31 tháng 12, 2021

MUÔN KIẾP NHÂN SINH hay là: Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin

 

Tôi vốn không tin vào một giáo lí nào. Sống ở đời thấy cái gì hợp lí với mình thì tôi làm, dù có thể điều đó không hợp lí với nhiều người khác.

Nhưng trong giáo lí nhà Phật hay nói về luật nhân quả, điều đó thì tôi tin. Không phải là tôi tin Phật giáo mà là tôi tin vào một điều mà mình cho là hợp lí. Trên thực tế phật giáo ở VN ngày nay đang ngày càng tào lao hóa nếu không nói là đang lưu manh hóa. Tôi cam đoan 100% tất cả những tay thầy cúng đều là những tên đại bịp.

Nhân quả là do con người tự tạo nên. Điều này cũng giống như ta trồng một cái cây. Ta chăm bón thương yêu thì cây sẽ tươi tốt, ngược lại cây sẽ cằn cỗi và chết. Trồng cây hãy nâng niu ngay từ khi nó mới thuộc về ta. Cây tươi tốt hay hiu hắt rồi chết đi đều do một tay ta. Đó gọi là nhân – quả.

Khi được đọc cuốn Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, một GS Việt kiều Mĩ với tên thường được biết đến trong giới đại học là GS. John Vu (Ông cũng chính là tác giả cuốn sách bất hủ Hành trình về phương Đông ra đời từ 45 năm trước, 1974), tôi càng thấm thêm điều đó.



Muôn kiếp nhân sinh đã được xuất bản và tái bản ở hàng chục nước trên thế giới. Ở VN đã được tái bản lần 2 vào tháng 3/2020 bởi NXB Tổng hợp TP HCM.

Ngày hôm qua tôi đã thức đọc từng trang của Muôn kiếp nhân sinh và vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, liên hệ với những trang đời của mình và quanh mình.

Tết đoan ngọ ngày mùng 5/5 âm lịch mới đi qua, tôi thấy nhiều người mua về một chùm xương rồng treo trước cửa để xua đuổi ma quỉ và mong may mắn về cho mình.

Tôi chả tin vào điều tào lao ấy nên chưa bao giờ làm.

Tay hàng xóm trước nhà tôi là một người cực kì mê tín. Cửa nhà hắn treo đầy cây xương rồng. Hắn cúng bái vô cùng nghiêm túc, sùng tín phật giáo đến mức quanh năm bàn thờ phật trên lầu luôn sáng đèn; nhà hắn còn treo đủ thứ gương bát quái trước cửa dọi chiếu hết tà ma sang nhà hàng xóm đối diện... Nhưng hắn sống thì rất phiền toái. Mấy chậu cây để trên ban công hắn tưới nước chảy tùm lum xuống người đi đường, đứng trên ban công hắn khạc nhổ xuống đường như nhổ vô thùng rác, nuôi chó cho phóng uế bừa bãi trước nhà hàng xóm; hút thuốc phun khói mù mịt và ho sù sụ, hát karaoke mở âm lượng hết cỡ... Tôi nhìn cách sống của tay hàng xóm và nghĩ hắn sống như đang tự sát.

Nhưng hắn lại có một điều rất tốt. Mấy lần con gái tôi ra khỏi nhà quên khóa cửa, cổng ngõ mở toang. Từ ngoài cổng nhìn vô phòng khách thấy không một bóng người. Thế là anh ta bắc cái ghế ngồi canh sang nhà tôi chờ cho đến khi thấy bóng người trong nhà thì kêu to ra đóng cổng lại. Không có anh hàng xóm tốt bụng có khi nhà tôi đã bị trộm khoắng mấy lần.

Điều tốt đó khiến tôi bỏ qua hết những điều xấu của ông hàng xóm.

Thế rồi bỗng một ngày tháng tư năm ngoái, tôi thức dậy lúc gần sáng thấy bên nhà anh hàng xóm đèn đuốc sáng choang. Giữa nhà là cỗ quan tài đỏ chói. Anh ta ngã bệnh từ chiều, vô BV được một lúc thì chết. Vợ con chở về làm đám.

Tôi bất ngờ đến sửng sốt và giật cả mình. Anh ta mới 56 tuổi. Tôi không thấy ghét nữa mà bỗng thấy thương anh ta vắn số.

Cách sống theo lối tự sát của anh ta đã mang lại hậu quả đen tối một cách nhãn tiền.

Nói Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin là vậy.

@ Có một cuốn sách ảnh rất đẹp vừa mới xuất bản của nhà nhiếp ảnh Minh Đạo. Đó cũng là một cuốn sách quý. Tác giả đem tặng cho một người bạn của tôi, người bạn đó thấy ảnh trong sách quá đẹp nên tặng lại tôi. Tôi nhận rồi bỏ luôn vô túi, về đến nhà lật ra xem thì ngay trang đầu thấy tác giả ghi là tặng cho một ông nào đó tên là Vương Đình Huệ, UVBCT, BT thành ủy HN. Vậy thì chắc là ông Huệ bí thư HN sẽ nhận được một cuốn mà lời đề tặng sẽ là cho một cái tên khác. Một sự nhầm lẫm không có gì tai hại và thấy cũng dễ thương. Đáng lẽ ra cuốn sách ảnh này đang nằm trên bàn làm việc ông Huệ thì giờ đây nó đang nằm trên bàn làm việc của tôi. Sự đời có những cái ngẫu nhiên tưởng như đến vô lí thế mà vẫn cứ có lí.

 

30 tháng 12, 2021

NGUYỄN CÔNG THẮNG CHUYỆN CHƯA KỂ

 

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Nguyễn Công Thắng đã mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang Phúc An Viên quận 9. Đó là điểm đến cuối cùng trong đời làm người của tất cả chúng ta, chỉ là ai trước ai sau mà thôi. Hôm qua khi đến viếng Thắng ở Bình Thạnh, Trịnh Sâm, Ngô Quang Hiển và tôi ngồi lại khá lâu, nhắc lại nhiều kỉ niệm với Thắng ngày còn ở Quy Nhơn. Ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất hồn nhiên.

Nguyễn Công Thắng là lứa sinh viên cuối cùng của chế độ VNCH. Năm 1975 khi đang học năm 4 khoa văn ĐHSP Huế thì cách mạng tràn về, giải phóng ùa vô, trường đóng cửa cả năm trời. Phải qua năm 1976 Thắng mới tốt nghiệp và nhờ thành tich học tập xuất sắc, anh được giữ lại trường làm giảng viên, ngày đó gọi là cán bộ giảng dạy.

Những năm sinh viên Huế trước giải phóng, Nguyễn Công Thắng tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, cũng xuống đường biểu tình tranh đấu, làm thơ ca ngợi quê hương như rất nhiều SV yêu nước thời đó. Anh là thành viên của Tổng hội HSSV Huế trước giải phóng.

1980, Thắng chuyển vào dạy ở khoa văn ĐHSP Quy Nhơn. Chúng tôi biết nhau từ đó. Cái nhìn đầu tiên của tôi khi gặp Thắng là một người đàn ông rất lãng tử. Anh có dáng cao nhưng không to cũng không mảnh khảnh, để ria, tóc hơi dài lượn sóng, mặc quần jean, nói năng nhỏ nhẹ nhưng hài hước và thẳng thắn. Nhìn Thắng phong độ như nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa.


Thắng nghiên cứu và giảng dạy phần văn học Việt Nam thời kì trung đại với những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... Có hôm tôi và Thắng cùng lên lớp ở 2 phòng học sát nhau. Tôi dạy lớp năm 2. Thắng dạy lớp năm 3.
  Tôi ngày đó đã vô lớp là “gào thét” như Lỗ Tấn, còn Thắng vẫn nhỏ nhẹ như các nhà nho VN thời phong kiến. Giờ giải lao chúng tôi ra hành lang hút thuốc, Thắng nói: Tôi dạy bên này mà nghe hết bài giảng về thơ Đường của ông ở bên kia. Tiết sau tôi cố gắng kìm lại cho nhỏ nhẹ như Thắng nhưng chỉ được 5 phút là đâu lại vào đó.

Thời đó một số lớp đều có SV là bộ đội đi học. Họ không phải là bộ đội xuất ngũ mà đang là quân nhân, được cử đi học để về làm giáo viên các trường văn hóa quân đội. Mấy SV lính này có tác phong quân đội nên nhiều khi gây hiểu nhầm giữa thầy và trò. Có vụ hiểu nhầm đến suýt to chuyện. Có hôm tôi đang lên lớp cho năm 2 thì ở cửa xuất hiện 1 ông nai nịt gọn gàng, dập gót dày dõng dạc: Báo cáo giáo viên tôi vào lớp (trong lúc đáng ra phải xin phép: Thưa thầy em đi trễ). Rồi thản nhiên về chỗ ngồi mà không đợi tôi cho phép trước sự ngỡ ngàng của cả lớp. Đã đi học trễ còn làm oai. May thay tôi đã từng mấy năm đi lính, từng là lính SV nên rất hiểu và không đếm xỉa gì mấy chuyện đó. Tôi phớt lờ cho yên chuyện. Kiêu hùng, kiêu hãnh, kiêu binh và công thần đều từ mấy ông lính SV hoặc SV lính này mà ra. SV bình thường đâu có thế.

Nhưng Thắng thì không thế. Một hôm Thắng vào dạy cho lớp năm 3, thấy một ông mặc đồ bộ đội ngồi cuối lớp vẫn đội nguyên cái mũ vải mềm gắn ngôi sao bộ đội trên đầu. Thắng bảo: Anh ngồi cuối bỏ mũ xuống. Nhưng anh SV lính đó nói thưa thầy em làm đúng điều lệnh nội vụ ạ. Thắng ngạc nhiên: Điều lệnh nội vụ là sao. Dạ, là được đội mũ vải mềm khi hội họp ạ. Nhưng đây là lớp học, tôi không cho phép anh đội mũ trong lớp học. Đề nghị anh bỏ xuống. Thầy trò cứ thế đấu lí qua lại trong sự bối rối của cả lớp. Chuyện lên ban chủ nhiệm khoa. Thầy chủ nhiệm khoa cũng phân vân không biết ai đúng ai sai bèn phân công tôi, khi đó là trợ lí tổ chức khoa qua gặp bộ chỉ huy quân sự tỉnh hỏi cho ra nhẽ.

Tôi cầm giấy giới thiệu của trường qua tỉnh đội gặp 1 ông sĩ quan điều lệnh ở phòng tham mưu thì được giải thích: Quy định thì mũ vải mềm quân nhân được phép đội trong lớp học nhưng phải theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Người chỉ huy cho phép thì đội còn nếu không cho phép thì phải hạ xuống. Trong trường hợp cụ thể, người chỉ huy là GV đang lên lớp. Trường hợp này thầy Thắng làm đúng và người SV lính kia lập luận và thực hiện cứng nhắc, tưởng đúng mà không đúng. Tôi ghi hết nội dung trên vào 1 tờ giấy nói anh sĩ quan điều lệnh kí xác nhận vào. Về trường tôi ghé qua phòng Thắng khi đó cùng ở trên lầu 3 tu viện khu tập thể CBGD. Đọc tờ ghi chép của tôi xong Thắng thở phào. Tôi hỏi: Giờ ông tính sao, có nên cho tay kia một mẻ không. Thắng suy nghĩ rồi nói: Bỏ qua đi ông ạ, đừng chuyện bé xé ra to. Tôi qua VP khoa báo cáo hết cho thầy trưởng khoa, kể cả ý của Thắng. Thầy trưởng khoa gọi anh SV lính kia lên, 3 mặt 1 lời. Anh kia tâm phục khẩu phục, xin lỗi. Hết chuyện. Nhưng tôi thì nhớ mãi sự độ lượng và dung dị của Nguyễn Công Thắng trong vai trò là một nhà giáo. Tôi học được từ Thắng bài học về ứng xử. Sau này chuyện to mấy tôi cũng cho là chuyện nhỏ.



Tết Nguyên đán 1983, Thắng cùng vợ con và mấy đứa hội độc thân chúng tôi ở lại trường ăn tết mà không về quê, đơn giản là về quê tàu xe quà cáp tốn kém quá mà túi chúng tôi thì chẳng có mấy đồng. Để an ủi, công đoàn trường mổ heo cấp cho mỗi cán bộ ở lại trường ăn tết 3 kí thịt. Chúng tôi mừng rơn. Chiều 28 Tết nhận thịt về kho kho nấu nấu thơm lừng. Khi đó chúng tôi còn độc thân, mỗi Thắng có vợ con. Thắng qua nhận thịt thấy mớ đuôi heo khoảng 2 kí hỏi mua luôn. Về nhà, Huề vợ Thắng, một cô giáo cấp 2 rất giỏi nấu ăn và nội trợ, làm thành 2 món: Đuôi heo luộc chấm mắm gừng và đuôi heo nấu với các loại củ kiểu súp hay cà ri gì đó ăn với bún. Rồi vợ chồng Thắng gọi hết hội độc thân bọn tôi qua ăn tất niên. Làn đầu tiên tôi ăn món đuôi heo ngon như thế. Giòn giòn sật sật, ăn vào cứ sậm sựt trong miệng rất khoái khẩu. Mãi sau này tôi mới biết đuôi heo là món ăn bổ dưỡng như 1 vị thuốc: Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực cho đàn ông, làm đen râu tóc, mịn da, hồng hào vân vân.

Sau này Thắng chuyển chỗ ở ra khu tập thể GV ở 260 Lê Hồng Phong. Đó cũng là chỗ ở của những nhân vật nổi tiếng như Trịnh Sâm, Huỳnh Thông, vợ chồng anh Thủy chị Thân, Huỳnh Chín... nên thỉnh thoảng tôi với Nguyễn Ngọc Quận Hán Nôm hay đạp xe ra đó chơi, la cà chuyện tào lao và nhất là xem có gì ăn không. Khi tôi chuyển qua làm việc ở Đài TH Quy Nhơn, 181 Lê Hồng Phong thì rất gần 260 nên vẫn hay qua chơi để gặp gỡ bạn bè. Có hôm đang làm việc ở đài thì Thắng qua gặp tôi ở cổng: Trưa ông đừng về nhà, ghé qua tôi ăn bún bò Huế. Bà Huề nấu. Đó là món tủ của tôi. Trưa hôm đó tôi qua làm luôn 2 tô. Ngon gì đâu.

Năm 1999, Thắng rời Quy Nhơn về làm biên tập ở đài PTTH Quảng Ngãi. Được 1 thời gian ngắn thì chuyển vô Sài Gòn làm ở báo Lao động, rồi qua làm tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho đến ngày nghỉ hưu.

Thắng siêng viết tản văn, thơ, kí đăng trên các báo. Đã in mấy đầu sách. Cuốn nào ra cũng tìm bạn bè kí tặng. Năm 2018 khi in xong cuốn sách dày Vẩn vơ nơi ga xép Thắng lên tìm tôi tận ĐHHS, Nguyễn Văn Tráng Q1 kí tặng và cafe.

Hôm tháng 10 mới đây, giữa đại dịch covid Sài Gòn mỗi ngày tử vong trên 400 người, TP phong tỏa như giới nghiêm, chết chóc bao trùm, 11 giờ đêm Thắng gọi cho tôi từ Bình Thạnh hẹn nhau ngớt dịch mấy anh em khoa văn ta kéo nhau về khu du lịch Bình Châu (Bà Rịa) nghỉ dưỡng vài ngày, ăn ngủ, tắm nước khoáng nóng thiên nhiên và chuyện trò cho đã. Chưa kịp thực hiện thì hôm nay, Thắng đã về an nghỉ ở Phúc An Viên.

Thắng bị ung thư đã 4 năm nay nhưng giấu biệt mọi người. Vẫn sống lạc quan, ung dung, tự tại. Vẫn viết lách, làm thơ và in sách.

Vĩnh biệt bạn, Nguyễn Công Thắng. Hãy an giấc ngàn thu.



 

 

 

29 tháng 12, 2021

CHUYỆN CẬU BÉ NGỒI GÁC CHÂN LÊN GHẾ

 

Đó là cậu bé có dáng người nhỏ con nhất lớp nhưng lại ngồi một mình một bàn ở cuối lớp trong lúc các bàn khác đều có hai người ngồi.

Ngồi một mình cũng được, ngồi cuối lớp cũng chẳng sao. Cái không bình thường và nhìn rất chướng mắt là lúc nào cũng thấy cậu bé bắc cái chân phải lên ghế kiểu đầu gối quá tai nhất là khi cái đầu cậu bé luôn cúi xuống mặt bàn để ghi chép những điều thầy giảng vào vở. Nói chướng mắt thôi chứ tôi không bực, không ghét bỏ gì cậu bé bởi đi dạy nhiều năm với đủ các kiểu học trò, tôi đã gần như miễn dịch với những điều không bình thường từ phía người học.

Một buổi lên lớp của tôi

Nhớ có lần vào một lớp năm 3, từ trên bục nhìn xuống tôi thấy một cô sinh viên diện quần short jean loại bạc phếch lại rách te tua duỗi nguyên cặp giò trắng bóc dài miên man gác lên cả hàng ghế phía trước. Lệ ở trường đại học này sinh viên được phép làm những gì nhà trường không cấm kể cả mặc áo hai dây và quần short lên lớp. Dù không thích tôi cũng không thể tỏ thái độ được.

Nhờ thế mà tôi ngày càng miễn dịch và càng có tuổi tôi càng thấy mình dễ tính. Chứ như hồi mới ra trường chắc tôi không để yên, thế nào cũng xỉa xói vài câu về phép lịch sự tối thiểu nơi giảng đường rồi đến đâu thì đến.

Nhưng đó là ở trường đại học nơi mà mỗi sinh viên đều đã đủ tuổi công dân, họ được toàn quyền chịu trách nhiệm về mọi hành vi của họ miễn không vi phạm nội quy nhà trường và pháp luật nhà nước. Còn đây là lớp học ở trường phổ thông, một cậu bé mặc đồng phục của trường khi ngồi học không thể bắc chân lên ghế. Cậu bé như một búp măng cần phải được uốn nắn để luôn mọc thẳng. Đó cũng là trách nhiệm của tôi và của nhà trường. Đó cũng là mong muốn của phụ huynh khi gửi con đến trường nhập học.

Nghĩ nếu cứ thế này mãi đời cậu bé sẽ khổ vì cái thói quen đậm chất miệt vườn gây chướng mắt mọi người ấy tôi tìm cách tạo ra cơ hội để sửa sai cho cậu bé. Cơ hội rồi cũng đến. Khi nói về tính cách các nhân vật văn học nói riêng và tính cách con người nói chung trong cuộc sống, tôi đã dẫn chứng và phân tích để các em thấy là nhiều khi chỉ qua một biểu hiện rất nhỏ của một người chúng ta cũng có thể hiểu được toàn bộ tính cách của người đó. Chẳng hạn khi xem phim trên tivi, nếu các em thấy có một nhận vật nhà quê kiểu hai lúa ít học, thiếu hiểu biết về phép lịch sự tối thiểu thì khi diễn xuất đạo diễn thường để họ ngồi gác chân lên ghế ngay cả khi đang ngồi trong một phòng khách sang trọng với bộ xa lông rất đẹp.

Vừa nghe đến đó tôi để ý thấy cậu bé ngồi cuối lớp đã hạ ngay cái chân phải đang bắc lên ghế xuống. Đồng thời cả lớp cũng ngoái lại nhìn xuống cậu.

Một chút bối rối đến với cậu bé nhưng tôi làm bộ tỉnh bơ như không thấy gì nói tiếp: Vì thế trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng rèn luyện để tạo nên những thói quen đẹp mắt, từ đó sẽ có một tính cách đẹp.

Chuông báo hết tiết. Cả lớp đứng dậy chào thầy rồi túa ra hành lang. Tôi cũng xách ba lô ra khỏi lớp. Ở phía dưới cậu học trò nhỏ con không ra chơi mà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, đầu cậu bé vẫn cúi xuống tập vở đang để mở. Tôi thấy mừng và nhẹ cả người vì đã không có cái chân nào bắc lên ghế.


 

28 tháng 12, 2021

TIN BUỒN

 

Anh NGUYỄN CÔNG THẮNG

Nguyên CBGD Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Huế

Nguyên CBGD Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Quy Nhơn

Thành viên Phong trào TNHSSV trước 1975 của Phong trào Huế, vừa từ trần lúc 19h 15’ ngày 27/12/2021.  

Quê quán: Quảng Ngãi – Huế

Sinh năm 1952

Do lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được gia đình và bác sĩ tìm mọi cách chạy chữa nhưng không qua khỏi;

Đã từ trần lúc 19h15’ ngày 27 tháng 12 năm 2021, nhằm ngày 24 tháng 11 năm Tân Sửu, tại tư gia, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Hưởng thọ 70 tuổi.

Lễ nhập quan lúc 16h ngày 28 – 12 – 2021.

Lễ động quan vào lúc 7h ngày 30 tháng 12 năm 2021.

Sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, TP Hồ Chí Minh

Bạn bè, đồng nghiệp xin được chia buồn sâu sắc đến gia đình bạn NGUYỄN CÔNG THẮNG.

Vĩnh biệt NGUYỄN CÔNG THẮNG, một nhà giáo tâm huyết, tài hoa và nghệ sĩ.


 

Đôi nét về Anh Nguyễn Công Thắng (Theo Facebook Trịnh Sâm)

Nguyễn Công Thắng (ĐHSP Huế 71-75) nguyên giảng viên ĐHSP Huế, đại học Quy Nhơn, Phóng viên báo Lao động, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh Huế từ năm 70, lúc còn học sinh Q.Học đã có bài thơ nổi tiếng " Đứa bé và ổ bánh mì" bút danh là Nguyễn Thạch Lan.Bài thơ đăng đầu tiên trong tập san Kết Hợp của HS Quốc Học Huế. Tập san một thời sôi nỗi vì những bài báo bài thơ tuổi học trò nhưng đầy khắc khoải của một thế hệ dấn thân. Tập san học trò in typo 1.000 bản đã buộc Ban Giám hiệu và Hội đồng giáo viên trường QH bấy giờ mất đến 10 phiên họp “xét xử”. Thầy giáo Ngô Kha, người cũng có bài viết với học sinh của mình trong tờ báo đã hùng biện trước các phiên họp của Hội đồng GS nhà trường để đề nghị cho phát hành. Nhưng cuối cùng tờ báo cũng vẫn bị thu hồi vì “tội khuynh tả, phản chiến…”. Bài thơ sau này được đăng trong tập san Thái Hòa, Tin Yêu, và in trong tập Thơ Học Sinh Huế do Khối Báo Chí THSV Huế ấn hành. Ở Huế, Thắng là bạn rất thân cùng lớp 12C Quốc Học và hoạt động chung với những anh em phong trào đô thị Huế những năm 70 như Bửu Nam, Trần Văn Hội. Mê văn chương triết học. Trước lại học 11B ban Toán, sau Tú tài bán phần chuyển sang ban Văn Chương. Thắng từ Trần Quí Cáp Quảng Ngãi ra.

Thời gian học ĐHSP Huế, Thắng tham gia làm báo Thái Hoà, Đất Mới…

Sau 75, sau khi rời Đại Học Sư Phạm Huế, Thắng vào dạy Đại Học Quy Nhơn, rồi bỏ vào Sàigon làm báo, làm ở báo Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho đến lúc nghỉ hưu và sống ở Sài Gòn cho đến ngày qua đời.

Thắng làm thơ hay và thi sĩ thứ thiệt, viết mấy tập tản văn báo chí, khi bệnh Thắng định viết một tập khảo cứu các bài thơ hay theo cách tiếp cận Ký Hiệu Học, Phong cách Học. Mới viết được 6, 7 bài thì mất .

Thắng còn một tập thơ chưa in và một tập thơ đã xuất bản “Ngồi Nhớ Xa Xăm”.

Sau này thơ Thắng đăng nhiều ở Báo Thanh Niên, Tạp Chí Thơ, Tạp chí Sông Hương…

( Trích nguồn từ anh Duy Hiền- Huế )

( Nguồn từ FB của nhà báo Quốc Vĩnh).

 


Chuyện bằng cấp

 

Vụ bằng cấp mua bán thật giả ở ĐH Đông Đô vừa rồi đúng là kinh thật. Nhưng mà đó là chuyện thường ở xh ta ngày nay. Tôi có nhiều năm làm việc ở ít nhất 3 trường ĐH và 1 trường CĐ nên thấy cái xh ta nó trọng bằng cấp quá ư là ghê gớm. Vì thế mà nhiều người phải tìm cách để có tấm bằng đi xin việc làm. Bằng cấp càng cao xin việc càng dễ. Ở cơ quan nhà nước cũng thế mà ở các trường ngoài công lập cũng vậy.

Tại 1 trường tôi từng làm việc, có 1 anh ThS nhưng rất giỏi quản lí nên được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng. Uy tín ngời ngời. Tuổi trẻ tài cao. Nhưng mỗi lần hội họp thấy các quản lí khác cứ được giới thiệu Ts X Phó Hiệu trưởng, Ts N trưởng khoa vân vân, trong lúc anh chỉ ThS phó HT, anh ta thấy mất khâu oai nên bỏ tiền ra ĐH Đông Đô mua tấm bằng cử nhân tiếng Anh, làm được cái TS. Từ đó anh ta cũng được đổi thành họ tiến. Mỗi lần giới thiệu cũng TS Z Phó HT như ai. Ai dè vụ Đông Đô đổ bể, bộ CA gửi thông báo những người mua bằng cử nhân tiếng Anh giả về, trong đó có tên anh, thế là anh ta bị mất sạch chức vụ, mất luôn cả cái TS, phải nghỉ việc luôn. Nếu cứ để yên cái ThS thì giờ này anh ta vẫn là PHT, chức vụ lương bổng ngút ngàn.

Cái cách giải quyết khâu oai nhiều khi cũng giết chết cả 1 con người là thế.

Bằng cấp tào lao thường có 2 loại: được làm giả và bằng thật được mua. Phát hiện ra loại bằng giả chỉ cần một chút nghiệp vụ. Tuy vậy trong số người dùng bằng giả có người có trình độ, vì một lý do nào đó mà họ không thi để lấy bằng thật, nhưng vì thủ tục bắt buộc phải có bằng nên họ phải mua, việc này tương đối dễ. Còn phần lớn người dùng bằng thật mua được lại chẳng có trình độ tương ứng.

Nói chuyện tôi.

Tốt nghiệp ĐHSP Vinh năm 1979, tôi cầm tờ quyết định của Bộ GD về ĐHSP Quy Nhơn nhận công tác mà không được cấp bằng tốt nghiệp cũng không có bảng điểm gì hết như SV ngày nay. Lệ thời đó quy định phải sau 3 năm ra trường được nơi công tác nhận xét (Đi kèm với 1 bản tự kiểm điểm cá nhân) đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp ĐH. Quay lại trường ĐH đã học mới được cấp bằng tốt nghiệp ĐH. Nhưng tôi ra trường đi làm cả chục năm, chuyển ngành từ nơi này qua nơi khác, từ Bộ GD qua Bộ VHTT, có cả QĐ tiếp nhận và bổ nhiệm của Bộ VHTT mà trong hồ sơ vẫn chưa có nổi tấm bằng tốt nghiệp ĐH. Thế mà có sao đâu. Chưa một lần thấy ai hỏi bằng cấp tôi đâu, dù chỉ 1 lời.

Tấm bằng tốt nghiệp ĐH không hợp lệ vì thiếu dấu chìm đóng vào ảnh tự dán thêm vô của tôi

Mãi đến năm 1992, trong 1 chuyến đi công tác Hà Nội, đi qua Vinh, tôi mới nói anh lái xe rẽ vô trường cho tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp làm kỉ niệm và bỏ vô hồ sơ cho đầy đủ. Vô Phòng TCCB ngồi chờ 30 phút thì thầy TP mang ra cho tôi 1 tấm bằng TN bìa cứng to như bàn tay. Tôi không kịp lật ra xem, cảm ơn thầy TP rồi lên xe đi tiếp ra HN giữa trưa nắng thành Vinh gió lào như quạt lửa. Lên xe tôi mới thong thả lật ra xem thì thấy cái bằng TN ĐH của tôi còn không có cả con dấu giáp lai, không có cả dấu chìm của trường ĐH đóng vào ảnh. Tôi chột dạ, bằng này mà ai kiểm tra thì dứt khoát là không hợp lệ, bị nghi là bằng giả không chừng. Nghĩ lúc nào rảnh rỗi sé ghé lại trường xin đóng dấu bổ sung sau.

Nhưng từ bấy đến nay, sau khi nghỉ hưu ở QN rồi vào TP HCM, tôi gửi hồ sơ xin làm việc ở mấy trường ĐH, đều được tiếp nhận suôn sẻ, không thấy ai có ý kiến gì về tấm bằng ĐH rất tào lao của tôi. Đã thế tôi còn được mời dạy cho 4 trường ĐH nữa.

Trong lúc những người có bằng ĐH, rồi cả bằng TS thì bị phát hiện là bằng giả tùm lum.

Ảnh: Tấm bằng tốt nghiệp ĐH không hợp lệ vì thiếu dấu chìm đóng vào ảnh tự dán thêm vô của tôi.

 

27 tháng 12, 2021

Láng giềng gần

 

Vừa ngủ trưa dậy thì có tin nhắn qua Zalo của chú láng giềng (quê gốc Cần Thơ khoảng 35 tuổi làm công nhân, biết nhà tôi là GV nên cả nhà 2 vc và 2 đứa con bé tí bằng ngón tay út đều gọi tôi là thầy xưng con) chung tường bên phải nhà. 2 Tháng nay giãn cách không thấy mặt nhau dù 2 cái sân thượng cao ngang nhau. Chú này là thợ điện, mỗi khi nhà tôi có bóng đèn cháy cần thay, quạt hay máy lạnh trục trặc cần lau rửa là chú đem đồ nghề qua giúp ngay. Tôi tin tưởng nhà chú đến mức mỗi khi có việc đi đâu mấy ngày thường gửi chìa khóa nhờ trông nhà và tưới cây giùm. Có lần đi tưởng hôm sau về nên không gửi, khi về cây vẫn xanh tươi. Thì ra chú để ý thấy nhà tôi đi vắng qua đêm nên chiều chiều trèo qua sân thượng tưới cây cho tôi. Khi về có báo cáo lại là như thế như thế.



Tin nhắn của chú hỏi nhà tôi đã chích ngừa VC chưa, đêm qua mưa to nhà thầy có bị sao không, có gì cần kêu con nha. Yên tâm con, nhà thầy không sao hết, có gì thầy kêu.

Đêm qua SG mưa đến 3 tiếng đồng hồ, mưa sầm sập. Nhiều nhà bị ngập lụt. Tôi nằm thương những người trực chốt covid vẫn bám nhiệm vụ ngoài đường.

Cũng tối qua, có cô học trò cũ ở Quy Nhơn nt hỏi thăm tình hình và giới thiệu có cô con gái là dược sĩ nhà gần nhà tôi (cách vài km) cho biết: Cháu đang làm tình nguyện cho chiến dịch chống covid, cháu ở trong Hội Y Dược hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Em sẽ nói cháu kb zalo, FB và liên lạc với thầy, có gì nó còn hỗ trợ thầy.



Chút sau thì có tin nhắn kb zalo và facebook:

Dạ thưa thầy con là con mẹ P đây ạ. Mẹ con đã nói về thầy cho con biết. Có gì xảy ra thầy nt trên zalo, facebook hoặc gọi ngay cho con nhé. Không chỉ về chuyên môn, thuốc men mà cả đồ dùng, thực phẩm thầy cần gì cứ nhắn gọi con mua giùm nha.

Mua láng giềng gần là đây chứ gì nữa. Những láng giềng và học trò, rồi con của học trò làm ta ấm lòng hơn giữa một Sài Gòn đang trong đại dịch và đầy sự chết chóc. Sự nguy hiểm và chết chóc nhiều và ghê rợn đến mức làm cho ngay cả những trái tim thép cũng tan chảy.

 

26 tháng 12, 2021

CHẢ CÓ CÁI DẠI NÀO GIỐNG CÁI DẠI NÀO

 Cô bạn học cùng lớp đại học gọi cho tôi vào lúc nửa đêm với giọng thảng thốt. Anh Sơn ơi giúp em với.

Tôi lo lắng, chắc bạn mình có vụ chi nguy cấp lắm mới gọi vào giờ này và với cái giọng như cháy nhà đến nơi ấy.

Bình tĩnh. Hãy hít một hơi thật sâu rồi có chuyện gì nói anh nghe.

Anh đảng viên lâu năm rồi chắc có nhiều kinh nghiệm, làm sao giúp con bé em ra khỏi đảng.

Thế rồi cô bạn mới kể lại đầu đuôi câu chuyện.

Con gái bạn tôi học giỏi ngoan, từ năm thứ 3 đã được trường đại học kết nạp vào đảng. Đó là một niềm tự hào hồn nhiên của tất cả người VN chúng ta từ ngày có đảng đến nay. Nhớ hồi giải phóng miền Nam đang làm quân quản ở Sài Gòn, ba tôi đã viết cho tôi một bức thư dặn rằng nếu chưa trở thành đảng viên thì con hãy ở lại quân đội phấn đấu khi nào được kết nạp đảng rồi hãy trở lại trường đại học. May mà tôi đã được chi bộ C20 thuộc đảng ủy Phòng Tham mưu Sư đoàn 341 kết nạp ngay đêm trước ngày ra quân trở lại trường. Chuyện này có đồng đội Hoàng Tấn Quả nhớ rất rõ vì Quả có đọc bức thư ấy và thỉnh thoảng gặp nhau bạn vẫn nhắc lại..

Trở lại trường hợp của con gái bạn tôi.

Ra trường do giỏi chuyên môn nên cháu thường xuyên được cử đi làm việc ở nước ngoài. Mấy năm trước thì làm ở Singapore. Từ năm ngoái cháu được chuyển qua làm việc lâu dài tại Mĩ. Đi thì được mang cả gia đình chồng con đi theo với công ăn việc làm và học hành đầy đủ. Đó cũng là một niềm tự hào nữa. Bố mẹ nào mà không tự hào về điều đó dù cô bạn tôi rất kín tiếng ít khi kể về con cái với tất cả niềm tự hào mà không ít ông bố bà mẹ chỉ muốn khoe to với cả thế giới ấy bởi có người có cháu chỉ mới tốt nghiệp mầm non mà đã khoe ầm ĩ trên fây rồi.

Vấn đề ở chỗ là vì sang Mĩ lâu năm, làm việc có thu nhập cao, cháu đủ điều kiện làm thẻ xanh để cư trú lâu dài và từ đó có thể nhập quốc tịch Mĩ – niềm mơ ước của hầu hết nếu không nói là tất cả những người thuộc phe XHCN chúng ta. Tuy nhiên, điều kiện để nhập tịch cư trú lâu dài của Hợp chủng quốc Hoa Kì là người đó phải có xác nhận không phải là đảng viên CS. Bởi ở Mĩ, có 2 loại người bị coi là không đủ tư cách làm công dân Mĩ. Đó là những người theo chủ nghĩa phát xít và những người theo chủ nghĩa cộng sản. Tôi có ông bạn đi Mĩ về đã thầm thì như buôn thuốc phiện kể lại câu chuyện ở bên đó có hai khu tượng đài quan trọng mà ai đặt chân đến nước Mĩ cũng thường đến. Đó là khu tượng đài tưởng niệm những nạn nhân của chủ nghĩa phát xít và khu tượng đài tưởng niệm những nạn nhân của chủ nghĩa CS.

Con gái bạn tôi biết trước chuyện này nên từ mấy năm trước khi ra nước ngoài làm việc đã lẳng lặng từ bỏ sinh hoạt đảng. Nghĩa là nó đã không còn tên trong danh sách hơn 3 triệu con người được xem là thuộc lớp người ưu tú của nước Việt Nam nữa. Nhưng với người Mĩ không đơn giản như thế. Cơ quan nhập cư Mĩ cần một cái giấy xác nhận từ một cơ quan đảng CS ở VN (ít nhất cũng cấp đảng ủy phường) là cháu không còn là đảng viên CS nữa. Bạn tôi đã chạy khắp nơi nhưng đến đâu cũng không xin được cái giấy xác nhận cho một thực tế rất rõ ràng ấy. Chuyện tưởng đơn giản mà thành ra rất nan giải.

Vì thế mà bạn tôi đã gọi nhờ tôi, người ở trong đảng từ ngày giải phóng đến nay xin tư vấn.

Đúng là ở đời chả có cái dại nào giống cái dại nào. Người xưa thường nhắc chuyện tái ông thất mã cũng là để nói về những chuyện tương tự như thế này.

Ai có cao kiến gì giúp bạn tôi không.

Lớp ĐH của tôi


 

25 tháng 12, 2021

Vũ điệu của tâm hồn

(Đọc tập thơ Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng, NXB Thuận Hóa, 2021)  

Trên VHSG

Cảm nhận rõ nhất khi đọc Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng (NXB Thuận Hóa 2021) là cảm hứng được trở về lại với cuộc sống đời thường sau những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước trong vai trò là một người lính thực thụ ở chiến trường Tây Nguyên của bản thân tác giả. Bởi đó là đề tài nổi bật nhất trong tập thơ này của anh.



Các nhà tâm lí học vẫn nói về một trạng thái tinh thần khá phổ biến ở những người lính bước ra từ cuộc chiến là họ thường mang căn bệnh hội chứng thời hậu chiến. Nguyễn Xuân Sùng nằm trong số những con người như thế. Chỉ có điều cái gọi là “hội chứng” đó ở anh lại được toát ra từ ngòi bút của một người làm thơ khi cảm xúc tràn về. 50 năm, tròn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng tác giả – người lính Nguyễn Xuân Sùng vẫn nhớ về một địa danh giản dị được quân ta lấy làm điểm vượt tuyến từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu: Khe Xom, đường Chín. Đi qua rẻo đất này là người lính đã ở về phía chiến trường ác liệt. Có một cái gì rất thiêng liêng khi tác giả viết:

…Điểm vượt tuyến năm xưa lần đi trong đêm

bồng bềnh nỗi nhớ

Dấu chân mờ tỏ

ngút ngàn lau trắng trong sương

trùng quân đi

đạn rít

bom gầm…

(Con đường hạnh phúc)

Giữa điệp trùng quân đi với đạn rít bom gầm vẫn hiện lên một ngàn lau trắng trong sương. Đó là một cảnh tưởng vừa hiện thực lại vừa rất lãng mạn. Nó mang hơi hướng bi tráng của người tráng sĩ Kinh Kha từ biệt vua nước Yên để vào đất Tần giết vua Tần trả nghĩa cho vua Yên trong thơ Trung Hoa cổ. Người lính trong thơ Nguyễn Xuân Sùng đi ra chiến trường nghĩa là đi vào chỗ chết nhưng không hề bi quan, sợ hãi. Cũng vì thế mà khi viết về cuộc chiến tranh đã qua, Nguyễn Xuân Sùng ít nói về sự chết chóc, hi sinh mà anh thường miêu tả về vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Đó là tình bạn, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn giữa chiến trường:

Đồng đội ơi, đêm nay, biết anh đau, thêm một lần lấy thân nối liền con đường ra mặt trận.

Nước mắt chảy vào trong, mồ hôi ròng trên trán, thức cùng Anh sẻ núi băng rừng.

Cặp kính nhòe đi

Bao lần không nói.

Quặn đau

(Cha Quang)

 

Tập thơ Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng

Ngày hết chiến tranh trở lại Truông Bồn, nơi chiến địa đã trở thành lịch sử của những chiến sĩ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến anh hùng, tác giả vẫn thấy hiển hiện đâu đây tình cảm máu thịt của những người đã nằm xuống vì đất nước:

…Chúng mình

chẳng thể cách chia

vẫn chung lán

chung con đường

năm ấy

Vẫn giữa truông

hun hút gió lào…

(Cây xanh ở Truông Bồn)

Đọc thơ Nguyễn Xuân Sùng bạn đọc sẽ nhận thấy khi nói về tình đồng đội trong chiến tranh cũng chính là khi anh nói về nhân cách cao cả của người lính. Họ lặng lẽ chiến đấu và cũng lặng lẽ hi sinh nhưng vẫn rộn rã tiếng cười lạc quan:

…Đường trơn

Bom dội

Dép tụt quai

Nghiêng ngả tiếng cười…

(Mưa đồng đội)

Và chính vì thế, lòng yêu đất nước, yêu quê hương cũng là một chủ đề thường trực lấp lánh trong thơ Nguyễn Xuân Sùng. Ngôi mộ cỏ là một bài thơ như thế. Đến Lam Kinh nhìn ngắm ngôi mộ của đức vua Lê Thái Tổ Lê Lợi, anh bỗng thấy tự hào vô cùng về một vị hoàng đế  lừng danh đang ngủ yên trong một ngôi mộ phủ dày cỏ xanh ở kinh đô xưa:

…Nấm mộ xanh bình dị

Bình yên, da diết

Một màu xanh

Xanh thẳm

Với mây trời…

(Ngôi mộ cỏ)

Ca ngợi vua Lê xưa, Nguyễn Xuân Sùng cũng vô cùng tự hào về người con vĩ đại mà cũng vô cùng giản dị đời thường của quê hương Quảng Bình ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh đã rất khéo ngợi ca Đại tướng từ những thành ngữ quen thuộc:

…Ông đi thanh thản nụ cười vui

“Dĩ công vi thượng” một con người

“Văn lo vận nước văn thành Võ”

“Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”…

(Quê hương đón Bác)

Cũng là viết về Đại tướng với những lời ngợi ca, nhưng trong một bài thơ ra đời khi lên thăm Điện Biên Phủ, Nguyễn Xuân Sùng đã có những câu thơ hào sảng thắm đượm tự hào, bởi ca ngợi Võ Nguyên Giáp cũng chính là ca ngợi đất nước:

…Thung lũng Mường Thanh đầy hoa thơm quả ngọt

Thành phố trở mình vươn dậy với mùa xuân

Sáu chục năm rồi

Mường Phăng

nhớ

Anh Văn…

(Điện Biên mùa xuân)

Khi cầm bút làm thơ, Nguyễn Xuân Sùng đã biết cách đi từ những cái tiểu tiết tưởng như nhỏ nhặt để làm bật nổi lên chất anh hùng ca của những vĩ nhân lịch sử. Đó cũng là một đặc điểm rất đáng kể về nghệ thuật dùng từ trong thơ Nguyễn Xuân Sùng, không cầu kì, bóng bẩy mà vẫn súc tích và nhiều ý nghĩa. Nói thơ anh dễ đi vào lòng người đọc cũng là vì thế. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy những câu thơ như thế của anh trong Vũ điệu tháng giêng mà bài thơ Cô gái Mường Lò là một ví dụ:

…Con gái Mường Lò như mây ngũ sắc

“Đổn hổn”*nhịp nhàng ngã nghiêng trong ánh mắt

Rượu cần chưa vít đã nồng môi

Có kịp về đêm hội “nọong” ơi…

(Cô gái Mường Lò)

Cái cách tác giả đưa tên những điệu xòe nổi tiếng của các cô gái Thái vào thơ quả là rất ngọt và tài tình. Cứ như chỉ cần đọc lên đã thành thơ vậy. Hãy nghe Nguyễn Xuân Sùng viết về làng quê anh với những câu thơ da diết:

…Tháng năm ơi, (sống mũi cay xè)

Phía cuối làng cây gạo đỏ hoe

Nơi đầu bãi, gốc đa trùm xanh mát

Cây Trầm Ná trang nghiêm trầm mặc

Dòng Gianh trong…

Con nhận ra làng…

(Làng)

Tình bạn bè, tình đồng nghiệp cũng là một chủ đề chiếm nhiều bút mực trong Vũ điệu tháng giêng của tác giả Nguyễn Xuân Sùng và anh đã để lại những vần thơ nổi trội nhất của tập thơ cũng như đã để lại cho độc giả nhiều cảm xúc lắng đọng. Từ một sinh viên khoa văn nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 1970, hết chiến tranh trở về trường cũ học tiếp, ra trường sống với nghề dạy học cho đến ngày về hưu, Nguyễn Xuân Sùng có rất nhiều bạn bè chí cốt. Và với ai anh cũng sống hết lòng, với ai anh cũng là tri âm, tri kỉ. Bạn đọc sẽ lấy làm xúc động khi nghe anh kể về một người bạn từ Phú Yên ra thăm anh giữa trưa hè Ba Đồn gió lào quạt lửa, anh thương bạn chịu nóng không quen, ước gì sắm được cái máy điều hòa đãi bạn:

…Trưa Quảng Bình vẫn chang chang cồn cát

Vù vù cánh quạt

Vẫn không vơi cát bỏng gió lào

Tao quen rồi

Nắng chẳng sao đâu

Chỉ thương dặm đường xa

Giá mày gánh nặng…

(Gửi bạn Phú Yên)

Hoặc trong bài Bạn cũ, anh đã có những câu thơ gợi nhớ một thời sinh viên đói khổ mà chỉ những ai đã học đại học trong những năm bao cấp sau chiến tranh mới có thể thấu hiểu:

…Hành hương ta về chốn cũ

Còn không dấu cũ trường xưa

Còn không chỗ đào rau má

Khoai lang – tím tận bây giờ…

(Bạn cũ)

Cứ thế, thơ Nguyễn Xuân Sùng nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc và để lại những dư âm tốt đẹp đầy nhân bản.

Xuất bản Vũ điệu tháng giêng lần này, Nguyễn Xuân Sùng công bố với bạn đọc 55 bài, một con số khiêm tốn. Đó là một tập hợp những bài thơ do tác giả tuyển chọn trong sáng tác vài năm gần đây của anh. Chứng tỏ Nguyễn Xuân Sùng làm thơ rất chắt chiu và cũng rất trân trọng mỗi lần cầm bút. Anh không thuộc dạng tài hoa đến mức xuất khẩu thành thơ nhưng trong những hoàn cảnh để cho cảm xúc tràn về, thơ anh xuất hiện. Chẳng thế mà ở cuối tập thơ, Nguyễn Xuân Sùng đã có Lời bạt như là một lời bộc bạch chân tình rất dễ thương của anh gửi độc giả nói về lí do anh đến với sáng tác thơ ca. Trên thế giới này, mỗi nhà thơ đều có một con đường riêng dẫn đến với thơ ca, Nguyễn Xuân Sùng cũng có con đường của riêng anh. Và đó là một con đường rất hợp lẽ tự nhiên.

Là một cây bút quen thuộc của vùng đất Quảng Bình giàu thơ văn nhạc họa, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác văn học, với sự ra mắt của Vũ điệu tháng giêng Nguyễn Xuân Sùng có thêm một bước tiến mới trong cuộc đời cầm bút của anh.


Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/vu-dieu-cua-tam-hon-tieu-luan-ha-tung-son/