Truyện ngắn của Lê Quang Phương
Tràng sanh số kiếp nổi nênh
Anh khoanh tay buông bã đứng nhìn. Thui
thủi một mình. Bộ quân phục tả tơi. Nòng súng đỏ lòe bốc khói xanh lẹt. Bóng
anh to lớn trong cảnh u tịch. Chập choạng tà dương và nhập nhòa âm khí. Thoắt
cái anh đi đâu… Này đầu. Này tay. Này
ruột, với xương, rồi nhiều, rất nhiều những người lính cùng hiện nguyên
hình hài cạnh anh. Rồi lại tả tơi. Rồi lại nát tan. Này đầu. Này tay. Này xương
trắng xương xanh…
1
Một buổi sáng đào tìm không được một mảnh
xương nào. Buổi chiều cụ Thống Nhất cầm hương vái thiên địa, vái vong linh tất
cả những người đã tử trận rồi khẩn cầu:
“ …Hồn
ơi hồn hỡi! Hồn ông Lê Cả hãy về nhập cốt. Hồn ngoại quốc hãy về ngoại quốc.
Đây chỉ gọi hồn tìm cốt ông Lê Cả, nguyên quán tại Đại Yên làng, Việt Nam Quốc.
Hồn hỡi hồn ơi! Mưa dầm sùi sụt, hanh heo gió buốt, hồn ơi hãy nhập. Chỉ đúng
một lần. Anh hùng tử sĩ, lạnh lẽo cõi âm..... Dương gian thương nhớ… niên đà
mấy chục, nhục đâu cốt đâu. Hãy chỉ ra mau, lên xe lên tàu về quê cùng quán.
Nhập váo nhập vào. Hồn ơi hồn hỡi! Khắc nhập! Khắc nhập!”
Mưa Trường Sơn lạnh giá. Mấy chục người dầm
nước tay run mặt tái không còn chút hi vọng. Chúng tôi trở về nhà cụ Thống Nhất
trong tâm trạng u sầu. Cô Út, em gái tôi vừa đi vừa thút thít: “Ới anh ơi! Anh nằm đâu chỉ chỗ cho các em
để các em đem anh về…!”
2
Ngày
đó tôi bơi qua sông Sêrepok, cuộn một bó cây lòng em về cho trung đội nấu canh
chua. Nước xiết mạnh cuốn tôi trôi nhanh về thác. Con thác này đá nhô lởm chởm.
Người hay voi sa xuống đều bị nhồi cho mềm thịt rời xương. Tôi nghe tiếng đồng
đội hô “bỏ rau đi mà bơi”, “ Khó thoát, khó thoát!”. Lại còn có cá
ăn thịt òm ọp bơi lùa, đớp hụt vào chân. Người tôi tê cứng vì biết mình đang
cận kề cái chết.
Có ai tiếp sức cho tôi. Ai đó đội vào bụng
tôi, có người túm tóc tôi mà kéo, khiến tôi bơi vào được bờ. Đồng đội tôi ngạc
nhiên và cả quyết rằng tôi có ông bà ông vải từ ngoài Bắc đi theo để cứu giúp.
Khi nồi canh chua nấu chín, ông trung đội trưởng bảo tôi bưng một Ăng-go canh
dâng cao ngang đầu trong tư thế đứng nghiêm. Ông hô cả trung đội tập hợp rồi
nghiêm trang khấn rằng: “Các con xin cảm
ơn ông bà ông vải và những ai đã cứu sống đồng chí Lê Ba và cho chúng con được
ăn bát canh chua cua rừng. Chúng con cầu xin anh linh các cụ theo chúng con để
tránh được đạn bom”.
Đêm đó tôi thấy anh và đồng đội anh thoảng qua
.
Ngày tiểu đoàn tôi chạy từ rừng về đánh Long
Khánh, đêm đó liên lạc và giao liên rồi cả trinh sát dẫn quân đều bị mất phương
hướng. Khi biết bị lạc, cả tiểu đoàn tê dại, đứng im trong đêm tối mịt mùng.
Không ai dám cất bước. Bộ đàm bị vô hiệu hóa. Đêm đen khủng khiếp. Cái chết rập
rình. Nhiều người sợ hải, run rẩy. Nước đái tuôn ướt sũng đũng quần. Câm nín và
lạnh toát như có nòng súng kề vào gáy. Có bóng người kéo tôi, rồi tôi kéo tiểu
đoàn trưởng vượt lên dẫn đường. Cả tiểu đoàn bám sau lưng. Không có suy nghĩ.
Chỉ có hành động của những bước chân. Bóng người (hay ma) mà mỗi bước đi có ánh
lân tinh để lại cho tôi bước đúng vào đó. Tôi bước được bước nào thì người sau
đặt bàn chân đúng vào bước ấy. Chúng tôi đã qua được bãi mìn và quân phục kích
của đối phương. Qua hiểm nguy rồi, cái bóng ấy quay lại. Tôi sững sờ kêu “ Ớ… anh Cả”. Một thoáng anh cho tôi
nhìn rõ mặt. Là anh đây không nhầm với ai bởi vết sẹo tựa đồng tiền trinh nơi
thái dương trái. Cái vết sẹo là cú đánh của con trâu điên khi anh ghì đầu nó để
cứu người. bữa ấy anh đánh trâu đi cày.
Tôi bị thương trong trận đánh Trảng Bom. Tiểu
đội tôi lòng vòng thế nào mà lạc vào ổ mai phục của đối phương. Mười hai li tám trên chòi cao ràn rạt quất
rát mặt. Tiểu liên của ổ mai phục cũng nhằm vào tôi mà nã. Từ các bụi chuối tôi
lăn sang các đống mối. Có người lúc thì
dúi đầu tôi, lúc thì xô đẩy tôi tránh đạn. Tôi chỉ bị thương mà không chết.
Trung đội tôi cho tới ngày tiến vào dinh Độc
Lập, kì lạ thay, chỉ bị thương chứ không ai phải ngậm ngùi nằm lại chiến
trường.
***
Giải phóng Miền Nam xong tôi về đi học. Ngày
tôi ra nước ngoài, khi máy bay chuẩn bị qua không phận Việt Nam, tôi thấy bóng
anh với nét mặt nghiêm trang. Làm luận án tiến sĩ di truyền xong, tôi trở về
nước. Trên máy bay vừa nhìn thấy hải phận Việt Nam, tôi lại được gặp anh. Nét
mặt anh vẫn trang nghiêm như trước.
Tôi về nước, xây dựng gia đình, an cư lạc
nghiệp. Ngày con trai tôi ra đời, cô hộ sinh vừa nâng thằng bé mới lọt lòng lên
là tôi thấy thoáng bóng anh.
Nhiều đêm tôi nằm ngủ, vào lúc đêm khuya thanh
tĩnh là lúc anh về. Anh buồn. Anh không nói năng gì cả. Nhiều đêm, xác tôi cứng
đờ còn hồn tôi chạy theo anh đến một doanh trại. Tại đây tôi gặp nhiều người
lính là đồng đội của anh. Ai cũng buồn trong im lặng. Đó là cõi âm và người âm
là thế. Họ không nói năng như người trần. Ai may mắn được tiếp xúc với họ, chỉ
lặng im rồi thầm đoán xem hồn bảo mình điều gì. Nhiều lần anh về rồi đi, tôi
lại theo anh. Gặp anh nhưng không phải là anh. Rõ ràng nét mặt anh vừa đó với
vết sẹo tiền trinh rõ mồn một kia lại thành nét mặt người khác. Rõ là tay phải
anh đây mà tay trái lại là của ai. Tôi hoảng hốt trong đêm và nghĩ rằng ma là
vậy. Nhưng khi bình tĩnh lại tôi hoang mang vì ý nghĩ chiến tranh tan tành
xương thịt.
Ai đã từng bị bom tung lên nhồi xuống hoặc đạn
xuyên qua người, pháo toác bên mình mới biết được hồn lìa khỏi xác ra sao, hồn
nhập lại xác như thế nào? Cái khoảng không thời gian bạt vía kinh hồn ấy là lúc
vũ trụ nín thở. Còn nếu hồn vía lên mây không biết xác mình đâu nữa thì đó là
cái chết. Tôi đoán lúc nào anh cũng buồn vì hồn cốt lạc nhau. Cái chết đến
nhanh, hồn xác đột ngột tách rời, bơ vơ thất lạc.
Nhờ cuốn “Phong tục tập quán Việt Nam” mà
tôi biết cách chiêu hồn nạp mộ.
Các cụ trong họ Lê nhà tôi nhất trí và sửa
soạn gọi hồn anh vể nhập mộ. Truyền đời trong họ đều có người hi sinh nơi sa
trường. Tổ tiên tiền tổ cũng đã chiêu hồn nạp mộ. Người xưa trong quan ngoài quách ở quê nhà
nhưng thân xác vùi nơi chiến địa. Các cụ bảo đấy là nhà để hồn về. Xưa nay
chinh chiến mấy ai hồi. Đêm chiêu hồn nạp mộ, ông bác tôi vốn là sĩ quan từ
thời đánh pháp, hô mọi người đứng nghiêm. Các cựu binh đứng nghiêm theo quân
lệnh. Bác tôi đứng giữa đồng đội, cách xa những bó đuốc đang cháy hực hực. Ông
hô to: “Ba hồn bảy vía liệt sĩ Lê Cả từ
chiến trường về nhập mộ. Ba hồn bảy vía đồng chí Lê Cả từ chiến trường về nhập
mộ. Ba hồn bảy vía anh Lê Cả là con ông Lê Đại, là con cháu họ Lê ở Đại Yên về nhập mộ”.
Ba lần hô là ba lần ông tung bộ quân phục lên
xuống. Cũng là ba lần lá cờ đỏ sao vàng do bốn cựu binh giữ bốn góc xòe ra hứng
lấy. Ông bác dùng lá cờ cuộn bộ quân phục có hồn anh tôi đã nhập vào. Ông nâng
niu đặt vào tiểu sành. Các cựu binh đứng nghiêm đưa tay chào theo nghi lễ nhà
binh. Trong tiểu sành đã có một cái sọ dừa thay sọ người cùng nhiều cành cây núc
nác ngắn dài khác nhau thay xương giả cốt. Ông khấn nôm những lời tâm sự: “Đồng chí cháu về nhận mộ nhập cốt. Cốt của
đồng chí làm từ quả cây vườn nhà. Cây dừa cụ nội ngũ đại trồng, đồng chí cháu
hay trèo từ nhỏ. Cháu về ở với cha ông tổ tiên. Đừng vất vơ vất vưởng. Khi nào
có giặc giã, Tổ Quốc gọi, cháu lại huy động âm binh mà đi phù trợ dương gian
đánh giặc như các cụ nhà ta.”
Nghi lễ hoàn tất. Ngôi mộ nhỏ và thấp hơn
những ngôi mộ bề trên nhưng bia đá có khắc bởi dòng chữ: “Liệt Sỹ” .
Tôi thấy đã phần nào yên ổn trong lòng.
Ông bác tôi chỉ vào một ngôi mộ lớn rồi bảo :
- Đây là mộ Cụ hơn năm trăm năm rồi, gia phả ghi cụ tử trận vào……..
nhật……… nguyệt………. niên. Cốt tại Chi Lăng Aỉ, mộ tại Cồn Phụng xứ, hồn lai
giáng lô hương linh đài ngũ chi đồng kính phụng. Các cụ đời trước khi chiêu hồn
nạp mộ cũng tung áo gọi hồn rồi lấy ngọn cờ có chữ Nghĩa viết to, hứng bọc lấy
hồn rồi táng trong quan ngoài quách, linh thiêng kính cẩn hương khói truyền
đời. Nhờ vậy mà trước nay họ này không ai phản dân hại nước, chưa ai đào ngũ
hay trốn lính. Cụ thiêng lắm. Cứ lúc mình thấy cái chết vù đến là lúc cụ cứu nguy.
Hồn của cụ vẫn trấn giữ biên cương. Những ngày nghỉ phép cụ mới về quê. Mộ này
là nhà của cụ. Nhà thờ họ là nơi con cháu năm chi trong họ cúng báiphụng thờ và
giao lưu với cụ.
Tôi chợt nhớ lại những lần hồn vía anh cứu tôi
ngoài trận địa. Tôi quỳ xuống khấn: “…
Anh về nhiều lần mà em không hiểu. Nay anh linh thiêng nhập mộ, còn gì anh bảo em tiếp…”
***
Anh tôi nhập ngũ năm 1966. Đó là một ngày mùa
đông ảm đạm. Tôi đi tiễn anh từ mười giờ đêm đến tận bốn giờ sáng hôm sau mới
về. Ngày ấy đói kém quá chừng. Anh tôi lên đường nhập ngủ mà không được một bữa
cơm là cơm. Tôi nhớ cả nhà ăn một rổ sảo sắn luộc rồi anh gạt nước mắt ra đi.
Cả nhà tôi òa khóc. Cha tôi phải lớn giọng “
Im đi cho hắn đi”. Sau tiếng quát là tiếng nấc khan trong cổ cha. Đêm đó
sương mù dày đặc cùng trăng suông lạnh. Tôi lẽo đẽo đưa tiễn anh mười mấy cây
số và linh cảm anh đi sẽ mãi mãi không về. Năm 1968 tôi đang học cấp ba thì có
giấy báo tử, anh hi sinh ở mặt trận. Năm
1970 tôi vào bộ đội, theo chân anh vượt Trường sơn vào Nam. Nhà
tôi đã ảm đạm lại càng u ám thêm.
Anh đi không về. Tôi may mắn (và được anh che
chở) nên không bỏ mạng trong thời ấy. Tối tối cả nhà đang đầm ấm bên mâm cơm,
nhìn lên ti vi lại thấy đâu đó đang súng
nổ, tôi lại ngột ngạt và hoang mang. Rồi lại nhớ đến anh Cả. Nhớ bóng ma anh
thường bùng lên chút hào quang lạnh mỗi khi anh cho tôi nhìn mặt nơi chiến trường.
Nhớ cái vết sẹo tiền trinh trâu đánh bên thái dương không làm anh xấu đi mà lại
tôn thêm vẻ lực điền vuông vức của anh.Trong làng, trong họ nhà tôi, đàn ông
đều mang những tổ hợp gen tầm vóc cao
to. Quê tôi thường bảo người làng Đại Yên vào rừng hú lên thì hổ phải chạy, voi
phải tránh. Ngày xưa giặc giã và trộm cướp không
dám đến làng. Tên gọi của làng là Đại Yên vì lẽ đó. Người làng tôi là đội quân
tâm phúc thân tộc của cụ Lê Lợi khi dựng cờ khởi nghĩa. Tên bay, đói khổ, bệnh
tật khó tiêu diệt được nòi giống tầm đại làng này. Nhưng thời văn minh đã hạ gục
họ. Trong làng tôi, ngược lại với nòi giống sạch bệnh tầm đại xưa, nay các thế
hệ con cháu đang xuất hiện dị tật. Đến
bao giờ mới lấy lại tầm vóc lừng lững của trai làng Đại Yên. Vĩnh viễn không.
Đến bao giờ mới xóa được các đột biến có hại di truyền qua các thế hệ?
Tôi hiểu cái tiềm năng bí ẩn của cơ thể con
người bởi sự diệu kỳ của phân tử di truyền. Xương cốt con người chưa mất thì sẽ
còn có sự cảm ứng giao lưu với người sống. Hồn vía con người là một loại vật
chất tạo trường linh cảm. Tôi may mắn được người xưa trong dòng họ chọn để gửi
điềm báo. Đi tìm hài cốt anh tôi. Hồn vía gọi rồi, tìm cốt về để cùng nhập mộ.
Trong vòng Tràng Sinh - Mộc Dục - Đế Vượng – Suy - Tuyệt …mười hai quảng thân mệnh của một đời người thì Nhập Mộ mới
tròn một số kiếp. Bất hạnh là dở dang không tròn kiếp. Trong lòng tôi, nhập mộ
được cho anh là nhập mộ một cuộc chiến. Yên lòng. Cho dù thương tật của tôi
đây. Cho dù di hận chiến tranh trong con cháu tôi đây.
***
Tôi chọn ngày Đại Cát Minh Nhật, giờ Hoàng Đạo
để đi. Xưa theo bước chân anh, tôi cõng ba lô vượt Trường Sơn, đi cả gần năm
trời mới vào đến chiến trường. Nay đi tìm xương cốt của anh, đi trên đường Hồ
Chí Minh, một ngày đêm đã vào tới nơi xưa kia là chiến trường ác liệt nhất.
Bản sơ đồ tìm mộ bất ngờ được cô Út đưa ra,
lập tức nhiều bác xe ôm xúm lại xem xét và
thảo luận. Này đây hàng rào thép gai. Đây dòng suối dưới cao điểm “Cối
Xay Thịt”. Đây là sân bay dã chiến thời ấy. Kí hiệu này là máy bay lên xuống.
Đây là đường xe tăng thiết giáp vận hành. Cô Út nói: “Bác ấy bảo vẽ lại chiến địa ngày xưa.” Cả mấy chục người chìm
trong không khí linh thiêng huyền bí.
Chúng tôi đứng dưới chân một triền rừng . Xoay
sơ đồ đúng hướng, đối chiếu với thực địa từng chi tiết nhỏ. Đúng đây rồi, cả
nhà chúng tôi rưng rưng nước mắt. Thiên linh linh, địa linh linh, hồn linh linh
đã dẫn chúng tôi đi đúng chỗ.
Trời đã về chiều chúng tôi phải tìm nhà
trọ.
***
-Từ qua đến giờ cả nhà nôn nao bồn chồn – Cụ
Thống Nhất là chủ nhà trọ, nói chuyện với chúng tôi – Cứ như là có người bảo phải chờ ở nhà đón khách. Nơi đây ngày xưa quân của các bên chết lẫn lộn.
Thịt xương không phân biệt được lính Sài Gòn hay lính Việt Cộng. Mỹ đen Mỹ
trắng thì ném riêng sang một bên vùi vào một huyệt. Da vàng Sài Gòn hay Bắc
Việt ném cùng một bên mà chôn chung một mồ .
Sáng hôm sau, cụ chủ nhà huy động con cháu
cùng chi hội cựu chiến binh xóm bổ những nhát cuốc xuống điểm đánh dấu trên sơ
đồ. Rể cây bật lên. Sỏi đá bật lên. Mảnh bom, mãnh pháo và vỏ đạn bật lên. Cả
trăm người hồi hộp. Có những viên đạn tiểu liên còn nguyên vẹn xen lẫn với mấy
quả bom bi chưa nổ. Đào rộng ra và sâu xuống lại lấy được cả tiểu liên AK và
AR15, mũ sắt, bình-toong… Chiến tranh bị thời gian vùi trong lòng đất nay đang
được khai quật lên. Nét mặt những cựu binh đau đớn và tuyệt vọng.
Đào từ sáng đến quá trưa mà không gặp một mảnh
xương nào. Đạn bom súng ống còn đấy nhưng nào có xương cốt ai đâu. Cả nhà chúng
tôi đã truyền niềm tin cho mọi người, bây giờ chẳng biết nói sao với con cháu
cụ Thống Nhất và các vị cựu binh. Cụ Thống Nhất nói như ra lệnh : Tất cả về
nghỉ ngày mai tìm tiếp.
Nhà cụ Thống Nhất rộng thênh thang đủ cho mấy
chục người cuả gia đình anh em nhà tôi và con cháu nhà cụ. Hôm qua, lần đầu
thấy cụ Thống Nhất tôi cứ tự vấn mình rằng đã gặp cụ ở đâu đó, thân quen lắm
mà. Hình như đã gặp cụ trong mơ.
Cả mấy chục người không ngủ. Cô Út lại chập
chờn thiêm thiếp. Trời chưa sáng cô Út gọi cả nhà dậy. Cô nói:
-
Hôm qua bác Cả cho tôi thấy rõ mặt bác. Bác đi với một người gọi là Mệ. Mệ dắt
tay bác cùng nhiều bác khác vây quanh.
Mệ bảo nhiều bay lắm, nuôi bay tốn kém vì người nhà bay chi biết nơi mô mà
cúng. Cả ngàn đứa con nuôi. Bữa ni đứa mô nhận ra người nhà thì cho về. Mệ đánh
dấu điểm đây cho mà tìm.
Cô út lấy trên đầu giường ra một mảnh giấy.
Mọi người xúm lại. Cụ Thống Nhất nhìn và nói ngay: “Nhà mình chỗ ni. Mệ đánh dấu từ đây.”
Con cháu cụ Thống Nhất bắt đầu chỉ trỏ vào tờ
giấy rồi thảo luận. Một người khẳng định:
- Đúng rồi. Nơi đấy chúng tôi thường đi rừng qua. Khi đến đó tất cả đều
phải im lặng. Đây là điểm chốt thời chiến tranh sáu tám ác liệt. Bây giờ mọi
người chuẩn bị khẩn trương, ta đi.
Bỗng cụ Thống Nhất quay lại hỏi cô Út:
-
Mệ ra răng?
- Mệ xưng là Mệ.
- Người Mệ ra răng?
- Mệ như thế này…
Nét mặt tất cả người nhà cụ Thống Nhất đều biến
sắc. Họ như là đồng thanh.
-
Bà
cô, bà cô!
Hương được đốt lên, mỗi người một thẻ dâng lên
bàn thờ Bà Cô ngoài sân. Mọi người khấn gì tôi không rõ. Riêng tôi qùy xuống
vái ấp ba vái như là vái cao tằng tổ khảo nhà mình:
- Thưa Mệ! Con là…Cảm ơn mệ đã nuôi anh con
bốn chục năm nay. Cả nhà con mang ơn Mệ. Nay xin Mệ cho chúng con đón anh con
về.
Không ai cầm lòng. Nước mắt lại tuôn.
4
Trước mặt chúng tôi là những hố bom sâu hoắm.
Mệ đã đánh dấu nơi này và con cháu cụ Thống Nhất đem chúng tôi tới đây.
Nơi đây ngày xưa gọi là “Lò Tán Xương”. Bom
nổ sau đục vào hố bom nổ trước.
Nước dưới đáy hố bom trong đen huyền bí. Hơi
nước từ đáy hố cuộn lại rồi bị những luồng khí từ cõi âm đẩy dâng lên từng đợt.
Âm khí từ sâu trong lòng đất dồn nén làm cho nước đáy hố bom thỉnh thoảng lại
cồn lên rồi vỡ nứt, vọt ra thành những tiếng kêu ùng ục trầm trầm như từ cõi
hồng hoang vọng về. Bờ đá xám xịt, rêu và cây rừng mọc bám tạo cảnh hoang dã
chơi vơi.
Mặt trời đã xua tan mây mờ trên các đỉnh
Trường Sơn. Ánh nắng đang cuộn thành từng bó lao xuống những đáy hố sâu rồi
theo hơi nước vọt lên bắn vào các bờ đá xám. Những chiếc cầu vồng lung linh bảy
mầu treo hờ hững trong đáy hố sâu. Muôn vàn bong bóng nước biến màu nhỏ xíu
chứa linh hồn ẩn hiện bên trong. Những linh hồn chui ra chui vào bóng nước hoặc
bay chờn vờn quanh những chiếc cầu vồng chợt rõ
chợt mờ.
Chúng tôi đứng im lặng trước cảnh dương đang
cường âm đang thịnh. Âm dương đang tương giao, tương thế, quằn quại xô đẩy
nhau.
Ai cũng thấy mình yếu đuối cô đơn và nhỏ bé
trước cảnh kì dị của thiên nhiên và sự bi hùng của chứng tích chiến tranh.
Không ai bảo ai, mọi người xích lại với nhau và vây quanh cụ Thống Nhất.
Tôi bỗng thấy trong lòng hụt hẫng và mất hết
hi vọng tìm được hài cốt anh Lê Cả. Bom đạn đã đục vỡ nát tan lòng đá thì nói
chi đến xương thịt con người.
Dự định của anh em con cháu trong nhà sẽ làm
ma cho anh theo đúng phong tục làng Đại Yên. Sẽ hú gọi hồn vía ba lần về nhập
quan. Kèn trống một ngày đêm. Phát tang thành phục, điếu phúng hương hoa, mời
trà cùng thanh thủy, tiến tửu và chúc thực. Các cháu anh sẽ túc trực hầu bên
vái lạy người đến viếng. Hai hàng cựu binh lễ phục trắng bồng súng đi nghiêm
khi đưa hài cốt anh ra nghĩa trang. Làm lễ tam ngu, tuần thất, cúng cơm bữa một
trăm ngày. Làm giỗ đầu và lễ trừ phục để anh được nhẹ nhàng siêu thoát. Các dự
định ấy và những hố bom này.
-
Hồi nớ chỗ ni tơi bời ác liệt lắm. Cụ Thống Nhất cất tiếng nói. Đất đá lẫn lộn với xương thịt người ta
người mình người nó. Nửa năm trời không hết mùi xú uế. Ruồi nhặng bám xanh đen
cả khu rừng. Khi ruồi cất cánh bay thì che kín cả mặt trời. Đối phương không
lấy xác nên muốn xóa hết dấu vết bằng cách dùng bom dội lên bom.
Lúc này tôi hiểu vì sao anh Cả và Mệ lại đưa
chúng tôi đến Cối Xay Thịt và Lò Tán Xương. Người tôi rùng rợn làm sao.
Mọi người lẳng lặng bày lễ vật và thắp hương
khấn vái. Rất nhiều hoa được đem cắm vào đất, dắt vào kẻ đá, xếp thành bó. Cô Út bảo phải dâng nhiều hoa vì
các bác chết trẻ, toàn tuổi hai mươi.
Con trai tôi lấy từ ba lô ra lá cờ tổ quốc.
Đêm trước ở Hà Nội, anh Cả dặn phải đem cờ
theo. Khi thấy hài cốt anh thì lượm theo thứ tự, bắt đầu từ hộp sọ đến tứ chi,
Khẩu súng để dọc theo xương rồi lấy cờ
mà khâm liệm. Thực ra thì anh không nói
mà chỉ là bằng cảm ứng và tôi hiểu ra ngay. Anh đứng đó và thoắt cái là bộ
xương người. Tôi thấy tôi ngồi bên một bộ xương trắng sau khi cởi bỏ bọc ni
lông bằng tăng võng lính chiến ngày xưa. Thoắt thấy cờ tổ quốc. Anh đội mũ tai
bèo gắn quốc huy, đeo súng lên chốt. Khẩu súng AK đỏ nòng khói xanh loẹt. Chốt
chính là nơi này đây. Tôi thấy nơi đây có nét quen quen vì đã gặp trong lúc anh ra hiệu dùng cờ bọc xương ôm súng đem
về.
Tôi hiểu rằng hồn anh ao ước vậy chứ còn đâu
cốt với xương mà khâm liệm.
Cụ Thống Nhất lại cất tiếng:
- Nhiều cựu binh đã đến đây và gọi tên đồng đội mình. Các con cứ khóc đi
cho nhẹ lòng. Anh cháu kia hãy treo cờ lên như mọi người vẫn làm như vậy.
Màu đỏ tươi và vàng thắm của cờ sao nổi bật
trên nền xanh ngằn ngặt của núi rừng Trường Sơn. Phút chốc mọi người bớt dần
tâm trạng nặng nề và bắt đầu bình tâm dần lại.
Trời Trường Sơn trong xanh không một gợn mây.
Thật bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy biển xa thẳm phía đông. Như ai vừa vén đi đám
mây mờ che biển cả. Rừng núi xanh, trời xanh, biển xanh, cả một vũ trụ xanh mầu
xanh.
Câm nín đến nao lòng.
Mọi người lòng héo nhưng mặt đã tươi tỉnh lại
dần.
Con trai tôi bảo : “Cả nhà ta. Bố ơi! con đem ít đất ở nơi này về đưa vào mộ bác.” Vừa
nói con tôi vừa ra hiệu cho mọi người xòe
lá cờ ra để bọc nắm đất đá từ hai bàn tay run run của nó.
Lâu quá không ghé thăm bạn trên Blogsport. khỏe chứ?
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Thành thuốc, mình vẫn ổn. Vui khỏe nhé.
Xóa