Chiều ngày 1 tháng 4 năm 2016, khi Quốc hội thảo luận về
kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát
đã phát biểu: “…đa số thực phẩm của chúng ta là an
toàn, nhưng người dân không biết
(người viết nhấn mạnh) nên có cảm giác là tất cả không an toàn.”
Phát ngôn mang tính khẳng
định của Bộ trưởng Phát, chưa thể nói là đúng hay sai nhưng xét về logic
hình thức, ông đã đổ trách nhiệm thực phẩm bẩn cho người dân và từ đó đi đến
một khẳng định đầy tính võ đoán “người dân không biết”.
Đó là một phát ngôn thiếu
khôn khéo nếu không nói là quá dại dột từ một chính trị gia cao cấp như Bộ
trưởng Phát. Bởi gần như là ngay lập tức sau phát biểu của ông Bộ trưởng đã làm
dậy sóng từ trên báo chí đến trên cả diễn đàn Quốc hội, từ quán café vỉa hè cho
đến các diễn đàn mạng, nhất là trên mạng xã hội facebook. Đỉnh điểm là bài đăng
trên báo Lao Động
với cái tít cũng đầy tính khẳng định: “Ông quá coi thường dân thưa ông Phát”.
Kết quả là ngay sau đó Bộ
trưởng Phát đã phải mời đại diện báo Lao động và cánh báo chí đến văn phòng bộ để
xúc động nói trước ống kính truyền hình quốc gia: “Tôi xin lỗi người dân”.
Có lẽ trong đời làm chính trị của mình, chưa khi nào Bộ
trưởng Cao Đức Phát sử dụng ngôn ngữ một cách khó khăn như thế.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hachiro
xin lỗi dư luận và xin từ chức vì vạ miệng. (Ảnh: Asahi)
Tình
trạng quan chức và chính trị gia đổ trách nhiệm cho dân, thậm chí nói xấu dân ở
nước ta không phải là ít. Còn nhớ tại phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại
biểu Quốc hội đoàn TP. HCM Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng:
"Khi nào trình độ dân trí cao hơn
và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình". Cách nói của
Đại biểu Phước có thể dễ dàng dịch ra là do dân trí nước ta thấp nên chưa cần
ban hành luật biểu tình như các nước văn minh khác.
Lần
khác, một quan chức ngành ngân hàng khi trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên (số
ra ngày 25.8.2012), thì nói: "Do dân
trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện
nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ
vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện.”
Nói vậy là lại coi thường dân nữa rồi. Dân ta có câu “Đồng tiền liền khúc ruột”.
Khi đưa tiền gửi vào một ngân hàng nào đó hẳn họ đã rất biết cách “chọn mặt (để) gửi vàng”. Lãnh đạo ngân hàng
mà nói thế có khác gì tự mình “vác đá ghè chân mình”!
Cũng
lâu rồi, cách đây gần cả chục năm, một lãnh đạo cao cấp của Hà Nội (bây giờ thì
ông đã rời chính trường) khi đi kiểm tra tình hình ngập lụt nặng nề của thành
phố Hà Nội hồi tháng 11 năm 2008 đã dại mồm dại miệng mà nói: "Tôi thấy
dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm". Sóng dư luận lại dậy
lên ngay lập tức và ông này cũng phải ngay lập tức nói lời xin lỗi trên báo chí:
"Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi
người".
Nói lời xin lỗi dân, đó là một giải pháp ứng xử khôn
ngoan của chính khách trong một thế giới văn minh. Tiếc rằng không phải chính
khách nào cũng biết điều đó. Những chính khách không biết nói lời xin lỗi sau
những cơn vạ miệng sẽ suốt đời nợ dân, dù chỉ một lời xin lỗi.
Tục ngữ Việt Nam có câu rất hay: Lỡ chân thì dễ, lỡ miệng
thì khó”. Tục ngữ Trung Hoa có câu cũng rất hay: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan
truy” (một lời đã nói ra bốn ngựa khó lòng đuổi theo). Vì thế tục ngữ cũng có
câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là
vậy. Hay giản dị hơn như câu ca dao mà có ý nghĩa như một câu tục ngữ ông cha
ta đã đúc kết: Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Sống ở đời, ai khôn ngoan mà chẳng dại đôi lần. Vấn đề
là biết cách để càng ít dại càng tốt và khi đã lỡ dại thì nên biết nói lời xin
lỗi. Ấy cũng là khôn vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới