20 tháng 1, 2014

Về quê xủi mồ



Xủi mồ ở quê tôi là để chỉ việc dẫy mả, xủi mả của người Việt. Với người Trung Quốc thì gọi nghe có vẻ sang trọng hơn là tảo mộ. Trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du có câu chỉ việc này:
Thanh minh trong tiết tháng ba
 Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Công việc chính của xủi mồ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày cận Tết Nguyên Đán, để bước sang năm mới cho khang trang, đẹp đẽ. Cũng là để tỏ lòng tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, những người đàn ông trong họ tộc theo một ngày đã định mang theo xẻng, cuốc đi đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, xủi hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người xủi mồ thắp hương, đốt vàng, đặt hoa, lễ vật cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày xủi mồ, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi xủi mồ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để xủi mồ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Làng Thọ Lộc của tôi chủ yếu có 2 dòng họ đông đúc (không phải là lớn) là họ Hà của tôi và họ Nguyễn. Từ bao đời nay họ Hà tập trung xủi mồ vào buổi sáng ngày 18 tháng chạp. Vào ngày đó, sau khi ăn sáng xong, cánh đàn ông vác xẻng cuốc, dao rựa đi xủi mồ; cánh đàn bà ở nhà nấu nướng bày đồ cúng lên ban thờ. Khi cánh đàn ông đi xủi mồ xong, ai về nhà nấy ăn uống vui vẻ.
Tôi về quê vào ngày 16, ngày 18 thì đi xủi mồ. Trời lạnh nhưng rất đẹp vì không có mưa phùn gió bấc (thứ mà tôi ghét nhất). Các em út dâu rể cháu chắt của nhà tôi đều về đông đủ vì ngày xủi mồ năm nay đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, vô cùng rôm rả. Ba tôi già 94 tuổi rồi nhưng vẫn cùng con cháu sang khu lăng mộ thắp hương cho ông mệ nội và hai ông bác tôi. Mạ tôi thì ở nhà cùng đám mấy đứa em gái, em dâu nấu nướng.
Một bữa cơm cúng xủi mồ cũng là nhân đó gặp gỡ cuối năm thật vui vẻ và ấm cúng.
Sáng nay từ biệt ba mạ tôi để trở lại Sài Gòn trong lúc đã rất cận Tết mà thấy ngậm ngùi vô cùng.  Nhưng biết làm sao được, còn gia đình nhỏ của tôi,  còn trăm thứ bà rằn công việc đang chờ.  Tôi hẹn với ba mạ tôi là xủi mồ sang năm con sẽ về nữa. Ba tôi nghe vậy mỉm cười.
 
 
Bữa cơm cúng lễ xủi mồ (tảo mộ) họ Hà làng Thọ Lộc, ngày 18 tháng Chạp (18-1-2014).
Trái sang: em rể Thắng; Ba tôi, tôi, cháu rể Linh.


 Bờ rào của khu vườn nhà ba mạ tôi rực đỏ hoa trạng nguyên


Hoa trái cũng sum sê


 Dù vết tích của cơn bão số 10 hồi tháng 10 vẫn còn hằn rõ. Một cây mít cao chót vót bị bão quật cho gãy gục nằm gác ngang lên 3 cây mít khác, không cách chi mà hạ nó xuống được. Đành chờ cho nó mục rồi tự rụng xuống thôi.



 Không khí Tết của nhà ba mạ tôi đã có đầy đủ, ngay từ ngoài sân


   Ba tôi chăm chút cho từng khung cửa sổ. Ông cụ đang gắn thêm một bức tranh Tết ở cửa sổ nhà bếp.Một ngôi nhà vườn chỉ có hai người.


 Vẫn chú mực mập ú và lười biếng có riêng cả một chỗ nằm để canh nhà


   Tạm biệt mây trời quê hương...


                                      ...Trưa nay tôi về lại Sài Gòn



2 nhận xét:

  1. Họ Nguyễn của Thành ở Thuận Lý là một họ rất lớn nên việc xủi mồ chia về các chi, các nhánh. Chi Nguyễn Lương nhà mình xủi mồ vào ngày 24 tháng 11. Ngày xưa mồ mả mỗi nơi một cái, đi xủi mồ phân công những người khỏe mạnh đi xa mà chỉ đi bộ làm gì có xe mà đi. Đàn bà ở nhà làm cỗ. Ngày xưa mình cảm thấy ăn cỗ xủi mồ ngon thế mặc dù chiến tranh cỗ chẳng cố gì...có lẽ đi xa, làm mệt nên ăn ngon chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế. Xủi mồ là một phong tục rất đẹp của người Việt ta. Đó là một ngày để con cháu báo hiếu gia tiên. Mình rất thích không khí ngày xủi mồ.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới