Bài đã đăng trên báo Thanh niên và C Văn nghệ Bình Định
Cầm trên tay cuốn sách Nghệ sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011 – 2020)
dày dặn, sang trọng với 450 trang in trên giấy khổ lớn, tôi đã thực sự lấy làm
kinh ngạc. Người Bình Định từ bao đời nay vẫn tự hào về truyền thống của một
vùng đất thượng võ. Người Bình Định suốt hàng thế kỉ nay cũng đã lấy làm tự hào
về truyền thống văn hóa văn nghệ như một dòng chảy chưa bao giờ ngưng nghỉ. Điều
này được đúc kết trong một khái quát có ý nghĩa như một địa danh độc đáo, “Đất
võ trời văn”. Nếu có ai đó còn lấy làm nghi ngờ, xin hãy một lần đọc qua cuốn Nghệ sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011 – 2020).
Sách Nghệ sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011-2020)
Lật giở từng trang của
cuốn sách quý, sẽ hiển hiện trước mắt người đọc cả một bầu trời nghệ sĩ, nghệ
nhân lẫy lừng danh tiếng với cả một cuộc đời sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của
họ. Hiếm có một địa phương nào trên đất nước ta lại có được một đội ngũ văn nghệ
sĩ hùng hậu như thế. Cứ thế, những trang viết, những cuộc đời nghệ sĩ lần lượt
hiện ra và sống lại rờ rỡ dưới ngòi bút của những nhà biên soạn sách với thật
nhiều kỉ niệm.
Tôi có hơn 30 năm sống
và làm việc ở Quy Nhơn, Bình Định. Nhà tôi hồi đó ở gần Nhà hát tuồng Đào Tấn
(nay là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định) nằm trên con đường Nguyễn
Thái Học quen thuộc. Tôi lại có may mắn được chơi thân với nhiều văn nghệ sĩ
Bình Định. Cứ mỗi lần Nhà hát ra mắt vở diễn mới là tôi lại được các anh Nguyễn
An Pha, Văn Trọng Hùng, Hoàng Ngọc Đình, Hoài Huệ và cả chị Hòa Bình... rủ đến
xem. Những bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn đến mức không thể thịnh soạn hơn ấy
đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ còn lại đến hôm nay. Và vì thế, tôi
đã đọc Nghệ sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011
– 2020) như đọc một kỉ niệm của riêng mình.
Điều dễ nhận thấy là
các tác giả biên soạn sách đã khéo sắp xếp để kết cấu sách có tính hệ thống và
logic, rất khoa học. Cuốn sách gồm 5 phần. Mỗi phần nói về những nghệ sĩ hoặc
nghệ nhân với các danh hiệu cao quý đã được Nhà nước phong tặng. Muốn tìm hiểu
về NSND Hòa Bình hay NSND Hoài Huệ, NSND Phương Thảo... hãy đến với Phần I viết
về các NSND. Ở phần này, khi đọc chương viết về NSND Hòa Bình, tôi mới biết chị
là người nghệ sĩ “đại diện xuất sắc của thế hệ cầu nối chuyển tiếp sân khấu Hát
bội thời kì mới” (Lê Hoài Lương). Đó là một vinh dự không phải ai cũng có thể
có.
Chính cách sắp xếp đậm
tính hệ thống ấy đã mang lại cho người đọc một sự mường tượng rất có lớp lang về
các thế hệ và thứ bậc đẳng cấp của giới nghệ sĩ Bình Định trong 10 năm
(2011-2020) và mở rộng ra cho đến từ 1975 trở lại đây, khoảng thời gian kéo dài
gần nửa thế kỉ.
Thật xúc động khi được
đọc và biết một cách tường tận về mỗi gương mặt nghệ sĩ có trong sách. Đó thực
sự là cả một cuộc đời và số phận mà như các triết gia vẫn thường nói về họ, vinh
quang và cay đắng. Độc giả khi đọc dễ dàng thấy được phần lấp lánh của tấm huân
chương trong mỗi cuộc đời nghệ sĩ, nghệ nhân bởi các nhà biên soạn sách đã hướng
ngòi bút về những cái tốt đẹp tràn ngập ánh hào quang của họ. Nhưng phía sau của
mỗi tấm huân chương danh giá ấy vẫn hiện lên mờ ảo những trang đời cay đắng và
nghiệt ngã của họ. Đó chính là sự vươn mình qua bao gian khó của cuộc đời và sự
nghiệp để đi đến thành công của người nghệ sĩ chân chính. Những tấm huy chương
vàng, huy chương bạc, những danh hiệu cao quý của Nhà nước phong tặng cho các
nghệ sĩ, nghệ nhân có tên trong sách đã nói lên điều đó. Hãy đọc những dòng viết
về NSND Hoài Huệ ta sẽ thấy được một ví dụ điển hình về điều đó: “Anh là một
nghệ sĩ tài năng và cô đơn. Trên phần đông những vai diễn, trừ một số sở đắc trữ
tình như đã nói khi anh diễn khá ăn ý cùng người bạn đời cũng giỏi diễn, NSND Hồ
Thu, còn lại thường có hiện tượng quá khổ. Yếu tố tài năng cùng vị thế vai diễn
trong tương quan chung của đơn vị nghệ thuật, của kịch bản đã tạo ra hiện tượng
này” (Lê Hoài Lương).
Có một mảng nghệ sĩ,
nghệ nhân tưởng như là bè trầm trong Nghệ
sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011 – 2020) nhưng lại khiến lòng người đọc nhiều khi như lắng lại. Đó là phần Phụ lục in ở cuối sách. Những tên tuổi
được nói đến trong phần này cũng là những người nghệ sĩ nhiều tài năng, cái
khác là họ sống gần như ẩn khuất giữa những làng quê thôn dã với những sân tuồng
dân gian và với các bầu, gánh hát bội. Hãy nhắc đến những cái tên đáng kính ấy như
Nghệ sĩ Tư Cá, Hoàng Chinh, Lưu Hạnh, Văn Bá Anh, Dương Long Căn... Chính họ mới
là những hạt nhân trường tồn, nuôi dưỡng lòng đam mê của nghệ thuật sân khấu Tuồng
và dân ca kịch và cả nghệ thuật bài chòi Bình Định.
Điều cuối cùng, cần phải
khẳng định rằng cuốn Nghệ sĩ, Nghệ nhân
Bình Định (2011 – 2020) thực sự là cả một công trình nghiên cứu khoa học.
Nó có ý nghĩa như một tổng tập về toàn bộ các gương mặt nghệ sĩ, nghệ nhân và cả
các các vấn đề liên quan đến những hoạt động đầy sức sống của nền văn hóa, nghệ
thuật Bình Định trong suốt gần nửa thế kỉ đã đi qua tính từ ngày đất nước thống
nhất 30 tháng 4 năm 1975 trở lại đây. Sự xuất hiện của giới nghệ sĩ, nghệ nhân
Bình Định và những hoạt động của họ đã tạo nên diện mạo của một vùng văn nghệ
bác học đặc sắc và đa dạng.
Ở phần Phụ lục độc giả còn được biết thêm những
trang đời của nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong đó có NSND Võ Sỹ Thừa, người được
xem là bậc thầy của nghệ thuật tuồng không chỉ ở Bình Định mà trên cả nước, người
được phong tặng NSND lứa đầu tiên của đất tuồng Bình Định. Ông là một nghệ sĩ bậc thầy mà tên tuổi đã vượt xa khỏi không
gian Bình Định. Những năm 1989, 1990, thỉnh thoảng đến xem tổng duyệt vở mới ở
Nhà hát Tuồng Đào Tấn, người viết bài này đã được thấy hầu hết các diễn viên,
nghệ sĩ của Nhà hát đều gọi Võ Sỹ Thừa là Thầy theo đúng nghĩa bậc thầy và cũng
là thầy giáo dạy nghề của mình.
Đã xa rồi không khí rộn
ràng hơn cả lễ hội của những đêm tuồng, những đêm dân ca, những ngày hội bài
chòi Quy Nhơn, Bình Định... nhưng hôm nay, từ TP Hồ Chí Min, được đọc Nghệ sĩ, Nghệ nhân Bình Định (2011 – 2020)
tôi đã được sống lại với cái không gian, không khí thấm đẫm chất liệu nghệ thuật
ấy. Đó quả là một thành công lớn của giới văn nghệ sĩ Bình Định. Nhất là khi
công trình xuất bản phẩm bề thế này được ra đời gần như cùng lúc với cuốn Văn hóa dân gian Bình Định (2011 – 2020) với
độ dày hơn 550 trang (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2020) cũng là thêm một minh chứng
hùng hồn về vùng đất Bình Định hết sức giàu có về thơ văn nhạc họa.
Link XB trên báo Thanh niên: https://thanhnien.vn/nghe-si-nghe-nhan-binh-dinh-dien-mao-mot-vung-van-nghe-dac-sac-va-da-dang-post1093104.html
https://thanhnien.vn/nghe-si-nghe-nhan-binh-dinh-dien-mao-mot-vung-van-nghe-dac-sac-va-da-dang-post1093104.html
Trả lờiXóa