2 tháng 8, 2012

Mẹ quê


 
Dạo này cây bút phố núi Gia Lai Chử Anh Đào có vẻ mắn đẻ. Nếu bằng thời gian này năm ngoái anh cho ra mắt bạn đọc cả nước tập truyện ngắn mang tên Bức tranh vân cẩu thì bây giờ trên tay tôi là tập tạp văn mới ra lò của  anh mang một cái tên dân dã:  Mẹ quê– cuốn sách thứ bảy của Chử Anh Đào sau hơn hai mươi năm anh theo một cái nghề tay trái là cầm bút (bên cạnh nghề tay phải là cầm phấn dạy học).


Cuốn sách mỏng chưa đầy hai trăm trang chứa đựng 44 bài tạp văn với đủ các đề tài thuộc nhiều phạm trù khác nhau trong cuộc sống hiện tại. Mỗi bài tạp văn như là một suy nghĩ, một sự chiêm nghiệm của tác giả trong cuộc sống thường ngày quanh anh, quanh mỗi chúng ta mà ai cũng dễ dàng thấy, cũng dễ dàng bắt gặp.
Viết tạp văn tưởng dễ mà khó và… tưởng khó mà dễ. Khi nhà văn chưa nạp đủ vốn sống và thực tế cuộc đời thì có cố mấy cũng không ra nổi một bài viết có vấn đề. Có chăng chỉ là một bài nhật kí. Nhưng vớiMẹ quê, Chử Anh Đào viết khi anh đã đi qúa nửa cuộc đời, đã qua cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh; từng lên bờ xuống ruộng với những no đói, vui buồn, giận hờn yêu ghét, thành bại… thì khi đó, tạp văn là một thể loại không khó. Với Chử Anh Đào là vậy và các nhà văn khác cũng thế. Nói dông dài vậy là để nói cái cảm nhận của tôi khi đọc Mẹ quê. Mỗi bài tạp văn trong sách này đã được tác giả viết một hơi liền mạch vào một khoảng thời gian nào đó trong ngày. Có thể là một đêm thức khuya, một trưa không ngủ rồi vùng dậy ngồi vô bàn và mở máy ra gõ. Và vì thế mỗi bài tạp văn của Chử Anh Đào dù ngắn hay dài thì cũng đã nói được một cách trọn vẹn về một vấn đề nào đó đang nhức nhối trong lòng.
Chẳng hạn ở bài in đầu tiên Bàn thêm về nghĩa của từ “kẻ” trong tiếng Việt. Với những lập luận và dẫn chứng chắc chắn, vừa có cơ sở lí luận vừa có cơ sở thực tiễn, tác giả đã bênh vực thành công cho một ý nghĩa tu từ đẹp đẽ của từ “kẻ” có từ ngàn xưa trong vốn từ vựng của tiếng Việt. Trong lúc không ít người kể cả giới quan chức và trí thức do học hành nửa mùa không đến nơi đến chốn đã lớn tiếng cho rằng “kẻ” là để gắn liền với những người không ra gì như kẻ gian, kẻ cắp. Chả thế mà nhiều người đã dám sửa cả câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thành“ăn quả nhớ người trồng cây” rồi phân tích thế này thế thế nọ ra chiều sâu sắc đắc ý lắm(!) Thậm chí có người còn muốn đục bỏ cả văn bia do Hồ Chí Minh viết ca ngợi anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung trên rú Quyết ở Nghệ An chỉ vì ông Cụ đã viết kẻ anh hùng trong câu: Nguyễn Nam, Trịnh Bđánh nhau / Thy dân cực khổmà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ (người viết nhấn mạnh) anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”.    
   Cứ thế mà ngòi bút của Chử Anh Đào trong Mẹ quê đã khí khái chiến đấu tả xung hữu đột với nhiều thói hư tật xấu đang nở rộ như nấm sau mưa trong một xã hội đầy biến động mà chúng ta đang sống. Có thể kể thêm những bài tương tự để lại nhiều ấn tượng cho người đọc như Cái gai, Từ chức, Tự trọng… 
 Là nhà giáo viết văn nên đề tài về thầy giáo và nhà trường xuất hiện khá dày trong Mẹ quê như là một thế mạnh của Chử Anh Đào khi cầm bút, nhất là khi anh viết về hình ảnh những người thầy đáng kính của mình.  Đó là thầy Nguyễn Cảnh Phức dạy Hán – Nôm trong Thầy tôi, là thầy Vi Hồng dạy văn học dân gian trong Thầy giáo – nhà văn Vi Hồng. Ai đã từng làm nghề dạy học có dịp vô tình gặp lại học trò cũ giờ đã thành quan to hay chức nhỏ, chợt thấy ông học trò ngày xưa gọi ông thầy là mình bằng anh, thậm chí là bá vai bá cổ ông ông tôi tôi như ngang hàng phải lứa với thầy hoặc giả làm lơ không quen biết để khỏi phải chào thầy vì họ cho rằng việc phải gọi một ai đó bằng thầy có thể làm nhỏ cái cương vị của mình đi thì mới thấm thía với những trang viết về thầy mình của thầy giáo Chử Anh Đào.  Ở mảng này, tác giả, bằng chính tấm gương bản thân mình đã chứng minh sinh động cho luận điểm:  Người làm nghề giáo dục trước hết phải là người được giáo dục.
Về cách viết, dù là một tập tạp văn mỏng, Mẹ quêcủa Chử Anh Đào cũng đã thể hiện được một cách đa dạng các giọng điệu văn chương của anh. Từ nghiêm túc, xúc động đến hài hước, u mua đều có đủ trong sách này. Nhớ ông anh họ Phạm viết về người bạn văn nghệ sĩ đã qua đời Phạm Cao Đạt là một tạp văn như thế. Bạn không thể không bật cười một mình khi đọc những dòng mở đầu: Trong con mắt vợ tôi, nghệ sĩ là đối tượng nghi ngờ số một. Ấy là những kẻ đồng nghĩa với vạ vật, bạt mạng, một tấc đến giời, rượu trà gái gú bê tha… Tôi, tất nhiên là đối tượng đầu tiên. “Chừng nào hết những kẻ đeo túi đi lang thang thì đất nước này mới khá lên được” – vợ tôi bảo thế!  Mở đầu thì tếu táo là vậy  nhưng vào bài lại là một chất giọng ngùi ngùi với những trang viết cảm động trìu mến về nhân cách đáng trân trọng của một người bạn, một nghệ sĩ tài hoa đã đi xa.
Vì thế mà mỗi bài viết trong Mẹ quê như là một bài học về nhân tình thế thái, về đạo đức làm người mà người thầy giáo viết văn Chử Anh Đào trước hết là để trải lòng mình và sau là để gửi gắm đến bạn đọc gần xa.
Và đó cũng chính là thế mạnh của thể loại tạp văn. Một thể loại mà đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn những năm đầu thế kỉ XX đã xem như là những con dao găm, những khẩu súng lục khi ông so sánh với tiểu thuyết là những khẩu đại bác, còn truyện ngắn như là những khẩu súng trường để tạo nên một dàn vũ khí nghệ thuật ngôn từ trong việc chiến đấu với những thói hư tật xấu và bảo vệ, giữ gìn những cái tốt trong xã hội.
Cuối cùng, tôi không thể không nói đến một trở ngại lớn của tôi khi ngồi gõ trên bàn phím bài viết về Mẹ quê của Chử Anh Đào. Tôi muốn nói đến bài viếtChử Anh Đào – thầy và văn như là một lời bạt in ở cuối sách của nhà thơ Văn Công Hùng. Một bài viết sinh động, hấp dẫn và đầy nồng nhiệt đã lột tả hết mọi chiều của con người Chử Anh Đào với tư cách vừa là nhà giáo, vừa là nhà văn, vừa là con người thực trong đời thường. Phải yêu nhau lắm, quí nhau lắm, hiểu nhau lắm; phải tri âm, tri kỉ và tri bỉ lắm mới có được một bài viết như vậy về bạn mình, đồng nghiệp mình. Hóa ra câu Văn nhân tương khinh(nhà văn cùng khinh nhau) không phải chỗ nào và lúc nào cũng đúng, ít nhất là trong trường hợp bài viết về Chử Anh Đào của Văn Công Hùng.

  

(*) Tạp văn của Chử Anh Đào; Nxb Hội nhà văn, 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới