2 tháng 3, 2019

Kí ức làng quê ( tiếp phần I.2)


2. Quê hương thứ 2 – Núi rừng Hương Sơn với bao kỉ niệm không quên

Nguyễn Trung Ngọc

“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi.
Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”.

Tôi chỉ thừa nhận cái đúng ở câu sau. Còn câu đầu có lẽ còn phải bàn! Tôi thật sự có hai quê. Mà quê nào cũng gắn bó, yêu thương, không thể không nhớ và đều nằm trên “mảnh đất khô cằn, mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da”. Nói một cách văn vẻ, cho đến tuổi trưởng thành, có một dòng sông nối hai nửa tuổi trẻ tôi: mười bốn năm ấu thơ “chôn rau cắt rốn” ở Đức Thọ; mười bốn năm gắn bó với đất Hương Sơn, nơi có Bố Mẹ và các em những năm đi khu kinh tế mới cùng căn phòng nhỏ người vợ hiền và hai đứa con thơ ở khu tập thể trường cấp 3 của huyện. Vì vậy, cho đến giờ nhiều bạn bè của tôi vẫn cho tôi là người của đất Hương Sơn.
Như đã nói ở trên, tôi sinh ra ở làng Thái yên, Đức Thọ và có 14 năm đầu đời gắn bó với nơi đây:
“Quê Đức Thọ nơi chôn rau cắt rốn
Mười bốn năm tôi sống ở đất này
Uống nước sông La, uống dòng sữa quí
Đất La – Hồng, mẹ ôm trọn vòng tay…”

Nhưng rồi, cuộc mưu sinh đưa đẩy, bố tôi quyết định đưa cả nhà lên miền tây Hà Tĩnh theo tiếng gọi của Chính phủ lúc bấy giờ: Di dân khai hoang, giãn bớt dân số quá đông của một làng nông thôn như Thái Yên quê tôi, lại giữa những năm chiến tranh phá hoại đã trở nên khốc liệt. Nhưng dù còn nhỏ tôi vẫn biết, trong sâu xa hơn, bố tôi muốn nêu gương của một đảng viên đi đầu khi ông đang làm chủ nhiệm xí nghiệp mộc Bình Quang ở độ phát triển nhất lại chuyển sang phụ trách bốn mươi mốt hộ dân lên miền núi cày cuốc (Ông lại làm chủ nhiệm một HTX mới). Cuối năm 1967, tôi bắt đầu sống cuộc sống xa nhà. Bố mẹ và ba em nhỏ rời quê Đức Thọ lên một chiếc đò dọc men theo con sông nhỏ đi qua ba xã Đức Bình, Đức Thịnh, Đức Hồng ra sông La rồi ngược lên Ngàn Sâu vào tận ngọn nguồn Ngàn Trươi rồi đi sâu mãi vào dãy Trường Sơn xanh biếc một màu cây lá. Thời bấy giờ vùng núi non mà vài trăm hộ dân Đức Thọ lên khai phá còn là rừng nguyên sinh với tầng lớp các loài cây và đầy các loài muông thú. Toàn bộ dân làng mới đều từ những xã đông dân của huyện như Thị trấn, Đức yên, Đức Phong, Đức Bùi, Đức Quang, Đức Bình (Thái Yên). Có lẽ vì thế mà sau này xã mới được mang tên là Sơn Thọ (Người Đức Thọ lên Hương Sơn). Cuộc sống mới của cư dân đồng bằng lên vùng núi bước đầu gặp không ít những khó khăn. Riêng nhà tôi trong mấy năm đầu đã phải mất cho chúa sơn lâm một con bò mộng và một chú mực đẹp không tả hết mang từ dưới xuôi lên. Đêm đêm hổ về rình bắt lợn gà sát bên cạnh nhà, nhảy vồ cả chó ngay trước cửa. Vườn mía nhà tôi cách nhà chỉ chừng ba bốn chục mét đã không dưới hai lần bị voi về xéo nát. Những năm đầu đi khai hoang quả là những năm không hề yên với thú rừng, với thiên nhiên lạ lẫm, đáng sợ. Vậy mà bố tôi, Anh Chủ nhiệm, một mực nhận mảnh vườn sâu nhất, án ngữ nơi cửa rừng đầy thử thách với cái lí đơn giản của ông trước vợ con: Mình là chủ nhiệm, là đảng viên, mình cũng sợ, mình tránh khó khăn thì dân ai người ta chịu vào nơi “đầu sóng ngọn gió”. (Khu vườn nhà tôi là của bà con xã viên khai phá cho Chủ nhiệm vì thời kì đầu khi mọi nhà đã đi khai hoang thì bố tôi vẫn phải ở lại Đức Thọ chạy lo gạo thóc, chế độ cho mỗi gia đình; Lúc bấy giờ dân đi khai hoang chúng tôi được nhà nước cấp sổ gạo trong ba năm đầu và được khuyến khích bằng nhiều chế độ lương, thực phẩm khác). Vì thế, nhà tôi gần như ở ngay giữa rừng. Đêm đêm, tiếng chim Từ qui kêu nghe rõ mồn một, buồn não nề. Bà con dưới xuôi lên thăm, đêm đến là không dám ra khỏi cửa. Đến mức, mười năm sau, năm 1978, anh bạn vong niên Uông Ngọc Dậu đang học Đại học Sư Phạm Vinh đi cùng tôi lên chơi phải thốt lên: “Nhà anh có lẽ là cái nhà miền núi “núi” nhất. Em là dân biển, ra giữa biển khơi nhìn biển mênh mông nhưng không sợ, con người đứng trên biển. Còn đến đây thấy rừng mênh mông quá, to lớn quá…Con người lọt thỏm vào lòng nó!”.
Lần đầu tiên tôi lên vùng đất mới Hương Sơn là mùa hè năm 1968, khi vừa tốt nghiệp cấp 2 đang chờ chuyển thẳng lên cấp 3 do có thành tích được dự thi chung khảo toàn miền Bắc, không phải dự thi chuyển cấp như các bạn cùng lứa. Hồi này, thi tuyển cấp 3 là một kì thi mà cả phụ huynh và học sinh lo sợ nhất. Tốt nghiệp cấp 2 rồi chỉ khoảng một nửa dám dự thi cấp 3. Đi thi rụng như sung, một xã chỉ được khoảng chục đứa trúng vào lớp 8. Không còn vướng bận chuyện thi cử, tôi yên tâm chờ ngày tới trường mà năm ấy (1968) tỉnh Hà Tĩnh mở lớp năng khiếu Văn cấp 3 đầu tiên đặt tại trường Trần Phú kề Thái Yên quê tôi. Chưa bao giờ tôi được thư thái, “quên” chuyện học hành để đắm mình vào những ngày vui với “cảnh tiên” ở một vùng đất hoàn toàn mới lạ. Đó là kì nghỉ hè một đi không trở lại với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Giữa năm 1968, chiến tranh phá hoại của Mĩ bước vào thời kì vô cùng ác liệt. Từ nơi đạn bom gần như ngày nào cũng làm máu đổ với tứ phía là những nút giao thông rất nóng như cầu Đò Trai, ngã ba Lạc Thiện, phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, dốc Cửa Trẹm…thoát lên rừng núi Hương Sơn ít khi nghe tiếng máy bay vọng tới, tôi có cảm giác bình yên chưa từng thấy. Quê mới của tôi những năm chiến tranh tuyệt nhiên không có tiếng đạn bom, không có sự đe doạ đáng kể nào của thương vong, chết chóc. Hơn bốn mươi hộ dân từ đồng bằng lên với núi rừng trong khí thế “Đi! Ta đi, khai phá rừng hoang”; “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”…đã làm thức dậy cả một vùng núi non trầm mặc, hoang dã. Tôi thả hồn vào những trưa hè cùng lũ trẻ trong xóm hì hụp dưới vực sâu của con suối trong vắt chảy qua ngõ nhà mình đẹp như tranh vẽ. Từ một làng quê chật chội, chen chúc không kém gì phố xá như Thái Yên đến với đại ngàn Trường Sơn mênh mông có dòng suối trong suốt tận đáy, lượn lờ những đàn cá lấu, cá mát…chảy giữa đôi bờ cây cối um tùm, quả thật tôi sướng như lạc vào cõi tiên. Cảm giác thật tuyệt vời cho một thằng bé vừa 14 tuổi. Vì thế, cho đến tuổi 20, tôi yêu mảnh đất này bằng cả một tình yêu đắm say, hồn nhiên và luôn thấy bố mình rất đúng: “Quê mới của mình đẹp như cảnh tiên, con ạ!” Mặc dù, nếu tính một cách chi li thì thực ra số ngày tháng tôi sống ở đất Hương Sơn cộng lại nhiều lắm cũng chỉ chừng hai năm trời mà thôi (Mỗi năm 2 – 3 tháng hè của thời đi học và lác đác mấy kì nghỉ phép khi đã ra trường đi dạy).
Bắt đầu tuổi lớn lên lại là con nhà lao động, tuy có ít thời gian nhưng tôi đã làm việc một cách hăng hái nhất để giúp đỡ bố mẹ trong những ngày nghỉ ngắn ngủi với đủ mọi công việc nặng nhẹ. Đây cũng chính là thời gian tôi học tập được ở bố mình nhiều nhất tính siêng năng, cần cù và sáng tạo. Ông là một người lao động quá giỏi, làm gì cũng giỏi, đầy thông minh và chu đáo ít ai bì được. Nếu khi làm ở xí nghiệp mộc ông là thợ tột khung 7/7 thì giờ chuyển cầm cày, cầm cuốc nhiều người vẫn nói đùa ông là “nông dân siêu hạng”. Hồi học môn Kinh tế ở trường NAQ, tôi nghe một ông giáo kể chuyện này: Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Hoàng sai gom tìm trong cả nước xem còn được bao nhiêu thợ lành nghề. Các chuyên gia báo con số lên, ông vua của xứ sở Mặt trời gật gù: Nước Nhật vẫn còn! Và Thầy giáo chúng tôi nhấn mạnh: “Nhật Hoàng đấy, cách nhìn của ông ta đấy! Không phải là ai khác mà ông quan tâm trước hết đến đội ngũ Thợ lành nghề. Ngày nay, chắc các anh chị đều thấy, sản phẩm của người Nhật làm ra thế giới phải kính nể”. Không hiểu sao tôi thường cứ liên tưởng bố tôi với những người thợ Nhật Bản: Cái gì qua bàn tay ông đều thành những sản phẩm khó chê. Mà ông làm có “lí thuyết” hẳn hoi. Ông bảo chúng tôi: "Cái gì mình không muốn thì đừng đẩy cho người khác. Cái ốc vít của người ta vặn cái cũng sướng tay vậy mà người Việt Nam mình làm cái gì cũng dối, lạ thật!" Chỉ sau mấy năm khai hoang, khu vườn nhà tôi đã nổi tiếng trong vùng là khu vườn đẹp nhất. Bố tôi chính là người đầu tiên đã đưa giống Cam Bù vào vùng này và ngày nay Cam Bù Sơn Thọ đã trở thành đặc sản khá nổi tiếng của đất Hà Tĩnh. Hồi đi học thỉnh thoảng về hè, về tết tôi vẫn gặp nhiều người đến nhà tôi xem mảnh “vườn mẫu” ông Thu.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới