15 tháng 10, 2019

Kỉ niệm về một bài hát nghe trộm


Nhà thơ Du Tử Lê "về thế giới bên kia" đã tròn một tuần. Đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu status viết về ông và bài thơ Khúc Thụy Du nổi tiếng của ông được phổ nhạc.
Tôi im lặng đọc hết các bài viết với tất cả sự khâm phục và nuối tiếc về ông, một người mà mãi về sau này tôi mới biết rằng: Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, chỉ 13 ngày trước khi Sài Gòn giải phóng, cùng với nhà văn Mai Thảo và nhạc sĩ Phạm Duy, Du Tử Lê đã bị kết án tử hình vắng mặt trên Đài phát thanh Giải phóng.
Riêng tôi, từ tháng 4 năm 2010 cũng đã có một bài viết về ông nhớ lại kỉ niệm lần đầu tiên được nghe bài hát Khúc Thụy Du trong một tâm trạng và trong một bối cảnh thật đặc biệt – những ngày diễn ra trận đánh đẫm máu ở Xuân Lộc tháng tư năm 1975. Không chỉ là kỉ niệm về một bài hát, đó còn là kỉ niệm của cuộc đời tôi.
P/S: Khi đọc xong bài viết của tôi đăng trên hatungsonblog, thằng bạn học cùng lớp cấp 3 Manh Doan khi đó đã comment ở dưới:
Ngày xưa ấy, nếu Mi không né được
Thì giờ đây ! tao có biết chi mô
ngày xưa ấy, nếu Mi không còn nữa
Tao làm sao thấy được khúc bi hài
Mi không viết nghĩa là Mi im lặng
Mi im lặng nghĩa là Mi không nói
không nói gì cũng là lỗi lớn đó Mi ơi
Thì bây giờ nói lại lần nữa cũng chưa muộn.

NGHE TRỘM KHÚC THỤY DU CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Tháng Tư năm nào cũng vậy, là một tháng có quá nhiều cảm xúc. Bởi đó là tháng có ngày 30 tháng 4. Tháng Tư năm nay còn hơn thế, là tháng ghi dấu 35 năm ngày 30 – 4. Ngày lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân đến SG trong hành trang của một người lính đầy bụi bặm, một người lính vừa thoát chết sau khi đã đi qua phần cuối của một cuộc chiến tranh tàn khốc.
Vào lúc này, khi một ngày chủ nhật yên ả tới vào giữa tháng Tư tôi chợt nghe lại giai điệu của những bài hát quen thuộc như một kỉ niệm dịu dàng giữa một cuộc chiến tranh khốc liệt.
Đó là khi về đêm giữa những cánh rừng cao su Xuân Lộc, nơi đang diễn ra trận đánh quyết tử kéo dài đến 11 ngày để tìm đường vào SG, mà mỗi ngày đau đớn thay, có đến 400 người lính của miền Bắc bị chết. Kết thúc trận Xuân Lộc, tổng cộng đã có 4 ngàn lính của quân đoàn tôi, tức quân đoàn 4 đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất xa lạ Xuân Lộc. Bạn cứ hình dung chiến trường Quảng Trị năm 72 ác liệt là thế mà mỗi ngày cũng chỉ 100 quân chết. Xuân Lộc gấp 4 lần như thế.
Hàng ngày vì là lính trinh sát cấp sư đoàn từ trên đài quan sát mặt trận, tôi thấy từng đoàn cáng thương tử sĩ đưa về tập kết ở dưới những cánh rừng. Nói thật, vào những ngày đó nhìn những cảnh ấy, tôi đã xác định là sẽ không có ngày trở lại miền Bắc, trở lại quê nhà với gia đình cha mẹ, trở lại với trường đại học, nơi tôi đã từ biệt tất cả để ra đi. Nói theo kiểu bây giờ, trong hoàn cảnh ấy tôi và các đồng đội khác không bị chết mới là lạ.
Và đêm đêm dù bị cấm, tôi vẫn thường áp cái radio chiến lợi phẩm nhỏ vào tai để nghe đài, hết đài Hà Nội (nghe rất rọt rẹt) sang đài BBC (lúc được lúc mất) đến đài của chính quyền SG (nghe nét nhất). Có một lần giữa những bản tin chiến sự của đài SG, tôi đã nghe một bài hát rất lạ do một giọng nam trầm hát. Đó là một thứ nhạc vàng uỷ mị bi quan, nhưng trong cái tối tăm của chiến trường và của đầu óc tôi lúc ấy, thấy sao mà hợp với tình cảnh của mình đến lạ. Lúc đó tôi không biết bài hát tên gì của ai. Nhưng mấy câu hát sau cứ ám ảnh mãi trong tâm trạng tôi:
... Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi ...
Chả trách mà hồi đó, ở miền Bắc và trong thanh niên, quân đội cấm hát và nghe nhạc vàng là phải.
Sau đó không lâu thì tôi cùng mọi người vào tiếp quản SG. Được phân về làm việc ở Uỷ ban quân quản phường Hiền Vương quận 3, một hôm đang làm việc tôi bỗng nghe cô đánh máy của văn phòng vừa gõ máy vừa khe khẽ hát bài hát với những giai điệu quen quen mà tôi đã nghe trong đêm chiến tranh Xuân Lộc. Tôi vội hỏi ngay cô gái về bài hát (Xin nói thêm, cô nhân viên đánh máy này là sinh viên văn khoa của ĐH văn khoa Sài Gòn trước 30/4/29175).
Thì ra đó là bài Khúc Thuỵ Du, lời thơ của Du Tử Lê. Tôi đã nhờ cô đánh máy kiếm cho cái băng âm thanh có bài hát đó. Nghe đi nghe lại tôi thích nhất câu kết của mỗi khổ thơ và cũng là của mỗi đoạn lời ca khi tông nhạc hạ xuống và ngân nga: Thụy ơi và tình ơi/ Thụy bây giờ về đâu ...
Lúc ấy vừa nghe bài hát tôi vừa nghĩ: Giả sử tôi cũng đã nằm xuống ở Xuân Lộc cùng với 4 ngàn đồng đội khác thì đúng là:
... Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi ...
Bài hát hay có thể không chỉ vì bài hát hay mà còn vì nó phù hợp với tâm trạng của người nghe. Và hơn thế, nó còn gắn với một kỉ niệm nào đó trong cuộc đời người nghe. Bởi vậy cùng một bài hát mà người này thích còn người kia thì không. Khúc Thuỵ Du là một ví dụ.
35 năm, chuyện bây giờ mới kể.
Khúc Thuỵ Du
Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi
Như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất trong vũng nước cuộc đời
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi và tình ơi
Đừng bao giờ anh hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay em lạnh
Vì sao chân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu
Thụy bây giờ về đâu
Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa
Sài Gòn, 30/4/2010


7 tháng 10, 2019

Nhớ những vùng đất xa lạ


Con người ta thật kì lạ. Nhớ cái quen chứ cái lạ biết gì mà nhớ.
Bởi khi đến những vùng đất cũ quen thuộc thường thấy bâng khuâng vì đầy ắp kỉ niệm.
Nhưng nếu đến vùng đất mới xa lạ con người thường thấy sung sướng.
Tôi là đứa thích sung sướng vì thế mà tôi nhớ những vùng đất xa lạ.
Mấy bữa nay trong đầu tôi chỉ nghĩ đến một con đèo mang tên Mã Pí Lèng nơi có cái khách sạn và quán café giật cấp đến 7 tầng nằm cheo leo bên sườn đèo hiểm trở. Nghĩ dại, chỉ cần vài trận mưa thối đất là tất cả bị sụt lở lăn hết xuống vực.
Nhớ hồi tháng 8 năm 2016 tôi một mình mang ba lô lên Sa Pa khi một cơn bão lớn và một trận lũ kinh hoàng vừa tràn qua Lào Cai. Xe chạy trên còn đường đèo của quốc lộ 4D còn bùn lầy trơn trượt, đôi chỗ phải dừng lại chờ xe ủi bớt bùn mới có chỗ lăn bánh. Bên vệ đường ngay trên đỉnh con đèo có cái bàn thờ để chơi vơi giữa trời với ảnh 3 mẹ con trong một gia đình bị lũ cuốn trôi, người chồng chít khăn tang trắng ngồi gục trước bàn thờ. Tôi đã rùng cả mình và nhắm mắt lại không dám nhìn.
Nghe nói lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã nhận lỗi vì để cái khách sạn 7 phòng ấy mọc lên giữa khung cảnh con đèo hùng vĩ là một trong Tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc (Mã Pí Lèng Hà Giang, Ô Quy Hồ Lào Cai, Pha Đin Điện Biên, Khau Phạ Yên Bái).
Cả 4 con đèo tôi đều chưa được đặt chân đến. Chỉ nghe cái tên đã thấy hấp dẫn, đã muốn mang ba lô lên và đi.
Không biết rồi nó có bị đập bỏ như một công trình xây sai phép nhưng nếu thế thì tiếc lắm.
Giá mà tôi được đặt chân đến Mã Pí Lèng và ngủ trong cái khách sạn cheo leo ấy một đêm.
 Tôi lên Sa Pa 12/8/2016

6 tháng 10, 2019

Giữ gìn và phát triển sự trong sáng tiếng Việt trên các phương tiện báo chí và truyền thông


Tiếng Việt là một sinh ngữ, và ngôn ngữ trên báo chí cũng không ngừng phát triển góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tiếng Việt hiện đại.

      Tuy nhiên trong quá trình phát triển, báo chí đã bộc lộ không ít những nhược điểm trong sử dụng từ ngữ, văn phạm làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt, và góp phần không nhỏ vào sự lệch lạc trong lỗi dùng từ của một bộ phận người đọc, người nghe, làm phương hại đến đến sự trong sáng của tiếng Việt, làm ảnh hưởng không nhỏ và tạo nên sự lệch lạc trong lỗi dùng từ của một bộ phận người đọc báo, người nghe đài, xem truyền hình.
Về tu từ:
Có một nhận xét chung là khả năng tu từ học cũng như kỹ năng diễn đạt của báo chí nước ta đang ngày càng pha tạp giữa ngôn ngữ thuần Việt với ngôn ngữ nước ngoài. Khiến câu chữ trên báo chí lắm lúc trở nên ngô nghê, khó hiểu hoặc khô cứng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể là do các nhà báo của ta trong quá trình học và sử dụng ngoại ngữ đã mang theo thói quen sử dụng cấu trúc của câu văn tiếng nước ngoài vào câu văn Việt; hoặc là muốn viết cho khác người, cho lạ, cho hiện đại. Ví dụ: Bản quy hoạch này được thực hiện bởi một nhóm các kiến trúc sư trẻ;  Cú đâm nhau chí mạng được xảy ra giữa hai xe máy phóng ngược chiều với một tốc độ rất cao; Sự cạn dần đi của nguồn nước được xảy ra khi các nhà máy thuỷ điện mọc lên chi chít trên thượng nguồn các con sông.v.v. Những câu trên đều có thể diễn đạt lại theo lối thuần Việt, xuôi tai và dễ hiểu hơn, nhất là với số đông người bình dân: Một nhóm kiến trúc sư trẻ đã thực hiện bản qui hoạch này; hai xe máy phóng ngược chiều với tốc độ rất cao đã đâm nhau một cú chí mạng; Các nhà máy thủy điện mọc lên chi chít trên thượng nguồn các con sông đã làm cho nguồn nước bị cạn dần đi .v.v.     Chính cách viết theo cấu trúc đặt trước từ “được” những động từ và tính từ đã làm nên những câu văn kiểu tây tây như thế. Trong lúc cách nói truyền thống của người Việt ta là Chúng ta đi trên đường tắc nghẽn quá; không ai nói Chúng ta tắc nghẽn quá bởi con đường đi. Nghe cứ như là văn dịch.  Tất nhiên là dù nói và viết  theo cách nào thì người đọc người nghe cũng hiểu Chúng ta đi trên một con đường tắc nghẽn; con đường tắc nghẽn mà chúng ta đang đi. Về nghĩa giữa hai câu thì giống nhau nhưng diễn đạt theo câu thứ hai thì vụng về và nặng nề lắm. Trong khẩu ngữ thì có thể nói như thế nhưng trên báo chí thì không nên chút nào. Trên thực tế, việc đưa khẩu ngữ vào các bài báo của số đông các nhà báo đang ngày càng phổ biến. Và đó là một thói quen xấu, khi báo chí được xem là một phương tiện truyền thông phổ cập và cổ điển.
Ngay ở cách đặt title cho bài báo cũng nhiều lúc chưa ổn, thậm chí gây bức bối cho người đọc báo. Một title bài phải sao cho ngắn gọn và kín, đọc qua title bài, bạn đọc sẽ thấy ngay bài báo sẽ có nội dung về vấn đề gì nhưng đồng thời ngay ở cái title cũng cần gây được sự chú ý, tò mò cho người đọc. Ví dụ: Mất bảy mạng người trong một vụ hoả hoạn. Đọc cái title này bạn đọc sẽ biết nội dung bài báo là nói về một vụ hoả hoạn nghiêm trọng gây chết đến bảy người. Nhưng người ta cũng cần biết là vụ cháy xảy ra ở đâu, vào lúc nào, diễn biến như thế nào và nguyên nhân do đâu. Và vì thế mà người ta sẽ đọc hết bài báo để nắm các thông tin trên.  Nhưng nếu cũng với bài báo trên mà đặt  title: Vụ hoả hoạn ở Bình Dương vì sao mất đến bảy mạng người? Với dấu (?) ở cuối thì sẽ khiến cho người đọc khó chịu. Bởi người đọc đến với bài báo đó là để tìm đến với sự thật chứ không phải là đi tìm câu trả lời mà nhà báo đặt ra. Trong trường hợp này chỉ có một trong hai khả năng: do có người đốt hoặc do bất cẩn. Vậy chỉ có thể đặt title với sự khẳng định: Vụ hoả hoạn ở Bình Dương là do có người đốt; hoặc Vụ hoả hoạn ở Bình Dương là do bất cẩn.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu chưa xác định được nguyên nhân thì chỉ nên đặt title: Đi tìm nguyên nhân vụ hoả hoạn ở Bình Dương là đủ. Tương tự không nên đặt các title bài kiểu: Tăng giá xăng trong thời điểm này liệu có thích hợp? Trong trường hợp này nếu quan điểm của nhà báo là không thích hợp thì khẳng định luôn là: Tăng giá xăng trong thời điểm này là không thích hợp; ngược lại thì nói: Tăng giá xăng trong thời điểm này là thích hợp. Gần đây báo chí ta còn có tình trạng phổ biến  đặt câu hỏi với dạng động từ + tại sao không?  Ví dụ: Cá cược bóng đá, tại sao không?; Hoặc Tết sách, tại sao không? ...  Nói kiểu ấy một vài lần thì được, nói hoài kiểu câu hỏi ấy thì gây khó chịu cho người đọc. Người đọc báo có quyền bắt bẻ lại nhà báo với những cái title cụ thể hơn: Có thể/không thể cá cược bóng đá; hoặc Nên/không nên có tết sách ...
Đa số bạn đọc không thú vị gì với các title bài đồng thời là một câu hỏi. Bởi nhiệm vụ của họ không phải là đi tìm câu trả lời mà là tìm đến với sự thật là câu trả lời của nhà báo nằm trong nội dung bài báo. Và như vậy, cũng có nghĩa là các title bài không nên là những câu hỏi. Trong lúc đó thì đáng buồn thay đang có nhan nhản những title đề như thế trên các trang báo ra hàng ngày.
Về sử dụng từ:
Như đã biết, lượng từ Hán – Việt chiếm đến 70% trong ngôn ngữ tiếng Việt. Chúng ta không máy móc là phải Việt hoá  tất cả các từ Hán – Việt để cho tiếng Việt được trong sáng. Và trên thực tế không phải từ Hán – Việt nào cũng có thể Việt hoá được. Tuy nhiên, lạm dụng và sử dụng quá nhiều từ Hán – Việt trong khi có thể sử dụng từ thuần Việt là không nên. Điều này trong giới ngôn ngữ học đã nói nhiều, chúng tôi xin không nhắc lại.
Điều chúng tôi muốn nói là tình trạng sử dụng sai từ Hán – Việt trong báo chí. Rõ nhất là ở từ khiêm tốn. Ai cũng biết khiêm tốn là từ dùng để chỉ một phẩm chất tốt của con người. Ông ấy giỏi nhưng khiêm tốn lắm; Những người thông minh là những người biết khiêm tốn. Bác Hồ cũng dạy các cháu thiếu niên nhi đồng là Khiêm tốn, thật thà,  dũng cảm. Từ nghịch nghĩa với khiêm tốntự cao, một thói xấu của con người. Tuy nhiên gần đây từ khiêm tốn đang được dùng để chỉ những cái gì còn ít, như là một từ định lượng. Ví dụ: Kết quả đạt được của doanh nghiệp trong năm qua còn khiêm tốn; hoặc:  Thành tích của đội bóng A trong mùa bóng vừa qua là quá khiêm tốn ...  thậm chí có nhà lãnh đạo khi đi nước ngoài cũng đã phát biểu: Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt – Nga là rất to lớn nhưng chúng ta thực hiện còn quá khiêm tốn. Tại sao không nói thẳng, nói rõ ra là ... còn ít; ... còn thấp mà lại thay từ khiêm tốn vào đấy. Nếu vậy, chúng ta phải hiểu từ khiêm tốn trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” như thế nào đây! Chẳng thế mà có độc giả đã viết bài than phiền về cái sai phổ biến và trầm trọng của báo chí khi dùng từ khiêm tốn với nhan đề chua chát: Tôi sợ khiêm tốn lắm rồi!
     Đó là cái sai rất đậm nét trong dùng từ Hán – Việt mà không ít người đã lên tiếng phê phán nhưng chưa thấy ai sửa, ngược lại kiểu sai này ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn. Báo chí, hơn ai hết phải thấy được khả năng lan toả và tác động to lớn của mình trong đời sống xã hội để từ đó cũng phải cẩn trọng hơn ai hết trong sử dụng từ ngữ.
    Một cái sai khác trong dùng từ cũng đang rất phổ biến trong báo chí của ta là dùng từ bà con, nhất là trong các bài báo, các chương trình phát thanh và truyền hình hướng về đối tượng đọc và nghe là nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Ví dụ: Bà con và các bạn thân mến! Theo từ điển tiếng Việt, nghĩa của từ bà con là để chỉ những người có cùng quan hệ huyết thống, có quan hệ họ hàng thân thuộc bên nội, bên ngoại với nhau… Có lẽ khi các nhà báo và các báo, đài gọi đối tượng hướng tới để tuyên truyền của mình, những người nông dân, những đồng bào các dân tộc thiểu số là bà con nhằm tạo sự gần gũi, thân thiết. Nếu vậy khi viết về những người công nhân,  những tầng lớp lao động khác trong xã hội thì không cần sự bà con gần gũi đó hay sao! Đó là chưa nói tới chuyện người nông dân trong xã hội ta ngày nay cũng đã được nâng cao về dân trí và các nhận thức khác, họ sẽ không muốn cánh báo chí gọi mình theo lối mị dân như thế. Và khi đó, tác dụng tuyên truyền sẽ bị giảm sút do lỗi dùng từ không chính xác.
     Trong trường hợp này, nên thay từ bà con bằng đồng bào là thích hợp hơn cả: Đồng bào và các bạn thân mến! Bởi rằng, đồng bào là một từ gốc Hán nhưng không hề xa lạ trong tiếng Việt.      
     Lỗi trong dùng từ theo kiểu khẩu ngữ cũng đang phổ biến trên các mặt báo. Có lẽ chưa có bao giờ mà lời ăn tiếng nói thông thường trong cuộc sống hàng ngày lại được các nhà báo sử dụng thoải mái đến mức hồn nhiên như hiện nay. Tác dụng của nó là khiến cho báo chí trở nên gần gũi hơn với người đọc nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ làm mất đi tính nghiêm túc của bài báo, và của cả tờ báo.
     Chẳng hạn một từ đang được báo chí dùng rất thịnh hành là bật mí. Ví dụ: Bật mí về hậu trường làm phim truyền hình Việt Nam; hoặc Bật mí về những cây xăng gian lận thương mại ở Long An .v.v.  Ai cũng biết, bật mí là nói lái của từ bí mật, như một sự chơi chữ, nhằm chỉ những điều đã bị lộ diện, không còn bí mật nữa. Dùng ở ngoài sách vở theo dạng khẩu ngữ, ngôn ngữ đường phố không thì không sao nhưng nếu sử dụng chính thức trên báo chí sẽ làm mất hẳn sự nghiêm túc của bài báo, biến một vấn đề nghiêm túc thành một sự bông lơn, đùa cợt.
     Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, lượng từ mới xuất hiện ngày càng nhiều và đi vào đời sống ngôn ngữ như một lẽ tự nhiên. Điều đó làm cho ngôn ngữ nước nhà ngày càng phong phú. Tuy nhiên, không phải từ mới nào cũng có lí để tồn tại. Lẫn trong những từ mới, đã có những từ ghép được các nhà báo “sáng tạo” một cách khập khễnh, làm biến dạng cả tiếng Việt. Ví dụ: viết thanh thiếu nhi thay cho viết đầy đủ là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; chi đảng bộ thay cho chi bộ, đảng bộ; khán thính giả thay cho khán giả, thính giả; phối kết hợp thay cho phối hợp, kết hợp .v.v. Thực ra các trường hợp trên chỉ là một cách viết tắt chứ không phải là những từ ghép. Trong khẩu ngữ khi nói không chính thức có thể dùng nhưng khi đi vào văn bản viết của ngôn ngữ báo chí thì không nên bởi nó làm mất đi độ chính xác và tính nghiêm túc của bài báo. Nếu chấp nhận “sáng tạo” và cứ  phát triển theo xu hướng trên thì sẽ có lúc dùng ngoan cố thay cho ngoan ngoãn và cố gắng; cao xà lá thay cho cao su, xà phòng, thuốc lá. Như vậy có mà loạn từ ngữ! Phát hiện và sử dụng cái mới là một điều tích cực nhưng không phải cái gì  khác  lạ cũng là cái mới.    
Về dùng từ nước ngoài:
        Khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngôn ngữ cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập ấy. Ngày nay, khi lật bất cứ trang báo nào, người đọc cũng có thể thấy ngay những từ nước ngoài được sử dụng một cách phổ biến như: Phone, fax, mail, website, blog, computer, hacker, show, live show, game show, shopping v.v. và v.v.  Đó là những từ nước ngoài mà con người trong thế giới hiện đại dù ở bất cứ quốc gia nào cũng không thể không sử dụng. Bởi dù có bảo thủ đến đâu chúng ta cũng khó mà thay thế các từ thuần Việt vào các từ nước ngoài như fax, mail, website, blog ... Trong trường hợp nếu cố tình thay thế, chúng ta sẽ có cách diễn đạt dài dòng, thậm chí là không chính xác, không rõ nghĩa. Có thể khẳng định rằng, với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các từ nước ngoài trên các phương tiện truyền thông mà chỉ cách đây mấy năm còn xa lạ nhưng nay đã trở nên quen thuộc với số đông đã góp phần cho sự diễn đạt chính xác và làm phong phú thêm cho ngôn ngữ Việt nói chung và ngôn ngữ báo chí nói riêng. Mặt khác, điều đó cũng góp phần nói lên sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta ngày nay.
     Tuy nhiên, cùng với sự tiếp thu và Việt hoá được nhiều cái hay của từ ngữ nước ngoài trong thời buổi đất nước hội nhập thì có một điều chúng ta đã nói rất nhiều, rất lâu rồi nhưng ngày càng trở thành một thói quen xấu là việc lạm dụng từ nước ngoài, sử dụng từ nước ngoài trong những trường hợp không cần thiết. Tình trạng này làm cho tiếng Việt bị mất đi sự trong sáng, thậm chí bị biến dạng, lai căng trông rất kệch cỡm. Điều đáng báo động là xu hướng này đang ngày càng thịnh hành, nhất là thói quen sử dụng tiếng Anh thay cho tiếng Việt ngay cả trong những trường hợp không cần thiết.
     Có lẽ ngày nay, chỉ trừ số ít tờ báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong (tiếc là những tờ báo này lại ít người đọc) thì đa số các mặt báo còn lại, nhất là báo điện tử, báo  mạng, thậm chí cả trong các văn bản hành chính; rồi cách gọi, cách đặt tên cho sự kiện cũng nhan nhản sự lạm dụng từ tiếng Anh. Như không nói là liên hoan mà nói là festival. Trong các cuộc liên hoan mang phạm vi quốc tế thì dĩ nhiên là và hoàn toàn có thể sử dụng từ festival như Festival thanh niên, sinh viên quốc tế ; Festival Huế (với thành phần tham gia có nhiều khách quốc tế)…  nhưng cũng có những liên hoan mà tính quốc tế hầu như không có hoặc có rất ít như Festival lúa gạo ; Festival trái cây ; Festival thuỷ sản Cần Thơ, Festival thanh niên nông thôn, Festival Tây Sơn Bình Định v.v. thì hoàn toàn nên gọi là liên hoan chẳng những là để gigìn sự trong sáng cho tiếng Việt mà còn là để gần gũi với đa số nhân dân, nhất là với nông dân. Ngoài ra có thể kể thêm cho những trường hợp lạm dụng tiếng Anh như : dùng building, villa thay cho nhà cao tầng, biệt thự ; sale off thay cho hạ giá ; scandal thay cho bê bối ; collection thay cho sưu tập. Ngay cả khu du lịch nổi tiếng ở Nha Trang hoàn toàn được xây dựng với  sự đầu  tư của người Việt nhưng lại được đặt tên là Vinpearland chứ không chịu gọi là Hòn ngọc Việt, một cái tên thuần Việt vừa đẹp va nhiều ấn tượng. Hình như là có một bộ phận người Việt cho rằng có gọi theo tên Tây như thế thì mới sang, mới hiện đại ; còn gọi theo tiếng Việt thì bị giảm giá( !).  
      Trong phạm vi vấn đề này, như đã nói ở trên, chúng tôi không phản đối mà ngược lại, còn phần nào ủng hộ việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài trong những trường hợp không thể dùng tiếng Việt, hoặc nếu cố tình sử dụng tiếng Việt sẽ làm cho câu chữ dài dòng, không nói hết nghĩa của từ và thuật ngữ. Chẳng hạn trong việc sử dụng mạng thông tin điện tử thì dùng mail, fax, hacker, gameshow, forum … Hoặc trong hệ thống các trang blog hoàn toàn mang tính cá nhân thì người chủ các blog có thể dùng từ theo ý thích của họ. Chẳng hạn dùng entry, comment, post, up… thay cho các từ tiếng Việt tương đương, bởi chúng chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân hoặc trong một bộ phận người dùng. Tuy nhiên, nếu qúa lạm dụng và nhân bản ra với cả các loại hình báo chí chính thống khác thì chắc chắn là sẽ loạn ngôn ngữ. Cái gì cũng nên có giới hạn của nó.
      Ở đây, chúng tôi muốn đề cập thêm đến việc sử dụng không chính xác hoặc sai nghiêm trọng khi sử dụng từ Hán – Việt hoặc từ gốc Hán của báo chí. Chúng tôi xin dẫn ra đây hai ví dụ tiêu biểu: Ai cũng biết nước Việt ta từ xưa đến nay mới chỉ có duy nhất một bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong ngày Quốc khánh 2 – 9 – 1945 tại Hà Nội. Vậy mà trong không ít các lời dẫn chương trình, các bài viết trên một vài tờ báo, các biên tập viên và người dẫn chương trình khi nói đến bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và bài Cáo bình Ngô  của Nguyễn Trãi vẫn cho rằng đó là hai bản tuyên ngôn độc lập khác nữa của nước Việt Nam ngoài bản Tuyên ngôn nói trên do Hồ Chí Minh công bố ; và khẳng định luôn là nước ta có đến ba bản tuyên ngôn độc lập. Trong lúc thc ra, hai tác phẩm kể trên của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi xét về mặt ý nghĩa chỉ có giá trị như một lời tuyên ngôn mà thôi. chương trình đã nhầm lẫn chữ môn nghĩa là cổng, cửa với môn là môn học. Những hạt sạn to như thế ngày nay trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng … có mà nhặt cả ngày cũng không hết. 
Mấy đề xuất:   
          
      Trước thực trạng đáng lo ngại như đã trình bày ở trên, đề nghị các nhà ngôn ngữ, các nhà giáo trong nghiên cứu, giảng dạy qua các báo và tạp chí nên có nhiều bài viết về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là mở các mục kiểu như mục Dọn vườn của báo Văn nghệ trước đây. Mục này vốn rất được bạn đọc chú ý và thích thú nhưng có lẽ do ngày nay có quá nhiều cỏ rác dọn không xuể nên duy trì không đều.
Hãy xem việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là trong thời kì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là một trong những biểu hiện, là một nội dung của lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
HTS
                                                                                                         
Lượt xem: 1419

1
2


4 tháng 10, 2019

Nhớ lắm ngày Hội 60 năm khoa Ngữ văn


Có về Vinh dự hội trường hội khoa 60 năm thì mới thấy hết tình bạn bè và tình đồng nghiệp. 5 ngày đã trôi qua kể từ buổi sáng 20/9 diễn ra Lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập khoa Ngữ văn ĐH Vinh nhưng dư ba của nó trong tôi thì còn vang vọng mãi dù giờ này tôi đang ở cách Vinh cả ngàn cây số..
11h ngày 18/9. Chuyến xe đò Công Nhật chạy tuyến Đồng Hới – Vinh thả tôi và Nguyễn Xuân Sùng xuống ngay cổng trường Vinh trong lúc đáng lẽ ra nó phải thả xuống ngay ngã ba Phượng Hoàng Trung Đô để vô KS Duy tân cho gần. Không sao. 40 năm từ ngày ra trường, mấy khi tôi được đặt chân đi bộ trên mảnh đất mà mỗi bước chân đi có thể dẫm lên vết tích của những mối tình sâu kín.
Thấy cái cổng trường hai thằng lớp 16D tôi xúc động quá ngồi bệt xuống luôn bệ xi măng, tự sướng phát. Xong post ngay facebook để cho cả thế giới biết với Xì ta tút nghe rất sến: Đi thật xa để trở về (Tên và lời một bài hát mà tôi rất thích). Thì chả đúng như thế là gì. Năm 79 tốt nghiệp rời trường Vinh ra đi tôi bị bắn một phát vào tận ĐHSP Quy Nhơn, 30 năm sau lại bắn tiếp vô Sài Gòn rồi định cư luôn ở đó. Xa cả ngàn cây số nên mỗi lần có dịp quay lại Vinh với tôi là cả một sự kiện.
Không “Đi thật xa để trở về” thì là gì.
Tối 19. Ăn liên hoan trên Avatar xong cả lớp tôi kéo về xem văn nghệ khoa với cái tên chương trình nghe tây tây không còn mộc mạc như xưa: Gala Điểm hẹn mùa thu.
Khi đến trời còn sớm, mấy dãy bàn đầu có vẻ dành cho VIP. Tôi với vợ chồng Nguyễn Trung Ngọc - Phan Nga sau thêm Nguyễn Thành Thân bạn học CH 6 kiếm một chỗ ngồi rất khiêm tốn là những chiếc ghế nhựa vuông vuông dành cho sinh viên và ngồi chung với mấy em sinh viên. Dù sao thì mình cũng chỉ là cựu SV.
Lâu lắm tôi mới được xem một đêm văn nghệ khoa hay và đậm chất Vinh như thế. Chỉ có trở về trường Vinh tôi mới được nghe lại ca khúc Vinh thành phố bình minh của Lê Hàm. Ra khỏi không gian Vinh hình như không ai hát bài này. Cũng vì nó chỉ hay nhất khi cất lên ở Vinh. Hai bạn GV của khoa (nghe nói đều là TS) hát quá truyền cảm. Tôi nghe mà xúc động tràn trề.
Rồi cả Bài ca hi vọng của Văn Ký cũng được một cô giáo rất xinh đơn ca rất hay. Cái hay là bạn này hát Bài ca hy vọng theo phong cách nhạc nhẹ chứ không theo kiểu truyền thống như Lê Dung, Anh Thơ, Tân Nhàn… Bài ca nổi tiếng này không phải của người Vinh nhưng khi nghe người Vinh hát thấy rất hợp. Cũng bởi ở Sài Gòn cả chục năm nay tôi chưa nghe ai hát bao giờ. Có lẽ nó không hợp với không gian của TP náo nhiệt ấy.
Rồi Trần Anh Hào thằng bạn cùng lớp 16D "giọng ca triển vọng cấp khoa" cũng tỏa sáng sân khấu với ca khúc rất trúng chủ đề chương trinh: Mùa thu cho em. Lớp tôi thế mà nhiều tài năng trong đó Trần Hào là một ví dụ. Chả biết em trong bài hát mà Trần Hào muốn gửi tặng cả mùa thu là em nào chỉ biết đã lâu rồi hắn côi cút một mình đi về lẻ bóng.
Đang say đắm nghe thì bị Biện Minh Điền đang ngồi hàng ghế đầu phát hiện. Thằng bạn cùng khóa 16 dứt khoát kéo lên ngồi trên cho bằng được. Tôi và Nguyễn Thành Thân không lên cũng không xong với hắn. Vì thế mà khi cái hình hai thằng tôi lên FB đã bị Chử Anh Đào bạn cùng lớp CH 6 với tôi và Thân phang ngay một cái còm: Ghế trên nghiêm ngắn rỡ ràng. Ý hắn muốn viết Ghế trên ngồi tót sỗ sàng. Thiệt tình vụ này oan quá. Có Ngọc Nga làm chứng.
Lại chăm chú xem tiếp thì có “con bé” Nguyễn Xuân Quỳnh phụ trách truyền thông của khoa đến chào. Nói mai em sẽ gửi sách cho thầy ạ. Nhìn cái dáng mảnh mai trẻ con như một SV năm thứ 2 của cô giáo Quỳnh, không ai nghĩ nó đã là mẹ của hai đứa con. Nể thế. Lại nhìn cái cách Phan Nga nói chuyện ríu rít với Quỳnh, tôi biết hai “mẹ con” chúng nó qúy nhau lắm.
Sáng 20 thì cả bọn kéo nhau lên Hội khoa. Tôi và các bạn đi giữa những khu nhà nguy nga đồ sộ. Trường Vinh quả là rất tráng lệ. Nếu thả một mình giữa khu trung tâm này tôi sẽ hoang mang lạc lối là cái chắc. Chúng tôi rất tự hào về cái nôi ĐH Vinh nơi đã nuôi lớn những giấc mơ của mình. Thế hệ chúng tôi dù đi đến đâu, làm việc gì khi gặp nhau cũng luôn nhớ về trường, nhớ về khoa văn, nhớ về những người thầy người cô đã dạy dỗ mình nên người như hôm nay. Chúng tôi luôn nghĩ về trường mình với tất cả những điều tốt đẹp. Tuyệt nhiên thế hệ chúng tôi chưa và không bao giờ nói xấu về ngôi trường của mình, về thầy cô giáo của mình.
Đón chào chúng tôi đến dự Hội khoa là những bạn nữ SV trong tà áo dài màu thiên thanh với nụ cười tỏa nắng. Gặp cô giáo Hồ Vân (bạn trên FB) làm nghĩa vụ của lớp 16D với khoa, nhận quà. Cô giáo Vân (và trước đó là cô giáo Trâm) đã làm quen với tôi qua FB và qua đt khi tôi còn ở SG. Hẹn nhau ra Hội khoa sẽ gặp nhau. Công việc các bạn ấy túi bụi, đón khách thì rộn ràng. Chỉ kịp thấy mặt và chào nhau một câu thế là đã xong một cuộc gặp. Biết làm sao được. Chỉ biết hẹn gặp lại.
Vào Hội khoa tôi và Nguyễn Trung Ngọc lại ngồi tít ở đằng sau với SV. Thời tiết khá nóng. Đang chăm chú lắng nghe thầy Nguyễn Khắc Phi phát biểu (Tôi may mắn được học với thầy Nguyễn Khắc Phi môn VHTQ những 3 lần. Lần đầu khi tôi học khóa 12 trước khi đi lính, lần thứ 2 khi tôi đi lính trở về học khóa 16, lần thứ 3 khi tôi học CH 6) thì thấy ai đó dúi vô tay cho chai nước. Ngẩng lên thì ra Nguyễn Văn Tứ bạn cùng khóa 16 đang mỉm cười. Nghĩa cử của Tứ đã khiến tôi xúc động. Tứ đứng ở tít trên chỗ của BTC xa cả 30m vẫn nhìn thấy tôi và đem cho chai nước.
Chỉ có dân trường Vinh, bạn bè trường Vinh mới thân tình với nhau như thế.
Chừng đó cũng đủ cho tôi cảm động và nhớ mãi.

HTS và Nguyễn Xuân Sùng. Đi thật xa để trở về