30 tháng 9, 2014

Quảng cáo thô tục



Một đôi vợ chồng già cỡ U60 uống sữa đậu nành Fami phát ra tiếng kêu nghe sột… sột. Một cô diễn viên xinh đẹp tên Minh Hằng và rất nhiều những nam nữ diễn viên, ca sĩ khác miệng ăn mì gói nhồm nhoàm như bị bỏ đói 3 năm nay mới được ăn lại, họ nuốt những sợi mì như đang nuốt những con đỉa dài loằng ngoằng nhìn phát gớm, ăn xong còn chút cặn bưng tô lên húp nghe cái rột. Một cặp nam thanh nữ tú khác thì giành nhau một chai nước ngọt, rồi tìm cách lừa nhau để đổi lấy cái chai nước mà mình thích. Một anh chàng điển trai khác đang uống cà phê tự nhiên nổi sung lên chui tọt vào một phòng xông hơi nữ rồi thản nhiên ngồi uống cà phê ừng ực giữa sự thèm thuồng của 3 cô gái xinh đẹp. Thậm chí để quảng cáo cho công hiệu giặt tẩy của bột giặt Omo, người ta còn cho những đứa trẻ đeo những đôi giày mới điềm nhiên chà cả bùn lên giày của bạn mình một cách không thương tiếc theo kiểu của một đứa trẻ thiếu giáo dục trong lúc bà mẹ vừa cười vừa xúi giục con mình bằng một chất giọng lơ lớ không biết là của vùng miền nào: “Tha hồ chơi đi con!”…  vân vân và vân vân. 


Đó là những hình ảnh đang xuất hiện dày đặc trên màn ảnh truyền hình nước ta hiện nay. Nó phản ánh một cách đầy đủ và thô thiển về sự tuyên truyền và phổ biến cho một lối sống phản văn minh, phản giáo dục. Nó đi ngược lại với sự răn dạy, giáo dục hàng ngày của nhà trường, xã hội và các bậc phụ huynh đối với học trò và con em mình.
Phép văn minh lịch sự tối thiểu từ xa xưa đã hướng dẫn cho mỗi chúng ta muốn trở thành con người lịch sự trong một xã hội văn minh thì khi ăn uống phải biết nhường nhịn nhau, phải biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, khi ăn đừng để cơ mặt phải lên gân vì nhai nuốt nhồm nhoàm, nhất là không để phát ra tiếng kêu khi ăn uống; khi ăn phải phải ngậm miệng lại để người khác nhìn vào không thấy mình đang nhai nuốt thức ăn, tránh làm bắn thức ăn ra ngoài… Bài học này từ khi còn nhỏ học cấp 2 đi sơ tán ra Thanh Hóa gọi là đi K8, tôi đã được một gia đình nông dân rất nghèo ở xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân nuôi nấng, dạy dỗ cho. Còn nhớ bữa ăn đầu tiên trong gia đình đó,  khi tôi gắp và cho nguyên một quả cà pháo muối giòn vào miệng, sau một tiếng bụp vang lên trong miệng tôi như pháo nổ (có lẽ vì thế mà người ta gọi loại cà này là cà pháo) thì một tia nước với hạt cà muối văng ra thành một dải cầu vồng bắn thẳng sang mặt ông cụ chủ nhà ngồi đối diện. Cả nhà cười vang vui vẻ còn tôi thì xấu hổ chỉ thiếu nước muốn độn thổ. Ông cụ nhủ nhà vừa lấy vạt áo lau mặt vừa cười hiền lành mà dạy bảo tôi rằng: khi ăn con hãy ngậm miệng lại và nhai từ tốn thôi. Bài học đó tôi đã nhớ đời. Gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa ấy không chỉ thương yêu tôi, một đứa trẻ do chiến tranh phải sơ tán, sống xa quê hương, xa cha mẹ hàng mấy trăm cây số, mà còn chăm sóc dạy dỗ tôi biết ăn ở theo phép lịch sự tối thiểu của một con người. Đó là chuyện xảy từ thời gian khổ vì chiến tranh và nghèo khó của những năm1966 – 1967 thế kỉ trước.  
Ấy vậy mà ngày nay, trong cái xã hội tưởng như vật chất đã thừa mứa với nền văn minh của kĩ thuật số, của thế giới phẳng thì các nhà sản xuất phim quảng cáo và các đài truyền hình chỉ vì muốn gây ấn tượng cho sản phẩm của mình lại vô tình, thậm chí là cố tình phổ biến cho con người, trong đó chủ yếu là cho con em chúng ta đang sống ở thế kỉ 21 một lối sống từ cách ăn đến cách chơi một cách thô tục và phản giáo dục như vậy.
Khán giả xem truyền hình ngày nay đến phần quảng cáo của nhà đài đã phải khó chịu vô cùng khi buộc phải xem những khuôn hình được phát liên tục và đầy sự phản cảm. Nhà sản xuất phim quảng cáo cho sản phẩm thì bất chấp miễn là bán được nhiều sản phẩm, thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng họ có biết đâu rằng cái mà họ muốn gây ấn tượng với người xem cho sản phẩm của mình ấy đã mang lại tác dụng ngược. Họ không biết rằng người xem sẽ vì ghét cái phim quảng cáo kia mà ghét luôn cả sản phẩm của họ. Mà khi đã ghét thì làm gì còn có chuyện mua sản phẩm quảng cáo thô tục ấy để dùng nữa.
Nhân đây tôi muốn kể lại một câu chuyện. Vào năm 2005, tôi làm việc ở một đài truyền hình. Khi ấy hãng bia Heineken đã cho phát sóng rầm rộ một chiến dịch quảng cáo trên các đài truyền hình khắp cả nước sản phẩm bia chai của nhãn hàng này. Phim quảng cáo của Heineken bắt đầu bằng cảnh một chàng trai trẻ cao ráo, đẹp trai thong thả đi tới một kệ hàng cao mà cô gái không thể với tới rồi nhẹ nhàng nhấc món hàng xuống với cái nhìn hướng vào cô gái. Cô gái ngước nhìn chàng trai với ánh mắt vui mừng và lộ vẻ biết ơn. Đến phân cảnh này thì người xem ai cũng nghĩ là chàng trai sẽ lấy giúp cô gái món hàng mà cô đang cần, một hành động thông thường trong cuộc sống hàng ngày của những con người lịch sự và có văn hóa.Nhưng không, chàng trai có vẻ ngoài lịch sự ấy đã ôm chặt món hàng vào ngực và đi thẳng với ánh mắt kiêu hãnh trong sự thất vọng, ngạc nhiên của cô gái và lẫn của người xem truyền hình. Dòng chữ hiện lên “Chỉ có thể là Heineken...”. Với quảng cáo lố bịch ấy, bia Heineken dù có ngon mấy cũng đã mất điểm trong mắt người tiêu dùng.  
Tôi xem và thấy ghét lắm liền viết một bài báo với nhan đề Đấng nam nhi là vậy sao?! Gửi đăng trên báo Tuổi trẻ (http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=76939&ChannelID=3). Bài báo vừa phát hành thì ngay trong buổi sáng hôm đó, hãng bia Heineken đã ngay lập tức phát thông báo đến các đài truyền hình trong cả nước (hiển nhiên có đài của tôi) yêu cầu ngưng phát sóng ngay cái  phim quảng cáo phản cảm ấy. Đó là sự phục thiện của những người lãnh đạo hãng bia Heineken. Một sự phục thiện mau chóng và cần thiết của những người quản lí có đầu óc. 
Còn với các đài truyền hình, ai cũng biết nguồn sống của nhà đài chủ yếu dựa vào tiền thu từ quảng cáo. Nhưng đôi lúc, thậm chí là nhiều lúc, các đài truyền hình lại cố tình quên mất rằng quảng cáo cũng là một phần của nội dung các chương trình phát sóng. Mà đã là nội dung của một tờ báo (đài cũng là báo) thì phải bảo đảm được sự trung thực và tính thẩm mĩ cần thiết của nó. Không lẽ vì để có tiền mà dễ dãi đưa lên sóng những thước phim quảng cáo với hình ảnh thô tục, phổ biến cho một lối sống vô lịch sự, phản giáo dục như thế.



6 nhận xét:

  1. Các quảng cáo tràn ngập trên tivi, vào "vào giờ vàng", Ruchung tôi thấy đa số là các sản phẩm liên quan đến đầu, "đuôi" phụ nữ (dầu gội đầu, mỹ phẩm, băng vệ sinh...), bột giặt, thức uống, mì ăn liền..., còn các sản phẩm liên quan đến công nghiệp nặng, sản phẩm văn hóa...thì không nhiều. "Thống kê" bỏ túi này nói lên điều gì thưa Giáo sư kiêm cưu biên tập viên truyền hình HTS?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Like mạnh cho khái niệm mới "đầu đuôi" phụ nữ của Ruchung.
      Những bộ phận liên quan đến "đầu đuôi" chị em này có giá trị cao, nhiều tiền nên luôn luôn được các nhà đài iu tiên xếp vô giờ vàng. "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền" (hình như danh ngôn này là của ông Mác hay ông Lê gì đó nói tui nghe được từ hồi học môn triết)

      Xóa
  2. Bài viết có ý nghĩa lắm, Thầy ạ! Em xin copy link bài viết này đến trang Facebook của em để mọi người cùng đọc, nhất là HS THPT của em...
    Cảm ơn Thầy về bài viết này.
    Bích Tuyên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thầy cảm ơn Bích Tuyên, cô học trò nhỏ lớp văn K2 ĐHSP Quy Nhơn, lớp do thầy làm chủ nhiệm năm mới ra trường.
      Thầy vẫn nhớ BT và các bạn đấy.

      Xóa
  3. Đây là lý do người Pháp không cho con cái họ xem quảng cáo, ở VN mình cũng nên thông thái một chút duyệt quảng cáo toàn máy thằng ngu.

    Trả lờiXóa
  4. Ngày tôi còn nhỏ, chừng học tiểu học, nhớ lại thời đó con nít có tinh quái cỡ nào thì chuyện tế nhị vận còn thô sơ lắm chưa có phân nhiều màu sắc như thời @ này. Thời đó tôi xem các quảng cáo đều hiểu tận đó là thứ gì, nhưng có quảng cáo kotex là xem không hiểu đó là thứ gì. Hỏi người lớn thì họ nói 1 câu rất hay và tế nhị khiến tôi nhớ mãi: Lớn lên con sẽ biết thôi. Đúng là việc tế nhị trong quảng cáo và người xem quảng cáo cần bổ trợ ý cho nhau nhiều rồi. Đi vào thang máy các tòa nhà lớn luôn thấy để tivi quảng cáo, xem show truyền hình cũng thấy quảng cáo logo các mặt hàng nhưng chẵng ấn tượng đâu chỉ biết là chúng nó có bộn tiền để làm và mua vị trí quảng cáo trên truyền thông đại chúng thôi.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới