29 tháng 1, 2014

Lại rỗi

Nghỉ Tết ở đất Sài Gòn là nghỉ theo đúng nghĩa đen của chữ nghỉ. Hầu như chẳng có việc gì đáng kể để mà làm. Bởi thế mà gặp người nào hỏi câu Tết SG sao thì ai cũng đưa ra nhận xét: Tết Sài Gòn chán ngắt. Chẳng thế mà cả tuần nay đã có hàng triệu người ùn ùn kéo nhau rời SG về quê ăn Tết dù tàu xe ngày Tết là cả một sự đày ải, bỏ lại sau lưng một Thành phố lúc nào cũng sôi sùng sục đang trải nắng vàng ươm. Một bộ phận không nhỏ khác (mượn lời anh tổng Trọng) không về quê thì cũng đã và đang tính đường lăm le đi du lịch đâu đó cho đỡ chán. Sáng nay tôi chở bà xã lên Tân Định mua giò chả Như Lan, lượng xe cộ lưu thông trên đường đã vắng đi phân nửa. Đi về cứ thênh thang. 
Hôm nay đã là 29 Tết, với tôi việc quan trọng nhất là thỉnh cho được chậu mai từ trên sân thượng xuống đặt ngay ngắn ở phòng khách. Cả cây lẫn chậu cũng cỡ 5 chục kí, tôi mà bê một cách đằng thằng xuống thì thế nào cũng sụm luôn cái xương sống và đi Thống Nhất ăn Tết trong tư thế nằm là cái chắc.
Nhưng tôi đã có mẹo hay học được từ hồi ở Bình Định nên vụ này đã thành chuyện nhỏ. 
Đó là cái lần cách đây đã hơn chục năm, tôi và con gái cũng vào một chiều 29 Tết ngồi chờ tàu ở ga Diêu Trì, Bình Định để về quê ăn Tết, thấy những người buôn mai từ Bình Định ra Hà Nội bán họ nhổ hết cây mai ra khỏi chậu chỉ còn trơ rễ, khiến cho chậu đi đằng chậu, đất đi đằng đất, mai đi đằng mai. Sau khi đưa được lên tàu họ lại cho mai vào chậu rồi đổ đất lên, đâu lại vào đấy như thường. Công việc tưởng như nặng nhọc lại thành ra nhẹ nhàng vô cùng.
Bài học lỏm từ những người buôn mai Bình Định ấy tôi đã học rất thuộc và áp dụng rất thành công đã 5 năm nay kể từ khi chuyển từ BĐ vào sống ở SG. Sau khi đã lấy hết đất ra khỏi chậu, nhổ cây và gọt cho hết đất, từ sân thượng xuống phòng khách tôi chỉ mất 3 chuyến. Chuyến đầu đưa chậu xuống, chuyến 2 đưa đất xuống khỏa luôn vô chậu, chuyến 3, chuyến cuối cùng, nhẹ nhàng xách cây mai xuống cho vô chậu. Nhắm nhe chỉnh sửa tí chút là hoàn tất. 
Khi phòng khách nhà tôi đã tràn ngập không khí Tết với sự xuất hiện của chậu mai vàng, tôi trở thành... thất nghiệp. Chả còn việc gì để làm nữa, tôi chỉ còn mỗi việc là kê cao gối mà ngủ.
(Sau Tết lại áp dụng theo qui trình ngược lại để chuyển mai lên sân thượng, dĩ nhiên là không giống với cái qui trình khốn nạn của mấy thằng thủy điện xả lũ vào dân).
Cây mai Tết nhà tôi năm nay cũng tạm được. Hoa lộc sum sê (chứ mai Tết mà chỉ có nụ không có lộc thì vô duyên lắm, tôi đi ngoài phố thấy bán toàn loại mai chi chít nụ mà không có lấy cái lộc nào, dân SG dễ tính mỗi ông mua một chậu đem về trưng ở phòng khách coi như cho xong một việc). Dáng cây mai nhà tôi hồi còn ở Bình Định thì cũng được lắm nhưng sau mấy năm vào tay tôi chăm bón cứ vun vút lên như rau muống, chẳng ra cái dáng dấp gì nữa. Kệ. Miễn nó trổ bông đúng Tết cho là may rồi.
Những ông bạn Bình Định là dân chơi mai nói với tôi rằng, mai là giống rất đỏng đảnh, khó chiều như một cô gái vừa đẹp lại vừa chảnh. Vì thế chơi mai phải có ít nhất trong tay từ 3 đến 5 cây thì đến Tết mới chắc chắn có được ít nhất một cây để chơi Tết. Vậy mà tôi vốn liếng chỉ nhõn có 2 cây nhưng chục năm nay, năm nào cũng có ít nhất một cây, thậm chí có năm có đủ cả 2 cây cùng trổ bông đủ cho tôi chơi Tết. Có năm nó còn trổ bông tưng bừng đến mức ông hàng xóm nhà đối diện phải hỏi cây mai nhà bác gắn hoa giả đấy à (Trời, tôi thà chết còn hơn là chơi hoa giả. Chẳng có thì thôi, đến hoa mà còn giả thì trên đời này có cái gì là thiệt nữa). Nói may hơn khôn là vậy. 

                                   Từ sân thượng đã chỉnh chện ở phòng khách



                                  Dáng dấp tuy không còn đẹp...



                                 Nhưng hoa lá nụ sum sê. Tôi thích thế.    


                                Cộng với nhiều cành thành ra là Hoa - Lá - Cành


Mai này sẽ nở đến mùng 10 mới hết và khi đó nó sẽ ngược lại  lên sân thượng. Năm nào cũng thế. Hết mùng mới hết Tết.


Trong lúc đó thì bà xã cũng đã đơm xong mâm ngũ quả. Cầu - Dzừa - Đủ - Xài - Sung. Năm mới đến cũng chỉ mong có thế. Tính tôi vốn khiêm tốn và giản dị (y như ông Cụ ở Ba Đình). 


Tết năm nay khui hộp bộ bình trà của anh bạn Nguyễn Huỳnh Phán tặng hôm gặp nhau ở Vinh để tiếp khách


       Cờ cũng đã thượng trên ban công. Bây giờ chỉ còn kê cao gối mà ngủ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới