9 tháng 12, 2021

Qua phà Long Đại nhớ Vũ Đình Văn

(Bài đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 30/4 và 1/5)

Dịp tiết thanh minh năm nay (2021), chúng tôi những người lính sinh viên là cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa đã đến viếng thăm, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại nằm ở địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ bắc), thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ nam), huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, nay ở vị trí Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn.

Bài trên báo Văn nghệ số ra ngày 30/4 và 1/5/2021

Hơn nửa thế kỉ trước, trong suốt bảy năm ròng từ 1965 đến 1972, bến phà Long Đại là mảnh đất mà suốt ngày đêm không lúc nào ngớt tiêng bom rơi đạn nổ từ máy bay của không quân Mĩ trút xuống nhằm chống phá và ngăn cản dòng chảy của những đoàn xe, của những đoàn quân chủ lực từ miền Bắc tiến vào miền Nam qua phà Long Đại. Trên dòng sông trong xanh đẹp như một bài thơ này của những năm tháng chiến tranh, những người lính quả cảm của quân đội ta với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã liên tục vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vào chiến trường miền Nam góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của cuộc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Tác giả bài báo (trái) cùng vợ chồng đồng đội Hoàng Tấn Quả - Nguyễn Hòa Hương là CCB lính sinh viên dâng hương tưởng niệm tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại, 28/3/2021

Đi trên một trong những chuyến phà qua sông Long Đại trong đội hình của đơn vị hành quân vào mặt trận Quảng Trị năm 1972, có một người lính sinh viên còn rất trẻ tên là Vũ Đình Văn đã chứng kiến cảnh chiến tranh ác liệt và sự hi sinh vô cùng lớn lao của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của các đơn vị phục vụ bến phà, anh vô cùng xúc động, cảm phục và đã viết nên bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại. Bài thơ viết vội ấy đã có những câu thơ thực không thể thực hơn. Và hôm nay, khi đứng ở sân đền, giữa tiết thanh minh tháng 3 mùa hoa khói, tôi chợt nhớ về những câu thơ trong bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại của nhà thơ liệt sĩ Vũ Đình Văn mà lòng trào dâng xúc động:

...Đêm ấy đêm trăng

Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại

Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi

Nơi trao tay mình tiền phương hậu phương

Nơi ấy ngã ba chiến trường

Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn

Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng

Nơi mở đường đưa máu chảy về tim...

Hoàn thiện bài thơ từ chiến trường Quảng Trị, Vũ Đình Văn đã gửi theo đường quân bưu tác phẩm Đêm hành quân qua phà Long Đại ra Hà Nội tham dự cuộc thi thơ năm 1972 của tuần báo Văn nghệ. Trong lúc bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại ra đến tòa soạn báo Văn nghệ ở Hà Nội thì tác giả Vũ Đình Văn cũng được điều động ra miền Bắc để biên chế vào một đơn vị bộ đội tên lửa và trong một trận chiến đấu với không quân địch trên vùng trời Hà Nội của một chiến dịch hết sức ác liệt mang tên Điện Biên Phủ trên không, Vũ Đình Văn đã anh dũng hi sinh. Anh ngã xuống mà không hề biết rằng bài thơ gửi dự thi của anh đã vào đến vòng chung kết và đạt giải khuyến khích cuộc thi thơ năm đó.

Nơi ngày xưa là bến phà Long Đại nhìn từ Đài tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại

Điều khiến độc giả rơi nước mắt khi đọc bài thơ đạt giải Đêm hành quân qua phà Long Đại của Vũ Đình Văn được in trang trọng trên báo Văn nghệ năm đó là mấy dòng chú thích của ban biên tập ở cuối bài thơ: "Tác giả bài thơ sẽ không có mặt trong lễ trao giải thưởng. Anh đã hy sinh trong trận đánh trả máy bay B52 của giặc Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm...".

Vũ Đình Văn quê ở Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1971 khi 21 tuổi đang là sinh viên năm thứ ba khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội thì anh cùng nhiều bạn bè lên đường nhập ngũ. Một năm sau anh trở thành liệt sĩ. Từ giã cuộc đời trong chiến đấu khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng Vũ Đình Văn đã để lại cho đời những vần thơ nồng nàn cảm xúc và giàu lòng yêu nước của một thời sinh viên ra trận. Những bài thơ của anh sau này được tập hợp và in chung với Hoàng Nhuận Cầm trong tập thơ mang tên Thơ tuổi hai mươi, một tập thơ mà những người lính sinh viên ra trận thời đó đều có trong ba lô hành quân.

Ngày hôm nay, được sống trong một đất nước thanh bình, mỗi lần đọc lại bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại của Vũ Đình Văn là chúng tôi lại nhớ về bến phà Long Đại của 50 năm trước dưới những trận bom dội xuống suốt ngày đêm như hủy diệt của quân thù. Hàng trăm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng nhiều đồng bào của chúng ta đã ngã xuống tại bến phà Long Đại. Sự hi sinh của họ tại bến phà Long Đại anh hùng đã làm nên một tượng đài rực sáng về tinh thần yêu nước và lòng quả cảm không gì ngăn cản nổi của những người lính cách mạng. Cũng vì thế, từ năm 1986 Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định công nhận bến Phà Long Đại là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dân cả nước cũng như người dân Quảng Bình nhận thấy tại bến phà Long Đại cần được lập đền thờ để hương khói tưởng niệm các các liệt sỹ và đồng bào đã ngã xuống tại bến phà Long Đại anh hùng.

Được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, với tấm lòng tri ân “Nghĩa tình Trường Sơn”, Báo Sài Gòn Giải phóng cùng nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã ủng hộ kinh phí 10 tỉ đồng để xây dựng một công trình tưởng niệm trang nghiêm, hoành tráng xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ.

Sau 2 năm thi công, vào tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành. Khu di tích được xây dựng bên cạnh đường Hồ Chí Minh với tổng diện tích 1.600m2, được thiết kế theo kiểu truyền thống kết hợp với hiện đại rất bề thế. Quần thể ngôi đền nằm trên triền núi phía bắc phà Long Đại, phía trước đền là dòng sông Long Đại uốn lượn chảy qua. Đền gồm ba bộ phận: đền chính là nơi thờ tự linh hồn các anh hùng, liệt sĩ, trước đền chính bên trái là tháp báo ân và bên phải là tháp chuông. Xung quanh đền là hệ thống bậc tam cấp, cây cảnh, vườn hoa được thiết kế hài hòa với không gian chung.

Hôm chúng tôi đến thăm viếng được thấy ở khoảnh đất trống bên phải cổng đền đã được phủ kín bới một vườn sim và mua đang đơm nụ nở hoa do những đoàn viên thanh niên Quảng Bình trồng và chăm bón như nhắc nhở người còn sống hôm nay về sự ra đi của những người lính trẻ tuổi năm xưa vô cùng dũng cảm mà hồn nhiên giản dị như cây cỏ. Và trong không gian tưởng niệm thiêng liêng đó, bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại của nhà thơ liệt sĩ Vũ Đình Văn lại hiện về như một ngọn gió thiêng nhắc nhở về một thời gian khổ hi sinh nhưng vô cùng hào hùng oanh liệt của đất nước.

Chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ Đêm hành quân qua phà Long Đại của Vũ Đình Văn:

Đêm ấy, đêm trăng

Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại

Bom nổ chậm rình ở hai đầu bãi

Pháo sáng lập lờ vòng quanh

Mặc quân thù cứ xuống bến đi anh

Nước Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm

Tiếng côn trùng không kêu làm đêm đi rất chậm

Càng hay cho nhiều chuyến phà sang

Xe chở đá làm đường

Lầm lầm như gấu

Sáng mặt người xuống khe tìm chỗ giấu

Chờ qua cửa khẩu đêm nay

Đoàn xe hàng đi nấp trong cây

Xuống phà lần chót

Bọn xích chúng tôi sốt ruột

Kêu rầm rù rung cả đồi mua

Đêm rất xanh chẳng ai đi đèn rùa

Người lái xe chiến trường trăng trong đôi mắt

Chở nặng, rú ga, leo dốc

Tời giùm một chiếc xe lầy

Ở nơi sống chết từng giây

Càng đẹp thêm tình đồng đội.

Đêm ấy đêm trăng

Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại

Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi

Nơi trao tay mình tiền phương hậu phương

Nơi ấy ngã ba chiến trường

Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn

Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng

Nơi mở đường đưa máu chảy về tim

Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm

Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến

Thấy những xe hàng nôn nao ra tiền tuyến

Và những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn

Tự nhủ lòng mình hãy tỉnh táo nhiều hơn

Quyết canh giữ những con đường cho mãi mãi

Đêm ấy đêm trăng

Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại.



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới