28 tháng 8, 2017

Quy Nhơn và tôi - 1

Tháng 9 năm 1979 tôi tốt nghiệp đại học và dù trước đó đã có 3 năm 3 tháng đi lính trở về với quân hàm hạ sĩ một sao đè lên một vạch mềm bằng lụa màu vàng, tôi vẫn được ưu ái cử đi học thêm khóa sĩ quan dự bị 3 tháng ở Trường quân sự Nghi Kim để tốt nghiệp được phong quân hàm thiếu úy với một ngôi sao bạc nằm trên một vạch bạc. Tiếng là thành sĩ quan nhưng tôi chẳng những không thấy oai phong gì mà chỉ lấy làm căm hận thêm cái chế độ quân trường dã man chỉ vì trong thời gian học tôi suýt nữa bị kỉ luật đuổi học trả về trường đại học. Mà đã bị trường quân sự trả về trường thì chắc chắn tôi sẽ bị treo bằng, chuyển sang khu lao động Nghi Xuân trồng rau nuôi gà cải tạo lao động một năm sau đó mới được phân công đi dạy ở một trường cấp 3 nào đó, tan giấc mơ dạy đại học là cái chắc.
Mà lí do của vụ suýt bị kỉ luật thì có gì ghê gớm đâu. Lần đó, sau cả chục ngày nhập trường, đã ra thao trường học chiến thuật quân sự rồi nhưng lũ sinh viên chúng tôi, bây giờ gọi là tân cử nhân, vẫn không được bộ phận hậu cần cấp phát quân trang để huấn luyện theo quy định. Tôi khi đó do là cựu binh, đảng viên nên được cử làm tiểu đội trưởng đã cùng 6 tiểu đội trưởng đảng viên khác trong đó có Lê Trọng Minh bạn cùng lớp với tôi trong một tối sinh hoạt đại đội nhất loạt đứng lên phản ánh rất gay gắt về sự chậm trễ vô trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường đối với quyền lợi của học viên.
Trước sự thẳng thắn đến dũng cảm của chúng tôi (gồm 7 tiểu đội trưởng đều là cựu binh, đều là đảng viên), đám sĩ quan cấp tá lãnh đạo trường QS rất lấy làm tức tối. Bởi lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp chúng thấy một đám hạ sĩ quan cấp dưới lại dám đứng lên phê phán cả sĩ quan chỉ huy. Sự việc lập tức được cấp báo lên bộ tư lệnh quân khu IV. Ngay sáng hôm sau một chiếc com măng ca đưa một thiếu tướng phó chính ủy quân khu về làm làm việc với ban chỉ huy nhà trường. Trong buổi họp, 7 thằng tiểu đội trưởng chúng tôi bị khép vào tội chống lại cơ quan hậu cần, mà chống lại cơ quan hậu cần tức là chống lại quân đội, mà chống lại quân đội có nghĩa là chống đảng vì quân đội là của đảng. Ở chế độ này, chống ai cũng được nhưng đã chống đảng thì chỉ có nước đi tù hoặc chết. Sau buổi làm việc đó, ông đại úy đại đội trưởng có cảm tình với tôi gọi ra cho biết: Bộ tư lệnh quân khu IV đã ra quyết định kỉ luật bằng cách đuổi chúng tôi ra khỏi trường sĩ quan, trả lại cho trường ĐHSP Vinh giáo dục tiếp.
Nói tôi hận vụ đi học sĩ quan là vì thế. Bởi trước khi lên học sĩ quan dự bị, tôi đã có quyết định của Bộ Giáo dục cử vào làm cán bộ giảng dạy của Trường ĐHSP Quy Nhơn. Chỉ cần sau 3 tháng huấn luyện ở trường quân sự là về phòng tổ chức cán bộ nhận quyết định lên tàu Nam tiến. Hồi đó tốt nghiệp đại học mà được ở lại trường làm giảng viên cũng là cả một niềm tự hào cho bản thân và gia đình. Tôi đã viết thư về quê khoe với ba mạ tôi. Bây giờ thì biết ăn nói giải trình làm sao với ông cụ đây. Cả một tương lai tươi sáng của tôi tại ĐHSP Quy Nhơn tưởng đã cầm chắc trong tay vậy là bị dập tắt chỉ vì dám đứng lên đấu tranh cho lẽ công bằng.
Sau khi biết tin, tôi cùng Lê Trọng Minh và 5 đồng đội kia buồn vô hạn. Có người định ra đường tàu nhảy vô đầu tàu hỏa tự tử, có người tính đường viết thư tình nguyện lên biên giới phía Bắc chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược, thà chết ở biên ải còn hơn nhận án kỉ luật nhục nhã trở về trường đi lao động một năm ở Nghi Xuân.
Thế nhưng ở đời có những điều bí ẩn mà có khi đến chết cũng không giải mã được. Đó là trường hợp thoát án kỉ luật của tôi.
Sáng thứ 2 toàn trường có lễ chào cờ đầu tuần. Viên trung tá hiệu trưởng mặt quắt queo như mặt chuột nhìn gian ác dễ sợ bước lên đứng dưới cờ dõng dạc đọc quyết định kỉ luật của Bộ tư lệnh quân khu. Cả hàng quân im phăng phắc. Tôi là tiểu đội trưởng đứng ở đầu hàng quân lúc đó nhìn cái cột cờ và đám sĩ quan chỉ huy của nhà trường đứng hai bên mà như mờ hẳn đi. Mọi người nhìn chúng tôi như nhìn những tội đồ của lịch sử. Tội chống đảng thì chỉ có nước chết. Có trời cứu may ra...
Tay trung tá hiệu trưởng hắng giọng lấy uy rồi đọc: Căn cứ..., nay quyết định kỉ luật tước quân tịch đuổi ra khỏi trường Quân sự Quân khu, trả về trường ĐHSP Vinh các học viên sĩ quan sau đây: 1/....; 2/..3, 4, 5..., người thứ thứ 6 trong bản quyết định kỉ luật là anh Lê Trọng Minh bạn học cùng lớp 16D K2 với tôi. Lê Trọng Minh, quê Đức Thọ Hà Tĩnh, học trước tôi hai khóa, là SV khóa 10 nhập ngũ làm lính sư đoàn 2 binh đoàn Tây Nguyên, từng tham gia chiến dịch HCM. Trở lại trường anh và tôi học cùng một lớp 16D K2. Minh người nhỏ con, hiền lành, điềm đạm, da xanh tái vì những năm tháng bị sốt rét rừng Trường Sơn hành hạ. Trở về trường cũ sau chiến tranh, Minh học hành chăm chỉ và học giỏi như để bù lại cho những năm tháng thất học vì đi lính. Là đảng viên, Lê Trọng Minh còn là bí thư chi bộ của lớp tôi. Anh luôn làm ra vẻ nghiêm nghị của một bí thư chi bộ nhưng thực sự tôi biết Lê Trọng Minh mang tâm hồn của một nghệ sĩ và lãng mạn. Anh kéo đàn nhị khá hay và biết hát các làn điệu dân ca từ Bắc Bộ đến Nam Bộ, nhất là bài Xe chỉ luồn kim dân ca quan họ Bắc Ninh. Anh tốt nghiệp loại giỏi và cũng được phân công về làm CBGD của một trường đại học. Vậy mà... Sau quyết định dã man và thảm khốc trên, Lê Trọng Minh rơi vào một quãng đời đầy bi kịch. Anh bị treo bằng tốt nghiệp một năm để sang trại cải tạo Nghi Xuân trồng lúa, trồng khoai lang. Sau một năm cải tạo, Lê Trọng Minh được phân công về dạy ở một trường cấp 3 trong Ninh Thuận. Dù bị cuộc đời vùi dập nhưng với bản chất khảng khái của một nhân cách tốt đẹp, Lê Trọng Minh vẫn ung dung sống, anh đã trở thành Hiệu trưởng của nhà trường, sau này còn được tín nhiệm cử làm hội thẩm nhân dân của tòa án tỉnh. Bây giờ thì anh đã vợ con cháu đề huề với một căn nhà rất đẹp định cư luôn ở khu nghỉ mát Ninh Chữ. Tôi luôn nhớ về Lê Trọng Minh với vụ án cũng ngang tầm với vụ án Lệ Chi Viên thời Nguyễn Trãi ở thế kỉ thứ XV. Vì thế mà hễ có dịp là tôi lại ghé Ninh Chữ thăm anh, hai thằng thường cùng nhau đi tắm biển Ninh Chữ vừa ngụp lặn vừa nhắc về kỉ niệm xưa. Cái buồn đã được chúng tôi chôn chặt và ở lại phía sau, bây giờ chỉ còn niềm vui.
Trở lại với vụ đọc quyết định kỉ luật trong buổi chào cờ nghiệt ngã ở trên. Người thứ 6 là Lê Trọng Minh. Đọc đến đây, tay trung tá hiệu trưởng bỗng dừng lại. Mọi ánh mắt đều dồn hết về phía tôi, người chắc chắn xếp ở vị trí thứ 7, vị trí cuối cùng trong bản danh sách. Tay trung tá cũng đưa mắt nhìn về phía tôi với một ánh nhìn rất khó hiểu và có cả sự ngạc nhiên lớn dù mọi thông tin về tôi đang nằm trong tay hắn. Người tôi như run lên. Chắc chắn là tôi sẽ cùng một số phận với người bạn học, người đồng đội Lê Trọng Minh. Tôi nghĩ đến trại cải tạo Nghi Xuân, sẽ có 365 ngày trồng khoai chờ tôi ở đó vào ngày mai.
Bỗng tay trung tá tuyên bố: Buổi chào cờ hôm nay đến đây là hết. Giải tán.
Và đó là một bí ẩn đối với tôi, một bí ẩn lớn của cuộc đời tôi mà đến ngày hôm nay, sau 38 năm vẫn chưa được giải mã. Vì sao tôi không bị kỉ luật, vì sao tôi vẫn được giữ lại trường sĩ quan, vì sao sau đó tôi vẫn được nhận quyết định của Bộ Giáo dục về làm giảng viên của Trường ĐHSP Quy Nhơn để rồi sống mãi ở Quy Nhơn đến 31 năm trời.
Cả một bí ẩn lớn mà đến nay mỗi lần gặp nhau, Lê Trọng Minh vẫn hỏi tôi. Điều mà chính tôi đến nay cũng không biết.
Đó cũng là lí do vì sao mà tôi phải show cái phần đời ở trên của tôi ra đây trước khi viết về Quy Nhơn và tôi. Bởi nếu vào cái buổi sáng chào cờ đó mà có thêm một người mang thứ tự số 7 trong bản án kỉ luật của Bộ tư lệnh Quân khu IV thì chắc chắn sau đó một năm tôi cũng sẽ như Lê Trọng Minh nhận một quyết định về dạy ở một trường cấp 3 của một tỉnh nào đó. Và chắc chắn khi đó tôi sẽ không có cơ hội đặt chân đến Quy Nhơn để sinh sống, cũng như đến Trường ĐHSP Quy Nhơn để lập nghiệp. Và cũng không biết cuộc đời tiếp theo của tôi sẽ trôi nổi thế nào.

(Còn tiếp) 

Ngày tôi còn dạy ở Khoa Ngữ văn ĐHQN, Lễ ăn mừng tốt nghiệp của SV lớp tôi chủ nhiệm khóa 6 (Văn 6A), 7/1988. Trái sang: Hà Tùng Sơn, Nguyễn Hồng Thoa (SV khóa 6) Nguyễn Công Thắng (VHVN) Nguyễn Khánh Nồng (Ngôn ngữ, đã qua đời) Biện Tấn Mân (SV khóa 6)





24 tháng 8, 2017

Nhớ Bùi Lợi

Vậy là tròn 7 năm người bạn, người đồng nghiệp Bùi Lợi đi xa. Nhớ Lợi đăng lại bài viết ngày Lợi mất như một nén tâm nhang tưởng nhớ bạn.

Sáng nay lên trường, vừa mở cửa phòng thì Ngô Quang Hiển đang có chuyến công tác ở Hà Nội điện thoại báo Bùi Lợi đã mất chiều ngày hôm qua tại BV Bạch Mai Hà Nội, thi thể đang quàn ở HN để đợi ngày đưa về an táng tại quê Lợi nơi Quỳnh Lưu Nghệ An. Nhận hung tin về người bạn người đồng nghiệp có hàng chục năm dạy với nhau ở khoa Văn ĐHQN mình cứ thảng thốt cả buổi sáng. Là bạn đồng môn ở khoa Ngữ Văn Đại học Vinh, Lợi học K15 mình K16, bọn mình là lứa giảng viên đời đầu cùng về dạy khoa Văn Trường ĐHSP Qui Nhơn (QNU). Lợi dạy văn học VN hiện đại, mình ở tổ nước ngoài.
Nhớ hồi mới về khoa, có hôm diễn ra trận đấu bóng đá trên sân vận động của trường, đám GV gồm các thầy giáo trong khoa mà khi đó bọn mình mới hai ba hai lăm tuổi thi đấu với đội bóng của SV trong khoa. Đội thầy đá với đội trò, các thầy thì lẻo khoẻo trò thì sung sức, riêng mình chẳng biết bóng bánh gì nên đá lung tung, Bùi Lợi chạy lại ghé tai nói nhỏ: anh cứ đá về phía gôn của bọn SV ấy, đừng đá về gôn quân mình là được. Thật hài hước làm sao.
Ngẫm nghĩ lại thấy con người ta đúng là có số thật. Số Lợi là số không sướng nếu không nói là khổ. Khi mọi người cùng khổ thời bao cấp như nhau thì Lợi ngoài giờ dạy trên lớp đại học từng phải đi lao động phổ thông để kiếm sống thêm.
Khi mọi người gọi là bắt đầu có chút sướng lên thì Lợi dính bệnh nặng. Những năm cuối đời lại càng khổ vì bệnh tật.
Đã thế Bùi Lợi lại hay nặng lòng quan tâm đến thời cuộc, chuyện trường chuyện khoa anh đều không rời ngay cả khi nằm trên giường bệnh vì thế đã khổ lại càng khổ thêm, khổ thân xác và khổ cả tâm.
Sau cú đt của Ngô Quang Hiển, nhiều bạn bè khác cũng đt cho mình. Hải Vân, người dạy cùng tổ bộ môn với Lợi đang vừa phải chịu tang chồng cũng đt nói cái số BL sao mà khổ, thương Lợi quá.
Vậy là khoa văn QNU của mình đã có mấy người ra đi mãi mãi. Trước Bùi Lợi là Võ Lý Hòa ra đi ở tuổi 45, sau Võ Lý Hòa là Nguyễn Khánh Nồng mất khi nghỉ hưu ở SG. Trước đó nữa là anh Huỳnh Văn Trứ dạy Hán Nôm. Tất cả đều ra đi do bạo bệnh.
Ai mất cũng khiến mình bần thần bởi dù thân thiết nhiều hay ít thì ít nhất cũng gắn bó với mình qua hàng chục năm giảng dạy ở khoa Văn QNU. Bao nhiêu là kỉ niệm buồn vui.
Bùi Lợi, Võ Lý Hòa, Nguyễn Khánh Nồng, Huỳnh Văn Trứ dù đã đi mãi về thế giới bên kia thì vẫn cứ hiển hiện trước mắt mình như là mới gặp gỡ chuyện trò với nhau ngày hôm qua. Chuyện nhà chuyện khoa chuyện trường và cả chuyện đời.
Ở xa không đến nơi bạn nằm xuống để thắp hương viếng bạn được mình viết mấy dòng này cầu mong Bùi Lợi được thanh thản nơi chín suối mà an giấc ngàn thu.
Sài Gòn, 24/8/2010
Bùi Lợi chụp hình lưu niệm cùng lớp SV khóa 9 khoa Ngữ văn ĐHQN, Lợi tay đeo đồng hồ thứ 7 đứng hàng đầu từ trái sang. (Ảnh: http://vank9dhqn.blogspot.com/2010/08/vinh-biet-thay-bui-van-loi.html)



12 tháng 8, 2017

Anh về trải chiếu đếm sao

Chiều cuối tuần cô văn thư đưa cho cái phát chuyển nhanh từ Hà Nội: Anh có thư. Đó là tập thơ mới ra lò Anh về trải chiếu đếm sao(*) món quà của Uông Ngọc Dậu bạn học cùng lớp thời đại học 16D K2, đang là GĐ Hệ thời sự Tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Thời còn học khoa văn Dậu cũng đã có máu làm thơ, khi thì làm vài câu tỏ tình với cô bạn gái trẻ nhất lớp: Em sinh 59 hỡi em/ Mà gieo bao nỗi khát thèm trong anh (cả lớp tôi hầu hết sinh năm 1957 tuổi con gà như Dậu, riêng có một em chíp hôi sinh năm 1959 không giống ai lọt vô); khi thì trêu một đàn anh đi bộ đội về thuộc loại cao to..., anh này có tài làm ra tiền bằng cách mỗi tuần lên chợ Vinh mua một cái khung xe đạp rồi mua đầy đủ phụ tùng rẻ tiền ráp thành cái xe đạp hoàn chỉnh mang về Thanh Hóa bán kiếm lời. Thơ Dậu về anh Lê Ca lớp tôi ai cũng thuộc: Lớp ta có anh Lê Ca/ Người thì rất xấu đi buôn rất tài/ Mỗi lần cất bước ra đi/ Trời đang nắng bỗng tối sầm lại ngay. Sau này lấy vợ thấm thía với cuộc sống gia đình rồi Dậu cũng có một câu thơ hay: Đêm nằm bên vợ thấy cô đơn (ý nói vợ chồng đồng sàng dị mộng). Nói chung là ai từng học khoa văn thì ít nhiều đều biết làm thơ và có ít nhất một lần làm thơ dù chưa hẳn đã thích thơ. Riêng Dậu tôi biết có năng khiếu thơ thứ thiệt.
38 năm tốt nghiệp ra trường, Uông Ngọc Dậu có mấy năm dạy ĐH Tây Nguyên, rồi chuyển sang làm PV báo Đaklak, rồi chuyển nữa sang làm PV cơ quan thường trú VOV tại Tây Nguyên. Tại cơ quan này, Dậu có số làm quan nên lên đến chức GĐ, đi đâu có ô tô riêng, lỡ để quên cặp có thằng xách vô cho. Có lần lên họp kỉ niệm gì đó ở Buôn Mê Thuột, tôi vô phòng Dậu thấy hắn mở tủ lấy ra hũ rượu nhỏ rót cho một li: Em ngâm với 100 cái đuôi con nai cái đấy anh. Bổ lắm. Tôi nhấp một ngụm thấy đắng nghét, hỏi bổ cái gì chú. Thì ngâm gì bổ nấy. Nghe thế tôi cũng nhắm mắt ráng nuốt cho hết. Rồi Dậu chuyển ra tổng hành dinh VOV ở 58 Quán Sứ với chức GĐ (ngang vụ trưởng) của cái hệ phát thanh quan trọng nhất – thời sự tổng hợp. Có lần ra công tác Hà Nội, Dậu đèo tôi về thăm căn nhà mới mua. Đi giữa những con hẻm ngoằn ngoèo bề ngang rộng chỉ 1m, rộng đến mức 2 xe máy tránh nhau còn khó. Tôi nói đường sá vầy mà sau này chú mày có mua được ô tô thì quên cái chuyện xe vào tận cửa đi nhé. Dậu lạc quan: Vào được chứ anh. Vào cách nào mày, bay à. Thì tháo ra. Ôi trời. Cái thằng vua hài hước.   
Có lẽ Dậu là người thành đạt nhất về đằng quan chức của lớp tôi. Ngoài Dậu và một vài bạn khác lên đến chức GĐ sở, lớp tôi tinh những anh làng nhàng, chức tước, học hàm học vị chẳng có gì đáng kể.
Nay thì sau 38 năm quăng quật với đời, Dậu cho ra tập thơ đầu tay này, kể cũng là một anh chàng thận trọng và không háo danh. Tập thơ đầu tay của một đời làm quan chức cơ quan báo chí lớn nhất nước.
Tập thơ của Dậu dày 130 trang với 60 bài thơ. 60 tuổi Dậu mới cho ra với đời 60 bài thơ, trung bình mỗi tuổi Dậu có một bài. Quá quí cho sự chắt lọc của câu chữ và xúc cảm. Vì thế mà đọc thơ Dậu thấy rất chân thật. Không rung động thực sự Dậu không làm thơ. 
Như đã nói, cả một đời Uông Ngọc Dậu gần như gắn hết với nghề làm báo, một cái nghề rất khó nói với những ai ở ngoài nghề. Nhưng Dậu đã nói ra một cách thẳng thắn:
Một tấc tới trời cao
Ưa tào lao xích đế
Cái mặt thì ra vẻ
Mà lòng dạ rối bời
(Tự trào nghề báo)
Là người có hơn 20 năm làm nghề báo nên tôi rất hiểu mấy câu trên của Dậu.
Cũng vì thế mà những người làm báo lâu năm như Dậu rất thấu hiểu sự đời, một sự đời chua chát lắm khi cười ra nước mắt:
Ngày ngắn thôi đừng lắm lẽ nhiều lời
Đã thị trường là bán mua đo đếm
Cứ tiền tiền là ông to bà lớn
Kẻ tầm tầm có thể hóa thánh nhân

Hồn nhiên như tất thảy dân gian
Được làm chủ (chẳng có gì to tát)
Ngày mỗi ngày thuộc thêm câu hát
Ra ngõ mà trông… kìa… ra ngõ mà trông
(Ra ngõ mà trông)
Đọc Anh về trải chiếu đếm sao thỉnh thoảng bắt gặp những kỉ niệm, những suy tư tinh tế của tác giả. Còn nhớ năm 1979, chúng tôi tốt nghiệp ra trường, mỗi đứa đi một phương. Trong lúc tôi về dạy ở ĐHSP Quy Nhơn thì Dậu lên với bục giảng của khoa Sư phạm ĐH Tây Nguyên, nơi có mấy năm liền tôi cũng lên đó thỉnh giảng. Ấn tượng của tôi những đêm ngủ ở Tây Nguyên là nghe tiếng tắc kè kêu như cầm canh và khác với tiếng tắc kè ở những nơi khác là tắc kè Tây Nguyên kêu rất trầm đục, rất thong thả, rất trầm tĩnh chỉ bởi con tắc kè ở Tây Nguyên to, mập hơn tắc kè nơi khác. 
Còn đây là cảm nhận của Dậu về tiếng tắc kè Tây Nguyên:  
Tắc kè… tắc
Hẫng hụt hơi
Tiếng chạm khung cửa tiếng rơi chân tường

Tắc kè… đẫm ướt đêm sương
(Đêm đầu đến Tây Nguyên nghe tiếng tắc kè)
Người ta bảo thơ mang tính dự báo. Tôi cầm tập thơ của Dậu lật đọc lướt ngay vài bài đã thấy được sự dự báo của tác giả. Ngay từ cái tên Dậu đặt cho tập thơ (Anh về trải chiếu đếm sao) đã là cả một sự dự báo lớn: Sau 38 năm tuổi nghề, 60 năm tuổi đời, đã đến lúc Dậu sắp nghỉ làm việc nhà nước, chuyển từ Hà Nội về quê Quảng Xương, Thanh Hóa sống cuộc đời hưu trí. Nghỉ hưu mà lại về sống hẳn ở làng quê thì hiển nhiên là rất thanh thản, thanh thản đến mức sẽ không có việc gì để làm cho nên đêm đến mới trải chiếu ra sân nằm hóng mát và đếm… sao trời. Đếm sao trời, với người vô công rỗi nghề thì nói là lẩn thẩn, với người có tâm hồn thì nói là lãng mạn. Người như Dậu không thể là lẩn thẩn, vậy thì Dậu đúng là một tay lãng mạn. Lãng mạn nên mới... trải chiếu đếm sao.
Vụ này – Dậu về quê nghỉ hưu và trải chiếu đếm sao – cũng không biết là nên buồn hay vui, nhưng với Dậu thanh thản là cái chắc. Sau một đời quan chức với những họp hành, viết lách, giao ban, họp báo… tháng 10 này Uông Ngọc Dậu sẽ chia tay với tất cả:
Chia tay là về chia tay là đi
Em chia tay em ở lại
Em có biết là trong ta mãi mãi
Nỗi buồn thấm mưa…
(Nỗi buồn thấm mưa)
Một tập thơ có khi chỉ cần có một bài hay là đủ. Trong một bài thơ hay có khi chỉ cần một câu thơ hay cũng là đủ. Ta về trải chiếu đếm sao của Uông Ngọc Dậu có hơn một bài thơ hay và có nhiều câu thơ hay. Chúc mừng.







(*) Anh về trải chiếu đếm sao; Uông Ngọc Dậu; NXB Hội Nhà văn; 2017.



Uông Ngọc Dậu





9 tháng 8, 2017

Bí ẩn tên đường Sài Gòn

Nguyễn Văn Tráng nơi có trụ sở trường tôi có lẽ là con đường thuộc loại ngắn nhất ở Sài Gòn. Một đầu nối với đường Lê Lai phía công viên 23/9, đầu kia gắn với đường Lê Thị Riêng. Con đường chỉ dài khoảng hơn 200m là cùng, trong khi mặt tiền tòa nhà của trường tôi đã chiếm mất khoảng 50m. 150m còn lại cho khoảng vài chục quán café, khách sạn, quán ăn, cửa hàng tạp hóa...
Từ khi đến làm việc ở HSU tôi mới chú ý tìm hiểu xem nhân vật được đặt tên cho con đường này là ai. Thì ra tên đúng của ông phải là Phạm Văn Tráng. Từ Phạm sang Nguyễn là cả một sai lầm lịch sử từ chế độ VNCH đến VNCS.
Nguyễn Văn Tráng người Hà Nội, sinh năm 1885 (?) là một công nhân lái xe yêu nước, gia nhập Việt Nam Quang Phục hội của cụ Phan Bội Châu. Năm 1913, Hội này chủ trương tiêu diệt một số quan chức thực dân Pháp (trong đó có toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault) và Việt gian phản quốc nhằm “kêu gọi hồn nước, đánh thức đồng bào”. Phạm Văn Tráng được phân công thi hành bản án tử hình đối với tuần phủ tỉnh Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, một kẻ tay chân đắc lực của thực dân. Ông hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn. Tuy nhiên, khi bị Pháp truy đuổi, trên đường chạy trốn sang Trung Quốc, ông bị bắt ở Lạng Sơn và sau đó bị thực dân Pháp xử tử tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Khi đó ông 28 tuổi.
Đường Nguyễn Văn Tráng thời Pháp (1920) được đặt tên là đường Ypres (tên một thành phố ở Bỉ bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần I). Năm 1955, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đổi tên đường này, nhưng nhầm Phạm Văn Tráng thành Nguyễn Văn Tráng. Và cái nhầm lẫn mang tính lịch sử ấy tồn tại cho đến ngày nay.

Con đường đặt lộn tên từ thời VNCH sang đến thời VNCS rất sầm uất ở ngay phường Bến Thành Q1 nhưng chỉ ngắn chừng vài trăm mét

Ở góc giáp với Lê Lai ngay phía công viên 23/9 là quán bún đậu mắm tôm Homemade 
nổi tiếng Sài Gòn, khách ăn đông nườm nượp. Về đây 2 tháng nhưng tôi đã có chục lần ăn trưa với bạn bè ở quán này. Bạn nào muốn thưởng thức xin đến Nguyễn Văn Tráng và liên hệ với tôi sau 11:30AM. 

Con đường chạy qua nhà tôi bây giờ mang tên Nguyễn Quý Anh có lẽ là tên đường trẻ nhất của Tp. HCM bởi nó mới ra đời cách nay 5 năm. Trước năm 2012 nó được gọi là hẻm 249 Tân Kỳ Tân Quý. Năm 2010 khi nhà tôi dọn về ở thì tên đường không có mà chỉ ăn theo tên con hẻm 249 dù đó là một con đường hẳn hoi và dài cả 2km. Chẳng thấy ai thắc mắc vì sao có một con đường mà phải mang tên một con hẻm như vậy, có lẽ do mọi người cũng thông cảm là TP quá nhiều đường nên hết quĩ tên để đặt.
Rồi một ngày đi làm về đến đầu hẻm tôi thấy người ta đang lắp bảng tên đường mang một cái tên rất lạ: Nguyễn Quý Anh. Hỏi mấy anh công nhân Nguyễn Qúy Anh là ai thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Tức mình về lật ngay google thỉnh giáo thì ra ông này (1883 – 1938) người gốc Huế, là một nhà nho yêu nước chống Pháp.  Năm 1907 trường Dục Thanh, Phan Thiết thành lập ông được cử làm Giám đốc.  Đây cũng là ngôi trường mà anh thanh  niên Nguyễn Tất Thành từng có thời gian xin vào làm chân dạy thể dục, cứ đến giờ học sinh ra chơi thì anh Thành lấy bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, cầu mây ra cho học trò vui chơi. Việc đó chắc cũng gần giống với các anh tổng phụ trách đội ở các trường cấp 1 cấp 2 bây giờ.  
Vậy Nguyễn Quý Anh từng là sếp của Bác Hồ. Cha của Nguyễn Qúy Anh tên là Nguyễn Thông, cũng là một nhà nho yêu nước chống Pháp, được đặt tên cho một con đường ở quận 3 gần ga Sài Gòn bây giờ. Hiện tên đường Nguyễn Quý Anh chỉ có ở Huế (quê ông) và ở Sài Gòn (nơi có căn nhà nhỏ của tôi).
Nhân đây cũng xin nói thêm, Sài Gòn là thành phố lớn nhất nước nhưng lại là Tp có những bảng tên đường nhỏ nhất và giản dị nhất. Bảng tên đường của nhiều thành phố, thị xã thường rất lớn và hình như tp càng nhỏ thì bảng tên đường càng lớn, ở góc trên bên trái thường có thêm cái logo hoặc biểu tượng của tp. Như ở Hà Nội là hình văn miếu quốc tử giám, ở Huế là hình Phu Văn Lâu, ở Quy Nhơn là Hoàng đế Quang Trung cưỡi ngựa ra trận (mặc dù trong lịch sử Quang Trung chỉ cưỡi voi ra trận, ngựa chỉ dành cho lính cưỡi), ở Đồng Hới là hình của cả một cái Quảng Bình Quan.v.v. Nhưng sự giản dị và đơn giản của cái bảng tên đường ở Sài Gòn lại rất tiện lợi khi tên đường được ghi ở cả 2 mặt. Đi từ phía nào tới người đi đường cũng dễ dàng nhìn thấy tên đường. Chứ không như Hà Nội và nhiều nơi khác, tên đường chỉ viết có một mặt bên ngoài, người đi đường có khi đi qua phải ngoái đầu nhìn lại rất nguy hiểm mới thấy được tên đường. Ngay ở thị trấn Hoàn Lão năm ngoái về thăm quê tôi cũng thấy có những con đường lầm bụi đất, nhỏ như cái ngón tay, ngoằn ngoèo như con rắn lượn chạy trong các lũy tre làng cũng được đặt những cái tên rất hoành tráng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Quách Xuân Kỳ… với cái bảng to gần gấp đôi cái bảng tên đường ở SG.

P/S: Rảnh rỗi sinh nông nổi tí.

Giản dị và thực tế tên đường Sài Gòn

8 tháng 8, 2017

Chốn chánh

Một thằng đã ngồi ghế phó CT tỉnh, trúng đb cuốc hội, tổng gđ dầu khí này nọ, bị công an bắt ép ngồi viết bản tự thú mà đầy lỗi chính tả và văn phạm. Trốn tránh viết thành chốn chánh, theo tôi dù là một thằng tội phạm tham nhũng thì cũng phải viết cho sạch lỗi chính tả, làm người phải biết luật chính tả chứ. Đến như chú AQ. của Lỗ Tấn khi ra trước tòa còn muốn được kí bằng một con số không cho tròn trĩnh nữa là. Cứ tưởng tượng nếu hắn khộng bị lộ mặt, lên đến bộ thứ trưởng thì tình hình còn đi đến đâu.
Nhưng mà cũng không nên trách thằng txt này làm gì, bởi đến như tay pxn đóng đến chức thượng thư bộ giáo dục, thân mang đến hàm gs mà ra trước cuốc hội trả lời chất vấn còn lói ngọng nữa là.
Tôi đồ rằng sau vụ viết tự thú chốn chánh của txt thế nào tay nhạ bộ trưởng bộ dục cũng ghen tức lồng lộn lên: Trời đã sinh ra ta sao còn sinh ra Thanh, chỉ vì trình nói ngọng của Thanh nghe chừng siêu hơn cả Nhạ.  
Cái thể chế này nó thế. Đó là lời giải thích cho những hổ lốn thời nay đang diễn ra hằng ngày trên đất nước ta. Chúi mũi vô công việc, quên đi thì thôi, rảnh bật TV là thấy nản.

Mấy bữa nay tranh thủ giờ nghỉ trưa lướt chút facebook đọc tút và còm của mấy anh chị như Thông cào, bọ Lập, Huy San, Hương Trà, Châu Ngô... là còn thấy thú vị. 


3 tháng 8, 2017

Học để làm gì?

                                                    GS. Trương Nguyện Thành

Ông gửi bài này qua email cho tôi với lời nhắn: Anh edit giùm và đăng lên web trường nhé. Chiều đầu tuần gặp ở cửa thang máy, ông bắt tay tôi với lời chào từ biệt: Chào nhé. Ngày mai tôi phải trở lại bển 2 tháng. Giờ này thì ông đã ở bên kia bán cầu với trường ĐH Utah rồi.
Ông quê gốc Bình Định. Từng sống nghèo khổ, phải đi bán thuốc lá dạo ở Gò Vấp SG, vượt biên năm 1979, đặt chân đến nước Mỹ năm 1980. Hơn 10 năm sau ông là nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng ở xứ cờ hoa. 
Nhân dịp mùa tuyển sinh tôi có đôi lời nhắn nhủ đến tất cả học sinh trung học phổ thông vừa ra trường. Tôi biết các bạn đang háo hức chọn trường Đại học. Bạn có bao giờ tự hỏi mình “Học để làm gì?” chưa? Tôi nghĩ chắc bạn cũng có nghe câu trả lời từ ba, mẹ mình khi họ muốn bạn đi học hoặc theo đuổi một ngành nghề nào đó. Thế còn câu trả lời của riêng bạn là gì? Trong buổi học đầu tiên của lớp hóa đại cương cho sinh viên năm thứ nhất tôi thường hỏi học trò mình “Why are you here?” (Tại sao bạn ở đây?) và “What do you want from this class?” (Bạn muốn gì từ lớp này?). Câu hỏi “Học để làm gì?” có tính cách bao quát hơn.  


GS. Trương Nguyện Thành
Câu trả lời tôi thường gặp trong hơn hai mươi năm dạy học là “Học để có công việc làm tốt và có cuộc sống ổn định”. Hoàn toàn hợp lý, đúng không các bạn? Nhưng chỉ có thế thôi sao?
Thuở trẻ gia đình tôi rất nghèo. Những năm học cấp ba, tôi phần lo đi cày mướn để giúp gia đình, phần lo yêu đương ở lứa tuổi dậy thì nên thường quên lãng chuyện học hành. Cũng muốn chia sẻ với các bạn là tuổi trẻ tôi quậy phá lắm chứ không phải là một đứa học trò ngoan! Ba tôi có lần khuyên tôi: “Học là con đường ngắn nhất để giúp con thoát khỏi cảnh nghèo”. Lúc ấy tôi hiểu rất đơn giản là học sẽ giúp mình có công việc làm lương cao hơn và không còn thiếu thốn vật chất như hiện tại nữa. 
Ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ cuối năm 1980 trong tay hai bộ đồ cũ, không một xu trong túi, không họ hàng bà con, tiếng Anh thì biết được vài chữ để sinh tồn (eat, sleep, hungry, v.v.). Đúng 10 năm sau, cuối năm 1990, tôi cầm trong tay tấm bằng Tiến sĩ hóa học. 
Điều đầu tiên tôi nhận thức được là lời khuyên của Ba đúng! “Học là con đường ngắn nhất giúp con thoát khỏi cảnh nghèo”. Đấy là lần đầu tiên tôi cầm tấm check lương khá hậu (từ National Science Foundation Postdoctoral Fellowship) và nhờ đó tôi có cuộc sống thoải mái với khá đầy đủ vật chất như có xe hơi, thỉnh thoảng đi chơi đây đó. Vâng! học đã giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo tiền, nghèo vật chất. 
Nhưng có những cái nghèo khác mà lúc trước tôi không hề biết mình cũng mắc phải. Trong tiếng Anh có câu “You don’t know what you don’t know!” (Bạn không biết điều bạn không biết!).
Nghèo cơ hội: Khi kiến thức thấp thì cơ hội cũng không có bao nhiêu. Bạn có thể làm gì khi không biết đọc biết viết? Nếu bạn biết đọc, biết viết thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Và nếu có thêm kiến thức chuyên môn thì cơ hội và lương cũng sẽ cao hơn. Sau khi làm xong postdoc thì tôi có cơ hội làm việc phát triển sản phẩm ở công ty phần mềm, nghiên cứu ở công ty hóa, và dạy đại học, v.v. Học đã giúp tôi thoát khỏi cái nghèo cơ hội.
Nghèo ước mơ: Khi nghèo ước mơ cũng nghèo. Tôi đã từng mơ một ngày tôi có dĩa cơm tấm bì sườn cộng thêm cái đùi gà rôti thơm phức và một mình tôi ăn thoải mái không chia cho ai cả! Đấy ước mơ của tôi khi còn đi bán thuốc lá ở chợ Gò Vấp đơn giản thế đấy. Kiến thức chẳng những gia tăng khả năng mơ ước và đa dạng hóa nó nữa. Bây giờ thì ước mơ của tôi phải xếp thành nhiều loại – ước mơ trong nghiên cứu khoa học, ước mơ cho xã hội, ước mơ khởi nghiệp (xây dựng công ty), ước mơ cá nhân, v.v.   Học đã giúp tôi thoát khỏi cái nghèo ước mơ. 
Nghèo hy vọng: Giống như ước mơ, khi nghèo niềm hy vọng vào tương lai cũng mỏng manh.  Người nghèo thường có cái nhìn bi quan và thiếu tích cực trong cuộc sống hơn so với những người có cuộc sống đầy đủ. Có hướng suy nghĩ rằng chính vì tính bi quan và thiếu tích cực nên đã làm họ nghèo. Đây là một tranh cãi con gà với quả trứng. Nhưng điều ai cũng đồng ý đó là khi vượt qua khỏi cảnh nghèo vật chất thì cái nhìn cuộc sống của bạn sẽ khách quan và tích cực hơn. Do đó học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo hy vọng.
Nghèo văn hóa: Khi nghèo thì cơ hội học hành cũng ít do đó ý thức xã hội và văn hóa ứng xử cũng kém. Người ít học thường ứng xử với cảm tính nhiều hơn là dùng lý trí để kìm hãm sự nóng giận có khả năng làm mất tự chủ. Kiến thức về luật pháp, hiểu biết về khả năng đánh mất phong cách con người khi mất tự chủ là điều sẽ giúp lý trí điều tiết được cảm xúc. Cũng nên nhấn mạnh rằng bằng cấp không tạo nên con người có văn hóa ứng xử. Chỉ có những người biết dùng kiến thức, cách sống và ý thức xã hội mới giúp họ có văn hóa ứng xử văn minh. Học sẽ giúp bạn thoát được cái nghèo văn hóa.
Nghèo tình thương: Khi nghèo, tình thương thường gói ghém trong phạm vi bản thân và gia đình. Mối quan tâm lớn nhất của người nghèo thường là cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình do đó họ không còn tâm trí để lo lắng đến cộng đồng và xã hội. Khi một người vượt qua khỏi được cảnh nghèo thì họ thường thông cảm cho những người trong hoàn cảnh như họ trước đây và quan tâm đến cộng đồng và xã hội hơn. Họ muốn đem cơ hội đến và giúp đỡ những người kém may mắn hơn họ. Học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo tình thương. 
Nghèo tự tin: Nghèo, ít học thường đi đôi với tính tự ti và cũng chính vì thế mà đưa đến có cái nhìn bi quan và thiếu tích cực trong cuộc sống. Thời trẻ tôi học dở nên thường ngồi cuối lớp. Mỗi lần thầy cô đặt câu hỏi cho cả lớp thì tôi thường cúi đầu không dám nhìn mặt thầy cô và thầm cầu khẩn “xin đừng gọi tên em!”. Học giúp bạn vượt qua được cái nghèo về vất chất, cộng thêm có kiến thức nên nó sẽ làm bạn tự tin hơn như đưa ra những quyết định cá nhân ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và gia đình thay vì lệ thuộc vào người khác. Bạn sẽ có khả năng lệ thuộc vào chính bản thân của mình hơn. Do đó học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo tự tin.
Nghèo tiếng nói: Khi nghèo, ít học, tiếng nói cũng bé lắm không mấy ai quan tâm do đó chẳng mấy ai nghe. Với học thức bạn sẽ có địa vị cũng như cơ hội nắm giữ những vị trí cao hơn trong xã hội và do đó tiếng nói của bạn lúc ấy sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn và sâu rộng hơn. Học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo tiếng nói.
Nghèo sức khỏe: Người nghèo ít học thì ít quan tâm đến tác hại đến sức khỏe của thực phẩm vì họ ăn để mà sống, để qua cơn đói và thật sự họ cũng không có nhiều sự lựa chọn và có kiến thực để chọn. Học giúp bạn có cuộc sống sung túc hơn và với kiến thức bạn sẽ quan tâm đến sức khỏe của mình hơn và lúc ấy bạn sẽ quan tâm đến chất lượng của thực phẩm cũng như những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Kiến thức sẽ giúp bạn biết cách chăm lo cho sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình hơn.  Học sẽ giúp bạn thoát được cái nghèo sức khỏe.
Nghèo tính toán: Nghèo, ít học thường không có nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm về quản lý tiền bạc vì tiền có thể chỉ đủ chi tiêu trong ngày, tuần, hay tháng. Một bằng chứng rất rõ là đa số những người nghèo trúng số độc đắc thường tiêu hết tiền thưởng và trở lại cảnh nghèo sau vài năm. Người có học thường có khả năng quản lý tiền bạc tốt hơn. Do đó học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo tính toán.
Nghèo khôn ngoan: Mục tiêu của những kẻ lường gạt thường là những người ít học thức và muốn làm giàu nhanh. Với học thức và hiểu biết về luật pháp, kinh tế và xã hội, xác suất bị người khác lường gạt sẽ thấp hơn. Nói một cách khác học sẽ giúp bạn khôn ngoan hơn trong việc phân biệt được thực hư trong cuộc sống. 
Nghèo tầm nhìn: Nghèo, ít học thì tầm nhìn thường không quá một năm, như để dành lúa đến mùa gặt năm sau, nuôi heo để ăn Tết năm sau, v.v.  Họ thường ít khi nghĩ đến việc đầu tư cho 5 năm hay 10 năm nói chi đến việc cho cuối đời hay cho thế hệ sau. Với kiến thức và hiểu biết, học sẽ giúp bạn có tầm nhìn dài hạn hơn và biết đầu tư cho tương lai, cho con cái, v.v. Học sẽ giúp bạn thoát khỏi cái nghèo tầm nhìn. 
Nếu bạn hiểu được tầm quan trọng của việc học và cố gắng để ngày càng tiến bộ thì ngoài những hiệu quả nói trên cho cá nhân, bạn còn giúp đóng góp xây dựng một xã hội văn minh và công bằng hơn và giúp đất nước trở nên giàu mạnh hơn. Nhưng một điều cũng nên lưu ý rằng bằng cấp chỉ đánh dấu mức độ kiến thức chuyên môn, sự thành công đòi hỏi bạn phải biết áp dụng chẳng những kiến thức chuyên môn mà còn kiến thức cuộc sống, ta thường quen gọi là kỹ năng mềm để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và do đó thành công đòi hỏi bạn phải tiếp tục trau dồi kiến thức, trau dồi bản thân trong suốt cuộc đời của mình chứ không dừng lại sau khi nhận được tấm bằng. 
Chúc các bạn chọn được một trường Đại học tốt và như ý.

Nguồn: http://news.hoasen.edu.vn/vi/4152/thong-tin-su-kien/hoc-de-lam-gi