25 tháng 12, 2021

Vũ điệu của tâm hồn

(Đọc tập thơ Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng, NXB Thuận Hóa, 2021)  

Trên VHSG

Cảm nhận rõ nhất khi đọc Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng (NXB Thuận Hóa 2021) là cảm hứng được trở về lại với cuộc sống đời thường sau những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước trong vai trò là một người lính thực thụ ở chiến trường Tây Nguyên của bản thân tác giả. Bởi đó là đề tài nổi bật nhất trong tập thơ này của anh.



Các nhà tâm lí học vẫn nói về một trạng thái tinh thần khá phổ biến ở những người lính bước ra từ cuộc chiến là họ thường mang căn bệnh hội chứng thời hậu chiến. Nguyễn Xuân Sùng nằm trong số những con người như thế. Chỉ có điều cái gọi là “hội chứng” đó ở anh lại được toát ra từ ngòi bút của một người làm thơ khi cảm xúc tràn về. 50 năm, tròn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng tác giả – người lính Nguyễn Xuân Sùng vẫn nhớ về một địa danh giản dị được quân ta lấy làm điểm vượt tuyến từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu: Khe Xom, đường Chín. Đi qua rẻo đất này là người lính đã ở về phía chiến trường ác liệt. Có một cái gì rất thiêng liêng khi tác giả viết:

…Điểm vượt tuyến năm xưa lần đi trong đêm

bồng bềnh nỗi nhớ

Dấu chân mờ tỏ

ngút ngàn lau trắng trong sương

trùng quân đi

đạn rít

bom gầm…

(Con đường hạnh phúc)

Giữa điệp trùng quân đi với đạn rít bom gầm vẫn hiện lên một ngàn lau trắng trong sương. Đó là một cảnh tưởng vừa hiện thực lại vừa rất lãng mạn. Nó mang hơi hướng bi tráng của người tráng sĩ Kinh Kha từ biệt vua nước Yên để vào đất Tần giết vua Tần trả nghĩa cho vua Yên trong thơ Trung Hoa cổ. Người lính trong thơ Nguyễn Xuân Sùng đi ra chiến trường nghĩa là đi vào chỗ chết nhưng không hề bi quan, sợ hãi. Cũng vì thế mà khi viết về cuộc chiến tranh đã qua, Nguyễn Xuân Sùng ít nói về sự chết chóc, hi sinh mà anh thường miêu tả về vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Đó là tình bạn, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn giữa chiến trường:

Đồng đội ơi, đêm nay, biết anh đau, thêm một lần lấy thân nối liền con đường ra mặt trận.

Nước mắt chảy vào trong, mồ hôi ròng trên trán, thức cùng Anh sẻ núi băng rừng.

Cặp kính nhòe đi

Bao lần không nói.

Quặn đau

(Cha Quang)

 

Tập thơ Vũ điệu tháng giêng của Nguyễn Xuân Sùng

Ngày hết chiến tranh trở lại Truông Bồn, nơi chiến địa đã trở thành lịch sử của những chiến sĩ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến anh hùng, tác giả vẫn thấy hiển hiện đâu đây tình cảm máu thịt của những người đã nằm xuống vì đất nước:

…Chúng mình

chẳng thể cách chia

vẫn chung lán

chung con đường

năm ấy

Vẫn giữa truông

hun hút gió lào…

(Cây xanh ở Truông Bồn)

Đọc thơ Nguyễn Xuân Sùng bạn đọc sẽ nhận thấy khi nói về tình đồng đội trong chiến tranh cũng chính là khi anh nói về nhân cách cao cả của người lính. Họ lặng lẽ chiến đấu và cũng lặng lẽ hi sinh nhưng vẫn rộn rã tiếng cười lạc quan:

…Đường trơn

Bom dội

Dép tụt quai

Nghiêng ngả tiếng cười…

(Mưa đồng đội)

Và chính vì thế, lòng yêu đất nước, yêu quê hương cũng là một chủ đề thường trực lấp lánh trong thơ Nguyễn Xuân Sùng. Ngôi mộ cỏ là một bài thơ như thế. Đến Lam Kinh nhìn ngắm ngôi mộ của đức vua Lê Thái Tổ Lê Lợi, anh bỗng thấy tự hào vô cùng về một vị hoàng đế  lừng danh đang ngủ yên trong một ngôi mộ phủ dày cỏ xanh ở kinh đô xưa:

…Nấm mộ xanh bình dị

Bình yên, da diết

Một màu xanh

Xanh thẳm

Với mây trời…

(Ngôi mộ cỏ)

Ca ngợi vua Lê xưa, Nguyễn Xuân Sùng cũng vô cùng tự hào về người con vĩ đại mà cũng vô cùng giản dị đời thường của quê hương Quảng Bình ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh đã rất khéo ngợi ca Đại tướng từ những thành ngữ quen thuộc:

…Ông đi thanh thản nụ cười vui

“Dĩ công vi thượng” một con người

“Văn lo vận nước văn thành Võ”

“Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”…

(Quê hương đón Bác)

Cũng là viết về Đại tướng với những lời ngợi ca, nhưng trong một bài thơ ra đời khi lên thăm Điện Biên Phủ, Nguyễn Xuân Sùng đã có những câu thơ hào sảng thắm đượm tự hào, bởi ca ngợi Võ Nguyên Giáp cũng chính là ca ngợi đất nước:

…Thung lũng Mường Thanh đầy hoa thơm quả ngọt

Thành phố trở mình vươn dậy với mùa xuân

Sáu chục năm rồi

Mường Phăng

nhớ

Anh Văn…

(Điện Biên mùa xuân)

Khi cầm bút làm thơ, Nguyễn Xuân Sùng đã biết cách đi từ những cái tiểu tiết tưởng như nhỏ nhặt để làm bật nổi lên chất anh hùng ca của những vĩ nhân lịch sử. Đó cũng là một đặc điểm rất đáng kể về nghệ thuật dùng từ trong thơ Nguyễn Xuân Sùng, không cầu kì, bóng bẩy mà vẫn súc tích và nhiều ý nghĩa. Nói thơ anh dễ đi vào lòng người đọc cũng là vì thế. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy những câu thơ như thế của anh trong Vũ điệu tháng giêng mà bài thơ Cô gái Mường Lò là một ví dụ:

…Con gái Mường Lò như mây ngũ sắc

“Đổn hổn”*nhịp nhàng ngã nghiêng trong ánh mắt

Rượu cần chưa vít đã nồng môi

Có kịp về đêm hội “nọong” ơi…

(Cô gái Mường Lò)

Cái cách tác giả đưa tên những điệu xòe nổi tiếng của các cô gái Thái vào thơ quả là rất ngọt và tài tình. Cứ như chỉ cần đọc lên đã thành thơ vậy. Hãy nghe Nguyễn Xuân Sùng viết về làng quê anh với những câu thơ da diết:

…Tháng năm ơi, (sống mũi cay xè)

Phía cuối làng cây gạo đỏ hoe

Nơi đầu bãi, gốc đa trùm xanh mát

Cây Trầm Ná trang nghiêm trầm mặc

Dòng Gianh trong…

Con nhận ra làng…

(Làng)

Tình bạn bè, tình đồng nghiệp cũng là một chủ đề chiếm nhiều bút mực trong Vũ điệu tháng giêng của tác giả Nguyễn Xuân Sùng và anh đã để lại những vần thơ nổi trội nhất của tập thơ cũng như đã để lại cho độc giả nhiều cảm xúc lắng đọng. Từ một sinh viên khoa văn nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 1970, hết chiến tranh trở về trường cũ học tiếp, ra trường sống với nghề dạy học cho đến ngày về hưu, Nguyễn Xuân Sùng có rất nhiều bạn bè chí cốt. Và với ai anh cũng sống hết lòng, với ai anh cũng là tri âm, tri kỉ. Bạn đọc sẽ lấy làm xúc động khi nghe anh kể về một người bạn từ Phú Yên ra thăm anh giữa trưa hè Ba Đồn gió lào quạt lửa, anh thương bạn chịu nóng không quen, ước gì sắm được cái máy điều hòa đãi bạn:

…Trưa Quảng Bình vẫn chang chang cồn cát

Vù vù cánh quạt

Vẫn không vơi cát bỏng gió lào

Tao quen rồi

Nắng chẳng sao đâu

Chỉ thương dặm đường xa

Giá mày gánh nặng…

(Gửi bạn Phú Yên)

Hoặc trong bài Bạn cũ, anh đã có những câu thơ gợi nhớ một thời sinh viên đói khổ mà chỉ những ai đã học đại học trong những năm bao cấp sau chiến tranh mới có thể thấu hiểu:

…Hành hương ta về chốn cũ

Còn không dấu cũ trường xưa

Còn không chỗ đào rau má

Khoai lang – tím tận bây giờ…

(Bạn cũ)

Cứ thế, thơ Nguyễn Xuân Sùng nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc và để lại những dư âm tốt đẹp đầy nhân bản.

Xuất bản Vũ điệu tháng giêng lần này, Nguyễn Xuân Sùng công bố với bạn đọc 55 bài, một con số khiêm tốn. Đó là một tập hợp những bài thơ do tác giả tuyển chọn trong sáng tác vài năm gần đây của anh. Chứng tỏ Nguyễn Xuân Sùng làm thơ rất chắt chiu và cũng rất trân trọng mỗi lần cầm bút. Anh không thuộc dạng tài hoa đến mức xuất khẩu thành thơ nhưng trong những hoàn cảnh để cho cảm xúc tràn về, thơ anh xuất hiện. Chẳng thế mà ở cuối tập thơ, Nguyễn Xuân Sùng đã có Lời bạt như là một lời bộc bạch chân tình rất dễ thương của anh gửi độc giả nói về lí do anh đến với sáng tác thơ ca. Trên thế giới này, mỗi nhà thơ đều có một con đường riêng dẫn đến với thơ ca, Nguyễn Xuân Sùng cũng có con đường của riêng anh. Và đó là một con đường rất hợp lẽ tự nhiên.

Là một cây bút quen thuộc của vùng đất Quảng Bình giàu thơ văn nhạc họa, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác văn học, với sự ra mắt của Vũ điệu tháng giêng Nguyễn Xuân Sùng có thêm một bước tiến mới trong cuộc đời cầm bút của anh.


Link XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/vu-dieu-cua-tam-hon-tieu-luan-ha-tung-son/

 

2 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới