1 tháng 12, 2021

Chuyến thực tập cuối khóa (Hồi 2)

Chương 2: Ở TRƯỜNG CẤP 3 KIM SƠN A

 Hồi này nói tiếp về chuyện cái máy hát quay bằng đĩa than. Thực ra cái máy quay đĩa này là chi tiết rất phụ của câu chuyện nhưng bị nhiều bạn đọc quan tâm nên phải nói một lần cho xong để kể sang những chuyện khác hay hơn.

Sau 3 tiếng đạp xe vượt qua chặng đường dài 31km từ thị xã Ninh Bình ngược về thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn), tôi và Tiến băng qua thị trấn Phát Diệm, đi dọc một con mương nhỏ tìm về xã Lưu Phương nơi có trường cấp 3 Kim Sơn A. Đúng ra trường này phải nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm nhưng đây là nơi trường sơ tán từ những năm chiến tranh phá hoại trước 1975. Nay chiến tranh đã đi qua lâu rồi nhưng đất nước và tỉnh cũng nghèo quá chưa có tiền xây trường mới để chuyển về lại thị trấn. Tôi và Tiến cùng ở trọ trong nhà một bác gái là cán bộ về hưu (bác trai mất lâu rồi) ở xã Lưu Phương.
Năm đó cả huyện Kim Sơn chỉ có thị trấn Phát Diệm là có điện mà cũng chỉ có từ 18h đến 21h hàng ngày. Lưu Phương là xã nông thôn nên không có điện. Vì thế niềm khát khao được nghe ca nhạc, nghe những bài hát ưa thích từ cái máy hát của riêng tôi đành phải gác lại. Tôi gửi nó cho bác chủ nhà cất vô buồng.
Hết đợt thực tập dài ngày, tôi mang cái máy cùng trở lại trường ĐHSP Vinh. Xuống tàu tôi đi thẳng về trường. Đứng trước dãy kí túc xá sinh viên tuềnh toàng mái tranh vách nứa vắng bóng sinh viên vì sau thực tập được nghỉ mấy ngày nên mọi người tranh thủ về quê hết. Tôi xa quê nên không về. Mở cửa bước vô căn phòng của tôi với 4 cái giường tầng phủ đầy bụi bặm và mạng nhện, lòng tôi chợt trào lên cảm xúc trống trải vô cùng với nỗi buồn thê thảm. Lúc này tôi mới thấy thấm thía câu thơ Cụ Nguyễn Tiên Điền viết về tâm trạng của chàng Kim Trọng sau khi mãn tang cha trở lại vườn thúy thì không thấy người yêu đâu nữa vì nàng Kiều đã lưu lạc do bán mình chuộc cha:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Chán nản cảnh thê lương quá tôi quay xe đạp lên khu tập thể CBGD khoa văn nơi có những thầy cô giáo trẻ là bạn bè thân thiết của tôi như chị Kim Liên ngôn ngữ, chị Bích Hải VHTQ, Nguyễn Hữu Dỵ ngôn ngữ... Vừa thoáng thấy tôi dừng xe với đồ đạc kỉnh kỉnh, chị Kim Liên đã ngạc nhiên kêu lên: Ôi, ông Sơn, tối qua tôi vừa nghe đài truyền thanh trường đọc bài của ông đấy, Bức thư từ Trường Cấp 3 Kim Sơn A, xúc động lắm. Đó là bài báo tôi viết về hoạt động của đoàn thực tập ĐHSP Vinh tại trường cấp 3 Kim Sơn A trong đó tập trung nói về tinh thần yêu nước, hào hứng của những nam sinh viên thực tập đã 100% tình nguyện đăng kí lên đường ra trận lên biên giới phía bắc chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Bài viết tôi gửi qua đường bưu điện cả chục ngày trước. Bài này sau còn được đăng trên Nội san Nhà trường, nhờ nó mà tôi được thầy Trưởng phòng Công tác chính trị Trần Đình Toàn mời lên gặp và nói lời khen ngợi.
Trong lúc chị Kim Liên pha trà cho uống rồi nấu luôn cơm cho ăn thì tôi găm điện mở cái máy hát bày lên bàn làm việc của chị. Chỉ trong chốc lát đã tràn ngập căn phòng nhỏ những giai điệu ngân nga quen thuộc của bài Xa khơi do Tân Nhân hát:
Nắng toả chiều nay
Chiều toả nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ướm chân trời ...

Chị Kim Liên ngạc nhiên vô cùng, bỏ hết bếp núc ngồi ngẩn ngơ nghe.
Phòng ở của CBGD trường ĐHSP Vinh thời đó là những dãy nhà gạch xây tạm bợ mái lợp ngói xi măng cứ mỗi gian ngăn đôi, nửa trước một người nửa sau một người. Một phòng chỉ đủ chỗ cho một cái giường cá nhân, một cái giá sách và một bộ bàn ghế làm việc, thêm chỗ cho một chiếc xe đạp. Nói chung là rất thê thảm, nhìn cứ như cái lán công trường. Khi tiếng hát của Tân Nhân cất lên từ cái máy quay đĩa của tôi vang xa, người đầu tiên chạy sang là Nguyễn Hữu Dỵ. Dỵ học khóa 13 sau tôi một khóa, khi tôi đi lính về học khóa 16 thì Dỵ đã là thầy dạy ngôn ngữ của khoa. Hắn sang với dáng to cao như Từ Hải đứng lấp luôn cái cửa phòng chị Liên vừa ngắm nghía cái máy hát vừa thích thú lắng nghe. Hồi đó cả miền Bắc XHCN nghèo xơ xác, đến mức thầy dạy đại học may lắm có cái xe đạp, cái radio nghe tin tức cũng chưa mấy người có nói gì cái máy quay đĩa xa xỉ như của tôi, phương tiện giải trí và thông tin của cả trường lúc đó chỉ duy nhất hệ thống loa truyền thanh công cộng của trường. Dỵ sang, rồi chị Bích Hải dạy VHTQ, rồi Hoàng Trọng Canh SV khóa 15 mới ở lại, rồi thầy Khởi, thầy Đào Trọng Mão dạy VHDG sang... Các thầy cô khoa văn đứng kề vai nhau trong căn phòng nhỏ im lặng lắng nghe hết bài này sang bài khác. Cơm chín không có chỗ dọn ăn, tôi nói Dỵ bưng luôn cái máy về phòng hắn mà nghe. Mắt Dỵ sáng trưng lên vui sướng rồi vội bưng về ngay. Các thầy cô cũng theo đó kéo hết về phòng Dỵ nghe tiếp. Từ đó cho đến khi tôi tốt nghiệp cái máy quay đĩa của tôi luân phiên giữa các phòng CBGD khoa văn. Tôi là sv cũ của khoa đi bộ đội về, tuổi cũng nhang nhác với các CBGD trẻ trong đó nhiều người là bạn bè của tôi nên quen biết hết các thầy cô trong khoa. Từ khi có cái máy hát xuất hiện lại càng thân thiết hơn với các thầy cô vì chiều chiều mỗi ngày, sau khi ăn cơm xong tôi lại lên với cái máy hát đang nằm ở phòng một thầy cô nào đó mà thường là ở phòng chị Liên và phòng Dỵ và mở nghe cho đến giờ học tối mới về lại kí túc xá.

Gặp lại Nguyễn Hữu Dị, Sài Gòn, 2018


Đến bây giờ thỉnh thoảng gặp nhau, các thầy cô, nhất là Dỵ và chị Kim Liên, chị Bích Hải vẫn nhắc lại với tôi về cái máy quay đĩa quý hiếm ngày ấy.
Riêng với đám bạn bè trong lớp dù thân thiết đến mấy, tôi giấu biến chuyện tôi có một cái máy hát. Tôi đã dặn kĩ thằng Lê Minh Tiến là không được hé môi kể về cái máy hát vì chỉ cần biết tôi có cái máy, lũ chúng nó thế nào cũng chèo kéo bắt tôi mang về kí túc xá nghe. Mà ở khu KTX sinh viên ngày đó trộm cắp vặt nhiều như ma Văn Điển. Hồi năm 3 tôi có cái quần simili màu xanh lục mang từ Sài Gòn ra chỉ mặc khi nào có sự kiện lớn như hẹn hò với một em xinh tươi nào đó, tôi quý cái quần và giữ gìn nó như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Ấy vậy mà vào một buổi trưa giặt xong đem phơi ngoài hiên, tôi cảnh giác nằm trên giường tầng 2 một mắt nhắm ngủ còn một mắt mở thức canh cái quần, thế mà tên đạo chích nào đó cũng đã kịp nẫng mất khi nào không biết. Còn như anh Lộc quê Hà Tĩnh lớp tôi đi bộ đội về lại cả thương binh, có lần về quê mang ra chai mật ong để bồi dưỡng, thỉnh thoảng tợp một ngụm. Tợp xong anh lấy phấn vẽ một vòng tròn khép kín quanh cái chai ngang với lượng mật trong chai, nói là để kiến khỏi bò vô vừa là để không tên nào dám uống trộm. Vậy mà mấy lần anh vừa ra khỏi phòng trở về là lượng mật trong chai lại tụt xuống khủng khiếp. Mật ong ngọt ngào bao nhiêu thì anh Lộc lại đắng lòng bấy nhiêu. Hay như thằng bạn thân Nguyễn Trung Ngọc cũng là với chai mật ong có cả trộn thêm một nắm viên vitamin B1 vào cho bổ, về quê Hương Sơn mang ra buổi chiều thì rút kinh nghiệm từ anh Lộc, tối tôi đang chăm chú ngồi giường tầng trên học bài hắn lẳng lặng giật nhẹ chân tôi làm hiệu ra ngoài có chút việc. Tôi nhảy thoắt xuống thì thấy hắn với thằng Nguyễn Phong Nam chờ sẵn, rồi 3 thằng làm bộ đi dạo ra sân vận động trường chuyền tay nhau tu cho hết nhẵn chai mật nửa lít chỉ trong vòng 15 phút.
Trong tình hình trộm cắp KTX như rươi ấy, cái máy hát của tôi mà mang về KTX, chắc không tồn tại quá 3 ngày.
Vì thế mà cho đến khi tôi viết bài này, trừ thằng Tiến Sạc Lô ra, cả lớp 16D K2 của tôi giờ này, sau 40 năm mới biết là hồi cuối năm 4 tôi từng có một cái máy quay đĩa vĩ đại như thế. Nhân tiện đây cho tôi được nói lời xin lỗi đến các bạn trong phòng KTX nam hồi đó như 
Nguyễn Trung Ngọc, Em Lê, Uông Ngọc Dậu, Sùng Nguyễn Xuân, Hào Trần, Phạm Chiến, Ninh Nguyễn Hữu, Xuân Nguyễn Duy... vì đã không đem về KTX giới thiệu cái máy quay đĩa và để các bạn được thưởng thức ca nhạc.
Bảo vệ khóa luận, thi tốt tốt nghiệp xong tôi được nghỉ hè một tháng để quay lại trường nhận quyết định phân công công tác. Tôi khi đó đã biết trước là sẽ được phân công về dạy ở ĐHSP Quy Nhơn nên rất ung dung. Tôi về quê thăm ba mạ các em với cái máy quay đĩa Balkan. Cả nhà tôi đều thích cái máy, nhất là ba tôi, riêng mạ tôi thì có phần tiếc hai cái áo sơ mi trắng vì theo mạ nói thì 2 cái áo đó mạ tôi mua vải may đã hết 50 đồng. Ba tôi vì bận công việc cơ quan nên chỉ đến bữa ăn ông mới được nghe những bài hát yêu thích phát ra từ cái máy. Cũng vì thế mà khi cầm quyết định công tác vào Quy Nhơn, tôi đã để cái máy lại cho ba tôi nghe, dự định là lần sau vào lại sẽ mang theo. Đến kì nghỉ hè tôi về quê thăm nhà, ba tôi bàn là nên bán cái máy quay đĩa thêm vô 60 đồng nữa là mua được cái Melodia của Nga với giá chỉ 100 đồng. Đó là cái radio với 4 băng đài lại kiêm luôn cả chức năng quay đĩa mà những người đi Nga thời đó thường mang về khá nhiều. Cái Melodia vĩ đại hơn cái máy Balkan của tôi nhiều, nó to như một cái chuồng gà nhỏ và nghe cũng rất hay, lại rất bền. Và đó cũng từng là một niềm ao ước của tôi. Nghe ba nói tôi đồng ý liền. Ngay hôm sau chỉ vừa nghe tôi rao bán đã có ông chú trong cơ quan ba tôi mua lại, vẫn với mức giá chỉ 40 đồng, vẫn kèm theo 10 cái đĩa than có sẵn. Từ đó tôi không biết gì thêm về cái máy quay đĩa hiệu Balkan ấy nữa.
(Còn tiếp)

 


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới