26 tháng 8, 2012

Học sinh Đồng Hới ở Sài Gòn


Trong bài này có những cái tên đang rất hot nhé.

Ở Tp. Hồ Chí Minh có không ít các thế hệ học sinh của Trường cấp 3 Đồng Hới (tên gọi cũ của Trường THPT Đồng Hới ngày nay) sinh sống và lập nghiệp nhưng đông nhất và thường tề tựu gặp gỡ nhau nhất có lẽ là những bạn học ở Khóa 1968 – 1971. 
Chẳng biết tự bao giờ nhưng bằng rất nhiều con đường, những cựu học sinh của Trường cấp 3 Đồng Hới đã tìm về với thành phố phương Nam lớn nhất và hiện đại nhất nước là Sài Gòn để sinh cơ lập nghiệp. Họ sống bằng nhiều nghề, hoạt động và công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Và may mắn thay ai cũng sống được và sống khỏe (nói theo cách của người Nam Bộ); không ít người trong số họ là những tên tuổi ít nhiều nổi danh và có một sự nghiệp thành đạt. Có lẽ đó là nhờ cái hên của những con người mang cốt cách Quảng Bình thông minh, dũng cảm, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm và ham học hỏi để tiến thủ lại từng được học hành và lớn lên dưới mái trường Cấp 3 Đồng Hới vang bóng một thời.
Theo một số liệu thống kê mà chắc chắn là chưa đầy đủ của người viết bài này, riêng khóa học 1968 – 1971 ở Sài Gòn có ít nhất 15 nguời trong đó có 4 bạn là nữ. Phải kể đến phụ nữ trước không phải vì họ thuộc số ít hay vì chính sách chế độ gì mà vì ngay từ thời nữ sinh Đồng Hới họ đã là những thiếu nữ nổi danh vì xinh đẹp và sau này khi vào định cư ở thành phố họ cũng là những nhân vật có sự nghiệp đáng nể. Nói vậy bởi nếu ai đã có dịp đến Bệnh viện Nhân dân 115 ở đường Thành Thái Quận 10 không thể không nghe nói đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch Lâm Hồng Tú. Nay thì BS Tú đã nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với bệnh viện trong việc khám chữa bệnh. Cách đây vài năm, khi gặp lại Tú, tôi thấy người bạn học cùng lớp 10B này vẫn giữ được dáng vẻ thiếu nữ dịu dàng nhỏ nhẹ ngày nào. Có khác chăng là bạn í lại bước ra chào mình từ một chiếc xế hộp nhãn hiệu Camry đen bóng  mới cáu cạnh rồi nhã nhặn mời bạn bè lên xe lượn sang Phú Mỹ Hưng uống café và ăn kem trong một sáng chủ nhật đẹp trời. Cùng học 10B với tôi còn có Lê Thị Nam vốn là Việt kiều Thái Lan về nước. Cái lần Lâm Tú tự lái xe đưa chúng tôi sang Phú Mỹ Hưng trên đường đi đã ghé Quận 4 đón Nam khi đó còn là đương kim giám đốc Kho bạc Quận này. Nam là người mà bạn bè khó quên bởi trong lớp 10 hồi đó có mấy cặp là anh em ruột cùng học thì Nam và người anh ruột Lê Trung, lớp phó lao động đều cùng học một lớp với tôi.  Khác với BS Lâm Tú nhẹ nhàng ăn nói thì giám đốc Nam lại rất mạnh mẽ và quyết đóan và có lẽ cũng vì thế mà năm ngoái cả khóa chúng tôi họp lại đã nhất trí bầu Nam làm phó ban liên lạc học sinh Đồng Hới ở Sài Gòn chuyên trách về tài chính và đời sống (Nói cái danh nghe cho oai chứ thực ra là để mỗi lần tụ họp mọi người lại kín đáo dúi vào tay Nam vài ba trăm cùng nhau thanh toán cho bữa nhậu theo kiểu hợp tác xã). Cũng hành nghề bác sĩ như Lâm Hồng Tú còn có Ngô Trần Linh Nga hiện là bác sĩ quân y ở Bệnh viện Quân y 175 ở đường Nguyễn Kiệm Quận Gò Vấp. Rồi còn có Thủy Nguyễn, học sau một khóa (khóa 1969 – 1972) nhưng lại có người chị ruột là Bích Thọ cùng học khóa 68 – 71  với tôi (hiện dạy  học ở Nha Trang). Thủy Nguyễn học y khoa nhưng lại có năng khiếu viết văn và là bác sĩ nha khoa ở Bệnh viện Thống Nhất ngay Ngã tư Bảy Hiền Quận Tân Bình. Mọi người vẫn đùa nhau là chỗ bạn bè nên mỗi lần vào BV Thống Nhất nhổ răng thế nào cũng được BS Thủy Nguyễn nhổ khuyến mãi thêm một cái (!). Phái nữ khóa 68 – 71 còn có Phạm Thị Hường lấy chồng là anh Thản cũng là dân cấp 3 Đồng Hới học trước tôi 2 khóa. Nhà Hường – Thản  gần cầu Đỏ ở Quận Bình Thạnh và có trang trại nuôi gà ở Thủ Đức, thỉnh thoảng vẫn mời bạn bè thời cấp 3 đến nhà đãi chầu gà ta mệt nghỉ.
Cánh con trai đông hơn và phong phú hơn. Theo ngành công an có Nguyễn Doãn Mạnh  và Hoàng Nuôi cùng có nhà ở Quận Tư; Phan Xuân Vũ nhà ở Tân Bình làm công tác Đảng ở Công ty Bia Sài Gòn – Củ Chi. Cả Mạnh, Nuôi và Vũ  đều là những thành viên tốt bụng và nhiệt tình nhất của bạn bè học sinh Đồng Hới khóa 68 – 71. Nuôi còn được cả bọn tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Sài Gòn. Mỗi lần có bạn bè ở quê vào hoặc từ xa đến là í ới gọi nhau tụ tập, mọi người dù bận rộn mấy cũng cố gắng đến để được nói cười mày tao chi tớ cho thoải mái. Tôi vẫn chưa quên  những lần cả bọn tụ tập nhau đón chào các bạn Hồng Hạnh, Khuyến Trung Nghĩa, Trần Hùng, Phan Thanh Hà, Bích Thọ … với những câu chuyện nổ ran như pháo về kỉ niệm xưa, về cái thời nhất quỉ nhì ma với không biết bao nhiêu là trò ngu ngu dại dại. Thật đúng là bây giờ nhắc lại “Những chuyện buồn buồn lại thấy vui vui; những chuyện vui vui lại nghe nhơ nhớ”. Dịp Noel mới rồi có Phan Thanh Hà cựu Trưởng ban liên lạc khóa 1968 – 1971  hiện công tác ở Bộ Công an từ Hà Nội vào, cả bọn đã chọn nhà hàng Hương Quê 2 làm nơi tụ tập và chuyện trò suốt một chiều thứ 7 vui đáo để. Cũng tại cuộc gặp này, mọi người đã đồng loạt hô khẩu hiệu quyết tâm gạt bỏ công việc mưu sinh và gia đình sang một bên để tháng ba này về Đồng Hới dự kỉ niệm 45 năm thành lập Trường và nhân thể tổ chức Hội Khóa. Những vé may bay khứ hồi đi Đồng Hới đã được đặt, những dự định đã hình thành chi tiết. Chắc chắn Hội trường, Hội khóa lần này lại còn vui hơn lần trước nữa.
   
  Các bạn nữ từ trái sang: Nam, Hường, Thủy, Tú; Hàng sau: Phan Thanh Hà và mỗ.
Hành nghề giảng dạy ở đại học và nghiên cứu khoa học có Hoàng Quang Thuận, GS.TS. Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông thuộc Viện Khoa học Việt Nam; Đỗ Kiến Quốc PGS.TS dạy ở Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Quốc gia Tp. HCM và một vài bạn khác nữa… Họ lặng lẽ làm việc, nghiên cứu, giảng dạy và cũng nhiệt tình một cách lặng lẽ trong quan hệ với bạn bè. Cuộc sống vẫn vậy như cụ Nguyễn Du nói: Mỗi người mỗi vẻ (dù có thể) mười phân (chẳng) vẹn mười.
Nói đến học sinh Đồng Hới khóa 68 – 71 ở Sài Gòn mà không nhắc đến Phạm Bá Chiểu thì sẽ là một thiếu sót lớn. Phạm Bá Chiểu đẹp trai, trẻ lâu học Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa sản phụ, nghĩa là anh chuyên về khám thai và đỡ đẻ nhưng lại nổi  tiếng về thơ tình với những câu thơ cháy bỏng (phải chăng là do thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ trong tình trạng nước sôi lửa bỏng). Thơ tình Phạm Bá Chiểu in nhiều trên các báo ra trong nước và nhiều nhất là trên Weblog Phambachieu chuyên đăng chỉ duy nhất thơ tình. Tình thi Phạm Bá Chiểu sôi nổi bao nhiêu thì tác giả của nó lại càng si tình bấy nhiêu. Đến giờ dù đã sang tuổi U năm mấy nhưng Phạm Bá Chiểu đi đến đâu là các em chân dài xinh tuơi đi theo đến đấy chỉ để được nghe thi nhân đọc thơ, bình thơ và tặng thơ. Mỗi em được Chiểu tặng một bài không bài nào giống bài nào nhưng bài nào đọc lên cũng lai láng như nhau.  Viết về Chiểu thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ may mà Chiểu học y khoa sản phụ chứ nếu anh mà học ngữ văn thì số các em xin chết vì tài thơ có mà đếm cả ngày cũng không hết!
Đấy. Đám bạn học cùng khóa 1968 – 1971 thời cấp 3 Đồng Hới ở Sài Gòn là như thế. Có thể vẫn còn những gương mặt khác nữa mà tôi chưa nắm hết và chưa thể kể hết ra đây, nhưng có một điều chắc chắn là dù đã cất cánh bay xa khỏi mái trường Đồng Hới thân yêu tính đến nay là vừa trọn 40 năm ròng, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, đi qua bao lửa đạn của chiến tranh, những học sinh Đồng Hới chúng tôi ở Sài Gòn vẫn luôn tự hào và khắc ghi về mái trường cấp 3 Đồng Hới với biết bao nhiêu là kỉ niệm tuổi học trò của mình.
Hẹn gặp nhé Hội trường và Hội khóa tháng Ba này.
                   Tân Sơn Nhì Sài Gòn những ngày áp Tết Tân Mão 2011
         
                                                            
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới