31 tháng 3, 2020

Những ngày bị hạn chế 3

SỰ THỪA THÃI
Lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận hết nghĩa của sự thừa thãi về thời gian.
Làm thế nào mà lại có chuyện trước khi đi vào giấc ngủ tối, tôi lại không lên được kế hoạch gì cho ngày hôm sau chỉ đơn giản là vì tôi chẳng cần gì đến nó cả. Chẳng hạn sẽ thức dậy lúc mấy giờ, sau đó thì làm những gì, rồi đi đến những đâu, gặp những ai... Đó là những điều đã đi vào dĩ vãng kể từ khi thành phố bị hạn chế vì đại dịch covid và tôi tự mình giam lỏng trong chính căn nhà của mình. Ít nhất thì chức năng báo thức của điện thoại đã không cần đến.
Cho đến lúc này, thành phố vẫn chưa nhận được lệnh phong tỏa, điều mà tôi nghĩ chắc chắc sẽ đến trong nay mai. Vì thế trên thực tế, tôi vẫn có thể mở cửa xách cái xe máy Wave Alpha huyền thoại đã chung tình với tôi suốt 10 năm qua ra cửa rẽ phải rồi chạy một lèo lên quận 1, qua bên kia quận 4, quận 7, quận 2, chạy qua cả cầu Phú Mỹ rồi vòng về;  hoặc ngược lại rẽ trái chạy một lèo lên Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí có thể chạy luôn 60km lên tận cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đứng nhìn qua bên kia nước bạn Campuchia, chụp vài tấm hình tự sướng, ăn một tô bánh canh giò heo Trảng Bàng nổi tiếng rồi quay trở về mà sẽ không có ai chặn tôi lại.
Tự do vẫn còn đấy nhưng không thể thực hiện vì mình không thể mạo hiểm với dịch covid. Chỉ cần một người ba vạ ở ngoài đường không đeo khẩu trang vô tình ho lên một phát hoặc hắt hơi về phía mình là có thể thành nguy cơ đến tính mạng rồi.
Lí trí con người hơn thua nhau là ở chỗ đó. Liều mạng vô trách nhiệm và sự tự giác.

Li cà rốt tự tay tôi làm

Sáng thức dậy lúc 7h. Lên sân thượng tập thể dục. Tưới cây. Xuống bếp nấu mì gói, luộc trứng, pha cafe. Chợt thấy mấy củ cà rốt đỏ tươi mua ở chợ hôm qua. Tôi gọt vỏ thái lát mỏng 2 củ cho luôn vào cối xay. Thế là có 2 li nước cà rốt thơm mát. Vừa uống vừa nhẩn nha viết tút.
Xong lại lướt mạng đọc tin tức và viết nhật kí những ngày bị hạn chế. Ứng dụng facebook mà tôi vẫn xài hàng ngày đã ở lại đâu đó phía sau của thế giới mạng internet.
Sống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để giữ sức khỏe, có trí tuệ và một sự minh mẫn cần thiết vào những ngày này với tôi có lẽ không khó. Tìm một sự phá cách dù nhỏ, mới là sự khó.
Con người ta nhiều khi chết không phải vì khổ quá mà là chết vì sướng quá. Sáng nay tôi mới đọc xong bài báo viết về lịch trình di chuyển của nữ nhà báo 43 tuổi ca 183. Chị này là phóng viên tờ Vietnam News. Thế nào mà lại cặp kè phỏng vấn với đi mua xe máy với anh chàng ca bệnh 148 là một ông người Pháp 56 tuổi, rồi đi massage Hương Sen, rồi lại đến khách sạn Sheraton làm việc và ăn trưa. Giữa cơn đại dịch mà vẫn nhởn nhơ sống không có sự hạn chế một cách tự giác thì tất yếu sẽ phải trả giá là cái chắc. 
Ngày 30/3, tờ Việt Nam News phiên bản online đã đăng một lá thư gửi độc giả với thông báo dừng xuất bản báo in từ 31/3 đến 15/4.
Lý do được tờ báo đưa ra là một nhân viên trong tòa soạn đã dương tính với virus COVID-19. Người này đã gặp gỡ nhiều đồng nghiệp trong toà soạn.
"Nhiều người đã tiếp xúc với cô tại văn phòng của chúng tôi giờ sẽ phải cách ly tại trung tâm y tế hoặc tại nhà", bức thư viết.
Bây giờ thì chị ta đã nhập viện để chịu sự đau đớn thể xác và ngẫm nghĩ về sự đời, dằn vặt về tinh thần. Tay Thuấn ca 21 cũng gần như thế. Một lịch trình chỉ trong mấy ngày mà dày đặc sự hưởng thụ xa hoa hưởng lạc. Cuối cùng là mất tăm tích dấu vết từ khi hắn nhập viện đến nay sau khi hàng loạt dân tình chơi facebook bị phạt te tua vì tội đưa tin hắn có vợ bé và con rơi ở 1 cái CC cao cấp trên MXH. 
Vay và trả, gieo và gặt. Đó là điều tất yếu. 


Đã xong

30 tháng 3, 2020

Những ngày bị hạn chế 2


ĐI CHỢ MUA RAU CỦ QUẢ
Sáng dậy vợ tôi nói hôm nay hết rau ăn rồi, thịt cá vẫn còn nhiều, mà sao tui nhức đầu quá. Nghe thế tôi xung phong đi chợ ngay vì có cớ để ra khỏi nhà dù chỉ là một chút. Với lại bữa ăn mà thiếu rau củ quả là rất khó ăn. Không thể không mua. Cá thịt mới khó mua chứ rau củ quả thì dễ.
Trước khi đi bà xã dặn dò mất 30p. Mua rau ở quầy số 5 nằm bên phải từ ngoài cổng chợ đi vào gần chỗ bán cá ấy, quầy này của con bé người miền Tây bán hiền lành thật thà. Khi mua nó chọn cho mình luôn, có cái lá nào sâu sia già cỗi nó nhặt vứt đi rồi mới cân. Chuối thì mua ở góc cũng bên phải chợ, đi vào nhìn cái thấy ngay. Chuối của vợ chồng nhà đó mang từ Tiền Giang lên bán ngon sạch, có vẻ không phun hóa chất... Trứng thì mua của bà ở góc cuối chợ, gần thằng bán gạo ấy. Bà này luôn bán trứng tươi, nhớ là trứng thì không ham quả to, cốt những quả tươi, sáng. Những quả trứng mà cầm lên tay thấy láng bóng, trơn tuột đi thì đó là trứng đã cũ.v.v. Su su, cà rốt, bầu, bí đỏ cũng thế. Không cần quả to đẹp, miễn là không mua phải hàng Trung Quốc là được.
Làm xong li cafe là tôi đi. Nhìn đồng hồ đã 9h. Vậy là được. Đi tầm này chợ đã vãn, ít người,  hôm nay lại thứ hai đầu tuần, người không nhiều. Vừa tránh được lây nhiễm lại đi luôn xe vô chợ khỏi phải gửi rắc rối.
Đầu tiên là hàng chuối. Vẫn ngồi yên trên xe tôi chỉ luôn vào nải chuối cau đều tăm tắp ngoài cùng, bán cho chú nải này. Trong lúc thằng chồng đang bán đu đủ thì cô vợ bán chuối cho tôi, nó cầm lên cắt bớt cuống của buồng chuối cho gọn ghẽ rồi mới đặt lên cân:  25k chú. Rẻ thế, tôi nghĩ thầm trong bụng. Chuối là loại trái cây hội đủ các yếu tố ngon, bổ, rẻ. Ra chợ không mua chuối và không ăn chuối hàng ngày là rất dại.
Đi xe vô hàng rau, đếm từ bên phải đến quầy số 5 thì dừng lại. Rau củ quả ở đây nhiều như núi, nhìn qua đã thấy tươi ngon. Con bé người miền Tây đang bận rộn bán hàng vẫn nhìn thấy tôi: Chú mua gì con lấy. Bán hàng phải thế chứ. Luôn quan sát và không để mất con mồi.
Cho chú 2 quả bầu, 4 quả su su, 2 quả bí đỏ hồ lô, 5 củ cà rốt, 2 bó rau muống hạt, 2 cây xà lách, 1 bó lá lốt, ít rau thơm.  Tôi phát biểu đến đâu nó lấy hàng cân đo đến đấy, tay nó cứ thoăn thoắt chỉ nhìn đã biết dân chuyên nghiệp. Xong nó dồn hết vào 1 túi ni lon to. 172k chú. Tôi trả tiền rồi đặt bịch rau củ quả vô ba ga. Tưởng thế là xong nó còn đem ra treo thêm cho 1 túi hành ngò ớt. Chú có mua mấy thứ này đâu cháu. Đây là con cho chú thôi. Ôi trời. Thảo nào mà bà xã tôi nhớ nó thế. Từ nay tôi cũng sẽ nhớ đến nó khi ra chợ mua rau củ quả.
Quay ra phía sau thấy ngay quầy bán nấm. Giá đề rõ 50k/kí nấm bào ngư. Năm ngoái tôi đã mua nấm ở đây, cũng giá đó. Vậy là đã 12 tháng trôi qua mà giá nấm vẫn giữ rất ổn định. Thị trường giá cả của ta được quản lí tốt thật. Chị cho tôi nửa kí. 25k chú.  Nhìn túi nấm tươi sáng chị bán nấm đưa cho, tôi nghĩ bữa trưa nay chỉ cần đĩa nấm xào tỏi này là đủ, chả cần thêm gì nữa. Đi chợ thấy hàng nấm mà không mua là rất ngu. 
Đi thêm chút nữa là hàng trứng. Tôi có thêm 20 quả trứng gà ta (mà tôi thừa biết là trứng gà Ai Cập). Trứng loại này tuy nhỏ nhưng lòng đỏ nhiều và ăn không nhạt như trứng gà công nghiệp.
Chưa đến 10 phút tôi đã ra khỏi chợ. Thấy cái cửa hàng 24 đầu đường rất vắng khách, tôi ghé vô mua thêm mấy hộp bánh quy không đường để về vừa viết tút vừa ăn cho vui miệng.
Chưa kịp lên xe thì một chị ở đâu đội nón đến chìa ra nắm vé số: Mua giúp con mấy tờ chú. Chỉ còn hôm nay với ngày mai nữa là con nghỉ bán rồi. Sao lại nghỉ bán. Chị về quê tránh dịch à. Không chú. Nhà nước cấm bán 15 ngày ạ.
Trời. Có vé số bán dạo mà cũng không cho sao. Dịch dã gì ghê dữ. Rồi 15 ngày tới những người bán vé số dạo sẽ làm gì để kiếm sống. Nghĩ thế, bình thường tôi mua vé số cho ai chỉ 2 tờ là cùng. Hôm nay tôi rút ra 100k đưa chị vé số: Chị đếm tôi 10 tờ, mỗi tờ 1 số, hên xui nha.


Rôi tôi về. Đường rất vắng người xe qua lại. Xe buýt hình như đã ngừng chạy. Xe đò đi các tỉnh cũng đã ngừng từ hôm qua.
Sáng nay thức dậy đọc điện thoại tôi thấy có thêm 6 ca dương tính, tổng số ca dương tính của VN đã là 194 rồi, biết đâu chiều nay sẽ lên tròn con số 200 hoặc hơn thế nữa.
Mở cửa thấy tờ giấy to nhét qua cổng. Là tài liệu của Thành phố về phòng chống dịch covid do tổ trưởng dân phố gửi đến từng nhà. Phường tôi thật tử tế.


Tài liệu hướng dẫn chống dịch của TP



29 tháng 3, 2020

Những ngày bị hạn chế 1

NGÀY ĐẦU ĐÓNG FACEBOOK

Ngày 28/3/2020 là ngày đầu tiên của chuỗi 20 ngày người dân Thành phố thực hiện quyết định 12 điều bị hạn chế do Chủ tịch Tp ban hành để phòng chống đại dịch covid (từ 28/3 đến 15/4). Một số người cho là Tp bị phong tỏa nhưng thực tế là chỉ bị hạn chế. Chủ yếu là không đi ra khỏi nhà, nhiều dịch vụ bị đóng cửa, còn thì siêu thị vẫn mở, chợ vẫn họp, ai cần đi vẫn cứ được đi, không cấm.
Sáng. Thức dậy thấy đường sá phố phường cứ như là sáng mùng 1 Tết. Vắng tanh và lặng lẽ. Trên trời không một chiếc máy bay nào bay qua trong lúc bình thường cứ 5 phút có một chiếc cất cánh từ SB TSN bay qua trên nhà tôi. Sự sống như đang ngưng đọng lại.
Lúc này tôi mới thấm thía hết sự ghê gớm của một đại dịch mang tên covid. Tôi rất nhớ cháu ngoại 16 tháng tuổi ở Phú Nhuận chỉ cách có 6km mà không thể lên thăm cháu được. Những người già trên 60 tuổi như tôi được khuyến cáo không được ra khỏi nhà.
Niềm vui còn lại của mọi người và tôi là lướt mạng internet và chơi trò facebook. Tôi gần như bị nghiện FB. Mở máy ra là lướt xem trang cá nhân của bạn bè có gì mới không; rồi xem có ai còm, lai, xe gì cái tút mình đăng hôm qua không. Rồi ngồi nghĩ ra một cái tút gì đó để viết và post. Tuy nhiên trong cái buổi sáng qua 28/3 tôi chợt nghĩ hay là mình thử tắt cái thú vui ấy đi xem có ảnh hưởng gì không. Nghĩ là làm, tôi đóng luôn FB trong 7 ngày. Sau 7 ngày nó sẽ auto nổi lên lại (ngày 3/4). Xem như là một phép thử.
Đóng FB cả một ngày hôm qua tôi không thấy hụt hững gì mà còn thấy có cái gì đó là lạ. Có một thế giới mà lâu nay mình cứ tưởng không thể thiếu hóa ra là có thiếu cũng không sao. Từ đó ta suy ra là trên đời này có nhiếu thứ mình cứ tưởng là không thể thiếu nhưng giờ có thiếu cũng chả sao. Đến như sinh ra đám sinh viên, học sinh là để ngày ngày đi học mà đã 3 tháng nay chúng nó không đến trường còn chả sao nữa là.
Tối qua chát messenger với Nguyễn Trung Ngọc ở Vinh, tôi hỏi Ngọc sao ông hồi ni có vẻ im ắng thế, tự kỉ à, hay sức khỏe có vấn đề à. Hắn nói: tôi lo cho con cháu quá ông ạ, lỡ chúng có bị gì thì tôi sống không nổi. Tôi nói: Ông hãy nhớ lại ngày trước bố mẹ ông đã quan tâm đến ông như thế nào thì nay ông cũng chỉ nên quan tâm đến con cháu ông ngang mức đó là đủ, không cần ông phải quan tâm hơn. Hắn nói: thế ngộ nhỡ con cháu mình có mệnh hệ gì trước cả mình thì sao. Tôi nói: Thế nhỡ như hồi tôi với ông đi lính mà chết luôn từ trong chiến tranh khi mới 18, 20 tuổi thì tức là bọn ta đã chết trước cả cha mẹ ta đấy thôi. Mà nếu chuyện đó có xảy ra thì cũng rất là bình thường. Đến đó thì hắn im lặng. Tôi biết là đã phản biện thằng bạn một cách quá thẳng thừng đẩy hắn vào sự bất ngờ và lúng túng nhưng đó là một thực tế không thể chối cãi. Tính thằng này cực đoan nên rơi vào trạng thái tâm lí như thế cũng là chuyện thường tình. 


Nơi giải tỏa của tôi


Từ ngày nghỉ làm vì dịch dã, tôi kê thêm bộ bàn ghế làm việc ở chiếu nghỉ cầu thang lầu 2. Phía trên cầu thang là sân thượng, trên sân thượng là cái giếng trời to. Ngồi đây vừa thoáng, vừa sáng lại vừa mát. Không tốn tí điện nào cho đèn và quạt. Máy lạnh thì từ Tết đến nay hầu như không dùng vì được phổ biến là không nên tạo môi trường thích hợp cho virus sinh sống. Ngồi chỗ này chỉ cần ngoảnh sang trái là thấy ban công với một chút bầu trời. Phong thủy lại có vẻ tốt. Tha hồ cảm hứng để viết lách.
Không còn Fb nhưng tôi vẫn duy trì cái blog mang tên https://hatungson.blogspot.com/ , vì thế mà hàng ngày tôi vẫn viết một cái gì đó để đăng lên blog. Đăng ở blog thì gần như không có sự tương tác với bạn bè và mọi người trên thế giới FB vì không ai biết để đọc, để comment. Nhưng cần gì, tôi viết để giải tỏa thôi.
Không hiểu sao trong đầu tôi mấy ngày này cứ lởn vởn ý nghĩ là mình sẽ được đưa đi cách li trên Củ Chi hoặc Cần Giờ. Nó cứ như là một thứ giả tưởng đầy ám ảnh vì tôi làm sao mà thuộc diện cách li được. Nhà chỉ mỗi 2 vc già, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Ăn uống cực kì đơn giản. Nhưng ý nghĩ đó vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi ngay cả trong giấc ngủ. Tôi đã chuẩn bị hẳn một cái va li để nếu phải đi cách li thì sẽ ném vô đó mấy bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dầu gội, sữa tắm, máy tính, máy ảnh, vài cuốn sách, thuốc men, mua thêm mấy hộp bánh...
Hết ý nghĩ bị cách li tôi lại nghĩ khu phố mình thế nào cũng bị phong tỏa. Sẽ có công an rào chắn và gác ở 2 đầu. Tối hôm qua cửa hàng Bách Hóa Xanh cách nhà tôi hơn 100m bị cướp lúc 22h. Có 2 thằng cướp bịt mặt nhằm lúc các nhân viên đang kiểm hàng đếm tiền sau một ngày mở bán đã xông vô chỉa dao và súng cướp đi khoảng 20tr tiền mặt và khuân luôn cả CPU.
Tại quận Tân Phú của tôi đến nay cũng đã có 3 ca dương tính.
Tình hình đang ngày càng nóng lên.


27 tháng 3, 2020

Kỉ niệm một tên đường

Chuyện là hơn 10 năm trước, tôi mua căn nhà bây giờ ở SG. Khi đó phường này còn mang tên là phường 14 quận Tân Bình. Đó là một phường rất giàu thuộc hàng bậc nhất SG bởi trong lòng nó có cả 1 khu CN lớn nhất Tp là KCN Tân Bình. Chả thế mà từ hồi xa xưa đó mỗi năm nó đóng góp cho nguồn thu nhà nước hơn nghìn tỉ đồng. Trong lúc nhiều tỉnh nguồn thu mỗi năm chỉ được 5, 700 tỉ. Tỉnh nào được 1000 tỉ là có chân trong CLB nghìn tỉ. Oai lắm. Thế mà phường 14 quận TB đã có cả nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước từ mười mấy năm về trước.
Tôi mua căn nhà ở phường 14 quận TB từ hồi đó. Bây giờ trong sổ hồng vẫn ghi địa chỉ P 14 Q TB.
Nhưng rồi vật đổi sao dời, tang thương ngẫu lục xảy ra. Tp tách quận TB thành 2 quận, lập thêm quận mới lấy tên là Tân Phú (hi vọng là mới giàu hay giàu mới chi đó). Phường 14 của tôi tách ra làm 2 phường. 1 nửa bên phải đường Âu Cơ vẫn thuộc P 14 Q TB, nửa bên trái Âu Cơ tách về quận Tân Phú lấy tên là phường Tân Sơn Nhì. Sở dĩ có tên Tân Sơn Nhì là vì ở vùng đất thuộc Gia Định xưa này ở bên cạnh vùng Tân Sơn Nhất, nơi có cái sân bay nổi tiếng. SB là Tân Sơn Nhất thì vùng bên cạnh nó hiển nhiên là Tân Sơn Nhì. May không có Tân Sơn Tam. Nhưng lại có vùng Tân Sơn với con đường Tân Sơn chạy cặp theo hông SB nối Cộng Hòa với Quang Trung.
Lấy tên Tân Sơn Nhì đặt cho phường mới còn vì trước giải phóng phường này có con đường đẹp nhất mang tên Tân Sơn Nhì. Đường này một đầu giáp đường Trường Chinh sát ngay ngã 3 Bà Quẹo, đầu kia giáp đường Độc Lập. Giải phóng xong mấy ông cách mạng đổi lại là đường 27/3. Đó cũng là lí do tôi viết cái tút này vì ngày hôm nay là 27/3. Mọi người khi đi trên con đường TSNhì cũ này đều thắc mắc 27/3 là ngày gì mà được đặt tên cho con đường vốn đã có sẵn cái tên rất ấn tượng.
Ít người tìm thấy câu trả lời. Đến mức có lần tôi lên phường làm giấy tờ hỏi mà cán bộ phường cũng bó tai.
Tức quá tôi về tra cứu thì ra 27/3 là ngày Cụ Hồ kêu gọi toàn dân tập thể dục, rồi trở thành Ngày thể thao Vn. Ôi trời. Có thế mà cũng thành tên đường.
Tuy có tên mới 27/3 đã mấy chục năm nhưng dân cư sống trên con đường này và nhất là từ khi có tên phường Tân Sơn Nhì thì ai cũng giữ hoài niệm về tên con đường cũ và muốn lấy lại tên cũ từ trước ngày GP, bởi đó là một cái tên đẹp và ấn tượng. Đến mức tôi có nhiều bạn bè ở xa khi nghe tôi nói là nhà ở Tân Sơn Nhì thì không tin vì không lẽ đã có Tân Sơn Nhất lại còn có cả Tân Sơn Nhì. Nghe cứ như là nói đùa cho vui.
Thể theo nguyện vọng của dân, HĐND phường trình lên quận, quận trình lên thành phố. Cuối cùng ta lại về ta. Tôi vô ở đây được 2 năm thì đường 27/3 lấy lại tên cũ là Tân Sơn Nhì. Một con đường đẹp với nhiều cây xanh, quán ăn cửa hiệu. Cả chục năm nay tôi rất thân thuộc với đường TSNhì vì hầu như ngày nào tôi cũng đi trên con đường ấy để về nhà.
Quận Tân Phú từ ngày được thành lập đã lấy đi sự giàu có của quận Tân Bình nói chung và phường 14 quận TB nói riêng. Bởi ngôi trường cấp 3 đạt chuẩn và đẹp nhất mang tên trường THPT Tân Bình bây giờ nằm trên đất Tân Phú và vẫn giữ tên là THPT Tân Bình; Khu công nghiệp bề thế nhất, sang trọng nhất của quận TB bây giờ cũng thuộc luôn về lãnh thổ Tân Phú mặc dù vẫn giữ nguyên tên KCN Tân Bình.v.v. Thế mới đau sờ cau.
Vì là một quận có KCN Tân bình giàu có như thế nên hàng năm khi Tết đến, mỗi cán bộ hưu trí sống ở Tân Phú đều được nhận khoản tiền Tết cao hơn các quận khác ít nhất là 300 đến 400 nghìn. Cả chục năm nay, khi Tết đến thành phố cho 1,1tr/người thì Tân Phú cho thêm 300 thành 1,4tr. Thường xuyên như thế.
Năm 2010 là Tết đầu tiên ở SG, tôi được nhận 1,4tr tiền Tết. Lên trường gặp ông đồng nghiệp cũng Cb hưu trí sống ở quận 3 hỏi tôi tết này quận ông cho bao nhiêu. 1,4. Nhiều thế, quận 3 chỉ 1,1tr. He he. Hơn có 300k mà thấy sướng.
P/S: Nhân sáng nay chát chít với chú Trần Xuân Toàn về sức khỏe nhân ngày 27/3 mà nghĩ ra cái tút này. Sức khỏe là quý nhất của con người. Mất SK là mất tất cả. Chả thế có người thấy dịch covid đã bi quan đến mức không muốn sống nữa. Có người thì không buồn cả chuyện ăn uống, chuyện trò với bạn bè. Khộ.


26 tháng 3, 2020

Cuối cùng thì quận tôi cũng được sánh vai các quận khác


Là nói chuyện cái thằng cu 23 tuổi ca thứ 127 ở đường Tây Thạnh quận Tân Phú. Nó đi làm bồi bàn cho quán bar mang tên Phật (Buddha) ở Thảo Điền quận 2, nơi đang được xem là cái ổ dịch covid của SG. Hết ca về nhà nó có triệu chứng ho hen sốt khó thở lại chạy đến cái phòng khám tư nhân của Bs Trần Hồng Đào ở 205 đường TKTQ phường Tân Sơn Nhì khám. Ở đây nó được phát cho 1 nắm thuốc như người bị cảm mạo thông thường rồi để nó về mà không khẩn báo lên trung tâm phòng chống covid TP, để nó có hẳn 2 ngày rong ruổi chơi bời khắp các quán cfe ở quận 1 quận 3 với lũ bạn bè, tạo nên hàng trăm ca F1 khác.
8h tối 25/3 báo đài mới loan tin nó dương tính nhưng trước đó 24 tiếng tôi đọc trên trang web của trạm y tế phường Tây Thạnh đã khẳng định nó dương tính. Cũng 8h tối hôm đó UBND phường Tân Sơn Nhì đã phát đi thông báo về việc cách li phòng khám Trần Hồng Đào ở đường Tân Kỳ Tân Quý. Báo hại tôi chong mắt suốt cả tối 24 và cả ngày 25 để hóng tin chính thức về thằng cu này.
Vậy là thông tin cấp thành phố lại đi sau thông tin cấp phường cả 24 tiếng. May mà quận Tân Phú đã cho hốt thằng cu 127 này lên BV dã chiến Củ Chi và hốt luôn cả BS lẫn nhân viên phòng khám Trần Hồng Đào đi cách li theo diện F1 ngay khi phát hiện. Nhờ có nó mà quận Tân Phú của tôi cũng đã có tên trên bản đồ covid của thành phố và sánh vai với các quận khác.
Hẻm 165 Tây Thạnh chỗ nhà thằng cu 127 rất gần nhà thằng Lê Đình Nguyên bạn tôi nên ngay tối 24 tôi đã gọi cho nó dặn không được ra khỏi nhà, mua ngay đồ ăn tích trữ (thằng này đang sống gần như 1 mình, rất cô đơn và hoàn cảnh).
Phòng khám Bs THĐ thì rất gần nhà tôi, cùng phường và cùng trên 1 con đường. Nó ở số 205 TKTQ thì tôi ngang 281, cách có 40 căn nhà cùng dãy số lẻ. Nếu tính trung bình mỗi căn nhà có chiều ngang 4m thì chiều dài chỉ là 160m. Vì thế mà 2 đêm nay tôi trằn trọc bâng khuâng giấc chẳng thành. Dịch covid đã đến ngay tận ngõ là có thật.
Nghe trên báo chí của ta thì có vẻ hiền hòa vậy chứ trên thực tế quân ta đã rất mạnh tay với những ca dương tính như thằng cu 127 và cả những ca F1 như nhà Bs THĐ. CA rồi BV cho xe chuyên dụng hụ còi đến hốt gọn mang đi ngay và niêm phong luôn nhà cửa, dân phòng túc trực 24/24. Phải thế mới được. Tôi rất đồng tình với giải pháp mạnh này.
Nói thêm chút về cái quán bar đội lốt cafe ở Thảo Điền quận 2. Tên gọi của quán là Buddha bar (quán bar Phật) nhưng thực chất đây là chốn ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng dành cho đám phi công, chuyên gia, lao động trí óc, quản lí... người nước ngoài là chủ yếu. Ngay như thằng cu 127 tối hôm trước làm ở quán theo ca từ 21h đến 3h sáng mới về nhà. Về là dính ngay. Ăn chơi thế mà đặt tên là Phật thì quả là cả một sự phỉ báng phật giáo.
XH ta thời buổi này không còn biết đâu là giới hạn của chân lí, của mọi thứ quan niệm.
May mà mọi người trong những ngày bị cấm túc và tự cách li này còn có mạng internet và trò chơi facebook cứu rỗi.




Những hình ảnh trong quán Phật và TB của TYT Tây Thạnh và UBND phường TSN phát đi từ tối 24/ 3


24 tháng 3, 2020

Về hay không về


Sáng nay ra quán bún cá Bình Định gần nhà ăn sáng cho đỡ cuồng chân, chứ cả tuần tự cách li sáng nào cũng tô mì gói 2 quả trứng luộc với li sữa riết cũng chịu không thấu. Ra quán ăn tô bún cá thu Bình Định 35k thơm ngon béo ngọt vì tất cả nguyên vật liệu đều được mang từ Hoài Nhơn vào.
Chị chủ quán kể mới về quê Hoài Nhơn vào hôm qua. Lâu ngày xa quê tính về chơi chục ngày cho đã nhưng về thấy bị kì thị quá nên được 3 ngày là chị chịu không nổi nên phải vô lại SG. Tôi ngạc nhiên. Sao lại kì thị chị. Chị người Hoài Nhơn, về quê Hoài Nhơn chơi sao lại bị kì thị. Vậy mới nói chú ơi. Mình ở Sài Gòn về dân làng người ta coi mình như đồ mắc dịch. Người ta tránh xa mình là kì thị mình chớ sao nữa. Bà con nhìn mình cứ như là mình ở SG mà nhìn thấy mấy ông Tây vậy á. Tây ở SG bây giờ đồng nghĩa với covid. Mình ở SG về quê cũng y chang vậy.
Thồi. Chỉ nói thế là tôi hiểu rồi.
Nghe chị chủ quán kể mà tôi thấy may cho mình là mới rồi tôi đã quyết định vứt cái thẻ lên máy bay về Đồng Hới để ở lại SG. Biết đâu tôi về quê cũng bị kì thị như chị.
Tối qua đọc mạng thấy các báo đua nhau đưa tin: Anh Chung chủ tịch HN dặn con ở bên Mĩ mua đồ tích trữ ở yên trong nhà 3 tháng không được ra khỏi nhà. Tôi cười mỉa. Có thế mà cũng khoe.
Con gái út tôi cũng đang ở Queensland. Bên đó cũng đang là vùng dịch. Ông bộ trưởng nội vụ Úc bị dương tính covid cũng đang điều trị ở BV của tiểu bang này. Con tôi qua đó làm việc. Ngôi làng nơi nó ở đã đóng cửa với thế giới từ cả tháng nay. Tôi rất lo cho cháu nhưng về hay ở là để cháu tự quyết định. Có khi ở yên không sao nhưng ra đến sân bay, lên máy bay về nước là nhiễm dịch. Cuối cùng cháu ở yên bên đó, vẫn đi làm bình thường. Nó kể đi qua bển làm là để trải nghiệm cuộc sống ở một thế giới khác, một xã hội khác chứ ở SG nó làm lương cao hơn. Bên đó tiếng là lương tháng cao hơn nhưng trừ thuế thu nhập thì còn lại là thấp hơn ở nhà.
Tôi khác anh Chung chủ tịch, không hề dặn con là mua đồ tích trữ và ở yên trong nhà. Hãy sống như mọi người của cái xã hội ở bên đó.
Mấy ngày nay tôi đọc báo thấy cũng thương, cũng tội các cháu HS, SV nước Việt mình đang bị mắc kẹt ở các sân bay Mĩ do các đường bay quốc tế đều đã bị sập cửa. Nhưng tôi nghĩ một phần là cũng nên trách các bậc phụ huynh đã chăm bẵm cho con cái mình quá đáng đến mức chúng không trưởng thành nổi. Lúc này rất cần một sự tự tin, vững vàng của tuổi trẻ thì nhìn chúng cứ như là học sinh của một lớp học mầm non 5, 6 tuổi. Đã thế lại còn nhóm nhau lại dương lên tấm bảng: Xin mọi người hãy cứu lấy chúng con. Lũ người này thì trông mong gì được chúng ở tương lai nhỉ.
Ở tuổi chúng nó 48 năm trước, khi mới 18 tuổi tôi đã cùng bao đồng đội bạn bè đồng trang lứa rời bỏ cả trường đại học, vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Bây giờ chúng nó không rời được hơi hướm của cha mẹ. Biết trách ai.
Ăn tô bún cá xong vợ tôi mua cho chị lít nước mắm Tam Quan còn tôi mua bịch chè lá dung về pha uống. Nước mắm là của bà chị ruột của chị ở quê làm rất thơm ngon, còn chè lá dung là do bà con chị vào rừng hái về phơi khô đóng gói. Mỗi bịch 20k. Loại đặc sản có giá trị như một vị thuốc nam này khi sống ở BĐ 31 năm tôi không nghe ai nói, ở SG đến quán bún cá BĐ của chị ăn lại biết. Chè dung từ lâu đã được dân Bình Định dùng làm thức uống hằng ngày. Ngoài việc giải khát, uống chè dung còn giúp giảm được nhiều bệnh và tốt cho sức khỏe cả gia đình. Chè dung có thể uống tươi hoặc phơi khô, vị nước ngọt thanh vì thế rất dễ uống, thích hợp uống hằng ngày, đặc biệt là lúc ăn cơm xong mà có cốc chè dung tráng miệng thì nhất hạng.
Mỗi lần đến quán bún cá ăn xong được chị tự tay rót cho một li nước chè có màu rất đẹp lại rất thơm mát và có vị rất đặc trưng. Uống xong không thể không hỏi về gốc tích tác dụng của nó và không thể không mua về nhà uống.
Uống xong li nước chè lá dung Bình Định bỗng thấy chuyện về hay không về chả có ý nghĩa gì nữa.



    


23 tháng 3, 2020

Sập bẫy nằm viện


Chọn đúng dịp cuối năm tôi xin nghỉ việc một ngày để đi khám sức khỏe tổng quát định kì. Ở bệnh viện Thống Nhất có quy định 6 tháng người bệnh được đi khám tổng quát một lần nhưng tôi thì cứ 12 tháng mới đi. Một là vì tôi lười khám. Hai nữa là trước đó công đoàn trường cũng đã tổ chức cho GV, NV được khám rồi. Vậy là một năm tôi có hai lần khám tổng quát ở hai bệnh viện khác nhau. Một ở nơi tôi đăng kí bảo hiểm y tế là BV Thống Nhất nơi còn lại là trường hợp đồng thuê khám.
Theo kinh nghiệm, tôi không ăn sáng và dậy đi sớm. Tiếng là bệnh viện dành cho đối tượng trung cao nhưng ở Thống Nhất lúc nào cũng đông nghịt người bệnh. Đa số là ông già bà lão về hưu đã lâu ngày, đi chậm và nói khẽ (vì loại này muốn đi nhanh nói to cũng không còn sức chứ không phải họ văn minh lịch sự gì). Bệnh nhân diện ưu tiên ở đây (có cái sổ y bạ màu vàng) có mà đếm cả ngày cũng không hết (chỗ này lúc đầu tôi viết là BẮN cả ngày cũng không hết nhưng thấy dã man tàn bạo quá nên sửa lại là ĐẾM).
Ở bv TN tôi nghe giang hồ đồn là chỉ có khám và chẩn đoán, phát hiện bệnh là giỏi chứ điều trị bệnh thì kém. Bệnh nhân đã vào đây chỉ có một là sống 2 là chết vì đây là bv tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế, đã vào đây điều trị ai không qua khỏi sẽ được chuyển sang nhà vĩnh biệt. Vì thế tôi chỉ tin tưởng khi vào đây khám bệnh.
Khám tổng quát nghĩa là phải đi qua hàng chục phòng khám chuyên khoa với hàng chục vị BS khác nhau giống như đi tour. Tôi ghét nhất ở phòng khám siêu âm. Một cô y tá trẻ bảo tôi nằm dài lên giường cởi thắt lưng ra. Tôi đang lóng ngóng vì ngại thì cô y tá đã kéo tụt hẳn quần tôi xuống quá mông, rồi xoa lên một lớp dầu mỡ gì đó lạnh ngắt và bầy hầy để một bà BS khác dò máy siêu âm màu.
Vừa nhìn trên màn hình đến đâu bà BS vừa phán đến đấy: Gan nhiễm mỡ, máu cũng nhiễm mỡ… Rồi bà yêu cầu tôi nên bỏ hẳn bia rượu, bớt ăn thịt và tăng thêm rau trong bữa cơm… Khi tôi đã ngồi dậy rồi, bà BS tỏ vẻ ân cần hỏi chứ anh còn thấy thường bị đau hay nhức mỏi chỗ nào nữa không. Tôi nói là hay bị đau lưng, nhất là đau mỏi ở vùng thắt lưng. BS khuyên tôi nên sang khoa chẩn đoán hình ảnh chụp MRI để kiểm tra vùng cột sống cho chính xác. Tôi bảo vậy để tôi sang đó chụp luôn cho khỏi mất thì giờ. Bà BS nói ngay: không được. Người bệnh ngoại trú mỗi lần chụp MRI phải bỏ tiền túi ra trả 2 triệu. Nếu muốn miễn phí theo chế độ điều trị bảo hiểm thì tôi phải lập thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội trú. Khi đó bệnh nhân có tiêu chuẩn như tôi sẽ được miễn toàn bộ viện phí kể cả chụp MRI. Tôi hỏi nếu nhập viện luôn bây giờ thì có được chụp ngay không. BS bảo hôm nay nhập thì nhanh nhất sáng mai mới chụp được. Có phim với kết quả rồi xuất viện ngay, mất mát gì đâu mà sợ.
Tôi nhẩm tính vậy là mất hai ngày nhưng biết được chi tiết tình trạng cột sống và vùng thắt lưng thì cũng tốt. Bấm máy thông báo cho bà xã. Bả nghe rồi bảo vậy nhập viện luôn đi. Mấy khi được chụp MRI miễn phí.
Vậy là bà BS phòng khám siêu âm viết phiếu nhập viện cho tôi vào khoa nội thần kinh ngay.
Tôi với cuốn sổ y bạ trên tay tung tăng như một kẻ đi dạo phố làm thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội trú. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm bệnh nhân nội trú của một bệnh viện bởi đời tôi từ trước đến nay chưa đau ốm gì đến mức phải nhập viện.
Tôi được nhân viên đưa vào một phòng nội trú trên lầu 5 có 3 cái giường nệm khá sạch sẽ, có ban công thoáng mát lại có cả nhà WC khép kín. Nhìn bao quát một vòng khu nội trú tôi thấy làm gì có chuyện hai, ba người bệnh nằm chung một giường đâu nhỉ. Cũng làm gì có cảnh bệnh nhân nằm cả dưới gầm giường thấy bộ trưởng y tế đến thăm thì lóp ngóp bò ra chào đâu nhỉ.
Ở giường đối diện là một bác hưu trí già gần 80 tuổi hom hem, đầu gối và cả cột sống của bác đau nhức nhối đi lại khó khăn với một bà vợ già cũng gần bằng ông vào chăm nuôi đang bắc ghế ngồi đọc báo ngoài ban công. Họ nội trú ở đây đã hơn chục ngày. Tôi đang đứng lóng ngóng cạnh cái giường thì một cô y tá điều dưỡng vào đưa cho một bộ quần áo bệnh nhân có lẽ trước đây là màu thiên thanh nhưng giờ thì nó bợt bạt không ra cái màu gì. Hình như gần với màu xám tro. Thêm tấm ga trải giường với một cái chăn mỏng và cái gối. Tự tay mình trải ga xong đâu đó tôi leo lên nằm xoải chân thoải mái vô cùng. Nằm viện nội trú mà thế này cũng sướng.
Đang lim dim nhìn cái quạt trần quay thì một y tá vào nắm tay đo huyết áp làm bệnh án. Rồi một anh BS còn trẻ có bảng tên là Hiền vào thăm khám. Tôi nhân tiện trình bày luôn là thực ra tôi không bị đau ốm gì cả. Chẳng qua phải nội trú vô đây để được chụp MRI theo tư vấn của BS phòng khám. Anh BS gật đầu: Cháu hiểu rồi. Nhiều người vào đây với mục đích như chú. Rồi anh ta cấp cho tôi một nắm thuốc bảo phải uống làm hai lần trong ngày cho hết rồi viết phiếu chỉ định cho tôi 9h sáng mai lên khoa chẩn đoán hình ảnh chụp MRI. Tôi nghĩ vậy là chậm lắm thì chiều mai mình xuất viện. Nhập hôm trước hôm sau xuất, chưa đến hai ngày nằm viện. Có lẽ tôi đạt kỉ lục về bệnh nhân nội trú điều trị nhanh nhất nước trong năm cũng nên.
Anh BS đi rồi, bà vợ của ông bệnh nhân ở giường đối diện đặt tờ báo xuống nói: Vậy mà thấy chú vào nhanh nhẹn hăng hái trải ga giường tôi tưởng là chú đi chăm nuôi người nhà chớ. Ai dè chú lại là người bệnh.
Hừm. Tôi mà là người bệnh thì cả thành phố này còn ai khỏe nữa.
Trưa đó tôi đi thang máy xuống canteen bệnh viện ăn hết một đĩa cơm cá nục kho, ăn thêm một tô hủ tiếu với một đĩa to rau xà lách nữa mới đủ no. Lên lại phòng bệnh, ngủ một giấc đến 3h chiều tôi kín đáo trút bỏ lại bộ quần áo nhàu nhĩ không biết là sạch hay bẩn của bệnh viện rồi nhẹ nhàng lách vô thang máy trốn về nhà ăn cơm chiều, tắm rửa và ngủ ở nhà cho nó sướng. Ngu gì nằm giường bệnh trong lúc mình có đau ốm bệnh tật gì đâu. Sáng mai lại nhập viện sớm. Bv cách nhà tôi chỉ 10 phút xe máy.
Sáng hôm sau tôi có mặt ở bệnh viện lúc 7h. Vừa thấy tôi anh BS Hiền đã cảnh cáo: Tối qua chú trốn viện là sai quy định nha. Lãnh đạo mà biết là phê bình cả chú và cháu đấy. Rồi anh ta cúi xuống nói nhỏ vô tai tôi: chú có trốn thì cũng phải đợi sau 8h tối, khi BS trực đi kiểm tra, thăm khám bệnh nhân xong đã nhé. Ai đời bệnh nhân nội trú mà bỏ trốn hiên ngang như chú chứ.
Hì. Anh BS trẻ này tốt thật. Vậy mà người ta với báo chí cứ thêu dệt cả hàng ngàn câu chuyện về sự xấu xa của đội ngũ thầy thuốc, của ngành y, của những con người từ lâu đã được mệnh danh là lương y như dì ghẻ. Trong lúc tôi vào bệnh viện này thấy toàn người tốt. Không lẽ bệnh viện Thống Nhất là một ốc đảo của ngành y nước ta.
Đúng 9h tôi cầm phiếu của BS Hiền lên phòng chụp MRI. Lần đầu tiên tôi được chui cả đầu và người vào một cái máy gọi là MRI. Bên trong cái máy MRI tối tăm như địa ngục và rú rít lên những tiếng kêu ghê rợn. Cứ như là mình đang tham gia vào một trò chơi cảm giác mạnh. Sau này chết nằm trong quan tài chắc cũng giống thế này quá.
Chiều tôi lên phòng BS trực của khoa hỏi xin phim và xem kết quả chụp thế nào. BS Hiền bảo chưa được chú. Sáng mai đầu giờ các BS của khoa sẽ tập trung đọc hết phim chụp hôm trước của bệnh nhân và thống nhất đưa ra kết luận điều trị. Tôi nói vậy làm sao chiều nay chú ra viện được. BS bảo cho dù có kết luận là không sao rồi thì chú cũng chưa thể ra viện được bởi theo quy định của BV bệnh nhân khi đã vào nội trú ít nhân phải 3 ngày sau mới được xuất viện.
Thế có chết tôi không. Lại phải thêm một ngày chờ đợi nữa trong cái không gian chẳng có gì thú vị này.
Tối đó đúng 8h, đợi cho BS và y tá điều dưỡng trực ca đêm đi thăm khám, đo huyết áp và phát thuốc uống xong, tôi lại lẹ làng thay đồ rồi xuống lấy xe phóng về nhà.
Vậy mà cũng phải đợi đến 15h chiều hôm sau tôi mới được cầm cái phong bì to đựng phim chụp MRI với cái kết luận ghi rõ bằng hai chữ viết tắt BT của BS trưởng khoa (BT là bình thường không phải bó tay) cùng một nắm giấy tờ các loại lên phòng viện phí đóng dấu vào hóa đơn thanh toán. Tổng chi phí cho 3 ngày nằm viện với chụp MRI hết hơn 4 triệu đồng. Quái, những thứ gì mà đội giá lên cao thế nhỉ. Trong lúc ăn uống thì mình phải tự túc hết rồi. May mà chế độ bảo hiểm của tôi được miễn viện phí 100%, không phải cùng chi trả xu nào.
Bắt tay chào tôi, BS Hiền cười tinh quái: Nói thiệt với chú, những người đã đến tuổi như chú mà không đau với nhức mỏi cột sống thì mới lạ. Nếu chú tìm ra một người từ 60 tuổi trở lên không có bệnh về xương khớp cháu sẽ trả áo Bs lại cho bệnh viện về làm nông dân trồng lúa với ông bà già cháu ở quê ngay.
Đó có lẽ là một điều chắc chắn. Tôi nghe và nghĩ vậy.
Phóng xe ra đến ngã tư Bảy Hiền tôi thấy phố phường hôm nay sao đẹp và đáng yêu thế. Ai nói là sức khỏe quý như vàng. Phải nói là sức khỏe quý hơn vàng nhé.
Kệ. Mất ba ngày lằng nhằng trong Thống Nhất nhưng xác định được cái cột sống với vùng thắt lưng hay nhức mỏi không bị gì cũng tốt.
Hôm sau lên trường, gặp ông thầy trưởng khoa tâm lí ở nhà vệ sinh, hai thầy trò vừa kéo khóa quần giải quyết nỗi buồn vừa nói chuyện rôm rả. Vô tình ổng hỏi tôi dạo này sức khỏe chú thế nào. Tôi kể lại câu chuyện 3 ngày làm bệnh nhân nội trú với vụ chụp MRI cho ông PGS già nghe. Ông vỗ vai tôi đánh đét: Chết rồi, vậy là chú mi bị thằng Thống Nhất nó cho sập bẫy rồi. Tôi há hốc mồm: Thầy nói sao chứ em có thấy nó sập bẫy gì em đâu. Ông trưởng khoa tâm lí cười to: Chú lại ngây thơ nữa rồi. Bà vợ tôi là BS chuyện gì mà tôi không biết. Số là cuối năm rồi mà cái khoa nội thần kinh nó chưa đạt đủ số lượng bệnh nhân điều trị nội trú trong năm theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm nên nó bấm với mấy vị BS phòng khám là kéo cho nó mấy bệnh nhân nhập vô nội trú, chỉ cần mỗi vị nhập 3 ngày là ok. Đấy, chú mi là nằm trong số đó.
Ối trời ơi. Lại có cả cái gọi là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chết tiệt đó trên đời này nữa sao.
Chuyện đã hai năm bây giờ mới kể.
Không có sức khỏe sẽ không đi đến Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, 24/12/2018



20 tháng 3, 2020

Tự cách li


Ai đó nói nhờ có đại dịch covid Vũ Hán (bắt chước Ngài Trump thêm chữ Vũ Hán cho bõ ghét) nên mọi người bỗng dưng sống chậm hẳn lại. Với tôi không chỉ chậm mà còn rất chậm, thậm chí là đứng yên.
Nhà mỗi hai vc già. Vợ thì hình như luôn có việc gì đó ở dưới bếp dù đến bữa mỗi người chỉ ăn hết đúng một chén cơm, ăn rau quả là chính, ít nhất thì bả cũng ngồi máy khâu may một cái gì đó. Có 2 đứa con thì một đứa ở nhà nội nó trên Phú Nhuận cách nhau chỉ hơn 5km. Nhớ cháu ngoại vô cùng nhưng không dám đi thăm vì sợ không may nhiễm dịch cho cháu nên hàng ngày chỉ gặp cháu bằng con đường video call. Hôm qua đến Bibomart mua một túi quà lên thăm cháu thì ông ngoại đứng từ xa cách cả 30m còn bà ngoại lại gần trao quà qua cổng cho cháu. Rồi... về. Ông cháu nhận ra nhau cùng vẫy tay chào như thủ tướng vẫy tay chào dân chúng. Con bé út thì đang làm việc ở Queensland. Hôm qua nhắn về là ngôi làng nơi nó ở và nhiều Tp của Úc cũng đã đóng cửa với thế giới bên ngoài để ngăn chặn dịch covid, dù nơi nó ở rất trong lành và vẫn an toàn.
Nó ở xa thì lo cho mình ở nhà, mình ở nhà lại lo cho nó ở xa. Khộ.
Nhân loại cứ như là đang bước vào một cuộc thế chiến thứ 3 mà không hề có tiếng súng nổ, chỉ có những xác người nối nhau đưa vào lò hỏa táng. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ hay đây là một giải pháp của thiên nhiên và cả xã hội để cân bằng sinh thái.
Người phương Tây như Anh, Đức, Ý... thì không sợ chết vì họ đều theo đạo thiên chúa và quan niệm rằng chết là được về với chúa, được lên thiên đàng nên họ rất bình thản trước cái chết và đại dịch. Chỉ có người Việt ta là cuống cả lên. Rất sợ chết. Đây cũng là lí do giải thích vì sao đang giữa mùa dịch mà người phương Tây vẫn tung tăng đi du lịch khắp thế giới và nhất quyết nói không với khẩu trang.
Tôi. Sáng thức dậy nhìn đồng hồ đã 7h. Vớ điện thoại xem có thêm ca nào không. Lên sân thượng nhẩn nha tập thể dục (là uốn éo vặn mình mấy cái để chống gai cột sống), tưới mấy cái cây. Nhẩn nha ăn sáng. Cuối cùng là nhẩn nha mở máy tính lướt web, vô fây xem có ai lai, xe, còm... gì không.

Tự cách li

Rồi nghĩ ra một cái gì đó để viết linh tinh post lên cho cả thế giới biết.
Đúng là may còn có internet cứu rỗi.
Hôm kia thằng Quang Ngọc Nguyễn gọi xuống rủ rê hay là nhà tao với nhà mày (tức là 4 ông bà già) lên Đà Lạt kiếm cái KS nào đó nghỉ dưỡng mấy ngày cho sướng, tất cả đều đang đại hạ giá. Thồi, mày ơi. Nhỡ có chuyện gì lại ân hận. Ở nhà ngồi yên cho nó lành.
Nhưng mà ngồi yên như thế này sao tôi thấy nó tiêu cực quá.
Không biết ở mấy khu cách li trên Củ Chi hay bên Cần Giờ có cần tình nguyện viên không nhỉ. Nếu có tôi đăg kí đi làm ngay.

18 tháng 3, 2020

Chuyện tôi vô đoàn chui


Có một ngày chủ nhật tôi đi Bà Rịa ăn cưới con trai anh Mậu Đàn, bạn học cùng lớp 12AK2. Thằng cu này là con đầu của anh Đàn, đã 45 tuổi, làm trưởng ban gì đó của Liên đoàn LĐ tỉnh BR.
Hồi học lớp 12A với tôi, cả lớp chỉ duy anh Mậu Đàn là người đã có vợ con, con của anh Đàn chính là thằng cu này, đã ra đời từ hồi xa xưa đó. Vậy mà đến nay đã sau 45 năm, nó mới lấy vợ. Anh Đàn nói với tôi trong nụ cười tươi hơn cả địa chủ được mùa: Tao cứ tưởng nó không lấy vợ nữa, ai dè..., may thế. Hôm cả 2 cha con đến trường tôi ở Nguyễn Văn Tráng Q1 gửi thiệp mời, anh từ trên xe hơi bước xuống bắt tay tôi nhìn bộ dạng tự hào hãnh diện còn hơn cả ngày 30 tháng Tư năm 75 bộ đội ta ngồi trên xe tăng chạy thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập.
Nhưng tôi viết chạp này không phải để nói chuyện đó.
Sáng hôm đi đám cưới, tôi cùng Lê Văn Ngọ ra sân bay bắt xe đò Phương Nam về Bà Rịa. Đến nơi mới 10h, thấy ngay Nguyễn Ngọc Lân đang đứng cười tươi ở bên đường. Lân cùng đi lính đợt tháng 9 năm 72 với tôi. Huấn luyện xong tôi làm lính bộ binh đi thẳng vô B2, còn hắn làm lính hải quân ở ngoài Bắc. Sau giải phóng tôi trở lại trường còn hắn do tiến bộ nhanh nên ở lại lâu dài trong quân đội rồi về hưu với quân hàm thượng tá hải quân. Rồi định cư luôn ở Tp. nghỉ mát Vũng Tàu.
Tôi đã gặp lại Lân 1 lần vào năm ngoái khi đưa Lê Sơn từ Thanh Hóa vô xuống Long Hải chơi thăm anh Đàn. 44 năm tôi mới gặp lại Lân, người bạn học cùng quê, cùng lớp đại học. Nếu không nói trước tôi sẽ không nhận ra nó, vì thấy Lân khác quắc so với 44 năm trước.
Riêng Ngọ và Lân thì sau đúng 45 năm mới giáp lại mặt nhau, 2 thằng chuyện trò ríu rít. Đám cưới còn 2 tiếng nữa mới mở màn, 3 thằng tôi kéo nhau vô quán café gần đó tán chuyện.
Nhắc lại kỉ niệm xưa, nói về chuyện đời đã qua. Lân nhớ và nhắc lại chuyện hồi đó cả lớp chỉ mỗi tôi là chưa vô đoàn làm xấu mặt cả đám dân Quảng Bình. Tôi mới kể lại câu chuyện hồi mới vô năm nhất ở Quỳnh Thạch, tôi ở trọ cùng nhà với Nguyễn Khắc Chi dân Lệ Thủy. Hằng đêm hai thằng nằm ngủ chung trên một cái chõng tre bé tí bằng cái giường trên tàu hỏa bây giờ. Một hôm trời mùa đông lạnh giá, Chi đi họp chi đoàn lớp, tôi không phải đoàn viên nên ở nhà trùm mền ngủ. Khuya Chi về đập cái bốp vô đống chăn: dậy tau nói chuyện họp cho mi nghe. Chuyện chi. Thì có chuyện chi mô ngoài vụ mi chưa phải là đoàn viên. Họp chi đoàn chúng nó nghi mi không đủ tư cách làm sinh viên sư phạm, nghi mi đi học chui. Vì hồi đó Bộ Đại học có qui định phải là đoàn viên mới đủ tư cách đi học ĐHSP. Các đại học khác không cần đoàn viên vẫn học được, riêng ĐHSP ra làm thầy thiên hạ nên yêu cầu vào trường phải là đoàn viên. Trong lúc mi không phải đoàn viên cũng chui vô đây học. Không đủ tư cách là đúng rồi. Rồi răng nữa. Tôi lo lắng kiểu này chắc chúng nó đuổi tôi về quê, không cho học nữa. Chi nói, cả chi đoàn biểu quyết trăm phần trăm ra nghị quyết hết năm nhất phải kết nạp cho được thằng Hà Tùng Sơn vô đoàn.
Ôi trời, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thế rồi hết năm thứ nhất, chuẩn bị vô học năm thứ 2, chẳng hiểu vì sao tụi nó vẫn không thèm thực hiện cái nghị quyết thiêng liêng đó, tôi vẫn chưa được làm cánh tay phải đắc lực của đảng. Nhục thế.
Tháng 9 năm đó, năm 1972, sau một mùa hè lao động cật lực, phải làm những việc mà tôi chưa bao giờ làm như gặt lúa ở nông trường Trịnh Môn Quỳnh Lưu, đắp đê 42 ở Hưng Nguyên, đúng ngày 10 tháng 9 năm 1972, tôi cùng Lân và 12 thằng con trai lành lặn, khỏe mạnh, đẹp trai, hào hoa nhất của lớp 12A K2 lên đường nhập ngũ. Để lại sau lưng cái cổng gạch cổ xưa của làng Lăng Thành với cây đa già rũ bóng, từ biệt gần 60 bạn học còn lại của lớp, chúng tôi ra đi mà không hẹn ngày trở lại.
Lạ là cho đến lúc đó, cái lúc đi ra chiến trường với cái chết chờ sẵn ở phía trước, chúng nó – cái chi đoàn lớp 12AK2 ấy vẫn không chịu thực hiện cái nghị quyết mà chúng nó đã đề ra từ hơn 1 năm trước là kết nạp tôi vô đoàn. Để đến khi lên đoàn huấn luyện 22A ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, tôi mặc định trở thành đoàn viên dù không có lí lịch đoàn viên, không có giấy chuyển sinh hoạt đoàn. Cả đời tôi chưa bao giờ được dự một cái lễ gọi là kết nạp đòan. Vậy rõ ràng là hồi đó tôi vô đoàn chui.

4 tên học cùng lớp đại học 12A K2 tại Long Hải. Trái sang: Nguyễn Mậu Đàn, HTS, Nguyễn Ngọc Lân, Lê Đăng Sơn

Nếu bây giờ mà có đứa độc mồm độc miệng nào viết đơn tố tôi lên Ủy ban kiểm tra trung ương chắc tôi cũng bị xử lí kỉ luật đau đớn như lão Vũ Huy Hoàng là cách hết mấy cái chức hồi tôi còn làm việc cho nhà nước cách đây đã nhiều năm rồi.
Nghe tôi kể lại chuyện này, 2 thằng Ngọ và Lân cười ngất. Thằng Lân cười to đến nỗi cô chủ quán cfe phải quay lại nhìn 3 thằng tôi như nhìn 3 lão khùng ở đâu mới xuất hiện trên đất Bà Rịa.

Tại biệt phủ của anh Nguyễn Mậu Đàn ở Long Hải, trái sang: Nguyễn Quang Ngọc, Lê Văn Ngọ, HTS, Nguyễn Mậu Đàn

Sau ngày chiến tranh kết thúc, tháng 12 năm 1975, tôi rời lính trở lại trường học tiếp đại học ở lớp 16D K2. Anh Đậu Văn Phúc bạn học cùng lớp 12A ngày trước làm bí thư chi đoàn, tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ đoàn trường, một hôm gặp tôi ở sân trường hỏi: HTS đi bộ đội về vẫn chưa vô đoàn à. Răng anh lại hỏi rứa, tôi tự ái hỏi lại. Thì tau thấy chú mi không lên văn phòng đoàn trường làm thủ tục nhập sinh hoạt đoàn. Ồi, em đảng viên rồi anh ơi.
Anh Phúc khi đó dù là cán bộ đoàn trường vẫn chỉ là đoàn viên, chưa vô đảng, nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên như kiểu: sao cái thằng ni lại vô đảng được nhỉ, hay là hắn lại vô chui.