30 tháng 11, 2021

Chuyến thực tập cuối khóa (Chuyện nhiều hồi)

Chương 1: CHIẾC MÁY QUAY ĐĨA BALKAN


Đầu tháng 2 năm 1979, vừa ăn cái Tết Nguyên đán xong thì tôi nhảy chuyến tàu nhanh mà chậm hơn tàu chợ từ Đồng Hới ra Ninh Bình để đến trường cấp 3 Kim Sơn A thực hiện đợt thực tập cuối khóa kéo dài 2 tháng. Sau đợt thực tập sư phạm này chúng tôi sẽ trở lại trường bảo vệ khóa luận, thi tốt nghiệp và ... ra trường. Kết thúc 4 năm dài như người ta thường nói: Mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường. 

Sau một đêm vạ vật ngồi bệt ngay ở cửa toa vì hành khách đi tàu đông như kiến, vừa xuống tàu ở ga Ninh Bình thì gặp ngay thằng bạn cùng lớp Lê Minh Tiến dân Quỳnh Lưu đang lớ ngớ ở sân ga. Tiến lên tàu từ ga Cầu Giát nhưng tàu đông như cái chợ và hôi như cái hầm cầu nên xuống ga chúng tôi mới thấy mặt nhau. Tiến con nhà có điều kiện, ăn mặc lúc nào cũng bảnh bao chải chuốt như công tử rất khác với tôi chuyên trị mấy cái áo bộ đội đã sờn cũ mang từ ngày còn ở lính về. Trong lớp mọi người đặt cho hắn biệt hiệu là Tiến Sạc Lô, dù hắn không biết gì về hề hay hài kịch. Đoàn thực tập của ĐHSP Vinh về Cấp 3 Kim Sơn A lần này lớp 16D K2 của tôi ngoài Tiến, tôi còn có Quang, Phan Xuân Vũ và hai bạn nữ là Nguyễn Thị Đông và Nguyễn Thị Thái.


Tổ 4 lớp 16D Khoa văn ĐHSP Vinh trong chuyến tham quan Hà Nội, 12/1978. Lê Minh Tiến thứ 2 phải sang, tôi thứ 3 trái sang, Nguyễn Thị Đông thứ 5 trái sang; chụp hồi năm thứ tư.

Trong cái sáng mùa đông lạnh thở ra cả khói và đang rất đói, Tiến kéo tôi vào chơi nhà một người anh bà con tên Quang làm ở nhà máy điện Cánh Diều, nói là vào chơi nhưng thực ra là hi vọng sẽ được người anh bà con đãi một bữa ăn miễn phí. Tiến bảo: Ông này khá lắm, mới đi công nhân kĩ thuật 4 năm ở Ba Lan về, em mới gặp anh ta hôm tết ở quê, dặn là ra Ninh Bình nhớ ghé chơi (Tiến là học sinh phổ thông đi học, tôi đi lính về lớn hơn hắn 4 tuổi, gọi nhau là anh em). Nghe thế tôi hi vọng tràn trề.
Quả là cầu được ước thấy. Ông anh của Tiến là một thanh niên cùng tuổi với tôi, mới đi Tây về nên nhìn rất Tây, tính tình xởi lởi, hào phóng. Biết hai thằng sinh viên sau một đêm nhảy tàu bụng trống rỗng nên tự anh ra tay nấu bằng bếp dầu cho một bữa ăn thịnh soạn với rất nhiều mì sợi nấu hỗn hợp với cà chua, bắp cải, tóp mỡ. Mỗi thằng ăn đến 2 tô đầy nóng hổi, ngon và no sáng cả mắt. Điều đặc biệt là vừa sì sụp ăn chúng tôi vừa được ông anh Tây học mở từ một cái máy quay đĩa to như một cái va li nhỏ còn mới láng coóng có nhãn hiệu Balkan mà anh ta vừa mang từ Ba Lan về cho nghe những bài hát nổi tiếng thời đó như Bài ca hi vọng, Xa Khơi, Câu hò trên bến Hiền Lương... Chỉ từ một cái đĩa than đen bóng với một cái cần quay đĩa mà cái máy phát ra những bài ca nghe trong suốt và cao vun vút, tôi nghe như lịm đi, quên hết cả mệt nhọc sau một đêm đi tàu. Tôi hỏi anh Quang: Như cái máy này thì bao nhiêu tiền. Không cần tính toán lâu anh nói: 40 đồng. Ông thích tôi để lại cho mà nghe. 40 đồng hồi đó là cả một gia tài, là cả một tháng lương của công chức nhà nước. Nhưng tôi thấy đó là một cái giá khá rẻ so với cái máy hát giá trị như thế. Đó là một thứ đồ cao sang mà tôi hằng mơ ước. Tôi lại hi vọng tràn trề liền kéo ngay Tiến ra đầu hồi nhà hội ý: Tao muốn mua cái máy hát đó, mày thấy sao. Anh có đủ 40 đồng không, nhớ là ta còn sống 2 tháng thực tập nữa đấy. Không, tiền dành cho thực tập tao không đụng đến, trong ba lô tao hiện có 2 cái áo sơ mi pha ni lon trắng mạ tao mới may cho dịp Tết, chưa mặc lần nào, dành đi thực tập khi nào lên lớp mặc lấy le với mấy em học trò cấp 3, nếu mang ra chợ bán có thể được 40 đồng (Hồi đó hai cái áo sơ mi trắng pha ni lon dài tay cũng là cả một gia tài của đám sinh viên nghèo); bán xong tao vẫn chơi mấy cái áo bộ đội cũ, lo gì. Vậy mần luôn, anh vô lấy ta mang ra chợ xem sao.
Nói là làm. Tôi vô mở ba lô lôi 2 cái áo còn thơm mùi hồ cùng Tiến ra chợ thị xã Ninh Bình. Ghé ngay vào một hàng quần áo đầu chợ có một ông chủ mặt quắt queo như thằng nghiện, lấy hai cái áo ra tôi nói với thằng ông chủ cửa hàng là tôi cần bán. Ngắm nghía qua 2 cái áo, thằng chủ cửa hàng còn ngắm kĩ cả hai thằng tôi xem có phải là dân đạo chích không. Nó hỏi: Hai đứa bay ở đâu ra. Dạ bọn em là sinh viên ở Vinh ra, cần bán để lấy tiền đi thực tập. Có giấy tờ gì không. Tôi mở bóp lôi hết CMND với cả thẻ đảng viên ra trình trong bụng tim đập thình thịch vì hồi hộp. Hắn tin ngay. Lần đầu tiên tôi thấy cái thẻ đảng có chút giá trị. Bao nhiêu, nó hất hàm. Dạ em cần 40 đồng. Xong luôn. Thấy nó đồng ý nhanh quá tôi biết là mình đã hớ. Biết thế hét giá 50 đồng.
Trở lại căn phòng tập thể của Quang, tôi đưa anh 40 đồng và đóng gói cái máy hát vào hộp các tông. Thêm một cuộc mua bán chóng vánh thứ 2 trong ngày kết thúc. Sao mà tôi có duyên với chuyện bán mua thế không biết. Anh Quang còn hào phóng cho luôn cả chục cái đĩa than Dihavina mà nếu mua mới cũng phải 5 đồng một cái. Tôi mừng húm như bắt được vàng. Xong đâu đó, tôi và Tiến hai thằng hai xe đạp (cả hai thằng tôi đều có xe đạp và đều mang theo xe đạp đi thực tập) với đồ đạc và cái máy hát quay đĩa Balkan buộc chặt sau phoc ba ga, từ biệt anh Quang tốt bụng, ung dung đạp xe thêm 31km nữa để về đến thị trấn Phát Diệm, nơi có trường cấp 3 Kim Sơn A. Ở đây chúng tôi sẽ trải qua 2 tháng thực tập với hàng chục kỉ niệm đẹp, đẹp đến mức bây giờ sau 40 năm nhớ lại vẫn thấy ngọt ngào.
(Còn tiếp)

 



 


29 tháng 11, 2021

Bài giảng đầu đời (Cố sự tân biên)

 HTS: Người ta có mối tình đầu, có bài học đầu đời, tôi có bài giảng đầu đời.

Năm 1979 tốt nghiệp ĐHSP Vinh tôi được phân công về dạy ở khoa Văn ĐHSP Quy Nhơn. Hồi đó chẳng phải xin xỏ gì. Học xong người ta phân đi đâu thì đi đó cứ như trời định vậy. Không như sinh viên bây giờ tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp. Chúng tôi hồi đó thuộc lòng câu: Cầm vàng còn sợ vàng rơi; Cầm bằng tốt nghiệp đời đời ấm no.

Về khoa Văn QNU tôi gặp lại thầy Trưởng khoa kiêm trưởng bộ môn Nguyễn Văn Giai là thầy giáo cũ dạy tôi văn học Nga khi còn học năm 3 ở VU. Ngay buổi họp tổ bộ môn đầu tiên, Thầy phân công tôi đảm nhiệm môn văn học Trung Quốc cùng tổ văn học nước ngoài với ông. Tôi vốn dễ tính, thực ra môn mà tôi thích theo đuổi là Lí luận văn học, nhưng thôi, mất ngựa biết đâu lại là điềm may của ông già cửa ải.

Theo qui định đối với giảng viên đại học, năm đầu tiên ở lại trường tôi được đi đọc sách, biên soạn bài giảng và dự giờ các giảng viên khác, nhất là các thầy từ trường bạn đến thỉnh giảng, sau đó còn phải đi thi vào cao học 2 năm ở Hà nội hoặc Vinh mới được tập tõm lên lớp.



Khoảng cuối năm 1980 có Thầy Lương Duy Thứ là một trong số ít GS dạy VHTQ hàng đầu của Việt Nam từ ĐHSP 1 Hà Nội vào thỉnh giảng. GS. Thứ cùng quê với tôi, là anh của thầy Lương Duy Cán dạy văn tôi hồi học cấp 3 Đồng Hới. Có hôm nói chuyện biết tôi học văn với thầy Cán, thầy Thứ nói: Thằng đó được lắm đấy. Tôi nói: Thần tượng của em đấy thầy.
Thế rồi tôi ngày ngày chăm chỉ ôm cặp lên giảng đường cùng với SV khóa 1 học bài của sư phụ. Với tôi, sinh viên văn khóa 1 ĐHSP Quy Nhơn là một thế hệ nhiều tài năng, sau này ra trường có nhiều người rất thành đạt. Năm 1979 tôi ra trường thì họ đã học năm 2, tôi mới 25 tuổi, chỉ hơn họ mấy năm học, trong đó nhiều anh chị là gv cấp 2 đi học, là bộ đội xuất ngũ ngang tuổi thậm chí lớn tuổi hơn tôi như anh Đích, anh Thạo, anh Hộ hoặc như anh Huỳnh Chín cán bộ Sở GD Nghĩa Bình người cùng sinh hoạt chi bộ khoa văn với tôi. Ở khóa này tôi cũng rất nhớ một cô gái có tên Bạch Huệ, người có bài làm rất tốt khiến tôi đã cho điểm 10 VHTQ khi chấm thi hết môn cuối học kì (trong hàng chục năm dạy ở ĐH Quy Nhơn, tôi chỉ cho điểm 10 với 3 sinh viên: Bạch Huệ khóa 1, Thanh Sơn khóa 3 và Diễm Trâm khóa 6).


Một hôm Thầy Lương Duy Thứ bảo tôi: Đầu tuần sau đến phần thực hành chương Sử kí của Tư Mã Thiên, tôi dành 1 tiết để cậu lên phân tích tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện cho SV nhé. Dù lo lắng nhưng tôi sẵn sàng nhận lời Thầy, bởi nghĩ có dịp nên thử sức và khẳng định mình xem sao.
Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện là một tác phẩm thuộc loại hay nhất, có nhiều kịch tính nhất trong Sử kí, thể hiện được nhiều tài năng và sự thâm thúy trong ngòi bút của nhà viết sử cũng là nhà văn vĩ đại thời cổ đại Tư Mã Thiên. Nó có trong chương chương trình văn cấp 3.


Câu chuyện tóm tắt như sau:

"Liêm Pha là một tướng tài của nước Triệu thời Chiến quốc. Năm 283 TCN, nước Triệu theo kế hợp tung của nước Yên cùng đánh Tề Mẫn vương kiêu ngạo, Liêm Pha được Triệu Huệ Văn vương cử làm tướng đi đánh Tề. Liêm Pha phá tan quân Tề, lấy ấp Dương Tấn về nước Triệu. Nước Tề sau đó bị nước Yên đánh bại.

Liêm Pha được làm thượng khanh, dũng khí của ông nổi tiếng khắp các nước chư hầu.

Khi đó Lạn Tương Như vốn xuất thân chỉ là người phục vụ dưới quyền hoạn quan Mục Hiền, nhờ việc đi sứ nước Tần bảo toàn được ngọc bích và uy tín của nước Triệu trước nước Tần hùng mạnh nên được phong làm thượng đại phu. Nước Tần hứa đổi 15 thành lấy ngọc bích họ Hoà của nước Triệu nhưng không thực hiện lời hứa, kết quả nước Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.
Năm 282 TCN, vua Tần bực nước Triệu không chịu dâng ngọc bèn đánh Triệu, lấy Thạch Thành. Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Sau đó vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì để giảng hoà. Vua Triệu sợ nước Tần hung hãn, từng bắt giữ Sở Hoài vương khi đến hội họp nên định không đi. Liêm Pha và Lạn Tương Như bàn rằng: Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát.

Vua Triệu nghe theo, bèn đến hội họp. Lạn Tương Như đi theo phò tá vua Triệu. Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt nhà vua nói: Nhà vua đi, tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu ba mươi ngày không về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng.
Triệu Huệ Văn vương nghe theo.

Trong thời gian Triệu vương và Lạn Tương Như đối đầu với vua quan nước Tần ở Dẫn Trì, Liêm Pha coi giữ nước Triệu, không gặp biến cố nào.
Lạn Tương Như có công phò tá vua Triệu hội kiến vua Tần ở Dẫn Trì khiến nước Tần không dám chèn ép nước Triệu nên được vua Triệu phong làm thượng khanh, địa vị trên cả Liêm Pha.


Liêm Pha bất mãn nói: Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta.


Và ông rêu rao rằng:
Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta.
Tương Như nghe vậy, chủ động tránh không gặp Liêm Pha. Về sau, ông nghe mọi người nói lại lời Tương Như giải thích rằng:
Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao. Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.
Liêm Pha nghe vậy ân hận, nhận ra lỗi của mình. Ông bèn cởi trần, mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế!
Rồi từ đó hai người vui vẻ làm bạn sống chết có nhau khiến nước Tần không dám hăm dọa nước Triệu. Sau này khi Liêm Pha và Lạn Tương Như qua đời, nước triệu suy yếu hẳn rồi mất vào tay Tần".
Tôi dành mấy hôm đọc và nghiền ngẫm kĩ tác phẩm, rồi soạn bài. Bài soạn của tôi là mấy trang A4 gạch xóa lem nhem, nếu người ngoài có nhìn vô cũng không biết đâu mà mò. Buổi tối cuối cùng gần như tôi không ngủ được, nghĩ đến bài giảng ngày mai dù chỉ một tiết ngắn ngủi nhưng lòng tôi bâng khuâng khó tả. Vừa náo nức vừa lo lắng. Cứ nằm vắt tay lên trán một lúc lại đứng dậy lật lật bài soạn rồi đi lại vung tay lảm nhảm một mình trong phòng như một thằng bị bệnh mộng du. Lần đầu tiên tôi thấm thía sự vất vả của cái gọi là lao động giáo án của nghề dạy học. Bạn ở cùng phòng là Nguyễn Ngọc Quận dạy Hán Nôm bị tôi phá không ngủ được bực lắm nhưng cũng ra chiều thông cảm nên không hó hé gì.
Khi cảm thấy đã ổn rồi tôi lên giường ngủ. Nhưng mắt vẫn không chịu ngủ. Có một cái gì chưa ổn trong bài phân tích của mình. Đó là sự ca ngợi hết lời nhân vật Lạn Tương Như của các bài viết trong giáo trình VHTQ cũng như trong các tài liệu tham khảo khác. Bài soạn của tôi cũng đi theo hướng đó, hết lời ca ngợi viên quan văn Lạn Tương Như rộng lượng, biết đặt lợi ích đất nước lên trên danh tiếng cá nhân; và chê trách nặng lời viên quan võ Liêm Pha bụng dạ hẹp hòi suýt nữa thì làm mất nước. Đây chính là chỗ mà tôi thấy không ổn trong nhận thức và phân tích tác phẩm. Nếu phân tích theo hướng này thì câu chuyện của Tư Mã Thiên không có chỗ cho sự thâm thúy. Lạn Tương Như là nhân vật tốt từ trong trứng. Ngay từ khi xuất hiện trong tác phẩm, ông ta đã là một con người tốt và cho đến hết tác phẩm tính cách của con người này vẫn vậy, không có gì phát triển. Đây không thể là một hình tượng nhân vật điển hình của tác phẩm được. Nếu hướng sự phân tích ca ngợi vào nhân vật này như các giáo trình văn học và tài liệu tham khảo đã viết tức là cố tình đẩy vào một cánh cửa đã mở sẵn. Một việc làm vô ích.
Nghĩ đến đó tôi bật dậy lấy bút viết lại bài phân tích theo hướng đề cao nhân vật Liêm Pha, một vị đại tướng lỗi lạc biết nhận ra sai lầm của mình để phục thiện. Con người ta ở đời ai cũng có sai lầm. Vấn đề là biết nhận ra cái sai của mình để từ đó sửa chữa lỗi lầm và phát triển nhân cách ngày một hoàn thiện hơn. Liêm Pha mới chính là hình tượng nhân vật đáng ngợi ca nhất của tác phẩm, là một hình tượng điển hình trong câu chuyện và trong cả bộ Sử kí vĩ đại, một con người biết vượt lên chính mình.
Sau khi đã viết lại gần như toàn bộ giáo án nhìn đồng hồ đã 3h sáng, tôi mệt mỏi lăn đùng ra giường ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm với tâm trạng đầy hồi hộp và náo nức cứ như thể lần đầu tiên hẹn hò với cô bạn gái trong mối tình đầu, mặc bộ quần áo đẹp nhất, tôi xách cặp rời khu tập thể CBGD để hầu sư phụ GS Lương Duy Thứ lên lớp.
Vẫn những bậc cầu thang quen thuộc lên giảng đường trên lầu 2 ấy nhưng hôm nay tim tôi đập rộn ràng.
Sau mấy lời giới thiệu của GS hướng dẫn, tôi bước lên bục giảng cầm viên phấn trắng nắn nót viết lên tấm bảng xanh dòng chữ: Phân tích tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện. Nhìn xuống lớp thấy GS. Thứ ngồi hàng ghế cuối cùng lấp lánh đôi mắt kính như đang khích lệ; cả trăm bạn sinh viên khóa 1 cũng như đang khích lệ thầy giáo trẻ.
Sự hồi hộp ban đầu qua mau.
Rồi tôi như bị cuốn hút vào bài giảng của mình, cuốn hút như là đang lên đồng. GS Thứ dành cho bài giảng của tôi một tiết nhưng tôi đã chiếm dụng của thầy cả một tiết rưỡi (Hôm đó thời khóa biểu của văn 1 có 3 tiết VHTQ).
Điều bất ngờ là khi tôi nói lời chấm dứt bài giảng của mình, cả 2 lớp SV khóa 1 học chung đã vỗ tay cổ vũ, thầy Thứ cũng đứng dậy vỗ tay. Tôi nghĩ vậy là mình ổn rồi.
Sau đó GS Thứ lên nhận xét. Thầy nói ngắn gọn: Qua bài giảng vừa rồi của thầy HTS, tôi xin được nói rằng, nếu tôi là Mao Trạch Đông thì thầy HTS là Lâm Bưu.
Chỉ có thế.
Lời nhận xét của Thầy làm tôi sướng ngất ngây. Bởi đó là một lời khen nhiều ngụ ý. Thời đó nếu ai quan tâm đến chính trị, sẽ biết rằng chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông đã chọn Lâm Bưu làm người kế vị của mình vì thế Phó chủ tịch Trung Quốc Lâm Bưu là nhân vật số 2 sau Mao Trạch Đông. Khi đó bất cứ báo đài nào nếu đã nhắc đến Chủ tịch Mao Trạch Đông hiển nhiên phải nhắc đến Phó chủ tịch Lâm Bưu. Hai con người này gắn liền nhau như hình với bóng trên đại lễ đài Thiên An Môn, trên các đoàn chủ tịch đại hội của Trung Quốc thời đó. Với ví von ấy Thầy đã kín đáo khen học trò là tôi rất nhiều. Không sướng râm ran sao được.

Từ đó đến nay, gần tròn 40 năm đã đi qua, kể cả khi đã chuyển sang làm nghề báo cả hai chục năm trời, tôi vẫn gắn bó với môn VHTQ, vẫn hồi hộp và say mê mỗi khi có dịp bước chân vào một lớp học nào đó để giảng bài, bởi tôi không bao giờ quên lời khen ấy của Thầy tôi, GS Lương Duy Thứ.

 

             Tổ bộ môn Văn học nước ngoài khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn.

 


28 tháng 11, 2021

Ấm tình đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc

Đường Ba Trại ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình là con đường nối Quốc Lộ 1A đoạn gần phía nam cầu Sông Gianh với đường Hồ Chí Minh lên vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Con đường dài hơn 10 km này được ví như một Đà Lạt thu nhỏ vì nó uốn lượn giữa những rừng thông và hồ nước bốn mùa xanh tươi mát mẻ.

 Nhưng điều đặc biệt có ý nghĩa lớn lao với con đường này không chỉ ở vẻ đẹp hoang sơ dân dã mà vì ở  cuối con đường về phía quốc lộ 2B có Nghĩa trang Liệt sỹ Thọ Lộc rất nổi tiếng. 

Sở dĩ gọi là nghĩa trang Thọ Lộc vì nghĩa trang tọa lạc trên một đồi thông, thuộc thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi an nghỉ của gần 700 liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ công nhân viên ngành giao thông và dân công hỏa tuyến đã hi sinh trong trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 

 

                     Ông Lê Văn Cư, quản trang NTLS Thọ Lộc đã 33 năm nay

Trong những năm chiến tranh chống Mĩ, đường Ba Trại là một trong những con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Con đường như một túi đựng bom lớn của không quân Mĩ. Không một ngày đêm nào trên đường Ba Trại không bị đánh phá dưới mưa bom bão đạn. Cùng với đó, dưới những cánh rừng thông Ba Trại là nơi ẩn giấu hàng chục kho vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, lương thực, thực phẩm và làm trạm trung chuyển tập kết hậu cần cho các chiến sỹ. Con đường Ba Trại ngày nay đẹp đẽ thơ mộng là thế nhưng nửa thế kỉ trước nó đã thấm bao mồ hôi, xương máu của các chiến sỹ thanh niên xung phong, bộ đội đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu. Họ ngã xuống trên mảnh đất Ba Trại và bây giờ, họ mãi mãi nằm lại bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc. 

Đến Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc, bạn sẽ thấy ngút ngàn dưới những bóng thông xanh là những hàng bia mộ liệt sĩ nằm san sát bên nhau như nhắc nhở về một thời đau thương và anh dũng. 

Tuy nhiên, người dân địa phương ở đây ít khi gọi là Nghĩa trang Thọ Lộc mà từ lâu lắm rồi, họ vẫn quen gọi là Nghĩa trang Đông Dương. Đơn giản vì ở nghĩa trang liệt sĩ này có rất rất nhiều liệt sĩ là bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh ở bên đất bạn Lào, Campuchia trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cũng được quy tập về nghĩa trang này. Cách gọi tên "Nghĩa trang Đông Dương" của người dân Thọ Lộc thật sâu sắc và càng thêm ý nghĩa.

Từ cổng chính thẳng vào nghĩa trang, ngay phía ngoài là ngôi đền thờ được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc truyền thống dân gian rất gần gũi. Đền thờ là nơi dâng hương, dâng hoa theo nghi thức quốc gia cho anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang này.  

 


Nhìn những những tấm mộ chí ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc, khách viếng thăm sẽ nhận ra đây là nơi an nghỉ của các liệt sĩ là con em của 25 tỉnh, thành phố hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nhiều nhất là con em của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội... Vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay một số liệt sĩ vẫn chưa xác định dược danh tính, quê quán, đơn vị... Việc các anh, các chị được quy tụ về đây để hòa vào mảnh đất đã từng cưu mang đơn vị trong những năm chiến tranh thật là thiêng liêng và ý nghĩa.

 


 Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc, mỗi dịp lễ tết kỉ niệm như ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán luôn ngút ngàn hương khói và hoa tươi của những đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và của những thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền quê Tổ quốc tìm về kính dâng và tưởng nhớ. 

 Tuy nhiên, với người dân Thọ Lộc thì chắng cứ gì dịp lễ và kỉ niệm, mỗi khi có dịp đi qua Nghĩa trang mang tên quê hương mình là họ lại ghé vào thăm viếng, trồng thêm hoa cảnh, thắp hương, dâng hoa... làm đẹp thêm cho sự thành kính của Nghĩa trang. Rất nhiều khách thập phương đi trên con đường Ba Trại mỗi khi qua Nghĩa trang đều dừng lại thăm viếng, tưởng nhớ về những người con thân yêu của đất nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã đến đây dâng hương hoa tưởng nhớ liệt sĩ.   


Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc có một biên chế cho công tác quản trang. Suốt 30 năm nay, ông Lê Văn Cư được giao làm nhiệm vụ quản trang của Nghĩa trang này. Ông Cư là một cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ lái xe của binh đoàn Trường Sơn trong nhưng năm đánh Mĩ, quê ông ở làng Thọ Lộc. Ngày ngày ông vừa bảo vệ nghĩa trang, vừa chăm sóc hương khói cho đồng đội của mình đang nằm dưới mộ. Ông thấy rất ấm lòng khi được làm công việc thắm đượm nghĩa tình ấy.

Với những đóng góp và giá trị lịch sử hiển hách, năm 2009, cùng với con đường Ba Trại, ngã ba Thọ Lộc trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc là một trong 15 trọng điểm thuộc 8 cụm trên tuyến đường Hồ Chí Minh được Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

 

 


26 tháng 11, 2021

Chuyện nhà của một sinh viên

Truyện ngắn

Đầu năm học mới tôi được lãnh đạo khoa phân công làm chủ nhiệm một lớp năm thứ 3. Là giáo viên chủ nhiệm tôi hay gặp gỡ và trao đổi công việc với lớp trưởng Nam, một cậu sinh viên quê gốc Sài Gòn có dáng người hiền lành nhưng khắc khổ so với tuổi 20.

Nam học giởi, làm việc nghiêm túc nhưng sống khép kín, có đôi chút kiểu khắc kỉ và đôi mắt luôn toát lên sự buồn bã. Ở tuổi này, các bạn cùng lớp thường có bạn gái hoặc đã có người yêu, nhưng với Nam thì cứ như một ông già đau khổ, hết giờ học là cậu ta về thẳng nhà hoặc đi làm thêm ở một quán cà phê, không bạn bè trai gái gì hết. Điều đó làm tôi quan tâm hơn đến Nam. Đã mấy lần tôi chủ động hỏi chuyện nhưng Nam đều lẩn tránh. 

Dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay Nam một mình tìm đến nhà tôi thăm và chúc mừng thầy chủ nhiệm nhân ngày lễ của nghề nghiệp. Tôi chủ động mời người học trò ra quán cà phê nói chuyện. Rất may là trong dịp này, Nam đã bộc bạch tất cả chuyện nhà của em cho tôi nghe.

Sinh ra là con út trong gia đình có bố làm tài xế xe tải, mẹ làm giáo viên mầm non, có nhà cửa ổn định tại một quận 12 thành phố Hồ Chí Minh. Trên Nam là chị gái làm nghề dạy học đã có gia đình và ở riêng. Một gia đính như thế tuy không giàu có gì nhưng vẫn là niềm mơ ước của nhiều gia đình lao động nghèo chỉ mong có nhà cửa để ở, công ăn việc làm ổn định. Ấy vậy mà trong ngôi nhà nhỏ đó chẳng mấy khi Nam có cảm giác được bình yên.

Ba Nam làm nghề lái xe tải. Do đặc thù nghề nghiệp, từ sáng tinh mơ ba Nam đã ra đi và chỉ về nhà khi đã tối mịt. Dần dà ba Nam bị bạn bè rủ rê nên cuối ngày thường sa đà vào các cuộc nhậu triền miên. Không có ngày nào ba Nam trở về mà người không sặc sụa mùi bia rượu.

Đã thế, mỗi lần về nhà, ba Nam còn kiếm cớ đánh chửi vợ con. Mẹ Nam nhiều lần phải ôm đầu chạy về nhà ngoại lánh nạn.


Nam vẫn nhớ như in từ hơn 3 năm nay, chưa bao giờ gia đình có một bữa cơm mà có mặt ba Nam. Có lần mẹ tổ chức bữa ăn tối mừng sinh nhật Nam, mặc dù đã dặn trước nhưng chờ mãi ba Nam vẫn không về. Mẹ gọi nhắc thì ba đang trong một cuộc nhậu rất ồn ào. Ba Nam còn nạt mẹ sinh nhật là cái gì. Mấy mẹ con buồn quá đành ăn cho qua bữa. Khuya đó ba về mẹ đã đi ngủ còn bị ba lôi dậy đánh cho mấy bạt tai: Từ nay tôi cấm bà gọi khi tôi đang nhậu với bạn bè. Nam chạy lại can bị ba đánh luôn cho mấy bạt tai đau điếng. Ngày vui của Nam thành ngày đau buồn của mấy mẹ con.

Cuộc sống gia đình Nam đã thành địa ngục. Nam đặc biệt thương mẹ vì không có ngày nào mẹ không bị ba mắng chửi, bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Vì thương mẹ nên Nam đã cố gắng học hành với mục đích là làm mẹ vui và mong sớm thoát khỏi cái địa ngục gia đình do người cha hư hỏng gây ra.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Nam đỗ vào trường đại học. Mẹ Nam vui lắm khuyên con cố gắng học hành, đừng để sau này hư hỏng nghiện ngập, vũ phu như ba.

Nghe câu chuyện của Nam, tôi ngẫm câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” rất đúng với trường hơp của em. Sống trong một gia đình có người cha như thế nhưng em vẫn là một đứa con có hiếu, thương mẹ và biết thương cả bản thân mình.

Nhiều lúc Nam muốn bỏ nhà đi thuê chỗ trọ nhưng thương mẹ nên Nam không nỡ. Đã có lúc Nam hỏi mẹ:

-      Sao mẹ không li dị ba cho khỏi khổ nhục?”

Mẹ đã nói những lời rất ân tình:

-      mẹ không thể làm thế vì mẹ chờ con tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định rồi mẹ sẽ tính tiếp. Với lại lúc này nghĩ đến bạn bè và mọi người xung quanh lại dèm pha bàn tán nên mẹ ráng chịu đựng…

Nghe mẹ nói, Nam càng thương yêu mẹ hơn. Nam hiểu mẹ là người phụ nữ biết bỏ qua những cái nhỏ nhặt tức thời để vươn đến những điều tốt đẹp cao xa vì tương lai con cái. Đồng thời mẹ vẫn nghĩ đến lúc thích hợp sẽ tìm cách giải thoát bản thân khỏi hoàn cảnh sống của một gia đình có người chồng vũ phu, nghiện ngập, chuyên bạo hành vợ con.

Học được đức tính tốt đẹp và dịu hiền của mẹ cùng khả năng thích nghi với hoàn cảnh sống, Nam đã vượt qua tất cả nỗi buồn đau từ gia đình để trở thành một sinh viên học giỏi, có tư cách đạo đức tốt, được thầy yêu bạn mến.

Nghe hết câu chuyện của Nam, tôi hiểu vì thương mẹ, thương mình mà Nam đã có đủ nghị lực để tiến bộ và vượt lên hoàn cảnh sống như vậy. Là giảng viên giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm lớp, sau khi nghe hết câu chuyện từ gia đình Nam tôi càng yêu quý em hơn.


25 tháng 11, 2021

Em là con gái Bắc Ninh

 Lúng liếng. Chao nghiêng. Áo mớ ba mớ bảy. Em níu chân tôi. Người ơi. Người ở. Đêm dân ca. Những làn điệu ngân nga. Cây đa. Bến nước. Cô gái Sài Gòn hát nghiêng dòng sông Thương.

Những gàu sòng, gàu dai hiện giữa lòng thành phố. Em đưa cả Hội Lim. Đưa làng quê Tiên Du. Thành phố ngỡ ngàng. Tình tang giã bạn. Em về nghiêng bóng Cây trúc xinh.



Thuở sinh viên. Anh Ngồi tựa mạn thuyền. Hoạt cảnh trong vai nàng Thị Màu da diết. Em. Hút hồn khách phố thị. Bùn đất quê hương thấm đẫm dấu chân người. 

Đêm say mê. Quan họ. Lý tình tang. Em hát. Như lên đồng. Như say bến Hiền Vân một thời em gọi. Đò đầy người đò phải sang sông. Anh chậm bước anh ngồi Bến Đợi.

Đêm dân ca. Tỏa sáng đất trời. Em tinh khôi. Cành sen vắt chiếc áo làm tin. Anh khắc khoải chờ em trong đêm mộng. Lý Cây đa anh mê mẩn em rồi.

Anh đã nắm tay em. Ấm êm mềm mại. Không lẽ từ đây. Chia rẽ đôi nơi. Kẻ Bắc người Nam, Con Nhện giăng mùng… Em về rồi. Tôi ở lại với ai...

Em là con gái Bắc Ninh, Chim khôn em đỗ ngọn thầu... 

 

24 tháng 11, 2021

Em của ngày qua

Ngược ngã ba Hoàn Lão. Đường về Thọ Lộc. Lòng bồi hồi. Đâu rồi bụi đỏ bánh xe. Hương lúa nồng nàn. Gió thổi hồ Vực Nồi. Nghe vi vu rừng thông trở gió. 

Ngóng phía xa Cự Nẫm. Tiếng trống chiêng một thời. Ngân nga tiếng hò khoan. Gió khỏa lấp hồ Bàu Trạng. Núi xanh màu cỏ biếc. Sao quên được một thời gian khó. Động Khe Cầy tím ngát sim mua. 

Tôi không nhận ra em. Ngày hôm qua đó sao. Smartphone cầm tay. Em lướt Messenger. Check Zalo nhoay nhoáy. Đâu rồi lá thư học trò chuồi vội dưới gầm bàn. Em đi lướt qua như gió thoảng. Trầm ngâm hàng dương liễu ven đường.

Có phải em đấy không. Tuổi mười tám tiễn người yêu ra trận. Tóc bay bay che đôi mắt em ướt. Nhòe khuôn mặt ngây thơ. Nhòe đường chân trời xa. Tôi trở về mong manh khói sương. 

Có phải em đấy không. Phiên chợ Đón(*) gánh đầy khoai sắn. Giọt mồ hôi lăn trên má em hồng. Rổ cá trích Lý Hòa xanh màu biển cả. Chùm hoa trạng nguyên như lửa cháy cuối trời. Con đường làng rộn tiếng giày khua. Giấc mơ em xao động giấc mơ anh.

Mùa đông đến mưa phùn và gió bấc. Ruộng lúa xanh màu lá mạ. Tím tay em lội bùn đi cấy. Nắm tay nhau thề non hẹn biển. Đâu rồi. Cánh phượng hồng em ép sổ tay. Trái tim thổn thức. Những chân trời không bao giờ đi tới. Tuổi thanh xuân ta mộng mơ gì.

Em của ngày qua. Em của hôm nay. Những mái đầu xanh. Những mái đầu đã bạc.  Tôi bước đi trong nắng Sài Gòn. Mùa đông ở làng cháy trong tim.

(*) Tên cũ của chợ Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.



 

22 tháng 11, 2021

Mẹ

(Ngày giỗ đầu mẹ tôi 16 - 10 âm lịch)

Ngày tôi rời bút nghiên lên đường ra trận. Trong đêm đen mẹ soi mấy dòng thư. Nó đi rồi. Bom rơi đạn nổ. Không một phút tiễn đưa. Tôi đi trong đội hình nhấp nhô. Mẹ thở dài. Cuộc chiến còn xa lắm.

Mẹ. Suốt một đời không nói nhiều lời. Con đi xa chỉ dặn dò rất khẽ. Theo kịp bước anh em rồi quay về với mẹ. Con bước đi đầu không ngoái lại. Bờ trạng nguyên sáng một góc làng.



Mẹ. Người phụ nữ lặng yên suốt một đời vẫn vậy. Như cây mít. Cây tiêu. Cây cam. Cây bưởi. Từ mọi góc vườn lặng lẽ tỏa hương. Tiếng tàu chạy xậm xịch âm vang cuối ngõ. Tìm về làng quê tâm tưởng cứ như mơ.

Mẹ đi xa. Mẹ về với ba. Với ông bà tiên tổ. Dáng hình Người vẫn lẩn khuất đâu đây. Thức dậy một trời kỉ niệm. Làng Thọ Lộc bời bời mây trắng. Miền quê xanh thăm thẳm dấu chân Người.

Tôi đứng đầu làng. Thẫn thờ. Xanh hàng dương liễu. Bóng đa xưa nhớ mãi tay ba trồng. Nghe trong gió lời khấn thầm vương vấn. Mẹ xa rồi. Mẹ chẳng quên đâu. 

Mẹ. Dù đi xa vẫn gọi. Lời thiết tha gửi vào cõi vĩnh hằng. Nén hương thơm cho con gặp lại. Dáng hình xưa. Cơm mẹ nấu vẫn còn bốc khói. Chén canh rau thơm mát. Con đường làng hàng cây ngan ngát . Trên cao xanh con thấy mẹ cười.






16 tháng 11, 2021

CHÂN LÍ ĐÔI KHI CŨNG CẦN ĐƯỢC NHẬN THỨC LẠI

 Một hôm tôi bước vào dạy 3 tiết cuối buổi sáng ở 1 lớp năm thứ nhất. Thường thì tôi được phòng giáo vụ phân dạy nguyên buổi 5 tiết nhưng hôm đó bên bộ môn VHVN xin 2 tiết đầu cho 1 GV thỉnh giảng. Bước vô lớp thầy trò chào nhau xong tôi ngoái nhìn lên tấm bảng xanh vẫn còn dòng chữ rõ to bằng phấn trắng của ông thầy dạy 2 tiết trước để lại: VHDG – Phân tích truyện Tấm Cám. À, năm nhất đang học VH dân gian.

Một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi hỏi các bạn sinh viên tuổi vừa 19 (lớp này chỉ có 30 SV) dù tôi dạy ở 1 bộ môn rất khác với VHDG (là VHTQ): Theo các anh chị thì trong câu chuyện Tấm Cám nhân vật Tấm có đúng là cô gái biểu tượng cho đạo đức và hiền hậu không. Cả lớp đồng thanh: Thưa thầy đúng ạ. Thế các bạn nghĩ sao về hành động ở cuối truyện khi cô Tấm chặt đầu Cám muối thành hũ mắm đem tặng cho dì ghẻ của mình cũng là mẹ Cám ăn. 1 cô gái trẻ xinh đẹp đạo đức và hiền lành có thể có hành động độc ác, vô nhân như thế với cô em gái tội nghiệp cùng cha khác mẹ và với cả người mẹ kế của mình như thế không. Cả lớp lại ồ lên và quay sang trao đổi với nhau rất sôi nổi. Cứ như đang là trong tiết VHDG vậy.

Để 3 phút cho sự ồn ào lắng xuống, tôi tiếp: Vậy tôi tạm kết luận thế này các anh chị nghe ổn không nhé: Thực ra nhân vật Tấm trong Tấm Cám không hiền lành và tốt bụng như lâu nay chúng ta vẫn tưởng mà Tấm thực ra cũng ác độc và thâm hiểm lắm, có khi còn ác hơn cả mẹ con Cám. Mỗi lần nghĩ đến hành động và thủ đoạn độc ác của Tấm là mỗi lần tôi rùng mình.

Các anh chị về nhà suy nghĩ thêm xem tôi nói thế có đúng không và hãy xem đó là 1 sự nhận thức lại về 1 chân lí đã được xem như là mặc định trong kho tàng VHDG nước nhà.

Tấm và Cám ai ác hơn ai


Bây giờ thì tạm gác Tấm Cám qua 1 bên, ta tiếp tục với bài giảng về Tam Quốc chí diễn nghĩa và sau đó sẽ là Tây du kí.

Vậy là TP HCM đã đi qua 4 ngày mở cửa giải phóng 12 triệu con người khỏi gông cùm của dây thép gai bùng nhùng, của lưới B40 với 300 chốt kiểm dịch ngập tràn biên bản phạt người dân rất nặng. Sau 3 tháng như bị cầm tù, 4 ngày qua người dân TP đã lại được tung tăng đi lại trên những đường phố thênh thang rộng mở. Dù không có một chút bóng cờ hoa như ngày 30/4 của 46 năm trước nhưng lần này, thực sự là SG được giải phóng.

4 ngày qua, tại TP HCM, số case F0 mỗi ngày được rút từ trên 4k xuống còn 2,5k; số case tử vong từ trên 120 xuống còn dưới 100/ngày. Vậy chứng tỏ rằng cái chân lí giãn cách, phong tỏa, rào chắn kiểu ấp chiến lược hóa toàn TP đã sai lầm hoàn toàn và chỉ có sự tự do của con người mới đem lại sức sống cho TP.

Thêm 1 chân lí bị sụp đổ và được nhận thức lại bằng thực tiễn. Dịch covid không thể chống bằng duy ý chí, bằng quyết tâm chính trị mà phải chống bằng tư duy khoa học.

Dân số có đăng kí hộ khẩu thường trú của TP HCM là gần 10tr người, ngoài ra còn có thêm 2,5tr người lao động từ các tỉnh đổ về làm trong các nhà máy, xí nghiệp nữa là 12,5tr người. Đó là chưa kể ngày chưa có dịch, theo thống kê của công an TP, mỗi ngày còn có khoảng 2tr khách vãng lai từ cả nước đổ về SG công tác, tham quan, du lịch, thăm thân nhân và khám chữa bệnh các kiểu. Nay thì những con người lao động chân chính ấy đang tháo chạy khỏi TP. Họ tháo chạy trong đau đớn và tủi nhục. Thế mà báo chí quốc doanh còn lên tiếng sỉ vả họ nào là thiếu ý thức này nọ. Họ đâu biết rằng con người hơn con vật chỉ ở 2 chữ ý thức ấy. Khi nói 1 ai đó thiếu ý thức cũng tức là đồng nghĩa với nói người đó không khác gì con vật. Đó chính là 1 sự hạ nhục người lao động khốn khổ của những ai đang lên tiếng nguyền rủa những con người đáng thương đang tháo chạy khỏi TP. Chỉ có mạng XH là đang hết lòng hết sức thương cảm và bênh vực họ.

4 hôm nay ngày nào tôi cũng vòng vèo xe máy qua mấy nơi từng là quán phở quán bún Huế nhưng họ vẫn chưa mở lại chỉ vì thiếu người làm. Những người làm công cho họ chính là những con người đã và đang tháo chạy khỏi TP. Quán bún quán phở còn vậy huống hồ gì là những nhà máy xí nghiệp với hàng ngàn công nhân lao động. Thiếu họ lấy gì hoạt động trở lại. 2 triệu rưỡi con người chứ ít đâu.

Bây giờ mới thấy rõ sức sống và tiềm năng làm ra giá trị vật chất và của cải cho TP lớn nhất nước này là ở những người lao động thực sự ấy. Nhưng họ đang trên đường tháo chạy để về với quê hương bản quán. Đau đớn thay.

Thêm 1 chân lí nữa cũng cần phải được nhận thức lại.


NGƯỜI ĐẢNG MỘT THỜI

                                           Tác giả Nguyễn Trung Ngọc

Nhìn bức ảnh ngôi nhà ở dưới, có thể bạn rất khó hình dung đây là nhà của một cán bộ cấp tỉnh về hưu cách đây cũng chưa phải là quá lâu. Tôi biết căn nhà này lần đầu tiên cách đây chừng mươi năm. Đấy là vào một buổi chiều muộn tôi đưa bạn mình – Hà Tùng Sơn – từ Vinh về Đồng Hới họp lớp rồi ghé qua. Ngôi nhà của Ba Mạ Sơn dựng lên ở quê cha đất tổ Thọ Lộc (Bố Trạch) từ ngày ông bà nghỉ hưu sau suốt một đời đi theo “cách mệnh”.

Khi xe chúng tôi lăn bánh đến đỉnh dốc con đường Mĩ đậu lại để vào ngõ thì mặt trời mùa hè đã xuống khuất ở rừng thông phía sau nhà. Sơn giải thích với vợ chồng tôi, con đường đi xuyên qua làng gọi là “đường Mĩ” vì đấy là con đường được làm bằng tiền của người Mĩ trả ơn dân làng đã tìm cho họ hài cốt mấy phi công bị bắn rơi trong chiến tranh. Nắng nóng ở cái rốn gió Lào Quảng Bình thiêu đốt tận khi mặt trời đã tắt khiến cho căn nhà thấp nhỏ nóng hầm hập như cái chảo rang. Cũng may, phía sau và xung quanh nhà là cả một vườn cây rậm rạp vẫn giữ được màu xanh mát dù có bị gió làm cho tơi tả đi nhiều.

Cái ấn tượng nhất với tôi khi lái xe đi lên con dốc vào nhà là hàng cây hoa Trạng nguyên đỏ chói trước nhà. Sơn bảo, dãy Trạng nguyên đó ông bố Sơn trồng từ hồi mới về cất nhà ở mảnh đất này. Cả nhà đã quây quần đông đủ để đón cậu cả từ Sài Gòn ra. Sơn không bay về Đồng Hới mà thẳng ra Vinh để chơi với chúng tôi một hôm rồi kết hợp một chuyến cùng nhau chuyện trò không ngớt suốt quãng đường từ Vinh vào tận bờ Nam giới tuyến thời Trịnh – Nguyễn. Vui không tả hết.

Ngôi nhà của ông phó giám đốc sở “đời cũ” (phó trưởng ty) về hưu quá bình thường nên dễ làm cho khách đường xa như vợ chồng tôi lúc đó thấy gần gũi và ấm cúng hơn. Lần đầu tiên mà Ba Mạ và các em Sơn đón vợ chồng tôi thân tình như đã từng quen biết lắm. Thuở chiến tranh, đóng quân ở đất lửa Quảng Bình khá nhiều, tôi đã được những Bà Mẹ nơi đây đùm bọc, yêu thương như con đẻ: Nhường góc nhà tốt nhất cho ở; dành giường tốt cho nằm; nhiều bữa ăn còn bưng đến cho tô canh, bát cà để bữa cơm lính thêm “dễ nuốt” (Mạ bảo vậy). Vì thế, bước vào ngôi nhà chưa bao giờ đến mà sao tôi thấy như quen thuộc tự bao giờ. Và, khi Mạ Sơn cùng các em reo lên từ trong nhà bước ra sân đón chúng tôi với những lời chào hỏi thiệt thà “rất Quảng Bình”, tôi đã cay xè nơi khóe mắt: “Trời ôi! Tận ngoài Vinh mà chở Sơn về đây. Chắc nốt chuyện đi mô chớ. Đi xa rứa có doọc khôông?”

Mấy năm rồi tôi không còn Bố Mẹ. Tự nhiên tôi như thấy dâng trào thứ tình cảm gia đình thân thiết quá mà cũng thiêng liêng quá. Mạ Sơn là một người phụ nữ đẹp, rất phúc hậu. Dáng cụ dong dỏng cao, miệng cười rất tươi và rất hiền. Đã có nhiều bà mẹ của bạn bè, gặp rồi tôi cứ vương vấn mãi một lòng yêu kính, một sự tôn thờ vượt ra ngoài tình cảm riêng tư. Mạ Sơn là vậy. Tôi chỉ nói với hắn: “Mạ mi là một Người Mẹ tuyệt vời!” Chủ quan thế, tôi đã biết gì về cụ đâu. Hoàn toàn chỉ là sự cảm nhận cảm tính. Thú thật, có những nhược điểm ở con người HTS, sau khi gặp Mạ hắn, tự nhiên tôi coi nhẹ và bỏ qua được hết. Tôi lập luận bằng lí lẽ của trái tim: Một Người Mẹ như thế phải sinh ra những đứa con tử tế!

Nhưng nhân vật trung tâm hôm nay tôi nói đến là ba Sơn. Ông ốm nằm đã nhiều ngày nay. Ở tuổi 92, đã đến lúc ông phải hư hỏng bộ phận gì đó trong cơ thể để rồi đi theo ông bà tiên tổ. Nghe tiếng chúng tôi về, ông rời khỏi giường ra đón con trai và bắt tay chào khách. Thấy ông xuất hiện, cả hai vợ chồng tôi đều ồ lên khi nhìn hai bố con Sơn giống nhau như lột. Sơn kể với tôi, dân làng vẫn bảo rằng: Nhà mình có hai ông Thuyên, chỉ khác nhau ở mái tóc: Ông Thuyên bố tóc trắng hơn ông Thuyên con. Và họ vẫn quen gọi “Ông Thuyên con” và “Ông Thuyên bố”. (Ba Sơn tên là Hà Thuyên).

Sau mấy câu thăm hỏi vợ chồng tôi ân cần, ông ngồi xuống chiếc ghế salon da cũ kĩ đã sờn và rách góc đặt ở hành lang. Dưới chân, một chú Mực hiền lành trông đã rất già nằm gác mõm vào đôi dép của ông chủ. Rồi ông giục mấy cô con gái dọn mâm ra trong khi ngồi nói chuyện với con trai và vợ chồng tôi thêm mấy phút ở cái bàn uống nước nhỏ bên cạnh. Tôi nhận ra, tuy sắc mặt vẫn hồng hào nhưng giọng nói của ông cụ đã méo đi vì ốm yếu và cụ đã thở rất nhiều khi câu chuyện kéo dài.

Khi cơm đã dọn ra, cụ giục mọi người vào mâm và gọi cô con gái mang cho mình suất ăn riêng. Thì ra đã mấy ngày rồi cụ không ăn cơm được nữa. Đến bữa chỉ húp tí cháo hay chút ít yến sào do con cái mang về. Ăn xong chén yến sào, cụ vào giường nằm nghỉ để chúng tôi mặc sức chúc tụng, nói cười râm ran bên mâm cơm gia đình ấm cúng.

Tôi đã gặp ba Sơn một lần khi còn học đại học. Ngày ấy, ông đi công tác ghé qua thăm con được mấy phút. Sơn rủ tôi tiễn ông ra chiếc xe con đậu ở sân trường. Trở về tôi còn rưng rưng hãnh diện vì thằng bạn có bố được xe con đưa đón. Nhưng thời ấy, tôi chẳng có ấn tượng gì hơn ngoài chuyện ông cụ xách chiếc cặp da bước lên chiếc com măng ca đóng cửa rụp một cái rồi vút đi như một vị chính ủy. Sau này, khi đã thành “người lớn”, tôi mới biết chú ý đến những góc khác của cuộc đời người bố bạn mình.

Sơn kể với tôi: Hồi cải cách, khi đang là cán bộ nòng cốt của huyện Bố Trạch, cụ Thuyên từng bị bắt với người anh ruột để chờ “xử lí” với tội danh “Quốc dân đảng - con địa chủ giàu có trong vùng” dù ông là đảng viên cs từ năm 1944 và khi đó đang là thường vụ huyện ủy. Khi “tòa án nhân dân” sắp mang cụ ra hành quyết thì có điện ở trên về yêu cầu thả hai người, cho về làm nông dân cày cấy. Sửa sai, ông được phục hồi chức phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trong danh dự rồi được điều lên tỉnh làm phó trưởng ty lâm nghiệp Quảng Bình (phó giám đốc sở sau này). Năm 1959, cả nhà ông phó ty chuyển đến sống ở thị xã Đồng Hới, bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ở đây, nhiều lần gia đình phải chia xẻ đi sơ tán nhiều nơi do chiến tranh ác liệt.

Đến tuổi về hưu, năm 1980, cụ Thuyên vẫn cùng vợ con sống ở đất thị xã. Nhưng rồi không thích sự ồn ào, đua chen nơi phố thị, sang 1981, ông trả nhà cho tỉnh rồi đưa cả gia đình về quê sinh sống. Xung quanh chuyện này, có một chi tiết vui đáng kể: Một lần “ông Thuyên con” về thăm nhà, “ông Thuyên bố” tâm tình: “Ba về xây cất nhà ở đây trước, sau này về hưu Sơn về với Ba Mạ. Sống ở nông thôn trong lành, yên tĩnh có khi còn thọ thêm được mười năm”. “- Con thì khác Ba ạ! Về đây, bỏ mất mảnh đất quá đẹp ở thị xã Đồng Hới bên bờ Nhật Lệ, có khi ngược lại, con bớt mất mười tuổi…” Anh chàng “tùa trời” đã thể hiện sự bất đồng với ba trong việc chọn nơi “an cư” như vậy.

Trong chuyện này, hình như thế hệ cụ Thuyên thường nghĩ rất giống nhau. Bố tôi năm 1967 đưa cả nhà di cư từ Đức Thọ lên Hương Sơn. Vì là đv – Chủ nhiệm HTX, ông để cho dân làng chọn những mảnh vườn đẹp trước, “anh chủ nhiệm” còn lại đám đất cuối cùng sát tận bìa rừng. Thời ấy có đủ các loài thú dữ như Hổ, Voi, Lợn lòi…quấy phá rất đáng sợ. Ông động viên và giải thích với vợ con: “Mình là Chủ nhiệm mà không gương mẫu, chỉ muốn giành chỗ tốt thì ai ở chỗ chừa lại ấy. Có đôi tay, chúng ta sẽ làm nên tất cả!”. Lớp cán bộ - đảng viên thời ấy có cách nghĩ riêng của họ. Và, chẳng có hiện thực nào mà không hợp lí. Chỉ là sau này – “Những người cs mới”, đã không thể hiểu được, tại sao một phó giám đốc sở (phó trưởng ty) như cụ Thuyên lại chỉ về hưu với hai bàn tay trắng. Có mảnh đất ở thành phố cũng vứt nốt mà đi.

Chúng tôi cơm nước xong thì vừa lúc trời nhá nhem. Sơn chủ động giục vợ chồng tôi đi tiếp vào Đồng Hới. Cả nhà hơi ngạc nhiên khi chúng tôi không ngủ lại. Sơn giải thích với Ba Mạ: “Con xuống Đồng Hới có cuộc họp”. Tôi nhận ra một nét thoáng buồn trên khuôn mặt người bố già của Sơn nên vô cùng ái ngại. Bọn con cái chúng tôi bây giờ đi đâu phải có phòng điều hòa mới ngủ được. Thì cũng chẳng có gì sai nhưng giá như…chúng tôi biết thấu hiểu hơn nhẽ đời, biết san sẻ nhiều hơn những mất mát hi sinh mà thế hệ đi trước mình đã chịu…

Ba Sơn cố gắng ngồi dậy chia tay chúng tôi. Ông cố tỏ ra không mệt mỏi: “Hai cháu đi vội quá, chẳng kịp nghỉ ngơi gì. Sơn đi rồi có quay lại với Ba Mạ nữa không?” “- Có chứ Ba! Xong việc con sẽ về. Con còn ở nhà lâu” – Anh chàng “tùa trời” cứ nói vậy nhưng không biết có nghĩ tới đó là lời hứa với người cha đã đến lúc mong từng ngày được ở bên con cháu?

Năm 2009, một e kíp do Nhà văn Nguyễn Thế Tường chủ trì của đài PT-TH Quảng Bình có làm một phóng sự về “Đôi vợ chồng có 125 tuổi đảng” (cả hai ông bà cộng lại). Đoạn phim ngắn, đơn giản của một đài nhỏ địa phương chưa nói được gì nhiều nhưng từ đó người tinh anh có thể thấy được một gia đình, một đôi vợ chồng già đã sống, “hoạt động” bình dị không thể bình dị hơn; Đáng kính và…đáng thương của đất Quảng Bình trong mấy chục năm khói lửa, gian khổ vào hàng nhất cả nước khi ống kính cứ hướng mãi vào những giấy khen, bằng khen, những huân huy chương, những tấm ảnh lãnh tụ treo trong căn nhà gỗ thấp nhỏ nơi quê cha đất tổ mà ông bà đã sống sau cuộc đời “làm quan” chốn thị thành.

Còn bao nhiêu chuyện để kể, để nói về một “lão đồng chí”, một thế hệ đã làm nên những điều kì lạ. Có thể bọn trẻ hôm nay lấy làm khó hiểu, thậm chí là khó chịu, nhưng lập luận của tôi là thế này: Đạo đức con người ta thật không dễ định tính, nó còn tùy thuộc thời đại, tùy thuộc bao nhiêu yếu tố nhân sinh. Nhưng, xét đến cùng, người có đạo đức phải là người giàu đức hi sinh, dám nhận lấy về mình phần mất mát, biết dành cho đồng bào, đồng loại cái họ cũng cần như mình. Người bố của bạn tôi, ông Hà Thuyên, là một mẫu người như vậy. Dù suýt nữa, trong ccrđ, ông đã phải bỏ mình vì một bản án của công – nông.

Đọc hết những dòng này, xin các bạn nhìn lại bức ảnh về ngôi nhà, ngẫm thêm, liên tưởng…để chúng ta thấm hơn một thời kì lịch sử./.

Bạn, Nữ Luyến, Luyện Trịnh và 102 người khác
102 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ