5 tháng 6, 2015

Tự sự trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn

                       Phan Thị Nga
                                               (GV. VHTQ khoa Ngữ văn, Đại học Vinh)

1. Giải Nobel văn học 2012 được trao cho Mạc Ngôn, một tác giả xuất sắc trên văn đàn Trung Quốc đương đại, người đã có những sáng tạo và đóng góp cho sự đổi mới văn học Trung Quốc nói riêng và văn học thế giới nói chung bằng sự nghiệp sáng tác của mình. Cao lương đỏ là một trong những cuốn tiểu thuyết mang về giải Nobel danh giá cho Mạc Ngôn bên cạnh Đàn hương hình, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận. Cao lương đỏ cũng là tác phẩm được độc giả biết đến nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng như: tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn Quốc và tiếng Việt. Cao lương đỏ là tác phẩm “có chút sáng tạo riêng”. “Chút sáng tạo riêng” ấy được thể hiện qua tư tưởng, tình cảm của Mạc Ngôn với con người, quê hương Đông Bắc Cao Mật, với phương thức tự sự rất riêng, rất Mạc Ngôn.



2. Cao lương đỏ viết về cuộc chiến đấu chống Nhật của nhân dân Trung Quốc vùng Đông Bắc Cao Mật thời kì 1938 – 1939. Giống như tiểu thuyết truyền thống, Cao lương đỏ vẫn có cốt truyện nhưng cốt truyện Cao lương đỏ khác tiểu thuyết truyền thống ở chỗ không hoàn chỉnh, không đầy đủ các thành phần chính như thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút mà chỉ là cái khung truyện. Cái khung truyện ấy lại chứa đựng trong nó nhiều câu chuyện nhỏ. Cốt truyện Cao lương đỏ không có những sự kiện, tình tiết li kỳ, gây cấn và các sự kiện, tình tiết được tái hiện cũng không theo trật tự thời gian mà có sự đan cài, lồng ghép vào nhau trong chín chương được đánh số thứ tự từ 1 đến 9. Diễn biến của cốt truyện không liên tục,liền mạch theo trật tự các chương, bản thân từng chương cũng bao chứa trong nó môt số câu chuyện. Câu chuyện nòng cốt trong Cao lương đỏ là chuyện về đội du kích gồm 40 người do Từ Chiếm Ngao, thủ lĩnh thổ phỉ, làm tư lệnh đi phục kích đoàn xe Nhật, trải qua một trận chiến không cân sức đã giành thắng lợi được kể một cách không liền mạch mà có phần rời rạc,  chắp nối với nhau bởi các sự kiện nằm rải rác ở 5 chương: 1, 4, 6, 7, 9. Câu chuyện bắt đầu từ chương 1 bằng sự kiện “bố tôi” gia nhập đội du kích, Từ Chiếm Ngao chỉ huy đội du kích hành quân đi phục kích xe Nhật và tạm dừng lại đây. Rồi câu chuyện được tiếp tục ở chương 4: Từ Chiếm Ngao bố trí du kích mai phục Nhật ở bờ đê. Chuyện được dừng lại ở chi tiết tư lệnh Từ bảo “bố tôi” về gọi “bà tôi” làm bánh khao quân. Mãi đến chương 6 việc “bố tôi” từ trận địa về đến làng và chuyển lời dặn cho “bà tôi” mới lại được kể tiếp.Chi tiết bà tôi trông thấy Linh Tử điên dại đã làm câu chuyện rẽ sang hướng khác, mở ra câu chuyện mới về cái án tử hình dành cho Từ Đại Nha ở phần sau của chương 6. Toàn bộ hành trình tiếp tế quân lương của “bà tôi” được kể chi tiết ở chương 7 và diễn biến của trận đánh, tinh thần dũng cảm, quyết tử của đội du kích, chiến thắng của họ ở chương 9 đã kết thúc câu chuyện đánh Nhật.
Vẫn duy trì lối kể như trên, Câu chuyện về ông La Hán được kể trong 3 chương: 1, 3, 4. Chương một: ông La Hán, người làm công cho “bà tôi” đã cùng “bố tôi” bắt cua những đêm thu các năm trước. Ở chương 3: La Hán bị Nhật bắt đi phu. Cuộc hành hình man rợ của giặc Nhật, cái chết thương tâm của ông La Hán là một phần của chương 4.
Cũng được kể một cách đứt quãng, rời rạc là các câu chuyện về tình yêu giữa “ông tôi” với “bà tôi”; cuộc hôn nhân bất hạnh của “bà tôi” với Đơn Biển Lang; về “bố tôi”, về Từ Đại Nha, đội trưởng Lãnh...Những câu chuyện này được kể một cách bất chợt xen kẽ trong câu chuyện đánh Nhật.
Sự tồn tại độc lập của từng câu chuyện, sự kiện và đoạn đời của các nhân vật trong văn bản có vẻ rời rạc về hình thức song liên kết, ráp nối chúng lại với nhau đã làm nên câu chuyện hoàn chỉnh về việc đánh Nhật, về cuộc đời của từng nhân vật. Để rồi toàn bộ các câu chuyện ấy cùng góp phần làm nên một bức tranh hiện thực về con người Cao Mật với tính cách rõ ràng như cây cao lương, “đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất, trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất, anh hùng hảo hán nhất, đểu giả mất dạy nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu đương nhiều nhất ở trên trái đất này”... “giết người cướp của nhưng lại tận trung báo quốc… diễn từng màn vũ kịch anh hùng bi tráng” [5; tr.14-15].
Ráp nối những mảnh vụn khác nhau của hiện thực, tổ chức theo kiểu dán ghép,Cao lương đỏ  như một bức tranh có nhiều chân dung nhân vật, mỗi nhân vật là một mảnh đời riêng, có mối dây liên quan nhất định với nhau cùng tạo nên bức tranh hiện thực sinh động về câu chuyện của nhiều con người, nhiều cuộc đời trọng tâm là “ông tôi”, “bà tôi”, bố tôi, Lưu La Hán, Từ Đại Nha, phó chỉ huy Nhiệm. Tác giả không tái hiện nhiều sự kiện, tình tiết mà chỉ tập trung vào một số tình tiết, biến cố có tính chất quyết định trong cuộc đời nhân vật để qua đó làm rõ các tính cách cũng như xung đột xã hội. “Ông tôi” ngang tàng, đầy bản lĩnh (đánh nhau với tên cướp ở đầm Con Cóc, cùng “bà tôi” ân ái trong ruộng cao lương, giết chết bố con nhà họ Đơn để cứu “bà tôi” khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh). Trong trận phục kích đoàn xe Nhật, “ông tôi” tỏ rõ khí phách kiên cường, tận trung báo quốc. “Bà tôi” cá tính mạnh mẽ (dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo khi cùng Từ Chiếm Ngao ân ái trong ruộng cao lương), bản lĩnh, quyết đoán trong những hoàn cảnh có vấn đề, có những sáng kiến và đóng góp cho cuộc chiến đấu chống Nhật. Ông La Hán, người nô bộc trung thành và tận tụy, kiên quyết không hợp tác với kẻ thù nên bỏ trốn khỏi công trường, chịu đựng hình phạt đau đớn mà
không thèm kêu xin hay quỵ lụy… Những tình tiết, sự kiện này đều góp phần bộc lộ tính cách, số phận, cuộc đời nhân vật và cốt truyện Cao lương đỏ được kết dệt từ nhiều mảnh đời khác nhau ấy.
Sự cắt mảnh rời rạc trong cấu trúc cốt truyện Cao lương đỏ chịu chi phối của thủ pháp dòng ý thức. Như những tiểu thuyết hậu hiện đại khác, các cảm giác, ý nghĩ, liên tưởng… bất chợt thường xuyên chen nhau, thay nhau, đan bện vào nhau một cách lạ lùng ở các nhân vật trong Cao lương đỏ, đặc biệt với “tôi” và “bố tôi”. Chúng thường được biểu hiện bằng các trạng thái “nhớ” (bố nghe tiếng nước sông, nhớ lại cảnh những đêm thu trước đây) “nghĩ”, “cảm thấy” (bố cảm thấy có một luồng khí lạnh ghê người tràn khắp người). Sau sự cảm thấy của “bố tôi”ấy là hồi ức thương tâm về ông La Hán. Dòng ý thức của “tôi” và “bố tôi” đã làm nảy sinh các tình tiết, các câu chuyện trong tác phẩm, chi phối cách kể chuyện. “Tôi” đang kể chuyện “bố tôi” lại kể sang chuyện “bà tôi”, “ông tôi”, ông La Hán rồi lại quay về với câu chuyện nòng cốt đánh Nhật. Sự chi phối của thủ pháp dòng ý thức khiến cho Cao lương đỏ có kết cấu đảo ngược thời gian, không tuân thủ trật tự tuyến tính. Từ hiện tại, “tôi” kể những câu chuyện về những con người ở thời quá khứ cả xa và gần. Thời gian trong tác phẩm được biểu hiện bằng những con số chỉ ngày, tháng, năm cụ thể hoặc bằng những cụm từ chỉ thời gian như “năm ấy”, “năm kia”, “bây giờ”, “những đêm thu năm trước”... Nếu lấy câu chuyện nòng cốt đội du kích đánh Nhật
làm mốc, người đọc dễ dàng nắm bắt được thời gian xảy ra các câu chuyện khác trong tác phẩm. Câu chuyện đánh xe Nhật do “tôi” kể bắt đầu ngày 9 tháng 8 năm 1939, ngày Từ Chiếm Ngao chỉ huy đội du kích hành quân đi đánh Nhật. Cuộc mai phục diễn ra vào rằm tháng tám, cao trào trận đánh là sáng ngày 16 tháng 8 năm 1939. Đan cài vào câu chuyện đánh xe Nhật là chuyện ở quá khứ xa: “bà tôi” lúc 16 tuổi ngồi kiệu hoa về nhà chồng, “ông tôi”- Từ Chiếm Ngao - đánh cướp ở đầm Con Cóc, ông bà tôi ân ái trong ruộng cao lương cùng xảy ra năm 1923. Rồi chuyện ông La Hán bị bắt đi phu và bị hành hình năm 1938 (“mắt bố rơm rớm lệ, nhưng kìm lại được chưa kịp tràn ra khỏi hốc mắt như ngày nào năm ngoái”) (so với thời điểm 1939 “năm ngoái” là năm 1938). Chuyện Từ Đại Nha và phó chỉ huy Nhiệm tuy không được nói rõ xảy ra vào thời điểm cụ thể nào nhưng ở vào thời kì đội du kích của Từ Chiếm Ngao mới được thành lập, cũng là quá khứ so với câu chuyện đánh Nhật của “ông tôi”.
Bản thân câu chuyện về từng nhân vật cũng được kể trong sự đan xen về thời gian, chịu chi phối bởi dòng ý thức. Trong chương 8, sự kiện “bà tôi” bị thương nằm trong ruộng cao lương xảy ra vào năm 1939. Cũng trong chương này là hồi tưởng của “bà tôi” về năm 1923, sau hai đêm bà từ nhà họ Đơn trở về nhà mình, rồi cùng Từ Chiếm Ngao ân ái, và kết thúc chương 8, bà đắm chìm trong dòng cảm xúc rồi thanh thản từ giã cuộc đời vào năm 1939.
Cũng  vậy, ở chương 9,phần đầu chương kể về diễn biến trận chiến chống Nhật của “ông tôi”, “bố tôi” và những người du kích vào  tháng 8 năm 1939. Giữa chương là chuyện ông tôi từ Hốc Cai Đô trở về vào năm 1958, đào bới và đập nát ngọn giáo thành sắt vụn và quăng đi. Rồi cuối chương lại quay về với câu chuyện của năm 1939.
Cùng với sự đảo ngược thời gian, không gian trong Cao lương đỏ cũng thường xuyên bị xáo trộn, thay đổi liên tục. Lúc là không gian ở trong làng Cao Mật, lúc giữa ruộng cao lương, khi trên sông Mặc Thủy, lúc trên đường cái Giao Bình, khi trên bờ đê, lúc ở công trường, khi trong kiệu hoa, lúc ở nhà họ Đơn… Dù thường xuyên bị xáo trộn, thay đổi về không gian và thời gian nhưng cốt truyện của Cao lương đỏ vẫn rõ ràng mạch lạc. Điều đó khẳng định sự sáng tạo cũng là bản lĩnh nghệ thuật vững vàng của Mạc
Ngôn.
Cấu trúc tác phẩm theo kiểu phân mảnh rời rạc, xâu chuỗi các sự kiện, các cuộc đời, Cao lương đỏ mang lại hiệu quả vừa bao quát được những mảnh hiện thực rộng lớn lại vừa đạt tác dụng kết dính chúng lại một cách tự nhiên thành một chỉnh thể nghệ thuật.


                                      Nhà văn Mạc Ngôn (ảnh từ internet)
3. Một phương diện thành công khác trong Cao lương đỏ là ở sự đa dạng chủ thể trần thuật. Mạc Ngôn đã từng bộc bạch:  Gần 20 năm đã trôi qua, điều mà tôi tương đối vừa lòng với Cao lương đỏ là ở góc nhìn để miêu tả trong tiểu thuyết.Các tiểu thuyết trước đây thường có đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Còn Cao lương đỏ vào đầu đã là “bà tôi”, “ông tôi”, vừa là góc nhìn của nhân xưng ngôi thứ nhất, lại vừa là góc nhìn chung. Khi viết “tôi” thì là ngôi thứ nhất nhưng vừa viết đến “bà tôi” thì lại phải đứng ở góc độ “bà tôi” [4;tr.52]. Cao lương đỏ vừa sử dụng điểm nhìn của người kể chuyện “tôi” và sử dụng đa chủ thể trần thuật. Người kể chuyện “tôi” đã kể các câu chuyện về “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi”, Lưu La Hán, Từ Đại Nha… Với vai trò là người dẫn dắt, không trực tiếp tham gia vào cốt truyện, “tôi” đã miêu thuật cho độc giả những gì mình đã tìm hiểu, đã được nghe, được biết bằng tình yêu quê hương tha thiết, bằng mâu thuẫn giữa tâm lý hận thù và yêu mến những con người ở quê hương. Trong tư cách người kể chuyện, “tôi” không tham gia vào hành động cốt truyện mà chỉ có chức năng tổ chức nhân vật, tổ chức kết cấu tác phẩm để giúp Cao lương đỏ thành một câu chuyện lớn bao chứa trong nó nhiều câu chuyện nhỏ về con người quê hương Cao Mật. Ở tư cách người trần thuật ngôi thứ nhất thuộc thế hệ con cháu nhưng lại biết hết mọi chuyện về mọi người trong quá khứ thuộc thế hệ tiền nhân, “tôi” đã góp phần tạo nên câu chuyện lịch sử có tính chất truyền kỳ trong Cao lương đỏ.
Ngoài chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất “tôi”, Cao lương đỏ còn có các chủ thể trần thuật khác “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi”,  Lưu La Hán. Các chủ thể trần thuật này phối hợp cùng “tôi” làm nên điểm nhìn đa chủ thể trần thuật trong Cao lương đỏ, không có ai giữ vai trò chính yếu hay thứ yếu mà bình đẳng như nhau xét từ góc độ chủ thể trần thuật. Câu chuyện về “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi” vừa do người kể chuyện xưng “tôi” kể, vừa do chính bản thân các nhân vật này tự thuật. Vì vậy, điểm nhìn trần thuật trong Cao lương đỏ vùa là điểm nhìn riêng của “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi” lại vừa có điểm nhìn của người kể chuyện. Trong tư cách vừa là nhân vật trực tiếp tham dự vào hành động cốt truyện, vừa là người tái hiện câu chuyện có liên quan đến bản thân, “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi” còn có thể trực tiếp thể hiện thế giới nội tâm của mình. Và “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi” đã làm cho câu chuyện về cuộc đời họ do “tôi” kể có độ xác tín cao, trung thực hơn và tính tả chân, tính truyền kỳ của tác phẩm được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ. Sử dụng điểm nhìn trần thuật đa chủ thể, Cao lương đỏ đã vượt qua những tác phẩm chỉ có người kể chuyện ngôi thứ nhất ở chỗ những tác phẩm này chỉ có thể miêu thuật hành động, lời nói của nhân vật chứ không thể thâm nhập trực tiếp vào ý nghĩ của nhân vật. Sử dụng điểm nhìn trần thuật đa chủ thể, Cao lương đỏ đã mở ra khả năng to lớn trong việc tái hiện sinh động tâm hồn, những trạng thái vui buồn, những suy tư trăn trở của nhân vật khiến cho nhiều dạng thức thời gian trong tác phẩm được bố trí một cách linh hoạt, cùng góp phần tổ chức nên một cốt truyện Cao lương đỏ khác với tiểu thuyết truyền thống.
4. Ngôn ngữ trong Cao lương đỏ thiên biến vạn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình, giản dị và mộc mạc, gần gũi với người nông dân.
Tự sự khi “tôi”, “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi”, ông La Hán cùng thuật lại câu chuyện cuộc đời họ bằng lời kể của “tôi”, bằng hành động, lời thoại của các nhân vật. Trữ tình khi “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi” trực tiếp bày tỏ nội tâm; “tôi” bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc về con người, phong tục tập quán, cảnh vật ở quê hương Cao Mật. Những trang văn xuôi miêu tả cánh đồng cao lương, miêu tả tâm trạng “bà tôi” ngày sắp lấy chồng, tâm trạng “bà tôi” lúc bị thương nằm trong ruộng cao lương thấm đẫm chất thơ.
Sự biến hóa trong văn chương của Mạc Ngôn còn được thể hiện ở việc ông đã đưa vào sáng tác của mình một số câu hát. Trong văn bản, chen giữa những dòng văn xuôi còn có những câu hát được các nhân vật hát lên vào những thời điểm, ở những chương khác nhau. Những câu hát ở chương 1 do “tôi” hát:
Cao lương đỏ
Quân Nhật đến
Đồng bào chuẩn bị xong,
Súng lớn súng nhỏ đều bắn
Những câu hát do phó chỉ huy Nhiệm dạy đội du kích ở chương 6 và lại được Từ Đại Nha hát lên trước khi bị xử bắn ở chương 9:
Cao lương đỏ
Cao lương đỏ
Bọn giặc Nhật đến rồi
Nước mất nhà tan
Đồng bào ơi,
Mau đứng dậy
Cầm dao, cầm súng,
Đánh giặc bảo vệ quê hương…
Ngoài lời kể của “tôi”, “ông tôi”, “bà tôi”, “bố tôi”, “tôi” còn dẫn lời của một nhân vật, hoặc lời một cuốn sách nào đấy đáng tin cậy và để chúng trong dấu ngoặc kép (“...”). Chẳng hạn lời của cụ già 92 tuổi ở chương 2: “Quê hương Đông Bắc, có hàng vạn người bày ra thế trận bên bờ sông Mặc Thủy…bọn quỷ tấn công” [5; tr.29] và “Khi con đường làm đến làng này… có bím tóc to” [5; tr.29-30]. Hoặc “tôi” dẫn một đoạn trong sách “Huyện Trí”: “Dân quốc năm 27…đến chết mới thôi” [5; tr.31].
Trí tưởng tượng phong phú của Mạc Ngôn còn giúp ông thu được hiệu quả cao từ lối so sánh trong văn chương. Thường dùng lối so sánh cũng là một đặc điểm đáng chú ý trong Cao lương đỏ. Tác giả đã không dưới 30 lần sử dụng thủ pháp này. Đối tượng được dùng để so sánh rất gần gũi với người nông dân, quen thuộc với đời sống hàng ngày như: mạn thuyền, quả nho chín, chú vịt, hoa đào, khúc giò, đùi ếch, gáo dừa, lá cây, bức tường, cái trống, tượng gỗ, hòn đá mài khổng lồ...Lối so sánh này vừa khiến văn chương của Mạc Ngôn đa dạng, linh hoạt trong cách diễn đạt lại vừa góp phần giảm nhẹ sự rối rắm của lối tổ chức cốt truyện.
Cao lương đỏ có nhiều câu hay, lời đẹp, có lời thanh nhưng cũng rất nhiều lời tục và đặc biệt đượm mùi dân dã, suồng sã. Khá nhiều tiếng chửi, lời nói tục tằn được thốt ra từ miệng các nhân vật, không dưới 20 lần trong tác phẩm, nhiều nhất ở Từ Chiếm Ngao như: “đồ chó chết”, “đồ chó đẻ”, “đồ chó ghẻ”, “đồ quỷ”, “quân cường bạo”, “hãy mở mắt chó ra mà xem”, “cút mẹ mày đi”, “giết chết lũ chó khốn nạn đi”, “đồ súc sinh”, “Đ…mẹ anh!”...Bên cạnh những câu chửi là những từ ngữ chỉ các bộ phận trên cơ thể người, những hành vi không mấy xuất hiện trong sáng tác văn học. Từ ngữ chỉ các bộ phận trên cơ thể người như: “lỗ đít đỏ hỏn”, “hai chiếc bành dày”, “bụng dưới”, “mông
đít”, “bọng đái”, “đầu chim”, “chim”, “đôi vú”, “trái tim nhúng đầy xì dầu bẩn thỉu”, “giữa hai đùi”, “bộ phận sinh dục”. Từ ngữ chỉ các hành vi như: “đái một bãi”, “ỉa vào nồi”, “đái vào chậu”, “nghe rõ tiếng thở phì phò của con chó và tiếng rắm của viên sĩ quan Nhật dắt chó”, “nước đái rỏ giọt ở đầu chim”, “nước đái nóng làm đầu chim tê buốt”, “liên tục mửa thịt rượu ra bãi cỏ ven đường”.
Ngôn ngữ đối thoại trong Cao lương đỏ ngắn gọn, phần lớn mang tính mệnh lệnh hoặc là lời văng tục, tiếng chửi, câu hỏi. Nhiều nhất là đối thoại của tư lệnh Từ với các nhân vật khác:
“Tư lệnh Từ tung chân đá một cái vào đít Vương Văn Nghĩa:
- Ho cái gì?
- Thưa tư lệnh...- Vương Văn Nghĩa cố nhịn ho nói - Cổ họng ngứa quá...
- Ngứa cũng không được ho! Lộ mục tiêu, tao sẽ lấy đầu mày!” [5; tr.18]
Hay:
“Tư lệnh Từ quát lớn:
-         Ai bắn đấy? Chú em, ai bắn đấy” [5; tr.25]
Hay:
“Chi đội trưởng Lãnh ngang nhiên đi đến nói:
- Tư lệnh Từ, đánh khá lắm!
- Đồ chó đẻ! Ông chửi
- Đàn em đến chậm một bước!
- Đồ chó đẻ!
- Nếu không có chúng tôi đến thì ông hết đời rồi!
- Đồ chó đẻ”   [5; tr.142]
…….
Peter Englund – chủ tịch viện Hàn lâm Thụy Điển đã từng khẳng định nguyên nhân làm nên giải Nobel 2012 của Mạc Ngôn: “Sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn có được là do gốc gác từ nông dân”. Nhận định này là lý giải đầy thuyết phục cho đặc điểm ngôn ngữ trong Cao lương đỏ nói riêng và sáng tác của Mạc Ngôn nói chung.
5. Không ngừng sáng tạo, tìm tòi cho mình một hướng đi riêng, Mạc Ngôn đã khẳng định được tên tuổi của mình trong văn học Trung Quốc đương đại không chỉ ở số lượng lớn tác phẩm gây xôn xao dư luận, hấp dẫn bạn đọc trong và ngoài nước mà ông đã đem đến cho văn học đương đại Trung Quốc những sáng tạo mới trong nghệ thuật tự sự theo tinh thần làm sao để văn của ông khác với các nhà văn Phương Tây và cũng khác với các nhà văn Trung Quốc. Có thể xem Cao lương đỏ như là khởi đầu cho những sáng tạo thành công của Mạc Ngôn về nghệ thuật tự sự, cụ thể là ở phương thức tổ chức cốt truyện theo lối phân mảnh tuy rối rắm nhưng rất linh hoạt và hấp dẫn, ở việc sử dụng và phối hợp một cách hợp lý, hiệu quả điểm nhìn trần thuật, ở sự biến hóa khôn lường của ngôn ngữ văn chương . Sự sáng tạo của Mạc Ngôn còn tiếp tục được thể hiện trong những sáng tác nổi tiếng sau này của ông như Đàn hương hình, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận.
Thành công trong nghệ thuật tự sự của Cao lương đỏ nói riêng và tiểu thuyết Mạc Ngôn nói chung đánh dấu sự hiện diện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác của ông, góp phần đưa văn học Trung Quốc hòa nhập vào khuynh hướng hậu hiện đại của văn học thế giới.
     PTN 

Tác giả bài viết Phan Thị Nga (thứ 3 phải sang) 



2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment của Lê Quang Phương:
      Đọc Mạc Ngôn như là một sự hưởng thụ và hơn thế nữa là một sự đổi mới trong tâm thức người đọc.
      Có một vị nào đó nói Mạc Ngôn mắc nợ nhân dân Việt Nam qua “Ma chiến hữu”. Riêng tôi vốn là người lính, tôi thấy gần gũi với Mac Ngôn, với người lính Trung Quốc, với nhân dân Trung Quốc (chứ không phải với nhà cầm quyền TQ) khi đọc “Ma chiến hữu” . Chiếc cầu nối cho sự gần gũi ấy là những bộ hài cốt, là nghĩa trang, là những câu chuyện của những hồn ma trong “Ma chiến hữu”
      Tôi đọc Mạc Ngôn bắt đầu từ “Cao lương đỏ”, rồi tìm xem cho được phim “Cao lương đỏ”. Văn chương nghệ thuật của Mạc Ngôn như màu của cao lương cứ ám ảnh trong tâm trí tôi từ đó. Văn của Mạc ngôn rõ ràng có màu sắc… Suốt hai tháng trời tôi bị ông lôi cuốn. Hơn hai mươi năm tôi đã không đọc tiểu thuyết vì không tìm được cái lạ (của ta của tây hay của tàu đều thế), và cũng vì không có thời gian, không có điều kiện để đọc. May thay gặp được các tác phẩm của Mạc Ngôn, đọc được vài dòng là đã bập vào không dứt ra được, cứ trắng đêm này sang đêm khác thức mà đọc, bởi cái sự lạ, sự khác thường, sự phi thường của bút lực (ngó rõ quen mà cứ là lạ làm sao ấy) Chẳng biết chia sẻ cùng ai. Như người lâu không được uống rượu ngon nay được nhấp thử, rồi ngửa cổ, rồi ngân nga, rồi nhâm nhi tự thưởng một mình, thứ rượu văn chương Mạc Ngôn ấy thoảng qua có vẻ quê mùa nhưng thật cao sang và vô cùng thâm hậu. Văn Mạc Ngôn như rượu, siêu rượu. Đọc Mạc Ngôn thấy ông nói được tiếng nói của cây tỏi. Văn của ông có mùi tỏi, mùi của đồng ruộng của nông dân, của nổi dậy và nổi loạn, nó có nét na ná tương đồng với mùi đồng ruộng, mùi nông dân nông thôn Việt Nam bây giờ. Chỉ tiếc rằng cây tỏi VN chưa một lần nổi giận trong tiểu thuyết của các nhà văn VN.
      Có lẽ ám ảnh người đọc nhất vẫn là “Phong nhũ phì đồn”. Đất nước Trung Hoa bị cưỡng hiếp, lai căng, bị giao phối khác loài, và kết quả cưỡng phối ấy là con lai biểu hiện ưu thế giống lai không mong muốn, bất ngờ và không kiểm soát. Không có sự vĩ đại mà chỉ thấy thương và sợ. Rồi “Đàn hương hình” đem đặt chung với “Phong Nhũ Phì Đồn” để cùng nhìn, cùng suy thì mới đáng sợ thứ con lai của cá mập (Carcharodon megalodon) với người hiện đại (Homo sapiens), nếu nó lạc về biển cả…
      Một số tác phẩm của Mạc Ngôn tôi mới chỉ đọc có một lần. Đọc để thưởng thức trong đêm, như thưởng rượu một mình. Đọc rồi lại cật vấn lại suy tư mất ngủ, và hình như có đổi mới được cái gì đó trong cái đầu óc già nua mụ mẫm của tôi.
      Tôi cũng là độc giả yêu thích tác phẩm của Mạc Ngôn.
      LQP

      Xóa

Bạn có nhận xét mới