12 tháng 3, 2019

Tạm biệt Hương Sơn

(Tiếp Phần cuối "căn phòng nhỏ nơi Trường Huyện")

Nguyễn Trung Ngọc

Năm tháng đi nhanh. Một năm chờ đợi kết thúc. Tôi được trường gửi ra Hà Nội theo học chuyên ban Triết học ở trường NAQ5. Nghĩa là một mình Nga ở lại trường cấp 3 Hương Sơn vừa đi dạy vừa nuôi con. Chúng tôi biền biệt xa nhau, không còn những chiều thứ bảy người vợ trẻ bế con ra cổng trường chờ bố nữa. Chỉ những dịp nghỉ tết, nghỉ hè hoặc đôi khi nhớ vợ con quá tôi mới về lại Hương Sơn được ít ngày để tận hưởng cái ấm cúng của cuộc sống gia đình trong căn phòng nhỏ vách đất đã trở nên quen thuộc. Những chuyến về quê hồi ấy là cả một hành trình sánh với ngày nay đi tận cùng đất nước. Từ trường – một địa điểm sơ tán thời chiến tranh còn lại ở phía tây Thủ đô (Phụng Châu, Hoài Đức, Hà Nội) – tôi phải đi bộ ba cây số để ra đường 6 nêm vào chiếc xe buýt chạy về trung tâm Hà Nội rồi chờ đợi ê ẩm và tìm hết mọi cách để len được vào tàu tìm lấy một chỗ ngồi, theo con tàu ì ạch có khi phải hai ngày mới về tới Vinh. Lại phải gần cả ngày đạp chiếc xe mượn được người quen ở Vinh mới về tận Sơn Bằng, nơi có trường cấp 3 Hương Sơn thời bấy giờ (vì còn phải chờ qua hai bến phà – Bến Thuỷ và linh Cảm). Hồi ấy hầu hết phải đạp xe trên đường đất, chỉ có đoạn từ Vinh về Bãi Vọt (TX Hồng Lĩnh sau này) là đường nhựa mà thôi. Những ai sống vào thời kì này, từng đi trên những chuyến tàu chợ Hà Nội –Vinh (nhất là dịp lễ, tết) chắc chưa hết kinh hoàng về cảnh đi tàu có một không hai trên thế giới này. Có những chuyến, con tàu trông giống như xác một con thằn lằn bị kiến – là những hành khách đi tàu – bu kín cả nóc, cả bậc lên xuống, cả cửa sổ…bò trên đường sắt. Lịch sử không biết còn có khi nào lặp lại?
Tháng 6 Năm 1981, đúng dịp nghỉ hè, khi tôi đang ở Hà Nội, cũng tại ngôi nhà của ông bà nằm trên dải đất của dãy Trường Sơn Hùng vĩ, đứa con thứ hai của vợ chồng tôi ra đời. Đó là cái năm đất nước lâm vào thời kì khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thời kì chúng tôi phải gồng mình trong cơn ác mộng khiến tôi đã phải mở đầu một bài thơ viết cho con:
“Bố biết con sinh thời chưa có bình yên,
Dù giấc ngủ trong nôi không còn mê thấy súng”

Con sinh ra khi chị nó còn chưa đầy hai tuổi, bố đi học xa, mẹ chỉ vừa 24. Không có nghị lực của thế hệ tôi thời đó, chắc gì vợ chồng tôi đã vượt qua để có được ngày hôm nay! (Mấy năm sống ở Hà Nội không ít đêm tôi đã thức trắng, trằn trọc, giằng xé với ý định bỏ học về với vợ con đang sống ở trường cấp 3 Hương Sơn heo hút). Nhưng con tôi đã lớn lên, đẹp như một thằng bé trong tranh. Thật lạ kì, mẹ chưa nổi bốn mươi cân mà con trai rất khoẻ mạnh, lớn nhanh như Phù Đổng. Mới một tháng mười ngày tuổi nó đã nặng tới 8,6 cân, da dẻ mịn màng như một đứa con Tây. Nga viết thư kể với tôi rằng, khi đưa thằng bé ra trường, học sinh ào vô khu tập thể để xem và bàn tán: Cô Nga có đứa con trai giống như con Liên Xô! Tôi sướng như được vàng và bao hi vọng cứ theo năm tháng lớn lên…
Còn nhớ, ngày con trai tôi ra đời, khi ấy tôi còn ở Phụng Châu (Hà Nội), đúng lúc học viên kéo nhau xuống nhà bếp ăn cơm chiều thì tôi nhận được bức điện tín từ Hương Sơn gửi ra. Hồi hộp bóc phong bì và liếc vội dòng chữ của bưu điện, tôi nhảy cẫng và hét toáng lên giữa nhà ăn, quên mất ở đó còn nhiều người lạ nữa:
- Tôi có con trai rồi! Tôi có con trai rồi!
Mấy bạn học cùng tổ xúm lại. Nguyễn Hữu Nhia, bạn học cùng lớp hồi đại học, giảng viên của trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình, nay cũng ra học Triết ở đây giật lấy bức điện trong tay tôi để chia vui. Đọc đi đọc lại mấy lần rồi hắn lắc đầu:
- Ông nói thế nào, nội dung bức điện thế này mà bảo con trai sao?
Cả bọn cùng chụm vào nhìn dòng chữ trên bức điện: “Chị và cháu Dung khoẻ. Nguyễn Thị Lan.” rồi bàn tán:
- Nhia nói đúng. Con trai ai đặt tên Dung. Ngọc nhầm to rồi!
Tôi tỉnh bơ vì chỉ mình tôi hiểu. Chả là, tôi đã dặn cô em gái Nguyễn Thị Lam rất kĩ: “Khi chị sinh xong, em ra huyện điện cho anh ngay. Nếu là con trai, đặt tên cháu là Dũng, con gái thì gọi là Hằng. Em chỉ cần điện mấy chữ: “Chị và cháu…khoẻ” là anh hiểu chị sinh con gì, có bình thường không. Điện thế cho đỡ tiền” (Hồi đó gửi điện tín ở bưu điện phải tính từng chữ để tiết kiệm). Khi mới nhận điện, lúc đầu tôi cũng tưởng là mình lại có thêm con gái nhưng chỉ một giây, khi đọc thấy cuối dòng “Nguyễn Thị Lan” là tôi hiểu ngay tất cả: Nhân viên bưu điện này hay mắc lỗi, chỉ tám chữ mà sai đến hai, “Lam” viết thành “Lan” còn “Dũng” thì đã ghi là “Dung”. Em gái tôi đã làm rất đúng như tôi dặn dò. Và tôi đã reo to lên là vì thế. Mọi người thấy tôi giải thích đều tán thành nhưng vẫn có người “nhát”:
- Cũng chưa phải là 100%, biết đâu ở nhà vợ ông sinh con gái và đặt tên Dung chứ không gọi là Hằng nữa.
Bởi vậy, tôi vẫn nơm nớp cho tận khi nhận được thư nhà gửi ra nói rõ cuộc sinh nở “mẹ tròn con vuông” lần thứ hai nơi thâm sơn cùng cốc thiếu cả bà đỡ của Nga.
Đầu 1983 tôi về ĐHSP Vinh thực tập gặp một người bạn cũ là Hà Tùng Sơn, hắn thổi cháy thêm niềm kiêu hãnh trong tôi bằng câu chuyện kể về chuyến đi công tác ghé thăm “thằng bé tuyệt vời của mày”: Nga vừa mang nước cho tao uống thì từ sau vách đất ngăn đôi căn phòng một thằng bé trắng, mập, rất cân đối lẩm chẩm bước ra liền miệng kêu: óong…óong…! Tao là người xưa nay rất ghét đi đâu trẻ con cứ lèo nhèo thì đây là lần đầu tiên tao thấy yêu trẻ. Yêu thật sự, khoái thật sự! Nhìn nó mà cứ liên tưởng đến một thằng bé khổng lồ miệng đòi khát! khát!...của văn học Phục Hưng.
Vậy là, chỉ sau ba năm lấy nhau vợ chồng tôi đã có một con gái đầu lòng và một con trai nối dõi – kết quả của một mối tình đắm say, mãnh liệt, vượt lên nhiều thành kiến trong thời buổi này. Sau này nhiều người bảo vợ chồng tôi đã đạt điểm 10 tuyệt đối. Tôi đã say sưa chiến thắng.“Lúc bấy giờ có thể tiếng bom nổ / đã hóa tiếng chuông ngân kiêu ngạo một phần đời”…
Rồi tôi từ Hà nội trở về Đại học sư phạm Vinh. Tháng 9 năm 1983, kết thúc ba năm tròn theo học chuyên ban Triết ở trường Đảng (mà bấy giờ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cứ nhắc đi nhắc lại mỗi lần sang nói chuyện với lớp tôi: Các đồng chí là “lớp đặc biệt” của Bộ, học chương trình tương đương NCS, mong các Đồng chí cố gắng) tôi chính thức về Đại học sư phạm Vinh cầm phấn giảng dạy khi vừa 29 tuổi. Cùng lúc Nga cũng được sở Giáo dục Nghệ Tĩnh cử ra Đại học sư phạm Vinh thi vào Cao học. Bốn năm với hai đứa con nhỏ sinh ra trong thiếu thốn nơi thâm sơn cùng cốc, lại chẳng có thời gian ôn tập nhưng Nga đã thi đỗ (dù thời này thi Cao học rụng như sung). Ba năm đằng đẳng xa vợ con trong cùng kiệt, đói nghèo nay được cùng nhau sum họp. Với tôi nó còn sung sướng hơn cả khi kết thúc chặng đời hơn ba năm lăn lộn ở Tây Trường Sơn đánh Mĩ trở về. Có phải đấy là “trời có mắt”, Chúa thương đôi vợ chồng trẻ chúng tôi biết tự mình vượt lên…
Gia đình nhỏ của tôi thực hiện một cuộc di chuyển lớn: Ba mẹ con Nga rời Hương Sơn ra Vinh, kết thúc cuộc sống thanh bình ở nông thôn để đến với thành phố ồn ào đầy khói bụi. Chuyến ra đi diễn ra vào đầu năm học mới. Nga lúc này đã có học sinh cả ba khối 8 – 9 – 10, cuộc tiễn đưa diễn ra bình dị nhưng cũng thật lưu luyến. Bằng mấy chục chiếc xe đạp, các em học sinh yêu quí cô nhất định đòi đi theo và giành mang tất cả đồ đoàn của gia đình nhỏ ra bến ca nô ở Nầm để rồi vợ chồng con cái chúng tôi xuôi về Gia Lách vào một sáng trời lác đác đổ mưa (dịp ấy vừa có một trận lụt lớn, bến ca nô ở Choi phải dời lên Nầm để đón khách). Chiếc ca nô khách rời bến, những bàn tay học trò vẫy vẫy và những giọt nước mắt ứa ra: “Học xong cô về với trường Hương Sơn cô nhé!” Chứng kiến Cô – Trò họ chia tay, tôi cũng thấy bùi ngùi khôn tả. Xuôi dòng Ngàn Phố để đi vào sông La rồi cuối cùng chạy ra sông Lam, chiếc ca nô đưa chúng tôi cập bến Gia Lách, kết thúc một hành trình đường thuỷ thật êm ả và thơ mộng.
(Còn tiếp)

Cu Dũng năm ra Vinh (3 tuổi)


Căn phòng nhỏ nơi Trường Huyện


(Nhân 8-3, tặng phụ nữ nhà tôi)
Trích Hồi kí phần 2.
Nguyễn Trung Ngọc
Tháng 11 năm 1979, Trường cấp 3 Hương Sơn (Trường THPT Hương Sơn ngày nay) xuất hiện một cô giáo trẻ vừa ra trường. Khá lạ là cô nhìn trẻ như một học sinh lớp 10 (lớp 12 ngày nay) của trường lại mang theo một đứa con nhỏ 3 tháng tuổi. Đó chính là Nga, vợ tôi. Tôi đưa hai mẹ con đến trường trong sự thiếu thốn điển hình thời đó: Toàn bộ gia đình nhỏ và tất cả “gia tài” nằm gọn trên chiếc xe đạp cà tàng. Mà quả thật, đến giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu được làm sao hồi ấy mình lại đạp xe giỏi vậy. Dù nghèo đến mấy thì cái buổi đầu “khởi nghiệp” ấy, gia đình nhỏ của tôi cũng phải có một chiếc va li mang theo; một cái làn nhựa đựng quần áo, tả lót cho đứa con gái mới sinh; vài chiếc soong nồi bát đũa mang từ nhà ra để đỡ mua sắm; ít ống gạo chuẩn bị cho vài bữa ăn đầu…Vậy mà tôi chở hết, cả hai mẹ con và tất cả đồ đoàn lỉnh kỉnh. May mà còn có cô em gái đi cùng, cũng bằng xe đạp chở thêm một ít đồ dùng khác như thau chậu, chiếc xô để xách nước, cái chổi quyét nhà, mấy cân sắn củ…Lớp trẻ ngày nay dù giỏi tưởng tượng đến mấy chắc cũng không sao hình dung được cuộc sống của một sinh viên mới ra trường đi nhận việc như Nga ngày ấy. Điều mà sau này tôi đã viết thành thơ:
Mẹ quên cả tuổi xuân tháng ngày lặn lội
Đồng lương nghèo đắp đổi quanh năm…

Ý định giữ cả hai vợ chồng tôi lại trường làm CBGD của nhà trường không thành hiện thực vì Nga “vỡ kế hoạch”. Chúng tôi quyết định đưa hai mẹ con về gần ông bà nội để cậy nhờ gia đình. Vậy là, bởi cuộc mưu sinh đưa đẩy, vợ con tôi phải xa thành phố, sống lại miền sơn cước Hương Sơn, xa tôi gần một trăm cây số. Hồi ấy, Gần ngày thi tốt nghiệp, sau khi bảo vệ Khoá luận môn Văn học Trung Quốc do Thầy Ngô Xuân Anh hướng dẫn, tôi đã được biết dự định của Khoa sẽ giữ tôi lại tổ Văn học nước ngoài cùng Trần Hữu Phong và Đỗ Ngọc Thống. Hồi đó, sao chuyện phân công công tác cho sinh viên ra trường trong sáng đến thế, đẹp đến thế. Chúng tôi chỉ việc lo học, thi để hoàn thành khoá học. Còn việc đi đâu, về đâu là do nhà trường sắp xếp rồi thông báo lại. Anh A khoa xin giữ lại để bổ sung cho Bộ môn X, chị B vì điều kiện khó khăn, trường xếp đi dạy ở tỉnh Y để hợp lí hoá gia đình…Xét về khía cạnh đó, thời chúng tôi ra trường là thời vàng son, một đi không trở lại. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, việc phân công công tác đôi khi cũng khác đi nhiều. Nhóm Văn học nước ngoài chúng tôi kết cục chỉ có Phong ở lại (nhưng về sau Phong cũng xin chuyển vào ĐHSP Huế). Thống thì vướng cái án kỉ luật oan uổng, trôi dạt lên miền Tây Thanh Hoá. Còn tôi “lạc lối” sang bộ môn Mác–Lênin, chờ đi học trường NAQ ở Hà Nội. Cũng may, phải một năm chờ đợi nên tôi có thời gian về Hương Sơn lo cho vợ con những buổi đầu và được gần cái gia đình bé nhỏ của tôi lúc ấy với những chủ nhật đi về. Để rồi sau đó biền biệt đi xa theo học chuyên ban Triết học sau đại học.
Nơi ở được trường cấp 3 phân cho Nga là một gian phòng vách đất thủng lỗ chỗ, không có cửa. Vì vậy, vừa đến buổi sáng là ngay chiều hôm ấy tôi phải vội vàng xin nhà trường mấy cây nứa để chẻ đan phên làm cửa và tìm rơm nhồi với bùn vá mấy vách đất cho lành lặn. May mà tôi biết làm mọi việc. Mấy năm bộ đội đã cho tôi một đôi tay gần như quen hết mọi việc trên đời. Mấy chị giáo viên ở cạnh nhìn tôi đan phên cứ trầm trồ: “Sao dượng Ngọc làm giỏi vậy!”
Dù chỉ là một căn phòng vách đất tồi tàn nhưng sửa sang xong vợ chồng tôi vẫn có một cảm giác thật hạnh phúc vì được tự do bên nhau, tự do âu yếm tỏ bày tình cảm của đôi vợ chồng đã có con nhưng còn rất trẻ (Năm ấy tôi 25 còn Nga 22 tuổi).
Mấy ngày ở với vợ con để giúp ổn định cuộc sống ban đầu, tôi cố gắng hết sức để biến một nơi hoang phế thành căn phòng “ấm cúng” mà vợ con tôi sẽ sống ở đây chờ đợi cuối tuần – ngày chủ nhật. Chỗ hai mẹ con ở trở thành nơi đẹp nhất so với cả dãy nhà tập thể của các gia đình trong trường. Cũng dễ hiểu thôi, Vợ con tôi còn có tôi chăm sóc còn phần lớn các cô “láng giềng” đều có chồng là bộ đội hoặc công tác nơi xa. Chị em giáo viên nơi trường huyện này đều là những “Mẹ Việt Nam anh hùng” thời ấy cả!
Kỉ niệm khó quên của những ngày tháng nơi đây của tôi là những chiều thứ bảy từ Vinh đạp xe về với người vợ trẻ và đứa con thơ. Yêu với một tình yêu lớn và cũng thương cảm vô bờ. Tôi cứ như luôn thấy mình nợ Nga nhiều lắm. Mà cái nợ tình, càng trả lại càng đầy lên mãi! Hơn lúc nào hết, tôi thấm thía câu nói của người xưa: “Vợ chồng là nghĩa tào khang”. Hàng tháng hai vợ chồng tôi và đứa con gái nhỏ sống bằng 64 đồng tiền lương của tôi – anh CBGD đại học vừa ở lại trường cộng thêm khoản lương tập sự của Nga chừng 50 đồng nữa. Cũng may ở gần ông bà nội nên thỉnh thoảng O, Chú lại mang ra cho cân nếp, củ sắn, củ khoai “bồi dưỡng” thêm. Con tôi lớn dần lên dưới bàn tay của người mẹ trẻ và sự đùm bọc yêu thương của Ông Bà, O Chú ở cách đó vài chục cây số.
Trong khoảng gần một năm, đầu Đông 1979 đến cuối Thu 1980, cứ đến chủ nhật tôi lại về Trường cấp 3 Hương Sơn, nơi có căn phòng nhỏ mong manh đang che chở vợ con mình. Khó nghèo đến rùng mình mỗi khi nhắc lại những năm tháng ấy. Vậy mà vẫn lạc quan, vẫn đong đầy hạnh phúc những giây phút bên nhau nồng nàn, say đắm. Lại cả khi hờn ghen, thương giận…Ôi tuổi trẻ của tôi! Tuổi trẻ đã qua…ngày ấy! “Bản chất tình yêu là không chia sẻ”(Ăng-ghen). Vì thế, nếu giữ được sắt son con người có thể đạt được điều mong muốn. Cái cần là Chúa tác hợp cho ta, gắn kết được cho ta một tâm hồn. Những ngày ấy chúng tôi đã sống cho nhau với tấm lòng “Quên tất cả chỉ mình em yêu dấu”… Ơn Chúa, tôi đã vượt qua được những chặng đường giông bão!
Về nhiều rồi thành quen. Cứ mỗi chiều thứ bảy con gái bé bỏng của tôi lại theo mẹ ra đứng ngoài cổng trường đón bố. Vòng tay siết chặt, ôm con vào lòng, cảm giác hạnh phúc, yêu thương dào dạt vô bờ bến. Nhớ có một lần, đâu khoảng 1981, khi ấy vợ chồng tôi đã có thêm cháu thứ hai (thằng bé chỉ cách chị nó 22 tháng, cũng một lần nữa "vỡ kế hoạch"), tôi đã ra Hà Nội nên việc về thăm vợ con là cả một "công trình". Tôi trốn học về nhưng không gặp con gái vì Ông Bà đã đưa cháu về Sơn Thọ được cả tháng. Nhớ quá không chịu nổi, ngay sáng hôm sau tôi đạp xe về nhà. Đang chơi với Bà, nhác thấy bóng bố về đầu ngõ con bé lao ra với tất cả sức lực của nó. Tôi cũng bỏ xe chạy tới. Con gái nhảy lên ôm chặt lấy bố. Đôi tay bé bỏng siết chặt cổ tôi, hai chân thì quắp cứng lấy hông rồi ghì khuôn mặt đầy nước mắt lên má bố, miệng cứ rối rít: Bố ơi! Bố…! Nước mắt tôi cũng chảy xuống đầy cả má con. Hai bố con ghì chặt lấy nhau trong nhiều giây. Lúc bấy giờ nếu có ai quay lại được cảnh bố con tôi gặp nhau hôm đó, tôi tin chắc đó sẽ là một trong những thước phim hay nhất về tình Phụ - Tử. Hôm sau tôi đưa con ra trường. Đêm nằm bên mẹ, nó không dám rời một giây, giành mẹ của em rồi giơ tay sờ mãi khuôn mặt mẹ, miệng cứ lắp bắp: “Mẹ…mẹ…bố…” ngay cả khi đã đi vào giấc ngủ. Tôi biết mình có lỗi với con, mình đã bắt nó thiếu thốn cả sự gần gũi của bố mẹ khi nó còn bé xíu…
Tôi ít làm thơ. Chỉ khi nào cảm xúc mãnh liệt, lời trong tim lại hát thành vần. Bài thơ sau đã hình thành trong những ngày tôi ở xa, nhớ về con da diết.

TÌNH YÊU CỦA BỐ
Tặng con gái

Tháng tám mẹ sinh con
Bố phải đi ra trường
Nhân thêm ngàn nỗi nhớ
Cộng thêm ngàn tình thương.
Bố mẹ cùng cô chú
Đặt tên con Ngọc Hà
Con chim bồ câu nhỏ
Lòng bố yêu thiết tha…
Bố đi công tác vắng
Mẹ cũng không ở nhà
Chưa đầy ba tháng tuổi
Con đã phải đi xa.
Bao giờ con khôn lớn
Mẹ cho con đến trường
Con chim bồ câu trắng
Tung cánh về muôn phương!
Mỗi lần về phép qua
Đón con trên tay mẹ
Sao bố yêu con thế
Ơi con chim Ngọc Hà!
Mũ con chưa thật ấm
Áo con chưa tươi màu
Nhưng bố tin con bố
Có cuộc đời mai sau…
Ơi con ngoan của bố
Sống giữa tình yêu thương
Lại đây con chim nhỏ
Bố hôn ngàn chiếc hôn…
Phải đi làm việc xa
Bố thương con thương mẹ
Hãy lớn ngoan con nhé
Ơi con yêu Ngọc Hà.

Tháng 2-1980


Con gái và Mẹ ở góc vườn trường ĐH Vinh


5 tháng 3, 2019

Mấy ông này mà hoạt động bí mật thì hỏng


Sáng đầu giờ lướt fb thấy Đỗ Ngọc Thống có cái tớt kể chuyện hôm qua hắn với Hoàng Dũng lên Củ Chi thăm "trang trại" nuôi yến của Nguyễn Quang Lập, biết ngay hắn vào SG liền nt: Ông đang SG à, ở đâu tôi qua ngồi với nhau chút. 
Vừa nhắn đi Thống đã nhắn lại: Anh rảnh 9h đến cafe Sỏi Đá 6 Ngô Thời Nhiệm Q3 chơi và dự gặp mặt Văn Việt luôn.
Chỉ cần có thế là tôi xách xe chạy dù không biết Văn Việt hôm nay hội quân ở đấy để làm gì và có những ai, nhưng nếu đã có Đỗ Ngọc Thống thì yên tâm rồi, chắc cũng toàn dân văn chương chữ nghĩa và chỉ chuyện văn chương chữ nghĩa mà thôi. Quá tốt.
Sỏi Đá là một quán cafe nổi tiếng và rất đẹp nằm ngay trung tâm quận 3, là nơi thường diễn ra các cuộc gặp gỡ của những tài tử văn nhân SG chỉ để uống cfe và luận chuyện văn chương, đôi lúc kèm thế sự.
Đến nơi thấy ở một góc quán đẹp có 3 nhân vật nổi tiếng trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học đang đàm đạo với nhau, ngoài Đỗ Ngọc Thống là anh La Khắc Hòa, PGS văn ĐHSP1 Hà Nội (nói chuyện mới biết anh Hòa là SV khóa 5 khoa văn ĐHSP Vinh), Bửu Nam, PGS văn ĐHSP Huế.
Kéo thêm cái ghế ngồi cạnh, Thống ghé tai tôi nói nhỏ: Sáng nay anh em Văn Việt tổ chức gặp mặt ở đây để vừa kỉ niệm 5 năm thành lập Ban vận động Văn đoàn Độc lập vừa để Chúc mừng và trao bằng danh dự cho những nhà văn đoạt Giải Văn Việt 2019 gồm các ông Lã Nguyên (bút danh của anh La Khắc Hoà), dịch giả Hiếu Tân, ký giả Hạ Đình Nguyên... Trong đó Bộ môn Nghiên cứu Phê bình trao tặng cho công trình Phê bình ký hiệu học (NXB Phụ nữ, 2018) của tác giả Lã Nguyên, được 5/5 phiếu bầu của các thành viên Ban Xét Giải: nhà nghiên cứu văn học Đỗ Ngọc Thống, nhà nghiên cứu ngữ học Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử.
Vừa cfe vừa chuyện vãn chán chê mấy anh em tôi chờ mãi đến 10h30 vẫn không thấy thành phần nào trong Văn Việt đến, Thống xù kết luận vậy có thể là cuộc gặp đã bể do đám AN phá, ta về thôi. Thanh toán tiền cfe xong chưa kịp đứng dậy ra về thì tôi nhác thấy lão Phạm Xuân Nguyên từ trên gác đi xuống, Thống đứng lên gọi thì Nguyên đầu bạc bước lại nói mọi người chờ các ông nãy giờ, đang có mặt cả ở trên gác, cũng sắp về. Tôi (PXN) về trước chút để đến viếng vợ nhà thơ Nguyễn Duy vừa qua đời. Các ông lên ngay đi may ra còn kịp. Mấy ông ngồi đây thì một ông trong hội đồng chấm giải, một ông trong số các nhà văn nhận giải, vắng các ông sao được.
Thì ra trên đó có bác Nguyên Ngọc là Chủ tịch Hội đồng cùng khoảng hơn 20 nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng... đã thực hiện nội dung cuộc gặp từ lúc 9h. Đúng là các ông Thống, Hòa, Nam đại quan liêu không chịu rút đt ra gọi lại cho BTC xem sao, lại cứ ngồi nghĩ là bị an ninh phá nên mọi người không đến được (thực ra đám AN cũng đã kìm chân khoảng dăm người đều ở SG còn những thành viên Văn Việt các nơi khác đều đến họp mặt bình thường). Tôi thì nghĩ mấy ông này đúng là trí thức ngu ngơ, nếu cho đi hoạt động bí mật thì hỏng hết công việc và sự nghiệp. Vậy mà không hiểu vì sao đám an ninh văn hóa lại tỏ ra lo sợ và theo dõi họ ghê thế không biết. Ngay như trong chuyến đi lên Củ Chi thăm Nguyễn Quang Lập của Đỗ Ngọc Thống và nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng hôm qua cũng có 2 xe máy của đám AN chạy kèm từ khi đi đến khi về cả trên trăm cây số vì trên ô tô có PGS Hoàng Dũng.
Cuối cùng thì cuộc gặp vẫn đang diễn ra và Lã Nguyên – La Khắc Hòa cũng lên kịp để được nhà văn rất khả kính Nguyên Ngọc trao tận tay bằng danh dự của giải thưởng văn học danh giá và nhiều ý nghĩa. Chúc mừng anh và tất cả.

Trái sang: Nguyễn Phước Bửu Nam, Hà Tùng Sơn, Đỗ Ngọc Thống, La Khắc Hòa


 Nhà văn Nguyên Ngọc Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Văn Việt 2019 trao giải thưởng cho tác giả Lã Nguyên - La Khắc Hòa.


Bún cá Bà Thu


Đến Quy Nhơn mà chưa ăn tô bún cá Bà Thu là coi như chưa đến. Là coi như bỏ phí nửa cuộc đời.
Quán nằm ở số nhà 157 đường Nguyễn Huệ chạy cặp theo đường Xuân Diệu ven bờ biển, ngang với cổng sau của trụ sở UBND tỉnh Bình Định.
Chục năm trước khi còn ở Quy Nhơn hầu như tuần nào tôi cũng ghé ăn bữa sáng và cả ăn chiều sau giờ làm việc về ở quán bún cá nổi tiếng này. Bây giờ đi xa, mỗi dịp về Quy Nhơn là tôi lại có mặt ở quán bún cá quen thuộc, có khi sáng ăn, rồi nửa buổi chiều lại ghé ăn thêm tô nữa. Đến mức Nguyễn Thanh Minh, một ông bạn đồng nghiệp khoa văn của tôi ở SG mỗi lần về đây thường ăn đúp một lúc 2 tô, cho đã.
Thực ra quán Bà Thu không bề thế bằng những quán cũng chuyên về bún cá khác và cũng khá nổi tiếng cũng nằm trên đường Nguyễn Huệ. Những quán này có nhà hàng to rộng, bàn ghế sang trọng, mát mẻ hơn rất nhiều lần nhưng tô bún ăn không ngon bằng, nó cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Ai không biết Bà Thu mới vô những quán bề thế kia.
Trong lúc bún cá Bà Thu với cái nhà hình ống hơi tối bề ngang chỉ rộng chừng 3m, hẹp lại bí, bàn ghế xập xệ hơn nhưng tô bún ăn vào nó đã làm sao. Tô bún cá Bà Thu bưng lên bạn sẽ thấy nước lèo trong văn vắt nhưng tỏa hương thơm quyến rũ. Miếng cá, miếng chả, miếng nấm rơm, kèm những miếng sứa trộn giòn tan cứ như bùng nổ trong miệng người ăn. Ngay cái đĩa rau sống ăn kèm của Bà Thu cũng ngon, có người ăn hết còn xin thêm đĩa nữa.
Khi tô bún được bưng lên, bạn hãy kêu thêm cái bánh tráng nướng truyền thống của người Bình Định, bẻ đôi ra, một nửa cho vô miệng, một nửa bóp nát cho thêm vào tô bún, ngon và giòn tan. Ăn xong cái bụng thì no mà cái miệng vẫn thòm thèm. Đó là bún cá Bà Thu.
Bà Thu vừa là chủ quán vừa là người trực tiếp pha chế, gắp các thứ vật liệu để sắp thành một tô bún, tay bà thoăn thoắt chan vài vá nước lèo, rắc ít hành ngò, xong đâu đấy bà mới giao nhân viên bưng lên cho khách.
Quán bún cá Bà Thu ngon là vậy nhưng dân tình Quy Nhơn nhiều người không gọi là bún cá Bà Thu mà vẫn gọi là bún cá bà chửi bởi bà vừa múc bún vừa chửi vào mặt mấy chú nhân viên ít tuổi vì bưng bê chậm chạp, không phải chửi khách. Nhất là khi đông khách bà càng chửi người làm té tát. Vì thế mà nhân viên của quán thay đổi xoành xoạch vì họ chịu không nổi sức chửi của bà chủ. Chỉ có khách ăn là luôn chung thủy với bà, đi xa cả chục năm vẫn nhớ. Nhớ bún cá ngon và nhớ cả bà chủ quán chảnh chọe.
Đã nhiều năm sống xa Quy Nhơn, hầu như năm nào tôi cũng về lại TP biển mặn mòi này và lần nào cũng ghé ăn bún cá Bà Thu. Dịp mới rồi cũng vậy, đồng nghiệp khoa văn Võ Xuân Hào gọi đt hẹn từ khi tôi đặt chân xuống Phù Cát rồi sáng hôm sau đem xe đến khách sạn rước từ sớm hỏi tôi thầy muốn ăn gì. Còn gì nữa chú. Bún cá Bà Thu thôi.
Mười năm quay lại Quy Nhơn, tô bún cá Bà Thu vẫn chất lượng không giảm. Vẫn bà chủ mập mạp béo tốt ngồi nguyên bên nồi nước lèo nghi ngút khói, vẫn tay múc bún miệng mắng nhân viên xa xả, vẫn khách ngồi tràn cả ra ngoài vỉa hè, vẫn tô bún ngon ăn xong muốn thêm tô nữa. Đến mức ông bạn nhà báo đồng hành với tôi là Nguyễn Quang Ngọc ăn xong từ buổi sáng mà tối về kS vẫn nức nở: làm sao lại có tô bún cá ngon như vậy chứ.
Chuyện. Quy Nhơn bún cá Bà Thu mà.
Cái ngon các món ăn của Quy Nhơn nếu kể ra thì vô vàn. Từ món bánh xèo tôm nhảy Diên Hồng, bánh hỏi lòng heo Trần Phú, cơm gà Quê Hương Lê Hồng Phong; từ tô xìa hấp sả béo múp míp đến con chà rinh độc đáo làm món trộn sa lát giòn mềm ngọt ăn luôn cả vỏ vẫn ngon; đến cả con cá đục to bằng chục con cá cơm cộng lại nướng sém thịt thơm lừng ăn không biết ngán...
Nhưng trên hết vẫn là bún cá Bà Thu Nguyễn Huệ. Nhắc đến lại muốn về Quy Nhơn.

Bún cá Bà Thu, 157, Nguyễn Huệ, Quy Nhơn

Tô bún cá Bà Thu
P/S: Ảnh trong bài của Nguyễn Quang Ngọc


2 tháng 3, 2019

Bão lửa chốn quê (Tiếp phần I.2)


Nguyễn Trung Ngọc

Bây giờ thì đã quá muộn rồi nhưng thú thật là khi có dịp quay về nhìn lại khu vườn ở Sơn Thọ, Hương Sơn tôi vô cùng tiếc nuối: Giá như hồi trước mình biết giữ lại khu vườn nhà mình đến giờ để làm trang trại, để thành cái nơi cho con cháu về nghỉ hè thì quả là lí tưởng. Dân vùng này bảo, vườn ông Thu nếu còn giờ bán cầm chắc tiền tỉ. Số là, vào năm 1989, nạn đào vàng nơi đây đã phá nát dòng suối đẹp như tranh vẽ, đào lấn hết cả vườn chè xanh mướt quanh năm với bao mồ hôi đã đổ xuống để làm nên. Mới biết, bàn tay con người thật khủng khiếp. Nó “thay trời đổi đất”, biến rừng núi âm u thành những khu vườn tươi sáng nhưng nó cũng có thể phá hoại đến tột cùng, biến một làng quê tươi đẹp thành bãi đất đá hoang tàn. Thật tội nghiệp, bố tôi đã vào tuổi bảy mươi, không biết kêu ai, không có pháp luật bảo hộ cái gia đình bé nhỏ nằm sâu giữa rừng. Ngày ngày hai ông bà già và đôi vợ chồng thằng em thương binh của tôi chỉ lo chống đỡ hết tốp người này đến tốp người khác từ những nơi xa đến đây rập rình đào xới để tìm vàng. Họ toàn là bọn người hung dữ, những đầu gấu nhìn thật gớm ghiếc mang theo dụng cụ đào vàng và cả vũ khí để sẵn sàng trấn áp. Một lần, tôi về nhà được nghe kể lại: Hôm ấy, mới sáng sớm, một tốp đào vàng vai vác xà beng, cuốc thuổng, lưng đeo dao rựa...nhìn rất dữ dằn đạp rào đi bừa vào vườn chè. Bố tôi chạy ra dang tay ngăn lại:
- Các anh không được phá hoại vườn người ta như thế! Đường không đi lại phá cả rào là cớ làm sao?
Tên đi đầu chừng ba mươi tuổi, tóc rậm quá vai hất hàm:
- Ê ông già, tránh ra! Không biết đi tắt thế này cho nhanh à?
Hắn tưởng bố tôi sợ nên dấn bước thêm và giơ tay gạt ông ra. Không nhịn được hơn nữa, nhanh như cắt, bằng một động tác của võ sĩ quyền Anh, ông tặng hắn ta một quả đấm như trời giáng vào giữa mặt và đẩy hắn xuống dưới lối đi. (Tôi đã kể ở phần trước, Bố tôi chơi quyền Anh rất khá, ông từng hạ gục một viên quan năm Nhật trên sàn đấu). Thằng cha vỡ mũi, máu ộc ra, loạng choạng lấy lại tư thế rồi rút con dao đang đeo lủng lẳng bên hông đứng giữa đường hét lên:
- Lão già! Xuống đây! Tao băm lão ra.
Bố tôi bình tĩnh đáp:
- Lão già chỉ không cho lũ mất dạy xâm phạm vườn nhà mình còn chẳng bao giờ lão đi đánh nhau. Đứng ngoài rào thì được nhưng nhớ là chớ vào đất ông một lần nữa khi chưa cho phép.
Thấy một ông già có đòn đánh “đẹp” như Mike tyson lại quá bình tĩnh trước sự hung tợn của mình, tên đầu gấu không dám nhảy vào vườn nữa mà đứng ngoài đường hô hoán đồng bọn rút dao ra hù doạ. Thằng em tôi thấy nguy, Sợ bố mình bị chém, xách khẩu súng săn chạy ra cầm lăm lăm trong tay đứng cách vài chục mét. Hung hăng một lúc nhưng có lẽ là cũng sợ khẩu súng trên tay thằng em tôi nhả đạn, cả bọn chửi tục rồi lầu bầu bỏ đi.
Một lần, khi cái gia đình nhỏ của tôi (Vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ) đang chuẩn bị chuyển từ khu cán bộ độc thân của Đại học sư phạm Vinh sang khu gia đình, bố tôi đạp xe từ Hương Sơn xuống. Chơi với cháu lần ấy chỉ là phụ, ông nói riêng với tôi chuyện này: “Con ạ! Tình hình ở nhà căng thẳng lắm. Bố ra để nói với con điều này, đám đào vàng đang lật tung cả con suối trước nhà mình, mấy hôm nay chúng đào đứt cả vườn, lấn tận cả bếp nhà ta rồi. Bố đã làm mọi cách nhưng không sao cản được. Kiểu này, không còn cách nào khác, phải đứng lên bảo vệ thôi. Con đi bộ đội giữ đất nước tận đâu nay “giặc” đến cướp tận nhà chả lẽ mình không dám bảo vệ? Bố già rồi có sao cũng chẳng sao! Chuyến này về bố sẽ tuyên bố không kẻ nào được bổ thêm một nhát cuốc vào vườn nhà mình nữa. Nếu không, phải liều với chúng nó…”
Nghe giọng run run và đứt trong hơi thở của ông, tôi biết bố mình đang rất căng thẳng và cương quyết. Ông đã nói là làm. Tình hình quả là không thể trì hoãn thêm được nữa. Tôi cố giữ bình tĩnh khuyên giải ông: “Bố cứ cố nhịn để ta tìm cách, đừng làm liều tiêu tan mất cả nhà ta. Bố mẹ đã đành nhưng còn các em, các con, các cháu. Pháp luật thả lỏng cho quân đào vàng nhưng nó sẽ thít rất chặt nếu bố ra tay đấy”. Bố tôi gần như khóc: “Thế con bảo chả lẽ bố ngồi nhìn chúng nó đào đổ nhà mình à?”
Mấy năm lọt giữa cái rốn của nạn đào vàng, gia đình tôi khốn đốn, mất ăn mất ngủ, không yên lấy một ngày nào. Giờ thì đã lên đến đỉnh điểm. Vài năm gần đấy, lần nào ghé về nhà tôi cũng thấy nóng như trên chảo lửa: Lúc thì chứng kiến hai hội đào vàng vừa chém nhau máu loang cả suối, khi lại được tin hôm trước một thanh niên trong xóm vừa dùng khẩu K44 của dân quân bắn gục một “đại ca” ngay bên bờ suối sau vườn nhà mình…Thật là khủng khiếp! Tôi không sao hình dung hết cái phức tạp của một nơi pháp luật gần như không có ấy. Những ngày êm ả của một vùng quê xa vắng đã chấm dứt.
Tiễn bố trở lại Hương Sơn rồi, hai vợ chồng tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Nỗi lo lắng dằn vặt tôi, không cho tôi yên lấy một giờ nào. Vậy là tôi phải đi đến một quyết định mạnh mẽ. Bố về được ba ngày thì tôi về theo. Tôi về một mình bằng chiếc xe đạp cà tàng, đạp gần một ngày mới từ Vinh về tới Sơn Thọ vì gặp phải ngày mưa. Mẹ tôi thấy tôi về mừng như gặp được vị cứu tinh, chỉ ra cái hố sâu hoắm đào lộng từ bờ suối vào tận nền bếp. Những hàng chè thẳng tắp bố tôi trồng bị thụt xuống cái hố đào vàng ác nghiệt, chia vườn chè tuyệt đẹp thành hai nửa với những dấu chân dẫm nát. Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Con ơi! Mấy ngày nay bố chỉ suốt ngày lo canh giữ bên cái hố đào vàng này. Mẹ chỉ lo bố làm liều, chết cả nhà. May con về kịp.”
Tôi đi một vòng quanh vườn quan sát. Cơm tối xong, cả nhà ngồi lại bên mâm cơm nghe tôi chăm chú. Bố tôi mới qua mấy ngày mà gầy sọp hẳn đi. Nhìn ông phờ phạc, mắt trũng xuống, mệt mỏi, bất lực đến tệ hại. Đặc biệt là ông có dấu hiệu bị lẩn thẩn. Trong tôi trào dâng một lòng thương cảm vô bờ. Tôi từ từ nói:
- Về đây con đã hiểu hết mọi chuyện. Con nghĩ và đề nghị với bố mẹ thế này: Bố đã rất mệt, nguy cơ sẽ ốm đấy. Tình hình đúng là rất căng thẳng. Nhà ta ở một nơi mà pháp luật cũng không đến để can thiệp giúp ta. Đây là lúc phải có quyết định mạnh mẽ và đúng đắn. Bố cũng già rồi, để con lo mọi chuyện cho. Bố mẹ đồng ý không?
- Giao cho con toàn quyền quyết định, tuỳ con, con ạ!
Bố tôi nói chậm rãi nhưng rất tự tin, chắc chắn. Có thể ông cũng chưa lường được một quyết định táo bạo mà cũng rất mới vừa hình thành trong tôi mà trước khi tôi về Nga cũng chưa hề biết. Tôi nói một hơi rất quyết đoán trong sự ngơ ngác của bố mẹ mình và hai vợ chồng chú em:
- Vậy con quyết định thế này: Chúng ta sẽ bỏ nơi đây. Bố mẹ đã già sẽ ra thành phố, trước mắt ở với các con và em Du. Vợ chồng Sơn tạm thời ở lại để giải quyết chuyện vườn tược, nhà cửa rồi rút về xuôi sau. Ngay ngày mai chúng ta sẽ xúc tiến công cuộc di chuyển. Bố Mẹ tạm ra ở nhờ nhà bác Phúc, quên đi mọi chuyện ở đây. Trong này cứ để con lo! Bố mẹ thương con, hãy nghe con và cho con được yên để lo xong việc.
Giống như một quyết định trong chiến trận. Tôi nói xong, mẹ tôi khóc, bố tôi thần người ra còn vợ chồng chú em thì hơi giật mình nhưng dường như mọi người đều thấy rằng không thể nào khác được nếu không muốn rơi vào tai hoạ lớn. Vì thế cả nhà không ai phản đối tôi, chỉ im lặng theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Đêm ấy nhà tôi không ai ngủ được. Tiếng chim Từ Qui nghe thật não nề, ai oán. Khu vườn với biết bao mồ hôi (và ít nhiều cả máu nữa) đã đổ xuống từ những năm đầu chống chọi với thú dữ, với vắt muỗi, bệnh tật…kéo dài đã hai mươi năm để làm nên, phút chốc phải vứt hết để ra đi. Thương tiếc nhất là cánh đồng lúa. Bố tôi đã san phẳng cả một vùng chân đồi rộng lớn, đắp đập ngăn suối để lấy nước tưới tiêu. Dân làng ai cũng phải gật đầu nể phục. Phải thừa nhận rằng bố tôi rất gan trong suy nghĩ và có một ý chí ít có người nào sánh được. Ông động viên các con cùng làm với mình bằng câu chuyện Ngu Công dời núi và lúc nào cũng tươi cười: “Không có việc gì con người chúng ta không làm được, dù khó đến mấy. Vấn đề là ta có chịu suy nghĩ để tìm cách vượt qua và có nghị lực không. Bố nghiệm thấy, chỉ cần mình có quyết tâm, cái gì cũng xong mà!”
Sáng hôm sau cả nhà bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Không muốn để bố mẹ phải đau buồn và căng thẳng quá vì phải đương đầu với hội đào vàng lại khoét sâu đường hầm hướng vào vườn nhà, tôi bảo hai ông bà đưa cháu nhỏ (con gái đầu của tôi lên 10 tuổi đang về quê nghỉ hè với ông bà) ra ở nhờ nhà bác Phúc xóm ngoài rồi đi nhờ anh em, bà con trong xóm xúc tiến việc chuyển đồ đạc ra nơi ô tô có thể vào được để chuyển lên. Tự tôi cũng điều khiển một con trâu nhà kéo chiếc xe trượt chở dần mọi đồ vật ra xóm ngoài để chuyển đi. Công việc được làm cật lực trong một ngày thì xong. Tôi mệt muốn đứt hơi nhưng cũng thấy nhẹ nhõm đi nhiều. Chỉ còn lo việc bán nhà nữa là coi như cơ bản xong mọi việc. Tôi ở thêm hai ngày trên mảnh đất đã gắn bó với gia đình mình hơn hai mươi năm. Đêm ấy nằm trong căn phòng trống vắng, không còn hơi ấm của bố mẹ, tôi suy nghĩ miên man về những ngày đầu cả nhà lên Hương Sơn để lại tôi một mình ở Đức Thọ để theo học hết cấp 3 rồi đi đại học cho đến hôm nay phải rời bỏ quê hương thứ 2 này trong một hoàn cảnh không khác gì chiến tranh, tự nhiên hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Trong lòng trào dâng thứ tình cảm gia đình thiêng liêng vẫn thường dấu kín. Tôi thương Bố mẹ, thương các em không sao kể xiết.
Ba ngày sau, một chiếc xe tải do chú em rể từ Nam Định về hỗ trợ thuê từ Vinh lên bốc gọn đồ đạc, chở Bố Mẹ cùng con gái nhỏ của tôi trong ca bin. Hai anh em tôi thì ngồi ngất ngưỡng giữa đống đồ đoàn lỉnh kỉnh trên thùng xe. Chiếc Zin130 chạy ra đường 8 rồi xuôi về thành phố, bỏ lại phía sau cả một chặng đường dài của mỗi thành viên gia đình. Đặc biệt là Bố tôi, người đã dày công vun đắp, xây dựng một vùng quê mới không phải cho riêng ông mà cho cả hơn bốn mươi hộ đồng bào, cho dù có một kết cục đáng buồn nhưng đã để lại bao kỉ niệm không thể phai mờ trong tâm trí chúng tôi.
Phải nói thêm một chút về chủ trương của Đảng cầm quyền trong công cuộc di dân những năm đó mà Bố tôi là một người đã đi tiên phong và cầm cự suốt 21 năm trời. Tôi đã kể với bạn đọc về khó khăn của những ngày đầu cùng “cảnh đẹp như tiên” mà gia đình cũng như bà con quê tôi có được nơi quê hương thứ hai của mình. Nếu mọi cái được duy trì rồi phát triển thêm nữa dưới bàn tay của những cán bộ, những công dân như Bố tôi thì chủ trương đã là một chủ trương rất đúng, mở ra những vùng đất mới “đẹp như tranh vẽ” mà chính nhân dân từng hết sức tán thành. Nhưng họ đã làm sai nhiều quá. Chính phủ đã bỏ rơi dân. Những năm 80 cả nước cùng kiệt, người dân vùng xuôi thiếu đói đã ồ ạt tràn lên miền Tây để đào núi, phá rừng. Nạn đào vàng ở quê tôi là một minh chứng cho sự bất lực của Chính phủ trước sự phá phách tất yếu của dân nghèo đi tìm đường sống. Họ là những đầu gấu, những tên “giặc” đã làm hại dân lành quê tôi nhưng phần lớn họ cũng chính là những người dân khốn khổ, đói rách vùng khác kéo về đây tìm vận may đổi đời. Khó có sức nào cưỡng lại họ. Chỗ nào có vàng thì dù chết họ cũng quyết xán vào. Vì thế, một người kiên cường như Bố tôi cuối cùng cũng phải rút lui trước đám đông vô chính phủ ấy. Tôi biết Bố tôi không làm dữ hơn, cố nhịn cho đến ngày tôi về đưa cả nhà đi ấy vì ông đã nghe tôi. Không ít lần tôi phải khuyên can bố, kể cả đấu tranh với ông để cha con thống nhất điều này: Những người dân đào vàng ấy, xét đến cùng, cũng là những người dân lao động như ta. Họ còn nghèo khổ hơn ta nên đã làm liều, làm bậy. Cái đáng trách là cả một hệ thống chính quyền đã buông rơi, đã bỏ mặc cho những người dân lương thiện phải tự đương đầu với thứ tai hoạ do chính con người, chính đồng bào của mình tạo ra, không được pháp luật che chở. Chính quyền nhân dân đã để nhân dân làm hại nhau như vậy!
28-2-2019
(Còn nữa)







Kí ức làng quê ( tiếp phần I.2)


2. Quê hương thứ 2 – Núi rừng Hương Sơn với bao kỉ niệm không quên

Nguyễn Trung Ngọc

“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi.
Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”.

Tôi chỉ thừa nhận cái đúng ở câu sau. Còn câu đầu có lẽ còn phải bàn! Tôi thật sự có hai quê. Mà quê nào cũng gắn bó, yêu thương, không thể không nhớ và đều nằm trên “mảnh đất khô cằn, mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da”. Nói một cách văn vẻ, cho đến tuổi trưởng thành, có một dòng sông nối hai nửa tuổi trẻ tôi: mười bốn năm ấu thơ “chôn rau cắt rốn” ở Đức Thọ; mười bốn năm gắn bó với đất Hương Sơn, nơi có Bố Mẹ và các em những năm đi khu kinh tế mới cùng căn phòng nhỏ người vợ hiền và hai đứa con thơ ở khu tập thể trường cấp 3 của huyện. Vì vậy, cho đến giờ nhiều bạn bè của tôi vẫn cho tôi là người của đất Hương Sơn.
Như đã nói ở trên, tôi sinh ra ở làng Thái yên, Đức Thọ và có 14 năm đầu đời gắn bó với nơi đây:
“Quê Đức Thọ nơi chôn rau cắt rốn
Mười bốn năm tôi sống ở đất này
Uống nước sông La, uống dòng sữa quí
Đất La – Hồng, mẹ ôm trọn vòng tay…”

Nhưng rồi, cuộc mưu sinh đưa đẩy, bố tôi quyết định đưa cả nhà lên miền tây Hà Tĩnh theo tiếng gọi của Chính phủ lúc bấy giờ: Di dân khai hoang, giãn bớt dân số quá đông của một làng nông thôn như Thái Yên quê tôi, lại giữa những năm chiến tranh phá hoại đã trở nên khốc liệt. Nhưng dù còn nhỏ tôi vẫn biết, trong sâu xa hơn, bố tôi muốn nêu gương của một đảng viên đi đầu khi ông đang làm chủ nhiệm xí nghiệp mộc Bình Quang ở độ phát triển nhất lại chuyển sang phụ trách bốn mươi mốt hộ dân lên miền núi cày cuốc (Ông lại làm chủ nhiệm một HTX mới). Cuối năm 1967, tôi bắt đầu sống cuộc sống xa nhà. Bố mẹ và ba em nhỏ rời quê Đức Thọ lên một chiếc đò dọc men theo con sông nhỏ đi qua ba xã Đức Bình, Đức Thịnh, Đức Hồng ra sông La rồi ngược lên Ngàn Sâu vào tận ngọn nguồn Ngàn Trươi rồi đi sâu mãi vào dãy Trường Sơn xanh biếc một màu cây lá. Thời bấy giờ vùng núi non mà vài trăm hộ dân Đức Thọ lên khai phá còn là rừng nguyên sinh với tầng lớp các loài cây và đầy các loài muông thú. Toàn bộ dân làng mới đều từ những xã đông dân của huyện như Thị trấn, Đức yên, Đức Phong, Đức Bùi, Đức Quang, Đức Bình (Thái Yên). Có lẽ vì thế mà sau này xã mới được mang tên là Sơn Thọ (Người Đức Thọ lên Hương Sơn). Cuộc sống mới của cư dân đồng bằng lên vùng núi bước đầu gặp không ít những khó khăn. Riêng nhà tôi trong mấy năm đầu đã phải mất cho chúa sơn lâm một con bò mộng và một chú mực đẹp không tả hết mang từ dưới xuôi lên. Đêm đêm hổ về rình bắt lợn gà sát bên cạnh nhà, nhảy vồ cả chó ngay trước cửa. Vườn mía nhà tôi cách nhà chỉ chừng ba bốn chục mét đã không dưới hai lần bị voi về xéo nát. Những năm đầu đi khai hoang quả là những năm không hề yên với thú rừng, với thiên nhiên lạ lẫm, đáng sợ. Vậy mà bố tôi, Anh Chủ nhiệm, một mực nhận mảnh vườn sâu nhất, án ngữ nơi cửa rừng đầy thử thách với cái lí đơn giản của ông trước vợ con: Mình là chủ nhiệm, là đảng viên, mình cũng sợ, mình tránh khó khăn thì dân ai người ta chịu vào nơi “đầu sóng ngọn gió”. (Khu vườn nhà tôi là của bà con xã viên khai phá cho Chủ nhiệm vì thời kì đầu khi mọi nhà đã đi khai hoang thì bố tôi vẫn phải ở lại Đức Thọ chạy lo gạo thóc, chế độ cho mỗi gia đình; Lúc bấy giờ dân đi khai hoang chúng tôi được nhà nước cấp sổ gạo trong ba năm đầu và được khuyến khích bằng nhiều chế độ lương, thực phẩm khác). Vì thế, nhà tôi gần như ở ngay giữa rừng. Đêm đêm, tiếng chim Từ qui kêu nghe rõ mồn một, buồn não nề. Bà con dưới xuôi lên thăm, đêm đến là không dám ra khỏi cửa. Đến mức, mười năm sau, năm 1978, anh bạn vong niên Uông Ngọc Dậu đang học Đại học Sư Phạm Vinh đi cùng tôi lên chơi phải thốt lên: “Nhà anh có lẽ là cái nhà miền núi “núi” nhất. Em là dân biển, ra giữa biển khơi nhìn biển mênh mông nhưng không sợ, con người đứng trên biển. Còn đến đây thấy rừng mênh mông quá, to lớn quá…Con người lọt thỏm vào lòng nó!”.
Lần đầu tiên tôi lên vùng đất mới Hương Sơn là mùa hè năm 1968, khi vừa tốt nghiệp cấp 2 đang chờ chuyển thẳng lên cấp 3 do có thành tích được dự thi chung khảo toàn miền Bắc, không phải dự thi chuyển cấp như các bạn cùng lứa. Hồi này, thi tuyển cấp 3 là một kì thi mà cả phụ huynh và học sinh lo sợ nhất. Tốt nghiệp cấp 2 rồi chỉ khoảng một nửa dám dự thi cấp 3. Đi thi rụng như sung, một xã chỉ được khoảng chục đứa trúng vào lớp 8. Không còn vướng bận chuyện thi cử, tôi yên tâm chờ ngày tới trường mà năm ấy (1968) tỉnh Hà Tĩnh mở lớp năng khiếu Văn cấp 3 đầu tiên đặt tại trường Trần Phú kề Thái Yên quê tôi. Chưa bao giờ tôi được thư thái, “quên” chuyện học hành để đắm mình vào những ngày vui với “cảnh tiên” ở một vùng đất hoàn toàn mới lạ. Đó là kì nghỉ hè một đi không trở lại với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Giữa năm 1968, chiến tranh phá hoại của Mĩ bước vào thời kì vô cùng ác liệt. Từ nơi đạn bom gần như ngày nào cũng làm máu đổ với tứ phía là những nút giao thông rất nóng như cầu Đò Trai, ngã ba Lạc Thiện, phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, dốc Cửa Trẹm…thoát lên rừng núi Hương Sơn ít khi nghe tiếng máy bay vọng tới, tôi có cảm giác bình yên chưa từng thấy. Quê mới của tôi những năm chiến tranh tuyệt nhiên không có tiếng đạn bom, không có sự đe doạ đáng kể nào của thương vong, chết chóc. Hơn bốn mươi hộ dân từ đồng bằng lên với núi rừng trong khí thế “Đi! Ta đi, khai phá rừng hoang”; “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”…đã làm thức dậy cả một vùng núi non trầm mặc, hoang dã. Tôi thả hồn vào những trưa hè cùng lũ trẻ trong xóm hì hụp dưới vực sâu của con suối trong vắt chảy qua ngõ nhà mình đẹp như tranh vẽ. Từ một làng quê chật chội, chen chúc không kém gì phố xá như Thái Yên đến với đại ngàn Trường Sơn mênh mông có dòng suối trong suốt tận đáy, lượn lờ những đàn cá lấu, cá mát…chảy giữa đôi bờ cây cối um tùm, quả thật tôi sướng như lạc vào cõi tiên. Cảm giác thật tuyệt vời cho một thằng bé vừa 14 tuổi. Vì thế, cho đến tuổi 20, tôi yêu mảnh đất này bằng cả một tình yêu đắm say, hồn nhiên và luôn thấy bố mình rất đúng: “Quê mới của mình đẹp như cảnh tiên, con ạ!” Mặc dù, nếu tính một cách chi li thì thực ra số ngày tháng tôi sống ở đất Hương Sơn cộng lại nhiều lắm cũng chỉ chừng hai năm trời mà thôi (Mỗi năm 2 – 3 tháng hè của thời đi học và lác đác mấy kì nghỉ phép khi đã ra trường đi dạy).
Bắt đầu tuổi lớn lên lại là con nhà lao động, tuy có ít thời gian nhưng tôi đã làm việc một cách hăng hái nhất để giúp đỡ bố mẹ trong những ngày nghỉ ngắn ngủi với đủ mọi công việc nặng nhẹ. Đây cũng chính là thời gian tôi học tập được ở bố mình nhiều nhất tính siêng năng, cần cù và sáng tạo. Ông là một người lao động quá giỏi, làm gì cũng giỏi, đầy thông minh và chu đáo ít ai bì được. Nếu khi làm ở xí nghiệp mộc ông là thợ tột khung 7/7 thì giờ chuyển cầm cày, cầm cuốc nhiều người vẫn nói đùa ông là “nông dân siêu hạng”. Hồi học môn Kinh tế ở trường NAQ, tôi nghe một ông giáo kể chuyện này: Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Hoàng sai gom tìm trong cả nước xem còn được bao nhiêu thợ lành nghề. Các chuyên gia báo con số lên, ông vua của xứ sở Mặt trời gật gù: Nước Nhật vẫn còn! Và Thầy giáo chúng tôi nhấn mạnh: “Nhật Hoàng đấy, cách nhìn của ông ta đấy! Không phải là ai khác mà ông quan tâm trước hết đến đội ngũ Thợ lành nghề. Ngày nay, chắc các anh chị đều thấy, sản phẩm của người Nhật làm ra thế giới phải kính nể”. Không hiểu sao tôi thường cứ liên tưởng bố tôi với những người thợ Nhật Bản: Cái gì qua bàn tay ông đều thành những sản phẩm khó chê. Mà ông làm có “lí thuyết” hẳn hoi. Ông bảo chúng tôi: "Cái gì mình không muốn thì đừng đẩy cho người khác. Cái ốc vít của người ta vặn cái cũng sướng tay vậy mà người Việt Nam mình làm cái gì cũng dối, lạ thật!" Chỉ sau mấy năm khai hoang, khu vườn nhà tôi đã nổi tiếng trong vùng là khu vườn đẹp nhất. Bố tôi chính là người đầu tiên đã đưa giống Cam Bù vào vùng này và ngày nay Cam Bù Sơn Thọ đã trở thành đặc sản khá nổi tiếng của đất Hà Tĩnh. Hồi đi học thỉnh thoảng về hè, về tết tôi vẫn gặp nhiều người đến nhà tôi xem mảnh “vườn mẫu” ông Thu.











Người Nghệ "xấu xí"


Nguyễn Trung Ngọc

Tôi là con trai Nghệ mà lại không giãn mày mặt khi nghe tt lẩy thơ: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi / Lấy con trai Nghệ Tĩnh cả đời ấm no” thì thật là dốt. Ít nhất cũng phải nắm lấy cơ hội để “tự sướng” lấy ít ngày. Ai lại đi học mấy thằng Tây, thằng Tàu “tự bạch” chuyện xấu của mình, làm lộ hết với thiên hạ (Mĩ: “Người Mĩ xấu xí”; Trung Quốc: “Người TQ xấu xí”). Nhưng thôi thì thấy tt nói, cả hội trường người Nghệ rạng rỡ hết cả. Chả nhẽ không có một lời phản biện, không đúng với tinh thần dân chủ ngày nay.
Có một lần tôi hỏi một thanh niên tỉnh ngoài:
– Chơi với người Nghệ cháu thấy người Nghệ thế nào?
– Người Nghệ rất quyết liệt! Quyết liệt cả trong…chuyện tình bác ạ!
Xin chỉ nói một chút về cái chữ “Quyết liệt” này thôi.
Có thể nói, Nghệ - Tĩnh là xứ sở khá điển hình của nền văn minh nông nghiệp truyền thống. Người xứ Nghệ là người rất quyết liệt. Chính sự quyết liệt ấy đã làm nên nhiều việc lớn trong những hoàn cảnh lịch sử phù hợp với nó. Tâm lí dàn hàng ngang, đoàn kết cùng tiến lên…có lẽ không đâu bằng Nghệ - Tĩnh. Chính cái tâm lí ấy, tinh thần ấy đã giúp người xứ Nghệ đủ bản lĩnh tập hợp dưới lá cờ búa liềm đập tan xích xiềng thực dân, phong kiến năm 1930-1931; Chính cái tâm lí ấy, tinh thần ấy đã tạo nên lớp thanh niên người khu bốn khi hành quân ra trận là làm cho quân thù khiếp sợ…(Tôi chỉ nói ở khía cạnh quyết liệt, dám đứng dậy chống cường quyền).
Có người cho rằng: người Nghệ - Tĩnh cực đoan. Có lẽ cốt tính người xứ Nghệ là thứ cốt tính có nét – cái gì ra cái ấy, loại nào ra loại ấy, hay thật hay mà hâm cũng thật hâm (không nhạt nhạt như một số vùng khác). Trong điều kiện lịch sử nhất định, trong những trường hợp cụ thể nào đó, cái “quyết liệt”, “rõ nét” ấy đã làm nên giá trị của nó. Nếu không có cái duy vật cực đoan của Phơbách “hắt luôn cả chậu nước đang có đứa trẻ ngồi trong đó”(1) thì chắc gì Châu Âu thế kỉ XIX đã thoát ra khỏi thế giới quan duy tâm của Hégel đang ngự trị lúc đó. Thế nhưng không phải mọi cái đều hay trong mọi trường hợp. "Một điều đúng sẽ trở thành sai nếu như anh cao giọng"(2). Bản tính xứ Nghệ dễ dẫn người Nghệ đến chỗ “cao giọng”, cực đoan. Đã nói không sợ là tuyệt đối không sợ, dù đó là ông giám đốc dễ tính hay khó tính, dù ông ta đúng hay sai chăng nữa. Không sợ cường quyền là đúng nhưng không biết tôn trọng kỷ luật, tôn trọng trật tự lại là rất sai! Từ chỗ không sợ cường quyền thành cái tâm lí ra đường xe to phải nhường xe nhỏ; mày giàu rồi ngồi ô tô đi sau tí chả sao…là một sự biến hóa tinh thần không thể nào chấp nhận được. Cái “dân chủ” kiểu này ở đất Nghệ thấy nhiều hơn nơi khác!
Thách thức lớn trên con đường đi lên của chúng ta hiện nay chính là sự không khớp giữa lề thói làm ăn cũ với tác phong công nghiệp hóa cuộc sống đang đặt ra. Một ví dụ nho nhỏ: tôi từng có người đồng hương quê Nghệ “xuất khẩu” vào Bình Dương làm công nhân, chưa đầy năm đã thấy trở về. Anh ta giải thích đơn giản: lương thưởng cũng được nhưng “quy lát” quá chịu không được phải về thôi.
- Vậy là chú không chịu khó rồi!
- Đâu có! Ai chịu khó bằng dân ta được bác. Nhưng tôi chỉ chịu khó chứ không chịu được nhục. Đi làm chỉ chậm buổi dăm ba phút mà nhắc lên nhắc xuống lại còn phạt trừ lương nữa, về tết đến muộn dăm ngày nó cũng đòi đuổi việc, cửa quyền quá đáng! Tôi đi làm ở nhà có bữa dở ván cờ còn chậm cả tiếng…
Hóa ra cái “nhục” mà người thợ Nghệ An kia nói tới là ở chỗ anh ta bị bắt khép vào khuôn phép của guồng máy sản xuất công nghiệp, phải chịu kỉ luật trước việc làm thiếu trách nhiệm của mình. Người công nhân – nông dân ấy đâu có thấy hết việc đi làm không đúng giờ của anh sẽ khiến cho cả dây chuyền sản xuất của nhà máy bị ngưng trễ. Sản xuất công nghiệp là vậy. Trong làm ruộng, sáng chưa cày xong chiều ráng thêm một chút chả sao. Nhưng là một mắt xích trong dây chuyền công nghiệp, anh để đứt là cả hệ thống cũng phải dừng. Thói quen dềnh dang, tùy tiện của sản xuất nhỏ đã làm cho cả một thế hệ người lao động chúng ta không chịu được với kỉ luật chặt chẽ của nền sản xuất máy móc dù họ vốn có dư sức chịu đựng lam lũ, khổ cực. Một sự thật hiển hiện: dân Nghệ tài chịu khổ mà không biết chịu khó. Và từ đó người thợ kia coi người quản lí mình là “cửa quyền” vì đã bắt anh đi vào khuôn phép. Anh đòi “dân chủ” và đương nhiên anh lại về với ruộng đồng của anh! Ở đây có lẽ cũng không nên trách một công nhân cụ thể nào. Một mình họ đâu có làm nên chuyện gì. Phải truy đến cội nguồn sinh ra chuyện ấy. Nó có quan hệ, nó bắt rễ từ trong cái tâm lí tiểu nông của chú AQ Phương Đông ngàn đời: dân Xô Viết sợ gì mấy thằng tư sản mới lai lai Chủ nghĩa thực dân mới ấy!
Một thời, chúng ta đã biết chuyện ở Bình Dương người ta tẩy chay người lao động Nghệ - Tĩnh. Chúng ta nghe chính một người Nghệ - Anh bảo vệ ở công ty E.V - KCN Đồng An nói về đồng hương của mình: “Tôi cũng là người Khu Bốn đây. Tôi hiểu cảm giác của mọi người, nhưng thật tình mà nói một số người ở tỉnh mình hay gây gổ đánh nhau, nhậu nhẹt lại còn nóng tính. Đã thế lại rất “đoàn kết”, hễ một người bị cho nghỉ việc thì lập tức sẽ có một nhóm phản đối...”
(“Lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị tẩy chay ở Bình Dương”, Dân trí, ngày 9-10-2012)
Lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra cho việc không tuyển dụng lao động xứ Nghệ là vì: “Họ quậy quá. Họ nóng tính lại còn hay nhậu. Những vụ lãn công, đình công của các doanh nghiệp đều do người các tỉnh trên “lãnh đạo”. Họ “đoàn kết” lắm, hễ một người có chuyện là rất nhiều người hùa theo, gây náo loạn lên cả”; “Khi những người cùng hoàn cảnh, đặc biệt cùng quê thì họ càng đoàn kết, gắn bó chia sẻ với nhau. Nhưng một số người không được học cách ứng xử, nhận thức chưa đúng, nên tinh thần đoàn kết cộng đồng lại biến thành đoàn kết cực đoan mà họ không hề biết”.
(“TIẾP VỤ TẨY CHAY LAO ĐỘNG THANH HÓA-NGHỆ AN-HÀ TĨNH”, LAO ĐỘNG, NGÀY 10-10-2012)
ĐỨNG TRÊN GÓC ĐỘ TRIẾT HỌC ĐỂ KHÁI QUÁT VẤN ĐỀ, TRUY NGUYÊN CÁC VỤ VIỆC CÓ LẼ LẠI PHẢI QUAY VỀ VỚI CHÂN LÍ NÀY THÔI: TƯ DUY CŨ ĐANG CẦN ĐỔI THAY TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI; CÔNG NGHIỆP HÓA KHÔNG CÓ CHỖ ĐỨNG CHO TÂM LÍ TIỂU NÔNG LỖI THỜI! NHÂN DÂN NGHỆ - TĨNH RẤT ANH HÙNG VÀ CẦN CÙ SÁNG TẠO. NGƯỜI XỨ NGHỆ NẶNG NGHĨA NẶNG TÌNH. KHÔNG CÓ LÍ NÀO CHÚNG TA LẠI KHÔNG LÀM SÁNG LÊN CHÂN LÍ ĐÓ, KHÔNG PHÁT HUY ĐƯỢC TRUYỀN THỐNG NGÀN ĐỜI CHA ÔNG ĐỂ LẠI? BIẾT NGƯỜI BIẾT TA TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG. CHÚNG TA KHÔNG NGẠI CHỈ RA CHỖ “XẤU XÍ” CỦA MÌNH ĐỂ BIẾT VƯƠN TỚI MÃI. KẺ NÀO CHỈ THẤY MÌNH ĐẸP KẺ ĐÓ KHÔNG BAO GIỜ ĐẸP. CHÚNG TA KHÔNG “CAO GIỌNG”, CHÚNG TA BIẾT ĐẶT MÌNH TRONG HOÀN CẢNH MỚI, KHÔNG CỐ CHẤP VỚI NHỮNG GÌ “ĐÃ SAI VÀ CÓ THỂ CÒN SAI”(3) CHẮC CHẮN CHÚNG TA SẼ ĐẸP NHƯ NGÀN ĐỜI NAY VỐN ĐẸP!
CHO ĐẾN NAY, CHÚNG TA CHƯA CÓ MỘT CÔNG TRÌNH NÀO NGHIÊN CỨU ĐẦY ĐỦ VỀ SỰ “XẤU XÍ” CỦA NGƯỜI VIỆT NÓI CHUNG, NGƯỜI XỨ NGHỆ NÓI RIÊNG. TRÊN THẾ GIỚI NGƯỜI TA ĐÃ LÀM VIỆC NÀY: NGƯỜI MĨ ĐÃ CÓ “NGƯỜI MĨ XẤU XÍ” VÀ “ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI MĨ DÙNG LÀM TÀI LIỆU THAM KHẢO CHO SÁCH LƯỢC CỦA MÌNH”(4); NGƯỜI TRUNG QUỐC CÓ “NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU XÍ” VÀ NHỜ ĐÓ NGƯỜI TRUNG QUỐC NHẬN ĐƯỢC NHIỀU THIỆN CẢM CỦA BẠN BÈ NĂM CHÂU HƠN…Ở BÀI VIẾT NÀY, CHỈ LÀ NHÂN DỊP BÁO CHÍ CÓ ĐỀ CẬP ĐẾN “NGƯỜI NGHỆ”, CHÚNG TÔI MẠNH DẠN ĐƯA RA VÀI SUY NGHĨ BƯỚC ĐẦU VỚI HI VỌNG CHÚNG TA CÙNG NHAU “NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT” ĐỂ LOẠI TRỪ NHỮNG MẶT TRÁI CỦA NGƯỜI NGHỆ RA KHỎI CUỘC SỐNG ĐANG ĐÒI HỎI CHÚNG TA HÒA CHUNG CÙNG CẢ NƯỚC BÀI CA RA TRẬN MỚI – ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
Quyết liệt là hay. Vấn đề là quyết liệt ở đâu. Nếu biết hướng cái quyết liệt đúng hướng, chắc chắn chúng ta sẽ vượt được những rào cản đang cản bước chúng ta tiến đến một xã hội thực sự văn minh và hạnh phúc. Và, kể cả việc vượt qua được sức ỳ tâm lí ngàn đời nay đang kéo giữ bước chân ta!
25- 2-2019
CHÚ THÍCH:
(1) DẪN THEO MÁC-ĂNG GHEN TOÀN TẬP
(2) NGẠN NGỮ PHƯƠNG TÂY
(3) CHỮ DÙNG CỦA VIỆT PHƯƠNG – CỬA MỞ, VIỆT PHƯƠNG, 1969
(4) MỘT GÓC NHÌN CỦA TRÍ THỨC, NHIỀU TÁC GIẢ, TẬP III, NXB TRẺ, 2003

Hình này chỉ có 2 người Nghệ nhưng không xấu xí