5 tháng 11, 2012

Lương tâm cắn rứt


Viết ngắn (tiếp theo) của Chử Anh Đào 
   
                         
             Tôi có một ông bạn làm nghề godautre nhưng ở bậc đại học. Ông này có hành tung, chiến tích oách ra phết. Gần 40 năm, đào tạo hàng vạn học trò ( nhiều người bây giờ đã làm vương làm tướng); liên tục là giáo viên giỏi các cấp; bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xếp cả đống; gần chục đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Tỉnh đã nghiệm thu từ loại khá trở lên…Nhưng lạ thay, ông mãi là phó thường dân. Hỏi tại sao? Ông cười: Tưởng làm phó thường dân dễ lắm à. Rồi viện thêm câu thơ được giải thưởng: “ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.” Gần đây có phong trào bình bàu phong tặng danh hiệu “ ưu tú”, “ nhân dân”các loại, ông vẫn bình chân như vại. Hỏi. Lại mỉm cười khó hiểu.
          Đùng cái, ông bất đắc kì tử vì tai biến mạch máu não. Ngành giáo dục như sực nhớ và tỏ lòng tri ân ông bằng cách đề nghị truy tặng danh hiệu “ Nhà giáo ưu tú”
          Lại có ông bạn khác có nghề ngỗng lương thiện hẳn hoi nhưng lại muốn thành thi sĩ- một đội quân đã thừa mứa ở đất nước luôn thiên tai giặc giã này.Tài bút ông, công bằng mà nói, cũng có tiếng ở tỉnh lẻ nơi ông sống. Nhưng với thiên hạ thì chưa nhằm nhò gì. Xách dép cho ông “ Phong nhũ phì đồn” e còn không đáng. Nhưng điều đáng quí của bạn tôi là thái độ lao động thành khẩn với công việc viết lách mà tôi đồ rằng rất nhọc nhằn. Sắp tới thời kì mãn dục nam, ông đã kịp đẻ được bảy “ đứa con tinh thần” cho dù trong số đó có “ thằng” tiên thiên bất túc.
          Hội VHNT, nơi ông tham gia hoạt động; nơi tập trung những đỉnh cao chói lọi, tài năng nghệ thuật; nơi những tưởng người ta chỉ cần sống bằng đời sống tinh thần, bằng cảm hứng sáng tạo, tình yêu nồng cháy các loại, té ra lại là nơi đố kị và ganh ghét, nơi để ý tới tiền bạc nhiều nhất. Trong những lần xét tiền hỗ trợ sáng tác, xuất bản, không hiểu vì lí do gì, người ta đã quên ông.( Nói cho công bằng thì ông cũng làm thủ tục một lần nhưng không được; lần sau không biết vì tự ái hay tự trọng, ông dí cái con truyền giống vào chỗ ấy).
          Lại đùng một cái, ông nằm xuống vì tai nạn giao thông. Các loại vòng hoa chất ngất như làm cho nỗi buồn mất mát thăng hoa. Chủ tịch hội VHNT vừa nức nở vừa đọc bài điếu văn đẫm nước mắt chia sẻ tổn thất lớn lao, đau thương vô hạn vì gia đình, cơ quan, bạn bè, kẻ thù …mất đi một…ưu tú, tài năng! Người ta đề nghị cho góa phụ được truy lĩnh tiền hỗ trợ sáng tác của ông.
          Nhàn đàm:
 - Khi sống thì ngầm rủa mong cho chết nhưng khi đã “ ngồi lên trên ấy ngắm gà khỏa thân” thì ai cũng tốt cả.( Điều này xưa như Diễm)
 - Nếu có thể làm được điều gì tử tế cho nhau thì hãy làm khi người ta còn sống.

QUÀ MỌN, LÒNG THÀNH
         
          Lại sắp đến ngày 20 tháng 11. Đã viết bao nhiêu bài về những người thầy, cô đáng kính, mãi là những vết son tươi rói trong tâm khảm kẻ học trò nhỏ; bao nhiêu bài về những dở hay tốt xấu của cái Nghiệp đã đội tới bạc đầu này. Năm ngoái là những lời chúc muộn mằn, sau khi mình trách, ông học trò cũ bảo: em còn nhớ tới thầy là may lắm rồi đấy(!), là áo sơ mi Việt Tiến và thịt chó Ba Trị…Năm nay không biết có gì mới hơn, trân trọng chép lại “ bài thơ” của Kpa Blin- sinh viên năm thứ nhất người dân tộc Jrai- Trương CĐSP Gia Lai:
                
             THẦY
      
       Thầy ơi! Thầy là vị cha già
       Giọng nói oang oang lại ấm áp
       Dáng người như một hòn núi
       Tóc quăn, da đen, mắt sáng
       Người thầy hiền lành như đất

       Qua thời gian tóc thầy đã bạc
       Một màu bạc của sự gian khổ
       Mỗi sáng thầy bước vào lớp em
       Tất cả mọi người ai cũng đứng nghiêm
       Thầy mời các em ngồi xuống

       Em ngồi, em nhìn thầy thật trong sáng
       Thầy đứng cạnh, em thấy ấm áp
       Lòng em kìm nén lại và nghĩ về…
       Ước gì thầy là người cha thứ hai
       Để em cất lên một tiếng gọi
       Cha!

       Con thấy nao lòng mỗi lần thầy xuất hiện
       Thầy đã gánh chữ vào lớp
       Mỗi bước đi là một gánh nặng
       Mà sao bay bổng thơ văn

       Thầy ơi! Em xin cúi đầu cảm ơn.
          Nhàn đàm:
 - Phải nói ngay rằng đó chưa phải là thơ( như nhiều người ngộ nhận, cứ xuống hàng, cứ có vần điệu một tí là thành…thơ). Nó như nước, như lửa, như tượng mồ Jrai, như người Việt thuở khai sinh bập bẹ nói tiếng Việt “ còn thô sơ như mảnh đá thay rìu”. Nhưng đằng sau sự vụng về về câu chữ là hồn hậu một tấm lòng chân thật của học trò cảm, nghĩ về thầy giáo của mình. Nếu so sánh năng lực thường có của các em sinh viên dân tộc về văn nghệ, thể dục thể thao và các môn khoa học tự nhiên thì đây quả là một cố gắng vượt bậc trong lĩnh vực văn học.
 - Trong những ngày này, mọi người có dành chút thời gian trong ngả nghiêng, bận rộn của cơ chế thị trường để nghĩ về thầy cô giáo của mình không?

( Mới nghĩ được chừng ấy thôi. Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới