20 tháng 2, 2016

Thời trẻ trung của em ơi hãy ở lại cùng anh

Thơ Nguyễn Đình Anh (*)


MƯA XUÂN

Anh muốn đi bên em
Khi mưa bay lất phất
Anh muốn ngồi bên em 
Cho bàn tay siết chặt.

Để nghe từng hơi thở
Của mùa xuân mênh mang
Ngắm môi em tươi đỏ

Trong say đắm mơ màng.

           
Xuân về anh chỉ có
Một bài thơ tặng em
Kết từ dòng máu đỏ
Của đời bao nhiêu năm.

Xuân về em có nhớ
Nỗi niềm xưa không em.

NĐA
















   Tác giả Nguyễn Đình Anh


THỜI TRẺ TRUNG CỦA EM ƠI HÃY Ở LẠI CÙNG ANH

( Viết cho ngày Valentiner)

Thời trẻ trung của em ơi hãy ở lại cùng anh
Đôi kính mát màu hồng bộ áo dài trắng muốt
Cuốn sách cầm trên tay và vườn cây thanh khiết
Thời trẻ trung của em ơi hãy ở lại cùng anh.

Ngày ấy em đâu biết gì về anh
anh cũng vậy sự đời đã thế
Nỗi đau, niềm vui qua đi lặng lẽ
Bao nhọc nhằn ngày ấy em đâu hay
Cho anh được trở về đọc cuốn sách em cầm trên tay
Cho anh được nâng niu tà áo mỏng
Cho anh được đón ánh mắt em nhìn say đắm
Từ cặp kính hồng thời trẻ em mang.

Thời gian trôi mau hè hết thu sang
Tóc em dần dà rụng bớt
Sẽ quên dần lệ thường nhớ anh em khóc
Thì trong anh vẩn còn lại suốt đời thời trẻ trung của em.

Rồi một ngày kia em nhợt nhạt màu da
Em sợ tiếng còi tàu và những chuyến đi vội vã
Những chiều vắng bóng em đổ dài bên cửa sổ
Thời trẻ trung lùi lại quá xa,

Và anh,anh chẳng còn viết nổi những bài thơ
Ngợi ca tình yêu và tuổi trẻ
Thì em ơi, em hãy tin trong âm thầm lặng lẽ
Thời trẻ trung của em vẩn còn mãi trong anh.

NĐA
(*) Nguyễn Đình Anh, SV lớp 12A K2, hiện sống ở Tp. Vinh

13 tháng 2, 2016

Mùa đầu và Tân niên

Hôm mùng ba Tết nhà tôi có mời 3 gia đình bạn bè cũng là những đồng đội cũ thời đi lính C20 Sư đoàn 341 đến chơi và ăn với nhau bữa cơm thân mật đầu năm. Dân Sài Gòn quá rảnh trong ba ngày Tết nên bữa ăn kéo dài từ 11h30 đến 15h chiều mới vãn. Ăn thì ít chuyện trò râm ran thì nhiều. Vui không thể tả. Trên mâm có món dưa leo vườn nhà. Nghe tôi giới thiệu là dưa tự tay mình trồng đấy thì ai cũng ngạc nhiên và khen dưa tươi ngon.
Không ngon mới lạ vì vừa hái trên cây xuống đưa ngay vô mâm. Lại còn rất sạch nữa.
Ngoài dưa còn có mướp cũng đã đến kì thu hoạch. Hai loài này có vẻ hạp nhau vì tôi trồng chung một giàn nhưng chúng thi nhau ra trái. Không kì thị và loại bỏ lẫn nhau.

                         Mướp xếp thành hàng ngay ngắn như lính duyệt binh 



                                                           và dưa leo 


                             Chua me đất nấu canh chua cá lóc



                         Và trường tôi sáng nay mùng 6 Tết có cuộc tân niên



11 tháng 2, 2016

Mùng 4 Tết đi Cần Giờ - Rừng Sác

Tiếng là ở Tp.HCM nhưng mãi đến hôm nay, mùng 4 Tết Bính Thân tôi mới có quyết tâm và cơ hội để đi du lịch một chuyến xuống huyện Cần Giờ và tham quan chiến khu Rừng Sác.
Cách Tp chừng 50km về hướng đông nam, từ lâu Cần Giờ đã là một điểm picnic nổi tiếng vào dịp cuối tuần hay các ngày nghỉ lễ tết của người dân Sài Gòn.
Sáng nay như không hẹn mà nên, con đường từ TP về huyện Cần Giờ người đi như nước chảy. Chỉ có người lớn tuổi đi ô tô, còn đám thanh niên trai gái chở nhau thong dong bằng xe máy đi như trẩy hội mùa xuân. Có cả những đoàn khách du lịch nước ngoài cũng hăm hở đi hơn cả dân Việt ta. Trên xe tôi có 10 người thì đã có 6 người là du khách Tây. 8h30 thì xe của đoàn tôi đến bến phà Bình Khánh. Con phà nối giữa huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ. Tôi ngồi trên tầng hai lộng gió của chuyến phà Bình Khánh vượt sông Nhà Bè nhìn ra cửa biển mênh mông, rồi nhìn ngược về hướng thượng nguồn nơi có ngã ba sông Nhà Bè nổi tiếng. Nhánh bên phải chảy về Đồng Nai gọi là sông Đồng Nai, nhánh bên trái chảy về Gia Định - Sài Gòn gọi là sông Sài Gòn. Chính nó đã làm nên câu ca dao nổi tiếng của thời người Việt ta Nam tiến khẩn hoang lập ấp:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Còn tại sao lại có địa danh Nhà Bè thì có một giai thoại rất đơn giản mà rất hay: Thuở cha ông ta từ miền Bắc vào Nam mở cõi, khi mà vùng ngã ba sông này còn rất hoang vu, có một ông cự phú rất giàu có mà tốt bụng. Thấy người dân đi thuyền qua lại trên khúc sông này vất vả, có lúc hết cả lương thảo, ổng liền cho làm một cái bè lớn bên trên có một cái nhà chứa đầy gạo, nước ngọt, mắm muối…rồi neo lại bên sông. Tàu thuyền của bất cứ ai qua lại mà thiếu cơm ăn nước uống thì cứ tấp vô lấy dùng thoải mái. Người ta gọi vùng ngã ba sông ấy là ngã ba Nhà Bè và đặt tên luôn cho con sông lớn là nơi hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là sông Nhà Bè từ đó.
Lòng tốt, sự hào phóng, tấm lòng hào hiệp của người Nam Bộ có từ thời xa xưa ấy.
Đúng 9 giờ, tôi bước xuống khỏi con phà Bình Khánh và đặt chân lên đất Cần Giờ. Phải đi 50km nữa mới đến nơi gọi là Cần Giờ thực sự.
Con đường thật đẹp. Hai bên là những khu rừng gần như nguyên sinh lướt qua cửa kính ô tô.
Đặc sản du lịch của Cần Giờ là khu rừng đước ngập mặn nguyên sinh Vàm Sát, gọi là khu sinh quyển Cần Giờ với đảo khỉ, Tràm chim và cá sấu nuôi theo kiểu bán hoang dã.
Đặc biệt đi sâu khoảng 5 cây số bằng ca nô hoặc lội bộ (với những người trẻ khỏe và ưa mạo hiểm) trong khu rừng đước ngập mặn là chiến khu Rừng Sác nổi tiếng, nơi có căn cứ của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Trong 9 năm hoạt động ở đây (1966-1975), trung đoàn đặc công Rừng Sác đã có hơn 1.000 trận đánh với quân đối phương. 860 chiến sĩ đặc công đã hi sinh. Ngày nay, khu căn cứ với những trận đánh nổi tiếng của Trung đoàn Rừng Sác trong khu tham quan được tái hiện rất sinh động. Bức tượng đài tưởng niệm vong linh 860 chiến sỹ đặc công rừng Sác uy nghi lẫm liệt cùng những dòng chữ tạc vào thời gian như mãi mãi trường tồn uy danh chiến sĩ rừng Sác:
Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
Khói lửa ngút trời sử sách ghi.   

Chuyến đi Cần Giờ hôm nay thật thú vị và ý nghĩa.     

                               Nhà Bè nước chảy chia hai
                               Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Lâu lắm tôi mới có dịp đặt chân lên một con phà lớn như thế này, dù nó ở ngay trong Thành phố. 


Đúng 9 giờ. Tôi qua khỏi phà Bình Khánh và đặt chân lên huyện Cần Giờ. Còn phải đi thêm 50km nữa. Trong ảnh là đoàn quân xe máy đang tiến về Cần Giờ


Đến rừng đước và đảo khỉ rồi. Vừa xuống khỏi xe thì đàn khỉ ở đâu đó như chực sẵn bu đến xin ăn. Đàn khỉ ở đây có trên ngàn con được nuông chiều nên rất dạn và lưu manh. Chúng sẵn sàng cướp đồ ăn nước uống, cướp cả máy ảnh, điện thoại, túi xách, nón mũ của du khách rồi tót lên cây vừa ăn vừa gãi đít


                                 Rừng đước ngập mặn nguyên sinh


    Nhìn đâu cũng thấy cháu chắt của lão Tôn Hành Giả trong đủ mọi tư thế 


       12 giờ, chúng tôi về khu nghỉ dưỡng Phương Nam ăn cơm và nghỉ trưa


         Tranh thủ ra biển Cần Giờ ngắm chứ không tắm vì nước rất đục, lại sình lầy


                               14 giờ đi ca nô sâu vào chiến khu Rừng Sác


                              Mọi người thích thú và say sưa ngắm cảnh, chụp hình


                         Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác tuyên thệ trước giờ ra trận


860 người của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã nằm lại trong các trận đánh


                                      Đặt mìn


                             Đánh nhau với cá sấu


         Tại Đài tưởng niệm trong rừng sâu ghi hai câu thơ:
                                        Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
                                        Khói lửa ngút trời sử sách ghi.  


                                    Sở chỉ huy Trung đoàn


                             Chuẩn bị đánh vào kho xăng Nhà Bè


                                       Vào trận


                          Đài Tưởng niệm 860 liệt sĩ Trung đoàn Rừng Sác


                           Mọi người kính cẩn dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ


                            Lán Thông tin, các chiến sĩ đài 15W



                                 Nữ chiến sĩ nuôi quân


                            Chuẩn bị bữa ăn cho chiến sĩ


                                        Chiến sĩ giao liên


                 Chiến sĩ quân y báo cáo chỉ huy về tình hình thương bệnh binh


                                         Chăm sóc thương binh


                          Công binh cưa bom lấy thuốc nổ...


                              ...làm mìn tự tạo


                 Hôm nay có thêm một chiến sĩ mới cùng tham gia với các anh


 Quân nhu may vá quần áo cũng được bổ sung thêm một nữ chiến sĩ mặc áo hoa


15h quay về, tạm biệt chiến khu Rừng Sác kì lạ với những con người kì lạ


8 tháng 2, 2016

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016

Như thường lệ, sáng mùng một Tết thắp hương trên ban thờ khấn vái ông bà và ba tôi rồi ăn sáng xong, chọn giờ hoàng đạo tôi cùng bà xã hướng về phía quận Một để dạo chơi ngắm nghía đường hoa Nguyễn Huệ. Theo thông tin trên mạng thì Tết năm nay chỉ có ngày mùng 1 và mùng 5 là ngày tốt, còn lại là ngày xấu. Trong ngày mùng 1 thì giờ hoàng đạo kéo dài liên tục từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Tôi xuất hành lúc 9 giờ là chính giữa khung giờ hoàng đạo, gặp may mắn là cái chắc.
Cảm giác chung đường hoa năm nay trải dài trên con phố đi bộ Nguyễn Huệ nối từ mặt tiền trụ sở UBND Tp ra đến giáp đường Tôn Đức Thắng phía bến Bạch Đằng dài khoảng  750 m, cả vòng đi vòng lại hai chiều chẵn 1,5 km nên hoa khá thưa thớt, nhiều chỗ gần như là lấp chỗ trống với những tiểu đảo hoa lá sơ sài.  Các loài hoa quý không có nhiều, chắc là để giảm chi phí.
Tuy vậy với những gì có được cũng đủ để đường hoa năm nay rực rỡ đủ loại sắc màu. Dân tình cả ta lẫn Tây gần như là chen chúc nhau trên đường hoa.
Đường hoa năm con khỉ nên đi đâu cũng thấy khỉ. Bắt đầu đường hoa là một gia đình nhà khỉ con nào con nấy vàng rộm béo múp và rạng rỡ.
Năm nay đường hoa không có ruộng lúa nước với giàn bầu bí như mọi năm nhưng thay vào đó là các loại trái cây nông sản bểu tượng của một nền nông nghiệp sạch đang lên ngôi với những cà chua bi, dưa lưới vàng, dưa lưới xanh… nhìn thấy là muốn hái một trái bỏ vô miệng nhai cho sướng.
Theo các nhà tổ chức thì đường hoa Nguyễn Huệ năm nay có chủ đề TP.HCM - Hòa bình, Thịnh vượng và Phát triển nhưng nói thực tôi chưa bao giờ thích cái kiểu lồng ghép chủ đề như thế. Hoa xuân thì cứ là hoa xuân, chính trị thì cứ là chính trị. Sao cứ bắt chúng dính vào với nhau như một sự cưỡng hôn lỗ mãng.
Như để bù lại sự tào lao đó, cạnh đường hoa là một đường sách hoành tráng về diện tích, số lượng và phong phú về thể loại với sự bắt đầu từ một cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa ngạo nghễ.
Sau hai tiếng đồng hồ vòng đi vòng lại, chuyến xuất hành đầu năm của tôi kết thúc bằng cuộc ngồi nghỉ giải mỏi bên vỉa hè rợp mát của một tòa cao ốc.
Tết này còn chỗ nào để đi nữa không nhỉ.

       Bắt đầu đường hoa là một gia đình nhà khỉ rạng ngời hạnh phúc


                            Con nào cũng vàng rộm và béo múp 


                   Năm con khỉ đi đâu cũng thấy khỉ. Một cặp khỉ tím xanh


                                       Một đàn khỉ xanh đỏ vàng


                                      Hoa đào và khỉ 


                              Thô sơ và hiện đại


                                 Tiểu đảo hoa lan. Khu này đắt tiền nhất



                             Cả một rừng hoa với điêu khắc vũ nữ bằng gỗ 


Cà chua bi công nghệ sạch. Muốn hái một trái bỏ vô miệng nhai rau ráu cho sướng 


                              Dưa lưới xanh 


                                 Dưa lưới vàng 


                             Quà Tết hút trẻ con 


                  Bắt đầu đường sách với cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa 


                                      Tôi ước được một lần ngồi thật sự ở đây 


   Chủ đề chính của đường sách năm Bính Thân 2016: Biển Đông yêu dấu 


                                     TP. Hồ Chủ tịch - Ngôi nhà của chúng ta 


                            Thế giới dòng sông hoa. 


                            Tôi thích lũy tre làng...


                               ...và căn nhà gỗ nhỏ nhắn này 



                                              Khúc xạ


                                         Hết phim