14 tháng 9, 2014

Lê Quang Phương



Mới đi Bình Phước về, mở email thấy có bài viết của Lê Quang Phương, người đồng đội cùng một tiểu đội thời C20. Phương là SV khoa Sinh K15 cùng nhập ngũ với tôi. Còn nhớ sau 30 tháng Tư 75, Phương từ trung đoàn 266 đóng ở Q10 lên chơi với tôi khi đó được biệt phái đi làm quân quản ở quận 11, gần trường đua Phú Thọ bây giờ. Mấy ngày đó tôi đang bị sốt hành hạ, nằm li bì miệng đắng nghét không ăn được gì nhưng cũng gắng dậy đi ăn với Phương tô hủ tiếu. Tôi húp vài muỗng nước rồi thôi. Rời quán hủ tiếu hai thằng đưa nhau vào hiệu ảnh chụp một pô làm kỉ niệm gọi là để mừng thoát chết. Đó là hồi tháng 5 năm 1975. Kể từ ngày bắt đầu chiến dịch HCM, chúng tôi chia tay để Phương rời C20 về bổ sung cho trung đoàn 266, nay mới gặp lại nhau. Đấy là lần đầu tiên chúng tôi chụp ảnh ở đất Sài Gòn. Thấy tôi quá mệt mỏi người chủ hiệu ảnh đã kiếm cho tôi một cái ghế ngồi, còn Lê Quang Phương thì đứng với cái nón cối vẫn không rời tay.
Tấm hình chụp hồi đó vẫn còn đây:

                             Lê Quang Phương và HTS. Sài Gòn tháng 5-75

Sau đó mấy  hôm, vào một ngày chủ nhật, thì Lê Đăng Sơn học cùng lớp12A với tôi, cũng từ nơi được bổ sung là Trung đoàn 273 đang đóng quân ở tổng kho Long Bình lên thăm rồi rủ tôi đi Sở thú chơi. Hắn đi chơi mà mang theo cả khẩu AK báng gấp của lính trinh sát làm dân đi chơi sở thú hôm đó rất ngại. Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi đi chơi Sở thú Sài Gòn. Hồi đó lính giải phóng vào cổng được miễn mua vé.
Đang đi có ông thợ chụp hình dạo mời mọc. Lê Sơn gác chân lên vệ đường làm luôn một kiểu tặng tôi. Chỉ duy nhất có một tấm. Tôi giữ cho đến ngày nay:


                         Lê Đăng Sơn, Sài Gòn tháng 5-1975

P/S: Lê Quang Phương là nhân vật đã xuất hiện trong bài viết này: http://hatungson.blogspot.com/2011/12/chuyen-o-linh-bay-gio-moi-ke-1.html 

Lê Quang Phương học khoa Sinh nhưng lại rất thích văn chương và ham viết truyện ngắn. Hiện dù đã nghỉ hưu nhưng Phương lại đang là một học viên trẻ của Trường viết văn Nguyễn Du. Ngày mới Giải phóng tôi đã từng lác mắt khi thấy trên báo Văn nghệ Giải phóng số ra tháng 8 - 1975 có đăng một truyện ngắn của Phương với nhan đề Chia cơm.
 Email của Lê Quang Phương hôm nay là một truyện ngắn:  


                  Mỗi 2 (*)

                  Viet Van Tre



                      Truyện ngắn dự thi của Lê Quang Phương     

                  
                                  1       



     Tại trường Trung học phổ thông Xuân Tươi I của tỉnh Thiên Thanh.                                                         

     Hôm ấy là ngày lành tháng tốt giờ đẹp, thầy trò dô hò treo một tấm biển lớn lên mình lão Bàng.

  Tấm biển lunh linh đẹp với dòng chữ “Mỗi...”

Thầy Tị dạy văn đứng ra sốt sắng chỉ huy: “ Lên lên ...xuống... xuống”. Treo xong thầy ngắm nghía ra chiều tâm đắc lắm. Rồi thầy lấy máy ảnh ra, nghiêng nghiêng ngó ngó, vặn vặn vẹo vẹo, đánh mông bên này, lệch vai bên kia, bấm bấm chụp chụp.

  - “Mỗi...”

  Thầy Tị gật gù. Môi thầy mấp máy.

  Thầy quấn lại cái khăn choàng dài trên cổ. Cái khăn có màu đen chen lẫn các màu vàng đỏ tía. Thầy quay cái khăn một vòng quanh cổ, từ phải qua trái, ra sau về trước.

  Nhìn cái khăn mềm dài nhỏ, khúc đen khúc đỏ vòng vện quanh cổ, che lấp miệng thầy. Nhìn cái mũi nhọn nơi đầu chót như đang chực mổ. Bắt gặp đôi mắt lươn đang lập lờ dưới hàng mày rậm. Không riêng gì lão Bàng mà tất cả mọi người thoáng chờn rợn.

   Mấy em nữ sinh bất giác nhón chân trốn sau lưng lão Bàng.

   Thầy Tị kéo khăn cho lộ miệng mình ra. Một hàm răng trắng. Một nụ cười bóng. Mọi người thấy nhẹ đi đôi phần. Thầy vỗ đùi :

  - Hay hay... hay thật...” Mỗi...”

. - Ra vẻ... tinh tướng...

   Thầy Gầu toán đốp lại. Thầy Tị im tịt.  
                                               

2

   Thầy Tị về trường này trước Hiệu trưởng Chức. Trước kia thầy dạy trên Lương Chánh. Trên đó thầy đã lập được một kỳ tích mà chỉ có hai người biết. Đó là thầy và ông hiệu trưởng. Vì mắc mớ chuyện thuyên chuyển với hiệu trưởng nên thầy Tị đã vặn nới lỏng cái núm ti xe đạp của ông. Hậu quả là ông hiệu trưởng bị lỏng tay lái nên đã để lại ba cái răng cạnh hòn đá, dưới dốc trước cổng trường.  

   Hậu quả tiếp theo là thầy Tị được chuyển về xuôi như ý.

  Sau một cuộc điện thoại của Hiệu trưởng Chức và Hiệu trường trường Lương Chánh mà cái tên “Tị văn” được truyền bá trong trường. (Tị là tên thường gọi vì thầy sinh năm rắn). 

  Các em học sinh gọi thẳng thầy là Vặn Ti.

 Thầy Vặn Ti  mạng thủy, thầy Gầu Toán mạng hỏa, vì vậy hai thầy khắc nhau.

 Thầy Vặn Ti thì chỉn chu mực thước. Thầy Gầu Toán thì thỉnh thoảng lại tháo hàm răng giả của mình ra đặt cạch xuống bàn, mồm miệng móm mém mấp ma mấp máy làm cho các cô giáo trẻ vừa cười ngặt nghẽo vừa thấy ghê ghê.

 Thầy Vặn Ti lấy thế làm tởm. Thầy nói một mình, không dám nói to:

 - Cô hồn âm phủ!                                                                                                                 



Thầy Vặn Ti thỉnh thoảng lại đọc đôi ba câu thơ khi nói chuyện, hoặc chen vài từ Hán -Việt để nâng cao tầm trí thức. Thầy Gầu Toán lấy thế làm khó chịu. Thầy lúc lắc cái mông rồi nói không thèm hạ giọng:

  - Ma cô nói chữ!

  - Đểu tiên sinh – Thư ký hội đồng (người ít nói nhất trường) buột miệng.

   Khi lên lớp thầy Gầu toán viết chữ  lên bảng loằng ngoằng như thừng như chão.

  Thầy “Vặn Ti” thì viết chữ nào ra chữ  ấy. Thầy tiết kiệm chữ viết, do tính thầy như thế, cũng là do bàn tay phải cầm phấn của thầy còn có ba ngón, mất đi ngón trỏ và ngón giữa. Thầy tằn tiện cả hơi sức khi đứng lớp (để dành cho giờ dạy thêm tại gia). Thầy nói với phụ huynh rằng “ con các quý vị không mở mắt được đâu nếu không học thêm ”.

 Môn văn thầy chỉ viết lên bảng mỗi cái đề bài dạy.

 Rồi gọi đôi ba em đọc trong sách giáo khoa.

 Rồi gọi đôi ba em nữa đọc phần chuẩn bị ở nhà (học thêm thầy dạy).

 Thầy nêu một đôi câu hỏi, học sinh đọc sách giáo khoa để trả lời vào vở. Thầy gọi đấy là nêu tình huống để học sinh tự giải quyết ở mức độ cao.

 Rồi thầy chấm điểm vở ghi. Chấm phần ghi ở lớp học thêm của thầy và chấm phần nghiên cứu sách giáo khoa.

 Bốn lăm phút lên lớp thầy chỉ nói vài chục tiếng và viết vài chục chữ. Thầy khoái chá và sung sướng với cách dạy của mình: “Hoan hô đổi mới phương pháp giảng dạy, hoan hô lấy học sinh làm trung tâm, hoan hô dạy học nêu vấn đề”.

     Trong bốn lăm phút để thầy trò khám phá tri thức đó, thầy không quên dành năm bảy phút để làm công tác chủ nhiệm. Nội dung chính của công tác chủ nhiệm là thu các khoản tiền. Thầy nghiêm lắm và thầy không thu tiền lẻ ( loại tiền có mệnh giá từ hai mươi ngàn trở xuống). Thầy bảo: “Chữ đẹp phải tiền đẹp...” Ai mà chứng kiến thầy đếm tiền bằng bàn tay ba ngón có lẽ phục suốt đời.

  Những tiết học rất chuẩn rất đúng chương trình cứ thế mà diễn ra. Không ồn ào như giờ thầy Gầu Toán.

  Hiệu trưởng Chức không biết thầy Vặn Ti đứng lớp như  vậy. Vì thế hiệu trưởng không giải thích được tại sao thầy Vặn Ti dạy nhiều giờ thế mà không hao hư  tâm xác như các thầy cô khác. Càng dạy nhiều thầy càng béo tốt. Má thầy sề sệ, bụng phinh phính, tay chân ngắn cùn cũn, mắt lươn, tai chuột. Ai không biết, bảo đó là thầy giáo mà lại là thầy giáo dạy văn thì chắc rằng họ không tin nổi.

 Thầy Vặn Ti thích dạy gấp đôi gấp ba số giờ tiêu chuẩn. Tiền thừa giờ của thầy nhiều nhất trường.   

 Một năm học, thầy Vặn Ti cũng có hai tiết dạy hào phóng lời nói và chữ viết. Đó là hai tiết thao giảng bắt buộc ở hai học kì.

 Hai tiết này có người dự, thầy nói nhiều và viết nhiều hơn. “Vì học sinh thân yêu ấy mà” Thầy bảo thế “ Mình gắng lên một tí, tuy mệt một tí, nhưng học sinh được một tí” và thầy đã khái quát lên gọi là “ ba tí” và rằng : “Đấy là châm ngôn đạo đức làm thầy”

 Nghe vậy nhưng không ai bình luận gì, ngoại trừ Gầu Toán đốp chát: “Đểu tiên sinh”.

   Khi đồng nghiệp trong tổ góp ý bài dạy hai tiết thao giảng, cũng có những lời khen đểu khen giả, thầy khiêm nhường kiểu dương dương: “ Chúng mình được đào tạo ở Sư phạm I Hà Nội dạy thế cũng tạm ổn”.    

 Giáo viên trong trường ai cũng biết rõ thầy Vặn Ti học hệ  chuyên tu tại chức vừa học vừa làm giáo viên, nhưng chẳng có ai đôi co với Vặn Ti làm gì cho rách việc.

 Học sinh sợ thầy Vặn Ti. Sợ không giám bàn tán nhỏ to với lão Bàng. Không giám nói ngang nói ngửa như với Gầu Toán.

 Ai mà lỡ lời nói đến hai tiếng Vặn Ti thì đang vui đấy bỗng trầm lắng lại ngay, cứ như là có con rắn độc bò vào giữa đám đông.

  Từ ngày thầy Vặn Ti về trường, lão Bàng thấy lòng dạ bất an. Lão giật mình khi biết được thầy  Vặn Ti mất hai ngón tay vào cái đêm mùng 5-3-1979. Cái ngày chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên. Từ đó khi nói cần có bàn tay minh họa cho hùng hồn, thầy thường dùng tay trái xòe đủ năm ngón nhịp nhịp theo giọng điệu.

  Bàn tay ba ngón lành  hai ngón cụt được cuộn lại thành nắm đấm khuôm vào trong. Thầy khéo léo cầm phấn và cầm bút. Chữ thầy đẹp và thầy lấy làm tự hào, ít người biết rằng thầy cụt mất ngón tay bóp cò và ngón tay đỡ báng.

 - Thầy xem xem nhé... xem nhé...! Lão Bàng thì thào với Hiệu trưởng năm lần bảy lượt như vậy. Không biết Hiệu trưởng Chức đã nghe chưa?



3

    Tuy xung khắc nhau nhưng hai thầy Vặn Ti và Gầu Toán lại có một số điểm tương đồng. 

 Ông trưởng ban nhờ các thầy cô chủ nhiệm thu hộ một số khoản tiền thuộc đại diện cha mẹ học sinh quản lí. Thầy Vặn Ti  nhỏ to với thầy Gầu Toán :

  - Đòi quyền lợi cho giáo viên chủ nhiệm đi, thù lao phải mười (10%), nếu năm thì không thu, kệ họ. Ta te nẹt học sinh đố mà thu được.  Tối thiểu phải bảy phẩy năm (7,5%).

 Được thầy dùi thụt thổi, Gầu Toán bật dậy, không cần thưa gửi mà đốp ngay:

 - Các vị đồng chí trả cho giáo viên chủ nhiệm bao nhiêu phần trăm! Nếu dưới mừoi thì các vị đồng chí thu lấy mà quản.

 Bất ngờ và kinh ngạc, ông trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh tròn xoe mắt không nói được rõ “ậm...”  hay “ờ...”

 - “ờ” thế là đồng ý! Thầy Vặn Ti chớp lấy thời cơ và nói nhỏ đủ cho thầy Gầu Toán bên cạnh nghe. Gầu Toán nãy giờ vẫn nhơn nhơn đứng, nói bồi dứt điểm:

 - Xong! ổn. Không nói đi nói lại nữa! ổn! ổn rồi! ổn cả!

 Cả hai thầy đều thốt lên chữ ổn, mừng như bắt được vàng.

 Hiệu trưởng Chức ngồi dự  đang làm mặt tươi, thoắt giật mình, mặt nghệt ra, lòng tủi hổ. Nếu đất dưới chân nứt ra được thì chắc chắn ông sẽ tụt xuống cho đỡ xấu cái bản mặt làm thầy.

 Ngoài sân lão Bàng nghe được mà rung rung cành lá. Gió bắc chưa về mà lão đã thấy lạnh.

  Hai thầy đều tránh cái vi tính, tránh cái đèn chiếu và ghét cái gọi là bài giảng điện tử soạn bằng chương trình Phao-ới-puồi (Powerpoint).

 Khi biết phụ huynh trực tiếp mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, trao tặng cho nhà trường, không có phần trăm cho giáo viên chủ nhiệm thì hai thầy càng bứt rứt khó chịu. 

 Công nghệ thông tin vào nhà trường, thầy trò phấn chấn. Hiệu trưởng tuyên bố có thưởng cho việc soạn giảng bằng giáo án điện tử. Cùng một bài nhưng các thầy Chéo-nơ-ợt (Download) từ mạng nhiều cách soạn giảng khác nhau, rồi thảo luận chỗ hay chỗ được, khiến thầy Gầu Toán tẻn tò.

 Riêng thầy Vặn Ti thì bình tĩnh và cười nhạt.

 Giờ toán học sinh bảo: 

 - Thầy ơi dạy bằng máy như các thầy cô khác đi!

 Thầy Gầu toán quát học sinh bằng một tiếng :

  -  ồn . 

 Giờ văn học sinh giơ tay phát biểu:

 - Thưa thầy ta học bằng đèn chiếu như các giờ môn khác chứ ạ?

 Thầy Vặn Ti nhỏ nhẹ với học sinh:

-         Từ từ thế.

 Học sinh bỏ học thêm với hai thầy, đi tìm nơi học có đèn chiếu ( nhìn thôi cũng hiểu)

 Cho đến khi nhận tiền thừa giờ kém hơn các thầy cô khác và không có tiền thưởng thì hai thầy mới nổi đóa.

 Thầy Gầu Toán thì nổi đóa kiểu không giống ai: “ Ngắt điện đột ngột cũng có cái cháy xèo”. Đó là cách đổi mới phương tiện giảng dạy của thầy .

 Việc ấy rồi cũng đến tai hiệu trưởng Chức, bằng một cú điện thoại:

 - Thầy ơi chúng em biết chuyện giật cầu dao cho cháy máy rồi.

 Hiệu trưởng nói  với bảo vệ :

 - Anh cứ như thế...như thế...

 Sau khi cứ như thế ...như thế... thì ông bảo vệ gặp Hiệu trưởng Chức :

 - Thưa anh đúng như thế đấy ạ! Em thấy tay thầy này giật đóng, giật đóng cầu dao khi cả trường đang dùng đèn chiếu. Giật xong hắn ta đóng lại ngay, rồi lỉnh vào chuồng xí. (Toa-loét)

Hiệu trưởng Chức thở dài.

  Một lần thầy Gầu Toán giật đóng cầu dao điện xong, đang định lỉnh vào Toa-loét  giả vờ đi Toa-loét thì thầy gặp người. Người đang đứng sau cánh cửa Toa-loét là Vặn Ti. Đang định hù dọa Gầu toán nhưng Văn Ti liền đổi ý đưa bàn tay cụt ngón ra hiệu đừng giật mình. Hốt hoảng vụt qua, thầy Gầu chụp vội bàn tay thầy Vặn Ti lắc lắc. “Hai tư tưởng lớn ghặp nhau”(!) Liên minh trên bệ xí được hình thành. Bốn ánh mắt thông đồng. Giây khắc đó qua đi rất nhanh.

 Thầy Vặn Ti rút tay đi lúc nào không biết.

 Thầy Gầu Toán có cảm giác mình vừa túm phải con lươn con trạch gì đó trong hốc bùn: “Lợm”

 Thầy Vặn Ti  có cảm giác như vừa chạm phải da thịt cô hồn dưới âm ti: “Tởm”

Thầy Vặn Ti có kiểu nổi đóa riêng của thầy.

 Sau khi cháy vài cái máy chiếu. Tâm sự nhỏ to với kế toán trường vài lần, thầy làm đơn tố cáo.

“ Tên tôi là Trần Nhân Phẩm, nguyên là tổ trưởng, nguyên là... tố cáo với các cấp có thẩm quyền... Việc lạm dụng công nghệ thông tin để chuyển từ đọc chép sang nhìn chép. Việc lạm dụng tiền đóng góp của cha mẹ học sinh để mua máy tính và đèn chiếu rẻ tiền về trang bị cho tất cả các phòng học, nay đã  hư hơn một nửa, có thầy Gầu làm chứng) ... Tổng số tiền tham ô là...”.

Ký tên: Trần Nhân Phẩm, giaó viên văn tại trường Trung học phổ thông Xuân Tươi I                                                                                                                                               Hiệu trưởng Chức nhận được điện thoại yêu cầu lập danh sách tất cả giáo viên và ghi rõ nhân thân của thầy giáo Trần Nhân Phẩm.

 Ông trả lời rằng trường tôi không có ai là Trần Nhân Phẩm.              

                                                                                                              9/2012
(*) Truyện đã đăng ở đây: http://vietvantre.blogspot.com/2014/09/moi-2.html#more


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới