29 tháng 5, 2020

Độc đáo cây lưỡi hổ

Thông thường các loại cây ban ngày hấp thụ khí độc CO2 và nhả ra khí lành O2 (ô xy) còn ban đêm ngược lại, hấp thụ khí O2 và nhả ra khí CO2 độc hại. Vì thế trong phòng ngủ không mấy ai dám để cây vì sợ hít phải khí độc. Có người đã chết một cái chết rất từ từ và êm ái chỉ vì ban đêm để cây trong phòng ngủ.
Tuy nhiên có một loại cây không như thế, ngày hay đêm gì cũng hấp thụ khí CO2 và nhả ra O2. Đó là cây lưỡi hổ. Vì thế mà nói lưỡi hổ là một loại cây độc đáo. Cũng vì thế mà trong phòng ngủ nếu có một chậu cây lưỡi hổ dù cửa đóng kín mít để bật máy lạnh bạn vẫn tha hồ khí O2 để thở.
Cây lưỡi hổ do vậy từng được cơ quan vũ trụ NASA Hoa Kì liệt kê vào top đầu trong số 12 loài thực vật cải thiện không khí tốt nhất cho không gian sống. Chúng đóng vai trò như một chiếc “máy lọc mini” làm giảm lượng bụi bẩn có trong không khí và cả về khả năng hút độc tố.
Nói cây lưỡi hổ vì lá của nó giống cái lưỡi đang thè dài ra của con hổ. Đó là một tên gọi tượng hình. Có hàng chục loại cây lưỡi hổ. Có loại lá dài cả nửa mét như một thanh đại đao, có loại chỉ dài một gang tay. Loại ngắn bằng gang tay có người gọi là lưỡi mèo.

Trong nhà có chậu cây lưỡi hổ không lo thiếu O2

Nói là cây nhưng lưỡi hổ không có cây mà chỉ có lá mọc thẳng từ gốc lên. Loại cây này có sức sống dẻo dai, khỏe khoắn; có khả năng chịu đựng mức ánh sáng thấp, để trong nhà quanh năm vẫn xanh tươi; nhu cầu nước không cao, dễ chăm sóc. Lỡ có đi đâu khỏi nhà vài tháng trở về cây vẫn sống như thường. Vì thế cây lưỡi hổ còn là loại cây dành cho người lười. Những người lười thường muốn có cây xanh trong nhà mà không cần tốn công chăm sóc. Người lười do vậy đôi khi còn được gọi là người khôn.
Nhà tôi có mấy chậu cây lưỡi hổ mang giống từ quê QB vào trồng. Do tôi chăm bón tốt nên nó luôn xanh tươi và đẻ khá nhiều con.
Ai cần sẽ cho không biếu không vài cây mà không hề tiếc xót.
Ảnh 2 chậu lưỡi hổ để trong nhà, tôi còn 2 chậu nữa trên ST.


23 tháng 5, 2020

Sách quý về Thiếu tướng Trần Văn Trân


Sáng ngày 22/5/2020 tôi đến thăm gia đình cô Võ Bích Hà được cô và bạn Trần Bích Thủy cho mượn cuốn sách quý về Thiếu tướng Sư trưởng Sư đoàn 341 của chúng ta.
Sách có nhan đề: Thiếu tướng Trần Văn Trân chuyện bây giờ mới kể, Nhiều tác giả, NXB QĐND, 2007. Sách dày 300 trang, bìa cứng rất trang trọng. Đây là cuốn sách ra đời nhằm kỉ niệm tròn 10 năm Thiếu tướng Trần Văn Trân đi xa, Ông mất năm 1997 khi vừa tròn 70 tuổi.
Trong Lời giới thiệu của NXB QĐND có đoạn viết: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thiếu tướng Trần Văn Trân là sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 (Sông Lam) đảm nhiệm đột kích hướng Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” của địch, đưa đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Xuân 1975”.
Với 300 trang sách, 40 bài viết, Thiếu tướng Trần Văn Trân chuyện bây giờ mới kể đã làm sống lại bức chân dung đầy đủ về một vị tường tài ba, đức độ, dày dạn trận mạc và rất ân tình trong cuộc sống.
Thiếu tướng Trần Văn Trân chuyện bây giờ mới kể

Bạn đọc sẽ bắt gặp ở Thiếu tướng Trần Văn Trân chuyện bây giờ mới kể những bài viết chân tình bày tỏ lòng yêu quý và ngưỡng mộ về Thiếu tướng Trần Văn Trân, người từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng của quân đội ND Việt Nam: Tư lệnh Sư đoàn 341, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận 719, Phó Giám đốc Học viện Lục quân, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4.


Chỉ đọc tên tác giả các bài viết trong sách đã khiến chúng ta phải lấy làm ngưỡng mộ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Lê Nam Phong, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Vũ Cao...
Tướng của QĐND Việt Nam ngày nay thì quá nhiều, có thể nói là đếm không xuể, nhưng để có một vị tướng như Trần Văn Trân thì không không dễ.
Kỉ niệm 45 năm ngày Sư đoàn 341 của chúng ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, trân trọng giới thiệu cùng đồng đội CCB C20 F341 cuốn sách quý về vị Tư lệnh Sư đoàn lỗi lạc của chúng ta.



21 tháng 5, 2020

Đàn ông khộ


Tôi cam đoan 100 ông chồng thì có 101 ông có quỹ đen. Trong một gia đình, quỹ đỏ là tiền mụ vợ quản lí để chi tiêu chung. Quỹ đen là ông chồng cất riêng chút ít để chi tiêu cho riêng mình. Tỉ như cà phê cà pháo với bạn bè, lâu lâu làm vài ve đồng nghiệp, mua vài thứ lặt vặt, xăng xe... chứ cũng chẳng có gì ghê gớm. Nói chung quỹ thì ĐEN nhưng dùng vào những việc rất ĐỎ.
Quỹ đen tình rất ngay mà lí thì rất gian.
Tại sao có quỹ đen. Là vì với mấy mụ vợ chồng đi làm đưa tiền về mấy cũng thấy ít nhưng xin lại 5 chục đổ xăng thì thấy rất nhiều, xăng gì đổ lần 5 chục ông. Có khi 3 chục cắt tóc cũng thấy nhiều nữa. Mà ở SG bây giờ cắt tóc 5 chục là rất bèo nhèo, cắt tóc máy lạnh cũng 100k là ít nhất. Nói chung gửi vô thì rất dễ, rút ra thậm khó. Vì thế mới sinh ra quỹ đen. Chứ hiếm hoi như vợ ai đó thỉnh thoảng nhét vô bóp chồng vài triệu tiêu vặt thì đâu đến nỗi. Nhưng những mụ vợ tâm lí như thế hiếm như trúng Vietlott.
Trong mắt mấy bà vợ các ông chồng đều xấu, đều là nghi can, đều là Vũ Nhôm với Út Trọc, cần luôn nêu cao cảnh giác. Ai đó đã nói: Đàn ông có tiền là hư; Phụ nữ hư lại có tiền. Câu này có lẽ đúng. Vấn đề là phải làm sao để đàn ông luôn không có tiền.
Quỹ đen có ông chỉ vài triệu trong bóp. Có ông có hẳn tk vài chục triệu, vài trăm trăm triệu trong ATM. Thậm chí tôi biết có cha nội làm GĐ sở nhiều màu mè nên có hẳn cả tỉ đồng qũy đen, để trong bóp thì cộm cán nên gửi vô tiết kiệm ngân hàng, có gì cần rút ra tiêu. Ai ngờ đấy lại là là tử huyệt của mấy ông nội có quỹ đen tiền tỉ.
Chả là đến Tết hoặc ngày sinh, bộ phận chăm sóc khách hàng lọc những khách hàng có tiết kiệm từ tỉ đồng trở lên xem là khách sộp để gửi thư, quà biếu, gửi lịch biếu và chúc mừng đến tận địa chỉ nhà riêng. Tất nhiên là lọt hết vô tay mụ vợ. Thế là lộ mánh. Nhà cửa cứ nổ tanh bành cả lên dù là chiều 30 Tết.
Kiểu quản lí tài chính quá chặt và đầy tinh thần cảnh giác cách mạng của mấy bà vợ khiến nhiều ông chồng phải ăn cắp chính những đồng tiền do mình đã đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Lừa lúc mụ vợ đi vắng, mở tủ rút ra mấy tờ 500 mà vợ đã giấu kĩ sau mấy lớp áo quần. Mừng hơn bắt được vàng.


Có quỹ đen rồi phải tìm cánh giấu diếm. Có ông cất sâu vào túi áo khoác, ông thì để vô túi phụ tùng lap top, như tôi thì cất mấy tờ 500 vào trong mấy cuốn từ điển cũ kĩ mốc meo trên giá sách. Vậy mà an toàn và ổn định cả mấy chục năm nay, chưa bị lộ và thất thoát lần nào.
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất. Quỹ đen đã đi vào nghệ thuật thi ca như thế. He he.
Đàn ông kể cũng Khộ nhỉ. Lấy vợ xong là rơi ngay vào bể Khộ.

18 tháng 5, 2020

Tam Quan không chỉ có dừa


Dù sống ở sài Gòn cả chục năm rồi nhưng nhà tôi chỉ ăn mỗi nước mắm Tam Quan Bình Định. Đó là thứ nước mắm làm từ cá theo lối thủ công và đặc biệt là luôn nói không với hóa chất và các chất bảo quản độc hại.
Nói nước mắm phải làm từ cá nghe có vẻ buồn cười và vô duyên chả khác gì nói đàn bà phải là phụ nữ. Nhưng bởi trên thực tế thị trường VN và cả trên TV đang tràn ngập một loại nước mắm có tên là NN không làm từ cá, đó là nước mắm hóa chất với hương liệu pha chế cho giông giống nước mắm. Nó tung hô là đệ nhất nước mắm nhưng 1 lít NN bán trong siêu thị chỉ 2-3 chục ngàn đồng. Trong lúc 1 lít nước mắm truyền thống có giá gấp 3-4 lần như thế trở lên, thậm chí hàng trăm ngàn 1 lít. Phải thôi. Cái thứ dùng máy móc sản xuất ra hàng loạt như NN mà so với sản phẩm handmade như Tam Quan thì làm sao mà bì được.
Nhắc đến chữ handmade lại nhớ có lần tôi lạc vào một khu phố bán giày ở Hong Kong. Bên cạnh những đôi giày da bóng loáng có giá chỉ 400 - 500k thì những đôi giày handmade lại có giá đắt gấp đôi. Hỏi vì sao đôi giày handmade lại có giá cao vọt lên như thế thì người bán hàng giải thích vì nó được làm bằng tay, mỗi đôi là cả một thế giới riêng tư và độc đáo không có đôi nào giống đôi nào. Nếu anh mua 1 đôi handmade bảo đảm sẽ không có đôi thứ 2 như thế. Cứ đi đôi handmade sẽ biết. Nó êm chân và nhẹ bẫng, đi cả ngày vẫn êm. Nghe lạ lẫm và bùi tai, tôi đã liều mình xuống tiền mua 1 đôi giày handmade Hong Kong. Quả nhiên tôi đi đôi giày đó 4 năm liền vẫn còn đẹp. Tiền nào của ấy.
Nước mắm truyền thống Tam Quan cũng vậy. Cái ngon của nó khó tả hết bằng lời, ai ăn nấy biết. Và đã ăn quen NMTQ thì cái lưỡi khó mà quen với NM khác. Điều này cũng như xài đồ hiệu, ai xài nấy biết. 1 cái áo sơ mi An Phước-Pierre Cardin 1tr đến 1,5 tr đồng thậm chí là 2tr đồng khi mặc sẽ rất khác với loại áo sơ mi Trung Quốc 100k 5 cái bán khắp vỉa hè Tây Thạnh. Người không biết nhìn vào sẽ nghĩ là nó cũng như nhau.
Có lần tôi đi Phú Quốc thấy chỗ KS mình ở có bán nước mắm truyền thống PQ thượng hạng liền mua 1 hộp 4 chai. Giá cao hơn hẳn NMTQ nhưng khi về phải bỏ đi vì ăn nó không vào, không mặn mòi, thơm tho như NMTQ.
Nhớ hồi những năm 80 ở chung phòng khu tập thể ĐHSP Quy Nhơn trên lầu 3 tu viện với Nguyễn Ngọc Quận Gv Hán Nôm. Mỗi bữa ăn xong còn dư chút nước mắm trong chén không biết xử lí thế nào, đổ đi thì phí, cất lại thì hôi nhà mà đó lại là nước mắm ngon mua từ chợ khu 6. Tôi đang nghĩ nát óc thì Quận đã bưng chén nước mắm lên húp cái rột nghe rất ngon lành. Sau này học tập và làm theo tấm gương đạo đức của GS Quận, mỗi khi ăn xong chén nước mắm còn dư chút ít tôi cũng bưng lên húp cái rột khiến vợ con tròn xoe cả mắt. Nhưng đó phải là NM nhỉ của Tam Quan.
Nước mắm Tam Quan

Thực ra thì ở vùng biển nào cũng đều có nghề làm nước mắm truyền thống. Và ai ăn quen nước mắm ở đâu thì cho nước mắm ở đấy là ngon nhất. Tuy nhiên Tam Quan là một trong những nơi có làng nghề làm nước mắm truyền thống từ lâu đời và cũng rất nổi tiếng, có khi còn nổi tiếng hơn cả dừa Tam Quan. Những chai nước mắm sánh màu mật ong trong trẻo, đựng trong những cái chai không màu mè nhãn mác nhưng đó là sản phẩm của một dì Ba, chị Tư, má Sáu nào đó rất cụ thể, rất đáng tin cậy mà ta đã ăn liên tục nhiều năm rồi.
Nói ở Sài Gòn ăn NMTQ nghe có vẻ xa xôi nhưng lại rất tiện mua. Tôi có cô học trò cũ tên Đặng An đang là GV dạy ở ĐH Quy Nhơn. An quê Tam Quan, có người chị làm nghề nước mắm thủ công. 3 bốn tháng tôi lại nhắn cho An: Thầy hết nước mắm rồi em, 10 lít nhé. Dạ thầy. Buổi chiều An mang ra xe gửi, sáng hôm sau thùng nước mắm Tam Quan đã có ở bến xe Miền Đông.
Sáng nay cũng thế, An nhắn cho tôi số điện thoại nhà xe Ngọc Thương chạy tuyến Quy Nhơn - Sài Gòn. Tôi gọi lên: Anh đến cửa số 3 nhận hàng nhé, xe tôi đến từ 6h. Để có 1 thùng 10 lít nước mắm Tam Quan ở SG, thật quá đơn giản.
Ngon như nước mắm Tam Quan. Ai nói Tam Quan chỉ có dừa nhiều.
Thùng nước mắm Tam Quan An gửi cho tôi sáng nay.

17 tháng 5, 2020

Sao đành


Sáng chủ nhật mở cửa nhìn trời thấy nắng chói chang. May SG đã vào mùa mưa, chiều nay thế nào chả có trận mưa to. Hôm qua thứ 7 còn mưa từ sớm.
Mấy bữa nay mỗi lần lật các trang báo điện tử (hiển nhiên, chứ nay còn ai đọc báo giấy trừ mấy ông bà cổ lổ sĩ) và mạng XH facebook trong đầu cứ miên man về vụ án HDH và vụ án gian lận thi cử đang xử ở Hòa Bình.
Vụ HDH mà thường vụ QH không yêu cầu để toà tối cao xử lại thì chả còn ra thể thống gì với cái nền tư pháp xứ này. Xử lại không hẳn để giải oan cho HDH vì Hải chưa hẳn đã bị oan mà xử lại cho đúng quy định của pháp luật, xử cho tòi bọn gian dối, vô trách nhiệm và tàn ác với số phận con người. Từ vụ này cũng chưa bao giờ thấy sự phân hóa trong nhận thức và trình độ của dân ta khác biệt và rõ rệt như ngày nay. Không ít kẻ cuồng tín coi tòa án cs là chân lí, tòa đã phán là chỉ có đúng. Nếu thế đã không có những vụ như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... khiến nhà nước phải bỏ ra đến 7,7 tỉ đồng để bồi thường oan sai cho 1 vụ án oan như ông Chấn... Toà xử mà phải theo chỉ đạo và định hướng của ai đó, chỉ thế cũng đủ thấy sự công bằng của thần công lí ở xứ ta chỉ có trên đầu lưỡi.
Với vụ gian lận thi cử đang xử án ở Hòa Bình, tôi rất thương và thấu hiểu cho số phận các cô giáo chấm thi chỉ vì phải nâng điểm theo yêu cầu của bọn cấp trên gian xảo mà nay phải ra trước vành móng ngựa và vướng vào tù tội. Suy từ những lần tôi tham gia coi thi và chấm thi tuyển sinh vào đh, thì cũng phải có cả chục lần tôi đã làm như họ: Coi thi thì có ai đó gửi gà, thế là khi con gà mang tài liệu vào phòng thi, công khai lật phao ra chép nhưng mình do nhận lời gửi gắm nên ngó lơ trong lúc đáng ra phải tịch thu tài liệu, lập biên bản cảnh cáo, đình chỉ thi... Chấm thi thì như tôi đã viết trong bài Khai quật một sự thật. Nếu bị phanh phui như ở HB tôi cũng phải ra tòa cả chục lần rồi vì lần nào cầm bút chấm thi cũng phải nâng điểm gian dối cho thí sinh vì có ai đó nhở vã. Nói thật, tôi thương các cô giáo HB lắm.
Cũng vì thế mà câu chuyện CT 21 đã viết xong mà không nỡ đăng tiếp chương 2 vì thấy nhẫn tâm quá. Trong lúc đồng bào mình, đồng nghiệp mình đang oan ức thấu trời xanh như thế mà đi kể chuyện tình ái vớ vẩn thì không đành chút nào.


15 tháng 5, 2020

Khai quật một sự thật


Lần đầu tiên trong đời làm nghề giáo tôi được tham gia chấm thi tuyển sinh vào đh là mùa hè năm 1984. Vài năm trước đó thì còn bận đi học thêm nên chỉ long nhong nhận lương với họp hành linh tinh. Riêng tôi đi học CH có 2 năm mà khi tốt nghiệp còn được trường ĐHSP Vinh bỗng dưng tăng thêm cho 1 bậc lương, từ 74 đồng lên 84 đồng. Ngày tốt nghiệp tháng 12 năm 1983 trước khi quay lại Quy Nhơn tôi được phòng TCCB gọi lên nhận QĐ tăng lương mà khiến cho ngay cả tôi cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao lại thế. Ngày đó CBGD mới ở lại trường đh chỉ hưởng mức lương khởi điểm 57đồng, phải 4 năm sau mới lên được khung 64 đồng. Tôi mới ra trường được 3 năm đã có mức lương 84 đồng. Vung vinh chán.
Những năm đó trường QN của tôi cũng như các trường ĐHSP khác như Hà Nội, Việt Bắc, Vinh, Huế, TP HCM rất có giá vì cả nước chỉ có 7 trường ĐHSP đào tạo giáo viên cấp 3, SV tốt nghiệp đến đâu được auto phân công nhiệm sở đến đấy. Vì thế chấm thi tuyển sinh nghĩa là làm cho thí sinh rớt là chính (khác với chấm thi tốt nghiệp là làm cho thí sinh đỗ là chính). Có năm thí sinh thi vào khoa văn của tôi với tỉ lệ chọi 1/40. Các trường đh ngày nay nghe nhắc cái tỉ lệ kinh hoàng đó mà phát thèm.
Khu vực chấm thi dưới chân cầu thang luôn có 2 công an canh gác, muốn lên được phòng chấm phải đi qua 2 anh lính CA đó. Vẻ nghiêm trọng càng tăng thêm.
Buổi chấm đầu tiên tôi nhận 1 túi chứa 30 bài thi. Mỗi buổi chấm được 2 túi như thế là đã ngon lắm. Đang cặm cụi chấm thì ông tổ trưởng tổ chấm ngoắc tôi ra hành lang thì thầm như buôn bạc giả: Ông X bên giáo vụ gửi cái phách này, nó có trong túi bài ông đang chấm. Chỗ quen biết lưu ý giúp chút nhé. Tôi sững ra 1 lúc mới bình tĩnh hỏi lại cho rõ với chất giọng như khàn hẳn đi: Giúp đến mức nào. Cho nó đủ điểm 5 là ok. Nói xong cả tôi và ông tổ trưởng quay ngay vào phòng im lặng chấm như không có gì xảy ra.
Ông X này thì tôi cũng có quen vì trường QN ngày đó mới thành lập rất ít cán bộ, nhân viên nên gần như quen biết nhau hết. Ngày đó ông đã kha khá tuổi, chừng 50, trong lúc tôi vừa tròn tuổi 30. Sau này ông đổ bệnh và mất khi tôi chuyển ra làm việc ở đài TH. Tôi nghĩ thí sinh có số phách này có lẽ là con cháu của ông X. Giúp chút cũng không sao. Thi cử căng thế.
Chấm chừng nửa túi thì bài thi có số phách ông X gửi hiện ra trước mắt. Tôi chấm bài này rất kĩ. Bài thi đó xứng đáng được 5 điểm mà không cần phải gửi gắm gì. Tuy vậy nghĩ đến chuyện gửi gắm, tôi đã cho lên 6 điểm. Trong thi tuyển sinh, chỉ cần chênh nhau 0,25 điểm là đã đủ để một thí sinh có thể bước lên thiên đàng hoặc rớt xuống địa ngục. Huống chi đây có thêm hẳn 1 điểm. Nếu cán bộ chấm thi thứ 2 mà chấm chính xác và cũng cho bài đó 5 điểm thì vẫn không sao vì quy định trong chấm môn văn chênh nhau 2 điểm là chuyện bình thường. Ngày đó các bài thi có điểm từ 4, 5, 6 được xem là phổ điểm an toàn có khả năng chắc đỗ.
Điều kì lạ là trong số 100 thí sinh đỗ vào khoa văn năm đó chỉ có duy nhất 1 người được điểm 6 môn văn dù có người đạt đến 8, 9 điểm và đó là bài thi do chính tay tôi cho điểm 6. Điều này tôi đọc được khi kết quả thi TS được công bố công khai trên các báo. Sự tò mò khiến tôi dễ dàng tìm hiểu và xác định được em tân SV có điểm 6 môn văn đó là ai. Sau này khi nhìn chữ em đó làm bài thi các môn học năm nhất thì tôi càng khẳng định trường hợp gửi gắm đích thị là em SV này. Thì ra em sv đó không liên quan gì đến ông X giáo vụ, cũng không liên quan gì đến ông tổ trưởng. Cả 2 ông này đều dân từ Bắc vào nhận công tác QN như tôi trong lúc em này dân QN gốc.
4 năm sau, chờ cho đến buổi liên hoan ra trường mà tôi được mời dự vì là GV có tham gia dạy lớp này, tôi mới kéo em Sv đó ra hành lang và hỏi: Bây giờ thì em đã chắc chắn đỗ tốt nghiệp rồi, thầy chúc mừng em nhưng thầy muốn hỏi em một chuyện. Dạ em nghe thầy. Ngày em thi TS vào trường gia đình em có phải chạy chọt gì không. Trong ánh sáng mờ mờ của hành lang, em SV tái cả mặt, tôi trấn an, thầy chỉ hỏi cho biết thôi em yên tâm. Thầy sẽ không làm gì có hại cho em đâu. Dạ... ngày đó mẹ em phải chi ra 3 chỉ vàng để chạy thi đỗ đó thầy. Người ta nói mỗi môn 1 chỉ. 3 chỉ vàng ngày đó là cả một khoản tiền lớn. Em có biết ai đã nhận số vàng đó để chạy cho em đỗ không. Dạ lúc đầu thì mẹ em không nói cho em biết nhưng sau học hết năm nhất mẹ em mới cho em biết. Ai vậy. Dạ đó là ông Y cậu họ bên phía bà con mẹ em mà thầy có biết. Có phải ông Y làm ở phòng GD TP không. Dạ đúng thầy. Được rồi, thế là rõ. Em vào vui với các bạn đi. Ra trường dạy ở đâu cho thầy biết nhé. Dạ.
Ai chứ ông Y này thì tôi quá biết. Một tay khá có máu mặt và có thời chơi khá thân với tôi vì thời đó tôi hay đi dạy cho mấy lớp BTVH và hàng năm có tham gia chấm thi tốt nghiệp cho hệ BTVH cấp 3 của TP. Một lần tôi hẹn ông đi cafe để hỏi lại vụ 3 chỉ vàng của em Sv ngày đó. Nghe tôi hỏi ông giật cả mình: Nó nói cho anh biết rồi à. Ừ. Bây giờ nó ra trường đi dạy cấp 3 rồi tôi mới hỏi anh đây, chỉ hỏi cho biết thôi chứ cũng chả để làm gì. Rồi tôi kể cho ông về bài thi tôi đã nhấc từ 5 lên 6 điểm từ 4 năm trước.
Ông nghe rồi kể hết sự thật cho tôi nghe: Sự thật là ông Y không biết gì về ông X giáo vụ nhưng có người nói cho biết đó là chỗ có thể chạy được. Mẹ em SV đã nhờ ông Y chạy giùm vì ông làm trong ngành GD chắc biết các thầy dạy đại học. Ông X ra giá 3 chỉ cho 3 môn. May là em SV được tổng 17 điểm thi, đậu thoải mái vào trường năm học đó. Nghe chuyện ông Y hỏi tôi: Vậy chứ ngày đó họ có chia cho anh được bao nhiêu trong số 3 chỉ đó không. Chia cái dek. Tôi làm không công cho chúng nó ăn.
Vậy là mọi chuyện bắt đầu từ ông Y này, còn người kiếm đủ là ông X giáo vụ và còn những ai nữa thì tôi không biết nhưng tôi biết chắc là cứ mỗi kì thi tuyển sinh như vậy có không ít người kiếm khẳm. Và tôi vô tình đã trở thành kẻ tiếp tay cho một vụ tiêu cực chạy điểm thi vào đh. Nếu ngày đó không may bị phanh phui như vụ chấm thi đang xử án ở Hòa Bình mấy hôm nay thì tôi cũng phải ra tòa vô tù là cái chắc. Rõ ràng tôi đã tham gia vào một đường dây chạy điểm có tổ chức từ trên xuống dưới từ ngoài vào trong, bắt đầu từ khâu căt phách, đánh số phách, dồn túi đến cho điểm trong đó tôi giữ vai trò quyết định vì chính tôi đã hạ bút cho 1 con điểm gian dối vào bài thi. Sau này tôi mới biết sự gian dối đc bắt đầu từ khâu coi thi. Thí sinh đc gửi gắm của đường dây chạy điểm trở thành gà và nó đc hiên ngang mang tài liệu vào phòng thi, đc công khai mở tài liệu ra chép công khai trước cả phòng thi mà không bị sao cả. Nếu bị phát hiện ra tòa có thể tôi là người chịu tội nặng nhất vì đã cố tình phạm tội có tổ chức. Đó là một đường dây làm ăn phi pháp có tổ chức có hệ thống chặt chẽ y như hệ thống chính trị của đảng ta.
Mà ngày đó thực tình tôi có được ăn cái gì đâu, đến 1 gói chè B’lao ướp sói có mùi hăng hắc cũng không có.
Vì thế mà tôi thương các cô giáo chỉ thuần túy là phải nâng điểm khi chấm thi đang phải ra tòa ở Hòa Bình.
Với các đồng nghiệp thân yêu tại ĐHSP Quy Nhơn ngày kỉ niệm 40 năm thành lập trường. Trái qua: Nguyễn Ngọc Quang (đã mất), Trịnh Sâm, Nguyễn Quốc Khánh, HTS, Võ Xuân Hào.