23 tháng 2, 2022

Chuyện hoa tết

 

Hôm 28 tết tôi lên trường ăn tất niên, khi về đi qua chợ Sơn Kì. Đúng là chợ tết, đông như ong vỡ tổ, người mua bán ngồi tràn cả ra con đường Bờ Bao Tân Thắng chạy vô khu AEON MALL Tân Phú. Ngay đầu đường tôi thấy 1 cháu bé chừng 13 tuổi ốm o gầy gò đang ngồi bán những bó hoa lúa khô vàng rực. Tôi thích 1 bó hoa như thế để cắm trên cái lọ men sứ Bát Tràng chính hiệu mà cách đây 4 năm tôi đã mua 500k ở 1 cửa hàng trên quận 3 hiện đang bỏ không.

Hoa lúa mạch

Hỏi cháu bé hoa lúa gì mà lạ thế cháu. Dạ hoa lúa mạch đấy chú. Cháu bán bao nhiêu. Dạ con mua về 40k 1 bó nay muốn bán 50k. Cháu bán được nhiều chưa. Dạ sợ ít người mua nên con chỉ dám lấy 50 bó mà ngồi cả ngày nay chỉ bán được 10 bó. Mà người ta trả giá lắm chú, có người chỉ mua 45k thôi. Tôi đưa 50k và nói cho chú 1 bó. Cô bé bọc giấy báo cẩn thận cột dây rồi treo lên xe cho tôi. Cháu học lớp mấy rồi. Dạ con học lớp 9 ạ. Thế ba mẹ cháu đâu. Dạ ba con chạy xe ba gác đi chở hàng cho người ta còn mẹ con đang bán dưa ngay kia. Cháu chỉ tay về chỗ 1 người phụ nữ đang bán cả 1 đống dưa hấu to như núi. Thế là tôi có 1 lọ hoa lúa mạch vàng rực trên bàn làm việc cả tháng nay.

Lan hồ điệp chơi cả tháng vẫn tươi nguyên

Thì ra hoa phong lan, mà cụ thể là lan hồ điệp chơi được rất lâu các bạn ạ. Hôm 25 tết con gái đưa về cho 6 cây lan hồ điệp đủ các màu, tôi ra phố mua cái chậu men sứ hết 160k về cho bà xã cắm. Cắm xong rất hồ nghi vì không biết vậy là đã ổn chưa, đẹp hay xấu vì lần đầu tiên nhà tôi có lan chơi ngày tết. Mỗi ngày tưới phun sương 2 lần sáng chiều thế mà nó tươi mới đến tận hôm nay cứ như là hoa nhựa vậy. Hôm Tết có 2 ông bạn là lão Nguyễn Quang Ngọc nhà báo Nông nghiệp VN và lão Trương Quang Cảnh GS môi trường học bên ĐH Tự nhiên đến uống rượu đều ngắm nghía và khen đẹp làm tôi sướng rơn. Ai chứ 2 lão này mà khen thì yên tâm rồi. Kiểu này hết tháng giêng chậu lan vẫn chưa suy suyển.

Năm sau chắc lại chơi lan hồ điệp tiếp.

Gớm. Có mỗi cái ngày hôm qua, 22-2-2022 mà thiên hạ rần rần cả lên. Nào là ngày đặc biệt, ngày tốt nhất trên đời, nào là 200 năm nữa mới có lại 1 ngày như thế này. Họ sướng và vui vì đang được sống trong 1 ngày hiếm có. Thế mới thấy thiên hạ lãng mạn, nhẹ dạ cả tin và dễ thương thật. Tôi thì thấy hết sức bình thường, không 1 chút rung động. Ngày xưa tôi đi học sợ nhất số 2, gọi là con ngỗng. Bài kiểm tra mà thầy cô chấm cho con số 2 đỏ chót là tiêu đời ngay. Trước đây thì thời khắc giao thừa tết nguyên đán thường làm tôi rung động nhưng mấy năm gần đây thì cũng hết hẳn rồi. Hay là tâm hồn tôi đã hóa đá rồi.

 

22 tháng 2, 2022

LOANH QUANH CHUYỆN MUA NHÀ SÀI GÒN (Chương I)

 

Một ông bạn đồng nghiệp cùng là dân làm truyền hình với tôi ở Gia Lai xuống SG thăm con alo tôi đi nhậu vì lâu ngày không gặp nhau. Hỏi thăm hoàn cảnh ông cho biết, thằng con trai đầu học xong đại học ở lại SG làm việc (điều này xảy ra với tỉ lệ đến 90% cho những SV từ các tỉnh đến TP HCM học đại học) nên vợ chồng ông xuất tiền mua cho nó cái căn hộ ở chung cư Tân Phú, giá mua 2,7 tỉ cách nay đã 7 năm. Khi kí hợp đồng mua chủ đầu tư hứa sẽ có sổ hồng sau 3 tháng. Nhưng nay 7 năm đã trôi qua, sổ hồng cho cái căn hộ bạc tỉ vẫn là mơ về nơi xa lắm. Tìm hiểu thì được biết do chủ đầu tư còn nợ thuế má nghĩa vụ đất đai gì đó với nhà nước nên khu CC chưa được cấp sổ hồng. Mọi thiệt hại trút hết lên đầu khách hàng. Ông thở dài ngao ngán. Nhà mình mà không phải nhà mình là đây chứ đâu.

Tôi hỏi nếu giờ được làm lại từ đầu ông sẽ như thế nào. Tôi sẽ chỉ mua nhà hoặc căn hộ khi đã có sổ đỏ trong tay dù đắt thêm năm trăm triệu. Tôi đồng cảm với ông.

Một ông bạn khác dù là dân SG đã mấy chục năm nay rơi vào tình cảnh còn tệ hơn ông bạn Gia Lai. Để có nơi nghỉ dưỡng ông xuống tiền mua 1 căn hộ trên bờ biển Vũng Tàu theo dạng tiến độ. Giá căn hộ khi hoàn tất là 1,5 tỉ đồng nhưng khi đã hoàn chỉnh giá sẽ lên 2 tỉ. Ông thanh toán được 1 tỉ khi khu chung cư đã xây xong phần thô. Oái oăm là đến đó thì ông chủ đầu tư ôm hết tiền qua Mĩ và không may bị chết ở bên đó. 2 năm nay khu chung cư trên bờ biển ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và ngày càng xuống cấp trong lúc hàng trăm khách hàng đã xuống tiền tỉ như bạn tôi rơi vào bi kịch vì không biết xử lí tiếp theo như thế nào. Đêm nằm chỉ biết thở dài vì tiếc tiền.

1 căn hộ nhỏ trong những tòa chung cư ngút ngàn mọc lên khắp nơi ở TP HCM đang là niềm mơ ước của hàng triệu con người nhưng đang tiềm ẩn phía sau nó hàng trăm điều rắc rối về pháp lí mà người mua phải lãnh đủ.

Tôi. Năm 2008 cũng tìm mua một căn nhà SG. Sau 1 tuần cùng với một chú cò vạc rất trẻ dẫn lối đưa đường đi xem 12 căn nhà với tầm giá tôi đủ sức mua. Đi 12 căn thì đến 13 căn có sổ đỏ đang cắm trong ngân hàng. Muốn mua nhà mình phải bỏ tiền ra chuộc sổ đỏ về sau đó 2 bên mới làm thủ tục mua bán. 2008 là năm mà hàng triệu dân SG bể nợ làm ăn nên phải cầm cố nhà cho ngân hàng. Đến lúc không có tiền trả lãi vay ngân hàng thì rao bán nhà. Sau khi đi xem đủ 12 căn tôi quay lại căn đầu tiên và quyết định mua. Tôi cùng chủ nhà đến ngân hàng chi trả cả tỉ bạc mà chủ nhà đã vay, ngân hàng rút sổ đỏ giao cho tôi cầm. Rồi cả 2 bên hộc tốc chạy như bay về phòng công chứng Tân Bình. Lúc đó đã 4h30 chiều, mọi người trong phòng CC đang đóng máy đứng dậy ra về. Tôi tái mặt vì nếu để việc làm hợp đồng mua nhà kéo dài qua hôm sau thì không biết tình hình sẽ như thế nào. Gặp ông TP CC trình bày, nghe xong ổng ra lệnh cho toàn bộ NV liên quan ngồi lại làm HĐ mua bán nhà cho tôi. Xong tôi gửi luôn phòng CC 3tr đồng ủy quyền làm sang tên sổ đỏ hẹn sau 20 ngày có. Họ có đường dây làm nhanh chứ mình lạ nước lạ cái làm biết khi nào xong. 3tr tiền dịch vụ này còn rẻ chán. Khi trả tiền nhà cho người bán, hiển nhiên trừ ra 1 tỉ chuộc sổ đỏ từ ngân hàng ra, tôi còn giữ lại 300 tr khi nào giao nhà thì trả hết. Kết quả 20 ngày sau trên mạng thông tin của nhà đất Tân Phú có một sổ đỏ đã được sang tên tôi và 3 tháng sau, bên bán mới giao nhà cho tôi. Tôi cho họ ở không 3 tháng sau khi đã bán.

Túm lại, dù bất cứ ở đâu, nhất là ở SG, mua bán nhà đất hoặc căn hộ CC đều phải cầm chắc trong tay sổ hồng sổ đỏ dù có đắt thêm 1 khoản tiền không nhỏ. Ham rẻ có khi rẻ thành đắt. Mua đắt chút nhưng xong rồi thở phào nhẹ nhõm.

Còn tiếp

 

20 tháng 2, 2022

Có một miền đất võ

 

(Đọc “Võ cổ truyền Bình Định” của Nguyễn An Pha, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021)

THANH NIÊN - Từ đầu thế kỉ thứ XVII, vào năm 1600, khi chúa Nguyễn Hoàng thống lĩnh cai trị cả một vùng đất rộng lớn từ sông Gianh (Quảng Bình) vào đến Quy Nhơn (Bình Định) thì cũng từ đó biên cương Đại Việt ở phía Nam không ngừng được mở mang và phát triển. Trong quá trình mở cõi trải qua hàng thế kỉ, đất và người Bình Định đã không ngừng được hun đúc để trở thành xứ sở của một miền đất võ. Điều này được ghi rõ trong sách Đại Nam nhất thống chí thời nhà Nguyễn khi viết về Bình Định với khái quát, “Học trò chăm chỉ, nhân dân siêng cày, tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa”. Chính đức tính dũng cảm, thích việc nghĩa đã nói lên truyền thống võ thuật được truyền lại hết đời này qua đời khác của con người sống trên vùng đất này và từ đó làm nên một miền đất võ mang tên Bình Định.

Sách Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha

Để nói về lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của võ cổ truyền Bình Định, có hàng chục công trình lớn nhỏ của những tác giả khác đã được công bố. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn Võ cổ truyền Bình Định dày hơn 330 trang sách của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha vừa được xuất bản vào những ngày cuối năm 2021được đánh giá là đầy đủ, nghiêm túc và hoàn chỉnh nhất.

Cuốn sách gồm bốn phần chính. Ở phần một Cội nguồn hình thành và phát triển võ cổ truyền Bình Định, tác giả đã đưa ra những lí giải xác đáng về sự phát sinh võ thuật của vùng đất kinh đô cũ của vương quốc Chămpa.Trong quá trính sinh tồn và phát triển của đời sống xã hội người dân nơi đây, để dựng nước và giữ nước cũng như để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ đến từ giới tự nhiên và xã hội, khi mà con người chưa có những vũ khí cần thiết thì họ đã phải học võ, luyện võ để từ đó hình thành nên những bậc kì tài về võ nghệ, tạo nên những môn phái, những lò võ, những dòng võ nổi tiếng còn vang vọng và dư âm đến hôm nay trên đất Bình Định. Đó là một sự lí giải mang đậm tính khoa học về nguồn gốc của võ cổ truyền Bình Định.

Biên soạn Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã đề cập đến những lò võ có từ trước thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Đó là những dòng võ mà ngày nay nhắc đến tên tuổi, những người yêu mến võ thuật cổ truyền Bình Định hầu như ai cũng từng nghe tiếng. Đó là lò võ Trương Văn Hiến nơi đã cho ra đời những bậc tài danh lẫy lừng của thời đại Tây Sơn như ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long...; đó còn là những tổ sư võ thuật danh tiếng như Diệp Đình Tòng, Đinh Văn Nhưng, Dòng võ Trương Đức, Ngô Mãnh, Trần Kim Hùng, Chàng Lía... mà ngày nay sử sách vẫn còn ghi.

Đọc Võ cổ truyền Bình Định, chúng ta còn thấy được sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của nó. Sau khi nhà Tây Sơn bị vua Gia Long nhà Nguyễn tận diệt, triều đại Tây Sơn sụp đổ nhưng võ cổ truyền Bình Định thì Gia Long không thể tận diệt vì nó được người dân Bình Định yêu mến, bảo vệ và gìn giữ. Đó là một điều kì lạ. Vì thế mà ngày nay, những dòng võ Thuận Truyền, An Vinh, An Thái… vẫn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trên đất Bình Định và đã có những thành ngữ Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, “Trai An Thái, gái An Vinh” với tư cách là những tuyệt kĩ. Đó là một thành công của công trình dày hơi này.

Ở phần hai của sách, tác giả đã dày công giới thiệu 26 chân dung võ sư tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định. Đó là những tên tuổi mà khi nói đến võ Bình Định không thể không nhắc đến. Họ là các võ sư Xuân Bình, Lê Thành Phiên, Lê Bá Cừu, Đào Thanh, Hà Trọng Sơn, Phan Thọ... 26 chân dung các bậc võ sư cũng là 26 chân dung của những cây đại thụ võ cổ truyền Bình Định mà đến nay dù nhiều vị đã qua đời nhưng tên tuổi của họ vẫn là danh bất hư truyền. Từ những chân dung võ sư mà tài năng được người đời hâm mộ xem là những bậc kì nhân này, độc giả còn rút ra được từ Võ cổ truyền Bình Định một kết luận là nói chung, những người theo nghề võ Bình Định không chỉ là những người tài năng trong thiên hạ mà họ còn là những con người thượng võ, coi trọng sự đức độ, nhẫn nhịn và kín tiếng. Dù tài năng đến vô địch, các bậc võ nhân, võ sư Bình Định luôn đi ngược lại với sự hợm mình, kiêu căng và không làm điều ác. Họ sống yên bình giữa làng quê, chống lại cái ác để bảo vệ cái thiện. Có lẽ đó là điều đã làm nên sức sống bất diệt của võ cổ truyền Bình Định như một mảng đặc trưng của văn hóa phi vật thể. Vì thế mà những trang sách của Võ cổ truyền Bình Định là viết về võ Bình Định nhưng cũng là viết về một nét đặc trưng của con người Bình Định, bền chí, kiên gan và dũng cảm.

Phần 3 và 4 của sách Võ cổ truyền Bình Định được tác giả dành để nói về một số một số bài thiệu võ quyền, võ binh khí và võ y của võ cổ truyền Bình Định với nhiều hình ảnh tư liệu. Tất cả đã nói lên cả một quá trình đầy công phu để nghiên cứu, sưu tầm và biện soạn ra Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha. Cũng vì thế mà dù là một công trình nghiên cứu về võ cổ truyền nhưng Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha với kết cấu hợp lí, ngôn ngữ thể hiện dung dị khiến người đọc rất dễ hiểu với ngay cả những người không biết gì về võ. Đó cũng là một thành công của cuốn sách dưới dạng phổ cập kiến thức võ cổ truyền của một địa phương đến công chúng.

Phần 5, phụ lục, tác giả đã giới thiệu rõ về trống trận Quang Trung và nhạc võ Tây Sơn; về học võ – dạy võ; thờ tổ - giỗ tổ, về những mẩu chuyện, giai thoại làng võ đã nói lên đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định.

Tác giả sách này, Nguyễn An Pha, không chỉ là một nhà quản lí văn hóa mà hơn thế anh còn là một đạo diễn sân khấu truyền thống, một nhà nghiên cứu về folklore học trong đó chuyên sâu về hát bội, dân ca duyên hải Nam Trung bộ, nghệ thuật bài chòi dân gian... và nay, thêm cả về võ cổ truyền của đất Bình Định quê anh. Người ta thường nói văn là người, nói về văn cũng là nói về con người nhưng qua tác phẩm Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha, chúng ta còn được thấy thêm một chân lí rất rõ, võ cũng là người, nói về võ cũng là để nói về con người.

Biên soạn và công bố Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã không chỉ giới thiệu với bạn đọc về võ cổ truyền mà qua đó anh còn hàm ý giới thiệu về xứ sở Bình Định với những miền quê xanh tươi ngút ngàn trong đó ẩn chứa những truyền thống võ thuật có từ xa xưa được lưu truyền từ đời này qua đời khác như một sự sống bất diệt. Người Bình Định hàng thế kỉ nay vẫn tự hào về một vùng đất địa linh nhân kiệt, văn võ song toàn nên đã tạo nên cả một vùng “Đất võ trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có như hát bội, bài chòi, võ cổ truyền, trống trận Quang Trung và nhạc võ Tây Sơn… Vì thế, hoàn thiện và xuất bản Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã góp phần hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Mới đây, vào ngày 15-2-2022, phát biểu trong chuyến về thăm và làm việc tại Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực hỗ trợ tỉnh Bình Định để võ cổ truyền Bình Định được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Với tất cả sự cố gắng đầy tinh thần tự giác của người dân và chính quyền các cấp trong đó có sự ra đời của sách Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha, võ cổ truyền Bình Định sẽ được góp phần lưu giữ, bảo tồn và sống mãi./

Link XB trên báo THANH NIÊN:

 .https://thanhnien.vn/co-mot-mien-dat-vo-post1431330.html?fbclid=IwAR0fNy9HGBSF-rq5tFaPqIc74zBtMar3HeFdr4RUrUcoTfuLLE3fA_fKuBg

 

11 tháng 2, 2022

Chuyện Huỳnh Tới

Năm 2003 tôi đưa con gái đầu đi SG thì vào khoa Mĩ thuật ĐH Tôn Đức Thắng, xong ra tiếp Biên Hòa thi vào CĐ Mĩ thuật Trang trí Đồng Nai. Thi 2 trường để lỡ trật trường này còn có trường khác. Ở SG thì dễ dàng vì KS đầy ra nhưng đến Biên Hòa thì tìm KS rất khó khăn. Tôi nói chú lái xe tìm đến Nhà khách UB tỉnh là cái KS to nhất Biên Hòa thời đó hình như có tên là KS Đồng Nai. Ở đây cũng hết phòng vì có một cái hội nghị của tỉnh đang diễn ra ở hội trường trên lầu.  

 Thấy tôi từ BĐ xa xôi vào mà hết chỗ ở, anh GĐ nhà khách băn khoăn nói, đây là NK ủy ban tỉnh, anh có quen ai bên UB tỉnh này không. Quen thì có, quá quen là đằng khác nhưng tôi ngại nhờ vả quá. Anh quen ai vậy. Tôi quen anh Tới. Có phải anh Huỳnh Văn Tới Phó Chủ tịch tỉnh không. Đúng rồi anh. Vậy thì may quá, anh Tới đang chủ trì cái hội nghị trên lầu, anh thử gọi xem. Ngại lắm vì biết Tới đang trong hội nghị nhưng tôi vẫn liều gọi. Tới nghe bắt máy liền. Thầy đang ở đâu. Mình đang dưới lễ tân. Chờ chút em xuống ngay. Rồi Tới xuống ngay. Tới giới thiệu với anh GĐ đây là thầy giáo cũ của tôi. Anh GĐ thấy mối quan hệ của tôi với Tới như thế thì đưa ra giải pháp: Bây giờ thế này, em có 1 cái phòng ngủ trong NK này, 2 cha con thầy cứ vô đó nghỉ lại, em sẽ ngủ ở phòng lễ tân, chờ có phòng trống em giải quyết ngay. Tôi nghe thế rất ngại vì thấy phiền cho anh GĐ quá nên không dám nhận lời. Đang thế thì Tới đề xuất: Tốt nhất thầy và cháu về nhà em ở. Nhà cũng rộng rãi chỉ có 2 cha con em với con bé út học lớp 3. Vợ em đang đi tập huấn ở HN còn thằng con trai đầu đang đi học trường công an. Hằng ngày em sẽ lo chuyện ăn uống cho thầy và cháu yên tâm đi thi. Vậy thì tốt quá. Tôi OK ngay.

 Nhà tới ở bên kia đường tàu, gần như ở hẳn trong 1 cái làng, từ phố đi theo 1 con đường đất ngoằn ngoèo thì vô đến nhà. Đó là 1 căn nhà cấp 4 khá rộng và có vườn. Trong nhà Tới chỉ có 1 cái xe máy Honda Dream và 1 cái xe đạp. Tới giao cho tôi cái xe máy nói: Hằng ngày thầy chở cháu T đến trường CĐ thi còn em sẽ đi làm bằng xe đạp. Tôi ngạc nhiên vì cỡ Phó CT UBND tỉnh như Tới thì ít nhất cũng có xe đưa đón chứ nhỉ. Thế mà Tới đi làm bằng xe đạp. Nếu không có tôi chiếm mất xe máy thì Tới đi làm bằng xe máy. Tôi đem thắc mắc đó hỏi thì Tới giải thích: Đúng là có tiêu chuẩn xe hơi nhưng chỉ khi nào đi công tác xa em mới sử dụng, còn đi làm hằng ngày thì đi xe máy hoặc xe đạp, cũng tiện mà.

 Cha con tôi ở trong nhà Tới 4 ngày, sáng Tới dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, cha con tôi và cha con Tới. Con bé út học lớp 3 của Tới tên là Thảo Nguyên. Nó giải thích với tôi: Thảo Nguyên là Nguyễn Thao đó bác. Thao là mẹ cháu và cũng là học trò cũ của tôi, học cùng lớp ĐH với Tới. Ăn sáng xong thì Tới đạp xe đi làm còn tôi chở con gái đi thi. Trong lúc con gái thi thì tôi vô quán cafe nào đó ngồi đọc báo hoặc chạy xe máy đi khắp TP Biên Hòa thăm thú này nọ. Sợ tôi đi không quen đường Tới đưa cho tôi 2 cái card visit: Thầy bỏ vô túi lỡ khi có công an thổi còi thì đưa ra nói là xe của em. Đó là cái card visit góc trên có ảnh của Tới, chính giữa có hình quốc huy, tiếp theo là dòng chữ in UBND tỉnh Đồng Nai, HVT, Phó chủ tịch. Chỉ thế, không có địa chỉ cơ quan, nhà riêng, không luôn số điện thoại gì hết. Tôi bọc cái card visit đó trong túi ung dung phóng khắp phố phường Biên Hòa.  

 Có hôm đang đọc báo thì Tới goi: Thầy đến cơ quan em chơi, sáng nay em hơi rảnh. Tôi cũng rất muốn đến trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai, đến phòng Tới xem cái phòng làm việc của ông Phó CT tỉnh nó như thế nào. Đến cổng chỉ nghe tôi nói là có hẹn gặp anh Tới PCT là anh công an đã dắt xe máy vào chỗ gửi rồi dẫn tôi lên lầu đến phòng Tới. Hình như Tới đã có dặn trước. Thực ra đó không chỉ là trụ sở UB tỉnh mà còn là cả một trung tâm hành chính gồm có 6 cơ quan sở cùng làm việc. Phòng PCT Tới cũng không lấy gì làm rộng, còn nhỏ hơn cả phòng làm việc của tôi ở đài TH. Trong nhà vệ sinh phía cái kệ trên lavabo còn có mấy gói mì ăn liền. Thấy tôi quan tâm Tới giải thích làm việc ở đây họp hành suốt, có hôm họp xuyên trưa không về nhà em phải pha mì ăn qua bữa rồi họp tiếp. 

Tối sau khi mấy cha con thầy trò ăn xong Tới lấy xe máy chở tôi đi thăm mấy di tích lịch sử của Đồng Nai như Văn miếu Trấn biên... nhờ đó mà tôi biết thêm về Biên Hòa, Đồng Nai, vùng đất mà  trước 30-4-1975 tôi đã từng có thời gian chiến đấu, hoạt đông.   

Kết quả thi năm đó là con gái tôi đậu và vào học ở ĐH TĐT TP HCM nên không có cơ hội đến Biên Hòa để học CĐ Mĩ thuật trang trí ĐN. 

Ra về Tới giúi vô tay tôi chai rượu ngoại: Thầy cầm về Quy Nhơn khi nào khoa văn ta có gặp gỡ gì thì đem ra uống cho vui. 

Huỳnh Tới tên đầy đủ là Huỳnh Văn Tới nhưng ở khoa văn tôi có thói quen lược bớt tên cho gọn. Chẳng hạn tôi là HTS thì mọi người chỉ gọi là Hà Sơn. HVT thì chỉ còn lại là Huỳnh Tới... Tới là SV khóa 1 của khoa văn ĐHSP Quy Nhơn (1978-1982), ngày tốt nghiệp do thành tích học tập tốt nên Tới được giữ lại trường làm CBGD. Những người được giữ lại trường làm GV là những SV xuất sắc nhất và số này thường không nhiều. Cả khóa 1 hơn 100 SV tốt nghiệp chỉ có Tới và 1 bạn nữ được giữ lại. Ở lại trường được 5 năm thì Tới xin chuyển về quê Đồng Nai. Từ đó Tới lên GĐ Sở VHTT, rồi lên đến Phó CT tỉnh. Làm lãnh đạo nhưng Tới vẫn không bỏ rơi làm khoa học. Tới là tác giả của hàng chục đầu sách, có hoc vị TS và học hàm PGS. Hiện nay đã nghỉ hưu nhưng Tới vẫn tham gia giảng dạy, ngồi hội đồng khoa học cho ĐHVH TP HCM và một số trường ĐH khác. 

Nhiều người làm lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp, vô đến thường vụ tỉnh ủy như Tới rồi thì không chơi facebook, đi nhẹ nói khẽ, ăn nhậu chơi bời cũng tìm nơi kín đáo. Nhưng HVT thì không thế, vẫn chơi facebook, vẫn bạn bè giao hữu bình thường, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. 

 Nhờ đó mà tôi và Tới hay đọc content trên facebook của nhau và dù hàng chục năm không gặp nhưng vẫn biết về nhau và càng ngày càng biết nhau hơn. Tết này khi tôi đưa bài viết “Người lính SV mãi mãi tuổi 20” viết về người bạn học ĐH, người đồng đội Đỗ Xuân Ngôn của tôi đã hi sinh ở Trảng Bom trong chiến dịch HCM chỉ trước ngày giải phóng 30-4 có 1 tuần và nay mộ Ngôn nằm trong NTLS Trảng Bom đăng trên báo Xuân Nhâm Dần lên FB thì Tới đọc và rất cảm động. Tới nhắn cho tôi là em đọc mà chảy nước mắt và càng kính phục thêm những người chiến sĩ đã chiến đấu hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mĩ trên chiến trường miền Nam. Tới xem đó là nguồn tư liệu phục vụ cho công việc viết sử truyền thống địa phương mà anh đang thực hiện. Tôi nói với Tới là những người lính C20 F341 bọn mình có viết và đã in thành sách bộ hồi ức gồm 3 tập “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập”, trong đó có nhiều bài viết về những trận chiến đấu trong chiến dịch HCM trên đất Đồng Nai, tôi sẽ gửi cho Tới đọc và tham khảo. Hôm nay bộ sách ấy đã đến tay Tới qua đường bưu điện, Tới mừng lắm và đã viết một STT dài hơi trên FB. Tôi đọc và rất cảm động.

Nó đây:    









8 tháng 2, 2022

Ăn Tết ở TP Hồ Chí Minh

 

(Bài đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật số Xuân Nhâm Dần của Hội LHVHNT VN)

 Cũng là Tết, cũng là một thời điểm về một khoảng thời gian rất đặc biệt khi một năm cũ đi qua và một năm mới sẽ đến. Đó chính là khoảng thời gian diễn ra Tết. Nói chuyện vui xuân đón Tết, chúng ta thường vẫn nghĩ là người Việt Nam chúng ta sống trên dải đất hình chữ S này đều sẽ đón Tết và ăn Tết với nhiều hình thức khác biệt và chính điều đó đã nên sự phong phú của Tết Việt.

Người thành thị ăn Tết khác người ở nông thôn; người miền xuôi ăn Tết khác người miền núi. Và ngay tại Sài Gòn – thành phố lớn nhất và sôi động nhất nước của chúng ta, người Sài Gòn đón Tết cũng rất khác với mọi vùng quê khác. 


 

Ở Sài Gòn, không khí Tết thể hiện rõ nhất ở những không gian công cộng như Đường hoa Nguyễn Huệ, Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Chợ hoa công viên Tao Đàn…, Những con đường trang hoàng lộng lẫy để đón Tết như ở đường Lê Duẩn, đường Lê Lợi, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Có đi trên những con đường này buổi tối vào mỗi dịp Tết, các bạn mới thấy hết sự rực rỡ và lộng lẫy của nó. Trong sắc màu lấp lánh huyền ảo của không gian tràn ngập ánh sáng, lòng người bỗng xúc động và thấy tươi vui hẳn lên trước một mùa xuân đang tràn về trên mỗi góc phố thân quen. Ngày Tết, người Sài Gòn đổ về đường hoa Nguyễn Huệ để thưởng ngoạn hoa xuân đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống suốt hàng chục năm nay. Đến mức có người nói Ở Sài Gòn nếu không có đường hoa thì sẽ bất thành Tết, chưa đi đường hoa coi như chưa đón Tết. 

Ngày Tết, ở chợ bán lá dong và các vật liệu phục vụ người dân làm bánh chưng, bánh tét trên đường Cách mạng tháng tám, chợ Phạm Văn Hai, chợ Ông Tạ... cũng tấp nập người mua sắm để có một nồi bánh chưng do mình tự làm, tự nấu như một nét văn hóa cổ truyền còn sót lại đâu đây ở một bộ phận gia đình có tâm hồn hoài cổ giữa một thành phố hiện đại. Chiều và đêm 30 Tết, đi dọc đường Trường Chinh và Cách mạng tháng Tám bạn sẽ thấy thấp thoáng những nồi bánh chưng đang đỏ lửa bằng bếp củi hoặc bếp than. Một khung cảnh khiến những người  xa quê rất dễ mủi lòng.



Đi trên những con đường Sài Gòn ngày áp Tết, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chậu hoa các loại được người dân mua từ các chợ hoa chở về trên những chiếc xe máy, trên xe 3 bánh, xe ô tô... khiến lòng người lữ khách thêm xao xuyến.

Cũng vì thế mà đã từ nhiều năm nay, người Sài Gòn hầu như ít khi nói đến chữ ăn Tết mà chủ yếu là nói về chuyện chơi Tết. Ngược lại với một bộ phận ít ỏi đón Tết theo kiểu truyền thống, đa số người Sài Gòn đón Tết khá đơn giản. Chiều làm việc cuối cùng để nghỉ Tết, trên đường về nhà, nhiều người tạt vào siêu thị và chỉ vài tiếng đồng hồ, việc mua sắm cho Tết  đã hoàn tất. Họ cũng không muốn mua sắm nhiều vì dễ bị dôi dư sau Tết. 

Việc trang trí Tết trong gia đình của người Sài Gòn cũng rất giản dị. Có khi chỉ một bình hoa, một chậu mai, chậu cúc nhỏ đặt ở góc nhà. Thế là đã đủ cho 3 ngày Tết. 

Ngày Tết ở Sài Gòn những đường phố trở nên vắng người xe đi lại, nhất là vào sáng mùng một Tết vắng vẻ khác thường bởi trước Tết một tuần, thành phố đã giảm mất hơn 2 triệu người lên đường về quê ăn Tết. 

 

Ngày Tết ở Sài Gòn người ta cũng ít đi lại thăm hỏi chúc Tết nhau mà sử dụng các phương tiện công nghệ như gọi điện thoại, nhắn tin, hoặc sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… thậm chí là cả phương thức live stream trên facebook để chúc Tết nhau theo kiểu của thời đại công nghiệp 4.0.

Bên cạnh những người bám trụ lại thành phố, tham gia đón Tết ở những không gian công cộng thì những năm gần đây, một bộ phận người Sài Gòn đã tranh thủ những ngày nghỉ Tết để đi du lịch đến những vùng đất nổi tiếng trong và ngoài nước. Những khu nghỉ dưỡng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Mũi Né… được nhiều gia đình lựa chọn cho kì nghỉ Tết.

Rõ ràng là ngày nay Tết ở Sài Gòn, người Sài Gòn không còn là để “ăn” nữa như ta vẫn nói xưa nay là “ăn Tết” mà đã trở thành dịp để vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm miệt mài làm việc kiếm sống. Vì thế mà đón Tết ở Sài Gòn nên nói là chơi Tết hoặc nghỉ Tết. Chơi và Nghỉ là hoạt động chủ yếu của người dân SG ngày nay trong mỗi dịp Tết, nhất là hiện nay khi mà thời gian nghỉ Tết đang có xu hướng kéo dài đến hàng tuần, thậm chí là hàng chục ngày. 

Khi nói đến sự vượt trội của cách sống hiện đại cũng là khi ta nói đến sự mất dần và quên lãng của yếu tố truyền thống. Nếu ở miền quê, ngày Tết là dịp để sum họp thì ở SG, Tết có thể là sự ra đi, đi du lịch, đi nghỉ dưỡng đó đây, thậm chí là cả đi trốn Tết để tránh sự mệt mỏi. Trẻ em ở TP Sài Gòn khi học đến câu đối nổi tiếng trong sách giáo khoa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” chắc chắn sẽ khó mà hình dung ra được những hình ảnh nhiều màu sắc và ấm cúng được thể hiện trong câu đối xưa.  

Đúng là cái gì cũng có tính 2 mặt của nó. Cứ một cái được lại kèm theo một cái mất. Vấn đề là cái được đang ngày càng trở thành một xu thế vì nó rất phù hợp với phong cách sống hiện đại của người Sài Gòn. Trong lúc cái mất đi chỉ còn là sự tiếc nuối trong dĩ vãng.


 

6 tháng 2, 2022

Nếu tui mần thủ tướng

 

Tui sẽ ra lệnh cho hàng không VN đưa ngay 1 chuyên cơ qua Ấn Độ chở đội tuyển bóng đá nữ VN về nước để họ kịp ăn tết muộn với gia đình. Chứ nghe nói sau trận đấu hôm nay, họ phải đợi đến 4 ngày sau, ngày 10/2 mới có máy bay để về nước.

Chứ nhìn qua Đài Loan, ngay sau khi trận đấu với VN kết thúc, bà Tổng thống Thái Anh Văn đã cho ngay một máy bay chuyên cơ y tế đặc biệt qua đón đội bóng của họ về nước dù đội bóng đã bại trận cay đắng trước đội nữ VN. Nói kiểu văn chương là đội nữ ĐL đã chết trước cửa thiên đường.

Biết là đi chuyên cơ tốn kém đấy nhưng tôi tin cả nước sẽ ủng hộ.

Kẹo thèo lèo mè đen gắn với tôi như hình với bóng

Chiều nay trong lúc đội nữ VN giành thắng lợi vẻ vang thì tôi thiệt hại mất 1 hũ kẹo thèo lèo làm bằng mè đen, loại kẹo thủ công, ăn giòn rùm rụm và ít ngọt vì mè đen không dính đường. Tết nào nhà tôi cũng đến BigC mua cả kí loại kẹo này cho mỗi tôi ăn vì trong nhà không ai ăn. Và cũng chỉ mỗi tôi ăn chứ không dám đưa mời khách vì sợ khách chê là loại kẹo rẻ tiền, bình dân này nọ. Tôi đã vừa xem vừa ăn như 1 kẻ vô thức, nhất là mỗi khi sự hồi hộp tăng lên thì tôi lại nhón 1 cái bóc ăn.

Ban đầu thì theo thường lệ tôi nằm trên cái đi văng mà xem. Phút thứ 6 khi VN ăn 1-0 thì tôi ngồi bật dậy xem vì thấy nằm xem cũng hơi bất nhã. Nhưng đến phút 50 khi ĐL gỡ 1-1 tui chán quá lại nằm xuống xem. Kịp đến khi VN dẫn 2-1 tôi lại bật ngồi dậy xem cho đến hết trận và hò hét chỉ đạo các cháu trên TV: đá, đá đi... vân vân.

Xem xong trận đấu tôi phải uống ngay 1 viên hạ đường huyết chứ không lỡ đi cấp cứu thì toi rồi.


4 tháng 2, 2022

Mùng 3 Tết bạn làm gì

 

Tui thì cháu ngoại về chơi rồi nó rót mật vô tai tui: Con yêu ông ngoại nhất nhà. Ha ha. Nói tóm lại con mún gì. Con mún đi EON ông ngoại ơi. Chuyện nhỏ. Đi lun.

AEON MALL Tân Phú cách nhà tui chỉ 500m là trung tâm thương mại lớn nhất TP HCM do Nhật Bản đầu tư gọi là đại siêu thị. Ở đó có hàng chục khu vui chơi dành cho trẻ em và chúng đã vô đó là không muốn về.

Người Nhật đã đầu tư và làm ra cái AEON MALL này với những điều không giống ai. Hàng ngày xe bus của AEON chạy từ trung tâm quận 1 đưa rước khách miễn phí dọc các tuyến đường đi qua nhiều quận khác về ST vui chơi và mua sắm, ai muốn đi về Tân Phú chỉ việc đứng chờ ở các trạm xe bus vẫy tay là đi không mất tiền rồi đến đó có muốn vào ST hay đi đâu cũng không sao; khách đến ST được gửi ô tô và xe máy miễn phí cả ngày nên nhiều người lợi dụng đem xe đến đó gửi rồi đi đâu đó chứ không vô ST vẫn không sao; khách đến trung tâm khi ra về nếu cần có thể đến chỗ bán thực phẩm xin cả 1 túi đá cục cũng tất nhiên là miễn phí nói là để ướp cá thịt...; trong ST có khu ăn uống với nhiều nhà hàng nổi tiếng bán đủ món ăn các quốc gia cũng rất nổi tiếng từ Trung Hoa đến Nhật Bản sang Hàn Quốc, Lào và dĩ nhiên cả VN... khách vô mall ăn chỉ cần mua 1 suất thức ăn rồi ngồi thư giãn cả buổi và tha hồ uống coca miễn phí lấy từ máy tự động (chẳng hạn nhà hàng gà rán Texas mà cháu ngoại tôi thích vô đó ăn).



Cháu tôi nghiện nhất khu FANPEKKA. Mua cái vé 200k theo giá ngày tết cho 1 trẻ em và 1 người lớn đi kèm chứ bình thường chỉ 150k. Cháu chơi nguyên ngày còn ông kiếm cái ghế tựa ngồi lướt fb. Dự là Chơi từ 10h sáng đến 7h tối mới về. Mà lúc này mới 16h30. Trưa ông cháu kiếm nhà hàng ngay trong Mall ăn uống nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng xong vô chơi tiếp. Mai cháu thích cho đi nữa.



 

3 tháng 2, 2022

Mùng Một Tết bạn làm gì

 

Nhà tui ngủ dậy lúc 8h, ăn sáng bằng bánh chưng Gò Vấp với củ kiệu muối chua ngọt của BigC xong 2 ông bà già ngồi tính toán xem năm nay nên xuất hành về hướng nào. Những năm trước thì đường hoa Nguyễn Huệ rồi Hội hoa xuân Tao Đàn, nhưng năm nay chúng tôi đổi hướng, túc tắc ra đầu hẻm phía Tân Kỳ Tân Quý đón xe bus 69 đi chơi Đầm Sen. Đó là cái công viên rất râm mát vì nhiều cây xanh cổ thụ với hàng trăm trò chơi dành cho trẻ con lại gần nhà tôi, chỉ cách 4km ngay quận 11.

Hình cháu ngoại vừa gửi đến qua Zalo

Đến nơi thì thấy toàn trẻ con đang vui chơi, ăn uống. Vé vào cổng là 120k/người lớn. Sau khi đến những chỗ đẹp nhất như cái đầm sen rộng mênh mông, vườn hoa tượng đá, công viên nước... chụp khoảng 100 tấm hình thì mua vé xe điện 30k/vé đi 1 vòng quanh CV. Thấy vẫn chưa đã nên mua thêm vé xe lửa trên cao 40k/ vé lượn thêm 1 vòng nữa. Chứ mắc mớ gì lũ trẻ con hăm hở đi được mà mình lại không đi. Mỗi vòng cho các loại xe hết khoảng 20 phút. Đi xe điện và xe lửa trên cao thì ngồi chung với lũ cháu chắt nhỏ như cháu ngoại thấy ấm áp và vui vô cùng.

Rồi ăn uống giải khát rồi về.

Đi lúc 10h, về đến nhà 13h.

Nhiệt độ TP HCM hôm nay khá cao. Sáng thức dậy đã 27 độ, trưa thì 33 độ. Trong lúc đó vc nhà Ngọc Nga từ Vinh gọi video vô thấy đang mặc áo phao kêu lạnh 14 độ. Ước gì được 1 chút rét miền Bắc nhỉ.

Rồi ngủ 1 giấc thật đã dậy và biên cái stt này.

Thế là xong chương trình du xuân.


2 trên 100 tấm hình đã chụp. Nhà tui ai thích chi mần nấy. Có người chỉ thích được chụp hình và người thì không có mặt trong khuôn hình.

 

2 tháng 2, 2022

Hạnh phúc khi về quê ăn tết trên chuyến tàu chậm nhất hành tinh

 (Bài đăng trên VANVN.VN của Hội NHÀ VĂN Việt Nam)

Tháng 12 - 1975 tôi rời quân đội theo chế độ xuất ngũ để trở lại trường cũ ĐHSP Vinh sau 3 năm rưỡi gác bút nghiên lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, giải phóng thành phố Sài Gòn. Chỉ một tháng sau đó là cái tết Bính Thìn 1976 ập đến.

Khác với sinh viên bây giờ được nghỉ tết cả vài chục ngày thậm chí là cả tháng, sinh viên chúng tôi hồi đó chỉ được nghỉ tết 7 ngày. Sáng 27 tết học buổi cuối cùng, nhiều bạn mang theo ba lô túi xách lên lớp học xong là ra thẳng bến xe, ga tàu để về nhà luôn. Tôi cũng rất muốn như thế. Tuy nhiên khi đó tôi làm bí thư chi đoàn lớp nên còn có trách nhiệm cùng với một số đoàn viên khác tình nguyện về chậm một ngày để đi đóng cửa niêm phong các phòng học và các dãy nhà kí túc xá do khoa Ngữ Văn quản lí. Ngày đó trường đại học không có bảo vệ chuyên nghiệp như bây giờ.

 

   Tác giả bài viết HTS ngày còn tại ngũ; ảnh chụp tại Sài Gòn, 15 -5 - 1975

 

Công việc tình nguyện ấy kết thúc lúc 5 giờ chiều 27 tết. Tôi vội vã mang ba lô đi bộ gần chục km từ trường lên ga Vinh để kiếm tàu về quê ở Đồng Hới. Trên đường đi tôi còn ghé vào cửa hàng thực phẩm Bến Thủy mua rất nhiều hành củ, su hào, bắp cải là những mặt hàng rau củ quả tươi ngon nổi tiếng của thành phố Vinh về làm quà cho mạ tôi ăn tết. Mạ tôi rất thích món quà này vì thế suốt bốn năm học đại học ở Vinh, tết nào tôi cũng thồ cả gánh về làm quà biếu mạ. Mạ tôi vẫn thường nói, thấy thằng Sơn về là tết về.

Nhưng đêm đó không có chuyến tàu nào về Đồng Hới, tôi phải trải tấm ni lon nằm ngủ vạ vật trên nền xi măng của mùa đông lạnh lẽo trong một cái nhà ga sau chiến tranh. Đèn đóm tù mù và người thì đông đen. Sau một đêm thức dậy, hàng trăm con người chen chúc nhau để lên chuyến tàu Vinh – Đồng Hới lúc 5 giờ sáng 28 tết.

Đó là một con tàu khi ấy gọi là tàu chợ để phân biệt với những con tàu ra đời sau này sang hơn, nhanh hơn chạy xuyên Việt gọi là tàu Thống nhất. Con tàu chợ Vinh – Đồng Hới hồi đó không có ghế, vé bán vô tội vạ với giá rất rẻ nên khi lên tàu mọi người đều ngồi bệt xuống sàn và ai muốn ngồi đâu cũng được. Cái toa mà tôi lên chật đến mức mọi người chen nhau đứng ra cả đầu nối giữa hai toa xe, ngồi tràn ra tận cửa hai bên hông toa lúc nào cũng mở toang cho gió lạnh lùa vào, ngồi cả vào trong nhà vệ sinh hôi hám; có thanh niên còn trèo hẳn lên nóc toa ngồi cho thoáng. Đã thế do đường sắt còn xấu nên con tàu chạy chậm rì như rùa bò với tốc độ 30 đến 40km/giờ, ga nào cũng dừng và dừng rất lâu, có ga nó dừng hẳn cả tiếng đồng hồ mà không biết vì lí do gì. Hay nhất là gặp bất cứ con tàu nào nó cũng né sang một bên, dừng lại và nhường nhịn cho tàu kia đi trước. Đến mức mấy đứa sinh viên chúng tôi rút ra kết luận đây là con tàu chạy chậm nhất hành tinh. Từ Vinh về Đồng Hới chưa đầy 180km mà nó bò cả một ngày trời đúng chẵn 12 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Tính trung bình mỗi giờ con tàu chỉ đi được khoảng 15km, ngang với đi xe đạp.

Được cái mọi người ai cũng thấy đó là một điều rất bình thường của cái thời đất nước gian nan sau chiến tranh. Với riêng tôi sau những năm đi lính từ chiến trường trở về thì còn thấy được đi trên một con tàu như thế là cả một sự hạnh phúc và may mắn. Bao nhiêu bạn bè, đồng đội của tôi đã nằm lại vĩnh viễn trên chiến trường miền Nam trong một cuộc chiến ác liệt và dài lâu, riêng tôi được sống sót trở về thế này, dù phải đi bộ để về quê ăn Tết tôi vẫn thấy sướng, huống hồ được đi tàu dù chỉ là tàu chợ. Người ta nói sống ở đời hãy biết cúi mình nhìn xuống chứ đừng bao giờ cũng chỉ nhìn lên là vậy.

Xuống tàu lúc 5 giờ chiều ở ga Đồng Hới, tôi mang ba lô đi bộ gần 5 km mất cả tiếng đồng hồ nữa mới về đến nhà ở xóm Diêm Điền. Hồi đó chưa có xe ôm, taxi các loại như bây giờ. Về chưa đến nhà đã thấy từ xa bóng mạ đứng ngóng chờ tôi, đứa con trai sau những năm lính tráng chiến trường ra Bắc chưa kịp nghỉ ngơi lấy vài ngày đã phải trở lại trường học để theo cho kịp bạn bè.

Đón tôi từ đầu ngõ khi đã nhập nhoạng tối, mạ đập đập vô vai tôi nói: Mồ tổ mi, mạ tưởng con ở lại ăn tết ngoài trường luôn chứ. Hồi đó không có các phương tiện liên lạc thuận tiện như bây giờ nên tôi không thể báo ngày giờ về cho mạ biết được. Tôi hỏi sao mạ biết con về giờ này mà đứng chờ hay vậy. Linh tính thế. Rồi mạ tôi nói một câu làm tôi nhớ mãi, con chưa về nhà ta chưa có tết.

Đó là cái tết đầu tiên sau chiến tranh, sau những năm xa nhà vào miền Nam chiến đấu tôi được về quê ăn tết. Bây giờ thì việc đi lại của mọi người quá sướng. Máy bay, tàu hỏa, xe đò các thứ cứ gọi là vô cùng phong phú, nhanh chóng và thuận tiện. Thế nhưng tôi vẫn nhớ mãi trong kí ức về những chuyến tàu chợ rùa bò chậm nhất hành tinh của hơn 45 năm về trước. Những chuyến tàu đầy ắp kỉ niệm.


Link XB trên vanvn.vn: https://vanvn.vn/hanh-phuc-khi-ve-que-an-tet-tren-chuyen-tau-cham-nhat-hanh-tinh/?fbclid=IwAR1eQqx6ft145xCQ9rXt40K0Z5Q1_o5VIriGJ8o9xkaJl1WsfFPf7Cgbiw0