30 tháng 1, 2022

Nhật kí ăn tết Nhâm Dần 2022

 

Sáng 26 tết bạn làm gì 

Tui lau rửa ban công và mấy bộ cửa sạch như mới. Sau này làm kiếp khác sẽ xin được ở trong 1 ngôi nhà không có cầu thang với cửa sổ trổ ra 4 phía và có lối đi rải sỏi trắng quanh nhà.

Lau mấy bộ cửa cũng cần rất tỉ mỉ

Mai đến thì thì mai nở. Vừa chụp trên sân thượng sáng nay.

 

Chiều 27 tết bạn làm gì 

Tui thì mở rộng cửa nhận quà tết của bạn bè và học trò gần xa. Cafe Ban Mê Thuột, rượu Tây từ chung cư AEON Tân Phú, bánh chưng Gò Vấp, trà Thái Nguyên và bánh nếp Yên Thành, bánh xoài và mắm tép Lệ Thủy; lạc Nam Đàn. Còn mấy thứ dưới bếp nữa nhưng tui lỡ ăn mất rồi. Thì tình nghĩa thế chứ còn gì nữa. Sài Gòn những ngày này tiết trời đẹp vô cùng; tình người, tình bạn bè, tình thầy trò càng đẹp hơn sau đại dịch.

Cafe Ban Mê Thuột do học trò gửi biếu 

Rượu Tây từ chung cư AEON Tân Phú, bánh chưng Gò Vấp, trà Thái Nguyên và bánh nếp Yên Thành

Bánh xoài và mắm tép Lệ Thủy; lạc Nam Đàn


 Sáng 28 tết bạn làm gì 

Tui đến Tops Market Âu Cơ sắm tết. Mua hàng rất nhanh nhưng xếp hàng trả tiền dài dằng dặc. Dằng dặc thì mặc kệ nó chứ đi đâu mà vội khi có cả chục quày thanh toán đang làm việc hết công suất.

St ngày tết kệ hàng nào cũng đầy ăm ắp và đc bổ sung liên tục dư sức làm thỏa mãn những khách hàng ham hố nhất. Khách hàng thì tràn ngập st đến mức thiếu hụt xe đẩy hàng.

Lần này tui chơi luôn cái chân giò heo rút xương hun khói loại bự nặng trên kí về uống với vang cho sướng. Thích nhất thịt hun khói là không béo, giòn giòn sật sật ăn không biết ngán.

Xong vụ này tôi chấm dứt chiến dịch sắm tết về kê cao gối ngủ đón giao thừa.

Người mặc áo xanh là tui thuê đẩy xe và trả tiền chứ trong túi tui không có tiền. Tui chỉ lòng vòng chụp hình post facebok chơi.


Cháu ngoại thử đồ Tết theo style Cô Ba Sài Gòn


29 tháng 1, 2022

Giọt nước tràn li

 

Chiều muộn hôm qua, cô nhân viên UB phường nhắn trên Zalo: Chú qua phường nhận tiền tết của TP để ngày mai cháu nghỉ làm, mọi người nhận hết từ 3 ngày nay rồi. Được bao nhiêu cháu. Dạ nhà chú 2,6 triệu ạ. OK. Chú qua ngay.

Năm nay cứ nghĩ dịch covid khó khăn nên TP sẽ không có khoản tiền này, thế mà vẫn có, thật cảm động. TP đang khó khăn trăm bề.

Nhớ 11 năm trước, tôi từ Bình Định chuyển vào. Khi đó đã nhận tháng lương hưu đầu tiên ở BĐ là tháng 12 – 2010 rồi chuyển hết hộ khẩu và BHXH vào TP. Vậy mà khi làm thủ tục nhập BHXH ở quận Tân Phú, các nhân viên ở đây vẫn giải quyết 1,3tr tiền tết 2011 và tạm ứng luôn lương tháng 1-2011 cho tôi. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên đến sững người. Cô NV BHXH quận giải thích: Chú vô TP ăn tết thì TP phải chi tiền tiêu tết cho chú thôi.

Thời còn đi làm nhà nước, cuối năm tết đến cơ quan phát thêm nguyên tháng lương thứ 13 cộng thêm các khoản linh tinh khác thấy cũng bình thường. Nhưng khi đã nghỉ hưu rồi, bạn sẽ thấy những khoản tiền tử tế chỉ vài trăm nghìn ai đó phát cho mình cũng quý. Như cơ quan cũ ở Bình Định cứ tết đến lại chuyển vào tài khỏan tôi số tiền 600k gọi là quà tết cho cán bộ cũ của đài. Tôi xem đó là 1 sự ân tình đáng để cảm động.

Đến UB phường lúc 16h30, tôi là người cuối cùng kí vào cuốn sổ nhận tiền tết. Cô NV vừa đếm tiền cho tôi vừa hỏi thăm (cô này tôi quen biết thân tình cả chục năm nay vì cô phụ trách mảng chính sách và người có công. Chính cô đã nhiệt tình hỗ trợ tôi làm hồ sơ để được hưởng chính sách người có công): Tết chú đi đâu không. Chú bám trụ ở TP thôi cháu. Đi đâu lỡ người ta bắt ngoáy mũi bằng kit Việt Á và bắt cách li lại khổ. Chú ăn tết vui nhé. Cảm ơn cháu.

Về giao đủ cho bà xã 2,6tr. Bả nói: 28 tết mình đi siêu thị mua sắm. Ông thích gì tui mua. Ngẫm nghĩ 1 lúc tôi đề xuất: Có cá nục tươi loại con nhỏ nhỏ như ngón tay bà mua kho nhạt cho tui ăn với rau xà lách và bánh tráng chấm nước mắm nhỉ Tam Quan. Chuyện nhỏ. Tưởng ông thích cao lương mĩ vị gì chớ. Thời đó qua lâu rồi bà ơi.

Vụ công an hốt cái ổ tham nhũng ở cục lãnh sự Bộ ngại giao vào ngày cuối năm đúng là giọt nước tràn li. Thêm cú này nữa thì đúng là cả 1 bộ máy CP bung và toang toét tòe loe thật rồi. Nghĩ mà ê chề. Nào là phương diện quốc gia, nào là danh dự gì cũng bị đồng tiền đâm toạc hết. Mà những kẻ đó đâu có thiếu tiền chứ. Ngẫm ra trên đời này có 2 thứ con người ta không bao giờ chán là danh vọng và tiền bạc. Càng có càng ham muốn thêm. Và cuối cùng chết vì nó. Bỏ ra cả quá trình dài phấn đấu và bỏ ra cả đống tiền để mua cái ghế quyền lực. Rồi chết gục vì nó. Âu cũng là cái nghiệp.

Ảnh: Cháu ngoại tôi trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận



 

28 tháng 1, 2022

NHỮNG CON ĐƯỜNG CỦA ÁNH SÁNG

 


Tác giả

Trịnh Xuân Thuận

Ngôn ngữ

Tiếng Việt

Lĩnh vực

Khoa học kỹ thuật

Dịch giả

Phạm Vǎn Thiều - Ngô Vũ

Năm xuất bản

2009

Đơn vị xuất bản

NXB Trẻ

Giá sách

184.000 VND (2 tập)

Số trang

632

 


Năm 2007, Viện Hàn lâm Cộng hòa Pháp đã quyết định trao giải thưởng lớn Moron cho nhà vật lí thiên văn người Mĩ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận vì cuốn sách phổ biến khoa học mới nhất của ông Những con đường của ánh sáng: vật lí và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối, cuốn sách được NXB Fayard (Pháp) cho ra mắt vào tháng 3 năm 2007. Sau đó được dịch ra tiếng Việt và NXB trẻ ấn hành vào tháng 11 năm 2008.

Trong 2 tập sách dày hơn 600 trang này, nhà vật lí thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã trình bày những suy nghĩ khoa học của ông về ánh sáng, và liên quan tới nó là bóng tối, trên nhiều phương diện, bao gồm tầm quan trọng của ánh sáng và bóng tối đối với sự sống, đối với khoa học, cũng như sự diễn giải ánh sáng của bộ não, nghệ thuật của các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, và cả việc sử dụng ánh sáng trong kiến trúc và các khía cạnh tâm linh của ánh sáng. Là một cuốn sách thuần túy về khoa học nhưng dưới cách trình bày nhiều cảm xúc của tác giả Trịnh Xuân Thuận, Những con đường của ánh sáng được các nhà khoa học và đông đảo độc giả xem như là một bản sử thi về cuộc hành trình của nhân loại trên con đường đi vào vương quốc của ánh sáng và giải mã những bí mật của nó.

Với Trịnh Xuân Thuận, ánh sáng gắn liền với cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông như một người bạn tri kỉ, bởi cuộc đời của một nhà vật lí thiên văn như ông thì suốt đời phải gắn bó với ánh sáng. Từ cuốn sách này, Trịnh Xuân Thuận khẳng định rất thuyết phục rằng, phần lớn các thông tin về vũ trụ mà chúng ta biết được đều là nhờ sự giúp đỡ hữu hiệu và trung thành của ánh sáng. Đó là sứ giả tuyệt vời nhất của vũ trụ. Chính ánh sáng cho phép con người giao tiếp và kết nối với vũ trụ. Và cũng chính ánh sáng đã chuyển tải được những đoạn nhạc và các nốt rời rạc của cái giai điệu bí ẩn của vũ trụ do con người kì công tái tạo với tất cả vẻ đẹp huy hoàng của nó.

Bằng cái nhìn bao quát của một nhà khoa học, cuốn sách Những con đường của ánh sáng của Trịnh Xuân Thuận đưa đến cho bạn đọc một cách hiểu giản dị về ánh sáng và tác dụng của nó trong đời sống cũng như trong nghiên cứu vũ trụ. Ông chỉ rõ: Bằng cách sử dụng ánh sáng để khám phá vũ trụ, các nhà vật lí thiên văn có thể sẽ hiểu được hiện tại và tiên đoán được tương lai của nó.

Ánh sáng tốt và có ích như vậy, nhưng dưới cái nhìn của nhà khoa học, tác giả cuốn sách đã chỉ ra rằng không phải cái gì gì nhiều cũng tốt, kể cả ánh sáng. Chẳng hạn con người không thể sống mà thiếu ánh nắng, nhưng nếu bị nắng tác động nhiều quá, sức khỏe con người sẽ bị tác hại nguy hiểm. Vì phơi nắng lâu sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, giảm huyết áp và đau đầu, say nắng đặc biệt nguy hiểm đối với người già và trẻ nhỏ. Do vậy, trong các đợt nắng nóng, nên thường xuyên tắm rửa và tránh tối đa các hoạt động dưới nắng. Tuy nhiên do ngộ nhận, không ít người cứ tưởng tắm nắng lúc nào cũng tốt và tắm càng nhiều càng tốt. Trong khi đó thì nhà vật lí thiên văn đã chỉ ra rằng, tắm nắng quá lâu và quá thường xuyên có thể gây ra các hiệu ứng chết người, chẳng hạn ung thư da có thể xuất hiện do tắm nắng quá mức.

Bên cạnh việc chỉ ra những cái lợi và hại của ánh sáng, cuốn sách còn nói lên những tác động của ánh sáng đối các yếu tố tâm lí và tinh thần của con người. Những ngày trời quang mây tạnh, bầu trời xanh thẳm và nắng vằng rực rỡ khiến con người cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Trái lại, những ngày trời u ám, ánh sáng nhợt nhạt và xám ngắt, con người dễ sinh ra buồn chán và mệt mỏi.

Bởi vậy mà có thể nói, cuốn sách Những con đường của ánh sáng không chỉ thuần túy là những vấn đề về khoa học vật lí thiên văn, mà nó còn là cuốn sách viết về những kiến thức thông dụng cho cuộc sống. Có lẽ chính vì tính đa dạng và hữu dụng về nhiều mặt như vậy mà Viện hàn lâm khoa học Pháp đã tặng cho tác giả cuốn sách giải thưởng lớn Moron, một giải thưởng thường được trao cho các tác phẩm triết học hơn là khoa học. Từ đó có thể nói, tác giả cuốn sách đã trình bày những vấn đề khoa học trên quan điểm của triết học. Những con đường của ánh sáng do vậy, càng tăng thêm tính hấp dẫn với bạn đọc.

Tác giả cuốn sách này, nhà vật lí thiên văn Trịnh Xuân Thuận sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Nhưng từ nhỏ ông đã học trong các trường Pháp, nói thông thạo tiếng Pháp và hiểu biết nhiều về văn hóa Pháp. Vì thế mà các cuốn sách của ông đều được viết bằng tiếng Pháp. Ông đã có gần chục đầu sách trong đó có nhiều cuốn là best seller, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Lĩnh vực nghiên cứu hiện nay của Trịnh Xuân Thuận chủ yếu tìm hiểu về sự hình thành của các thiên hà. Với tất cả những gì đã làm được, trong đó có cuốn Những con đường của ánh sáng, nhà khoa học người Mĩ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận đã góp phần làm rạng danh người Việt ở nước ngoài.

 Link XB trên sachhay.org: https://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/5635/nhung-con-duong-cua-anh-sang

27 tháng 1, 2022

Hôm qua tôi đi tất niên

 

Đầu giờ chiều ngày 18 tháng chạp, ông HT nhắn Thầy nhớ lên buổi Year End Party nhé. Tôi đang đi đây anh.

Cả năm dịch dã, trừ những người đã mất đi vì covid (không loại trừ nguyên nhân chết do test bằng kit bọn Việt Á và đồng bọn ở Bộ y tế và Bộ KHCN và cả cái bọn ở HV quân y thuộc BQP toa rập nhập từ Tàu cộng nên ai cũng thành dương tính và vô đến BV dã chiến thì chết oan) còn lại đã sống sót qua đại dịch nên phải đi để gặp lại nhau chứ. Nói thêm: cả nhà tôi không ai dính dương tính là vì không nghe chúng nó xúi giục đi ngoáy mũi lần nào. Trong nhà tôi giờ còn nguyên cả nắm kit test tổ dân phố ném qua cửa.



Nói như ai đó: Gặp lại nhau đây là may mắn lắm rồi. Đã có hơn 20k đồng bào TP HCM bị chết trong đại dịch. Có ngày hơn 400 ca tử vong. TP từng có cả tháng sặc mùi tử khí. Không may sao được.

Tính ra đời tôi đã có đến mấy vụ thoát chết. Trong đó may nhất là thoát chết trong chiến trường miền Đông Nam Bộ ở trận Xuân Lộc và trận Trảng Bom của chiến dịch HCM 1975. May nhì là thoát chết oan vì kit test Việt Á trong đại dịch covid Sài Gòn 2021.

Đến nơi thì đang ca nhạc. Trên sân khấu mấy em xinh tươi khoa thanh nhạc đang hát nhảy rất sôi nổi và rất hay.

Rồi phát biểu, cụng li, ăn uống. Ra về nhắc nhỏ ông HT: Đừng quên tiền thưởng tết của tôi nhé. Có nó tôi sẽ nhớ anh nhiều hơn. Ông dặn lại: Thầy chuẩn bị qua tết dạy cho trường tuần mấy tiết bên khoa cơ bản, bên đó đang thiếu GV. YES. Dạy thì được nhưng làm VP ngày 8 tiếng thì NO. Tôi chừ già rồi.

 

26 tháng 1, 2022

"Dòng sông cuộn chảy” và điều đọng lại sau chiến tranh

 

Bài đăng trên TC VHSG

VHSG- Tôi bắt đầu đọc tập truyện ngắn Dòng sông cuộn chảy(*) của Trần Thế Tuyển từ truyện ngắn in ở cuối sách được tác giả chọn làm tên chung cho tập truyện. Vẫn là mô típ, là đề tài quen thuộc của các nhà văn mặc áo lính thời hậu chiến: Khi người lính trở về.

Điều đọng lại sau câu chuyện của Dòng sông cuộn chảy là những bi kịch mà cuộc đời người lính phải hứng chịu trong và sau chiến tranh. Đó là sự hi sinh mất mát khi người đồng đội thân yêu bị thương nặng và chết ngay trên tay mình; là khung cảnh gia đình vợ con hiu hắt nghèo khổ khi người lính trở lại hậu phương; là một mối tình tay ba khó chấp nhận nhưng rất logic với vợ của người  động đội và đã để lại một hậu quả nặng nề vì thực hiện lời cặn dặn trước khi nhắm mắt của bạn mình…

Đó là hoàn cảnh trớ trêu đậm mùi cay đắng của cuộc đời đã dồn dập trút lên vai nhân vật người cha, người cựu chiến binh tên Kết trong câu chuyện. Hoàn cảnh ấy của ông Kết nếu đem chia cho ba người bình thường khác thì vẫn là quá nặng nề. Huống chi đây lại một mình ông gánh chịu. Một cái gánh quá đỗi nặng nề cho cuộc đời một người lính trở về sau chiến tranh.

Tuy nhiên, với ngòi bút không cầu toàn của mình, tác giả Trần Thế Tuyển đã như một người lính xông vào giông bão để mang lại cho cuộc đời của nhân vật ông Kết một cái kết có hậu. Vợ con, gia đình, người thân chòm xóm đã không chỉ tha thứ mà còn đồng cảm với những bi kịch cuộc tình, bi kịch cuộc đời mà ông đã gây ra và hứng chịu.

Đó chính là tính nhân văn và lòng nhân ái toát lên từ ngòi bút của Trần Thế Tuyển. Và đó cũng chính là mạch ngầm xuyên suốt trong mười chín truyện ngắn của Dòng sông cuộn chảy.

Trần Thế Tuyển là một người lính đã đi qua chiến tranh. Và cũng như tất cả những người lính khác, chiến tranh đã để lại một hội chứng nặng nề trong anh với tư cách một nhà báo, nhà văn mặc áo lính, điều mà người ta gọi chung là hội chứng chiến tranh.

Cái chung trong phong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của truyện ngắn Trần Thế Tuyển là mỗi nhân vật của anh đều là một số phận bi kịch. Họ rời cuộc chiến và trở về sau chiến tranh, họ phải vật lộn với mưu sinh để tồn tại giữa cuộc đời đầy trớ trêu và cạm bẫy. Cứ tưởng như họ, những người cựu chiến binh ấy sẽ buông bỏ, sẽ bị chìm nghỉm của những số phận cuộc đời bi thảm không lối thoát nhưng rồi họ vẫn đứng lên được theo cách của mình. Đó là Khang trong Lô cốt, một người lính trở về sau chiến tranh, tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi ra làm giáo viên cấp 3, anh luôn cố gắng vươn lên với tất cả tính cách tốt đẹp của một người lính. Nhưng rồi áo cơm, đố kị, ghen ghét đã đẩy anh vào thế trận của sự sụp đổ. Vợ bỏ nhà ra đi, con thơ nheo nhóc, sự thăng tiến nghề nghiệp trở nên dang dở đến mức anh phải làm thêm nghề đạp xích lô để kiếm sống. Đúng là cơm áo không đùa với lí tưởng. Cuối cùng thì người cựu chiến binh Khang vẫn nhẫn nại đạp xích lô sau nhưng giờ lên lớp để nuôi con và nuôi những giấc mơ đẹp, những trang sách dày vẫn mở trên bàn làm việc của anh.

 

Tập truyện ngắn “Dòng sông cuộn chảy” của Trần Thế Tuyển

Những nhân vật như ông Kết, như Khang có mặt trong hầu hết các truyện ngắn của Trần Thế Tuyển trong Dòng sông cuộn chảy. Từ Cha con người lính, Kỷ niệm về anh ấy, Hằng, Ngày và đêm, Tiếng vọng, Đêm vùng ven…  tất cả đều mang một âm hưởng hậu chiến như thế. Và chính điều đó đã mang lại sức hấp dẫn bạn đọc từ tác phẩm của anh.

Dưới ngòi bút của Trần Thế Tuyển, những câu chuyện kể hiện lên thật dung dị; những nhân vật chính hiện lên trong các truyện ngắn của Dòng sông cuộn chảy cũng rất đời thường, gần gũi và thân thương. Độc giả, nhất là những người lính đã đi qua chiến tranh, sẽ ít nhiều thấy được thân phận mình trong thân phận các nhân vật của Dòng sông cuộn chảy. Và họ đọc Trần Thế Tuyển để thấy hình bóng mình trong ấy.

Đó là một thành công của Trần Thế Tuyển qua Dòng sông cuộn chảy.

Trong một cuộc gặp gỡ thân tình, Trần Thế Tuyển đã nói với người viết bài này: Tôi viết bằng những chiêm nghiệm từ cuộc đời tôi. Và đúng là như thế. Những câu chuyện trong Dòng sông cuộn chảy và cả trong tập trường ca Gió thổi miền ký ức mới xuất bản bởi NXB Quân đội Nhân dân của anh đều toát lên điều đó.

Viết về số phận, về bi kịch của những người lính thời hậu chiến cũng chính là viết về cuộc đời anh. Ngay trong gia đình Trần Thế Tuyển, anh cùng người em trai là Trần Văn Thiềng đã nhập ngũ và ra trận. Hết chiến tranh anh mang ba lô trở lại quê nhà còn người em trai ruột thịt đã thành liệt sĩ và mãi mãi nằm xuống trong một nghĩa trang ở Cai Lậy, Tiền Giang. Ngày anh trở về, người mẹ già đau khổ đã túm tay anh mà khóc: Con trở về còn em con đâu. Câu hỏi của người mẹ Trần Thế Tuyển cũng là câu hỏi của hàng triệu người mẹ Việt Nam khác sau chiến tranh. Nó như một nỗi đau ngàn đời không thể hóa giải.

Để trả lòi câu hỏi của mẹ, Trần Thế Tuyển không chỉ lặn lội để tìm ra nghĩa trang liệt sĩ nơi em trai mình nằm lại mà anh còn sống hết mình trong cuộc đời với trách nhiệm của một nhà báo, nhà văn, nhà quản lí. Với quân hàm Đại tá, Trần Thế Tuyển có nhiều năm công tác ở báo Quân đội Nhân dân và sau này là Tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải phóng. Ở cương vị nào, anh cũng cố gắng để làm tròn vai hoàn thành nhiệm vụ  và vẫn không quên cầm bút.

Đến nay dù đã ở vào lứa tuổi U70, dù đã để lại phía sau hàng chục tác phẩm thơ, văn được xuất bản; dù đã gặt hái hàng chục giải thưởng báo chí và văn học, Trần Thế Tuyển vẫn miệt mài cầm bút như anh vẫn miệt mài sống. Khái niệm hưu trí với người cựu chiến binh, nhà báo, nhà văn Trần Thế Tuyển không có nghĩa là nghỉ ngơi mà chỉ là càng có nhiều cơ hội hơn để sống và viết. Như Dòng sông cuộc đời anh vẫn cuộn chảy.

Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/dong-song-cuon-chay-va-dieu-dong-lai-sau-chien-tranh/

 

25 tháng 1, 2022

Những kí ức chiến tranh đầy ám ảnh của một nhà văn mặc áo lính

 

(Đọc Nơi thành đồng Tổ quốc, tập truyện kí của Trần Thế Tuyển, NXB Văn học, 2021)

Trên đặc san LINH KHÍ QUỐC GIA số Xuân Nhâm Dần

 

LKQG - Với 39 truyện kí được in trong một tập sách dày dặn 310 trang, Nơi thành đồng Tổ quốc của Trần Thế Tuyển là một tuyển tập truyện kí đã làm sống dậy cả một thời chiến tranh oanh liệt đầy anh dũng và hi sinh quả cảm của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước.


 

Cảm nhận sau khi gấp lại trang sách cuối cùng của Trần Thế Tuyển là anh như sinh ra để viết về chiến tranh và về cuộc sống thời hậu chiến. Đã 50 năm đất nước thống nhất hòa bình trôi qua nhưng trong tâm khảm tác giả, người lính chiến cầm bút viết văn và viết báo này vẫn ám ảnh không nguôi những kí ức đầy ám ảnh mà anh đã đang là người trong cuộc. Với riêng nhà văn mặc áo lính Trần Thế Tuyển, hội chứng thời hậu chiến là có thật.

 Điều gây ám ảnh nhất trong Nơi thành đồng Tổ quốc là những trang sách viết về sự hi sinh to lớn của đồng bào và chiến sĩ ta trong chiến tranh. Những người mẹ, người vợ đã mất đi những đứa con thân yêu vì bom đạn quân thù. Đã có hàng trăm, hàng nghìn những bà mẹ, những người vợ như thế hiển hiện trên những trang sách của anh như những tấm gương rực sáng lòng yêu nước. Đó là mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, một bà mẹ anh hùng có tới 11 con, cháu là liệt sĩ. Là má Tư ở vùng “Tam giác sắt” có đến 12 người thuộc dòng họ hi sinh; riêng bản thân mẹ đã hiến dâng 4 đứa con và người chồng thân yêu của mình cho cách mạng. Câu chuyện về má Tư trong Bà mẹ người anh hùng quả thật là một nỗi ám ảnh với người đọc. “Vì sự an toàn của lực lượng cách mạng, vì chồng, vì các con đang họat động mà má Tư đã hi sinh phần tình cảm cuối cùng của một bà mẹ là được ôm đứa con trai thân yêu vào lòng để được khóc, được nói với nó những lời vĩnh biệt”. Viết về má Tư và những người mẹ như má Tư, ngòi bút của Trần Thế Tuyển như chùng xuống nghẹn ngào, “Năm tháng qua đi, cuộc chiến đấu gian khổ trên vùng “Tam giác sắt” qua đi, nhưng gương mặt những người con thân yêu của má đã hi sinh cho Tổ quốc vẫn hiện rõ trước mắt tôi mồn một” (Bà mẹ người anh hùng).  Đó là những hi sinh không thể gì đền đáp nổi.

 


Đặc trưng cơ bản của thể loại văn học truyện kí là viết về người thật việc thật. Không thật không phải là truyện kí. Với Nơi thành đồng Tổ quốc, những câu chuyện của Trần Thế Tuyển còn thật hơn cả sự thật. Và vì thế mà nó cuốn hút và hấp dẫn người đọc qua từng trang viết. Khi viết về cuộc đời với những chiến công thầm lặng của người anh hùng Võ Thị Huynh, một chiến sĩ của đơn vị quân y Bến Cát, tác giả đã cho bạn đọc thấy tầm vóc của người anh hùng trong những hành động tưởng như nhỏ nhặt, bình thường nhất nhưng lại rất lớn lao là tìm đủ mọi cách để cứu sống và giữ an toàn cho tính mạng của thương binh ngay trong bom đạn chiến trường. Chị Ba Huynh đã làm được điều đó. Và chị đã được tuyên dương Anh hùng (Chiến công thầm lặng).

 Viết về Nam Bộ trong chiến tranh là viết về vùng đất thành đồng Tổ quốc. Một vùng đất với những con người có sức sống mãnh liệt và bền bỉ như những cây tầm vông vừa che chắn cho quê hương vừa làm vũ khí tiêu diệt kẻ thù và ngày nay đang tạo nên sự xanh tươi cho quê hương. Mảnh đất Bến Cát xưa đã “chôn vùi trên 7000 tên xâm lược và trên 25 xe tăng, máy bay của chúng cũng là nơi thấm máu 322 liệt sĩ, thương binh nay đang đổi mới từng ngày” (Cây tầm vông Bến Cát). Đó là cái hay của truyện kí Trần Thế Tuyển. Những câu chuyện kể của anh đầy hi sinh, đầy máu và nước mắt nhưng không tạo nên sự bi thương mà ngược lại, nó mang đến cho bạn đọc lòng tự hào và kiêu hãnh về đất nước và con người của vùng đất chiến trường xưa. Họ có thể là những vị tướng trí thức như Anh hùng, Thiếu tướng, bác sĩ Đỗ Hoài Nam, người đã từng cứu sống hàng nghìn sinh mạng chiến sĩ trong chiến tranh qua những ca mổ tài ba (Phác thảo về một người anh hùng). Đó cũng có thể là hình ảnh vị Trung tướng Tư lệnh quân đoàn thương đồng đội hơn cả thương mình. Người đọc không thể không xúc động khi thấy ông gặp lại người đồng đội cũ trong nghèo khó đã tỏ lòng thương cảm mà cởi cả áo quần dài đang mặc trong người, tháo đồng hồ đeo tay, rút hết tiền trong ví dúi vào tay người đồng đội cũ rồi mặc may ô quần đùi trở về đơn vị (Những đứa con của quân đoàn). Chính cái tình động đội cao quý ấy đã hun đúc nên vẻ đẹp của những người lính bước ra từ chiến tranh và ngày nay đang xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

 Nơi thành đồng Tổ quốc là những trang viết về quá khứ, hiện tại và tương lai. Viết về quá khứ để tự hào, tri ân và trân trọng; viết về hiện tại để thêm tin yêu hơn vào cuộc sống và viết về tương lại để lạc quan yêu đời hơn. Đó là đặc điểm từ ngòi bút Trần Thế Tuyển trong tập truyện kí dày dặn này. Chẳng thế mà khi đến với vùng đất U Minh Thượng nơi cuối trời Cà Mau, tác giả dù không quên sự khốc liệt của chiến tranh nhưng nhanh chóng nhận ra vùng đất này đã rất khác với ngày xưa, “Từ ngày tỉnh có chủ trương quy hoạch vùng đất này thành khu kinh tế mở, cửa biển Khánh Hội không còn “u minh” buồn tẻ, hoang sơ nữa. Không chỉ có dân U Minh từ trong đồng kéo ra, mà dân tứ xứ hội về. Những khu nhà ở, chợ, trường học, nhà văn hóa mọc lên. Khoảng cách giữa ngày và đêm ngắn lại...” (U Minh rạng sáng).

 Nam Bộ, vùng đất thành đồng của đất nước trong chiến tranh, ngày nay vẫn là vùng đất thành đồng của hòa bình, của cuộc sống mới đang thay da đổi thịt. Điều đó hiện lên rất rõ trong Nơi thành đồng Tổ quốc của Trần Thế Tuyển.    

   

   

    

24 tháng 1, 2022

NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI

 Trên đặc san LINH KHI QUỐC GIA số Xuân Nhâm Dần

LKQG - Một sáng tháng 4 năm 2015, tròn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một nhóm những người bạn lính sinh viên chúng tôi tìm đường về Hậu Lộc, Thanh Hóa thăm nhà người bạn, người đồng đội, liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn. Bố mẹ Ngôn đã qua đời hết, ngôi nhà của bạn giờ cũ kĩ gần như mốc meo nằm lọt giữa một vườn chuối rộng um tùm do một người cháu trông nom, nhìn rất thương cảm. Đây là nơi mà trước ngày gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, Đỗ Xuân Ngôn đã tranh thủ từ Nghệ An về thăm, chào từ biệt bố mẹ, ngủ lại đúng một đêm rồi trở lại trường để nhập vào đoàn quân đi giải phóng miền Nam. Đó là lần về thăm quê cuối cùng của Ngôn trong cuộc đời mãi mãi tuổi 20 của anh.

Đỗ Xuân Ngôn cùng học khóa 12 khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Vinh với tôi. Ngày 10 – 9 năm 1972 khi học xong năm thứ nhất thì chúng tôi cùng với 180 sinh viên và giảng viên trẻ của trường lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian 3 tháng huấn luyện ở miền Tây huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, 60 lính sinh viên chúng tôi được tuyển chọn cho đơn vị trinh sát C20 Sư đoàn 341. Hành quân bộ vào Lệ Thủy, Quảng Bình huấn luyện nghiệp vụ trinh sát xong, vào một đêm đông giá rét tối mùng 2 Tết Nguyên đán năm 1974, toàn sư đoàn chúng tôi hành quân vào Nam đánh giặc tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Vào đến chiến trường, Ngôn là người khỏe mạnh, to cao như cầu thủ bóng đá nên bạn được phân công giữ một khẩu trung liên RPD với nhiều băng đạn vàng chóe cả súng lẫn đạn nặng hơn chục kg.



Sư đoàn 341 của chúng tôi khi đó nằm trong đội hình Quân đoàn 4 là một sư đoàn bộ binh chủ lực của quân đội được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh trận Xuân Lộc nổi tiếng. Từ Xuân Lộc chúng tôi tiến vào giải phóng các căn cứ quân sự ở Trảng Bom, Hố Nai, sân bay Biên Hòa và tiến vào giải phóng Sài Gòn vào đúng ngày 30 – 4 -1975. Trong những trận chiến đấu ác liệt cuối cùng nhằm kết thúc cuộc chiến ấy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh ở chiến trường, nhiều người đã nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn. Trong đó có người bạn lính sinh viên của tôi, Đỗ Xuân Ngôn. Anh đã hi sinh anh dũng trong trận đánh vào Chi khu quân sự Trảng Bom sau khi sư đoàn đã giải phóng Xuân Lộc. Nhiều đồng đội đã chứng kiến Ngôn ngã xuống sau khi anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng của khẩu trung liên RPD rất lợi hại. Chính từ khẩu RPD biết cách khạc đạn nhịp 2, nhịp 3 của Ngôn mà quân địch đã tập trung hỏa lực để tiêu diệt anh. Và Ngôn đã nằm xuống trên đất Trảng Bom vào ngày 24 – 4 - 1975, cái ngày chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Chỉ còn những bước chân cuối cùng, chỉ một chặng đườn ngắn cách Sài Gòn 60 km là chúng tôi có mặt ở Dinh Độc Lập, nơi sào huyệt cuối cùng của quân địch. Thế mà Ngôn đã mãi mãi ở lại với đất Đồng Nai.

Di ảnh Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn

Sau ngày giải phóng, cuối năm 1975, những người lính sinh viên chúng tôi còn sống sót được trở lại trường tiếp tục học tập nhưng niềm vui không trọn vẹn vì hàng chục bạn học cùng nhau lên đường ngày ấy, trong đó có Đỗ Xuân Ngôn, sinh viên lớp 12B khoa Văn, đã không cùng trở về. Họ đã thành Liệt sĩ. Viết đến đây tôi chợt nhớ câu thơ mà ý tứ như một cặp câu đối chỉnh thể của nhà thơ mặc áo lính Trần Thế Tuyển khi nói về những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước, Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khi Quốc gia.

Đồng đội viếng mộ Đỗ Xuân Ngôn ở NTLS Trảng Bom


Mộ Đỗ Xuân Ngôn hiện nằm trong NTLS Trảng Bom cùng với gần 700 ngôi mộ liệt sĩ của Sư đoàn 341. Đó là một trong những NTLS đẹp nhất nước nằm ngay trên con đường quốc lộ số 1. Tôi và bạn bè đồng đội của Ngôn đã nhiều lần đến NTLS Trảng Bom thắp hương viếng người bạn học, người đồng đội thân yêu của mình.



Ngày nay, tại Trường Đại học Vinh có một đài tưởng niệm đặt trong một căn phòng rộng trên lầu cao nằm giữa trung tâm trường gọi là Đài sen tưởng niệm những cán bộ, sinh viên của trường đã hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Ở đó có di ảnh của Đỗ Xuân Ngôn. Nhà trường, bạn bè, thầy cô vẫn hương khói quanh năm cho những người đã mất. Nửa thế kỉ kể từ ngày đất nước thống nhất đã đi qua và những người bạn, người đồng đội như Đỗ Xuân Ngôn vẫn sống mãi. Vẫn hiển hiện đâu đây hình bóng Đỗ Xuân Ngôn, người lính sinh viên mãi mãi tuổi hai mươi.

 

23 tháng 1, 2022

Cuộc sống đa sắc trong “Đêm không màu” của Văn Công Hùng

 

Cập nhật ngày: 29/07/2020 Trên VHSG

VHSG- Những năm gần đây Văn Công Hùng và thơ của anh đang vô cùng hot trên mạng xã hội và trên báo chí. Trang “phây” của anh có một lượng fan đông đảo và nhộn nhịp vì cứ dăm bảy ngày anh lại có một bài thơ được sinh nở. Hình như càng có tuổi Văn Công Hùng càng khỏe ra và bút lực anh càng sung mãn hơn. Đọc Văn Công Hùng tôi thấy bài nào của anh cũng có nhiều điều để suy ngẫm, để thưởng thức. Đặc biệt là về nhịp điệu và từ ngữ thì Văn Công Hùng sử dụng nhuần nhuyễn và khéo léo. Vì thế mà  thơ anh đậm chất thơ, nhiều bài đọc to lên nghe cứ như hát rất dễ đi vào lòng người.

Nhà thơ Văn Công Hùng

Trước Đêm không màu(*), Văn Công Hùng đã cho ra mắt bạn đọc bốn tập thơ, hai tập trường ca  và một tập tản văn, phóng sự. Ở tuổi gọi là Lục thập nhĩ thuận hiện nay anh càng viết khỏe, cả thơ và báo. Người ta vẫn nói làm thơ không cứ phải viết nhiều viết khoẻ. Thơ không phải là khoai mì, cà phê và hồ tiêu Tây Nguyên mà để càng sản xuất với sản lượng càng cao càng tốt. Thơ cũng như văn, có khi chỉ một đôi bài mà sống mãi trong lòng bạn đọc thì cũng đã đủ là một tượng đài vĩnh cửu rồi. Tuy nhiên ở Đêm không màu, tập thơ mỏng chưa đầy một trăm trang, với chỉ có bốn mươi chín bài mà bài nào cũng đọc được, lại có nhiều bài hay. Chứng tỏ Văn Công Hùng đã tự mình làm một cuộc tuyển chọn khá chặt chẽ.



Cảm nhận đầu tiên của Đêm không màu là sự đằm thắm và độ chín của Văn Công Hùng. Chứng tỏ anh đã đi qua sự bồng bột và sôi nổi của thời trai trẻ.

Nhớ mùa đông Hà Nội

 anh có con đường đầy kí ức

 bánh xe lăn xao xác

 ô cửa mờ hơi thở của em

 mà em thì xa lắm

 Tây Hồ lên sương phấp phỏng lối về 

(Gửi mùa đông Hà Nội)

Rõ ràng là ở Văn Công Hùng có một tâm trạng hoài cổ và tiếc nuối của một thời sôi nổi đã đi qua ngay từ bài mở đầu của tập thơ này.

Đọc Văn Công Hùng, tôi thích nhất ở những bài thơ tình. Câu thơ, lời thơ nghe cứ như là một làn gió thoảng nhưng đủ để dội mát tâm hồn bạn đọc. Hãy đọc to lên những câu thơ đầy nhịp điệu của anh như thế:

Có những lúc buồn đến không chịu nổi

 nghe rỗng không thống thếnh trong lòng  

 ấy là lúc ta ngồi nghe mắt chớp

 chiều chơi vơi dòng Đa Nuýp xanh…

có những lúc violin tha thiết

ru ta vào mê trận của tình yêu

tay em vẫy xa vời như bến vắng

sông nôn nao hai nửa cuộc đời 

(Có những lúc)

Với văn Công Hùng, những câu thơ tình da diết như trên là một sở trường của anh. Đọc lên nghe rất chênh chao.

Cái tài của nhà thơ, nhà nghệ sỹ là ở chỗ phát hiện và nói lên được những tâm trạng, những suy nghĩ trước cùng một thực tại của cuộc sống mà những người không phải là nhà thơ, không phải là nghệ sỹ khó diễn đạt thành lời. Giữa một ngã tư chật chội, tắc đường, ồn ĩ và bụi bặm của mùa thu Hà Nội, chất thi sĩ của Văn Công Hùng vẫn thấy được sắc đỏ của một nhành dâm bụt xưa, một sắc xanh của gói cốm mỏng mảnh khi thu về. Có lẽ chỉ ở Văn Công Hùng mới có được hình ảnh nghe chẳng có vẻ gì là thơ nhưng lại rất thơ khi vào thơ anh:

Mùa thu trườn qua ngã tư

 người xe người xe đông cứng

 mùa thu tiếng còi như thét

em trùm mùa thu nija…

và bụi và nóng và trôi

 mùa thu chết ngạt trên đường

 vụt nhoà chiếc xe cứu hoả

 đỏ như dâm bụt ngày mưa…

một gói cốm xanh mỏng mảnh

 bạn kéo mùa thu trở về… 

(Biên độ mùa thu Hà Nội).

Cái hành động cả mùa thu Hà Nội trườn qua ngã tư chỉ riêng Văn Công Hùng mới có.

Đọc Đêm không màu, bạn sẽ phát hiện ra ở Văn Công Hùng khả năng nhiều sáng tạo trong những bài lục bát của anh. Những câu lục bát nghe ngân nga như một hơi thở dài không dứt của một kẻ yêu suốt đời và thất tình cũng suốt đời:

Và rồi cây đã sang mùa

 nắng chưa kịp nắng mưa vừa kịp khô

 em vừa kịp buổi ngẩn ngơ

 tôi như kẻ lạc giữa bờ dậu thưa …

về chiều mây ngoái về theo

 em ngân ngấn mắt vòng vèo giấc mơ

 sim mua thắc thỏm đợi chờ

 trái tim hát giữa bụi bờ mà đau

(Và rồi mây gió với ta)

Hoặc:

đêm như Côn Đảo bùa mê

 em như lòng biển bốn bề trong veo

 tôi thành cuộn dây không diều

 kìa mây cứ tím như điều tất nhiên

… rong yêu đến độ lặng yên

 hạt phù du cõng mộc miên về trời

(Lục bát Côn Đảo)

Điều này sẽ còn rõ hơn trong bài thơ Đêm không màu mà Văn Công Hùng đã lấy đặt tên cho tập thơ như là một chủ đề chính. Những câu thơ được bắt đầu bằng một sự giản dị nhưng kết thúc bằng tâm trạng mang tính thời đại:

đêm không là bài hát

 những giấc mơ không màu…

em cứ gửi ngày mai trong cổ tích

 để đêm nay dài đến bất ngờ

 chợt cơn gió luồn ngang cửa sổ

 bất ngờ lang thang điên.

Cái sự lang thang điên có lẽ là sự ngông cuồng của những kẻ thi sĩ ngu ngơ khờ dại như tác giả của nó, chứ người thường tỉnh táo mấy ai có.

Những nỗi đau vì tình như thế trong thơ Văn Công Hùng có khá nhiều. Và đáng yêu thay, đời trai ai chẳng có đôi lần!

Tuy nhiên, nói đi rồi cũng phải có điều nói lại. Đọc xong Đêm không màu, gấp lại trang sách cuối cùng, tôi cảm thấy Văn Công Hùng hình như không hợp lắm với những bài thơ mang chất chính luận, chất thời cuộc. Không chỉ bởi những đề tài như thế ít có chất thơ mà bởi đó có thể là sở đoản của Văn Công Hùng. Cầu Cần Thơ đêm thứ 2, Chiếc váy buồn đêm biển Nha  Trang, Vô xúc là những bài như vậy.

Đó là chưa nói chuyện ở tập thơ này, Văn Công Hùng cũng đã có những thử nghiệm về một lối thơ mới với những từ ngữ lạ. Đó là bài Ngày mùa đông với những câu thơ hình như rất ít chất Văn Công Hùng:

Ngày mùa đông

dằng dặc con đường hấp hoảng tiếng chuông…

ngày mùa đông em tu hành trong anh

Có trời mới biết em tu hành trong anh nghĩa là gì.

Hoặc trong bài Đen trắng Sài Gòn với những từ ngữ không mang dấu ấn nhịp điệu Văn Công Hùng chút nào:

đen trắng

 nã nền

 đêm Sài Gòn nưng nưng

 trôi

 dòng dòng dòng

 cơn lá me gió gió… đêm

 như thiên thần

 muốt

 anh…

Những câu thơ tắc tị như thế sẽ khiến cho hương đồng gió nội trong thơ Văn Công Hùng bay đi ít nhiều.  May sao đó chỉ là rất thiểu số.

Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/cuoc-song-da-sac-trong-dem-khong-mau-cua-van-cong-hung/