9 tháng 11, 2012

Lặng lẽ họ Trương


0
 
      TẢN VĂN CỦA CHỬ ANH ĐÀO                     
 ( Chân dung nhà giáo- viết nhân ngày nhà giáo Việt Nam ) 
                                               
                                      Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ
                                      Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình
                                      Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy
                                      Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh
                             ( N. Eptusenko- Không một ai tẻ nhạt trên đời)
          Thường thì sau tám giờ sáng, khi đã làm xong một số công việc tạp vụ, tôi lặng lẽ ngồi bên máy tính. Một lát sau thì một Lặng Lẽ khác bước vào. Chúng tôi đi ăn sáng. Thường là phở Nguyệt 15 nghìn đồng sau cơ quan cho tiện. Hôm nào rảnh rỗi hơn thì ra phở Nam Định, xuống khô gà Ngọc Sơn. Người ta bảo “… đồng khí tương cầu”,  “ ngưu tầm ngưu…”có lẽ đúng. Chúng tôi tự nhận là loại trâu ngựa tìm nhau! Hồi ấy mới trên dưới ba mươi mà chúng tôi đã như bậc “ tứ nhi bất hoặc”, già trước tuổi và hình như rất khó tính. Cái thời cả tin, ai cũng tốt cả qua rồi…Thành ra bạn bè ít lắm. Nhất là bạn rượu. Chúng tôi giống nhau ở nhiều sở trường, ý thích và cả những thói quen cá nhân nữa. Trương Hải là người rất kiệm lời, ngay cả trong những cuộc nhậu bạn bè. Vui lắm anh cũng chỉ cười cười- một nụ cười nửa miệng rất đa nghĩa: dè sẻn sinh lực; chịu đựng; giác ngộ hay độ lượng tha thứ? Thỉnh thoảng Lão Bạch kể chuyện tiếu lâm. Khổ nỗi vì miệng méo, lại thêm cái chất giọng trọ trẹ, lại vô duyên vừa nói vừa cười. Khi Lão dừng lại, Trương Hải hỏi xong chưa? Kể hết chưa? Rồi Hải tự cù vào nách mình một cái mà vẫn không cười. Lão Bạch quê một cục nhưng những lần sau lại đâu vào đấy. Về mặt phát ngôn, Trương Hải làm tôi thấm thía câu nói của Khổng Tử: “ Tri bất ngôn, ngôn bất tri” ( những người biết thì không nói, còn kẻ nói nhiều ắt là không biết gì) Quá đúng! Thì chả là vừa rồi người nhận giải Noben văn học có bút danh là Mạc Ngôn ( không nói) đó sao.
          Khoảng năm sáu năm nay, cứ chiều chiều, hết giờ làm việc, bộ tứ chúng tôi lại tới gốc nhãn cô Hoa làm vài ba chai bia đỏ Sài Gòn. Đột xuất 12 giờ trưa mà gọi nhau thì cũng chỉ dăm ba phút là tất cả thành viên có mặt. Không ít vị khách chung của cả nhóm đã ngạc nhiên về điều này. Chúng tôi ngồi nhiều lần đến mức chỗ đó đã trở thành “ điểm hẹn văn hóa”. Nhiều lần đến mức vợ tôi bảo: “ Sau giờ chiều, ra khỏi cổng trường, ông thử rẽ phải( lối về nhà) một lần xem có chết ai không nào?” Nhiều tới mức người ta bảo muốn tìm ông Hải, ông Đào, ông Ngọc, ông Muôn thì cứ đến gốc nhãn đường Thống Nhất. Lạ thật, rượu bia nhà ai cũng có. Đâu phải khát thèm? Thì ra là cái nhu cầu gặp nhau. Có khi ngồi cả tiếng, Trương Hải không nói câu nào mà chúng tôi vẫn vui, mà tôi hình dung  ngập tràn không gian nơi này là rộn rã âm thanh của tri âm, tri kỉ.
          Chúng tôi có cung niềm vui nữa là mua sắm áo quần giày dép( điều chỉ thường thấy ở chị em) Thỉnh thoảng tôi và Hải lại ra Bà Cừ đường Cách Mạng tìm mua quần tây, áo thun để mặc, để tặng nhau và tặng vài người khác nữa. Không cùng học môn mĩ học nhưng phải nói thị hiếu thẩm mĩ hay là cái “gu” của chúng tôi rất giống nhau. Chúng tôi ưa những chất liệu phổ thông; màu sắc nền nã, nhã nhặn bởi cùng tâm niệm một điều: y phục xứng kì đức, áo quần góp phần thể hiện tính cách người ta…Chúng tôi cùng thích nhạc cổ điển, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh. Có lần Trương Hải ôm đàn lên nhà khách của trường, cùng Lê Viết Dũng- ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng hát Trịnh Công Sơn thâu đêm suốt sáng. Về khoản thơ văn, có lần Hải nói với tôi: “ Anh sống không đến nỗi nào mà văn chương anh viết cay nghiệt quá.” Đúng là tôi phải xem lại mình.
          Trong cuộc sống, Hải là người “ tri túc” ( biết đủ), không bon chen, không màng danh lợi ( Đã có mấy người cũng nói với tôi như thế) Hải là nhóm người nếu muốn cũng không thể tiến lên vị trí cao hơn do “ lịch sử để lại”(!) Anh hoàn toàn dửng dưng khi nghe tin được bổ nhiệm lại chức chủ nhiệm khoa; dửng dưng khi Lí- vợ Anh có quyết định đề bạt phó chủ nhiệm khoa Xã hội. Thời gian sau, “ người duy nhất không chúc mừng em là Lão Hải”- Lí nói với tôi như thế. Lại nữa, nhiều người như bật ngửa khi Trương Hải thay mặt khoa Anh văn phát biểu trong buổi họp bổ nhiệm lại: “ Ông Đ làm cũng tốt. Nhưng theo tôi thì nên thôi, về dạy không cho khỏe.” Họ “ bật ngửa” vì tôi và Hải thân nhau. Và quan trọng là tôi và Hải nghĩ khác họ.
          Hải là người giàu năng lực và tự trọng. Từ năm 2004 tôi đã cùng Hải và một vài anh em khác nữa miệt mài biên soạn các loại giáo trình, hướng dẫn giảng dạy, từ điển Jrai, Bah Nar các loại. Anh hoàn thành phần việc của mình rất đúng tiến độ với chất lượng cao và chưa bao giờ mảy may thắc mắc hay nghi ngờ về các  khoản thù lao chẳng nhiều nhặn gì. Không ba hoa một tấc đến giời đã đành; cũng không bao giờ tò mò chuyện người khác; không bao giờ “ trình bày hoàn cảnh” của mình để kêu gọi lòng thương hại của thiên hạ. Khi đổ bệnh không làm việc được, Anh cũng không muốn ai tới thăm. Cho đến cả anh em, con cái ruột thịt. Vào Sài Gòn , Hải giấu biệt hai con đang làm việc và học tập trong ấy vì sợ ảnh hưởng tới công việc của chúng mà đâu ngờ rằng đã không cho chúng cơ hội cuối cùng để nhìn mặt người cha thân yêu khi đang còn sống. Chỉ đến khi Hải mất trên đường đi cấp cứu, gia đình ngoài Đà Nẵng mới biết tin. Anh hai Thu của Hải bảo: “ Nghe con Lí nức nở trong điện thoại, tôi cứ tưởng thằng Hải bị tai nạn giao thông.”
          Trong dòng người vào viếng Trương Hải, có một phụ nữ mà chỉ tôi, Lão Bạch và anh Muôn biết. Người này không phải là bà con, không phải hàng xóm, không phải là bạn, cũng không phải là học trò cũ. Ấy là cô Hoa gốc nhãn- nơi chúng tôi thường ngồi. Viếng xong trở ra, cô nói khẽ vào tai tôi: “ Anh Hải là người tử tế nhất trong số bốn anh mà sao Trời nỡ gọi đi sớm nhất? Ba anh cứ liệu hồn.” Tôi biết có một phần đùa trong câu nói ấy nhưng đó hẳn là sâu nặng một tấm lòng tiếc thương của một người lương thiện bình thường trong cuộc sống dành cho bạn Trương Hải của mình./.
                                                                   Plei Ku 8.11.2012
                                                                            C.A.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới