30 tháng 11, 2021

Chuyến thực tập cuối khóa (Chuyện nhiều hồi)

Chương 1: CHIẾC MÁY QUAY ĐĨA BALKAN


Đầu tháng 2 năm 1979, vừa ăn cái Tết Nguyên đán xong thì tôi nhảy chuyến tàu nhanh mà chậm hơn tàu chợ từ Đồng Hới ra Ninh Bình để đến trường cấp 3 Kim Sơn A thực hiện đợt thực tập cuối khóa kéo dài 2 tháng. Sau đợt thực tập sư phạm này chúng tôi sẽ trở lại trường bảo vệ khóa luận, thi tốt nghiệp và ... ra trường. Kết thúc 4 năm dài như người ta thường nói: Mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường. 

Sau một đêm vạ vật ngồi bệt ngay ở cửa toa vì hành khách đi tàu đông như kiến, vừa xuống tàu ở ga Ninh Bình thì gặp ngay thằng bạn cùng lớp Lê Minh Tiến dân Quỳnh Lưu đang lớ ngớ ở sân ga. Tiến lên tàu từ ga Cầu Giát nhưng tàu đông như cái chợ và hôi như cái hầm cầu nên xuống ga chúng tôi mới thấy mặt nhau. Tiến con nhà có điều kiện, ăn mặc lúc nào cũng bảnh bao chải chuốt như công tử rất khác với tôi chuyên trị mấy cái áo bộ đội đã sờn cũ mang từ ngày còn ở lính về. Trong lớp mọi người đặt cho hắn biệt hiệu là Tiến Sạc Lô, dù hắn không biết gì về hề hay hài kịch. Đoàn thực tập của ĐHSP Vinh về Cấp 3 Kim Sơn A lần này lớp 16D K2 của tôi ngoài Tiến, tôi còn có Quang, Phan Xuân Vũ và hai bạn nữ là Nguyễn Thị Đông và Nguyễn Thị Thái.


Tổ 4 lớp 16D Khoa văn ĐHSP Vinh trong chuyến tham quan Hà Nội, 12/1978. Lê Minh Tiến thứ 2 phải sang, tôi thứ 3 trái sang, Nguyễn Thị Đông thứ 5 trái sang; chụp hồi năm thứ tư.

Trong cái sáng mùa đông lạnh thở ra cả khói và đang rất đói, Tiến kéo tôi vào chơi nhà một người anh bà con tên Quang làm ở nhà máy điện Cánh Diều, nói là vào chơi nhưng thực ra là hi vọng sẽ được người anh bà con đãi một bữa ăn miễn phí. Tiến bảo: Ông này khá lắm, mới đi công nhân kĩ thuật 4 năm ở Ba Lan về, em mới gặp anh ta hôm tết ở quê, dặn là ra Ninh Bình nhớ ghé chơi (Tiến là học sinh phổ thông đi học, tôi đi lính về lớn hơn hắn 4 tuổi, gọi nhau là anh em). Nghe thế tôi hi vọng tràn trề.
Quả là cầu được ước thấy. Ông anh của Tiến là một thanh niên cùng tuổi với tôi, mới đi Tây về nên nhìn rất Tây, tính tình xởi lởi, hào phóng. Biết hai thằng sinh viên sau một đêm nhảy tàu bụng trống rỗng nên tự anh ra tay nấu bằng bếp dầu cho một bữa ăn thịnh soạn với rất nhiều mì sợi nấu hỗn hợp với cà chua, bắp cải, tóp mỡ. Mỗi thằng ăn đến 2 tô đầy nóng hổi, ngon và no sáng cả mắt. Điều đặc biệt là vừa sì sụp ăn chúng tôi vừa được ông anh Tây học mở từ một cái máy quay đĩa to như một cái va li nhỏ còn mới láng coóng có nhãn hiệu Balkan mà anh ta vừa mang từ Ba Lan về cho nghe những bài hát nổi tiếng thời đó như Bài ca hi vọng, Xa Khơi, Câu hò trên bến Hiền Lương... Chỉ từ một cái đĩa than đen bóng với một cái cần quay đĩa mà cái máy phát ra những bài ca nghe trong suốt và cao vun vút, tôi nghe như lịm đi, quên hết cả mệt nhọc sau một đêm đi tàu. Tôi hỏi anh Quang: Như cái máy này thì bao nhiêu tiền. Không cần tính toán lâu anh nói: 40 đồng. Ông thích tôi để lại cho mà nghe. 40 đồng hồi đó là cả một gia tài, là cả một tháng lương của công chức nhà nước. Nhưng tôi thấy đó là một cái giá khá rẻ so với cái máy hát giá trị như thế. Đó là một thứ đồ cao sang mà tôi hằng mơ ước. Tôi lại hi vọng tràn trề liền kéo ngay Tiến ra đầu hồi nhà hội ý: Tao muốn mua cái máy hát đó, mày thấy sao. Anh có đủ 40 đồng không, nhớ là ta còn sống 2 tháng thực tập nữa đấy. Không, tiền dành cho thực tập tao không đụng đến, trong ba lô tao hiện có 2 cái áo sơ mi pha ni lon trắng mạ tao mới may cho dịp Tết, chưa mặc lần nào, dành đi thực tập khi nào lên lớp mặc lấy le với mấy em học trò cấp 3, nếu mang ra chợ bán có thể được 40 đồng (Hồi đó hai cái áo sơ mi trắng pha ni lon dài tay cũng là cả một gia tài của đám sinh viên nghèo); bán xong tao vẫn chơi mấy cái áo bộ đội cũ, lo gì. Vậy mần luôn, anh vô lấy ta mang ra chợ xem sao.
Nói là làm. Tôi vô mở ba lô lôi 2 cái áo còn thơm mùi hồ cùng Tiến ra chợ thị xã Ninh Bình. Ghé ngay vào một hàng quần áo đầu chợ có một ông chủ mặt quắt queo như thằng nghiện, lấy hai cái áo ra tôi nói với thằng ông chủ cửa hàng là tôi cần bán. Ngắm nghía qua 2 cái áo, thằng chủ cửa hàng còn ngắm kĩ cả hai thằng tôi xem có phải là dân đạo chích không. Nó hỏi: Hai đứa bay ở đâu ra. Dạ bọn em là sinh viên ở Vinh ra, cần bán để lấy tiền đi thực tập. Có giấy tờ gì không. Tôi mở bóp lôi hết CMND với cả thẻ đảng viên ra trình trong bụng tim đập thình thịch vì hồi hộp. Hắn tin ngay. Lần đầu tiên tôi thấy cái thẻ đảng có chút giá trị. Bao nhiêu, nó hất hàm. Dạ em cần 40 đồng. Xong luôn. Thấy nó đồng ý nhanh quá tôi biết là mình đã hớ. Biết thế hét giá 50 đồng.
Trở lại căn phòng tập thể của Quang, tôi đưa anh 40 đồng và đóng gói cái máy hát vào hộp các tông. Thêm một cuộc mua bán chóng vánh thứ 2 trong ngày kết thúc. Sao mà tôi có duyên với chuyện bán mua thế không biết. Anh Quang còn hào phóng cho luôn cả chục cái đĩa than Dihavina mà nếu mua mới cũng phải 5 đồng một cái. Tôi mừng húm như bắt được vàng. Xong đâu đó, tôi và Tiến hai thằng hai xe đạp (cả hai thằng tôi đều có xe đạp và đều mang theo xe đạp đi thực tập) với đồ đạc và cái máy hát quay đĩa Balkan buộc chặt sau phoc ba ga, từ biệt anh Quang tốt bụng, ung dung đạp xe thêm 31km nữa để về đến thị trấn Phát Diệm, nơi có trường cấp 3 Kim Sơn A. Ở đây chúng tôi sẽ trải qua 2 tháng thực tập với hàng chục kỉ niệm đẹp, đẹp đến mức bây giờ sau 40 năm nhớ lại vẫn thấy ngọt ngào.
(Còn tiếp)

 



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới