22 tháng 6, 2012

Một nốt trầm xao xuyến


 
Cuộc đời mỗi con người thường có những bước ngoặt bất ngờ cũng như mỗi con đường mà ta đi thường có những khúc cua đột ngột.
Hôm nay mình nhận được khá nhiều tin nhắn, nhiều cú điện thoại của bạn bè, học trò, đồng nghiệp nhân ngày BCVN 21-6, ngày của một cái nghề đã để lại phía sau và mang lại cho mình nhiều niềm vui và may mắn không thể nào quên.

Nói đúng ra thì đã qua rồi cái thời mà những cảm xúc trào dâng khi một sự kiện đến. Ngay cả chiều 30 Tết khi mà trên mọi con đường của Thành phố đã trống vắng hẳn ra vì mọi người đã biến hết về quê ăn Tết cũng không khiến được mình xao xuyến, huống chi là ngày kỉ niệm.
Có chăng đó là dịp để nhớ lại những lối rẽ của cuộc đời.
Và cứ mỗi lần có thêm một lối rẽ đó là mình lại có thêm một chặng đường đời. Để rồi khi đã đi qua và ngoái nhìn lại, bỗng thấy như có một nốt trầm ngân rung trong lòng ta.
Đó là cái buổi sáng Quy Nhơn ngày 30-6-2010 sau khi cạn tách café với bạn bè ở quán Nâu, mình bắt tay từ biệt tất cả để lên xe vào hẳn Sài Gòn trở lại với nghề cũ. Bỏ lại sau lưng 30 năm Quy Nhơn có lẻ với 10 năm ở QNU và hơn 20 năm ở đài BTV.  
Mình thích bài hát  Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn phổ lời thơ của Thanh Hải với câu thơ hay nhấtMột nốt trầm xao xuyến, ta biến trong hoà ca.     
“Cuộc đời đó sống được bao nhiêu mà hững hờ” cũng chỉ vì những nốt trầm xao xuyến ấy.


Với những cộng sự đắc lực ở BTV



Liên hoan TV Hải Phòng 1-2009. Trái sang: Mai Thìn, HTS, Công Sơn, Lê Lợi



Liên hoan TV Hà Nội 1-2010, tranh thủ du ngoạn lên xứ Lạng rồi lặn cả sang Trung cộng chơi. Trái sang: chú Thắng, HTS, Công Sơn, chú Ngọc.


 
Căn nhà cũ số 30 TTT ở Quy Nhơn 

Vĩ thanh:

Có lần nhân PTV Thanh Hùng từ VTV vào Quy Nhơn công tác, mình cùng với Hoàng Mai và ekip SX chương trình đã làm cuộc phỏng vấn NSƯT Thanh Hùng. Anh này cũng là từ một CBGD ở ĐHSP Hà Nội rẽ ngoặt sang làm TV, vì thế mà kết nhau đến nay, thỉnh thoảng vẫn ới nhau qua đt. Cuộc phỏng vấn này đã được đăng trên rất nhiều tờ báo và diễn đàn trên mạng :

NSƯT Thanh Hùng: Thầy giáo... lên hình
 
NSƯT Thanh Hùng: Thầy giáo... lên hình
   Anh có thể cho biết nguyên do nào đưa đẩy anh từ chỗ là một giảng viên trường Đại học sự phạm Hà Nội đến với nghiệp dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam
   Tôi làm giảng viên khoa Hoá rồi nhập ngũ. Dịp may đến khi tôi được chọn làm diễn viên đóng vai anh phi công tên Quỳnh trong bộ phim nhựa "Vùng trời", bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Hữu Mai. Sau vai diễn mà không biết có thành công hay không ấy, tôi được rút về dẫn chương trình cho Truyền hình Quân đội Nhân dân và sau đó thì chuyển hẳn về Đài Truyền hình Việt Nam.
   Vậy, theo anh, trong công việc của một người dẫn chương trình truyền hình, những yếu tố nào quyết định sự thành công?
   "Học thầy không tày học bạn". Đó là câu thành ngữ nằm lòng mà một người thầy đã dạy tôi phải luôn nhớ. Những điều gì hay, điều gì tốt mà bạn mình làm được, người khác làm được thì mình cũng cố gắng mà học hỏi để làm được như họ. Tôi xem đấy là bí quyết của mọi thành công.
   Chặng đường dài gắn với nghề dẫn chương trình chắc là có rất nhiều kỉ niệm để đời đối với anh?
   Cuộc sống của mỗi con người thì có nhiều kỉ niệm để nhớ lắm. Với nghề dẫn chương trình, tôi có một kỉ niệm nhớ mãi. Đó là sau khi dẫn chương trình giao lưu "Tình yêu và cuộc sống", có một nữ khán giả công tác ở ngành Bưu điện nói là quê ở Bình Định, đã chép tặng tôi một bài thơ ngắn của nhà thơ Phan Cung Đức.
   Bài thơ có nhan đề "Ngoài vùng phủ sóng". Bài thơ như sau: "Khi anh cầm chiếc điện thoại trên tay/ Cầm cả những gì mong manh có được/ Gọi trước biển, biển cồn cào sóng nước/Gọi lên trời xao xác những mây/Em ở đâu trong cõi đời này/ Mà anh gọi, mà anh tìm đến thế/ Đến lúc bạc đầu nhận một lời rất khẽ/ Anh ở ngoài vùng phủ sóng của em"!
Cách đây mấy năm, một tạp chí thời trang có uy tín đã xếp anh là một người dẫn chương trình có trang phục đúng mốt, nghiêm túc và chỉn chu của Đài THVN. Vậy anh quan niệm thế nào về trang phục đẹp của một người dẫn chương trình khi xuất hiện trên màn ảnh?
   Trang phục của người dẫn chương trình sẽ nói hộ nhiều điều không có trong văn bản. Tôi có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ dẫn chương trình là mỗi khi xuất hiện trước nơi đông người, cần ăn mặc đứng dắn, đúng với ý nghĩa và tư cách là người của công chúng.
   Xu thế hiện nay của các đài Truyền hình là biên tập viên tự thể hiện tác phẩm của mình, họ đồng thời là người dẫn chương trình. Tiêu chí nào để một biên tập viên đồng thời là dẫn chương trình, thưa anh?
   Đó là một xu thế làm hài lòng khán giả vì họ tin tưởng hơn vào những điều BTV nói. Nhất là khi biên tập viên đó có một chất giọng đẹp và được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ dẫn chương trình. Có thể xem đó là tiêu chí của một biên tập viên khi tham gia dẫn chương trình.
   - Cảm ơn anh!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới