30 tháng 12, 2021

NGUYỄN CÔNG THẮNG CHUYỆN CHƯA KỂ

 

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Nguyễn Công Thắng đã mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang Phúc An Viên quận 9. Đó là điểm đến cuối cùng trong đời làm người của tất cả chúng ta, chỉ là ai trước ai sau mà thôi. Hôm qua khi đến viếng Thắng ở Bình Thạnh, Trịnh Sâm, Ngô Quang Hiển và tôi ngồi lại khá lâu, nhắc lại nhiều kỉ niệm với Thắng ngày còn ở Quy Nhơn. Ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất hồn nhiên.

Nguyễn Công Thắng là lứa sinh viên cuối cùng của chế độ VNCH. Năm 1975 khi đang học năm 4 khoa văn ĐHSP Huế thì cách mạng tràn về, giải phóng ùa vô, trường đóng cửa cả năm trời. Phải qua năm 1976 Thắng mới tốt nghiệp và nhờ thành tich học tập xuất sắc, anh được giữ lại trường làm giảng viên, ngày đó gọi là cán bộ giảng dạy.

Những năm sinh viên Huế trước giải phóng, Nguyễn Công Thắng tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, cũng xuống đường biểu tình tranh đấu, làm thơ ca ngợi quê hương như rất nhiều SV yêu nước thời đó. Anh là thành viên của Tổng hội HSSV Huế trước giải phóng.

1980, Thắng chuyển vào dạy ở khoa văn ĐHSP Quy Nhơn. Chúng tôi biết nhau từ đó. Cái nhìn đầu tiên của tôi khi gặp Thắng là một người đàn ông rất lãng tử. Anh có dáng cao nhưng không to cũng không mảnh khảnh, để ria, tóc hơi dài lượn sóng, mặc quần jean, nói năng nhỏ nhẹ nhưng hài hước và thẳng thắn. Nhìn Thắng phong độ như nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa.


Thắng nghiên cứu và giảng dạy phần văn học Việt Nam thời kì trung đại với những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... Có hôm tôi và Thắng cùng lên lớp ở 2 phòng học sát nhau. Tôi dạy lớp năm 2. Thắng dạy lớp năm 3.
  Tôi ngày đó đã vô lớp là “gào thét” như Lỗ Tấn, còn Thắng vẫn nhỏ nhẹ như các nhà nho VN thời phong kiến. Giờ giải lao chúng tôi ra hành lang hút thuốc, Thắng nói: Tôi dạy bên này mà nghe hết bài giảng về thơ Đường của ông ở bên kia. Tiết sau tôi cố gắng kìm lại cho nhỏ nhẹ như Thắng nhưng chỉ được 5 phút là đâu lại vào đó.

Thời đó một số lớp đều có SV là bộ đội đi học. Họ không phải là bộ đội xuất ngũ mà đang là quân nhân, được cử đi học để về làm giáo viên các trường văn hóa quân đội. Mấy SV lính này có tác phong quân đội nên nhiều khi gây hiểu nhầm giữa thầy và trò. Có vụ hiểu nhầm đến suýt to chuyện. Có hôm tôi đang lên lớp cho năm 2 thì ở cửa xuất hiện 1 ông nai nịt gọn gàng, dập gót dày dõng dạc: Báo cáo giáo viên tôi vào lớp (trong lúc đáng ra phải xin phép: Thưa thầy em đi trễ). Rồi thản nhiên về chỗ ngồi mà không đợi tôi cho phép trước sự ngỡ ngàng của cả lớp. Đã đi học trễ còn làm oai. May thay tôi đã từng mấy năm đi lính, từng là lính SV nên rất hiểu và không đếm xỉa gì mấy chuyện đó. Tôi phớt lờ cho yên chuyện. Kiêu hùng, kiêu hãnh, kiêu binh và công thần đều từ mấy ông lính SV hoặc SV lính này mà ra. SV bình thường đâu có thế.

Nhưng Thắng thì không thế. Một hôm Thắng vào dạy cho lớp năm 3, thấy một ông mặc đồ bộ đội ngồi cuối lớp vẫn đội nguyên cái mũ vải mềm gắn ngôi sao bộ đội trên đầu. Thắng bảo: Anh ngồi cuối bỏ mũ xuống. Nhưng anh SV lính đó nói thưa thầy em làm đúng điều lệnh nội vụ ạ. Thắng ngạc nhiên: Điều lệnh nội vụ là sao. Dạ, là được đội mũ vải mềm khi hội họp ạ. Nhưng đây là lớp học, tôi không cho phép anh đội mũ trong lớp học. Đề nghị anh bỏ xuống. Thầy trò cứ thế đấu lí qua lại trong sự bối rối của cả lớp. Chuyện lên ban chủ nhiệm khoa. Thầy chủ nhiệm khoa cũng phân vân không biết ai đúng ai sai bèn phân công tôi, khi đó là trợ lí tổ chức khoa qua gặp bộ chỉ huy quân sự tỉnh hỏi cho ra nhẽ.

Tôi cầm giấy giới thiệu của trường qua tỉnh đội gặp 1 ông sĩ quan điều lệnh ở phòng tham mưu thì được giải thích: Quy định thì mũ vải mềm quân nhân được phép đội trong lớp học nhưng phải theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Người chỉ huy cho phép thì đội còn nếu không cho phép thì phải hạ xuống. Trong trường hợp cụ thể, người chỉ huy là GV đang lên lớp. Trường hợp này thầy Thắng làm đúng và người SV lính kia lập luận và thực hiện cứng nhắc, tưởng đúng mà không đúng. Tôi ghi hết nội dung trên vào 1 tờ giấy nói anh sĩ quan điều lệnh kí xác nhận vào. Về trường tôi ghé qua phòng Thắng khi đó cùng ở trên lầu 3 tu viện khu tập thể CBGD. Đọc tờ ghi chép của tôi xong Thắng thở phào. Tôi hỏi: Giờ ông tính sao, có nên cho tay kia một mẻ không. Thắng suy nghĩ rồi nói: Bỏ qua đi ông ạ, đừng chuyện bé xé ra to. Tôi qua VP khoa báo cáo hết cho thầy trưởng khoa, kể cả ý của Thắng. Thầy trưởng khoa gọi anh SV lính kia lên, 3 mặt 1 lời. Anh kia tâm phục khẩu phục, xin lỗi. Hết chuyện. Nhưng tôi thì nhớ mãi sự độ lượng và dung dị của Nguyễn Công Thắng trong vai trò là một nhà giáo. Tôi học được từ Thắng bài học về ứng xử. Sau này chuyện to mấy tôi cũng cho là chuyện nhỏ.



Tết Nguyên đán 1983, Thắng cùng vợ con và mấy đứa hội độc thân chúng tôi ở lại trường ăn tết mà không về quê, đơn giản là về quê tàu xe quà cáp tốn kém quá mà túi chúng tôi thì chẳng có mấy đồng. Để an ủi, công đoàn trường mổ heo cấp cho mỗi cán bộ ở lại trường ăn tết 3 kí thịt. Chúng tôi mừng rơn. Chiều 28 Tết nhận thịt về kho kho nấu nấu thơm lừng. Khi đó chúng tôi còn độc thân, mỗi Thắng có vợ con. Thắng qua nhận thịt thấy mớ đuôi heo khoảng 2 kí hỏi mua luôn. Về nhà, Huề vợ Thắng, một cô giáo cấp 2 rất giỏi nấu ăn và nội trợ, làm thành 2 món: Đuôi heo luộc chấm mắm gừng và đuôi heo nấu với các loại củ kiểu súp hay cà ri gì đó ăn với bún. Rồi vợ chồng Thắng gọi hết hội độc thân bọn tôi qua ăn tất niên. Làn đầu tiên tôi ăn món đuôi heo ngon như thế. Giòn giòn sật sật, ăn vào cứ sậm sựt trong miệng rất khoái khẩu. Mãi sau này tôi mới biết đuôi heo là món ăn bổ dưỡng như 1 vị thuốc: Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực cho đàn ông, làm đen râu tóc, mịn da, hồng hào vân vân.

Sau này Thắng chuyển chỗ ở ra khu tập thể GV ở 260 Lê Hồng Phong. Đó cũng là chỗ ở của những nhân vật nổi tiếng như Trịnh Sâm, Huỳnh Thông, vợ chồng anh Thủy chị Thân, Huỳnh Chín... nên thỉnh thoảng tôi với Nguyễn Ngọc Quận Hán Nôm hay đạp xe ra đó chơi, la cà chuyện tào lao và nhất là xem có gì ăn không. Khi tôi chuyển qua làm việc ở Đài TH Quy Nhơn, 181 Lê Hồng Phong thì rất gần 260 nên vẫn hay qua chơi để gặp gỡ bạn bè. Có hôm đang làm việc ở đài thì Thắng qua gặp tôi ở cổng: Trưa ông đừng về nhà, ghé qua tôi ăn bún bò Huế. Bà Huề nấu. Đó là món tủ của tôi. Trưa hôm đó tôi qua làm luôn 2 tô. Ngon gì đâu.

Năm 1999, Thắng rời Quy Nhơn về làm biên tập ở đài PTTH Quảng Ngãi. Được 1 thời gian ngắn thì chuyển vô Sài Gòn làm ở báo Lao động, rồi qua làm tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho đến ngày nghỉ hưu.

Thắng siêng viết tản văn, thơ, kí đăng trên các báo. Đã in mấy đầu sách. Cuốn nào ra cũng tìm bạn bè kí tặng. Năm 2018 khi in xong cuốn sách dày Vẩn vơ nơi ga xép Thắng lên tìm tôi tận ĐHHS, Nguyễn Văn Tráng Q1 kí tặng và cafe.

Hôm tháng 10 mới đây, giữa đại dịch covid Sài Gòn mỗi ngày tử vong trên 400 người, TP phong tỏa như giới nghiêm, chết chóc bao trùm, 11 giờ đêm Thắng gọi cho tôi từ Bình Thạnh hẹn nhau ngớt dịch mấy anh em khoa văn ta kéo nhau về khu du lịch Bình Châu (Bà Rịa) nghỉ dưỡng vài ngày, ăn ngủ, tắm nước khoáng nóng thiên nhiên và chuyện trò cho đã. Chưa kịp thực hiện thì hôm nay, Thắng đã về an nghỉ ở Phúc An Viên.

Thắng bị ung thư đã 4 năm nay nhưng giấu biệt mọi người. Vẫn sống lạc quan, ung dung, tự tại. Vẫn viết lách, làm thơ và in sách.

Vĩnh biệt bạn, Nguyễn Công Thắng. Hãy an giấc ngàn thu.



 

 

 

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới