30 tháng 10, 2014

Nếu ai hỏi vì sao (tiếp theo và hết)

Trở lại với câu chuyện tôi xin nghỉ  phép  9 ngày về quê thăm và chăm sóc ba tôi bị ốm. Câu chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu chỉ đơn thuần với nội dung như trên. Nhưng đằng sau đó là những nhận thức xưa nay chỉ có trên lí thuyết mà đến nay tôi mới ngộ ra bằng thực tế.
Nói ba tôi ốm là không hẳn đúng. Ông cụ sinh năm 1920, năm nay đã 95 tuổi, chỉ mệt và xuống sức thấy rõ, còn không có bệnh tật gì, đầu óc vẫn minh mẫn tỉnh táo, thấy tôi về còn muốn giơ tay ra bắt, chỉ có điều là giơ không nổi tay để bắt nữa.
Buổi chiều tôi về cụ đã mệt như thế cả chục ngày. Chỉ nằm yên một chỗ, không tự ngồi dậy được, ngồi dậy được thì không tự nằm xuống được. Đi lại càng không được. Ăn cháo loãng và uống nước cũng phải đút mà nuốt rất khó khăn, vệ sinh đều tại chỗ. Mấy đứa em tôi làm việc ở quê cắt đặt thay phiên nhau về chăm sóc cụ. Chú em rể là Bs thì ví von: Ba bây giờ như cây đã kiệt nước, đang héo dần. Tôi thì thấy cụ đúng là hiện thân của hình ảnh ngọn đèn trước gió. Tình hình này không biết tắt lúc nào, mà có thể là tắt rất gần. Nhìn cụ, trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ, lo đại sự đi là vừa. Bởi tôi là con trai đầu, là anh cả của đại gia đình. Tuy nhiên tôi đã không nói ra với bất kì ai.
Về quê lần này, tôi mang theo 2 lạng yến sào thứ thiệt của Cần Giờ. Người ta cứ nói yến sào Nha Trang là tốt nhất nhưng bây giờ trên các con đường của khắp thành  phố SG, cửa hàng yến sào mọc lên la liệt. Không biết đâu là thật với giả. Không khéo bỏ tiền triệu ra lại mua phải miến dong về chưng lên ăn với đường phèn.  May mà tôi biết một cơ sở nuôi yến sào Cần Giờ thứ thiệt, cơ sở này thậm chí còn nhiệt tình mời tôi về Cần Giờ tham quan nhà nuôi  yến và thưởng thức món chè tổ yến của họ. Tôi đã vui vẻ nhận lời nhưng chưa có cơ hội để về Cần Giờ, mà chỉ mới 2 lần đến nhà họ ở quận Tân Bình mua tổ yến đem về QB cho ba mạ tôi ăn. Với người mua yến sào, không chỉ là giá bao nhiêu triệu một lạng mà vấn đề ở chỗ là nó có thứ thiệt hay không..
Ngay khi đặt chân vào nhà, việc đầu tiên tôi lấy hộp yến sào ra bảo cô em gái làm các bước ngâm, nấu cách thủy món chè tổ yến chưng đường phèn.… cho ba tôi ăn ngay. Món này hầu như ba tôi ăn lần này là lần thứ 2. Còn tôi chỉ biết mua mà chưa ăn bao giờ.

Tối hôm đó sau khi mấy đứa em đã ai về nhà nấy bàn giao ba lại cho tôi quản lí. Nằm ở cái võng ngay sát giường ba, nhìn cụ yên ắng trên giường như một thi hài bằng sáp thoi thóp thở, tôi ngẫm nghĩ và thấy ra một việc cần làm ngay là phải viết gấp và sẵn cái điếu văn chuẩn bị cho tang lễ ba tôi. Nếu để khi sự thể đã xảy ra rồi e không đủ sáng suốt để viết. Nghĩ vậy, tôi mở cái tủ chè tìm cuốn lí lịch cán bộ của ba tôi được cất rất kĩ trong một cái cặp da ra xem rồi bật luôn máy tính và gõ.

Nói về chuyện viết điếu văn. Chẳng hiểu sao tôi lại hay dính dáng tới vụ này. Hay là tại con người tôi có tướng viết điếu văn. Không nhớ hết nhưng có lẽ từ trước đến nay tôi cũng đã từng viết gần chục bản điếu văn cho những người qua đời là bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp trong trường, trong đơn vị, trong cơ quan. Ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học, phải đi học thêm lớp sĩ quan dự bị 3 tháng. Có anh bạn khoa toán không may bị ốm chết, chỉ huy trường sĩ quan quân khu Bốn khi đó chẳng biết sao đã chọn tôi làm người viết điếu văn đọc trước đám tang của bạn. Lần này rất đặc biệt là tự tay tôi viết cho tang lễ sẽ diễn ra của ba tôi. Đã có người khen tôi viết điếu văn hay. Tôi giải thích là khi cầm bút viết điếu văn cho ai đó, tôi cứ viết như là cho chính cái chết của bản thân mình chứ không phải viết cho người đang nằm trong quan tài. Thế là ra sự tang thương ngậm ngùi thôi.

Tôi cặm cụi gõ trên laptop một mạch đến hơn 12 giờ đêm thì xong. Giữa đó có dừng lại vài lần lo chuyện vệ sinh tại chỗ cho ba tôi. Cả làng Thọ Lộc chỉ mỗi tôi còn thức. Chốn làng quê đêm khuya im ắng vô cùng.  Rồi đóng máy đi ngủ. Những tối sau đó, khi ba mạ tôi đã ngủ, tôi lại lên võng bật máy ra xem chỉnh sửa lại bản điếu văn cho thật ưng ý mới thôi. Chừng đâu 3 đêm thì thấy không còn gì phải sửa nữa. Việc này tôi giấu rất kín không hở môi cho ai biết. Tên của file bản điếu văn trong Documents tôi đặt tên là Yến sào.

Tối nào cũng vậy, cứ khoảng 9h là tôi thức cụ dậy, ép ăn cho hết một chén yến sào. Mỗi tối mạ tôi chưng một hũ sứ đầy rồi chia đôi. Mạ dù không mệt vẫn ăn khẩu phần như ba. Mạ tôi có ý không muốn ăn để nhường cho ba. Tôi giải thích mạ càng cần phải khỏe hơn ba. Mạ mà nằm xuống con và cả nhà còn mệt gấp vạn lần. Phải nói quyết liệt thế (mượn từ của đồng chí X) cụ bà mới chịu ăn cho.

     Hai lão đồng chí Hà Thuyên và Nguyễn Thị Thắm (ảnh chụp cách đây 2 năm)


Sang đến ngày thứ 3 thì thấy ba tôi ngủ dậy, tự mình chống gậy men tường lần đi ra cái ghế quen thuộc vẫn đặt ở góc hiên ngồi và gọi tôi lấy nước đánh răng rửa mặt. Hai mạ con tôi vô cùng ngạc nhiên. Mạ tôi nói đã chục ngày nay có thấy ba mày đòi đánh răng rửa mặt gì đâu. Rồi cứ thế ba tôi hồi phục từng ngày. Việc vệ sinh cụ cũng tự chống gậy lần đi ra nhà vệ sinh. Vậy là tôi sướng hung rồi. Chiều chiều mấy đứa em từ cơ quan chạy về thăm cũng ngạc nhiên và nói anh Sơn mát tay.

Bà con trong làng hàng ngày đến thăm cũng vô cùng ngạc nhiên. Ông anh trưởng họ còn kéo tôi ra sau vườn thầm thì như thể bàn chuyện buôn bạc giả: Mấy bữa ni tụi tao đã tính đến chuyện lo hậu sự cho ông rồi đó. Nhẹ cả người.

Thực ra tất cả là do món yến sào. Nhất là với những người xưa nay hầu như chưa dùng yến sào như ba mạ tôi thì càng rất có hiệu quả.

Ngày tôi hết phép cũng là ngày cô em gái định cư ở Cần Thơ về thay ca. Tôi ung dung chuyển giao mọi công nghệ chăm sóc ba cho nó trong đó dặn dò kĩ nhất vụ nhớ chưng yến sào mỗi tối cho cụ ăn.

Riêng bản điếu văn vẫn lặng lẽ, bí mật tuyệt đối nằm yên trong máy tính theo tôi về lại SG.



27 tháng 10, 2014

Nếu ai hỏi vì sao



Đợt về quê để thăm và chăm ba tôi bị mệt nặng kéo dài 9 ngày mới rồi của tôi (từ 16-25/10) có lẽ là khoảng thời gian hiếm hoi tôi sống với hai người rất già là ba tôi 95 tuổi, mạ tôi 85 tuổi, để tôi có được những ngày lặng lẽ nhất mà suy tư về cuộc đời. Hầu như tôi chưa về quê vào quãng thời gian này bao giờ.
   Trước hết cảm giác dễ chịu nhất để lại trong tôi những ngày ở quê đó là về một thời tiết đẹp nhất, dễ chịu nhất trong năm của Quảng Bình. Một khoảng thời tiết sau một mùa hè rực lửa đã đi qua trong khi một mùa đông giá buốt chưa kịp tới. Ngày nắng nhẹ, đêm mưa phùn nặng hạt. Chẳng còn gì đẹp hơn và mát mẻ hơn thế. Đã vậy mùa này ở Quảng Bình cá và rau cũng ngon nhất trong năm. Tôi đi chợ thấy bán một loại cá nhìn hình thù giống con cá măng nhưng trắng lấp lánh gọi là cá ngứa. Thịt cá ngứa vừa thơm vừa ngọt, đắt hơn cả cá thu, đem nướng lửa than ăn no mới thôi. Nhưng lấy đâu ra cá ngứa mà ăn cho chán bởi nó rất hiếm. Có lần tôi với chú em rể đi dạo khắp chợ Hoàn Lão để tìm mua cá ngứa mà thấy duy nhất một người bán chỉ với  2 con cá ngứa tươi để trên cái mẹt con con. Tôi phải mua ngay bởi không có sự lựa chọn.


                           Căn nhà ba mạ tôi ở Thọ Lộc

Rồi rau các loại cũng vào muà ngon nhất mà nhất là đọt khoai lang. Nó cứ mọc dài ra trắng tươi mơn mởn và ăn thì giòn ngọt như cọng giá. Đọt khoai mùa này rẻ đến mức chỉ cần mua 3 ngàn được ngay một rổ đầy đem luộc lên chấm nước mắm hoặc xào tỏi thì ăn cho no bụng mới thôi. Vừa ăn vừa nhớ lại những cọng rau lang già khằng dai nhách nhưng bán đắt hơn cả rau muống ở mấy cái chợ gần nhà tôi như chợ Sơn Kì, chợ Bà Quẹo trong Sài Gòn để thấy mình đang có những ngày sung sướng. Chưa nói đọt rau lang mà đem nấu với nấm tràm (lại nhắc đến nấm tràm, mọi người đọc đừng cho là tôi lại lên cơn hâm với hội chứng nấm tràm nhé) thì chỉ biết dùng từ ngon nhức nhối để tả về món ăn có một không hai đó. Buổi chiều ngày trở lại SG tôi mang theo lên máy bay 2 kí nấm tràm với một túi đọt rau lang vô khoe với vợ con. Vợ tôi đem nấu ngay theo công thức nhà bếp Quảng Bình, cũng là để chứng tỏ tôi không nói khoác. Và quả là danh bất hư truyền
Quảng Bình mùa này cũng là mùa đánh bắt và thưởng thức món chim rừng, gọi là con chim nhát vì nó rất nhát. Chim nhát bay thành bầy hàng trăm con như chim sẻ và to chỉ bằng con chim chiền chiện. Những người nông dân quê tôi dùng lưới làm bẫy đánh bắt được cả từng bầy chim rừng, vặt lông thui qua lửa than rồi đem ra chợ bán với giá khá rẻ, một con chỉ 5  đến 10 ngàn tùy theo chim to hay nhỏ. Mình mua về chỉ việc mổ bụng rồi đem nướng lửa than hoặc bắc chảo đổ dầu lên rô ti ăn cứ dòn tan nghe rau ráu, thịt chim nhát thơm ngon ngọt mềm hơn bất cứ loại thịt nào mà tôi đã ăn. Có hôm mạ tôi để nguyên con đem nấu cháo ăn thì đến cháo gà ta cũng phải gọi món này bằng cụ.
Chả thế mà sáng nay lên trường, mấy bạn trong phòng nhìn tôi ngạc nhiên: thầy về quê chăm ông làm sao mà mập lên nhiều thế. Tôi phổng mũi: quê tớ mà lị.
Nói chuyện này tôi lại nhớ hồi năm ngoái ra Vinh họp lớp đại học ghé thăm anh bạn Nguyễn Huỳnh Phán cũng là con dân Quảng Bình lưu lạc ở Đại học Vinh. Khi nhắc đến bài hát gọi là tỉnh ca Quảng Bình quê ta ơi, PGS toán học Phán triết lí: Ngẫm ra thì dân QB mình cũng thiệt lạ: Có bao nhiêu thứ ở trên đời cần phải gìn giữ nhưng lại chỉ hát mãi câu ca giữ lấy những gì mà ta yêu qúi. Vậy còn lại bao nhiêu thứ khác trên đời mà không yêu qúi thì đem vứt hết đi à... Rồi lại còn nếu ai hỏi vì sao nữa. Giả sử nếu không có ai hỏi vì sao thì cứ lặng im không nói ra à.
...................contiep 

21 tháng 10, 2014

Ngày nay hôm

LQP: Đêm qua lại thức trắng đêm, có thêm cái này. S xem và cho lên Blog để mình mở xem cho đỡ buồn đôi chút! 

                                                                           Lê Quang Phương
Đêm qua dài bằng một đêm
Chăng nhìn cũng biết trời lên ngay ngày

Một ngày ta đang sống
Là được cả một ngày
Đêm nay còn ư thức
Thức cho cả ngày mai
Ai chờ hoàng hôn đến
Vớt vội  ánh trăng ngoi
Thời gian phiêu vợi vợi
Một 
ngày
 ơi
 một
 ngày

Nỗi buồn đã qua đi
Niềm vui lạc lối về

Ngày
 hôm
 nay
 Ô!
 Kìa!
Mặt trời lên khe khẽ.

Hôm nay
 Ngày
 của một ngày
Nhỏ nhoi mong mỏng
 lại ngày nay hôm!!

 LQP


Nấm tràm không chỉ có ở Phú Quốc

Ở quê tôi có một món ăn thuộc hàng đặc sản nhưng lại rẻ chỉ ngang một mớ rau  lang. Đó là nấm tràm.
Tôi về làng vào những ngày này đang là mùa cao điểm của nấm tràm. Đúng là nấm mọc sau mưa. Ngày đầu tiên lên chợ Thọ Lộc, tôi đã không tin vào tai mình khi hỏi một chị đang ngồi bán chỉ duy nhất một rổ nấm tràm khoảng 1,5 kí. Bao nhiêu mớ nấm này chị? Dạ, 5 ngàn chú. Cứ nghĩ là tai tôi nghe nhầm, chí ít thì cũng phải 25 ngàn chứ nhỉ. Phải hỏi đến lần thứ 3 tôi mới tin là mình không nghe nhầm. Vẫn chỉ có 5 ngàn với khoảng 1,5 kí nấm tràm. Món đặc sản mà có lần ra du lịch Phú Quốc, chính tôi hỏi giá với 100 ngàn đồng 1 kí nấm tươi. Còn nấm khô thì không dưới 300 ngàn đồng 1 kí. Vậy mà cánh sành ăn còn lu loa lên rằng cái giá đó không hề đắt chút nào bởi nấm tràm là thứ đặc sản độc chiêu chỉ có ở hòn đảo Phú Quốc. Láo toét. Ở quê tôi cũng gọi nó là đặc sản nhưng rẻ như cho.  
Tôi mua ngay mớ nấm tràm 5 ngàn ấy đem về, mạ tôi nấu nồi canh với rau khoai lang nấm nhiều hơn nước, rau ít hơn nấm. Tuyệt đối không nêm gì ngoài vài muỗng nước mắm mà ăn cứ ngọt lừ với vị đắng đặc trưng của nấm tràm.
Từ bữa về đến nay, ngày nào tôi cũng lên chợ mua nấm tràm về ăn. Người bán có bao nhiêu nấm trong rổ là tôi mua hết gọn bấy nhiêu, dứt khoát không chia sẻ với một ai khác. Mà thực ra cũng chả ai tranh giành với tôi. Dân quê tôi coi món nấm tràm không bằng nửa con mắt. Những người bán nấm cũng chính là người vừa vào rừng hái nấm về mang thẳng ra chợ bán. Được bao nhiêu vẫn lời bấy nhiêu. Công đi hái chỉ như cuộc dạo chơi thể dục buổi sáng. Rất nhiều người hái nấm và bán nấm. Bởi vậy giá có như bèo họ cũng bán.  
Nấm tràm là loại nấm hoang mọc lên từ những đống lá tràm mục (hoặc cây tràm mục) nơi rừng tràm. Nấm tràm có hình dáng như cái ô, mặt bên ngoài có màu nâu tím, phần bên trong trắng mịn, vị nhân nhẩn, ngọt hậu.
Mỗi năm ở vùng quê tôi nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa (khoảng tháng 8 – 9 âm lịch), nấm rộ dần và kéo dài khoảng 1 tháng là hết.
Nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu…(thảo nào từ bữa giờ tôi uống rượu cứ như nước đổ hang chuột); Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, nấu kiểu gì cũng ngon, nấu với gì cũng ngon.
Đã gần tuần trôi qua, ngày nào cũng 2 bữa no nê mà tôi ăn vẫn không chán. Sáng nay tôi lại lên chợ khuân về 2 kí nữa với giá 15 ngàn. Tự mình ngồi gọt sạch để trưa mạ tôi lại nấu nồi canh rau lang. Vẫn là ngon tuyệt vời. Ba tôi đang yếu người nên không ăn được; mạ tôi chỉ khều vài miếng rồi thôi. Mình tôi phải chén cho hết. 
Gắp nguyên một búp nấm mập mạp bỏ vô miệng, nhai thong thả để ngấm cho hết cái dư vị đắng đót mà ngọt ngào chỉ riêng có ở loại nấm tràm quê tôi. Một cảm giác rất...nấm tràm.

 2 kí nấm tràm 15 ngàn tôi vừa mua về sáng nay. Mớ nấm này toàn là búp mới nhú nên có đắt hơn tí xíu. Nếu là loại đã nở xòe hết thì chỉ 10 ngàn là cùng.


 Sau khi tôi ngồi cặm cụi gọt sạch, ngâm nước muối khoảng 15' là nấu ăn được


20 tháng 10, 2014

Một người bệnh

                                                                              Chử Anh Đào
                              
          Cũng như những người có tự trọng, ông không thông báo cho bạn bè biết mình nằm viện. Bẵng ba ngày không gặp, một chiều, lão Bạch nói ông M nhập viện, tiểu đường mức 3 (!), đang ở phòng A2, tầng 5, Bệnh viện 3C…Tôi nhắn tin “Sao ở cao thế?” Ông hồi âm, nhại một bài Bút Tre: “Khi xưa ta ở trên trời/ Vì không uống rượu trời đày xuống đây/ Xuống đây phải uống cho say/ Tiểu đường huyết áp lại bay về trời. Ở tầng 5 để thăng cho tiện.” Tôi thầm nghĩ: những người lạc quan là những người sống dai lắm, còn lâu thần chết mới gọi đến.
          Chiều hôm sau, chúng tôi ra thăm. Vừa tới cửa phòng, ánh mắt ông bừng sáng vài giây. Ông lồm cồm xuống giường, vừa bước ra cửa vừa xua tay rồi rít, giọng thì thầm như kẻ trộm chia của: “Các ông xuống tầng trệt đợi tôi. Tôi thay đồ rồi ta gặp nhau ở đó.”
          Ông bận lại bộ quần áo đời thường, chẳng còn dấu hiệu gì của một người bệnh. Thú thật khi nãy thấy ông trong bộ pirama màu trứng sáo nhàu nhĩ, không “ quần áo trắng một màu tinh khiết” như buổi anh Trỗi ra pháp trường, tôi tưởng ông bị nặng và ái ngại cho ông lắm. Ông hồ hởi thông báo: “Ta ra gần đây. Bên kia đường thôi. Tôi mới phát hiện một quán thịt cầy Phú Thọ hay lắm.” Đúng là đồng khí tương cầu. Thảo nào có những loài cách cả nghìn cây số vẫn ngửi được mùi nhau.
          Yên vị, ông kể: “Tháng rồi, đang khỏe mạnh tự nhiên thấy người mệt mỏi tới mức không muốn đụng chân đụng tay vào việc gì. Sút năm kí. Đêm đi tiểu bốn năm bận. Tới bệnh viện to nhất tỉnh khám và xét nghiệm; người ta bảo là u xơ tiền liệt tuyến. Vợ khóc hu hu. Uống thuốc theo đơn bác sĩ cả nửa tháng vẫn không thuyên chuyển. Tuần trước, nhân ra thăm ông sui bị ốm, gặp bác sĩ quen, kể lại sự tình. Ổng động viên khám và xét nghiệm lại. Té ra là đái tháo đường typ 2, chỉ số 17,5. Họ bắt nằm viện ngay vì với lượng đường trong máu như vậy thì có thể biến chứng suy thận, suy tim, mù mắt, cụt hết ngón chân ngón tay bất cứ lúc nào. Họ thông báo: cái giường nằm trong cùng đang để trống là của một ông tiểu đường, lái xe ở công ti T, biến chứng, vừa “chào thân ái và quyết thắng” hôm kia. Thú thật, tôi sợ lắm. Và nghĩ  chỉ những lúc đau ốm mới thấm thía sức khỏe quí như thế nào. Được cái đội ngũ y bác sĩ ở đây cực kì tốt. Họ thay nhau chăm sóc ngày đêm. Ai khám xong còn lưỡng lự, họ lôi tuột vào điều trị thay cho mệnh lệnh nhân đạo nhất. Bác sĩ chủ nhiệm khoa còn giới thiệu và ưu tiên cho tôi cả thuốc lẫn xi lanh đặc trị, mỗi phát chích thẳng vào bụng ba trăm nghìn đồng…Chỉ mỗi tội các cháu thực tập, chúng cứ đè nghiến tay mình ra mà chọc, lệch ven, thâm tím hết cả lên đây này…”
          Tôi thông báo bệnh này ở nước ta là 25%. Cứ mười người đang đi đang nhậu ngoài kia thì có hai vị rưỡi đang bị tiểu đường. Rồi ra tha hồ mà lập hội lập hè. Rồi hỏi ông, vậy nằm đây đã ba ngày, kín tiếng thế, đã ai tới thăm chưa? Ông bảo: đúng là thế giới phẳng. Công to nhất thuộc về ông “dư luận viên” mà sáng nào cũng cà phê cùng nhau. Thì ra trong đời không phải chỉ có phụ nữ đi buôn, mà đàn ông cũng buôn dưa lê, nhiều khi lại “lời” hơn cả các đấng quần thoa. Vậy là tất cả các ban ngành đoàn thể tổ dân phố từ mặt trận, người cao tuổi, cựu giáo chức, khuyến học, câu lạc bộ sáng tác thơ văn…tới đồng nghiệp cũ, học snnh cũ, đồng hương đồng khói…lũ lượt tới thăm. Lúc cao điểm phải xếp hàng, dài từ lầu ba tới lầu năm, cứ như “vào lăng viếng Bác”.
          Tôi nghĩ: mọi người yêu mến bởi lối sống, đức độ của ông đã đành nhưng vẫn tò mò hỏi sao người ta đi thăm đông và kịp thời đến thế. Ông bảo: “ Thì tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi thì tay “dư luận viên” trả lời:  Có gì đâu. Em bảo ông M nặng lắm, giai đoạn cuối. Bệnh viện sắp cho về. Chắc người ta hiểu “cho” là “chê rồi”. Nghĩa tử là nghĩa tận mà lại.
          Nâng li rượu mời hăng hái một cách quá mức bình thường, ông bảo: “Nhưng bình tĩnh lại thì sống chết có số. Các ông tới thăm là tôi mừng rồi, khỏe lại như bình thường. Cái anh tâm lí quan trọng lắm. Nào, chúc mừng! Âu cũng là một cái cớ hợp pháp để ta bù khú với nhau. Nói thật, không cho ai biết là cương lên vậy thôi. Chứ khi đã nằm một chỗ thì cần đến tình người vô cùng. Tình người như ngọn lửa. Nó nâng niu, sưởi ấm và nâng đỡ con người khi nó cô đơn và yếu đuối nhất; khi nó ăm ắp những nuối tiếc, mong muốn và khát khao.”
          Chiều dần cạn trong chai rượu để nghiêng. Chúng tôi rôm rả tới mức vài người khách bàn bên ý tứ nhìn sang. Bỗng ông có điện thoại. Rồi “A lô, con hả. Nói mẹ và cả nhà ăn cơm đi. À. Không phải mang ra cho bố. Bố đang bận tiếp khách.” He he!
                                                                   PK 20.10.14

                                                                        C.A.Đ


Bom Bo

CAĐ: Thêm một bài về Bom Bo cho trang Hà Tùng Sơn
HTS: Thì ra hội chứng hậu sóc Bom Bo cũng là "lời chung" của lũ chúng ta. 

                                                                Chử Anh Đào

          Bom Bo
          Tôi đi tìm người giã gạo xưa
          Chỉ thấy móm mém mẹ già sau xe máy
          Và em Bù Đăng rừng rực thời trang

          Tôi bước trên cỏ
          Cỏ bập bùng lửa xanh
          Vấp vào tiếng chày hóa thạch

          Chợt ngửng lên
          Bài ca đã thành mây trắng
          Trôi về xưa, sau…
                                                B.B 2001
                                                   C.A.Đ