27 tháng 9, 2016

Trận mưa kinh hoàng

24 giờ sau trận mưa kinh hoàng chiều qua tôi mới có chút rảnh rỗi để viết mấy dòng về nó.
16h, đang làm việc trong phòng IT thì nghe mưa rào rào đổ xuống, cứ như là có một chiếc A380 đang bay qua bầu trời ngay trên đầu (ấy là tưởng tượng ra thế chứ đời tôi chưa thấy chiếc máy bay lớn nhất thế giới có hai tầng chở được một lúc 800 người này như thế nào). Tiếng mưa nghe ràn rạt như có ai ở trên trời dội xuống cả một dòng sông nước. Trần đời tôi chưa thấy có cơn mưa nào dữ dội như thế. Không lẽ có bao nhiêu nước ông trời đem dội xuống một thể cho xong kế hoạch làm mưa trong năm.
16h30 xách cặp ra về mà mắt tôi như không tin khi đứng ở tiền sảnh bỗng dưng nhìn thấy một dòng sông vốn dĩ là con đường đang cuộn chảy trước cổng trường. Kinh nghiệm sống ở Sài Gòn là ngay khi đang mưa to bạn hãy lên đường, chứ mà đợi cho ngớt mưa rồi mới về thì sẽ không còn đường về nữa. Mặc áo mưa đâu vào đấy, tôi quả quyết lội cả đôi dày da màu hạt dẻ Italia vẫn nâng niu mỗi ngày đi làm xuống dòng nước đang tuôn chảy một cách không thương tiếc. Ngay lập tức nước ngập đến bắp chân. Tôi băng qua nhà để xe bên kia dòng sông để lấy xe ra về. Giờ tan tầm, mưa xối xả, tôi cài số 2 để rẽ nước mà đi. Nhiều chỗ trên đường nước ngập sâu gần nửa mét, ống po nghe lục bục tưởng đã chết máy. Nước mưa quất vô mặt chảy ròng ròng, chảy cả vô miệng như đang có một cái ống hút tự động. Nghĩ uống nước mưa cũng tốt, tôi cứ để nó chảy tự nhiên vào miệng rồi uống thỏa thích.

Đường Trường Chinh tôi đi trong chiều qua 

Ảnh từ Internet

Chạy đến cái dốc dưới chân cầu Tham Lương thì ào một phát vô vũng nước sâu, tôi vội về số 1 tăng ga vọt lên. Hú hồn. May mà không chết máy. Qua khỏi cầu lại ào tiếp phát nữa khi rơi vào vùng trũng của chân cầu phía bên kia. Lại về số 1, lại tăng ga và lại thoát. Chạy dọc Trường Chinh thấy những nắp cống rung lên bần bật mới thấy nước lũ trên đường nhiều và mạnh như thế nào. Mới 4h30 chiều mà trời tối đen kịt như ngày tận thế đang đến; xe to xe nhỏ bật đèn sáng quắc lầm lũi chen nhau rẽ nước mà đi, không một tiếng còi, không một tiếng nói, cứ như là tất cả cùng có một sự đồng cảm vĩ đại trước cuộc giỡn chơi của ông trời. Nhiều người xe bị chết máy lầm lũi dắt đi trong dòng nước. Nhìn thật cảm động. Dù ai cũng cố đi và cố để khỏi chết máy nhưng như thường lệ, mọi người vẫn nhường nhịn nhau mà đi. Người Sài Gòn là vậy.
Khi rẽ vô con hẻm 50 trước nhà tôi cũng thấy cuồn cuộn nước như một con suối nhỏ chảy xiết trong rừng sâu. Những túi rác, nắp thùng xốp nhà ai trôi lều bều. Một cảnh tượng ít khi thấy.
Về đến nhà mà xe không bị chết máy, không té ngã, điện thoại không bị ướt, tôi thấy mình thật may mắn. Lên sân thượng kiểm tra thì thấy nước lênh láng cả tấc vì thoát không kịp. Cũng là một cảnh mà tôi chưa từng thấy. Đến gần 19h mới ngớt hẳn mưa. Vậy là hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ trời tuôn nước ào ạt xuống trần gian.
Tối lướt mạng, sáng lướt facebook, đề tài về trận mưa chiều tối qua tràn ngập với đủ kiểu miêu tả, tường thuật và những hình ảnh thê thảm của người dân thành phố. Báo thì gọi là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, báo khác thì nói là trận mưa lớn nhất từ sau năm 1975 đến nay; người thì gọi là trận mưa lịch sử, báo thì gọi là trận mưa khủng khiếp. Tôi gọi đó là trận mưa kinh hoàng. 
Nhiều người đã làm thơ, chế nhạc, đại loại Sài Gòn ngập quá Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi; Cả câu hát Mùa mưa trên thành phố HCM; có người nhắc lại lời ca như tiên tri từ trước năm 75 của Trịnh Công Sơn Phố bỗng là dòng sông uốn quanh trong một bài hát về Sài Gòn rất thịnh hành của ông.
Tối qua và cho đến tận sáng nay đang ngồi làm việc ở trường tôi nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè qua điện thoại và qua FB hỏi chiều nay có sao không.
Không sao cả, đời tôi vẫn còn may chán.

Hình bổ sung:


Con hẻm phía sau nhà tôi đã hơn 25 giờ trôi qua nước vẫn chưa chịu rút (Hình chụp từ trên sân thượng nhà tôi, 17h15 chiều nay). Thế mới biết sống ở Sài Gòn không chỉ là nhà bạn như thế nào mà điều quan trọng không kém là nhà bạn ở nơi nào, có trộm cắp, đĩ điếm, xì ke ma túy không, và có ở trong vùng bị ngập lụt và triều cường không.

  

        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới