7 tháng 4, 2016

Chim sâu

                                              Truyện thiếu nhi của Chử Anh Đào
                                                
Mỗi lần đi đâu về, cái Nghi- đứa cháu vừa bốn tuổi tháng trước lại lon ton ra cửa, khoanh tay, cúi đầu: "Con chào ông nội". Rồi chưa kịp nghe hết lời khen chỉ có ba từ "cháu ngoan lắm" nó đã vội vàng chạy về chỗ của mình để mải mê hoặc là chơi xếp hình, hoặc dán mắt vào ti vi, điện thoại xem phim "Hãy đợi đấy", "Vua sư tử"... Làm như nếu không chơi không xem những thứ ấy thì sẽ không lớn nổi thành người.
Nhưng hôm nay thì khác. Vừa nghe tiếng xe máy ngừng nó đã chạy ra, quên cả chào mà cầm tay ông lôi xềnh xệch xuống nhà sau. "Ông nội, đi với con. Có cái này hay lắm!"



Sau sân nước là khoảng đất trống gọi là "vườn" chỉ nhõn một cây quất chơi tết năm ngoài rồi trồng lại. Cộng thêm đúng một bụi gừng và một bụi riềng, tang thương như trong thơ Phạm Thái. Nhưng vườn của hai nhà bên cạnh thì khác, Bên phải của ông "Mít đặc" vì nhãn mít chen nhau mà sum suê tỏa mát. Bên trái là của ông "Rượu dâu", mướt một vườn dâu. Chẳng phải nuôi tằm dệt vải như thủa thanh bình xa xôi mà chủ nhà lai rai thu hoạch quanh năm làm rượu bán. Bé Nghi không biết chuyện ấy. Với nó thích nhất là những quả dâu chín mọng, có thể nhờ người lớn hái ăn hoặc chơi đồ hàng. Ví như những quả dâu cũng là một gia đình. Những trái lớn là ông bà bố mẹ rồi đến các anh chị em. Nó bày ra, xếp thành vòng tròn như đang sắp tới bữa, chỉ tay vào quả dâu nhỏ nhất: "Quang, em mời ông bà và cả nhà ăn cơm đi chứ". Nếu ở xa hay khuất tầm nhìn thì ai cũng tưởng "hội" này phải gồm hai ba nhóc trở lên vì ngôn từ gồm rất nhiều nội dung, cung bậc: thân ái, trìu mến, quát tháo, nạt nộ, ra lệnh, dỗ dành...Tới nơi, Nghi buông tay ông ra, đặt ngón trỏ lên miệng rồi hỏi nhỏ:
- Ông có nghe thấy gì không?
Như nhiều đứa trẻ con khác thời nay, nó rất hay hỏi và chờ đợi những câu trả lời. Mà chẳng biết là đùa hay nghiêm chỉnh. Ông trả lời đúng nó cũng chán. Có lần nó bảo: "Sao người lớn cứ đúng mãi thế? Cho con đúng với chứ." "Muốn con đúng thì ông phải làm sao?" "Thì ông phải giả vờ trả lời sai đi"...Lần này cũng vậy, dù đã nghe thấy những tiếng "lích chích" nhưng ông bảo "Ông  nghe thấy tiếng còi ô tô".
- Ông ráng nghe gần hơn đi. Ở trên những cành dâu ấy- Nó chỉ một ngón tay như lãnh tụ, đầy tính định hướng.
- À, giờ thì ông nghe ra rồi. Tiếng chim sâu gáy.
- Không phải "gáy" mà là hót. Thế ông có nhìn thấy chúng không?
- Ông không nhìn thấy. Chỉ thấy phía đó có cái gì động đậy.
- Chán ông quá. Ông bỏ kính ra để nhìn cho rõ hơn đi. Động đậy thì lá dâu cũng động đậy vì gió thổi. Còn chim sâu động đậy là do nó có màu khác(!) do chúng bay nhảy từ cành nọ sang cành kia.
- Ờ, Ờ, ông nhìn thấy một con rồi.
- Có nhiều con lắm. Gọi là gì ấy nhỉ? "Một bầy". Phải rồi, một bầy chim sâu.
Nó hỏi tiếp:
- Thế đố ông chúng đang làm gì?
- Dễ ợt. Chim sâu thì tìm bắt sâu chứ gì nữa.
Nó nhìn ông như vừa thương hại vừa đắc thắng:
- Lần này thì ông thua cháu thật rồi. Lúc đầu cháu cũng nghĩ như ông. Nhưng nhìn kĩ. Cháu định nhìn những con sâu bị tóm như thế nào thì thấy là không phải.Chúng không bắt sâu mà tìm những quả dâu đã chín đen để ăn.Ăn miễn phí, ăn tự chọn đấy ông ạ. Thế là có hại đấy ông ạ. (Cũng như ông mắt kém, nặng tai, xem ti vi có tật cứ gào lên hỏi con cháu: "Bên ta đâu? thằng nào là địch? đánh bỏ mẹ chúng đi", nó thường phân các con chim, thú thành hai loại: có lợi và có hại). Rồi nó trở nên trầm ngâm như bà cụ non : "Tưởng bảo vệ (từ nó mót của cô mẫu giáo) lại hóa ra ăn cắp. Không hiểu vợ chồng ông "Rượu dâu" có biết không nhỉ?"
                                                                                                PK 17/3/16

                                                                                                    C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới