đó, Dũng nhà mình đối xử còn “Ba Que” gấp đôi.

Đúng vậy, tôi đã thấy anh quắc mắt, không tiếc lời sỉ vả kẻ  dám xúc phạm đến vong linh những đồng đội đã ngã xuống, lúc ấy nom anh thật dữ tợn. Khác hẳn với hình ảnh Nguyễn Dũng với nụ cười hiền lành luôn thường trực bên khóe miệng, dưới hàng ria bàng bạc, phong trần.

Cái khoản “ đi với ma mặc áo giấy ấy”, tôi phải tôn anh làm đại ca.

Vào Quảng Trị với anh em trung đoàn 95 lần này, tôi đã vỡ ra được nhiều điều.

Ấn tượng nhất vẫn  là: Lâm “Thày Cúng”, Dũng “Ba Que”.

                                                                             Tháng 7/2014

                                                                                    N T

    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới