19 tháng 9, 2014

Những cái phong bì biến màu đổi ruột



                                    Truyện ngắn của  Quang Phương

1                                                          
 Cụ Trần Vĩnh Phúc mất lúc ba giờ chiều, hưởng thọ chín mươi bảy tuổi.
 Cụ Phúc tự hào vì mình có công với tổ quốc. Cụ vui vì đã giúp được dân làng xã.
 Cụ Phúc buồn phiền việc nhà. Mãi lo việc nước, việc làng, nên cụ để mặc con cháu cho xã hội và nhà trường giáo dục. Cụ tin tưởng hoàn toàn vào nhà trường. “Cổ giả thánh hiền - Dịch tử nhi giáo (Các vị thánh hiền thuở xưa - Đổi con với nhau mà dạy”. Nhà cụ truyền đời nho học. Trăm sự nhờ thầy, cụ tin lắm. Đời cụ đã  trăm sự nhờ thầy mà nên người công cao đức trọng. Lúc hiểu ra được sai lầm của mình thì cụ hoàn toàn bất lực. Khi biết tổ tiên sắp gọi về, cụ thấy sợ hãi vì có lỗi với tiền nhân. Cụ ốm nằm đấy nhưng trưởng nam và dâu trưởng không hỏi tới một lời. Đích tôn thì phát vãng biền biệt, cụ coi như không có. Cụ kêu con trai út, con dâu thứ và con gái út lại trăng trối : “Dưỡng nhi bất giáo. Nãi phụ chi quá. Giáo nhi bất nghiêm. Nãi sư chi đọa. Học vấn bất cần. Nãi tử chi ác. ( Nuôi mà chẳng dạy, là lỗi của cha. Dạy mà chẳng nghiêm, là lỗi của thầy. Học hỏi chẳng cần, là lỗi của con). Các cụ nhà ta dạy thế mà thầy không làm được. Thầy có lỗi…  Cụ thở dài, mắt ngấn giọt lệ máu. Ngày sau cụ viên tịch.                                                                 

2
  Trần Đức Nhân, con cụ Phúc, là trưởng nam. Vợ Nhân là Đỗ Thị Văn. Người làng gọi gộp cả tên chồng vợ là ông Nhân Văn và bà Văn Nhân.
 Vợ chồng Văn Nhân có hai con trai là Ngãi và Tình.
Cả gia đình nhà Văn Nhân Ngãi Tình, tám con mắt đều chăm chắm vào khay phong bì và luôn luôn cảnh giác nhau.  Những cái phong bì đã bắt mất hồn vía họ.
  Thím Năm Lễ  không để ý đến phong bì, dù là chỉ đưa một ánh mắt. Thím tên là Năm. Thím lấy chú Trần Đức Lễ, con trai thứ của cụ Phúc. Chú Lễ đã mất. Một mình thím Năm nuôi ba đứa con ăn học. Không tự ti mình nghèo và ỷ lại phận dâu em, thím Năm cùng chung tay lo tang bố chồng với anh chị em trong nhà. Biết không trông cậy được vào trưởng nam Trần Đức Nhân nên thím đã chủ động bán đi cặp bò mẫu tử. Mọi chi tiêu cho đám hiếu đều lấy đó mà lo.
  Út Nhu là con gái út cụ Phúc. Út không liếc đến phong bì làm chi. Không biết phong bì màu gì. Út lo bàn với chị dâu Năm Lễ xếp đặt công việc, cắt cử con cháu, nhờ vả anh em đến lo tang cho bố.    

3
   Trưởng nam Trần Đức Nhân đưa hương cho người phúng viếng, mắt nhìn theo từng cái phong bì từ tay khách. Từng cái từng cái, Đức Nhân đang lẩm nhẩm cộng dồn: “… Chín tám rồi, chín chín rồi, một trăm tròn, lẻ hai, lẻ ba... Ai gọi gì! Mặc. Chục. Áng chừng mười lăm. Trả mấy món nợ vặt, khỏi rách việc. Cho vay lãi ngày là đổi đời. Làm nhà nghỉ chứa gái là hốt bạc”.    
***
   Trần Đức Ngãi, con trai Trần Đức Nhân. là đích tôn của cụ Phúc. Học lên cấp ba, Ngãi bị đuổi học. Cụ Phúc đem huân huy chương  và sáu mươi tuổi Đảng của cụ ra cam kết với hội đồng kỷ luật nhà trường để xin cho Ngãi được lưu ban học lại. Chưa xong cấp ba, Ngãi bỏ làng biệt xứ. Từ Sài Gòn Ngãi lù lù về đúng lúc phát tang. Ngãi cạo trọc đầu, sắc mặt xanh lét vô cảm, mắt lờ đờ vô hồn. Ngãi chăm chú nhìn khay đựng phong bì.
   Những cái phong bì màu trắng như thứ bột mà Ngãi hay dùng giấy bạc cuộn hít vào lồng ngực.
***
   Trần Đức Tình  không biết bấy lâu phát vãng đi đâu, nay đang đứng đó. Tình về đúng  lúc thân bằng cố hữu bắt đầu đến phúng viếng. Tình đang học lớp sáu rồi bỏ đi bụi. Tóc Tình nhuộm bảy mầu. Chiếc khăn tang như một vành đai trắng bao quanh đầu Tình. Tóc hắn chờm lên lấp lóe dưới ánh điện, loè loẹt phản quang cạnh những câu đối tang đen đỏ. Mắt Tình láo liên thèm muốn nhìn những cái phong bì đang từ tay người viếng đặt xuống khay trước khi vái lạy. Những cái phong bì trông lấp lóa như da thịt mấy con bồ non của hắn. Tuần nay không có tiền chơi gái nên hắn thấy bức bí trong người. Tay hắn bứt rứt khó chịu chỉ muốn thò ra, muốn nắm lấy những cái phong bì đựng tiền đầy ma lực quyến rũ kia. Nắm được rồi thì hắn sẽ điện ngay cho bồ đi nhà nghỉ ở thị trấn đêm nay.
 Hắn đã dịch đến gần bàn thờ vong. Không ai thấy gì cả sao ấy! Thằng Ngãi, anh hắn hình như cũng đồng tình khuyến khích (chắc là để chia phần). Hắn giơ tay ra. Nhanh lắm. “ Thằng kia!” Có tiếng quát. Tiếng ông hắn. Không ai nghe cả chỉ mình hắn nghe. Ông hắn đang nằm trong quan tài. Rõ ràng là tiếng ông hắn. Hắn co cứng người lại rồi sau đó lại mềm nhũn ra. Hắn sợ đến kinh hồn bạt vía vì lại nghe thấy ông hắn thở dài và cựa mình trong quan tài.
***
  Lúc cụ Phúc thở hắt ra là lúc ông Nhân Văn điện cho bà cả Hạnh ở Hà Nội. Trưởng nam và trưởng nữ hội ý rồi yêu cầu nhập quan càng sớm càng tốt..
 Sớm lên là kéo dài được thời gian phúng viếng, là thêm được phong bì.
 Lúc đưa người quá cố vào quan, tiếng khóc cha, tiếng kêu ông nổi lên là lúc bà cả Hạnh  cùng con cháu lũ lượt đánh xe con về, bóp còi inh ỏi từ đầu làng vào tận tới sân. Có ai đó quát to nhưng không át được tiếng khóc: “Đập vỡ mẹ mấy cái còi xe đi”!
 Trong tiếng hời cha khóc ông thảm thiết có tiếng bàn nho nhỏ của trưởng nam và trưởng nữ:
 - Chuẩn bị bàn đi!
 - Rồi.
 - Mâm ngũ quả! 
 - Rồi.
 - Khay đựng phong bì.
 - Rồi. Không dùng khay đĩa mà dùng cái mâm đồng đại
- Vào quan xong bày bàn ra cho người ta đến viếng.
- Chưa phát tang, người ngoài không được vào.
- Kệ. Điện đi báo hết rồi. Hà Nội vào, thành phố lên ngay giờ. Cánh đấy viếng mới đáng tiền.
 - Phải chọn giờ tốt để hưởng lộc. Chị hay xem bói toán lắm mà!
 - Tốt xấu chi. Cậu chỉ được cái phong kiến lạc hậu. Bày bàn viếng vong ra là lộc chảy về cho mà hưởng.
 Trưởng nữ hạ thấp giọng thì thào vào tai trưởng nam: “ Quản lấy phong bì mà trả cái chín chục triệu cho chị. Bảo vay nóng chuộc con mà hơn một năm rồi nhớ”.
  Chưa dán tờ cáo phó thông báo lịch trình tang lễ.
  Chưa  phát tang .
  Bàn thờ viếng vong được bày ra ngay trước sự ngỡ ngàng của nhiều người thôn quê.
4
  Đêm tháng chạp. Trời lạnh cắt da buốt thịt. Mưa nặng hạt làm trời càng tê tái. Không quản mưa rét, người làng nước, quan khách xa gần, có già có trẻ nhộn nhịp đến viếng cụ Phúc.
 Đám tang không còn lạnh lẽo nữa mà trở thành điểm đến để tri ân nghĩa tình và tôn vinh Phẩm hạnh người mất.
  Bác cả trưởng nữ Trần Thị Hạnh, tóc bạc đã được nhuộm hoe vàng, răng rụng đã được trồng mới. Chị không biết lạnh nên mặc áo tím mỏng xẻ cổ trái tim theo phong cách táo bạo. Chị chít khăn tang theo phong cách trang điểm. Chị ân cần rót nước mời khách. Gặp lại bạn cũ trong làng, lứa tuổi ngoại thất thập, chị mừng lắm. Chị chào: “Già cả rồi nhỉ, anh cu Ốc này, anh cu Chuột này, hiểm Tênh nữa này… Mình nhận ra hết nhớ. Già lủ khủ cả rồi- Chị nhún vai nhướng mày tỏ ý rằng mình còn trẻ thế, xinh thế và tiếc cho mọi người già thế - Mình mới về đây. Vợ chồng con cháu dâu rể cả thảy là sáu nhà đánh sáu cái xe con về. Đường làng đổ bê tông cả, vo vo đi sướng lắm. Uống nước đi. Ông Ốc xây được nhà chưa? Hồi lớp bảy, trước khi đi bộ đội, ông bảo ông yêu tôi. May mà tôi không lấy ông…”   
   Người làng đến phúng viếng chưa muốn về, vì ai cũng muốn nán lại với nhau để nói chuyện ân tình ơn nghĩa về người đã mất.
   Cụ Trần Vĩnh Phúc là lão thành cách mạng, là anh bộ đội Cụ Hồ đánh Pháp, là anh giải phóng quân đánh Mỹ. Bảo vệ biên giới phía bắc xong, trung tá chính ủy thương binh Trần Vĩnh Phúc về làng hưu trí và dưỡng thương. Thương tật ổn định, cụ Phúc làm nghề thầy thuốc gia truyền. Cùng kiến thức tây y trong quân đội, cụ bắt đầu sự nghiệp cứu giúp người trong làng xã. Ân tình cụ để lại sâu nặng đo bằng mạng sống hàng trăm người. Thuốc nam trồng ở vườn nhà, bộ kim châm cứu gia truyền, cụ chữa bệnh không lấy tiền. Lương hưu trí, lương thương binh, lương bệnh binh, lương chất độc da cam cụ cho con cháu một phần. Một phần cụ chi dùng ăn uống tùng tiệm. Phần còn lại, nhiều hơn, cụ  đưa vào việc hành nghề cứu người. Người nghèo ghi lòng tạc dạ ơn cụ. Thường thì chiều ba mươi tết họ rủ nhau, tốp năm tốp bảy cung kính đem chục cam, đôi bánh chưng, quả phật thủ hoặc gù mật đến lễ thầy. Người lớn trẻ nhỏ trong làng xã đều gọi cụ là thầy. Thời buổi đổi mới không thiếu thức ngon vật lạ người biếu, cụ lại đem cho người thiếu đói. Có người, tết đến không biếu cụ gì cả, mà chỉ xin được vái lạy cụ một lạy.                         
5
  Bà Văn Nhân, mặc dù chưa bỏ ra một đồng một cắc nào nhưng săng sái hớn hở ra mặt trong việc lo ma chay cho bố chồng. Những lúc thân quyến phủ phục làm lễ là lúc bà trùm khăn tang kín đầu kín mặt lặng nhẩm phong bì theo kiểu đếm cua trong lỗ. Ba làng trong xã vị chi nghìn hai hộ. Quên đi hai trăm còn một nghìn. Nhà mô chả đội ơn ông. Cứ trung bình mỗi hộ viếng năm chục. Chỗ nớ cũng dăm chục triệu rồi. Từ tối qua đến giờ người ngoài xã viếng đông lắm. Nhiều người trong huyện này mang nặng ơn tình với ông. Phong bì chỗ ni cũng dăm chục nữa. Bà Văn Nhân tính đến đây như có luồng điện xoẹt qua người. Bà thở gấp. Bà thổn thức. Bà khóc to thống thiết: “Ôi a…cha ơi là cha …u …oa…”.  Vừa rên khóc bà vừa nhẩm tiếp: Sư đoàn thời đánh pháp của ông - Tướng tá ngày xưa là lính của ông - Con cháu của bạn đồng ngũ với ông nay đang làm to - Ngành y tế huyện tỉnh –Chính quyền, mặt trận với các đoàn thể xã huyện tỉnh vì ông có công - Ở thành phố, ở trung ương khi ông ốm đau, dịp tết nhất vẫn gửi quà về, nay ông mất, xe đã lũ lượt đánh vào viếng. Vòng hoa to chắc phong bì đại- Con cháu chắt của ông đông lắm. Mỗi phong bì mèng nhất cứ phải là tiền trăm.
 Tính đến đây thì bà dâu trưởng như ngộp thở. Bà không thể che mặt dấu ánh nhìn vào khay đựng phong bì được nữa. Cái khay to hơn cái mâm đồng đại đã xếp cao hơn chục hàng phong bì. Nhẩm đến đây bà giật mình thấy dại. Cả năm ông ốm đau bà nạnh thím Năm Lễ, tị vợ chú Bảy Tín, cáo mình đau tim đau đầu, không cháo lao cơm nước cho cụ được. Giá mà cứ ngọt nhạt dỗ mời ông về ở với mình thì bây giờ có cái gia tài phong bì kia thì đố con mô thằng mô lắt mồm bà dâu trưởng này nhớ.
 “Ôi cha mẹ ôi!’. Bà Văn Nhân than khóc. “Cha không sống thêm năm mười năm nữa cho con được hầu hạ phụng dưỡng cha, cha ơi là a…ơi…”   
  Nhị hồ kèn trống của bản ti (ban nhạc) thường dìu dặt theo tiếng khóc. Khi nghe tiếng bà Văn Nhân ngân giọng kể thì tiếng trống cắc tùng đệm theo. Cắc tùng… cắc tùng cắc…cắc tùng… cắc cắc…Tiếng cắc tùng thăm dò tình điệu. Bản ti biết đâu là tiếng than của nỗi lòng, đâu là tiếng khóc của tâm can, đâu là tiếng của dâu con hiếu thảo, còn đâu là tiếng khóc cho có khóc, đâu là tiếng miệng khóc nhưng lòng đang toan tính. Bà Văn Nhân đang ơi hời toan tính để được toàn quyền với những cái phong bì lung linh màu sắc dưới ánh nến kia. Tiếng kèn toe loe ngang phè. Tiếng sáo lỗi điệu tí toét. Tiếng nhị gắt gỏng bực dọc. Tiếng đàn bầu lừng phừng ấm ức. Bản ti nổi  nhạc sai điệu lạc phách.
 Bà Văn Nhân không khóc nữa. Bà đanh mặt lại. Mắt bà tối sầm.
  Bản ti đột ngột dừng ngắt tiếng tơ. 
6
  Trong khi bà Văn Nhân toan tính những cái phong bì thì thằng con Đức Tình của bà không ngồi bên quan tài ông nội nó nữa. Tình ra lau bàn ghế rót nước mời khách. Tình vào rút bớt chân hương ở bàn thờ vong. Tình thắp thêm hương ở bàn thờ ông công. Tình lại dâng hương lên bàn thờ tổ tiên. Động tác cung kính hài hòa cùng tiếng khóc cha gọi ông và giọng ngân của thầy cúng.
 Bắt đầu lễ chúc thực.
 Thầy cúng : Bỗng đâu gió cả, phút bẻ cành mai ...ai .../ Tưởng hồn trường thọ,...Ai ngờ trăng lặn sao dời, hồn đã biến về nơi Tây Trúc...”
Thầy cúng dừng lời để nhường cho tiếng khóc.
 Út Nhu, lệ hai hàng lã chã. Út khóc gọi cha:
  “… Ơi cha ơi!... cả đời cha vì con vì cháu mà chưa đứa nào đền đáp lại được công cha…”
  Tiếng nhị hờn tức tưởi. Tiếng kèn dồn ai oán. Sáo trúc luyến xót xa. Tiếng đàn bầu nỉ non. Trống điểm rơi giọt lệ. 
  Bản ti đang cùng Út Nhu thương xót cha già. Tiếng nhạc lắng dịu.
 Thầy cúng xúc động và  kính phục cụ Phúc. Mắt thầy ngân ngấn nước. Giọng thầy trầm bỗng gieo tình vào lòng người :
 - Từ nay lấy ai chăm sóc, ngõ cúc, tường đào... Thuốc trường sinh, cầu Vương Mãng chưa trao...Bút chú tử, trách Nam Tào sớm định...Bùi ngùi cám cảnh, tuôn rơi hàng lệ xót dầm dầm...Cha ơi cha... làng nước ơn cha. Tấm gương này ngày ngày... soi sáng. Công đức này... đời sau  ghi mãi. Một thời... oanh oanh liệt liệt... một thời... cần kiệm... vô tư... Xóm dưới làng trên ... cầm thẻ hương vái lạy... Nước mắt này cảm kích, ôi thôi!...  ”
 Gió như ngừng thổi. Cả trăm người rơi lệ. Người thân khóc thành tiếng. Người dưng khóc thầm. Lệ động trên mi mắt những người lớn tuổi.
 Lúc thầy cúng cất giọng bi ai hòa cùng tiếng khóc sầu thương của Út Nhu là lúc Tình nhanh tay nhất. Một thoáng thôi cái lư hương đồng cổ trên bàn tổ tiên đã được thay thế bằng cái lư hương mới ...
7
   Nửa đêm, người đến viếng đã vãn. Tiếng nhạc tang ngừng bặt. Thôn quê vào khuya u tịch và thiêng liêng.
  Chú Bảy Tín lại bàn thờ vong thắp hương khấn:
  - Cha ơi! Con lạy cha. Tiền và lễ phúng viếng của người ta, xin cha nhận và chứng cho con để con xin cất. Sau này để đi viếng trả nợ cho làng nước.
 Nói rồi Bảy Tín đưa tay nâng khay đựng phong bì.
 Không ai bảo ai, cùng lúc trưởng nam Trần Đức Nhân, đích tôn Trần Đức Nghĩa, thứ tôn Trần Đức Tình, Dâu trưởng Đỗ Thị Văn , Trưởng nữ Trần Thị Hạnh, ào tới cùng tiếng quát của Trần Đức Nhân:
 - Ai cho Phép mi đụng vô đó!
 - Phải cất đi để nó đầy tràn rơi xuống, khó coi lắm. Chú Bảy Tín trả lời.
- Để đó tau cất. Đức Nhân nói xong rút trong người ra một cái túi vải đã chuẩn bị sẵn. Miệng túi rộng cỡ ba gang tay, vừa bằng miệng khay. Rất nhanh và khéo, Đức Nhân trút gọn cả ngàn cái phong bì vào. Nhiều con mắt chằm chặp nhìn từng động tác của Nhân. Kéo thít dây miệng túi chặt lại, Nhân lên tiếng:
 - Để tau đem cất.
 - Khoan khoan tí đã. Thím Năm lễ từ trong nhà bước ra. Thím đã hiểu hết sự tình nên cất tiếng bàn việc: Ý tôi là thế này, phong bì làng nước phúng viếng, ta bỏ vào cái rương đựng sách thuốc của thầy, khóa lại, dâng lên bàn thờ tổ tiên chứng giám. Để đó mai táng yên ổn cho thầy xong rồi anh chị em ta bàn sau. Bây giờ chưa phải lúc. Không khéo để  tiếng xấu cả đời, cha chưa chôn đã tranh chấp phong bì.
 - Đúng em cũng định thế nên vì em vừa thấy  cái rương sách thuốc của thầy. Chú Bảy Tín nói.
  Nhiều người gật đầu . Chú Bảy Tín đưa chiếc rương lại, chú nói :    
- Bác Nhân bỏ vào đây, khóa lại, bác là trưởng nam bác giữ chìa khóa. Chôn cất cho thầy xong, bác cùng cả nhà mở ra ta bàn tiếp. Tiền đó là tình làng nghĩa nước, ta bàn cách sử dụng cho toại nguyện ý ông.
 Từ lúc cha nằm xuống tới giờ Út Nhu không thiết ăn uống nói năng, chỉ khóc. Nhu khóc cho đến khản giọng mất tiếng. Không khóc được thành lời nữa thì Nhu khóc thầm. Nay thấy các anh chị to tiếng  chuyện phong bì, từ chỗ ngỡ ngàng chưa hiểu đầu cua tai nheo chi, thoắt cái Út Nhu hiểu ra và bưng mặt nấc từng cơn vì quặn lòng đau đớn. Út Nhu cố thốt thành lời:
 - Nhục lắm cha ơi! Tiền đó không phải là tiền bạc thường đâu mà tranh dành nhau. Tiền đó là tiền tình sâu nghĩa trọng làng nước viếng cha
 Chú Bảy Tín khóc nhưng giọng vẫn sắc gọn, rất có uy lực. Đức Nhân chần chừ. Chú Bảy Tín nói tiếp:
- Nếu e ngại thì bác bảo bác Văn, vợ bác, đi mua cái khóa mới, tự tay khóa lại. Bây giờ cứ bỏ vào rương đi đã.
Đức Nhân lập tức bỏ túi phong bì vào rương và hất hàm bảo bà Văn Nhân:
 - Mẹ mi đi mua ngay cho tau cái khóa mới.
 Mặc dù đêm khuya nhưng mẹ con bà Văn Nhân vẫn tìm mua được khóa đem về.
 - Đây tôi khóa này. Đem gửi lên bàn thờ này. Tôi không cho phép ai được đụng đến này. Gửi cho ông bà ông vải này. Chắc ăn này!
Đức Nhân tay khóa, miệng nói, tay bê rương, chân bước lại bàn thờ tổ tiên. Nhân đặt rương phong bì lên bàn thờ rồi xẵng giọng: 
     - Tôi gửi cho ông bà ông vải đó.                                                      
Mọi người đã yên tâm cho sự an toàn của phong bì nên không khí đám tang đã nhẹ nhỏm đi, chỉ còn lại tình cảm đau thương với người đã mất.
Cơ hội lại đẹp cho  Đức Ngãi.
Đích tôn Trần Đức Ngãi đã chú ý tới hai lọ hoa huệ đang đặt trên bàn thờ tổ tiên. Đó là cặp lục bình đáng tiền.
 Ngãi đã đổi được cặp lục bình, qua mắt được mọi người nhưng không lừa nổi thằng em  Trần Đức Tình. Bằng động tác đưa ngón tay trỏ quẹt chéo miệng, Tình đã ra hiệu cho Ngãi phải chia phần.  
 Út Nhu đang hời khóc, bỗng lạc giọng, như lại có vong nhập. Út thất thần, thở nặng nhọc, miệng lẩm bẩm: “Thầy biểu thầy biểu. Mất… mất ạ?...Mất à? Lấy lấy…” 
 Thím Năm Lễ nói: “Tôi chắc Thầy mách chi đó cho Út”.
 Chú Bẩy Tín bảo : “Thầy dặn Út mà Út không biết dặn chi”
 Có tiếng của bà Văn Nhân dâu trưởng: “ Người mất là mất hết, chứ mất chi dặn chi”
 Mọi người lại thắp hương. Thím Năm Lễ khấn mà như nói chuyện với người chết :
“Thầy báo điềm chi thì báo rõ cho các con”
 Chú Bảy Tín xen vào : “Lạy thầy, thầy báo cho nhiều người biết mới luận ra được… Lấy chi mà lấy mất?Cái chi bảy trăm năm…?
 Út Nhu choàng tỉnh. Có người ghé tai Út bảo nhỏ : “Phong bì cất đi rồi”
 Út Nhu lắc đầu: “Thầy bảo cái chi bảy trăm năm chứ không phải phong bì. Mất rồi…mất rồi… Thầy bảo dứa là hết rồi… ”
 Rương đựng phong bì đã được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Mấy người bà con hiểu ý đã cẩn thận đặt mâm ngũ quả chận nắp lại cho chắc chắn. Hoa tươi đầy lọ, hương khói nghi ngút, mâm ngũ quả no tròn… Tuy vậy, nhưng trong một thoáng Út không thấy gì cả. Ngai vị trống trơn, hương khói vắng lạnh, hoa tàn khô héo. Út lắc đầu: “Mất cả, mất cả!”
8
  Đội đưa tùy theo tiếng gõ chấp lệnh nâng linh cửu cụ Phúc vào xe tang. Những cựu chiến binh đồng phục tang lễ màu trắng, bồng súng bước nghiêm hai bên. Không có tiếng khóc vì đang trong thời khắc linh thiêng. Chỉ có nhịp đập từ những trái tim của hàng ngàn người tôn vinh và thương tiếc cụ. Lời ai điếu vĩnh biệt cụ trên nền nhạc Hồn tử sĩ: “Cụ là đạo đức, là mẫu mực, là tấm gương sáng cho đồng chí, cho cháu con và cho nhân dân làng ta, xã ta, huỵên ta học tập…”
 Khi linh cửu cụ đã ra tới đường lớn thì người đi đường nhập vào đoàn đưa tang càng đông thêm, càng kéo dài ra. Vẫn nhiều người vái lạy cụ trên đường.
  Không ai còn để ý đến ba mẹ con bà Văn Nhân đang ở đâu và đang làm gì.
 Cụ Phúc nhập vào lòng đất. Một nấm mồ xanh như mọi nấm mồ. Cả trăm vòng hoa tươi phủ lên mộ cụ.
  Không nghe tiếng khóc, chỉ tiếng thầy cúng bi ai: “Ôi! Thương ôi!... Vận đến đây, hay là mệnh đến đây…, thoắt đã nấm đất vun vùi…, đường từ hiếu, trăm năm không gặp gỡ... Mắt trông thấy, đào sâu lấp kín, tủi nỗi lòng, chín khúc ngổn ngang…”
  
 
Vì thương xót và đau đớn cả tâm hồn và thể xác mà ÚT Nhu, thím Năm Lễ, chú Bảy Tín  không lê nổi bước chân về nhà.
 Ông Nhân Văn vẫn mạnh bạo sải chân dài thoăn thoắt. Nhân dục thầy cúng mau về làm lễ.
 Nhìn thấy rương đựng phong bì vẫn nguyên vị trên bàn thờ, Đức Nhân thở dài nhẹ nhõm.
 Người vừa đông đúc thế mà nay nhà cửa vắng lặng. 
  Con cháu dúi dụi lăn lóc nằm khắp giường khắp ghế nghỉ cho lại sức.
  Một mình Đức Nhân mang rương phong bì xuống đặt trên bàn. Khóa vẫn nguyên vẹn.
 Đức Nhân nói như quát, không muốn cho ai cãi:
  - Mẹ Văn đưa chìa khóa đây.
 Giọng the thé bà Văn Nhân đáp lại:
 - Ông lấy chìa khóa mần chi lúc ni?
 - Đưa đây! Đức Nhân gắt.
  - Thì đây! Bà Văn Nhân vất chiếc chìa khóa vừa móc trong ngực ra.
  Đức Nhân vừa đưa tay chụp chiếc chìa khóa đang vụt tới, vừa lớn tiếng đe vợ : “Tao đập cho vỡ mặt. Liệu hồn!”                                        
  Đức Nhân mở miệng túi nhìn vào rồi nhét vội thêm một cục phong bì khác nữa. Không thèm nhìn và nói chi với ai lấy nửa lời, Nhân cuộn túi đựng phong bì, ôm thành một bọc như cua ôm con hối hả về nhà.
9
   Hơn một ngàn năm trăm cái phong bì đựng tiền của làng nước phúng viếng đã được ông Nhân Văn một mình mở ra:
     - Năm ngàn, mười ngàn, lại năm ngàn, năm ngàn nữa, hai mươi ngàn, hai mươi, hai mươi, mười, mười, lại mười ngàn…
 Nhân không tin được. Lệ làng xã và cả huyện này phúng viếng mèng nhất là hai mươi ngàn. Phần lớn là năm mươi ngàn. Ân nghĩa thì một trăm trở lên. Cơ quan đoàn thể tối thiểu là hai trăm. Năm trăm một triệu với đám viếng này không phải là hiếm. Vậy mà không có cái nào năm mươi. Được có hơn mười triệu một tí. So với cục phong bì mới nhét sau, Nhân hiểu ra sự việc.  Cay cú và hằn học dồn nén lại thành cục tức chặn ngang ngực Đức Nhân. Lại ai điện thoại đây? Bà cả Gái : “Chị ước sơ chỗ nớ cũng được đôi trăm triệu. Mai chị đánh xe về lấy nợ em chín chục nhớ. Em chớ đụng vô những cái phong bì của khách nhà anh chị và các cháu. Cho anh chị xin lại để sau này còn đi trả nợ người ta.”
  Cụ Trần Vĩnh Phúc mới nằm yên trong mồ buổi sáng thì chiều tối làng xóm đã nghe thấy vợ chồng con cái nhà trưởng nam Nhân Văn Nghĩa Tình to tiếng cải lộn.
 Đức Nhân đang tức khí, đang sôi tiết. Nhân lao đến vợ con. Không cải lộn nữa mà đấm, mà đá. Tay đánh miệng la: “Chỉ mi giữ chìa khóa. Không mi là ai?”. Uỵch-  “Này”… Uỵch – “Này. Mẹ con bay đểu.” 
 Bà Văn bị đấm đá tàn bạo đã vùng lên bóp dái chồng. Đức Nhân méo mặt la : “Ối làng ôi hắn bóp dái tôi”. Nhân thoát ra được. Nhân vác dao quyết một phen sống mái với vợ. Nhân lùa Văn. Chém hụt. Văn chạy ra sân cầu cứu hai con trai.
 Nghĩa Tình hạ gục bố Đức Nhân và tước vũ khí.
 Lúc lùa nhau, Văn Nhân Nghĩa Tình đều thấy cụ Phúc hiện về với nét mặt vô cùng đau khổ.
 Trong lúc vợ chồng Văn Nhân chưa hoàn hồn vì suýt có án mạng thì Trần Đức Tình đã biến đi với bọc tiền..
 Khi Bà Văn Nhân biết Tình đã nẫng tay trên, lập tức bà phát điên phát rồ. Và lần này thì bà khóc thật. Bà la trời la đất : “Mất hết cả rồi…ồi” và bà ngất thật.
 Ông Nhân Văn hiểu ra vụ việc vội vào mở cửa tủ. Số tiền hơn mười triệu ông mới cất tạm thì nó cũng đã  lặn mất tăm theo thằng Đức Nghĩa.
  Ông Nhân Văn giận giữ tột độ. Giận phát điên phát cuồng. Nhân nghiến răng chèo chẹo rồi lấy chân giẫm đạp vào đống vỏ phong bì . Vừa đạp Nhân vừa rít qua kẻ răng: Viếng này…! Vợ này…! Con này…! Văn này…! Nhân này…! Nghĩa với Tình này…! Tao mà túm được bay thì tao chém!... Chém…! Chém…
  Đang giận dữ hoa tay múa chân chém gió vợ con, bỗng ông Nhân Văn đứng thẳng người lại. Ông im lặng như là kẻ chết đứng. Mắt ông sáng lên một cách kỳ lạ. Đầu ông có một dòng suy nghĩ nhanh mà mạch lạc và như là có ma lực mạnh mẽ vô cùng: “Kế hoạch này thì không thể đứa nào cướp hớt của tau được. Tau là con trưởng. Nhà và đất phải là của tau. Ngôi nhà gần hai trăm năm tuổi, chồng giường kẻ bảy với họa tiết long li quy phượng, tùng cúc trúc mai cùng ba sào vườn là cả gánh bạc. Mình ngu như chó nên ra ở riêng. Thằng Bảy tín vẫn ở chung khéo mà… Phải vào lục ngay xem sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cất đâu.”    
 Như có khinh công, ông Nhân Văn cầm dao đi như gió từ nhà mình ra nhà nhà chú Bảy. 
 Thím Năm Lễ, Chú Bảy Tín, Út Nhu cùng con cháu đang thành kính chăm chút dâng cơm cúng chiều hôm cho cụ Phúc.  Họ bỏ hoa cũ thay hoa mới vào hai lục bình. Chị em đốt thêm hương trầm thả vào lư hương. Lòng họ thanh thản cùng hương trầm lan tỏa.
   Không ai biết, mà có biết cũng không bận tâm tới bác cả Nhân Văn đang lục tìm sổ đỏ  trong các tủ thuốc cứu người của cụ Trần Vĩnh  Phúc.      
LQP

7 nhận xét:

  1. Nguyễn Trung Ngọclúc 21:28 26 tháng 9, 2014

    Cả tối nay tớ ngồi đọc truyện này. Đọc cho cả bà vợ đang là người biên tập cho NXB Đại học Vinh cùng nghe. Mong gặp lại Phương quá! Có nhớ tớ không? Tớ là Nguyễn Trung Ngọc, cùng A10, trung đội Hoàng Gầy, C12 trong rừng Nghĩa Thuận, hồi chúng ta mới nhập ngũ ấy. Biệt cả gần nửa thế kỉ rồi. May quá! Gặp lại Phương trên blog của Sơn. Chúng ta sẽ tìm lai nhau nhé! Hẹn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào người đồng đội Nguyễn Trung Ngọc. Hà Tùng Sơn vừa điện tới là mình nhớ ngay ra Ngọc. Sao lại không nhớ cái anh chàng đẹp trai, thông minh, láu lĩnh ấy được chứ. Không biết bạn có vào C20 F341 k- Khi dời Nghĩa Thuận là mình K biết/ k nhớ bạn đi đâu, cả khi về học cũng vậy - Hóa ra quả đất tròn và thế giới phẳng. Cảm ơn bạn và phu nhân đã đọc bài mình viết. Cái Làm Thi 1 và 2 bạn đọc và cho vài lời to nhỏ nhé! Hẹn gặp tại Vinh.
      Mình cũng có một cái truyện ngắn thời binh nhì đấy- Nếu lục ra được sẽ gửi trên Blog Hà Tùng Sơn.

      Xóa
  2. Mình rất mong có ngày chúng ta gặp lại nhau, ở đâu cũng được. Già rồi mà! sao cái độ tuổi này hay nhớ bạn xưa đến vậy. Mình và H.T.Sơn đang có dự định tìm về Lam kinh để hội kiến với họ Lê một chuyến. Rồi chúng ta sẽ làm một chuyến vòng quanh xứ Thanh, ghé xuống Hậu Lộc thắp cho Ngôn một nén hương chẳng hạn (mình nhớ hồi ở rừng Nghĩa Thuận 2 thằng Phương và Ngôn khoẻ như voi cứ vật nhau huỳnh huỵch suốt ngày). Thể nào chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau, Phương nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có 2 phương án: 1 là tui ra Vinh rồi cùng Ngọc Nga đi Thọ Xuân chơi; 2 là tui xuống sân bay Thọ Xuân chơi với mấy ông Thanh Hóa, trong đó có nội dung rất cơ bản là về thăm lại nhà ông bà mà tui đã ở hồi đi K8 ở Thọ Nguyên; về Hậu Lộc viếng mộ bạn Ngôn (như đề xuất của Ngọc).
      Nghe ra thì phương án 1 vui hơn. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Năm nay coi như cho qua. Chờ hè năm sau vậy. Giá mà quân trường Vinh nó chạy được cái huân chương HCM để năm nay nó tổ chức 55 năm hội trường thì có khi dự án trên của chúng ta sẽ thành hiện thực sớm hơn.

      Xóa
    2. Có lẽ là như vậy. Nhất trí!

      Xóa
    3. Phương án nào mình cũng hào hứng đón chào các bạn tại Thọ Xuân. P liên hệ với Phát trước rồi ta xuống Hậu Lộc.Đầu năm nay lính C20 ( Thanh Hóa) tập trung tại nhà P. Dự định cuối năm nay, tầm 22/12 về nhà Phát.
      Hai chàng lính Ngự Lâm, một cưỡi mây vượt gió về sân bay, một phi ngựa nước đại đường HCM ra Thọ Xuân.
      Sơn nói rõ cái huân chương HCM xem.
      S có nhớ tên ông bà và làng gì ở Thọ Nguyên K!

      Xóa
    4. Đó là nhà ông bà Cò Thạo. (Vì có người con trai cả tên là Thạo), có tiếp theo là anh Thao, chị Lương, Nhiễu... Nhà ở phía trong bờ đê sông Chu, mình ko còn nhớ là làng gì của xã Thọ Nguyên. Nhưng đến nơi thì vẫn nhớ đường.
      Caí HC HCM là ý nói ĐH Vinh nếu kì này nó chạy được tấm HC đó thì nó sẽ kỉ niệm to 55 ngày thành lập trường, khi đó quân ta sẽ kéo về dự hội lễ rồi gặp nhau luôn. Còn nếu ko chạy được tấm HC đó thì nó sẽ kỉ niệm nội bộ (nhỏ) thôi. Vì ko có gì để khoe và lòe.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới