23 tháng 9, 2016

Phim Tây Sơn hào kiệt: Bài ca về lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Đã có những bài báo phê bình, chê bai với những lời lẽ ít thiện cảm về bộ phim Tây Sơn hào kiệt. Nhưng xét trên nhiều mặt, bộ phim Tây Sơn hào kiệt đã làm thỏa mãn người xem khi dựng lại một trong những trang sử chống ngoại xâm hào hùng nhất của dân tộc ta.
Các ý kiến phê phán chủ yếu tập trung vào cảnh chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn hạ đồn Ngọc Hồi – Đống Đa kém cỏi, phục trang quá mới, các nhân vật đủ cả ba miền Trung Nam Bắc nhưng toàn nói giọng Sài Gòn; khung cảnh triều đình nhà Lê ở Hà Nội lại lộ rõ những dấu vết của khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương…. Những lỗi như đã kể là có và đúng. Tuy nhiên cần thấy rằng, trước khi có những sản phẩm tốt, những sản phẩm đầu tiên bao giờ cũng chịu nhiều khiếm khuyết do chủ quan và khách quan. Vì thế, Tây Sơn hào kiệt nên được đánh giá trong cái nhìn toàn cục và lượng thứ hơn.

Một cảnh huấn luyện thủy binh của quân Tây Sơn trong phim “Tây Sơn hào kiệt”. (Ảnh: Văn Lưu)

Tôi vẫn chưa quên không khí vui sướng, hào sảng của khán giả dự suất chiếu đầu tiên của bộ phim này tại rạp 31-3 TP Quy Nhơn tối ngày 30.4. Mới 19 giờ, khán giả đã ngồi kín rạp háo hức chờ xem. Khi phim chiếu, khán giả, nhất là lớp thanh niên, thiếu niên đã ồ lên thích thú trước các màn luyện quân, duyệt quân với những đại cảnh hoành tráng. Họ cũng đã ồ lên sung sướng và mãn nguyện khi quân ta chiến thắng như thế chẻ tre, ào vào chiếm đồn giặc; còn quân nhà Thanh thì từ chỗ ỉ thế quân đông mạnh, khinh thường quân ta đến chỗ bạc nhược tháo chạy không mảnh giáp che thân.
Phải nói là lâu lắm tôi mới thấy lại một không khí xem phim chiến đấu sôi động và thích thú như thế. Không khí ấy chính là hiệu ứng tích cực được tạo ra từ những nỗ lực cộng với sự đầu tư kinh phí vô cùng lớn của nhà sản xuất, cũng như của dàn diễn viên. Tây Sơn hào kiệt không thiếu những khuôn hình đẹp. Dòng sông Côn lặng lờ hiền hòa uốn khúc với những bờ bãi phù sa, những cây cầu quen thuộc; chân núi Bân với những buổi Hoàng đế Quang Trung đích thân luyện quân; khu du lịch Hầm Hô trở thành khung cảnh thơ mộng và lãng mạn chứng kiến cho mối tình trai anh hùng gái thuyền quyên của Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân… Tất cả đã làm nên một bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt Nam nói chung và người dân Bình Định nói riêng.
Dù còn những hạn chế như đã có người phê phán ở trên, nhưng nếu đặt trong bối cảnh khi mà suốt hàng chục năm nay, dòng phim lịch sử Trung Quốc đang được chiếu tràn lan trên màn ảnh truyền hình cả nước từ đài trung ương đến tất cả các đài địa phương, khiến người xem nước ta, nhất là lớp trẻ thanh niên, thiếu niên thuộc làu cả lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa; trong đó, có không ít triều đại đã mang quân xâm lược, gieo rắc tội ác lên đất nước ta, thì mới càng thấy quý trọng hơn tấm lòng của những người làm phim.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới