21 tháng 5, 2019

Điều bí mật ở căn phòng khách sạn VIP


Buổi tối thứ 7 sau khi đã nhậu một chầu hải sản ngon nhức nhối tại nhà anh Mậu Đàn ở Long Hải, chúng tôi gồm 3 thằng Quang Ngọc, Ngọ và Sơn cùng anh Mậu Đàn lên xe sang Vũng Tàu để ngủ ở KS mang tên Summer Hotel của anh. Những lần xuống chơi trước thường chúng tôi ngủ luôn ở nhà anh cho ấm cúng, nhưng lần này anh bảo sang VT ngủ cho nó sướng. 
Vậy là ấm cúng và sướng không đồng nghĩa với nhau. Ấm cúng thì không sướng, sướng khỏi ấm cúng. Một phát hiện mới. Thế mà xưa nay tôi cứ tưởng đã sướng là ấm cúng và ngược lại. Khộ.
Từ khu nghỉ mát Long Hải sang Vũng Tàu chỉ 10km. Tài xế Ngọc chưa nhấn hết chân ga đã tới.
Buổi tối Vũng tàu thật lộng lẫy, đúng là thành phố của sự ăn chơi. Quang Ngọc cầm lái cái Toyota Yaris mang biển số 37 của Lê Văn Ngọ lướt êm dọc theo con đường ven biển của Bãi Sau (Vũng Tàu có 3 bãi: Bãi Trước, Bãi Giữa và Bãi Sau, bãi nào cũng ăn chơi mút mùa lệ thủy như nhau).
Summer Hotel của anh Mậu Đàn nằm ở hẻm 45 đường Thùy Vân, một con đường dày đặc các KS lớn nhỏ. Đi với ông chủ KS là bạn học cùng lớp đh khiến chúng tôi cũng thấy mình oai như ổng. Lướt qua mấy cái KS, nhà nghỉ còn phòng, thấy mấy con mụ beo béo hoặc bọn cò lái vẫy tay mời vào ngủ, tôi nổi máu bảo Quang Ngọc mày dừng xe tao xuống cho bọn này bài học cho nó biết điều lễ nghĩa chút. Khinh người vừa thôi chứ. Chúng nó mù hay sao mà không biết ông chủ Summer Hotel đang ngồi chễm chệ trên xe đây à. Bọn tao mà phải ngủ nhờ ở cái thứ KS của chúng mày à.
Anh Đàn phải giơ tay can mãi chứ không thì tôi đã nhảy xuống xắn tay áo cho chúng nó mấy chưởng rồi. Không gì mình cũng mấy năm ăn cơm lính trinh sát C20. Phải thể hiện cho chúng nó biết điều chứ.
Đến nơi cất xe vào hầm xong mấy cháu lễ tân đã mời ông chủ Mậu Đàn và khách qúy uống li trà nóng. Thứ 7 chủ nhật, Vũng Tàu là nơi dân SG và Tây Nguyên kéo xuống đốt tiền nên các KS lớn nhỏ đều kín phòng. Cháu lễ tân lễ phép báo cáo anh Đàn là hết phòng rồi chú. Tôi hơi lo lo nhưng nhìn sang thấy anh Mậu Đàn mỉm cười nên yên tâm trở lại. Không lẽ…
Hết 2 ấm trà thì cháu lễ tân mời các chú lên phòng. Nó dẫn vô thang máy bấm số 8. Bước ra khỏi thang máy đập vào mắt tôi là tấm biển đồng vàng chóe đề chữ VIP trước một phòng hướng ra phía biển. Nó bảo, cháu chỉ còn mỗi phòng này, các chú nghỉ tạm, nói xong chữ nghỉ tạm thấy con bé nhếch mép cười bí hiểm. Cánh cửa phòng số 801 mở ra rồi nó lại quay ngay vào thang máy.
Ôi trời, cả đời tôi chưa bao giờ ngủ ở một căn phòng KS sang như thế. Rộng mênh mông như một căn hộ 3 buồng với 2 phòng ngủ to. Có 3 cái giường lớn, có cả phòng khách, phòng bếp, bàn ăn, quầy bar… wiew thì cực đẹp, nhà tắm thì to như một cái phòng ngủ.
Ngọ hỏi anh Mậu Đàn như phòng này giá bao nhiêu. Anh Đàn chỉ cười cười không nói gì. Tế nhị thế chứ. Nếu ảnh nói cái giá ra có khi bọn tôi lại băn khoăn khó ngủ.
Tắm táp xong chúng tôi ra biển đi dạo trên mép nước chán chê rồi về ngủ. Tôi với Quang Ngọc mỗi thằng một giường đặt lưng xuống là ngáy ngay. Anh Đàn với Ngọ ngủ chung một giường nhưng hai cha nội không hề ngủ mà suốt đêm nằm rì rầm bàn chuyện họp lớp 12A K2 vào cuối tháng 7 sắp tới. Tôi cũng kịp nghe lỏm được một vài điều bí mật của 2 lão chung quanh vụ họp lớp này nhưng không tiện nói ra đây.
Lúc này tôi bỗng thấy ngủ phòng VIP không chỉ sướng mà cũng ấm cúng chán.









10 tháng 5, 2019

Có cả một ngày hội như thế cơ đấy


Ngày tôi còn học ở khoa văn đã được thầy dạy môn Hán – Nôm giảng cho nghe một câu rất nổi tiếng của người xưa “Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao”. Câu đó có nghĩa là mọi nghề trên đời đều thuộc loại hèn kém, chỉ có việc đọc sách là cao quí. 
Chưa nói đến chuyện đúng sai của quan niệm đầy tính cực đoan trên nhưng một thực tế đã diễn ra từ thời phong kiến là trong xã hội, tầng lớp trí thức luôn được trọng vọng và sách với những người đọc sách luôn được coi trọng.
Ở Việt Nam ta, ngày 23/4 hàng năm được Chính phủ quyết định lấy làm Ngày Sách và Bản quyền, mục đích là khuyến khích đọc sách in (tức là sách hiểu theo nghĩa truyền thống), cả trên thế giới và cả Việt Nam. 
Vấn đề là tại sao lại có thêm một ngày như thế. 
Khi người ta nói nhiều về một điều gì đó có nghĩa là điều đó đang bị thiếu .
Theo logic ấy, có nghĩa là thói quen đọc sách của người Việt Nam ta đang thay đổi theo hướng sách đang bị bỏ quên và nhiều thứ khác đang lên ngôi, như tivi tinh thể lỏng, điện thoại thông minh, máy tính, mạng internet toàn cầu, đặc biệt với giới trẻ học sinh, sinh viên là Facebook, Zalo, Ola… Thậm chí có những bạn trẻ một năm không đọc nổi một cuốn sách cho ra hồn nhưng một giờ bạn đó không thể không truy cập vào trang facebook cá nhân hoặc chát Zalo với ai đó. Truy cập để xem dòng trạng thái mình mới đưa lên FB có bao nhiêu like, bao nhiêu còm… 
Có lần khi đang ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã đi một vòng khắp phòng chờ với lượng hành khách đang chờ bay lên đến cả ngàn người, thì thấy có hàng mấy trăm người đang chúi mũi vào điện thoại thông minh, chỉ có năm người đang cầm trên tay cuốn sách và đọc. Năm người đó là hành khách người ngoại quốc.
Tháng 3 năm nay, tôi vào giảng dạy môn văn học Trung quốc cho một lớp sinh viên khoa Ngữ văn năm thứ hai của một trường đại học, khi giảng đến tác phẩm Tây du kí của Ngô Thừa Ân, tôi hỏi cả lớp: Ai đã đọc tác phẩm này giơ tay. Không có một cánh tay nào giơ lên. Hỏi tiếp: Ai đã xem phim Tây du kí giơ tay. Tất cả đều giơ tay. Thậm chí có sinh viên giơ cả hai tay nghĩa là đã xem đến hai lần.
Đó là một thực tế đáng buồn, thậm chí là rất đáng thất vọng.
Chúng ta sẽ ra sao và sẽ đi về đâu khi ngay cả sinh viên khoa văn cũng không đọc sách, thậm chí là không đọc tác phẩm, không đọc cả giáo trình ngữ văn.
Chúng ta sẽ làm gì khi cả xã hội đang thờ ơ với sách.
Trong lúc từ bao đời nay, sách là người bạn tâm tình của ta, hơn thế sách còn là thầy của ta. 
Hãy quay lại với những cuốn sách bởi ở đó ta luôn có cả thế giới.



Mất công biên cái bài dài hơi này cốt khoe cái hình lên chém gió phần phật sáng nay. 

6 tháng 5, 2019

Đi tư vấn tuyển sinh xin đừng nổ, học sinh bây ghê gớm lắm


Nhớ dịp này năm ngoái khi còn làm ở trường đại học H tôi cùng một nhóm GV-NV của HS đến tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại trường Thủ Khoa Huân một trường THCS, THPT tư thục nằm trên đường Trường Chinh quận Tân Bình.
Sáng đầu tuần, thầy hiệu trưởng đi vắng, cô Hiệu phó tiếp chúng tôi khá thân tình, cô còn vui vẻ chỉ chỗ cho treo dán các tờ áp phích thông tin tuyển sinh của trường chúng tôi lên bảng tin. Rồi cô cho tập hợp toàn bộ học sinh lớp 12 để nghe chúng tôi tư vấn, trong đó chủ yếu giới thiệu về những ngành đào tạo của trường.
Các em HS 12 của TKH ngồi ngay ngắn và rất chú ý lắng nghe. Người lên tư vấn cho các em là TS. Th, một cô giáo đã lớn tuổi, GV khoa QTKD. Khi nói về việc chọn ngành nghề để theo học, cô cho biết về kinh nghiệm của bản thân: Trước khi đến với nghề dạy học ở khoa QTKD cô đã làm việc ở một doanh nghiệp lớn trong vai trò là một TGĐ. v.v.
Khi cô ngừng lời và đề nghị HS phát biểu, một em HS nữ ngồi phía cuối giơ tay:
Thưa cô vì sao cô đã từng là TGĐ một doanh nghiệp lớn mà cô lại chuyển sang nghề dạy học ạ.
Đó là một câu hỏi hay và hóc búa của HS dành cho cô giáo tư vấn. Chính tôi cũng đang muốn hỏi cô giáo điều đó. Vì nghe nó lạ đời quá. Xưa nay chỉ có các GV, các nhà chuyên môn giỏi được các doanh nghiệp mời về làm quản lí và khi đã ở vị trí TGĐ một doanh nghiệp lớn thì lương có thể từ 50 đến cả trăm triệu một tháng trong lúc làm nghề GV may lắm 20tr/tháng.
Cô giáo trả lời: Vì cô thích nghề dạy học.
Em học sinh chưa chịu. Hỏi tiếp: Thế tại sao ngay từ đầu cô không chọn nghề dạy học ạ.
Phần trả lời tiếp theo của cô giáo dài dòng lòng vòng và nhất là có vẻ không chân thật khiến tôi cũng không nghe được. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ tin TS. Th, GV trường mình đã từng là TGĐ của một doanh nghiệp lớn. Có thể là cô đã nổ lên như thế để câu chuyện trở nên hấp dẫn nhưng không ngờ lại bị hiệu ứng ngược. Học sinh bây giờ ghê gớm lắm, đừng có mà coi thường các em.
Kinh nghiệm của tôi qua nhiều lần đi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp là phải chân thành với học sinh may ra mới thuyết phục được các em. Và tôi đã có nhiều kỉ niệm vừa hay vừa vui với học trò qua những chuyến đi tư vấn đến các trường THPT trên địa bàn TP, có hứng sẽ kể vài mẩu nghe cho vui.


Một nhóm học sinh lớp 12 tôi đã gặp gỡ và trò chuyện về chọn nghề chọn ngành trong chuyến đi tư vấn ở Thủ Dầu Một, 3/2019.

Chuyện chú bé ngồi gác chân lên ghế


Đó là cậu bé có dáng người nhỏ con nhất lớp nhưng lại ngồi một mình một bàn ở cuối lớp trong lúc các bàn khác đều có hai người ngồi.
Ngồi một mình cũng được, ngồi cuối lớp cũng chẳng sao. Cái không bình thường và nhìn rất chướng mắt là lúc nào cũng thấy cậu bé bắc cái chân phải lên ghế kiểu đầu gối quá tai nhất là khi cái đầu cậu bé luôn cúi xuống mặt bàn để ghi chép những điều thầy giảng vào vở. Nói chướng mắt thôi chứ tôi không bực, không ghét bỏ gì cậu bé bởi đi dạy nhiều năm với đủ các loại học trò, tôi đã gần như miễn dịch với những điều không bình thường từ phía người học.
Nhớ có lần vào một lớp năm 3, từ trên bục nhìn xuống tôi thấy một cô sinh viên diện quần short jean loại bạc phếch lại rách te tua duỗi nguyên cặp giò trắng bóc dài miên man gác lên cả hàng ghế phía trước. Lệ ở trường đại học này sinh viên được phép làm những gì nhà trường không cấm kể cả mặc áo hai dây và quần short lên lớp. Dù không thích tôi cũng không thể tỏ thái độ được.
Nhờ thế mà tôi ngày càng miễn dịch và càng có tuổi tôi càng thấy mình dễ tính. Chứ như hồi mới ra trường chắc tôi không để yên, thế nào cũng xỉa xói vài câu về phép lịch sự tối thiểu nơi giảng đường rồi đến đâu thì đến.
Nhưng đó là ở trường đại học nơi mà mỗi sinh viên đều đã đủ tuổi công dân, họ được toàn quyền chịu trách nhiệm về mọi hành vi của họ miễn không vi phạm nội quy nhà trường và pháp luật nhà nước. Còn đây là lớp học ở trường phổ thông, một cậu bé mặc đồng phục của trường khi ngồi học không thể bắc chân lên ghế. Cậu bé như một búp măng cần phải được uốn nắn để luôn mọc thẳng. Đó là trách nhiệm của tôi và của nhà trường. Đó cũng là mong muốn của phụ huynh khi gửi con đến trường nhập học.
Nghĩ nếu cứ thế này mãi đời cậu bé sẽ khổ vì cái thói quen mang đậm chất miệt vườn gây chướng mắt mọi người ấy tôi tìm cách tạo ra cơ hội để sửa sai cho cậu bé. Cơ hội rồi cũng đến. Khi nói về tính cách các nhân vật văn học nói riêng và tính cách con người nói chung trong cuộc sống, tôi đã dẫn chứng và phân tích để các em thấy là nhiều khi chỉ qua một biểu hiện rất nhỏ của một người chúng ta cũng có thể hiểu được toàn bộ tính cách của người đó. Chẳng hạn khi xem phim trên tivi, nếu các em thấy có một nhận vật nhà quê kiểu hai lúa ít học, thiếu hiểu biết về phép lịch sự tối thiểu thì khi hành động đạo diễn thường để họ ngồi gác chân lên ghế ngay cả khi đang ngồi trong một phòng khách sang trọng với bộ xa lông rất đẹp.  
Vừa nghe đến đó tôi để ý thấy cậu bé ngồi cuối lớp đã hạ ngay cái chân phải đang bắc lên ghế xuống. Đồng thời cả lớp cũng ngoái lại nhìn xuống cậu.
Một chút bối rối đến với cậu bé nhưng tôi làm bộ tỉnh bơ như không thấy gì nói tiếp: Vì thế trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng rèn luyện để tạo nên những thói quen đẹp mắt, từ đó sẽ có một tính cách đẹp.
Chuông báo hết tiết. Cả lớp đứng dậy chào thầy rồi túa ra hành lang. Tôi cũng xách ba lô ra khỏi lớp. Ở phía dưới cậu học trò nhỏ con không ra chơi mà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, đầu cậu bé vẫn cúi xuống tập vở đang để mở. Tôi thấy mừng và nhẹ cả người vì đã không có cái chân nào bắc lên ghế.