15 tháng 9, 2012

Ngày xưa Hoàng Thị - bài hát chỉ nghe một lần là thích


Thông thường những bài hát mà ta thích là  những bài hát đã quen thuộc, quen về giai điệu thuộc về ca từ, và khi cao hứng muốn ngân nga một đôi câu thì lại nhớ đến nó.  Thế nhưng cũng có trường hợp một bài hát chỉ vừa kịp nghe lần đầu tiên là ta đã thích và nhớ mãi. Đó thường là bài hát hợp với ta cả về phần nhạc lẫn phần lời, nó cứ đi vào sở thích  của ta như rót mật vào tai ta, nhẹ nhàng và dịu ngọt.  Ngày xưa HoàngThị, sáng tác nhạc của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư là một bài hát như thế.

Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này là vào năm 1983 từ người bạn học cùng lớp cao học – Chử Anh Đào. Từ Cao đẳng Gia Lai về, Đào hát không hay và cũng không hay hát nhưng với cây đàn ghi ta bập bùng và chất giọng khàn khàn vì thuốc lá trà và rượu, anh hát rất có hồn, bởi khi đã cất lên lời hát thường là khi anh đang có tâm trạng. Khi đó Đào đã hát Ngày xưa Hoàng Thị còn tôi bị cuốn hút và lẩm nhẩm hát theo vào mỗi buổi chiều tà vô công rồi nghề hai thằng bắc ghế ngồi đồng trước hiên dãy nhà khu kí túc xá sau đại học. Những lời ca cứ rót vào lòng như thơ với nốt nhạc dịu dàng say đắm:


Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ
Anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê

Phải nói là tôi nghe và thích mê ngay hình ảnh gót giầy lặng lẽ đường quê của chàng trai thuở học trò trên con đường mưa nho nhỏ theo dấu chân người bạn gái. Một hình ảnh rất thực mà rất mơ. Phải là một người rất tài hoa và si tình thì nhà thơ Phạm Thiên Thư mới có được những câu thơ để đời như thế, và cũng phải có một tâm hồn đồng điệu đến vô cùng thì nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ được những nốt nhạc trầm lắng hút lòng người nghe như thế:

Em tan trường về, anh theo Ngọ về

Mai vào lớp học anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ

Em tan trường về, mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương

Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười mang mang sầu đời, tình ơi
 

Nhân vật trữ tình của bài hát  cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ ấy là một cô gái có thật bằng xương bằng thịt ở ngoài đời, đã sống mãi không chỉ trong tim nhà thơ Phạm Thiên Thư mà hơn thế đã nuôi dưỡng say đắm những tình cảm trong sáng như sương mai của bao thế hệ tuổi học trò, kể từ khi bài hát ra đời vào năm 1968 ở Sài Gòn.

Còn nhớ mấy năm trước tôi có dịp lên Pleiku dự một hội thảo khoa học, ông bạn Chử Anh Đào đã đến khách sạn rủ cả bọn trong đoàn đi karaoke phố núi. Mà kể cũng hay lắm, khi đặt chân vào cái quán karaoke nơi Đào dẫn đến, chúng tôi thấy các em tiếp viên mặc đồng phục quần  tây áo sơ mi đóng thùng nghiêm túc cứ như là đang đi họp tỉnh ủy. Hay là tại cái karaoké thời kì đầu nó vậy nhỉ.  Nhắc về kỉ niệm thời cao học, Đào và tôi đã lục tìm đến mỏi mắt nhưng trong các tập list karaoke dày cộp không đâu có bài hát Ngày xưa Hoàng Thị. Sao họ không đưa bài hát này vào list karaoke nhỉ. 

                                          Nghe Ngày xưa Hoàng Thị ở đây:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ngay-Xua-Hoang-Thi-Duc-Tuan/ZWZAICDA.html


Nguyên tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư



Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

  • Bước em thênh thang
    Áo tà nguyệt bạch
    Ôm nghiêng cặp sách
    Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng



Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn



Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng



Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần



Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở



Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi!

Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ



Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau

Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát



Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau

Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ



Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây

Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ



Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?

Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng



Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua

Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ



Phố ơi muôn thủa
Giữ vết chân tình

Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ



Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời



Tình ơi! Tình ơi! 

2 nhận xét:

  1. Vâng, vào đọc những tản mạn của GS, lòng lại nhớ về thời học sinh sinh viên vào những năm 1968 và 1970s, ngày ấy mỗi trưa chiều tan học về, nhìn tà áo trắng của mình tung bay, hoặc chắc mấy chàng học sinh theo sau kia, ngày ấy dù chẳng ai yêu ai, nhưng những ca từ của bản nhạc đó cứ văng vẳng trong lòng : "Em tan trường về,... anh theo Ngọ về... Mai vào lớp học anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ.."

    Và bây giờ đôi khi trong bước đi của mình lòng vẫn còn nghe âm vang: "Áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu.... Âm vang thủa nào.. gót giày lặng lẽ tìm nhau tìm nhau.."

    Những bản nhạc không có tuổi, vượt cả thời gian và không gian..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế, những cái gì thuộc về tuổi học trò đều là những kỉ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.
      Vì thế mà Ngày xưa Hoàng Thị vẫn sống mãi.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới