16 tháng 1, 2021

Đi mô cho ngái cho xa

Làng quê tôi vốn có tên là Thụ Lộc. Nếu nói cho có vẻ chữ nghĩa theo kiểu của dân Hán Nôm thì thụ có nghĩa là trồng, lộc là cây non, mầm mới nhú. Sau này chữ Thụ được biến dần thành chữ Thọ kể từ khi xuất hiện cái ga xép Thọ Lộc riết ai cũng gọi quen tên thành ra là Thọ Lộc để từ đó mang một cái nghĩa khác là vừa có Lộc lại vừa có cả Thọ (sống lâu).

Ngôi nhà ba mạ tôi để lại cho con cháu. Mỗi năm tôi về làng vài lần. Có lần về ở cả tháng


Đơn vị hành chính của quê tôi trước đây chỉ có làng và xóm, xóm nhỏ hơn làng, một làng thường có 2, 3 xóm chứ không có thôn. Bây giờ thì ngược lại, chỉ có thôn chứ không còn làng và xóm. Vì thế làng Thọ Lộc trước đây gồm 2 xóm là Nam Lộc và Bắc Lộc (gọi là xóm Nam và xóm Bắc) thì bây giờ theo đơn vị thôn lại gồm 3 thôn: Thôn Thọ Lộc ở trên dốc xóm chợ, thôn Bắc Lộc ở phía bắc đường tỉnh lộ 561 chạy từ QL1 nơi ngã 3 Hoàn Lão qua động Phong Nha lên tận đường HCM và thôn Nam Lộc ở phía nam TL 561 (mà người quê tôi gọi là đường quan).

Con đường làng với bờ rào của nhà tôi hoa trạng nguyên đang nở

Nếu cứ theo cái nghĩa đó mà hiểu thì Thọ Lộc lấy hết phần thiên hạ nhưng suốt 4 ngàn năm nay, đó là 1 làng quê nghèo. Dù xã Vạn Trạch đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND từ đời nảo đời nào khiến bao người (trừ tôi ra) bỗng dưng thấy tự hào hẳn lên nhưng sau lễ tấn phong rộn ràng và ồn ào đó thì làng quê nghèo vẫn hoàn nghèo.

Làng ít người học hành đỗ đạt, ít người làm đến địa vị cao sang. Tôi chưa nghe ai gọi vùng đất này là địa linh nhân kiệt như nhiều vùng đất khác trên đất nước này. Càng ít người làm thơ viết văn, dạy học làm báo như nhiều làng quê khác ở Quảng Bình, cũng không có danh thắng gì nổi bật với thiên hạ. Người ta đi qua làng tôi trên con đường TL561 như đi qua 1 vùng đồi nghèo đến mức chó ăn đá gà ăn sỏi.

Có nghĩa là một làng quê gần như không có truyền thống gì ngoài truyền thống làm nông dân, ruộng đồng cày cấy.

Hình như câu thơ:

...Cái lão dong trâu đi bừa

Là con ông cụ ngày xưa đi cày

Trong bài thơ Con đường 30 năm… 30 năm... của tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh mà tôi rất thích là để ám chỉ vào cái làng quê Thọ Lộc của tôi.


Rẽ  phải theo đường Ba Trại chừng vài trăm mét là NTLS Thọ Lộc nơi yên nghỉ của 700 liệt sĩ là bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trong chiến tranh chống Mĩ


Các nhà văn nhà thơ và nhà triết học nhiều chữ nghĩa nói rất đúng rằng trên đời này con người ta có quyền chọn lựa tất cả mọi thứ trừ 2 thứ: Người sinh ra mình (tức cha mẹ mình) và nơi mình sinh ra. Vì thế làng quê mình, cha mẹ mình dù có nghèo khổ như thế nào thì mình vẫn không được ngoảnh lưng lại với họ. Bởi khi hành động như thế mình không còn là con người nữa.

NTLS Thọ Lộc còn được người dân làng Thọ Lộc gọi là Nghĩa trang Đông Dương vì trong đó có nhiều LS hi sinh từ nước bạn Lào, CPC được đưa đây về an táng

Tôi không sinh ra ở làng vì ba mẹ tôi đi kháng chiến đẻ ra tôi ở trong rừng, từ nhỏ tôi cũng không sống ở làng, lớn lên học hành sinh sống làm việc ở những nơi chốn khác và tôi đã xác định khi chết đi cũng sẽ làm ma xứ người. Nhưng tôi rất yêu thích vùng quê nghèo khó này. Mỗi năm tôi về quê vài lần. Có lần tôi xin nghỉ làm về quê ở cả tháng chỉ để ngủ trưa đến 7 giờ nằm nghe gà gáy te te và ngắm cây trong vườn qua ô cửa nhỏ chỉ vì nơi đó là làng quê mình yêu thích và nơi đó có cha mẹ mình (nay thì vì nơi đó có mồ mả cha mẹ mình).

Khách phương xa đi theo đường Ba Trại thường ghé dâng hương hoa lên các hương hồn Liệt sĩ tại NTLS Thọ Lộc


Lần nào về tôi cùng thấy làng quê mình thật đẹp. Đẹp từ con đường làng, đẹp từ cái cổng nhà, đẹp luôn con đường cái quan lên động Phong Nha, đẹp cả con đường Ba Trại nơi có NTLS Thọ Lộc (còn gọi là Nghĩa trang Đông Dương) với những rừng thông ngút ngàn mà dân phượt khắp nước tìm đến và phong cho là Đà Lạt của Quảng Bình (hay còn gọi là Đà Lạt 2).

Sáng nay trời QB ấm 21 độ. Tôi đã ghé NTLS Thọ Lộc dâng hương tưởng nhớ các Liệt sĩ. Ảnh minh họa cho bài viết số Tết 2021 mang tên “Ấm áp nghĩa tình đồng đội nơi NTLS Thọ Lộc” để gửi email cho nhà báo Đại tá Trần Thế Tuyển của TC CCB cũng đã xong.


Trước tượng đài NTLS Thọ Lộc, 16/1/2021

Chỉ cần chạy xe 3km từ làng tôi lên làng Cự Nẫm đã có khối chỗ khiến bạn phải dừng lại lấy điện thoại ra check in và làm vài pic selfie.

Đây là ông Lê Văn Cư người làng Thọ Lộc làm quản trang đã hơn 30 năm, CCB nguyên là lái xe của Binh đoàn Trường Sơn 559. Vào viếng NTLS bạn sẽ được ông niềm nở tiếp đón, đưa hương cho bạn thắp dâng lên các liệt sĩ.

Những cột cây số đề HCM NĐ 8km (Nghĩa là lên nhánh Đông của đường HCM còn 8km nữa) ngay đầu làng tôi, hoặc Đá Đẻo QL15, hoặc tượng đài ngã 3 Đông Dương ngay đầu làng Cự Nẫm nơi trong cuộc chiến tranh chống Mĩ bộ đội ta ngủ đêm cuối cùng trên đất miền Bắc trước khi vượt vĩ tuyến 17 vào Nam chiến đấu, rẽ phải theo đường Ba Trại chừng vài trăm mét là NTLS Thọ Lộc nơi yên nghỉ của 700 liệt sĩ là bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trong chiến tranh chống Mĩ luôn hấp dẫn tôi.

Cột cây số gần làng tôi đề HCM NĐ 8km (Nghĩa là lên nhánh Đông của đường HCM còn 8km nữa

Đường lên Đá Đẻo giáp biên giới Việt - Lào

Tượng đài Làng chiến đấu tại ngã 3 Đông Dương ngay đầu làng Cự Nẫm nơi trong cuộc chiến tranh chống Mĩ bộ đội ta ngủ đêm cuối cùng trên đất miền Bắc trước khi vượt vĩ tuyến 17 vào Nam chiến đấu

Tốt hơn nữa thì dừng xe vô NTLS Thọ Lộc (còn gọi là Nghĩa trang Đông Dương vì trong đó có nhiều LS hi sinh từ nước bạn Lào, CPC được đưa về an táng) gặp ông Lê Văn Cư người làng Thọ Lộc làm quản trang đã hơn 30 năm, bạn sẽ được người CCB nguyên là chiến sĩ lái xe của Binh đoàn Trường Sơn 559 này niềm nở tiếp đón, đưa hương cho bạn thắp dâng lên các liệt sĩ.

Sáng nay trời QB ấm 21 độ. Tôi đã làm như thế. Ảnh minh họa cho bài viết số Tết 2021 mang tên “Ấm áp nghĩa tình đồng đội nơi NTLS Thọ Lộc” để gửi email cho nhà báo Đại tá Trần Thế Tuyển của TC CCB cũng đã xong.

Đi mô cho ngái cho xa.

 

14 tháng 1, 2021

To hơn chưa hẳn đã nổi hơn

4 giờ chiều, tôi xuống xe và đứng thật lâu trước cổng số 3 của Trường tiểu học – THCS và cả THPT Chu Văn An (trường này có đến 4 cổng). Phía trong bờ tường là 1 cái hồ bơi xanh biếc. Đối diện trường là một dự án khu nhà ở dạng biệt thự song lập mà căn xây thô thấp nhất đã bán với giá từ 6 đến 10 tỉ đồng tùy theo view đẹp nhiều hay ít. Dân Đồng Hới chơi sang và nhiều tiền thiệt.

Trường CVA nằm ở vị trí trung tâm của TP Đồng Hới, bên cạnh là trụ sở tỉnh ủy QB nơi có con đường rộng 39m nhìn cứ như quảng trường Ba Đình... Đi khắp nước VN này ít có một hệ thống trường ngoài công lập nào có được một cơ ngơi rộng như thế, đẹp như thế, hiện đại như thế, hoàn hảo như thế, có vị trí đắc địa như thế.

Cô Hiệu trưởng Đặng Trà, học trò thời cao học của GS Nga dẫn tôi và Nga đi tham quan lướt qua 1 lượt cơ ngơi của nhà trường từ phòng làm việc của BGH, phòng học, phòng ăn, phòng ở nội trú, thư viện, nhà học thể dục đa chức năng, phòng GV... Tôi thấy CVA hao hao cấu trúc của trường quốc tế Việt - Úc bên quận 7 TP HCM mà có lần tôi đã đến tham quan. Chỉ khác là CVA rộng đến hàng ngàn mét vuông và nhiều không gian xanh hơn.

Trái sang: Trà, Nga, Lý, Chi, Sơn


Lê Phương Nga kể hôm nay tớ đã ăn sáng và ăn trưa cùng với học sinh của trường. Ăn sáng kiểu buffet, ăn trưa mỗi người 1 khay. Thú vị lắm.

Đã hơn 5h chiều nhưng ở phòng GV nhiều cô giáo vẫn ngồi làm việc. Hiểu trưởng Trà cho biết: ở trường này GV và NV tự giác làm việc. Em chỉ quản lí về hiệu quả công việc, còn làm như thế nào là việc của GV và NV. Hơn 100 con người mà quản lí kiểu đó là quá giỏi.

Phường Đồng Phú nơi có ngôi trường CVA là mảnh đất mà trước chiến tranh phá hoại, từ 1957 đến 1964 gia đình ba mạ tôi đã ở đấy. Tôi đã học từ lớp 1 đến lớp 4 ở trường cấp 1 Đồng Phú, sau đó thì chiến tranh phiêu bạt tứ xứ và đi khắp nước cho đến ngày nay. Thế mà quay lại Đồng Phú tôi thấy mình trở nên xa lạ và lạc lõng vô cùng.

Bên tượng đài "Vạn thế sư biểu" Chu Văn An


Tham quan xong thì vc hai bạn Nguyễn Khắc Chi và Hoàng Lý từ Lệ Thủy xuống nhập hội. Chi Lý là thầy cô cũ thời cấp 3 của Trà và là bạn học cùng lớp 12A K2 của Lê Nga và tôi. Vậy là nhờ có Trà và trường CVA mà 4 tên bạn học cùng lớp chúng tôi từ 50 năm trước (1971) mới có cơ hội tụ tập vui vẻ, chuyện trò ăn uống làm ấm lên cả một buổi chiều mùa đông trên đất Quảng Bình.

Nhà hàng Ngọc Toàn TP Đồng Hới


Trong cái lạnh 12 độ, chúng tôi cùng cô hiệu trưởng Đặng Trà thành kính dâng hương trước tượng đài của người Thầy giáo Chu Văn An vĩ đại, người được muôn đời tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” của nước Việt.

Một thầy giáo của trường chụp cho chúng tôi rất nhiều hình đẹp. Trong mỗi tấm hình, 4 “đại ca” 12A K2 dù to con mập mạp béo tốt hơn nhưng người nổi bật hơn cả lại là cô giáo Đặng Trà nhỏ nhắn xinh xắn. Nói to hơn chưa hẳn đã nổi hơn là thế.

 

13 tháng 1, 2021

Tôi trở lại sư đoàn

Theo lời hẹn với trung tá Vui, trợ lí Chính sách của ban Cán bộ Sư đoàn, đúng 8h sáng ngày 5/1/2021 tôi đã có mặt trước cánh cổng sắt đồ sộ của đại bản doanh Sư đoàn 341 tại thông Cộng, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa.

Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Sư đoàn. 1 năm trước, vào dịp kỉ niệm ngày QĐND VN 22/12/2019 tôi cùng đồng đội là CCB đại đội trinh sát 20 F341 đã có chuyến về thăm lại Sư đoàn rất hoành tráng và cảm động, được các vị chỉ huy trong Bộ tư lệnh sư đoàn đón tiếp rất thân tình và trọng thị.

Tôi và các đồng đội là CCB C20 F341 trong chuyến về thăm Sư đoàn 341, Thanh Hóa,  tháng 12/2019

Chuyến trở lại Sư đoàn lần này của tôi cũng là rất ngẫu nhiên. Cái hôm tôi nhận HH 45 năm tuổi đảng, anh bí thư đảng ủy phường đến tận nhà chúc mừng và tặng quà. Trong câu chuyện anh biết tôi từng là lính F341 đã tham gia chiến đấu trong chiến dịch HCM, tham gia giải phóng SG nên mới hỏi tôi vậy chú có chính sách TB bệnh binh gì không. Không cháu. Vậy trong chiến đấu ở Xuân Lộc chú chắc chắn phải bị sức ép của bom pháo từ quân địch chứ. À, cái đó thì có nhưng chú nghĩ không phải là bị thương để có thể thành thương bệnh binh này khác. Bây giờ thế này nhé: Chú lên ngay ban chính sách quận đội của quận mình, họ sẽ hướng dẫn cho chú cách làm chế độ chính sách đối với những người như chú, nếu thuận lợi có thể làm chế độ TB, nhẹ hơn thì chế độ với người đã có công tham gia chiến đấu trong KC chống Mĩ. Đây là những chuyện mà lâu nay tôi rất lơ ngơ và bàng quan nên không mấy quan tâm và hiểu biết.

Tôi lên quận đội gặp 1 anh trợ lí ban chính sách kể hết sự tình về cá nhân mình, anh trợ lí nghe xong đưa cho tôi 1 bộ mẫu hồ sơ rồi nói tôi về theo đó kê khai gửi hết cho Ban Cán bộ F341. Sau đó quay lại quận đội anh trợ lí sẽ tiếp nhận và trình lên cấp cao hơn giải quyết chế độ chính sách cho tôi.

Gửi bộ hồ sơ ra F341 ở Thanh Hóa được 1 tuần thì tôi về quê. Cái hôm đang lặt lá mai thì nhận được đt từ Sư đoàn: Đại tá Chính ủy Sư đoàn đã kí giấy xác nhận cho chú rồi. Nếu rảnh chú ra nhận nhé, nếu không Sư đoàn sẽ gửi theo đường bưu điện cho chú. OK. Tôi đang ở quê, sáng mai 8 giờ tôi sẽ có mặt ở Sư đoàn nhé. Vâng ạ. Cháu chờ chú.

Tôi được BTC mời thay mặt các CCB C20 lên phát biểu

Sư đoàn 341 là một sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn có tên gọi Sư đoàn Sông Lam. Sư đoàn này đã tham gia Chiến tranh Việt Nam và nhất là trong những trận đánh nổi tiếng của chiến dịch HCM tại mặt trận Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Long Khánh Đồng Nai; giải phóng và làm quân quản TP Sài Gòn. Sau chiến tranh chống Mĩ, F341 còn tham gia Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, tiêu diệt Polpot, giải phóng thủ đô Phnom Penh. Sư đoàn thành lập ngày 23 tháng 11/1972 thì tháng 12/1972 tôi và các đồng đội trong đó có 60 lính là SV ĐHSP Vinh từ đoàn huấn luyện 22A chuyển đến và trở thành những người lính đầu tiên của đại đội trinh sát C20 và cũng là những người lính đầu tiên của Sư đoàn 341 thuộc quân đoàn IV. Ở đâu xảy ra chiến tranh, ở đó có sư đoàn 341. Nay thì Sư đoàn 2 lần anh hùng này đang đóng quân ở Thanh Hóa thuộc quân khu 4.

Tối đó, 10h đêm thứ 2 tôi lên chuyến xe giường nằm ở ngã 3 Hoàn lão và nó thả tôi xuống chỗ BigC TP Thanh Hóa lúc 3 giờ sáng giữa đêm đông hoang vắng lạnh dưới 10 độ. Tôi xốc ba lô bước nhanh vô cái nhà nghỉ còn sáng đèn lấy phòng ngủ 1 giấc đến sáng. Nói là nhà nghỉ nhưng rất sang. Thức dậy lúc 7 giờ sáng, tôi tắm gội 1 trận cho đã, thay bộ đồ mới sạch sẽ, ăn 1 tô phở thật nóng bỏng rồi kêu xe đến Sư đoàn.

Chú lính vệ binh mang quân hàm trung sĩ gác cổng bên hông mang khẩu súng lục K54 bước ra dập gót giày đánh bốp rồi giơ tay lên vành mũ chào làm tôi giật cả mình. Suýt nữa thì tôi cũng đưa tay lên mang tai chào lại hắn. Tôi có hẹn với Trung tá Vui trợ lí chính sách vào lúc 8h sáng nay. Chú vệ binh xem kĩ giấy CCCD của tôi: Mời chú vào phòng trực ban chờ 1 lát. Trực ban sư đoàn là 1 trung tá còn trẻ măng vui vẻ nói chuyện với tôi. Chợt nghĩ ngày tôi còn là lính sư đoàn, cấp hàm trung tá như anh chàng này bét nhất cũng tham mưu trưởng Sư đoàn hoặc là trưởng 1 ban nào đấy hoặc là trung đoàn trưởng của 1 trong 4 trung đoàn của sư đoàn. Ngày ấy tôi là lính sinh viên nhập ngũ, ở Sư đoàn hơn 3 năm dù đã trải qua chiến trường khốc liệt khi được trả về trường cũng chỉ quân hàm hạ sĩ. Quân đội ta (và cả công an) bây giờ phung phí cấp hàm quá.

Ngồi một lúc thì trung tá Vui ra mời vào làm việc. Giấy xác nhận và văn bản đề nghị cho quyền lợi của chú đây ạ. Đại tá Chính ủy Sang vừa kí xong đấy. Con dấu còn tươi mực. Có mấy sĩ quan khác đeo quân hàm trung tá cũng chào tôi và hỏi: Trông chú còn phong độ lắm, nếu xảy ra chiến tranh sư đoàn cần người thì chú có tái ngũ không ạ. OK. Các anh cứ gọi, tôi sẽ có mặt sau 90 phút (tôi nhẩm tính ngay là bay từ TP HCM ra sân bay Sao Vàng Thanh Hóa hết 90 phút). Nếu tái ngũ về lại sư đoàn chú muốn làm nhiệm vụ gì. Làm gì cũng được miễn là đừng bắt tôi làm anh nuôi, nếu có chân chính ủy ở 1 trung đoàn nào đó thì quá tốt. Nghe tôi nói cả mấy sĩ quan trẻ cùng cười lên vui vẻ. Chúc chú làm chế độ suôn sẻ. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ và nhanh thăng quan tiến chức. Nghe chú chúc sướng quá. Lần đầu tiên bọn cháu nghe có người chúc như thế đấy. Thế à. Tôi nhớ Hoàng đế nước Pháp là Napoléon Bonaparte có 1 câu nói nổi tiếng để động viên quân sĩ trước 3 quân: Có người binh nhất nào mà chẳng mong ước có ngày thành đại tướng, huống gì các anh đều đang mang lon cấp tá. Lại cười ồ lên vui vẻ. Có dịp chú lại về thăm sư đoàn nhé. Dĩ nhiên rồi.

Chia tay các sĩ quan trẻ của Sư đoàn 341, ra cổng, người lính vệ binh lại giơ tay lên vành mũ chào tôi, 1 CCB 45 năm trước từng là lính của sư đoàn. cả 1 thời trai trẻ của tôi đã ở lại với sư đoàn 341.


 

12 tháng 1, 2021

Không chỉ là lặt lá

 (Bài đăng trên TC VHSG)

Mùa Xuân đến, trong lúc người miền Bắc tự hào với sắc hồng tươi thắm của hoa đào thì người miền Nam lại vui thú với sắc vàng sang trọng mà ấm áp của hoa mai. Và mỗi nơi đều xem đó là đặc sản mang đậm tính vùng miền do thiên nhiên ban tặng. Riêng trên dải đất Việt Nam này, vùng đất Quảng Bình là nơi mà cả đào và mai cùng chung sống bên nhau và cùng lúc trổ bông đón Tết mà không hề có một sự cạnh tranh sinh tồn nào. Quảng Bình từ lâu được xem là nơi có sự đan xen mãnh liệt nhất về những đặc trưng tự nhiên và cả xã hội giữa hai miền Nam Bắc. Có lẽ cũng vì thế mà từ thế kỉ thứ XVII chúa Nguyễn Hoàng đã lấy cả một vùng đất trải dài từ Đèo Ngang (nam Hà Tĩnh) băng qua cả con sông Gianh hùng vĩ làm ranh giới lãnh thổ phân biệt giữa xứ Đàng Trong với xứ Đàng Ngoài.

Nếu đặt chân đến Quảng Bình, bạn sẽ thấy trước sân của mỗi ngôi nhà ở nơi đây thường có đủ cả đào lẫn mai và vào mỗi dịp Tết đến, cả hai cùng trổ bông khoe sắc thắm làm tôn vinh vẻ đẹp của nhau mà nếu lỡ ra ông Thôi Hộ đời nhà Đường nếu có sống lại đến nơi đây thì chắc chắn sẽ sửa lại một câu trong bài thơ nổi tiếng Đề đô thành nam trang: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” thành ra “Nhân diện đào mai tương ánh hồng” (Mặt người con gái với sắc thắm của hoa đào hoa mai cùng tương phản vẻ đẹp lên nhau).



Ngôi nhà vườn của ba mạ tôi cũng vậy. Trước sân nhà có cả một cây mai cổ thụ đã trên 40 năm tuổi mà đường kính thân cây to ngang cả gang tay, cao cả chục mét cùng vài cây mai nhỏ hơn cao ngang đầu người lớn với một cây đào sum suê cành lá xanh tốt rậm rạp ngay sát bờ rào.

Cây đào thì Tết đến là tự động nở hoa nhưng mấy cây mai thì phải lặt lá mới trổ bông đúng Tết.

Sinh thời dịp gần tết cữ rằm tháng 10 ba mạ tôi thường nhờ mấy đứa cháu trai trong xóm trèo lên cây mai cao to lặt lá giùm, mấy cây mai nhỏ thì tự tay các cụ lặt. Ba tôi đi xa từ 5 năm trước, năm nay đến lượt mạ tôi đi xa bỏ lại khu vườn với mấy cây mai không người lặt lá.

Tôi về quê giỗ ba vào cuối tháng 11 âm lịch thì đã quá muộn. Nhìn mấy cây mai lá vẫn xanh um rậm rịt che kín những cái nụ mới nhú bằng hạt gạo mà lấy làm xúc động. Thế là tôi bỏ hẳn ra một ngày lặt lá cho mấy cây mai nhỏ, riêng cây mai cổ thụ hơn cả mai rừng thì chỉ biết đứng dưới gốc mà nhìn lên bất lực.

Lặt lá mai là một việc làm không dành cho người nóng tính, vội vàng, cẩu thả mà đó là một công việc vô cùng tỉ mẩn và thận trọng.

Khi lặt lá mai bạn tuyệt đối không được tuốt lá vì sẽ làm gãy, dập hoặc nát nụ hoa đang e ấp trong mắt lá. Một tay nắm chắc cành mai, tay còn lại cầm từng lá mai lật ngược nhẹ về phía sau để nghe một tiếng ắc rất khẽ mà chỉ người tinh tế lắm mới cảm nhận được, cuống lá đứt rời ra từng cái một thật gọn ghẽ. Khi cả cây mai được lặt hết lá, chất dinh dưỡng được tập trung hết cho nụ hoa trổ bông theo ý muốn của người trồng.

Đó là cả một kì công.

Sát bờ rào trước sân có hai cây mai nhỏ. Buổi sáng tôi lặt một cây, chiều lặt nốt cây còn lại. Khoảng 30 phút lại tự cho phép mình giải lao vô bàn nước trong sân làm li trà nóng giữa tiết trời lạnh 16 độ, vươn vai vài cái cho bớt mỏi rồi lại tỉ mẩn lặt tiếp. Tôi dù muốn cho xong việc cũng không được nóng vội. Phải thật vô cùng thong thả và tỉ mỉ.

Ai muốn học chữ nhẫn, hãy lặt lá vài cây mai ắt sẽ thành công.

Vừa lặt lá mai tôi vừa ngẫm nghĩ về cuộc đời, về chủ của những cây mai là ba mạ tôi, cuối cùng thì các cụ cũng bỏ lại tất cả để ra đi mà không mang theo một cái gì. Tiền bạc, của cải, nhà cửa, vườn tược, đam mê, con cháu... tất cả đều bỏ lại. Như những cây mai này khi còn sống ba tôi quý lắm, tết nào cũng nâng niu lặt lá. Cây mai to năm ngoái có người đến mua trả giá 14 triệu nhưng mạ tôi không bán. Vậy mà rồi cụ cũng bỏ lại để ra đi.

Giờ thì tôi đang về thăm quê và cũng lại tỉ mẩn lặt lá mai. Rồi đến lúc tôi cũng sẽ ra đi như ba mạ tôi, mấy cây mai này Tết đến có trổ bông hay không cũng mặc, chẳng cần quan tâm đến việc lặt lá nữa.

Ai đó nói và cuộc đời này dài lắm. Nhưng tôi thấy cuộc đời cũng ngắn ngủi lắm. Nhiều lúc ta cảm thấy mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Danh vọng, địa vị, bạc tiền, tình cảm... cả một cuộc đời ta theo đuổi tìm kiếm không mệt mỏi để rồi cũng bỏ lại tất cả để ra đi như những cái lá mai đang lìa cành.

Nhất là khi ta đang lọt thỏm và cô đơn giữa một khu vườn mùa đông vắng lặng mà chủ nhân thực sự của nó đã bỏ đi rất xa.

Ảnh: Tỉ mẩn lặt từng lá một;

Cây đào và cây mai 40 năm tuổi trước sân nhà

Link XB: https://vanhocsaigon.com/tan-van-ha-tung-son-khong-chi-la-lat-la/ 

 

11 tháng 1, 2021

Buổi sáng ở làng 3

 Dịp Noel và tết Tây nhiệt độ Sài Gòn xuống 22 độ. Sinh hoạt đi lại và ngủ ngáy thiệt sướng. Cứ như là cả không gian SG đang được lão Tề thiên Đại thánh Tôn Ngộ Không bật cho một cái máy lạnh khổng lồ. Con gái bảo cứ quanh năm thế này thì ai nghĩ đến đi Đà Lạt làm gì cho tốn tiền ba nhỉ. Nói SG không có mùa đông là đúng nhưng mùa mát thì có. Đó là dịp hiếm hoi từ đầu tháng 12 cho đến nửa sau tháng 1.

Lạnh 22 độ mà nhiều tờ báo giật title: Người Sài Gòn co ro trong giá rét 22 độ. Nghe muốn cười sặc nước. Làm báo mà thế thì chỉ có thể là sự câu view tầm thường.

Trong lúc đó thì ở Quảng Bình lạnh 11 độ kèm mưa phùn gió bấc, cả nền truyền thông trong và ngoài tỉnh không thèm đoái hoài tới. Không thấy ai co ro vì ai cũng được ăn no và mặc ấm. Ở Quảng Bình mùa rét mướt mà thế này là chuyện quá thường.

Sáng nay 12 độ nhưng không ai co ro


Sáng nay dậy muộn lúc 7h30, màn hình đt báo 12 độ có mưa phùn. Thường. Tôi không ngạc nhiên và giật mình nữa. Quen rồi. Hôm kia tôi được cô em gái dưới Hoàn Lão bổ sung cho một combo đồ lạnh từ đầu tới chân, người tôi giờ nhìn như con robot đi lại giật cục và như một cây thời trang mùa đông di động.

Tôi về quê được thừa kế của mạ tôi cái lò sưởi điện cụ ra đi để lại. Bật lên ngồi lướt mạng viết lách ấm sực. Con cái khôn thế. Mạ mất đi chúng nó đem hết quần áo giường nệm đồ dùng của mạ ra mộ hóa hết nói để ở dưới đó mạ có dùng. Thế mà mấy thứ đồ điện như điều hòa nhiệt độ, quạt điện và lò sưởi điện, kể cả soong nồi, bếp gas... thì chúng ngó lơ, để lại dùng cho sướng. Thì ra mọi thứ trên đời này cũng chỉ là tương đối.

Tôi về quê được thừa kế của mạ tôi cái lò sưởi điện cụ ra đi để lại. Bật lên ngồi lướt mạng viết lách ấm sực

Tối qua bạn 12A K2 Lê Phương Nga gọi: Tớ đang Đồng Hới, sẽ làm việc ở đây 2 ngày, đang tính cách ra quê thắp hương cho mẹ ông. Tôi can ngay: Tôi xin bà, miễn lễ, rét thế này bà xông pha dễ đột quị lắm. Hắn nói: Vậy à. Thế ông vô chỗ tôi đi. Đó là chỗ nào thế. À, đó là một hệ thống trường từ tiểu học đến THPT mang tên Chu Văn An. Lê Phương Nga là GS chuyên gia viết sách giáo khoa tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và cũng là chuyên gia đào tạo GV tiểu học từ đại học đến tiến sĩ tại ĐHSP Hà Nội. Cậu đến cái trường đó làm gì. Thì còn làm gì nữa ngoài chuyên môn của tớ. HTS vô đây tớ sẽ giới thiệu cho cậu về một ngôi trường tuyệt vời. OK. Nếu cậu có buổi nói chuyện với GV ở đó tớ sẽ vô dự.

Tôi đã được nghe bạn bè là GV và cán bộ quản lí giáo dục ở QB nói về hệ thống giáo dục này. Chu Văn An là một hệ thống giáo dục ngoài công lập cấp Tiểu học - THCS – THPT nổi tiếng ở Đồng Hới, Quảng Bình. Đó không chỉ là một trường chất lượng cao mà còn là ngôi trường có mục tiêu giáo dục nhân văn, tiến bộ với triết lí “Học tập để hạnh phúc”. Nay Nga vô đó 2 ngày hẳn là đang làm gì đó để chung tay với sự nghiệp của mái trường đặc biệt đó và cho cả những cuốn sách giáo khoa lớp 1 lớp 2 cậu ấy đang và sắp biên soạn.

Nghe Nga chào mời, tôi đang tính chuyện chiều nay nhảy xe bus vô Đồng Hới 1 chuyến. Mai thì bạn đã quay lại Hà Nội rồi. Đầu làng tôi có xe bus vô ĐH 30 phút 1 chuyến, đi cũng dễ.

 

  

 

  

9 tháng 1, 2021

Buổi sáng ở làng 2

Thức dậy vẫn 7h nằm yên trong 2 cái mền dày chồng lên nhau, bấm đt xem thời tiết: 11 độ. Như không tin vào mắt mình. Nói như cháu ngoại Cookie: Lạnh xế.

Ngày hôm qua sáng 16 độ, trưa 15, chiều 14, tối trước khi đi ngủ là 13 đêm thức dậy bấm xem tiếp là 12 độ. Ngày hôm nay mở mắt ra đã là 11 độ. Khiếp. Ra vườn đi đái (về quê nhà tiểu là cái vườn rộng không việc gì phải vô WC cho tốn nước lại còn làm cho cây cối thêm xanh tươi) tìm mãi mới thấy cái cần tăng dân số. Khộ. Tôi có ông bạn tên là Chử Anh Đào khi tả về cái nóng nung người của thành Vinh đã viết: Trời nóng đến mức con đực cũng không buồn nghĩ về con cái. Nay trời lạnh giá thế này chắc cũng như thế. Vì lỡ có nghĩ đến cũng không mần ăn chi được. Nói lạnh thun chim là có thật.

Chưa khi nào thấy nhiệt độ ở làng tôi xuống thấp như vậy


Trời lạnh quá. Con đường trước nhà vắng hoe không 1 tiếng người xe. Trường mẫu giáo gần nhà tôi các cháu được cha mẹ cho auto nghỉ học. Hôm qua đi ngang thấy mấy đứa được cha mẹ chở đi học mặc thì ấm nhưng chân không giày lại không cả tất. BS nói giữ cái chân luôn ấm thì quanh năm không phải tìm đến thầy thuốc thế mà nhiều người chủ quan quá.

Về quê dù lạnh nhưng tôi vẫn thấy ấm áp vì được nhiều bạn bè í ới hỏi thăm, nhắn tin chát chít này nọ, nhiều bạn bất chấp giá rét tìm đến tận nhà thăm chơi, ăn uống rất vui.

Lễ trao Tặng áo đồng phục họp lớp 16D cho NX Sùng và Hữu Nhia

 tại làng Thọ Lộc đã thành công tốt đẹp

Sáng hôm qua vợ chồng đồng đội Hương Quả từ Đồng Hới nhắn: Chiều bọn tớ ra nha. OK ra đi. Tôi phi xe lên chợ chuẩn bị vật liệu cho một nồi lươn đồng om chuối, cá chạch nướng mọi trên than củi, bắp cải xanh muối xổi, hành củ to muối mặn, thịt heo mọi luộc thái lát dày chấm mắm moi ăn với cơm nếp nương thơm ngon mọi nhẽ...

Với vc Nguyễn Trung Ngọc - Phan Nga và bác Lê Em tại Tp Vinh. Chúng tôi thông tầm đi ăn sáng rồi cfe rồi tào lao thiên đế đến trưa thì đi ăn luôn. Rôm rả như những người bạn cũ gặp nhau là đây chứ đâu

Chiều nó làm 1 xe 4 tên đỗ xịch trước cổng vì có thêm hai tên bạn dân K4 là Mai Sơn Hà và Ngư Thủy. May quá, chứ không thì ế mấy món ăn ngon cô em gái nấu.

Trước đó thì Nguyễn Xuân Sùng và Nguyễn Hữu Nhia bạn 16D K2 phi từ 3 Đồn vô cũng làm 1 bữa xong ngồi tán chuyện giữa đêm đông đến 9 giờ tối mới viền. Mình nói nhà tớ sẵn giường phản với chăn ấm nệm êm 2 ông ngủ lại mai về cho khỏi rét mà 2 tên dứt khoát cứ nhằm hướng đường 3 Trại mà về. Gan khiếp.

Với vc Hoàng Tấn Quả  + Nguyễn Hòa Hương, Mai Sơn Hà và Nguyễn Ngư Thủy

Giữa tuần tôi đã có 1 chuyến du đông ra Thanh Hóa và Vinh chơi với Uông Ngọc Dậu, vợ chồng Ngọc Nga và bác Lê Em, những bạn bè thân thiết thời 16D K2, nhân thể khai trương cái vợ 2 mới bóc tem của Nguyễn Trung Ngọc. Tay này đã đi 3 đời ô tô mà lần nào hắn khai trương xe tôi cũng là thằng bạn đầu tiên ngồi lên xe nó. Đúng là may không bằng hên. ra Thanh thì được Uông Ngọc Dậu cho ăn món cá đục nướng quấn rau cải cay lại còn chấm mù tạt. Ăn vô cứ như có một sự bùng nổ ở trong miệng. Về Vinh được vc Ngọc Nga cho ăn món chả rươi ngon và độc đáo đến mức cứ muốn ngậm mà nghe.

He he. Nói theo kiểu cụ Tổng: Mình có sao bạn bè mới vượt gió vượt rét mà tìm đến chơi với nhau như thế chứ.

Với Uông Ngọc Dậu trên bờ biển Quảng Thái Quảng Xương Thanh Hóa. Đây là cái lô cốt thời chiến tranh chống Mĩ của bộ đội pháo bờ biển nhằm bắn ra tàu chiến Mĩ ngoài hạm đội 7. Nay đã bị sập và bị cát biển chôn vùi. Chúng tôi đang ngồi trên vết tích của lịch sử đất nước


Tôi về Vinh được vc Ngọc Nga cho ăn món chả rươi ngon và độc đáo đến mức cứ muốn ngậm mà nghe.


 


8 tháng 1, 2021

Buổi sáng ở làng

Thức dậy lúc 7h nhìn thời tiết trên điện thoại nhiệt độ Bố Trạch chỉ 16 độ có mưa rào (mà thực ra là mưa phùn kiểu quá mù ra mưa).

Mặc áo mưa. Lên chợ mua 30k lòng heo. Cô hàng thịt mặt tròn như mặt trăng rằm cắt cho 1 túi to còn khuyến mại thêm miếng tiết to. Thực ra tôi chỉ ăn may lắm hết 1/3 số lượng đó nhưng đã lên đến giữa chợ không lẽ nói bán tui 10K nghe nó kì kì.


                          Bố Trạch sáng nay 16 độ và mưa phùn gió bấc

Lòng luộc lên chấm mắm moi Quảng Thái ngon khó tả. Hôm ra Quảng Xương Uông Ngọc Dậu đóng cho 2 chai đầy tính ăn ở Thọ Lộc 1 chai, 1 chai đem vô SG nhưng sợ đi mb nó nổ vì trong đó có khí gas nên quyết định là từ nay đến khi rời làng sẽ ăn hết cả 2 chai luôn. Tiết nấu canh nêm nước mắm rồi thả vô nhiều hành lá. Ngồi cái bàn tròn giữa sân ăn trong giá rét thấy sung sướng và lãng mạn chi lạ.

Ở SG lòng heo và các loại nội tạng gia súc gia cầm nói chung tôi bị mụ vợ cấm tiệt vì cho rằng ăn sẽ bị bệnh gout. He he. Kinh nghiệm là ra khỏi nhà nếu vợ dặn những cái chi đó phải tránh xa ra thì ta mần ngược lại hết có khi lại đạt hiệu quả cao. Như tôi lâu lâu thèm lòng heo quá thì kêu thêm ông bạn nào đó chạy vô đường Trà Khúc gần sân bay TSN làm 1 chầu ngất ngư. Ỏ đó có 2 quán lòng heo ngon nhất SG ăn miếng nào nghe sậm sựt miếng đó. Oái oăm là người kiêng xa lòng heo như vợ tôi lại đang bị gout còn tôi ăn riết mà có chộ gout ghiếc chi mô. Cũng như trong lúc tôi không ăn ngọt, tránh xa đường kẹo mật cả vài chục năm nay lại bị dư lượng đường trong máu cao (gọi là đường huyết) còn vợ tôi ăn ngọt cả ngày thì khộng bị đường điếc gì. Vì thế mà nói ai đó bị cái bệnh nền gì đó trong người chẳng qua là do cái tạng người chứ không phải là do chế độ ăn uống.

Cũng vì thế các bạn đừng vội nghe theo lời khuyên của mấy cha nội BS về ăn uống và tập thể dục. Chẳng hạn báo chí và Bs nói ăn nhiều dưa cải muối chua và cà muối sẽ bị ung thư. Tôi đây ăn 2 thứ trên cả đời có thấy K kiếc gì đâu. Sáng nay vừa dặn cô em mua cho anh cái bắp cải rồi muối xổi cho anh ăn. Nó mần xong rồi.


Chiều nay có vợ chồng ông bạn trong Đồng Hới hẹn ra chơi, dự là sẽ đãi bạn món lươn đồng um chuối xanh, cá zét đồng (tên khác là cá chạch) nướng mọi trên lửa than. Tôi nói không với gà luộc, heo luộc, vịt quay, cá khúc (kể cả cá thu cá bớp), thịt bò. Nói có với những con gì nhỏ nhỏ như cá mái, cá giếc, cá linh, cá kèo, cá đắng, tép đồng nhảy tanh tách kho khế chua.. .

Rứa đạ.