26 tháng 4, 2016

Họp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 341


Sáng nay tại thị trấn Trảng Bom huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 341 chúng tôi họp mặt kỉ niệm 41 năm ngày đánh trận mở màn chiến dịch HCM – giải phóng chi khu quân sự Trảng Bom.
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc họp mặt CCB của Sư đoàn. Những lần trước thì do tôi không biết. Năm ngoái họp mặt thật hoành tráng toàn sư đoàn ở Dinh Độc Lập thì tôi phải về quê cúng lễ 49 ngày cho ba tôi. Vì thế mà tôi rất háo hức.
Đặc biệt cuộc họp mặt CCB F341 lần này có hai ông bạn học cũng là đồng đội CCB F341 là Lê Quang Phương và Lê Đăng Sơn từ Thanh Hóa vô. Để có được chuyến Nam tiến đặc biệt của hai ông bạn xứ Thanh này, tôi và Nguyễn Quang Ngọc, rồi phải nhờ cả Nguyễn Trung Ngọc ở Vinh gọi điện cả chục cuộc thuyết phục. Riêng tôi đã phải nói với hai ông một câu gan ruột: Hồi trước bọn mình phải hành quân vượt Trường Sơn cả nửa năm trời mới vô đến Đồng Xoài, hà cớ gì bây giờ chỉ mất có 90 phút mà không vào một chuyến họp mặt với bạn bè, thắp một nén hương thơm cho đồng đội ở nghĩa trang Liệt sĩ  Trảng Bom, Long Khánh, Biên Hòa, trong đó có mộ của Đỗ Xuân Ngôn và Hoàng Huy Tụng.
Phải đến nước đó hai ông lính cũ mới nói lời OK cho.
Chiều qua Phương và Sơn khởi hành từ sân bay Sao Vàng lúc 16h. Tôi đi làm về đến nhà lúc 17h, chỉ kịp khoác cái túi nhỏ vô xe rồi chạy vội lên nhà Nguyễn Quang Ngọc để cùng kịp ra sân bay đón 2 đồng đội.
Rồi chúng tôi chén chú chén anh chuyện trò râm ran cho đến 1h sáng trong căn hộ ở Gò Vấp của Ngọc. 4h sáng đã dậy lên xe ra Trảng Bom cho kịp giờ viếng nghĩa trang.  
Khi chúng tôi đến thì đã có cả một đội quân CCB F341 đông khoảng vài trăm người đang xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị cho buổi lễ viếng. Hầu hết mọi người đều mặc quân phục rất đẹp, trên ngực lấp lánh huân chương, kỉ niệm chương.
Sau phần lễ, chúng tôi, Ngọc, Phương, Lê Sơn và tôi tỏa đi tìm mộ Tụng và Ngôn để thắp hương viếng bạn. Mộ Tụng thì năm ngoái tôi đã đến viếng nên còn nhớ vị trí, nhưng mộ Đỗ Xuân Ngôn thì cả bọn đến chục người tìm mãi không ra dù đã có sơ đồ mộ chí. Phải mất hơn 30 phút mới phát hiện Ngôn nằm ở một góc rợp mát bóng cây. Tình, cũng là một lính C20 nói to lên: Hóa ra ông Ngôn ni thấy bọn mình đi tìm nên trốn kĩ thế.
Chúng tôi quỳ xuống bên nấm mộ của người bạn học cùng khóa 12 khoa Văn ĐHSP Vinh, cùng nhập ngũ tháng 9 năm 1972, cùng vào Nam ra trận nhưng đã không cùng... trở về. Ngôn đã nằm lại trong trận đánh vào căn cứ địch ở cửa ngõ Sài Gòn trong lúc chỉ còn đúng một tuần nữa sẽ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi được đặt chân vào Dinh Độc Lập. Mảnh đất Trảng Bom lịch sử nơi ngày xưa là chi khu quân sự khét tiếng quan trọng và ác liệt của đối phương đã thành nơi an nghỉ ngàn đời của Đỗ Xuân Ngôn và đồng đội. 
41 năm đã đi qua.
Năm ngoái cũng vào khoảng thời gian này, tôi cùng vợ chồng Nguyễn Trung Ngọc và Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn… đã tìm về tận nhà Đỗ Xuân Ngôn ở miền quê Hậu Lộc Thanh Hóa để thăm căn nhà Ngôn, thăm cái bàn thờ vô cùng đơn sơ của Ngôn trong căn nhà cũ kĩ không thể cũ kĩ hơn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom có 696 ngôi mộ thì trong đó đã có khoảng 2/3 ngôi mộ Liệt sĩ đề tên đơn vị trên mộ chí là Sư đoàn 341 của tôi.
Dưới ngôi mộ với những phiến đá hoa cương đen bóng này là người bạn học đại học, người đồng đội của chúng tôi – Liệt sĩ Đỗ Xuân Ngôn. Trong khói hương nghi ngút của bầu trời Trảng Bom xanh cao, tôi cầu mong cho Ngôn được thanh thản mà yên giấc ngàn thu.
Hãy an nghỉ nhé bạn. Ngôn và Tụng và rất nhiều đồng đội của tôi ơi.

Trong khói hương nghi ngút trước nấm mồ của bạn Đỗ Xuân Ngôn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trảng Bom. Trái sang: Tình, Hà Tùng Sơn, Lê Đăng Sơn, Lê Quang Phương, Nguyễn Quang Ngọc. 5 thằng lính cũ 41 năm trước cùng ở một đại đội trinh sát C20 của Sư đoàn 341.


3 thằng bạn học cùng lớp khoa Văn ĐHSP Vinh khóa 12. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Đỗ Xuân Ngôn, Hà Tùng Sơn. Chúng tôi cùng nhâp ngũ một ngày, cùng ở một đại đội C20 F341, cùng ra trận nhưng đã không được cùng nhau...trở về. Một thằng ở giữa đã thành Liệt sĩ và vĩnh viễn nằm lại Trảng Bom.  


Những cựu chiến binh sư đoàn 341 trước đài liệt sĩ Trảng Bom sau 41 năm trận đánh Trảng Bom thắng lợi

Ngày này 41 năm về trước, chúng tôi cùng là lính sư đoàn 341, cùng đánh trận Trảng Bom mở màn cho chiến dịch HCM lịch sử. Người đứng thứ 2 phải sang là Lê Tự Hiểu, cũng là lính C20 và là em của Lê Thị Hiệu bạn học cùng lớp 12A K2 với tôi. 


   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới