10 tháng 9, 2014

Hay hớm gì mà khoe ra




Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội vừa khai trương hôm 8/9 một triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957".

Cuộc triển lãm về một sự kiện lịch sử đã gây tranh cãi dữ dội trên các loại báo mạng.

Người Việt ta có câu thành ngữ Tốt khoe xấu che. Có lẽ trong mắt các nhà làm triển lãm thì cuộc CCRĐ là hoàn toàn tốt đẹp nên cần phải khoe ra. Trong lúc đây thực chất là một trang lịch sử mà nội dung của nó chiếm đến nửa sự đen tối bên cạnh mặt được là “ruộng đất về tay nông dân”, “người cày có ruộng”.

Mặt đen tối ấy có ngay trong lịch sử của gia đình tôi vào cái khi mà tôi mới sinh ra (1954).

Ba mạ tôi từng kể đi kể lại rất nhiều lần cho tôi nghe về những bi kịch của gia đình tôi vào cái thời đen tối đó:

Ông nội tôi là địa chủ. Nông dân cả làng tôi khi đó hầu hết đều sống bằng làm thuê cho nhà ông nội tôi. Ông bà sinh được hai người con trai là bác tôi (đã mất vì bom Mĩ năm 1966) và ba tôi. Cả hai đang đi học thì trốn nhà thoát li theo Việt Minh đánh Pháp và vào đảng từ những năm trước 1945 (Vì thế mà nay ba tôi là cán bộ lão thành cách mạng, gần 70 năm tuổi đảng). Năm 1950, bọn Pháp ở đồn Thọ Lộc bắt ông bà nội tôi lên đồn tra khảo, đánh đập, bắt phải đi gọi hai thằng con là Việt Minh về. Ông nội tôi bảo, nếu được tui nhờ các quan gọi 2 thằng nớ về dùm, vợ chồng tui cũng mong bắt chúng nó về lắm mà không biết chúng nó ở đâu. Thằng đồn trưởng người Tây căm tức lắm đã sai lính đánh ông nội tôi đến chết ở ngay cái đồn Thọ Lộc ấy. Cách đây 10 năm, Nhà nước đã truy tặng ông nội tôi là Liệt sĩ, trong nhà ba tôi hiện treo trang trọng tấm bằng Tổ quốc ghi công ông nội tôi.

Vậy mà năm 1955, khi CCRĐ xảy ra, dù ông nội tôi đã mất, trong nhà lại có hai người con đều là cán bộ đảng viên, nhà ông bà nội tôi vẫn bị đấu tố là địa chủ. Cả cánh đồng của ông bà nội phía trước làng rộng hàng chục mẫu bị CCRĐ tịch thu đem chia hết cho dân làng; toàn bộ mâm thau nồi đồng chén bát …và đồ nội thất trong nhà cũng bị tịch thu hết chia cho bần cố nông.

Tòa án nhân dân do đội cải cách lập nên đã cử những người cố nông vốn làm thuê cho nhà ông bà tôi đứng lên đấu tố ông bà tôi như những kẻ bóc lột tàn ác, có nợ máu với nhân dân…

Rồi ba tôi khi đó đang làm PCT ủy ban hành chánh huyện, bác tôi đang làm cán bộ công an huyện cũng bị bắt giam ở ga Thọ Lộc vì bị qui chụp vừa là con địa chủ vừa là tay sai của Quốc dân đảng… Đến nỗi ba tôi bị kết án tử hình. May nhờ có sửa sai của chính phủ nên đêm trước ngày ba tôi bị xử bắn thì có lệnh hỏa tốc từ Vinh vào hủy án tử hình (trước đó có không ít đồng chí của bác tôi và ba tôi, đều là những cán bộ đảng viên đi theo cách mạng từ hồi trứng nước đã bị xử bắn cũng vì cái tội đã bị qui chụp như bác tôi và ba tôi). Sau đó thì hai người được thả về rồi một năm sau thì  được phục chức như cũ; không lâu sau thì cả hai anh em cùng rời huyện chuyển vào cơ quan cấp tỉnh ở Đồng Hới.

Sau này khi đang học phổ thông, mỗi lần tôi từ Đồng Hới về thăm làng, nhiều nông dân trong làng vẫn kể những câu chuyện ân tình về những ngày họ còn đi làm thuê cho ông bà nội tôi. Họ kể rằng làm địa chủ mà như ông mệ thì có giàu nhưng cũng chẳng sướng sung gì. Địa chủ gì mà sáng tinh mơ, trời rét căm căm trong lúc tá điền đang ngủ thì đã vác cày đập bò ra ruộng cày sớm để tá điền theo đó mà cũng dậy đi cày bừa sớm. Ngày tết đến tá điền nào cũng có phần quà ăn tết, đến mức mỗi con trâu bò giao cho tá điền nuôi cũng được chia một đòn bánh tét ăn tết.v.v. Tôi không thấy ai nói gì xấu hoặc ác về ông bà nội tôi.

CCRĐ thế, triển lãm chỉ nói cái mặt sáng, còn cái mặt tối như tội ác thì lờ tịt đi. Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng sự thật chỉ một nửa thì không còn là sự thật nữa. Đã nói thì phải nói cho hết ý để từ đó có thể xoa dịu nỗi đau của những số phận con người đã trở thành nạn nhân của CCRĐ và lớn hơn, từ đó rút ra những bài học xương máu để không phải lặp lại những bi kịch lịch sử trong lãnh đạo và xây dựng đất nước.

Vậy mà bày ra cái triển lãm nửa vời này làm gì để khoét thêm vào nỗi đau của dân ta.
Hình ảnh tại triển lãm (đã bị dẹp tiệm sau 4 ngày mở cửa):


                                              Áo gấm của địa chủ


                                    Áo đụp của bần cố nông


 Và hình ảnh giả dối nhất thế giới - Bữa cơm của người nông dân sau CCRĐ - một vở diễn tồi (Đũa nhựa, chén muỗng nhựa, nồi nấu cơm bằng nhôm trắng tinh như nấu bằng bếp gas ngày nay... với những diễn viên nông dân béo múp từ vợ chồng đến con cái).





2 nhận xét:

  1. " Vậy mà bày ra cái triển lãm nửa vời này làm gì để khoét thêm vào nỗi đau của dân ta" - Người ta triển lãm để làm gì nhỉ, nhất là lúc này?
    - Ngày ấy nhà mình cũng là địa chủ đấy. Ông bà nội mình có trang trại và cả chục mẫu ruộng. Trong nhà thường nuôi người làm người ở. Các cụ có học nên thương người và hay cứu đói. Bây giờ những người già trong làng thường nhắc tên các cụ nhà mình với lòng biết ơn và vì nể. Bố mình khi ấy đang làm cán bộ cải cách của mặt trận Việt Minh tại Yên Định, dự các cụ được " Tấn phong" dịa chủ nên vội băng rừng về... Nhà mình được sửa sai hạ xuống trung nông lớp trên. Bên cạnh đó hai ông chú họ nhà mình phải đem bố ra gốc mít thắt cổ cho chết vì sợ...
    - Họ khơi dâyj làm gì lúc này nhỉ.
    - Mình chỉ thương hai cái áo đụp kia thôi.Có mà đóng anh Chí cũng nổi trò lắm đây
    - Cái ảnh Cụ Hồ khóc đấy...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy nên trước khi chết ông đại tá nhà văn Nguyễn Khải đã phải kêu lên trong bài "Đi tìm cái tôi đã mất": Sao dân tộc ta lại bất hạnh thế nhỉ?

      Xóa

Bạn có nhận xét mới