30 tháng 9, 2020

Người Bắc bán cua Nam

Cháu ngoại thích ăn cua nên mỗi lần cháu về chơi là tôi lại đi mua cho cháu con cua thật chắc thịt. Luộc lên gỡ cho cháu ăn. Lấy đó làm vui với cháu.

Ở Tân Phú và Tân Bình có thể nói là trên trời dưới... vựa cua. Không chỉ ở chợ mà hai bên các con đường có rất nhiều vựa cua. Mà toàn cua Cà Mau với Bạc Liêu, những địa danh nổi tiếng cua ngon nhất Việt Nam. Nhưng không phải vựa cua nào cũng đáng tin cậy. Nếu không khéo bạn sẽ gặp nỗi thất vọng tràn trề khi mua cua về ăn. Chỗ thì bán cua óp, chỗ thì bán cua gãy càng, chỗ thì bán cua ngắc ngoải sắp chết, chỗ thì buộc cái dây vải ngấm nước to như con lươn để ăn gian trọng lượng. Trong đó sợ nhất là mua phải con cua óp, luộc ra toàn nước và tanh òm chỉ muốn vứt ngay vô thùng rác.

Tuy nhiên tôi có một địa chỉ mua cua rất tin cậy.

Đó là cái vựa cua tôm trên đường Tân Kỳ Tân Quý gần giáp với đường Cộng Hòa. Từ nhà tôi ra đấy chỉ 1.000m.

Cháu ngoại với con cua


Từ lâu rồi giá cua thịt ở đây vẫn chỉ một mức 280k/kí. Cua gạch thì 380k. Tôm sú loại to 25-30 con/kí cũng giá 280k.

Chủ vựa cua là 2 anh em ruột nói giọng Bắc đặc sệt thỉnh thoảng còn nói ngọng l, n thay nhau đứng bán, khi có người anh thì vắng người em, và ngược lại: Cháu cho chú 2 con cua thịt, chắc vào nhé. Dạ, chú chờ cháu một lát (chỉ có dân Bắc mới nói chờ một lát, dân Nam sẽ nói là chờ 1 xíu). Rồi anh thanh niên chọn cho tôi những con cua thật ưng ý. Về luộc lên thơm lừng mùi cua bể tươi và thịt thì chắc như... cua gạch. Chục lần như một tôi đến đấy mua cua cho cháu đều như thế. Chỉ có hài lòng trở lên.

Điều đó mang lại niềm tin tưởng vô biên của cả nhà tôi với 2 anh em bán cua người miền Bắc trên đường TKTQ. Con gái tôi phát biểu: anh em nhà này tốt, buôn bán thật thà.

Tôm cũng thế. Nói cháu cho chú 1 kí về nướng. Thế là anh bán cua dùng vợt vớt lên chọn những con tôm sú to chắc nhất lại còn lắc lắc cái vợt 1 lúc cho chảy ráo nước mới bắc lên cân. Về nhà tôi chỉ việc xiên que bỏ vô lò nướng 10 phút là tha hồ ăn.

Ở đâu và đi đâu cũng thế. Gặp được người tốt, thật thà, không gian xảo chuyên tìm cách lừa đảo người khác, bao giờ ta cũng thấy cuộc sống thật vui và đáng yêu. Ngược lại sẽ là nỗi buồn.

Có lần tôi lên trường làm việc, một cậu sinh viên năm 2 hay nói chuyện với tôi ghé vô kể chuyện: Hôm qua em có chuyện buồn thầy ạ. Kể thầy nghe được không. Em với bạn đang ngồi uống trà sữa thì có bác gái bán vé số mời mua. Em lấy ra 10k mua 1 tờ vé. Cốt là em mua giúp bác ấy chứ có bao giờ trúng đâu mà mong thầy. Nhận tờ vé số xong em cất luôn vô túi. Tối về nhà lấy vé số ra dò thì không phải là 1 tờ mà những 2 tờ vé. Thì ra vé nó dính vô nhau. Em nghĩ mình mua giúp bác ấy không ngờ đã làm hại bác. Lời lãi đâu không biết còn bị mất thêm 10k.

Vì thế mà em buồn? Dạ đúng rồi thầy. Chỉ có thế mà em như người mắc nợ. Sáng nay em ra lại quán trà sữa cố ý ngồi thật lâu xem có gặp lại bác bán vé số để trả lại 10k mà không gặp thầy ạ.

Thế đấy. Người ta cứ nói ngèo thì hèn và giàu thì sang nhưng thực tế không hẳn là thế. Hai anh em người bán cua không thể là người giàu, em sinh viên của tôi cũng thế. Nhưng họ chắc chắn là những con người sang trọng. Ối gì kẻ lên xe xuống ngựa trông rõ là người giàu nhưng tâm địa và việc làm thì rất hèn.

Người làm nghề buôn bán cũng có 3 bảy loại. Có người thì miệng lưỡi nhưng cũng ối người tốt bụng và thật thà, làm ăn rất có lương tâm.

Lưu ý: Bài viết chỉ khoanh vùng những người làm nghề buôn bán. Càng không liên quan đến các loại "nhà" như nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà PBLLVH, nhà khoa học và sĩ quan CA, QĐ...

 

Trồng hoa không chỉ để chơi

 Một sáng chủ nhật vợ chồng học trò Kim Hùng + Trần Hà Yên đến thăm mang theo một chậu cây xanh mướt: Em tặng thầy loài cây đặc sản Phú Yên quê em. Nó tên là Bông giờ. Cây này mỗi năm chỉ trổ bông một lần vào dịp mùa thu tháng 8, tháng 9. Bông nó tuy rất đẹp nhưng ở Phú Yên nó là một món ăn đặc sản. Em về thăm quê mang vô đấy ạ.

Ôi. Qúy hóa thế. Cho thầy xin.

Chậu bông giờ trong thùng xốp 


Tôi đã đến Phú Yên hàng trăm lần, từng ngủ lại ở Tuy Hòa, ăn nhậu ở Sông Cầu, Tuy An... không biết bao nhiêu đận nhưng đây là lần đầu tiên nghe và thấy cây hoa này. Nhớ lại thấy tiếc.

Tìm hiểu thì được biết cây bông giờ (dân Phú Yên gọi tắt là cây giờ) chỉ có ở vùng nông thôn Phú Yên, là loài cây hoang dã cùng họ với gừng, nghệ (thảo nào nhìn qua rất giống cây gừng) mọc tự nhiên ở những khu vườn, đám ruộng bỏ hoang ít người chăm sóc.

Hoa bông giờ ở Phú Yên (chôm trên mạng)


Khi bông giờ nở là khi mâm cơm của người nông dân Phú Yên có thêm món ăn nồng nàn hương vị mà chỉ ai ăn mới biết. Bông giờ có thể ăn sống, nấu canh nấu lẩu với cá đồng (và chỉ nấu với cá đồng) tạo nên bát canh rau dân dã tập tàng thơm ngát.

Trần Hà Yên (Minh Hạnh) nói trong lúc chờ bông nở thì cái lá của nó thầy thái nhỏ cho vào các loại canh ăn cũng thơm ngon lắm.

Thì ra đâu chỉ Nam Bộ mới có bông điên điển nấu cá linh mỗi mùa nước nổi về mà dân quê xứ nẫu cũng có món đặc sản bông giờ nấu cá đồng có khi còn ngon hơn, qúy hơn.


Từ chỗ là loài cây hoang dã, nay cây bông giờ đã được người Phú Yên đem về trồng trong vườn thành những vạt bông giờ xanh tốt, chờ đến mùa trổ bông để thưởng ngoạn. Nghe nói người Bình Định vô Phú Yên ăn bông giờ thấy ngon quá xin đem về Qui Nhơn trồng nhưng bông giờ nở ra ở Qui Nhơn mà có màu phớt vàng không đẹp tươi sắc tím Huế như ở Phú Yên. Cũng phải thôi. Cô gái H’Mông ở Sa Pa mà đưa xuống Hà Nội thì đâu còn đẹp đẽ hấp dẫn gì nữa.

Tôi nâng niu cây bông giờ. Trồng vô một chậu xốp rộng rãi bón phân hữu cơ đầy đủ. Vài tuần trôi qua cây đã bén rễ và đẻ nhánh. Cây qúy thế nên tôi không dám hái lá nấu canh như Hạnh nói mà chỉ chăm bón chờ đến mùa thu năm sau xem bông nở và nấu canh ăn.


21 tháng 9, 2020

Không cho thì sự cũng đã rồi

Nhiều người cứ ồn lên về vụ Bộ GD cho phép học sinh THPT được sử dụng điện thoại (hiển nhiên là di động, hiển nhiên là thông minh chứ giờ này nói đt không lẽ là nói đt bàn và đt cục gạch).

Thực ra nói cho phép như trên chỉ là Bộ GD cầm đèn đuổi theo ô tô. Trên thực tế, hàng chục năm nay đám học trò phổ thông đứa nào cũng được cha mẹ trang bị đt và đều đã mang đt đến lớp học như là một sự tất yếu. Cách đây cả chục năm con gái tôi đi học cấp 3 cũng đã mang theo đt trong cặp. Hết giờ học tôi đi đón, cháu vừa ra khỏi cổng trường gọi cha í ới: Ba đang đứng ở đâu.

100% học sinh mang theo điện thoại đến lớp. Một bộ phận không nhỏ chúng nó ngồi học trong lớp tha hồ chơi game, chát chít, tha hồ mà fây búc với za llo, coi ông thầy đang thao thao bất tuyệt trên bục giảng có cũng như không.

Nói tóm lại với cái đt trong tay, chúng nó tha hồ làm đủ mọi thứ trò ma mãnh mà ông thầy đứng trên lớp có mắt cũng như mù.

Mới năm ngoái đây, tôi được một ông HT trường CĐ VHNT thuê làm HP điều hành trong 3 tháng cho 1 trường THCS và THPT vì cô HT trường này bỏ việc ngang xương. Đây là trường tư của ông HT trường CĐ. Có đủ từ lớp 6 đến lớp 12. Là một ngôi trường èo uột, hs thì học để mà chơi là chính.

Ông HT CĐ hứa sau 3 tháng sẽ tìm được HT mới và cho tôi miễn nhiệm.

Là HP điều hành mà tôi không điều hành được GV khi trống tiết. Vì thế tất cả các môn từ GDCD đến Văn, Sử, Địa nếu có lớp nào trống tiết thì tôi là người lấp vào chỗ trống. Với cuốn sách giáo khoa bộ môn trong tay, chỉ liếc qua là tôi đã dạy đủ 45 phút dù đó là địa lí tự nhiên hay địa lí xã hội, dù đó là chiến dịch ĐBP hay chiến dịch HCM, dù đó là Đất nước của Nguyễn Đình Thi hay là Sóng của Xuân Quỳnh. Có tuần ngày nào tôi cũng làm nhiệm vụ điền vào chỗ trống như thế, từ lớp 6 đến lớp 12. Mệt mỏi và vô cùng chán nản vì thấm mùi dạy hs trường tư.

Chúng nó ngồi học mà đứa nào cũng chúi mũi cắm mặt vô màn hình đt. Đứa tử tế thì để đt dưới gầm bàn mà quẹt quẹt, đứa ba trợn thì để hẳn lên mặt bàn tha hồ bấm bấm.

Ở các lớp đại học thì tụi SV có đỡ hơn chút nhưng chuyện dùng đt trong lớp là rất bình thường. Có hôm lên lớp cho SV năm 2 tôi đang phân tích tp “Gào thét” của nhà văn LT ở trên bảng thì cuối lớp có tiếng đứa con gái vang lên trong trẻo: Mày ở nhà nhớ nấu cơm nha.

Ngày nay, từ trẻ con đến người lớn, không có smartphone và internet thì không thể sống nổi. Vì thế cái sự cho phép của Bộ GD chỉ là hành động của một kẻ mù cố sức xô vào một cảnh cửa đã mở toang.

Nếu là tôi, sẽ cho phép HS mang theo cả laptop đến lớp học luôn cho tiện.

Mấy người ham phê phán bộ GD chả việc gì phải xoắn.