17 tháng 12, 2021

Chuyện nhà của một sinh viên

 Truyện ngắn

 

Đầu năm học mới tôi được lãnh đạo khoa phân công làm chủ nhiệm một lớp năm thứ 3. Là giáo viên chủ nhiệm tôi hay gặp gỡ và trao đổi công việc với lớp trưởng Nam, một cậu sinh viên quê gốc Sài Gòn có dáng người hiền lành nhưng khắc khổ so với tuổi 20.

Nam học giỏi, làm việc nghiêm túc nhưng sống khép kín, có đôi chút kiểu khắc kỉ và đôi mắt luôn toát lên sự buồn bã. Ở tuổi này, các bạn cùng lớp thường có bạn gái hoặc đã có người yêu, nhưng với Nam thì cứ như một ông già đau khổ, hết giờ học là cậu ta về thẳng nhà hoặc đi làm thêm ở một quán cà phê, không bạn bè trai gái gì hết. Điều đó làm tôi quan tâm hơn đến Nam. Đã mấy lần tôi chủ động hỏi chuyện nhưng Nam đều lẩn tránh. 

Lâu lâu tôi lại lên lớp

Dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay Nam một mình tìm đến nhà tôi thăm và chúc mừng thầy chủ nhiệm nhân ngày lễ của nghề nghiệp. Tôi chủ động mời người học trò ra quán cà phê nói chuyện. Rất may là trong dịp này, Nam đã bộc bạch tất cả chuyện nhà của em cho tôi nghe.

Sinh ra là con út trong gia đình có bố làm tài xế xe tải, mẹ làm giáo viên mầm non, có nhà cửa ổn định tại một quận 12 thành phố Hồ Chí Minh. Trên Nam là chị gái làm nghề dạy học đã có gia đình và ở riêng. Một gia đính như thế tuy không giàu có gì nhưng vẫn là niềm mơ ước của nhiều gia đình lao động nghèo chỉ mong có nhà cửa để ở, công ăn việc làm ổn định. Ấy vậy mà trong ngôi nhà nhỏ đó chẳng mấy khi Nam có cảm giác được bình yên.

Ba Nam làm nghề lái xe tải. Do đặc thù nghề nghiệp, từ sáng tinh mơ ba Nam đã ra đi và chỉ về nhà khi đã tối mịt. Dần dà ba Nam bị bạn bè rủ rê nên cuối ngày thường sa đà vào các cuộc nhậu triền miên. Không có ngày nào ba Nam trở về mà người không sặc sụa mùi bia rượu.

Đã thế, mỗi lần về nhà, ba Nam còn kiếm cớ đánh chửi vợ con. Mẹ Nam nhiều lần phải ôm đầu chạy về nhà ngoại lánh nạn.

Nam vẫn nhớ như in từ hơn 3 năm nay, chưa bao giờ gia đình có một bữa cơm mà có mặt ba Nam. Có lần mẹ tổ chức bữa ăn tối mừng sinh nhật Nam, mặc dù đã dặn trước nhưng chờ mãi ba Nam vẫn không về. Mẹ gọi nhắc thì ba đang trong một cuộc nhậu rất ồn ào. Ba Nam còn nạt mẹ sinh nhật là cái gì. Mấy mẹ con buồn quá đành ăn cho qua bữa. Khuya đó ba về mẹ đã đi ngủ còn bị ba lôi dậy đánh cho mấy bạt tai: Từ nay tôi cấm bà gọi khi tôi đang nhậu với bạn bè. Nam chạy lại can bị ba đánh luôn cho mấy bạt tai đau điếng. Ngày vui của Nam thành ngày đau buồn của mấy mẹ con.

Cuộc sống gia đình Nam đã thành địa ngục. Nam đặc biệt thương mẹ vì không có ngày nào mẹ không bị ba mắng chửi, bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Vì thương mẹ nên Nam đã cố gắng học hành với mục đích là làm mẹ vui và mong sớm thoát khỏi cái địa ngục gia đình do người cha hư hỏng gây ra.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Nam đỗ vào trường đại học. Mẹ Nam vui lắm khuyên con cố gắng học hành, đừng để sau này hư hỏng nghiện ngập, vũ phu như ba.

Nghe câu chuyện của Nam, tôi ngẫm câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” rất đúng với trường hơp của em. Sống trong một gia đình có người cha như thế nhưng em vẫn là một đứa con có hiếu, thương mẹ và biết thương cả bản thân mình.

Nhiều lúc Nam muốn bỏ nhà đi thuê chỗ trọ nhưng thương mẹ nên Nam không nỡ. Đã có lúc Nam hỏi mẹ:

-      Sao mẹ không li dị ba cho khỏi khổ nhục?”

Mẹ đã nói những lời rất ân tình:

-      mẹ không thể làm thế vì mẹ chờ con tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định rồi mẹ sẽ tính tiếp. Với lại lúc này nghĩ đến bạn bè và mọi người xung quanh lại dèm pha bàn tán nên mẹ ráng chịu đựng…

Nghe mẹ nói, Nam càng thương yêu mẹ hơn. Nam hiểu mẹ là người phụ nữ biết bỏ qua những cái nhỏ nhặt tức thời để vươn đến những điều tốt đẹp cao xa vì tương lai con cái. Đồng thời mẹ vẫn nghĩ đến lúc thích hợp sẽ tìm cách giải thoát bản thân khỏi hoàn cảnh sống của một gia đình có người chồng vũ phu, nghiện ngập, chuyên bạo hành vợ con.

Học được đức tính tốt đẹp và dịu hiền của mẹ cùng khả năng thích nghi với hoàn cảnh sống, Nam đã vượt qua tất cả nỗi buồn đau từ gia đình để trở thành một sinh viên học giỏi, có tư cách đạo đức tốt, được thầy yêu bạn mến.

Nghe hết câu chuyện của Nam, tôi hiểu vì thương mẹ, thương mình mà Nam đã có đủ nghị lực để tiến bộ và vượt lên hoàn cảnh sống như vậy. Là giảng viên giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm lớp, sau khi nghe hết câu chuyện từ gia đình Nam tôi càng yêu quý em hơn.

HTS 

 


 

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới