22 tháng 5, 2013

Họp lớp đại học 1


THƯ GỬI CÁC BẠN 16D – K2 – ĐHSP VINH

Các bạn 16D thân yêu!

34 năm đã trôi qua, kể từ ngày chúng ta chia tay, rời ngôi nhà Đại học Sư phạm Vinh đi khắp mọi nẻo đường mưu sinh, lập nghiệp...Những cô cậu sinh viên ngày nào giờ phần lớn đã thành những ông, những bà với mái tóc lẫn màu gió sương của hơn 30 năm xuôi ngược. Có lẽ nào thời gian nghiệt ngã sẽ phủ lớp bụi mờ che lấp một thời tuổi trẻ của chúng ta? Trở về đây! hãy trở về đây nơi mái tranh nghèo xưa chúng ta đã sống những ngày tuyệt đẹp.
          Như một lẽ tự nhiên, chúng ta đã có nhiều khi nhớ về nhau da diết. Nhiều năm trôi qua, vì miếng cơm manh áo, vì xa cách, vì không có phương tiện, vì nhiều lẽ lắm...chúng ta chưa được một lần về lại, quần tụ bên nhau, sống với kỉ niệm xưa, hiểu nhau thật sự sau hơn nửa đời người đi qua.
Không thể chờ lâu hơn nữa, chúng tôi – những người rất nhớ các bạn – muốn đón các bạn của lớp 16D thân yêu chúng ta trở về mái trường xưa để được vui cười hờn giận... như ngày nào chung lớp.


Nhân dịp này, Ban tổ chức cuộc gặp cũng thân mời và mong muốn được đón tiếp các cô dâu chú rể của lớp 16D. Sự có mặt của các bạn sẽ làm cho cuộc hội ngộ của chúng ta thêm phần phong phú và ý nghĩa. 
                                                *
                                            *      *
Thay mặt ban liên lạc (tự phong) chúng tôi xin gửi tới các bạn cựu sinh viên của lớp 16D-K2-ĐHSP Vinh thông báo sau (Thông báo số 1, nghĩa là sẽ còn có các thông báo số 2, số 3…):
1/ Chúng ta sẽ tổ chức họp lớp sau 34 năm ra trường vào dịp hè năm nay – 2013
+ Thời gian: ấn định vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật 24 và 25/8/2013;
+ Địa điểm: Vinh (KS Quyết Thành, cạnh trường Đại học Vinh; cụ thể liên hệ với Nguyễn Trung Ngọc, ĐT: 0983856233)
 (Khởi đầu Ngọc-Nga chịu trách nhiệm thuê khách sạn, đón các bạn về sau đó cả lớp sẽ thống nhất một chương trình cụ thể)
2/ Tạm thời phân vùng liên lạc thành 3 nhóm. Mỗi nhóm giao cho một người chịu trách nhiệm tập hợp, thông báo kế hoạch đến từng người.  
      Cụ thể:
Nhóm I - Ngọc phụ trách: Ngọc, Nga, Hào, Dung, Em, Ái, Đào, Lý, Chiến, Đông, Lộc, Quế, Tiến, Quang, Quyền, Sùng, Nhia, Ninh, Bắc, Quốc, Hòa, Đông, Thỏa, Tý.
Nhóm II - Sơn phụ trách: Sơn, Nam, Minh, Thu, Huệ, Luyến, Vũ, Xuân, Thắng, Luyện, Hải, Q.Phú, Tịnh, Đoàn Bình, Lý (con).
Nhóm III - Dậu phụ trách: Dậu, Cao Phú, Khôi, Lan, Ca, Hân.
Nhờ các bạn phát hiện xem còn sót ai báo ngay cho Ngọc, Sơn, Dậu biết; bạn nào biết ĐT hoặc email của ai cũng xin báo giúp cho ban liên lạc:
Ngọc: 0983856233; email: trungngocdhv@yahoo.com.vn
3/Dự kiến chương trình:
 + Từ chiều 23/8 đón các bạn từ các nơi về Vinh (liên hệ với Ngọc – Nga để nghỉ tại khách sạn Quyết Thành cạnh trường)
 + Ngày 24/8:
-         Ăn sáng tại khách sạn
-         Buổi sáng: giao lưu – gặp mặt toàn lớp tại hội trường KS
-         Liên hoan (trưa) tại nhà hàng I (Đồng đội)
-         Buổi chiều: Tùy nghi đi chơi, thăm hỏi theo nhu cầu từng người, từng nhóm
-         Ăn tối tại nhà hàng II (Việt Đức)
-         Buổi tối: vui văn nghệ tập thể + cà phê (tầng 7 KS) hoặc tùy nghi lang thang thành phố theo nhóm.
+ Ngày 25/8:
-         Ăn sáng đặc sản Vinh (cháo lươn)
-         Buổi sáng: du lịch một nơi tùy chọn ở Nghệ An hoặc Hà Tĩnh; ví dụ: Đồng Lộc, Cửa Lò, quê Bác... (Đi bằng xe ca chung cả lớp)
-         Ăn trưa tại khách sạn – nghỉ trưa – chia tay.
4/Dự tính tài chính:
-         Kêu gọi sự ủng hộ của các bạn có điều kiện.
-         Mức đóng góp tối thiểu: 1,5 triệu/người (tuy nhiên với những bạn khó khăn trước mắt cứ tự túc tiền về để họp mặt là vui lắm rồi không phải bận tâm).
-         Tùy tình hình cụ thể chúng ta sẽ chi tiêu một cách hợp lí nhất và tạo điều kiện tốt nhất để những bạn khó khăn có thể về sum họp.
Nhận được thư này rất mong các bạn:
+  Sớm gọi về cho chúng tôi theo các số ĐT đã ghi trên để tiện sắp xếp, bố trí (thuê KS, xe cộ...)
+ Góp ý về chương trình, kế hoạch...để chúng ta có một cuộc gặp mặt thành công nhất.
                                     
  Thay mặt BLL
                                                  Thân
                                                   Nguyễn Trung Ngọc

Hinh-lop-16D
       Lớp 16D-K2 trong chuyến thực tế tại Huế 1977 (Ảnh từ nguyenduyxuan.net)

 

19 tháng 5, 2013

Những người đàn bà tắm



Vào năm 2000, văn đàn đương đại Trung Quốc xuất hiện một cuốn tiểu thuyết với cái tên gợi dục Những người đàn bà tắm (Nguyên văn: Đại dục nữ) của nữ văn sĩ Thiết Ngưng, người mà chỉ sau đó 6 năm đã trở thành Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức trở thành nổi tiếng ở Trung quốc và thế giới. Chỉ sau đó chưa đầy năm, Những người đàn bà tắm đã được dịch và xuất bản ở hàng chục nước khác nhau trên thế giới, cứ như là lại có một AQ chính truyện của Lỗ Tấn vừa tái sinh vậy(*).  

( … Phi chỉ tay lên miệng mình và nói, có thể Khiêu không tin, tớ qua tay rất nhiều thằng đàn ông, nhưng không một ai được đụng đến miệng tớ, tớ không cho chúng đụng đến… Khiêu, đến đây, đằng ấy đến đây, nghe tớ nói : miệng tớ sạch sẽ, đó là phần duy nhất còn lại. Cho tớ hôn đằng ấy đi, cho tớ hôn nào !

Đường Phi cố gắng chống người lên ôm lấy Khiêu, hôn lên má bên trái Khiêu bằng cặp môi tái nhợt và giá lạnh…)


Cái hấp dẫn của Những người đàn bà tắm ở chỗ tác giả đã dựng lại một cách sống động và chân thực bối cảnh của xã hội Trung Quốc từ thời Cách mạng văn hóa cho đến năm cuối cùng của thế kỉ 20 thông qua cuộc đời và số phận của những người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bất hạnh vô biên.  
Nhân vật chính xuyên suốt của Những người đàn bà tắm là Doãn Tiểu Khiêu. Bắt đầu tác phẩm Khiêu mới chỉ là một học trò bé con 12 tuổi mà khôn ranh như người lớn nhưng khi gấp lại trang sách cuối cùng thì cô đã là một phụ nữ độc thân xinh đẹp, có học, có địa vị và chín chắn ở tuổi 34 dù đã lăn lóc qua vài ba mối tình từ thoảng qua đến sâu đậm, từ có lí đến vô lí. Tiểu Khiêu cùng cô em gái Tiểu Phàm và những người bạn gái thân thiết như Đường Phi, Do Do đã làm nên một tuyến nhân vật đầy cá tính, gai góc nhưng rất nữ tính. Cũng chính họ với những chặng đường đời phức tạp đã làm nên sự hấp dẫn từ đầu đến cuối truyện, đem đến cho độc giả một sự ham muốn khám phá tác phẩm.
Đọc Những người đàn bà tắm, độc giả sẽ có cơ hội để trải qua những trang sách miêu tả một cách kinh hoàng về một thời kì đen tối hãi hùng được những người cộng sản Trung Quốc bấy giờ do Mao Trạch Đông đứng đầu và khởi xướng gọi là cách mạng văn hóa. Một kiểu cộng sản mà như một thứ quái thai của nhân loại khiến loài người không chỉ căm thù mà còn thấy vô cùng khủng khiếp. Bạn sẽ có cảm giác khó mà chịu nổi như trái tim mình bị một bàn tay sắt vô hình bóp nghẹt khi đọc những trang sách miêu tả cảnh đấu tố cô giáo Đường Tân Tân của những kẻ hồng vệ binh nhân danh cách mạng, bắt một phụ nữ trí thức trẻ đẹp phải ăn phân vì đã trót không chồng mà có con và còn vì đã yêu quí con mèo cô nuôi như yêu quí một con người và vì thế mà bị kết tội đi theo tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản; đến mức cô phải tự tử để thoát kiếp người nhục nhã.
Có lẽ cũng vì thế mà người con gái Đường Phi của cô sau này lớn lên trong hình hài xinh đẹp căng tròn sức sống và dục vọng của một thiếu nữ nhưng đã sống như một nhân vật nổi loạn. Cô sẵn sàng lên giường với bất kì một kẻ đàn ông háo sắc nào như một sự trả thù đời, như là một sự hạ nhục cuộc đời và xã hội. Nhưng đằng sau cuộc đời có vẻ như nhơ nhớp dơ dáy đó, Đường Phi trước sau vẫn là một tâm hồn cao thượng, thanh sạch không chỉ đáng thương mà còn đáng kính trọng. Đó là một nhân vật không đặc biệt và cũng không lạ lùng của Những người đàn bà tắm.
Điều đáng nói là trong xã hội hiện đại của Trung Quốc và thế giới ngày nay, những cô gái như Đường Phi không phải là của hiếm. Chúng ta có thể bắt gặp họ trên mỗi góc phố từ Bắc Kinh qua New York cho đến Hà Nội, Sài Gòn.
Nhân vật đặc biệt của Những người đàn bà tắm thuộc về cô gái mang tên Tiểu Khiêu. Người phụ nữ trí thức này là cả một khối phức tạp của hàng triệu người phụ nữ khác dồn nén lại. Sự nghiệp của Khiêu có được từ một lần người bạn thân xinh đẹp là Đường Phi lên giường đổi tình lấy việc làm cho bạn với ông phó thị trưởng thành phố. Nhờ đó mà Khiêu đi từ một chân biên tập viên lên trưởng phòng rồi lên phó giám đốc của Nhà xuất bản Nhi đồng.
Là một người có tài, Khiêu xứng đáng được như thế. Vấn đề nhức nhối là ở chỗ trong một xã hội gọi là XHCN như Trung Quốc, những người như Khiêu nếu không có sự trả giá thì khó mà có được một chỗ đứng xứng đáng với năng lực và phẩm giá của mình. Một sự phê phán không phải là ngầm ý mà là đầy tính phản kháng mạnh mẽ của tác giả Thiết Ngưng. Cuộc cách mạng văn hóa kéo dài suốt 10 năm (1966-1976) đã đi qua nhưng những gì đáng khinh bỉ của thể chế xã hội thì vẫn ở lại.
Điều đọng lại qua những trang sách của Những người đàn bà tắm là ở những câu chuyện tình yêu thấm đẫm nhục dục của các nhân vật nữ đã kể tên ở trên. Đó là những câu chuyện tình vừa ngang trái cũng vừa như là một sự tất yếu. Tất cả họ đến với tình yêu và tình dục như một sự giải thoát không chỉ cho thể xác mà lớn lao hơn, cho cả tâm hồn.
Mở đầu là câu chuyện ngoại tình say đắm của mẹ Tiểu Khiêu là Chương Vũ với người cậu của Đường Phi là bác sĩ Đường. Rồi cô em gái của Tiểu Khiêu là Tiểu Phàm dù đã sang Mĩ định cư, lấy chồng Mĩ, nhập quốc tịch Mĩ và dù rất yêu thương người chị ruột của mình nhưng cô vẫn dễ dàng bộc lộ sự ghen ghét, đố kị với Khiêu, thậm chí là không dưới một lần tìm cách giật người yêu của chị gái vì nhận ra một sự thực cay đắng rằng dù mình đã thực hiện được giấc mơ Mĩ nhưng hạnh phúc vẫn là một thứ mơ về nơi xa lắm.
Dù vậy, ngòi bút của tác giả cũng như con mắt nhìn của bạn đọc vẫn không thấy Tiểu Phàm là đáng ghét, đáng phải lên án. Bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là thói nữ nhi thường tình. Nếu không phải là một cây bút nữ như Thiết Ngưng thì khó mà xây dựng được một nhân vật rất khó hiểu với đàn ông như vậy.
Nhưng điều khiến ban đọc đau đầu lại là ở những câu chuyện tình của Tiểu Khiêu.  Đầu tiên cô đem lòng ngưỡng mộ rồi yêu anh chàng đạo diễn tài hoa đã có vợ là Phương Kăng. Cô tự mình đến với Phương Kăng, xin được hôn nụ hôn đầu với Phương Kăng nhưng nhất quyết không lên giường với Phương Kăng. Cuộc tình ngang trái phi logic ấy rồi cũng chấm dứt.  Khiêu đến với chàng kiến trúc sư tài ba là Trần Tại. Trần Tại rất yêu và ngưỡng mộ sắc đẹp của Khiêu, chỉ mong nghe một lời yêu từ Khiêu, nhưng Khiêu đã không nói ra cái từ yêu cần phải có đó, buộc lòng anh phải đi lấy vợ là Vạn Mỹ Thìn, một cô gái có tâm hồn cao thượng và một trái tim yêu say đắm. Phải đến lúc đó Khiêu mới bộc lộ lòng yêu của mình với Trần Tại. Cô tìm cách gần gũi anh, lên giường liên tục và mãnh liệt với anh để cướp lại anh từ tay Vạn Mỹ Thìn.  Rốt cuộc thì cuộc li hôn giữa Trần Tại với Mỹ Thìn sau mười năm chung sống cũng xảy ra để Trần Tại hoàn toàn thuộc về Khiêu. Câu chuyện tưởng như đã có một cái kết có hậu cho mối tình Khiêu với Trần Tại thì bất ngờ ngay lúc đó, sau một pha làm tình say đắm, Khiêu đã khuyên Trần Tại trở lai với Vạn Mỹ Thìn. Trần Tại ngỡ ngàng. Độc giả cũng ngỡ ngàng. Chỉ có ngòi bút của tác giả là không ngỡ ngàng, bởi đằng sau nhân vật Khiêu là hình bóng của tác giả Thiết Ngưng.
Chuyện tình của Tiểu Khiêu không chỉ có thế. Cô đã từng có lần bay nửa vòng trái đất qua tận nước Mĩ xa xôi và lạ lẫm để đến với anh chàng người Mĩ tên là Mark cũng vô cùng ngưỡng mộ và yêu cô. Họ đã trao nhau những nụ hôn dài bất tận nhưng khi Mark muốn đi đến tận cùng sự yêu với cô thì Khiêu đã thẳng thừng từ chối. Thật là không hiểu nổi. Cứ tưởng logic của câu chuyện đã phải tất yếu như 1+1=2 vậy mà rốt cục, 1+1 cũng chỉ bằng 1.
Trong Lời tựa cho bản tiếng Việt tái bản 2006, Thiết Ngưng viết:

 "…tôi không hi vọng với Những người đàn bà tắm tôi đã trả xong món nợ thế kỉ, nhưng lại thiển nghĩ, hoặc giả xen giữa những dòng chữ cũng có những từ ngữ như "kiểm điểm", "truy hỏi", "chất vấn", "cứu chuộc". Tôi thử với tinh thần dũng cảm để kiên nhẫn nhìn lại và thận trọng xem xét những âu lo và khổ đau của một nhóm linh hồn giữa những năm tháng đặc biệt ấy ở Trung Quốc, đồng thời mong rằng trong sự nhìn nhận và xem xét, tâm linh tan vỡ lại được lắng trong và hoàn chỉnh hơn trái tim tan vỡ? Những suy nghĩ trên có thể là một trong những thái độ chân thật của một nhà văn ở cuối thế kỉ, cùng với văn học đối diện trước thế kỉ mới." 
     Bởi vậy mà đọc xong Những người đàn bà tắm, người viết bài này cho rằng với nhân vật Doãn Tiểu Khiêu, tác giả Thiết Ngưng đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng nên một nhân vật lí tưởng của riêng mình nhưng không phải là một hình tượng văn học điển hình của tác phẩm, cho dù nhân vật này là linh hồn của Những người đàn bà tắm.



Nhà văn Thiết Ngưng
Sinh năm 1957 là  Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc tnăm 2006, và ủy viên dự khuyết Trung ương ĐCS  TQ; Bà là Chủ tịch Hội thứ ba trong lịch sử Hội Nhà văn Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 1949, sau Mao Thuẫn và Ba Kim.

Tác phẩm chính:

Cửa hoa hồng (tiểu thuyết)

Thành phố không mưa (Tiểu thuyết)
Những người đàn bà tắm (Tiểu thuyết)
Tuyển tập Thiết Ngưng (5 tập)
Tuyển tập tác phẩm tự chọn (4 tập)
Tuyển tập truyện (2 tập)
Tuyển tập 50 nhà văn hàng đầu Trung Quốc – (tập Thiết Ngưng)
Tuyển tập tác giả đương đại Trung Quốc – (tập Thiết Nhưng)
Ngoài ra, các nhà xuất bản ở Trung Quốc lần lượt cho in của Thiết Ngưng 29 tập truyện ngắn, truỵện vừa và 16 tập tuỳ bút, tản văn, nhật kí (Theo thống kê đến tháng 4.2003).


(*)  Dịch giả Sơn Lê, xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3-2003 với tên Khát vọng thời con gái, tái bản lần thứ hai với tên Những người đàn bà tắm năm 2006.  

     

15 tháng 5, 2013

Những nhầm lẫn dễ thương


                                              Chử Anh Đào

          Nhầm lẫn thường gây ra đáng tiếc, thậm chí hậu quả khôn lường. Nhưng cũng có những nhầm lẫn thật dễ thương, khả dĩ thể tất. Hãy xét một số trường hợp trong thơ văn xưa nay.
          Những câu thơ “ Sông Cầu nước chảy lơ thơ/ Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi”; “ Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ” một thời và cho tới tận bây giờ nhiều người vẫn đinh ninh là ca dao thực ra là của một nhà thơ có tên tuổi là Bảo Định Giang.
          Lại có những trường hợp, vì những lí do tế nhị, nhà thơ phải lấy những cái tên khác. Tác giả “ Núi Mường Hung, dòng sông Mã” Cẩm Giang đã lấy họ tên người Thái là Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi khi viết các bài “ Em tắm”, “ Nhớ vợ”. Cha đẻ là Ngọc Anh viết “Bóng cây Kơ nia” nhưng lại “ khai sinh” tên bố của tác phẩm là cả dân tộc Hơ rê!
          Tương tự như thế, rất nhiều người hiện nay coi bản dịch khuyết danh sau đây là ca dao:
                             Cày đồng đang buổi ban trưa
                   Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
                             Ai ơi bưng bát cơm đầy
                   Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
          Thực ra, đây là bản dịch bài thơ “ Mẫn nông” ( Nhớ cảnh làm ruộng) hoặc tên khác là “ Sừ huề” ( Bừa ruộng) của nhà thơ Lí Thân (772- 846) người Vô Tích, Nhuận Châu đời Đường. Phiên âm:
                             Sừ huề nhật đương ngọ
                             Hãn trích điền hạ thổ
                             Thùy tri bàn trung xan
                             Lạp lạp giai tân khổ
          Dịch nghĩa:
                             Bừa ruộng ngày chính lúc đang trưa
                             Mồ hôi tuôn đầm đìa xuống ruộng đất
                             Ai biết trong bữa ăn
                             Mỗi hạt ( cơm) đều có cay và đắng?
          Cụ Khương Hữu Dụng dịch:
                             Xới lúa trời đứng bóng
                             Mồ hôi đổ xuống ruộng
                             Ai biết cơm trong mâm
                             Hạt hạt đều cay đắng.
          Đến nay đã có ít nhất 5 bản dịch, nhưng rõ ràng chưa có bản nào lại sát hợp, nhuần nhuyễn và nghệ thuật như bản khuyết danh đã dẫn ở trên. Nó khiến người ta rưng rưng niềm biết ơn vô hạn với những người nông dân quanh năm hai sương một nắng, nhọc nhằn làm ra hạt gạo nuôi sống mọi người.
                                                                   PK 15.5.2013
                                                                             C.A.Đ

8 tháng 5, 2013

Cổ tích về vú sữa

                                                                            Chử Anh Đào

          Ngày xưa, ở một làng kia có một mối tình. Nàng là con chủ, chàng là kẻ đầy tớ. Họ yêu nhau và mọi chuyện bắt đầu từ đấy mà ra. Đứa con- kết quả của một tình yêu chân thành say đắm, trong trẻo như nước suối đầu nguồn, bị gọi là con hoang, Làng đổ cơm vào máng heo và bắt đôi tình nhân vục đầu xuống đó mà ăn. Rồi chàng trai bị phạt vạ và đánh đập cho đến chết. Nàng bị đuổi vào rừng sâu mà không được mang theo bất kì vật dụng gì ngoài mảnh vải che thân đem bọc đủ kín cho đứa con còn đỏ hỏn. Người mẹ bế giọt máu trên tay đi mãi, đi mãi vào rừng sâu, tới chỗ không còn một dấu chân người, tới nơi chi chít, dày đặc dấu chân muông thú. Một thân một mình giữa đêm đen đầy chật tiếng thú dữ gầm thét và thỉnh thoảng là tiếng ọ ẹ của đứa con đã lả đi vì đói khát. Mẹ không ngỏ lời oán trách ai cả, chỉ bặm môi rưng rưng nhìn lên dải Ngân Hà mờ trắng như dòng sữa khổng lồ vắt qua trời đêm thăm thẳm. Rồi mẹ dựng tạm một cái lều nhỏ bằng lá cây rừng như tổ tiên mình buổi hồng hoang. Từ nhỏ sống trong no đủ và nhung lụa mà giờ mẹ đã hái lượm, đào bới...Mẹ đã ăn trái chua, nuốt lá cây rừng chát đắng...Tất cả, tất cả những cái đó biến thành sữa ngọt chảy xuống hai bầu vú có đứa con đang nằm mắc võng, giữ cho nó sống qua ngày. Không biết bao nhiêu vùng rừng, bao nhiêu con suối đã đi qua. Bao nhiêu ngọn núi cao như nhà rông nóc chạm trời xanh buổi nào còn trước mặt lại đã sau lưng mẹ. Hết khung trời này đến khung trời khác. Trăng mới nhú cong như sừng trâu cái lại đã vành vạnh tròn như chiêng núm, chiêng bằng. Núi cao có hổ dẫn đường, suối sâu vực thẳm có thuồng luồng cõng mẹ con qua. Tưởng như không còn thời gian. Vĩnh viễn Mẹ Tự nhiên giang vòng tay nhân hậu chở che họ. Nhưng đến một ngày kia nắng vỡ ống tre mơ ô. Núi đá hừng hực thở ra khói. Các khe lạch vốn quanh năm chan chứa nước giờ cũng trơ cuội trắng. Muôn loài chỉ chực bốc cháy! Suốt từ sáng đến trưa mẹ địu con đi khắp khe sâu, rừng rậm tìm nước uống. Hai chân mẹ phồng rộp. Cả người mẹ bị gai cào toé máu tươi. Mặt trời vẫn dội lửa trên đầu. Mẹ kiệt sức rồi. Như có trăm ngàn con đom đóm sặc sỡ tựa tua khố, trăm ngàn mặt trời đỏ bỏng rát đang nhảy nhót trước mặt. Lấy hết sức lực cuối cùng, mẹ gượng ngồi xuống rồi ngất đi. Đứa con vẫn ngủ êm đềm trước ngực. Trong ú ớ cơn mơ thơ trẻ, nó giơ hai bàn tay đen gầy như que củi sờ lên bầu vú lép dài của mẹ mà không hề biết rằng mẹ không bao giờ còn đứng dậy được nữa. Con cứ ngủ như vậy không biết được bao lâu. Khi tỉnh dậy nó thấy mình đang tựa lưng vào một gốc cây cành lá xum xuê. Bóng lá nghiêng nghiêng xoà xuống che rợp cả một vùng như không hề có nắng đang dội lửa xung quanh. Thân cây gầy guộc, xù xì như thân mẹ nhọc nhằn đói khát. Cành lá như da thịt mẹ nhuộm đầy bụi đỏ. Vô vàn những bông hoa năm cánh màu phơn phớt vàng, nhỏ li ti đang lã chã rơi như những giọt nước mắt nhớ thương của mẹ. Và lạ chưa kìa, hoa đã kết thành trái- những trái cây như ngực mẹ mới nhú thời con gái. Thằng bé đỡ lấy trái cây mịn màng đưa lên miệng. Hoà trong lớp cùi dày trong suốt là ngọt lành dòng sữa trắng. Nó ăn thoả thuê những trái cây ấy rồi lại thiếp đi trong tiếng ru hời đâu đây của mẹ thoảng trong muôn ngàn miên man mắt lá. Đứa con sống với Mẹ cây cho tới khi trở thành một chàng trai đã có sức ngăn sông dời núi. Một đêm kia trong mơ, mẹ hiện về xoa đầu con như ngày nào còn bé. Người nói: “ Mẹ không chết. Mẹ vẫn còn sống trong con và trong sự tái sinh của muôn ngàn hạt mầm vú sữa. Con hãy quay về tìm đến cộng đồng con người, phân phát hạt giống cho họ để vị sữa của mẹ ngọt suốt các cuộc đời trên thế gian này.”

                                    ( Rút trong tập “ Người đàn bà đi trên đường”)

"Để vị sữa của mẹ ngọt suốt các cuộc đời trên thế gian này"


                                                                        Chử Anh Đào

          - Chào tác giả “ Cổ tích về vú sữa”. Xin hỏi ông viết tác phẩm này trong bao lâu?
          - Tôi viết nó trong một giờ đồng hồ tại khu tập thể văn phòng Sở GD- ĐT Gia Lai- Kon Tum.
          - Một giờ. Công việc viết văn có vẻ dễ ăn nhỉ. Cảm hứng đột xuất chăng?
          - Anh nói làm tôi nhớ tới câu chuyện một người thắc mắc họa sĩ sau 5 phút kí họa chân dung yêu cầu khách trả 100 US. “ Chả lẽ lao động mấy phút mà lấy chừng ấy tiền”- khách hàng thắc mắc. Họa sĩ trả lời: “ Vâng! Để có được 5 phút ấy tôi đã học 20 năm.” Nếu nói theo cách của họa sĩ thì để có một tiếng ấy, tôi đã mất 16 năm. Chuyện là thế này:
          Năm 1970, tôi vào học trường cấp III Long- Châu- Sa tại huyện nhà. Trường được xây dựng và khánh thành năm 1960 cùng với nhà máy supe phốt phát Lâm Thao. Hồi đó các tỉnh ở hai miền Nam- Bắc có phong trào kết nghĩa. Phú Thọ kết nghĩa với ba tỉnh Nam bộ là Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc nên người ta lấy chữ đầu của ba tỉnh đặt tên cho trường cấp III. Và không biết lấy được từ đâu, họ trồng trong sân, phía bên phải cổng trường một cây vú sữa.( Nói theo cách bây giờ thì nó là “ hàng độc”, khó có thể kiếm ở miền Bắc cây thứ ba, vì nghe nói cũng có một cây trong Phủ Chủ tịch) “ Vú sữa”- một cái tên nghe rất nhân văn! Hồi ấy, nó đã 10 năm tuổi mà bóng mát rất khiêm tốn. Nó cứ rũ ra, lạc loài trước đồng loại là những hàng xà cừ vùn vụt vổng lớn. Có lẽ nó buồn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn mãi tít phía mờ mịt trời xa kia chăng? Chúng tôi tò mò ngắm nghía. Cây không có gì đặc biệt. Thân gỗ, hai mặt lá có hai màu rõ rệt. Vào tháng 3, tháng 4 cũng thấy hoa rơi mà không thấy đậu một trái nào…Chỉ biết cây vú sữa thân yêu của ngôi trường kết nghĩa với miền Nam đã neo vào kí ức và đi cùng tôi nhiều năm tháng cho tới bây giờ.
          Tốt nghiệp, xung phong vào Tây Nguyên. Một buổi chiều ẩm ướt cuối mùa mưa tháng 9 năm 1977, chiếc Jeep lùn chở 7 anh em chúng tôi đỗ xịch trước Sở GD. Đập vào mắt tôi đầu tiên lại là rưng rưng 2 hàng cây vú sữa.
          Có lẽ sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như những tháng ngày sau đó tôi đổ đam mê và phải lòng đồng bào dân tộc và văn hóa truyền thống của họ. Tôi cứ lợi dụng các đợt công tác xuống huyện xuống xã để đi về các làng mà quan sát, suy ngẫm, học tập, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian.( Năm 1986, nhân có chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, tôi đã xin đi lâu dài nhưng cô Quế- Võ Thị Quế, giám đốc sở GD-ĐT, không cho)Lại có những cơ hội bằng vàng, được lang thang bay nhảy một cách “ chính danh”. Ấy là khi ít thấy tôi có mặt ở văn phòng Sở, ông Bình, phó GĐ bảo: “ Ông vào làm việc đi chứ. Cứ mang cái túi mìn Cleymo như sắp sửa đi đâu”. Hôm sau ông gọi tôi lên phòng làm việc: “ Ông thích đi thì tôi cho ông đi 5 tháng, khắp các nơi trong tỉnh. Sản phẩm phải giao nộp cho tôi là tài liệu “ Truyền thống giáo dục Gia Lai- Kon Tum.” Đúng là hùm thêm vây, thêm cánh!
          Và cứ như thế, tóc quăn, da đen, áo xống dân tộc, “ đầu đội khăn xếp, vai mang túi da” như tù trưởng Đăm San, tôi như đã trở thành thành viên của cộng đồng dân tộc tự khi nào từ dáng vẻ bên ngoài tới cách cảm cách nghĩ bên trong. Nhiều nhân vật đời thường như Nay Der, Sô Lây Tăng, A Dừa, U Rê, Kpa K Long…và hư cấu: A Phai, Pui Tói, A Him…đã bước vào các trang viết của tôi. Khi nào núi Ngoc Linh lở thành rốn vực tôi mới quên “ Những người mẹ Jrai bán khỏa thân, chân trần, hàng dọc đi vào phố/ Đường nhựa thênh thang cũng chỉ lối mòn/ Trong bình minh ban mai bóng các mẹ đổ thành bao nhiêu dấu hỏi…”( C.A.Đ) Và vị khoai sùng mà chị Pem mù lòa( chị ruột Kpa K Long) luộc trong buổi chiều mưa bão làng Ia Pia- Chư PRong còn ngăn ngắt đắng mãi trong tôi.
          Nhân vật trong các truyện thiếu nhi của tôi thường là các bé gái, những người chị, người mẹ. Họ có những đặc điểm chung về hoàn cảnh và phẩm chất là nghèo khổ, cơ cực nhưng vằng vặc một tấm lòng nhân hậu, vị tha, sẵn sàng gánh thua thiệt về mình mà nhịn nhường phần tốt đẹp cho người khác ( Một em bé gái dành dụm tiền mua quần áo để mặc hôm khai giảng thì lại bị chật; bé gái khác nhường con búp bê bằng vải vụn cho bạn khác còn nghèo hơn; một bé ngồi trong căn nhà dột nát chiều mưa chờ mẹ đi chợ về, nó mong trời tạnh mưa để mẹ khỏi bị ươt và lạnh; một người mẹ bán bánh mì đầu phố thường cho thêm thịt với những đứa trẻ lam lũ; một người phụ nữ bất chợt gọi đứa trẻ xa lạ là “ con”, vỗ về âu yếm nó và trả khoản tiền đồ chơi mà nó trót dại lấy ở siêu thị, cứu nó khỏi mất danh dự và sâu xa hơn, nâng đỡ đời người về sau của nó; một bé bán vé số lén lấy hoa trong thùng rác sau ngày 8 tháng 3 về tặng mẹ mình…) Tôi để ý, những bé gái bốn năm tuổi trở lên đã có những phẩm chất MẸ mà “ Cổ tích về vú sữa” có lẽ là cố gắng nghệ thuật cao nhất cho đến giờ tôi thể hiện về người Mẹ nói chung và Mẹ Tây nguyên nói riêng qua bối cảnh, tình huống, hệ thống hình ảnh, lối liên tưởng, so sánh ví von đậm đặc màu sắc văn hóa bản địa.
          Như vậy, gọi là “ cảm hứng đột xuất, xuất thần” cũng là có thật. Nhưng đằng sau nó phải là một quá trình, một điều gì đó như lửa nguyên thủy âm ỉ trong mỗi bếp Jrai, Bar Nah. Hôm trước mới đi làng Bar Nah về. Hôm sau chủ nhật, bụng lép kẹp, rỗng tuyêch, buổi sáng ngồi tha thẩn bên bờ giếng trong khu tập thể nhìn hoa vú sữa lặng lẽ rơi thành một thảm dày mà không ai để ý.Buồn quá! Và như có sự thôi thúc, đồng cảm, tôi lững thững về phòng , lấy giấy bút ra…
          - Một câu hỏi cuối, ngoài lề. Công việc nhiều như thế. Bạn bè, khách khứa lại liên miên. Vậy mà đến nay ông đã xuất bản 7 đầu sách, dự định in 2 cuốn nữa. Thời gian lấy đâu ra?
          - Thế thì lại là một câu chuyện nữa rồi. Có lần nhà bác học Nga Mendeleev phải tiếp một ông khách rất lắm lời. Huyên thuyên độc thoại cả tiếng đồng hồ, chợt vị khách dừng lại hỏi: “ Tôi nói vậy đã nhiều lắm chưa?” Nhà bác học vui vẻ trả lời: “ Không, anh cứ tự nhiên. Tôi đang có việc của tôi rồi.”
 Bí quyết là ở chỗ ấy! Đang họp, đang nhậu, đang ba hoa trên trời dưới đất nhưng tôi nghĩ gì trong đầu thì ai biết được, cấm được. Tôi dứt khoát không vi phạm những điều không được làm. Nhưng nhiều lúc cũng phải “ phối kết hợp”(!) một công đôi ba việc…Mà thôi, xin tạm dừng ở đây. Ai đời “ tiểu dẫn”, “ phi lộ” lại dài hơn tác phẩm bao giờ. Thiên hạ người ta cười cho.
                                                                             PK 7.5.2013
                                                                                   C.A.Đ

6 tháng 5, 2013

Đi chơi lễ bây giờ mới kể


Cứ ngỡ chỉ có đi làm việc cả tuần ngồi cả ngày cũng ê mông và đau lưng mỏi cổ nhưng nếu nghỉ cả một seri 5 ngày liền như đợt nghỉ mới rồi mà nếu không đi đâu chỉ suốt ngày nằm dài xem AXN, HBO với ngủ nướng có khi còn rêm mình mẩy hơn. 
Vậy thì đi. Mà đi đâu mới là vấn đề. Sở thú, dinh Độc Lập… đều đã đi nhiều lần, tính cả những lần làm tình nguyện viên đưa bạn bè và người nhà đi thì từ ngày giải phóng đến nay cũng phải cả chục lần rồi. Đường hoa Nguyễn Huệ thì phải Tết mới có.
Nghĩ mãi thì tìm ra một địa điểm mà gần như ngày nào cũng thấy nhưng chưa từng đặt chân đến. Đó là tòa tháp chọc trời cao nhất Sài Gòn, cao đến mức đứng ở đâu trên đất Sài Gòn cũng nhìn thấy nó - Bitexco Financial Tower.
Ai đến SG cũng tìm cách thăng thiên lên tòa nhà đó, không lẽ mình ở ngay SG mà chịu cảnh quê kiểng kính nhi viễn chi. Vậy là quyết định đi đến đó tham quan, nhất là lại thấy HTV quảng cáo ở trong tòa nhà đó đang có chiến dịch 68 giờ thỏa sức vui mua sắm mấy ngày lễ nên càng ham.
Đi đúng ngày 30-4 cho thêm ý nghĩa.
Tối 29 dặn vợ sáng dậy sớm 7h30 ra quán phở ngon Tân Sơn Nhì làm tô tái bằm hoành tráng rồi đi cho nó mát.
Đợt nghỉ dài ngày khiến dân Sài Gòn theo thói quen số đông đã lũ lượt kéo nhau về thăm quê, số còn lại lặn hết ra Vũng Tàu, Mũi Né hoặc trèo hết lên Đà lạt cả rồi nên phố phường thênh thang hẳn ra.
Chạy dọc Cộng hòa, lần đầu tiên tôi phóng xe êm ru trên chiếc cầu vượt Lăng Cha Cả vừa bóc tem được 2 ngày, chả bù cho ngày trước mỗi lần đi làm chạy đến đây là chen chúc chờ đèn xanh mệt nghỉ. Qua Nguyễn Văn Trỗi, qua luôn cầu Công Lí rồi chạy suốt Nam Kỳ Khởi Nghĩa trong nắng mới SG vàng ươm mà bỗng thấy yêu đời yêu cuộc sống lạ lùng.
Từ nhà tôi lên tòa tháp này cũng ít nhất 12 cây số. Ngày thường kẹt xe tắc đường phải đi cả giờ mới đến, hôm nay chưa đầy 30 phút. Đồng hồ chỉ mới hơn 8h. Sớm chán.
Chân tòa tháp đây rồi. Ngửng đầu ngả hết mặt lên trời nhìn không thấy cái ngọn đâu cả. Đúng là chọc trời thật.
Gửi xe xong lấy máy ảnh ra bấm kiểu hình đầu tiên với tấm bảng in đậm bằng chữ mạ kền sáng choang trên mặt tiền tòa tháp: Bitexco Financial Tower rồi ung dung bước vào. Cánh cửa kính khổng lồ tự động rộng mở như dang tay chào đón mình. Cảm động thế. Vậy mà bao năm nay bỏ bẵng đi không thèm đoái hoài đến nó. Thiệt là có lỗi.


Nhưng sự đời quả là không suôn sẻ ngay cả khi đi tham quan một tòa nhà rộng mở.
Bên trong tiền sảnh rộng mênh mông không một bóng người. Quê dzữ. Không lẽ hơn cả chục triệu dân Thành phố đều đã đến đây tham quan hết rồi nên hôm nay chỉ có hai người là vợ chồng mình đặt chân đến nơi này thôi à.
Đi một vòng trong mênh mông vắng lặng thì thấy có chú bảo vệ tiến đến bảo mời cô chú ra cửa phía Hồ Tùng Mậu mua vé. Ừm thì mua vé. Nghe nói 200 ngàn/vé. Chuyện vặt dù giá đó là quá cao so với lần tôi đi tham quan tòa tháp truyền hình Bắc Kinh cũng cao chọc trời mà chỉ mất có 50 tệ bằng 100 ngàn đồng Việt.
Ra quầy vé thì một bảo vệ nữa tiến đến nói 9h30 mới bắt đầu bán vé. Ôi trời, bọn nhà giàu tập đoàn Bitexco này đúng là phung phí thời gian. Sao không bắt đầu làm việc từ 8h cho nó được lợi, hốt được thêm nhiều tiền. Còn cả tiếng rưỡi đồng hồ nữa thì làm gì đây.
Tôi thì đã quyết sống mãi với SG rồi, còn cái tòa tháp thì chắc cũng chẳng có ông thần đèn nào dời đi đâu nữa, để lần khác tham quan cũng không muộn.
Vậy là lấy xe máy trở ra đường Nguyễn Huệ, thấy phía bến Bạch Đằng thấp thoáng bóng hai còn tàu du lịch 5 sao cao 3 tầng lầu. Đây rồi, không lên tháp thì ta lên tàu du ngọan dọc sông Sài Gòn ra đến ngã ba Nhà Bè vừa ăn buffet hải sản nướng đủ kiểu vừa xem ca múa nhạc cho nó sướng. Vụ này cũng chưa đi nhưng thông tin tôi nắm rất vững vì cũng ham và nghe bạn bè nói nhiều rồi. Nghe đâu cũng mấy trăm một vé. Mấy trăm thì mặc mấy trăm. Ăn chơi không sợ mưa rơi. Vào quầy bán vé gặp cô áo dài hồng tươi rực rỡ hỏi chú cần gì. -Tôi cần 2 vé đi tàu du lịch trên sông. –Hết vé cho đến ngày mùng 1-5 rồi chú ơi, người ta mua vé trước cả tuần, cả tháng rồi. Nếu chú mua từ ngày mùng 2 thì OK.
Trời, thiên hạ sao ngon dữ. Tưởng vụ tàu bè này không ai ham chứ. Ai dè nó đi trước mình cả tháng.
Thôi thì đi lòng vòng chơi. Vậy là dù không đâu vào đâu cả nhưng tòa tháp Bitexco cũng đặt chân vô rồi, tàu du lịch 5 sao trên sông SG cũng ghé qua mua vé rồi.
Cuối cùng là vòng lên Thủ Đức thăm thằng cháu nội dễ thương mới đẻ được mấy tháng của một ông bạn học cùng lớp thời cấp 3 rồi về.
Xong vụ đi chơi lễ.